Trời vẫn còn hứa hẹn một cơn giông sau hai ngày gió lớn. Nắng chỉ kịp vàng ấm trong một khoảng thời gian ngắn ngủi buổi trưa. Đường sá vẫn còn nguyên dấu vết của những trận cuồng phong đêm trước. Chiều ập tới thật nhanh với những đám mây đen làm tối xầm cảnh vật.
Trong tình cảnh đó, ngôi quán vốn tối ẩm, lại càng tối ẩm và lạnh lẽo hơn.
Lúc tôi mở cửa cho Niệm bước vào, lòng ngôi quán như một nhà quàn xác mà, quan tài là những chiếc bàn dài xếp ngay hàng thẳng lối, ở hai bên vách tường xám. Bên phải, qua khung gỗ lớn, người ta thấy lờ mờ những nhạc cụ đủ loại, cái nằm, cái đứng, đổ vịn vào nhau, như một đám người chết đã lâu năm, chỉ còn trơ lại những bộ xương sau một cuộc động đất từ nhiều năm trước, vẫn đợi được chôn cất.
Niệm nói:
“Ta ngồi đâu anh?”
Tôi bảo đâu cũng được, trong lúc tay chỉ chiếc bàn gần sát vách tường nhà bếp.
Tiếng nói bất ngờ của Niệm khua động bầu không khí tịch mịch và làm giật mình những lớp bụi thời gian vô hình phủ đầy ngôi quán.
Sự khua động làm xuất hiện từ hành lang nhà bếp, một cô bé mà tôi chỉ thấy duy nhất đôi mắt linh động, trên khuôn mặt khô héo. Sự hiện diện của cô cũng đột ngột rơi vào im lặng như lũ bàn ghế.
Niệm ngồi day mặt về hướng cửa ra vào. Chút ánh sáng của ngọn đèn trong parking rọi qua miếng kính lớn, soi đến Niệm, làm sáng lên vẻ rạng ngời xa vắng.Vầng trán Niệm vẫn là điều khiến tôi chú ý nhất trên khuôn mặt từ nhiều năm qua, đã không được thấy lại. Ngoại trừ những lá thư viết từ ngôi chùa trên núi cao ở ngoại ô Đài Bắc, với những nét đặc thù của phương đông xa khuất.
Đời sống của Niệm thời gian đó, là những buổi sáng sương xuống ướt một bờ giếng. Những bữa trưa xanh trong một lối trúc. Những chiều vàng trong một phòng trai được kết bằng những lóng tre già vân vàng óng, lên nước thời gian... khiến tôi không hình dung được Niệm. Tôi không thể hình dung người-ni-cô-của-tôi đi lại, sống, thở, ăn uống, suy nghĩ, nhớ nhung, buồn bã... trong một khung cảnh xa lạ và mơ hồ như thế.
Chỉ biết thư của Niệm đã như một giòng sông êm đềm đẩy trôi tôi về với một Việt Nam lãng mạn quá xa, tựa như cổ tích!
Chỉ biết thư của Niệm như những lời thì thầm vọng lại từ một gác chuông nào. Và khi những tiếng chuông đã tan hẳn trong không gian tưởng tượng. Điều cuối cùng, còn lại, vẫn là một xót xa, một đau đớn, một ghen tuông, giận hờn, nghi hoặc.
Những ngày gió ở California, những trưa mưa ở Seattle, những chiều tuyết ở Portland, Vancouver, ở Alberta, tôi đã viễn vông nghĩ tới ngày đóng vai một Thiền sư, từ miền núi cao bước xuống. Gậy trúc trong tay, áo đà phất phất. Chân trần dẫm nát mặt đất phương đông - - Đứng lại bên một bờ giếng, bắt gặp người-ni-cô-luân-lạc, đang cúi mặt soi bóng mình trong một mặt gương biếc xanh, với chiếc khăn nâu che đi mái tóc ngắn, hở chiếc cổ nõn cùng những sợi lông măng dẫn xuống một giải lưng thon, hứa hẹn một vòng ôm đắm đuối...
Những ngày gió lớn trên đỉnh đồi Newport Beach, những đêm mưa San Francisco, những chiều thảm thiết kéo lê từng phút trong một vuông sân rất nhỏ ở Costa Mesa, ở Huntington Beach, ở Anaheim, ở Garden Grove, ở Fullerton, ở Santa Ana... hay những sáng như gương trong một quán càphê ở San Jose bên cạnh bằng hữu, tôi đã viển vông nghĩ tối lúc người ni cô luân lạc ngẩng mặt, nhìn lên và, trong đôi mắt thơ ngây đã chín nẫu những mùa trái đau thương quá khứ; hình ảnh mẹ già, thấp thoáng.
Đâu đó, trong mắt lạc loài kia, những câu thơ nói về một tình bạn, nói về một ngọn núi, nói về một nghĩa trang, hay hốt hoảng chìm sâu một tình yêu ủ quá ngày và, chất men trở thành chua, loét... Tôi viển vông nghĩ tới hình ảnh một thiền sư ném gậy trúc, trút đạo y, thả buông tất cả: Tuổi tên, hình tích, sự sống, để chỉ còn biết đôi tay mở rộng và người ni cô ngã vào - - Như ngã xuống một vực thẳm êm ái. Một chiếc nôi đã mục rã khát khao.
Tôi đã viển vông nghĩ tới những giọt lệ ứa ra từ đôi mắt chất đầy Sài Gòn. Chất đầy Đà Lạt của Niệm, khi tôi cúi xuống. Hôn nàng.
Niệm nói:
“Em đem về cho anh một ngọn lửa”.
Tôi lắc đầu:
“Anh thích vầng trán em”.
“Nhưng đừng nói với em... giống như một người nào đã ở cùng anh từ quá khứ”.
Tôi gật đầu:
“Ừ. Không. Ta sẽ có một buổi chiều trên ngọn đồi nghĩa trang. Nơi mà Biếc trong ‘Kiếp khác’ đã sống, cùng ông Mậu”.
Tôi châm điếu thuốc đầu tiên bằng ngọn lửa được Niệm đem về, như một kỷ niệm từ phương đông huyền hoặc đó.
Tôi đăm đăm nhìn ngọn lửa, chợt nhận ra câu nói mình chẳng ăn nhập gì đến điều Niệm muốn cảnh giác.
Tôi mỉm cười trong khi bên kia ngọn lửa, chiếc mũi nhọn của Niệm hếch lên, như đôi cánh mỏng của một búp hoa muôn đời không nở hết.
Tôi muốn bảo Niệm: Cho anh cắn lên chiếc mũi đó, mỗi lần trước khi anh hôn em. Đôi môi với những đường cong vẽ thật rõ hình của một phần trái tim. Nhưng tôi im lặng. Tôi không muốn Niệm thấy tôi đang choáng váng, hay thảng thốt trong gặp lại này.
Có dễ tôi đã phá được thói quen nói thật và nói thẳng, những ý nghĩ của mình trước mặt một người con gái. Kinh nghiệm cho thấy sự không thành thật khi phát biểu về một nhan sắc của một phụ nữ, sẽ làm đẹp lòng họ lúc đó, nhưng sau đấy sẽ đầy vất vả!
Chẳng cần ai khen, người phụ nữ nào, thâm tâm cũng đã tự thấy mình đẹp. Luôn cả người vốn không được coi là đẹp.
“Niệm nhớ mẹ ghê nơi. Niệm nhớ Đài Bắc, Niệm nhớ chùa. Niệm nhớ... nhớ cuốn nhật ký của Niệm”.
Bỗng không Niệm nói một hơi những nhớ nhung của nàng, Tôi chờ đợi trong xâu chuỗi nhớ nhung kia, sẽ có phần tôi ở đó. Nhưng tôi nhầm. Niệm chỉ nói tới việc Niệm nhớ cuốn nhật ký của nàng mà thôi. Rồi cũng bất ngờ niệm nói:
“Niệm mập quá phải không anh?”
Tôi buột miệng:
“Niệm xinh hơn trong chờ đợi của anh”.
Niệm cười. Cô bé trong bếp đem ra hai ly nước. Cũng như lúc xuất hiện, cô lặng lẽ như chiếc bóng, khuất vào phía trong.
Tôi thắp ngọn-lửa-Niệm cho tôi.
Bên ngoài, buổi chiều xám ngoét và mệt lả như một người bệnh đã kiệt sức, mặc dù cơn giông chờ đợi vẫn chưa kéo tới.
Niệm nói những ngày ở Đài Bắc thấy gần làm sao quê hương! Muốn về ngay, Saigon. Tôi bảo đừng viển vông nữa. Ở đâu cũng gần quê hương hết. Nếu nghĩ được quê hương vốn sẵn trong máu của mình và người khác.
Niệm nói vừa về tới đây, Niệm đã nghe khá nhiều tin về kháng chiến. Nàng hỏi:
“Liệu có hy vọng gì không anh?”
Tôi đáp:
“Mọi người đã hỏi lẫn nhau câu hỏi đó”.
“Tại ai cũng mong mỏi?”
Tôi nói:
“Sao không hỏi nhau: Mình đã làm được gì cho kháng chiến mà chỉ chờ đợi những gì mình muốn”.
Niệm cười ròn:
“Anh định tuyên truyền Niệm đấy hả?”
Tôi cười theo:
“Ừ. Tại anh biết không thể tuyên truyền được ai, ngoài Niệm”.
“Vậy thì anh sẽ thất vọng”.
Tôi gật:
“Cũng đành”.
Chợt Niệm nghiêm nét mặt:
“Có phải đó là tất cả ý nghĩa của buổi gặp mặt này, giữa chúng ta?”
Tôi hỏi lại:
“Bộ anh chỉ cho Niệm một ý nghĩ đó thôi sao?”
Niệm lắc đầu:
“Không. Nhưng gặp lại, thấy anh gầy và xanh quá. Anh liệu... đấy”.
“Điều quan trọng là Niệm có cảm được điều gì hơn thế?”
Niệm lắc đầu.
Tôi tiếp:
“Vậy thì không phải chúng ta gặp lại nhau sau bao năm, chỉ để nói một chuyện ấy. Nhưng tỷ như đời sống ở đầu dốc, em có đủ sức leo lên?”
“Niệm nghĩ phía trước là vực thẳm”.
“Cho nên...?”
Niệm im lặng. Tôi hiểu điều khó diễn tả nơi Niệm. Tôi có thể đoán được câu trả lời. Nhưng tôi vẫn muốn Niệm nói ra. (Ai cũng vậy, chẳng riêng gì tôi?)
Chưa muốn câu chuyện phải sớm rẽ qua lối khác, tôi hỏi tới:
“Liệu Niệm có dám bước?”
Niệm cười bằng đôi mắt đẹp mà tôi không muốn khen:
“Thí dụ Niệm không?”
“Anh sẽ xô Niệm ngã xuống”.
“Còn anh?”
“Vẫn đứng trên bờ vực”.
Niệm thở ra:
“Niệm đã ở đáy vực một mình từ lâu, dù anh chưa xô Niệm xuống”.
Giọng Niệm nặng, như mang theo cả một cơn mưa. Dường đó không phải là điều mới mẻ, mà chỉ là tiếng vọng từ nhiều năm trước, nay mới dội vang về tới tôi, trong chỗ ngồi giữa buổi chiều này.
Tôi đặt tay lên tay Niệm trên mặt bàn. Rất thành khẩn, tôi nói:
“Anh muốn hôn Niệm”.
Niệm nhắm mắt. Chúng tôi cách nhau một mặt bàn. Và những ly nước hai đứa chỉ mới nhấp môi.
* * * * *
Tôi đưa Niệm đến nghĩa trang trong lúc cổng vào đã bị chặn bởi một dây xích dài móc từ cột sắt này qua tới cột sắt kia. Bảng “stop” treo lủng lẳng giữa đoạn xích võng xuống. Miếng bảng bị gió liếc qua liếc lại mặt đường tráng xi măng, tạo thành những tiếng kêu ê răng.
Chỉ còn cách duy nhất: Đậu xe vào bãi dành riêng cho nhà nguyện.
Không gian im vắng. Không một vẻ gì cho thấy có hoạt động. Có thể nhân viên, ngay đến những chậu hoa, những bức tranh cũng đang thiếp chìm trong một bài thánh ca cầu nguyện sớm, cho những người sẽ đến vào sáng mai, lúc bình minh vừa ló lên tự mặt biển.
Tôi chỉ Niệm thấy ngôi nhà mái nhọn, ngói đỏ, nằm vắt ngang hai ngọn đồi, trên một doi đất nhô cao chặn ánh mặt trời đã xuống phía bên kia sườn đồi thấp.
Niệm hỏi người ta làm gì trong dãy nhà kính đục đó? Tôi nói họ đốt thành tro những người chết không muốn chôn vì ngại tốn kém, gây phiền cho người ở lại.
Niệm cười bảo nếu chết, nàng muốn được chôn hơn là bị đốt thành tro. Tôi hỏi:
“Như vậy, Niệm chưa xứng đáng là một công dân Mỹ”.
Niệm vẫn cười:
“Niệm là loại người thích bắt chước theo Mỹ lúc sống và muốn chết theo kiểu Việt Nam”.
Tôi bảo:
“Chết rồi, Niệm đâu còn biết gì nữa”.
Niệm lắc đầu, lý luận rất con nít:
“Nhưng mà Niệm vẫn sợ. Người ta có thể không sợ phải chết nhưng lại sợ cách chết...”
“Anh đang lần bước đến với cả hai”.
Niệm nghiêm giọng:
“Anh tầm bậy”.
Theo lối đi bên hông dành cho người đi bộ, tôi dẫn Niệm ngang qua một vườn hoa hình tròn, trước khi con dốc dẫn dần lên tới đỉnh một ngọn đồi có khá nhiều những cây cổ thụ lùn xủn. Vỏ cây màu trắng như vỏ đa, nhưng lại có những bông hoa to, đỏ rực như hoa gạo.
Chúng tôi đi giữa những mộ bia nằm sát mặt đất với đầy đủ tên tuổi, ngày sinh và ngày chết. Hình như thói quen trật tự cũng được áp dụng nghiêm chỉnh tại đây. Trẻ thơ một khu. Người lớn một khu. Chỉ không biết rõ một điều, người ta có phân biệt kẻ đã hay chưa có gia đình mà thôi.
Cuối cùng chúng tôi leo lên đến đỉnh đồi, nơi có một vòi nước lúc nào cũng chảy rỉ rả, giúp cỏ mọc rất cao chung quanh.
Tôi bảo Niệm:
“Ngồi xuống đây với anh”.
Niệm ngập ngừng. Nàng quay nhìn con lộ vắt ngang hông khu nghĩa trang.
“Anh đã nằm ở đây rất nhiều buổi trưa. Đừng ngại...”
Tôi nói, Niệm lắc đầu. Nàng bảo không phải thế và khép nép ngồi xuống.
Biển dưới tầm mắt chúng tôi. Buổi chiều cũng mang màu xanh thẫm của thủy triều.
Tôi ngả lưng, dùng hai khuỷu tay chống ra sau làm cái giá đỡ cho chiếc lưng khỏi ngã hẳn xuống mặt cỏ. Gió chạy trên đầu, ngang qua hai ống chân.
Không như trước đây, lần này trở lại nghĩa trang, tôi chỉ thấy tâm hồn trĩu nặng.
Một điều gì giống như mất mát hiện ra rất rõ. Một sự gì giống như điều tôi muốn quên, muốn chôn vùi (ít ra trong lúc này) đã trở về ngầy ngật, lảo đảo, choáng váng thần trí tôi. Tôi muốn hát thầm một câu, hay một đoạn nhạc quen thuộc nào đó. Nhưng đầu óc tôi cũng giống như buổi chiều, đã đen xanh thủy triều.
Niệm dường cũng đang bứt rứt. Nàng muốn xóa đi (hay tìm kiếm) một điều mới mẻ?
Niệm lơ đãng nhổ những lá cỏ quanh mình; bỗng lên tiếng:
“Niệm hiểu tại sao anh đến đây”.
“Phải Niệm muốn cho anh biết, Niệm biết nhiều điều hơn anh tưởng?”
Niệm lắc đầu:
“Không, Niệm chỉ muốn nói, Niệm hiểu mối liên hệ giữa anh và nơi chốn này”.
“Và Niệm đã...”
Niệm cướp lời:
“Không!”
Có thể Niệm đoán sai điều tôi muốn nói. Tuy nhiên tôi không chắc lắm. Tôi thăm dò:
“Không gian hay nơi chốn chẳng mang một ý nghĩa gì đó, nếu nó được ràng buộc bởi kỷ niệm. Nên kẻ nào lạnh nhạt được với nơi chốn, kẻ đó sẽ vô cùng hạnh phúc”.
Niệm đổi thế ngồi. Nàng bó gối. Nhìn từ phía sau, những đường cong lưng Niệm khiến tôi không thể cầm lòng.
“Hạnh phúc chỉ có từ kỷ niệm. Như bông hoa chỉ có thể có từ một giây, cành nào đó”.
Niệm nói. Tôi nhớ lại một đoạn trong lá thư sau cùng, Niệm viết về một buổi chiều hình dung sẽ có trong nghĩa trang. Buổi chiều mang tên Biếc. Buổi chiều mang tên ông Mậu.
Niệm tiếp giọng mạnh dạn, cương quyết:
“Niệm muốn sống hôm nay, để ngày mai sẽ là kỷ niệm”.
“Dù cho nó có là một sâu chuỗi buồn rầu?”
Niệm gật đầu:
“Vâng. Dù cho nó có là một sâu chuỗi những buồn rầu. Tại sao người khác có thể, mà Niệm lại không thể?”
“Ai?”
“Cô Biếc. Thí dụ”.
Niệm trả lời nhanh. Tôi bật cười, kéo vai Niệm.
Niệm ngã xuống. Nàng buông lỏng đôi tay bó gối; rơi nghiêng vào lòng tôi.
Tôi nói:
“Có lẽ cuối cùng, anh là người ngu xuẩn nhất”.
Niệm hỏi tại sao. Tôi đáp, vì tôi không tin tình yêu có một ngày sẽ hết. Tất cả những người đi đến đời tôi, rốt cuộc ai cũng ra khỏi cái tình yêu đó, để đổi lấy một số tiện nghi vật chất, hay cái vỏ ốc tinh thần.
“Niệm rồi cũng thế mà thôi”.
Không hiểu tại sao tôi lại chọn Niệm để bày tỏ điều đó. Tôi nghĩ Niệm không thể hiểu điều tôi muốn nói. Khi nhận ra sự vô lý của mình, bỗng không lòng tôi thắt lại.
Tôi nhớ Tước. Nhớ những ngày mưa sũng nước Saigon. Nhớ đêm xa lộ. Nhớ chiều Hàng Xanh. Nhớ tối Thị Nghè. Nhớ trưa Hồng Thập Tự. Nhớ người thảng thốt cơn mê, tiếng chim tiền kiếp ngõ về hư vô.
Niệm nói:
“Niệm có thể làm được gì cho anh?”
Tôi nhìn Niệm biết ơn:
“Niệm cho anh buổi chiều nay, thế này đã là quá đủ. Anh thường tìm đến đây một mình. Một mình với những mộ bia. Với một phần thịt xương anh đã tan rã dưới cỏ. Và không còn ai nhớ nữa...”
Tôi muốn bảo Niệm, cho tôi khắc lên vầng trán của Niệm con-dấu-đời-tôi chỉ còn một mặt. Không phải là mặt thiên đàng mà, là mặt địa ngục, rực rỡ. Nhưng khi bàn tay Niệm chạm lên mặt tôi... Tôi rùng mình. Lòng nhũn lại.
Tôi tự nhủ:
- Quê lắm. Đừng khóc nhé.
Du Tử Lê
Du Tử Lê