văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, November 15, 2012

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * HỒ CHÍ BỬU, KẺ LÃNG BẠT NGAO DU TRẦN THẾ (*)

                         
          Để có được cái nhìn sâu thẳm và bước đi trên thơ của Hồ Chí Bửu, quả thật tôi chọn gần 7 tựa đề để mô tả sát sao nhất biểu tượng cuộc hành hương kỳ diệu, mà nhà thơ đang lướt thướt biến ảo trong cơn mộng thi ca. Quả tình, chỉ có chữ ngao du trần thế của một kẻ lãng tử mà Võ Tấn Cường gói gọn như một dấu ấn, là tôi coi như ngôn từ đắt địa, để mô tả mọi tư hướng lãng bạt bùng cháy một cách quỷ quái trong quan điểm thơ Hồ Chí Bửu. Cách thức lập trình một quan điểm nghệ thuật của nghệ sĩ, phải chăng được bao quát bằng một khối óc đầy tinh huyết, hầu sáng tạo được khung trời riêng biệt cho chính nơi cư trú thiên hình vạn trạng của tha nhân. Người ta thường đứng núi nầy nhìn cảnh quan lập thể của cao sơn khác, nên sự thiên kiến giữa nhận định đối tượng quả tình mang nặng tư chất cục bộ. Nếu một vườn hoa chỉ đầy rẫy một sắc hoa như một sự trùng điệp của sự vô tính thì nghệ thuật là cái vất vưởng cô hồn, không tinh khí, nghèo nàn bằng những phục trang tiền sử thô kệch, lạnh lùng. Như thế, thì còn phân biệt làm gì giữa cõi vĩnh cửu và cái nhất thời, cũng như lập dựng một thế giới chỉ bằng những hình ảnh robot, cứ lập lòe tư tưởng bằng những phản xạ của con chip vô hồn, đã có phân biệt gì nhau. Hoa thì phải có hương và ngan ngát muôn loài tung nhụy vàng rực rỡ khắp cùng không gian sinh hóa. Đâu nhất thiết một cọng cỏ rêu xanh nhòe mình làm lung lay được một ánh trăng vàng, cũng như đâu nhất thiết vầng trăng phải soi mình cho cỏ dại phiêu linh. Tất cả đã có sẵn chan hòa trong vũ trụ mênh mông, tự nhiên mà hằng hiện hữu, vì nghệ thuật hóa sinh bằng tư hướng cơ địa nguyên khai của kẻ ngao du. Trăng có bày tỏ gì đâu, cỏ có thì thầm gì đâu, mà người nghệ sĩ cứ phải oằn mình lưu đày cho trọn kiếp sơ nguyên. Mỗi cá thể đều chiêu nghiệm cho chính bản thân mình, không thể vay mượn hình hài hay hơi thở của chung quanh làm lẽ sống. Cái bất chợt không tương ngộ trong sự sáng tạo của mọi tha nhân, đều là cái hữu tình thuần túy, tự nhiên mà có được trong cơn mộng nghệ thuật. Chính vậy, vườn hoa mới chao nở vun đầy bằng vạn sắc hoa. Tinh hoa của mỗi loài mỗi khác, cách biệt nhau như một cá tính siêu việt riêng lẻ, lập dựng cho mỗi loài một thế giới riêng tư, kỳ bí như chính bản ngã hóa thân. Thơ của một thi nhân, cũng chính là sự hóa thân diệu hoặc như vậy, nên cái riêng của từng thần hồn đã lập dựng được cả một thế giới sinh diệt quanh ta…
          Hồ Chí Bửu, vẫn có cái ngạo nghễ của một kẻ sáng hóa, dù có những lúc vung tay quá trán. Nên đang bay lượn hạo nhiên giữa vùng sinh thực khí sung mãn thi ca, thì bỗng như tia chớp cân đẩu vân vòng vèo bước ngang lối sống. Mây gió tuôn chảy không theo một định số nên thơ anh chu du lắm lúc như tình cờ nhỏ giọt xuống từng con chữ một cách kỳ hồ, làm nhuộm đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng, không yên ổn được uy dũng mà hồn thơ sẵn có. Hồ Chí Bửu nặng nề một kiếp tài hoa, dầy đặc công lực để đưa đẩy thời gian không gian thơ đi vào một lối quang hóa riêng biệt, mà có lúc đọc thơ anh, tôi có cảm giác như phiêu lưu biến hóa chữ nghĩa trong những cơn mộng phù ảo của văn nghệ, có khác gì muốn rập khuôn với những hình dáng phù thủy ngôn ngữ của Bùi Giáng, Nguiễn Ngu Í, Nguyễn Đức Sơn… hay gần đây là một Bùi Chí Vinh trí tuệ đầy thông minh hoa dạng phù phép ngôn từ, cho cuộc hí trường nầy đầy ý sáng hóa, bay nhảy. Thơ Hồ Chí Bửu tung tăng sắp đặt, ngạo nghễ, phiêu bồng…loang loáng trên bề mặt của con nước thủy triều phủ đầy mầm xanh bèo dạt, nhưng nếu đi sâu vào chiều lặn của thơ anh thì những bi kỷ hoang vu của thân phận lúc nào cũng bám víu cuối cùng, như chợt nói lên điều gì chua chát bên góc đường ta ngồi nhặt hoa rơi. Mặc dù, khi thơ phát tiết, cái hơi thở phán xét bao giờ vẫn đầy nét tưng tửng cuồng nhiệt bộc phát như một cái khuynh khoái của một dũng sĩ, vừa tuốt gươm bay lượn công phu, đánh vèo vào không gian những tiếng sấm vỗ đầy hoang sơ. Phút giây bày tỏ của thơ đi, hầu như mươi lần như một, nỗi trằm mặc của hàn sĩ đều được bỏ rớt những quan hoài quy ẩn : hai mươi tuổi đã quá lỳ/ giang hồ tứ chiến thứ gì cũng chơi/ cho đi chẳng biết lỗ lời/ phút giây tàn cuộc-đến hồi trắng tay.
          Nhiều lúc đọc thơ Hồ Chí Bửu, nếu được ban phát trong những cuộc rượu tàn canh, vun vẫy đầy sinh khí của bằng hữu anh em ngâm nga từng đoạn thơ anh như giây phút vắt hồn chiêu sinh, có lúc ngôn ngữ bật dậy bất ngờ làm sững sốt cái ngông cuồng khinh khoái, chen lẫn trong ý nghĩa quái dị như vừa mới phun trào từ kẻ hở phún thạch cổ đại. Thơ vừa mới ám đầy những dòng chữ xét nét trào lộng, bỗng chốc cuối câu đã vương vãi tự kỷ, quay ngược lại nội tâm trầm cảm, bơ vơ : vào blog như thăm khu vườn lạ/ có hoa chanh hoa bưởi hoa hồng/ có chim phượng chim oanh và chim cú/ có kỳ đà cắc ké lẫn kỳ nhông/ ta rất muốn sửa mình cho đúng đắn/ nhưng sao thơ cứ mai mỉa bất cần/ suốt đời ta chưa một lần may mắn/ chùa khép rồi còn vọng tiếng chuông ngân…
          Trải qua một định số của kẻ làm thơ, Hồ Chí Bửu cũng là nhân vật kiên trì và thủy chung với con đường nghiệp dĩ. Đằng đẳng hơn 40 năm nay, nhà thơ vẫn bước đều trên hướng đi định sẵn, dĩ nhiên cái thuận lợi có, cái hư hoại có, tất cả như trò trêu cợt của gió bụi giăng mắt bám víu đằng đẳng gót chân lãng bạt. Theo thói thường ai dám khẳng định rằng cái thuận lợi là hoàn chỉnh, cái hư hoại là sai lầm ? Mọi vật thể đều chan hòa trong tứ đại, đất nước lửa khí, hay nói gọn gàng hơn theo triết ngữ phương Đông, nhận định hoằng hóa, xê dịch trong nguyên lý âm dương. Lưỡng nghi cũng là một cân bằng đối lập, đưa đẩy biến hóa vọng tưởng của loài người trong cõi hồng trần tạm bợ, bước đến ranh giới bỉ ngạn. Làm sao lấy quan điểm cực đoan của chính một cá thể tiểu vũ trụ lẻ loi riêng mình, làm thước đo cho một mắt xích thiện mỹ, tốt xấu, mà phê bình tư tưởng và thần trí người khác. Cách đây cũng gần 2 năm, sự chênh lệch của một kẻ sĩ gối đầu trên những thành công mông lung về khuynh hướng nghệ thuật của riêng mình, xem vũ trụ nghệ thuật chỉ còn là vườn hoa đơn sắc, độc tôn hậu hiện đại, xóa hết công trình văn học và những dòng sinh khí lý triết xa xưa, để bước vào con đường chẻ nhỏ ngôn ngữ, như là một sự giành giựt trí não và sáng tạo. Đường đi thì còn xa thẳm, tương lai của thuyết tân lập còn phía trước, vời vợi…
          Kẻ trầm tĩnh vẫn phải là nhà thơ, gánh trên vai những quan niệm sáng tác riêng mình, thản nhiên đối mặt nhu cương, cũng như Thiền Sư Nam Tuyền chỉ bông hoa bừng nở trước sân : “ Người thời nay nhìn hoa không như hoa mà như mộng”. Thì thôi, cứ như Hồ Chí Bửu phủi chân ngồi xuống chiếu/ làm với nhau xị mốt xị hai…cái bất chợt tai bay vạ gởi lần đó của Hồ Chí Bửu khiến tôi vạ lây, nhưng bỗng nhiên tĩnh tọa lại, vì biết rằng trăng gió (hay nghệ thuật) là của trời đất, không phải của báu riêng ta. Thành quả mới khẳng định trọng đại cho sự thành công nhiều ít của hướng tới. Chính vì vậy, kẻ lập ngôn và tín hữu, muốn chỉnh chu tiếng nói lập trình hệ thống văn học mới không bị khập khễnh, trên bước phiêu du chưa định hình chính thống, điều tối cần thiết là họ phải thông thấu xuyên suốt tư tưởng lập dựng các lý triết khác trong mấy thiên niên kỷ trôi qua. Vì vậy, ý kiến của cái mới và cái cũ, vẫn tạm được phân chia một cách chủ quan, và thiên kiến sẽ làm sai lệch thảm thương chủ hướng sáng tạo nghệ thuật. Nhiều lúc, tôi hiểu nhiệt huyết và tâm thức của anh em, năng nổ bay nhảy trên bước đường sáng hóa của một không gian mờ ảo của nghệ thuật, đôi lúc cũng cực đoan bằng lòng hoặc chối bỏ tư tưởng khác, dù đó là khóm hoa mẫu đơn tinh khiết đang rung rinh sinh khí bên hàng rào lãng đãng sương mai. Cái đẹp của Chân Thiện Mỹ không chỉ có một, mà hằng hà sa số tinh quang lấp lánh làm diệu kỳ thêm cho kiếp sống.
          Có lúc Hồ Chí Bửu bước đi bằng trái tim vô quái ngại, trên một không gian nghệ thuật kỳ ảo quen thuộc của chính mình, nên ý kiến của anh về Thơ đôi lúc khiến tha nhân phải phân vân. Túi thơ nặng trĩu suốt cuộc hành trình hóa sinh cho riêng mình, khi mở ra trưng bày trong trời đất bằng tất cả chân thật, thì chắc chắn nhà thơ biết rõ mình là ai, làm gì và dĩ nhiên bảo vệ được quan điểm mình đã bước qua trải nghiệm, giúp cuộc soi bóng kỳ thú với nghệ thuật, biểu lộ đầy đủ chất người…Đích tới gần hay xa, cỏ hoa hay gai góc, dĩ nhiên còn nằm riêng vất vưởng cô độc trong thế giới mà nhà thơ đang dìu bước thơ đi, chiêu niệm lại bản sắc đầy tịch liêu, chắc hẳn để thấy lòng mình đỡ quạnh hiu.
          Vùng đất địa linh biên cương Tây Ninh, không gian thơ kỳ thật có nét u trầm phưởng phất lãng bạt của bóng dáng đạo sĩ thỏng tay bước vội giữa kẻ đời, giữa bao ngát núi rừng lất phất mùi trầm hương đẫm ngát sự tuôn chảy cho nhiều dòng thơ tài hoa kỳ thú. Lắm lúc, tôi có cái nhìn so sánh vùng huyền mặc Tây Ninh với quê tôi vời vợi tiếng gió núi đầy mặc khải của cụm Thất sơn bao ngát sấm giảng. Hình như cả hai bao trùm trong một tinh hoa hựu huyền vượt thoát gần tương đồng mọi mặt : âm dương diệu hoặc của cuộc đất, khí lực bát ngát phủ đầy trên ngõ tới của quê hương…Trước 1975, lớp trẻ văn nghệ mang đầy nhiệt huyết, tạo lập nên một khuynh hướng nghệ thuật, lăn xả vào những cuộc dấn thân trước cuộc chiến tranh đang phủ đầy ngõ ngách quê hương. Tiếng nói và lương tri người làm văn nghệ, là ngọn đuốc góp phần soi sáng cho tiếng nói văn học nghệ thuật miền Nam. Ngoài các nhà văn lão thành như Từ Trẩm Lệ, Trường Anh, Phan Phụng Văn, Huỳnh Phan Anh… anh em văn nghệ trẻ hơn như Trần Thy Dã Tràng, Sa Chi Lệ, Hồ Chí Bửu, Điệp Thuyên Ly, Nguyễn Quốc Nam, Vũ Anh Sương, Vũ Miên Thảo, Hồ Thi Ca, Khaly Chàm…cũng lập dựng được cho văn nghệ vùng đất nầy một sức sống mãnh liệt. Hồ Chí Bửu gắn chặt với văn nghệ Tây Ninh, bằng tiếng nói của tờ tạp chí Biên Giới, nhưng khi tập san Động Đất ra mắt, cùng với sự gánh vác của Sa Chi Lệ, thì Động Đất là chỗ đứng bề thế hơn, góp mặt nhiều cây viết tiếng tăm của miền Nam.
          Sự say mê kiên trì bay nhảy trên sáng hóa văn hóa văn học nghệ thuật, Hồ Chí Bửu với một bề dầy văn nghệ bao năm phiêu bạt, nên sự hòa quyện sâu sát với cuộc đời và chữ nghĩa đã là dấu ấn trân trọng cho nhà thơ, suốt hành trình hòa âm trong cuộc lữ. Bởi lúc nào cũng hòa quyện trong thơ, như một thánh hóa cuồng nhiệt, nên nhiều lúc thơ Hồ Chí Bửu nghênh ngang ngẫu hứng, như bạch mã (phi mã) chưa kìm được yên cương, nhiều lúc muốn xoay đầu về núi, về chôn đất hứa/ rớt lại nơi đây một chút ngậm ngùi/ mà ước mong ngồi bên ngày tháng đếm sầu trên lá/ còn lại gì ngoài mấy vần thơ. Cái định hướng huyễn hoặc nhào lộn giữa một không thời gian mênh mông, hình như để thỏa chí bạt ngàn, không chấp nệ ý hướng, sự buông thõng nhiều lúc làm xáo trộn cái tịnh yên của thần trí, cái bốc đồng quang quả, khiến thơ hồng hộc đầy hơi thở nghịch ngợm trong nguyên lý đối chiếu, tầm chân : quá buồn nôn trước cái trò chữ nghĩa/ kẻ hứng người tung trông thật tức cười/ ôi nghưỡng mộ với mấy con trâu đỉa/ giữa rừng già mà dỡ thói đười ươi.
          Thơ Hồ Chí Bửu nhiều bất chợt kỳ lạ, không định hướng trước được, phải chăng thơ đến với anh cũng chớp nhoáng như những ngôn ngữ đã bộc phát thành thơ ? Hồ Chí Bửu có lẽ làm thơ rất nhanh, nhỏ giọt thành thơ, và sự hoàn chỉnh bài thơ chắc nhà thơ cũng ít chu toàn, chỉnh sửa. Hình như thơ tự nhiên đến, và tự nhiên đi, thanh thoát vô cùng cho nẻo đi – về, tung tăng bay nhảy không rào đón, nên nhiều khi bằng hữu chỉ thấy mặt nổi của bài thơ, vì cái ngông cuồng phiêu bạt lướt thướt dày đặc chính diện. Phóng túng, lý sự, đùa cợt trước cửa hạo nhiên, nhưng thật sự Hồ Chí Bửu còn nhiều ẩn ức, đầy nổi u buồn miên viễn, thấm ngầm giữa hồng tâm. Tung hứng trong thơ Hồ Chí Bửu, có phần nào trừu tượng diệu hoặc, mà giữa chữ nghĩa lý thú tung tăng đùa giỡn có nét thông thái đầy phá phách.. Nhưng khi tôi lặng lẽ chong ngọn bạch lạp, soi lại mặt lẫn khuất, chìm lắng trong dòng thơ anh, tại sao trăm lần như một, mỗi câu kết trong từng đoạn thơ lãng bạt của Hồ Chí Bửu vẫn hát hò mà nước mắt rưng rưng. Cái buồn cố hữu, quả thật đã thấm đẫm từ nguồn cội trải dài suốt 5 thi tập mới nhất, được Hồ Chí Bửu xuất bản từ đầu thiên niên kỷ nầy.
          Tôi hiểu Hồ Chí Bửu, ngoài cái chịu đựng của một kẻ lữ hành, đang cô độc ôm thơ bay lượn ngạo nghễ lang bạt, đầy kẻ ghét người thương, nhưng chắc chắn cái không gian thơ đầy rẫy phù sa sông núi, khí thiêng cố thổ, vạch riêng cho một hồn thơ khung trời sinh hóa, bất khả xâm phạm, thì thế tục thường tình xin hãy ngẩn ngơ ! Bên cạnh cây bạch lạp vừa soi, bóng dáng kẻ lang bạt ngao du trần thế, vẫn làm chau đi ngọn gió, hàng hàng câu thơ vừa hát được ra lời…
                                                               
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
                                                         
(*)Trích trong tuyển tập TÁC GIẢ TÁC PHẨM- NGƯỜI ĐỒNG HÀNH QUANH TÔI 2 của NGÔ NGUYÊN NGHIỄM-