Thưa bạn,
Dường như mỗi khi có ai đó nhắc về một vùng đất, một làng quê, hoặc một thành phố nào đó để nhớ là nỗi nhớ ấy được tích lũy lại từ những kỷ niệm, những ký ức mà người ấy có lần được ghé qua rồi có khi phải sống lại nơi chốn ấy năm ba ngày, năm ba tháng hoặc lâu hơn chút nữa là năm ba năm, hay lâu hơn nữa;nhưng chắc chắn một điều là nỗi nhớ ấy phải chín muồi, phải khắng khít, phải tha thiết để rồi người ta mới có dịp ngồi xuống tâm sự cùng bạn về nỗi nhớ của họ về những ngày xa xưa ấy mà họ đã ở đó một thời!
Riêng tôi, tôi cũng vậy! Như bạn biết tôi vốn là một đứa học trò làng, vốn tôi được song thân tôi sanh tôi ra ở làng quê heo hút và lớn lên ở vùng quê, nên từ thuở nhỏ tôi không biết một chút gì về Sài Gòn. Rồi đến khi các lớp cấp sơ đẳng tiểu học, rồi cấp tiểu học ở dưới quê mà tôi theo học đã hết lớp thì Tía má tôi rán nhín nhút cho con lên tỉnh đi học tiếp thì tôi lui cui lên tỉnh học. Lúc đầu học các lớp đệ nhứt cấp, rồi lần hồi bò lên các lớp đệ nhị cấp,rồi thi tú tài 1, tú tài 2, rồi học nghề, rồi cưới vợ ở Sài Gòn, rồi có lúc làm cu li ở Sài Gòn nhưng bản tính nhà quê của tôi không hạp với nếp sống nhanh nhẹn, ồn ào của Sài Gòn thế nhưng ngày nay, khi tuổi già lần hồi bò lên hai vai gầy dường như cũng hơi khá nặng, nên nhiều lúc ngồi nghĩ lại những ngày còn nhỏ, chợt dưng tôi lại nhớ về Sài Gòn!
Đối với riêng tôi, trước nhứt nhớ Sài Gòn là nhớ những con đường có lần mình đã đi lại mỗi ngày. Hồi xa xưa ấy, cách nay có tới ngoài sáu chục năm, lần đầu lên Sài Gòn là tôi nhớ lần ấy ông anh thứ Năm của tôi vừa gắn Alpha (Khóa 7 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị, năm 1957)ở Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức xong là ảnh về tuốt dưới quê chơi. Lúc bấy giờ còn thanh bình, nên ban đêm xe đò vẫn chạy suốt đêm từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây và ngược lại, không phải lo sợ gì. Khi gần hết mấy ngày phép gắn Alpha, anh tôi dẫn mấy đứa em lên Sài Gòn.Lúc bấy giờ Sài Gòn đối với tôi hồi đó là cả một thế giới văn minh mới lạ bất tận…
Đêm hôm ấy, dường như ông anh tôi mướn một phòng ngủ vùng chợ Cũ, sau này tôi lớn lên chút nữa, tôi mới biết khách sạn ấy thuộc vùng quận nhì hay quận nhứt Sài Gòn, đâu khoảng khúc đường Hàm Nghi hoặc Nguyễn Công Trứ chỗ có món cháu cá nổi tiếng một vùng!
Sau này, khi lên Sài Gòn học, tôi lại cư ngụ vùng Ngã Bảy Sài Gòn, đường Phan Thanh Giản, con hẻm nằm giữa rạp hát bóng Long Vân và bên hông trường trung học Phan Sào Nam. Phía trước mặt căn nhà trọ là cư xá hỏa xa, trổ qua bên kia là đường Lý Thái Tổ, rồi đi tuốt xuống ngã sáu Cộng Hòa
Hồi ấy tôi đi học thêm môn toán với thầy Đinh Đức Mậu dạy tại lớp đêm trong trường Chu Văn An, thường thường là đi bộ dọc theo con đường Minh Mạng tới Ngã Sáu, qua đại học xá Minh Mạng là tới trường; chỉ khi nào đi học thêm môn Pháp văn ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp nằm trên đường Đồn Đất (Sài Gòn) thì tôi mới đi bằng xe đạp.
Nhớ Sài Gòn những năm tháng ấy là nhớ những con đường rợp bóng me mát rượi với những gánh cà phê pha bằng vợt giữa trưa nắng gắt vừa ngồi dưới gốc me nhâm nhi ly cà phê đá mới pha với mùi cà phê thơm ngào ngạt mà thấy đời sao quá sướng, quá an nhàn.
Nhớ Sài Gòn là nhớ những chuyến xe taxi xuôi ngược trên mọi nẻo đường của thủ đô ngày cũ; là nhớ bài học thuộc lòng từ hồi còn học các lớp sơ học, tiểu học: “Ai bốn máy bon bon đường nhựa?; Ai năm tone chất chứa bao người?”
Nhớ Sài Gòn là nhớ những chuyến xe lambretta chạy khắp các lộ trình, đặc biệt trên đường Trần Hưng Đạo xe chạy từ Sài Gòn vô Chợ Lớn hoặc từ Chợ Lớn ra Sài Gòn, cứ thế ngược xuôi, xuôi ngược xe chạy dập dìu lúc nào cũng đầy khách…
Nhớ Sài Gòn không thể không nhăc đến Thảo Cầm Viên nơi có nhiều loại cây cao bóng mát cùng nhiều loài chim, loài thú quen cũng như lạ mà dân quê thường kêu tên là “Sở thú” bên cạnh có Viện Bảo Tàng...
Nhớ Sài Gòn là nhớ những con đường lớn, những con hẻm nhỏ với số nhà có tới hai ba sur (thí dụ nhà số 11/12/14 chẳng hạn. Theo thứ tự thì được hiểu là nhà nằm ở hẻm số 11, đi vô tới nhà số 12, rồi quẹo tiếp và đi tới nhà số 14 là tới địa chỉ nhà mà mình muốn tìm) ; đâu đâu cũng tấp nập những người là người. Chẳng hạn khu Bàn Cờ, đường Nguyễn Thiện Thuật; chợ Vườn Chuối đường Phan Đình Phùng chen chút nhau giữa những con hẻm này nối qua con hẻm khác của khu vực tứ giác Nguyễn Thiện Thuật- Cao Thắng-Phan Thanh Giản- Phan Đình Phùng. Rồi còn khoảng gần sáu chục con đường cũ có tên mới nữa, nói chi người ở xứ xa nhớ Sài Gòn, mà ngay cả người Sài Gòn sống tại Sài Gòn chắc có lúc cũng không khỏi bồi hồi mỗi khi hồi tưởng lại những chặng đời nhiều biến đổi!
Ví như chỗ ngã bảy, nơi mỗi ngày tôi thường đi qua với mấy con đường gộp lại như đường Phan Thanh Giản, đường Lý Thái Tổ, đường Pétrus Ký, đường Minh Mạngvà con hẻm trỗ vô chợ Chuồng Bò, vậy mà chỉ còn duy nhứt mỗi một con đường Lý Thái Tổ là còn giữ được tên cũ; còn mấy con đường còn lại đã thay tên mới ráo trọi!
Rồi ra một chút về hướng ngã sáu Cộng Hòa, nơi gặp nhau của có con đường Hồng Thập Tự, Phạm Viết Chánh, Cộng Hòa, Lý Thái Tổ, Nguyễn Hoàng, An Dương Vương thì cũng có ba hoặc bốn con đường không còn tên gọi cũ nữa!
Nào ai nhớ và rồi lâu dần qua năm sáu chục năm nữa, khi những người già như thế hệ chúng tôi nay đã ngoài bảy tám chục tuổi, rồi một ngày nào đó sẽ không còn, nào ai biết được có một thời những con đường quen tên ấy có biết bao người đã bao lần đi đi về về ngược xuôi trên những con đường xưa thân ái ấy?
Nhớ Sài Gòn là nhớ những ngôi trường công đã đành như Chu Văn An, Pétrus Ký, Gia Long, Trưng Vương…, nhưng cũng không thể không nhớ những trường tư thục như trường Hưng Đạo của thầy Nguyễn Văn Phú, thuộc khu Nguyễn Cư Trinh-Cống Quỳnh; trường Văn Học của thầy Trần Bích Lan nằm trên đường Phan Thanh Giản, đối diện bên kia đường là bịnh viện Bình Dân; trường Trường Sơn của thầy Bùi Hửu Sũng ở đường Lê Văn Duyệt, cùng các trường tư thục Kiến Thiết nằm trên đường Phan Đình Phùng, trường Nguyễn Văn Khuê nằm trên đường Nguyễn Thái Học gần chợ cầu Ông Lãnh và nhiều lắm, không kể xiết!
Nhờ Sài Gòn là nhớ những ngôi chùa. Hồi nhỏ tôi ưa đến chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan, nghe thầy Thiện Minh thuyết pháp; có khi lên chùa Vĩnh Nghiêm nghe kinh; có lúc ghé Việt Nam Quốc Tự nơi đường Trần Quốc Toản nhưng không thể không nhớ chùa Théravada nằm trên đường Phan Đình Phùng, chùa Tam Tông Miếu trên đường Cao Thắng…
Nhớ Sài Gòn là nhớ những rạp hát bóng. Đường Cao Thắng có rạp Đại Đồng; đường Phan Thanh Giản có rạp Long Vân, gần chỗ tôi ở trọ; rạp Vĩnh Lợi ngoài đường Lê Lợi mở thường trực và nhiều người đồng tính (mà hồi xưa người ta hay gọi là “pêđê” để chỉ các vị khán giả này); rạp Eden thuộc hạng sang trong khu thương xá Eden với nhà sách Xuân Thu bán toàn sách tiếng Pháp cùng những quầy bán tem thơ dành cho những người có thú vui ưa chơi tem. Đối diện bên kia đường Nguyễn Huệ có rạp Rex cũng thuộc hạng sang nhứt Sài Gòn thời ấy với giá vé vô của rất mắc tiền.
Nhớ Sài Gòn, không thể không nhớ những quán cơm bình dân trong các con hẻm trên những con đường lớn như đường Tự Do, hoặc khu chợ Cũ. Cạnh bên nhà hàng Thanh Bạch có mấy gánh cơm bình dân với cá trê vàng chiên giòn thơm phức chấm với nước mắm gừng hoặc thịt kho với hột vịt; đơn giản vậy mà sao hồi ấy ngon thiệt là ngon. Cạnh bên nhà hàng Thanh Bạch còn có tiệm cà ri dê Ấn Độ cũng ngon nhưng không bằng ca ri dê chấm muối ớt nặn chanh nằm nơi góc đường Trần Bình Trọng-Nguyễn Trãi trong quận 5; tôi nghĩ hồi đó chỗ này bán cà ri dê ngon nhứt hạng.
Nhớ Sài Gòn tôi không thể quên bánh tằm ở quán Sinh Sinh trên đường Trần Quý Cáp, nhớ quán thạch chè Hiển Khánh ở đường Phan Đình Phùng; nhớ nước mía Viễn Đông nằm trên đường Pasteur, nhớ phá lấu trên những xe của người Tàu bán gần đó; ăn vài miếng phá lấu rồi uống ly nước mía vậy thôi, mà sao nó ngon kỳ lạ!
Nhớ Sài Gòn những năm thập niên 1960-1970, tôi còn nhớ dọc theo đại lộ Lê Lợi quận nhứt, có nhiều nhà sách nhưng có lẽ nhà sách lớn nhứt mà ai biết Sài Gòn cũng đều nhớ là nhà sách Khai Trí; đối diện bên kia đường là những quầy sách cũ bán nơi lề đường với lượng khách bộ hành qua lại dập dìu, họ không quên dừng lại lựa lựa chọn chọn vài quyển sách rồi tiếp tục buổi dạo phố của mình như một thú vui rất quen thuộc của các hè phố Sài Gòn ngày xa xưa ấy!
Nhớ Sài Gòn, tôi còn nhớ một địa chỉ bán sách rất đặc biệt nằm trên đường Ngô Đức Kế, nơi góc đường Nguyễn Huệ nhìn qua bên kia đường có trụ sở Tổng Nha Ngân Khố, nơi ấy hồi đó chuyên bán sách báo ngoại ngữ cho sinh viên các đại học và người ngoại quốc có dịp ghé ngang Sài Gòn tìm đọc.Nơi đây, vào khoảng năm 1974-1975, có lẽ là nơi duy nhứt có bán bộ tự điển Encyclopaedia Britannicabằng Anh ngữ.
Góc đường Ngô Đức Kế - Nguyễn Huệ, nới có một địa chĩ cũ làm tôi nhớ những năm 1960-1970 của Sài Gòn…
Từ rạp Rex, chỗ góc đường Lê Lợi & Nguyễn Huệ nhìn qua bên kia đường Lê Lợi, còn có thương xá Tax với quán Tre chuyên bán hột gà lộn 11 ngày; có tiệm kem Pôle Nord với kem ba màu làm cho nhiều người bộ hành đi dạo phố khó bỏ qua lúc mỏi chân…
Nhớ Sài Gòn là nhớ chợ Bến Thành với bốn cửa Nam, Bắc, Đông, Tây, nhứt là cửa bên đường Lê Thánh Tôn chuyên bán trái cây và cửa bên đường Tạ Thu Thâu chuyên bán món ăn ngon miệng như bánh tằm, bún, bánh canh và nhiều thứ bánh khác nữa, mà món nào cũng hấp dẫn…
Nhớ Sài Gòn là nhớ những gian hàng bày bán khắp nơi nhưng nên lưu ý là đi coi chơi dòm dòm ngó ngó chơi cho vui thì được và nếu không muốn mua thì đừng bao giờ hỏi giá, vì khi hỏi giá mà không trả giá thì sẽ bị chủ gian hàng cự nự; còn trả giá cho qua thì thế nào cũng bị lầm như cá dính câu, không cách gì chạy thoát nạn mua lầm, tức chết!
Nói nhớ Sài Gòn, còn có nghĩa là nhớ luôn Chợ Lớn, nhớ luôn Gia Định nữa. Trong Chợ Lớn phải nhớ quận Năm với các con đường huyết mạch như đường Trần Hưng Đạo, đường Nguyễn Tri Phương, đường Tổng Đốc Phương sầm uất phố sá tiệm Tàu; nhớ bánh bao ông Cả Cần, nhớ chành gạo Trung Hưng ở bến Lê Quang Liêm, nhớ chợ Bình Tây, chợ Lớn Mới. Còn đường Hậu Giang không biết bắt đầu từ đâu trong vùng Chợ Lớn nhưng tôi nhớ con đường này chạy tuốt ra Phú Lâm, rồi đi ngang qua cái tháp cao của ông Đạo Dừa và là con đường dẫn ra quốc lộ 4 xuôi xuống miền Tây với hai bên đường những cánh đồng lúa chín vàng của Long An, Mỹ Tho cùng vườn tược xanh lặt lìa màu xanh của sức sống!
Còn nhớ Gia Định là nhớ con đường Chi Lăng, nhớ con đường Võ Di Nguy nối dài từ trên Phú Nhuận chạy tuốt xuống Sài Gòn, nhớ con đường Bạch Đằng chạy tới khu Hàng Xanh ra cầu xa lộ Biên Hòa…
Bạn ơi,
Hồi đó tụi tôi dưới quê lên vì mình quá quê nên hổng biết đường đâu mà mò; nên hôm nào không có đi học thì tôi hay ra Sài Gòn, chỗ chợ Bến Thành có bến xe buýt và cứ leo lên xe đang chờ không cần biết xe chạy về đâu và cứ thế ngồi trên xe hoài cho tới khi xe tới trạm cuối cùng rồi xe quay đầu trở lại và về tới chợ Bến Thành xe dừng lại và mình xuống xe. Thế là mình biết được một vòng Sài Gòn-Gia Định hoặc một vòng Sài Gòn-Chợ Lớn rồi và hôm khác lại đi vòng các xe khác; lâu dần nhớ ra những con đường nào mình đã có dịp đi qua rồi thì tìm xe mới để đi những con đường mới. Vui lắm!
Hồi xa xưa đó, khi vào đời, có lúc tôi đi làm cu ly ở Sài Gòn được đâu hơn một năm và từ nhà tới sở thì đối diện bên kia đường có chỗ cho giữ xe hằng tháng, và ông chủ nhà giữ xe này có trồng chuối và vườn cây ăn trái ở đâu tuốt ngoài vùng Long Thành, Bà Rịa, hoặc Vũng Tàu… nên mỗi cuối tuần ổng thường ra vườn chở cây trái về để bán. Hối đó, tôi thích nhứt là mua những buồng chuối lá xiêm đen trái no tròn và đem về treo vài ba ngày thì chuối bắt đầu chín; loại chuối này chín tự nhiên, không phải giú khí đá nên chuối không bị sượng, ăn rất ngon và ngọt.
Nhớ Sài Gòn, tôi không thể nào quên những ân nhân đùm bọc tôi từ một đứa học trò làng lên thủ đô đi học hết tháng này qua tháng khác mà không lấy một đồng bạc tiền cơm tháng suốt mấy năm dài;mà có lẽ cả đời tôi, tôi không làm sao trả hết những món nợ ân tình ấy cho được! Chú thím Tám đã trăm tuổi mấy chục năm rồi! Anh Nhã thì cũng ra người thiên cổ lâu rồi! Anh Thực, có một thời là tuyển thủ túc cầu của đội banh Việt Nam Thương Tín, của đội AJS và của đội tuyển quốc gia từng đoạt cúp vô địch giải túc cầu Đông Nam Á ở Mã Lai, thì nay cũng đã ngoài tám tuổi rồi và cũng qua rồi gần năm chục năm tôi chưa có dịp gặp lại ảnh lần nào! Giờ nhớ lại các vị ân nhân ấy đâu còn ai! Nhớ quá những ân nhân mang phong cách rất Sài Gòn qua những ân tình luôn mang nặng trong lòng, và tôi không thể nào quên được!
Nhơn nhắc những món nợ ân tình, tôi không thể không nhắc đến cái duyên tôi được làm quen với những trang sách, những bức tranh, những tình cảm và cả những phong cách rất Sài Gòn của vài người anh về tuổi đời, vài người thầy về kiến thức cùng kinh nghiệm sống, mà cũng là vài người bạn cùng thế hế hệ của chúng tôi, những người được sanh ra và lớn lên giữa những ngày đất nước có chiến tranh. Tất cả những món quà quý báu ấy, dường như đã giúp tôi có dịp được sống lại những ngày ở tuổi hai mươi với biết bao kỷ niệm của một thời mà không phải lúc nào mình dễ dàng tìm lại được!
Thưa bạn,
Lời kết mà tôi muốn ghi lại nơi đây là tôi dù rất mê đời sống nơi làng quê, mê những ngày ngủ nóp trên đồng vào mùa gặt lúa, mê những đêm trăng nằm trên chiếc xuồng câu giữa mùa nước lên tháng chín, tháng mười chờ tới giác thăm lưới thăm câu cá dính nặng xuồng, nhưng có lúc tôi vẫn nhớ về Sài Gòn, nhớ tha thiết như nhớ về một thời tuổi trẻ của mình với một tấm lòng biết ơn những con đường quen tên nơi chốn ấy, biết ơn đời, biết ơn các bậc ân nhân và nói như tựa sách mới của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vừa mới phát hành là tôi cũng nói lời“Biết ơn mình”nữa!
Phải vậy hông, thưa bạn?
Hai Trầu