văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, November 19, 2019

HỒ NAM ** CHU TỬ: NHÀ VĂN, NHÀ BÁO, NHÀ GIÁO, KẺ VƯỢT BIÊN ĐẦU TIÊN, LÀM MỒI CHO CÁ.

Chu Tử 
               
Chu văn Bình, mười mấy tuổi đã theo Phó đức Chính tham gia khởi nghĩa Yên bái, đi đánh đồn Tây thắng lợi - khi trở về, buồn ngủ quá, lăn ra bãi cát ven sông Hồng làm một giấc, nên không bị máy chém [hành hình] ở Yên bái, cùng Nguyễn thái Học, Phó đức Chính..., những chiến sĩ Việt nam quốc dân đảng tiền phong.

Chu văn Bình không bị lên máy chém vào 1930, nên đã thi đậu vào Trường đại học Luật Đông dương ở Hà nội.  Chu văn Bình được thượng thư bô Hình Nam triều, Bùi bằng Đoàn (cha đại tá Bùi Tín) đưa vào Huế, làm phụ tá cho thượng thư, mặc áo gấm, đeo thẻ bài ngà, và, trở thành một ông quan Nam triều trẻ nhất thời ấy. Sau này, khi nhắc chuyện làm quan trong triều đình Huế, Chu văn Bình tủm tỉm cười, nói với tôi, "anh từng tham gia khởi nghĩa Yên bái, mà lại đeo thẻ bài ngà, cưới vợ là hoa khôi tỉnh Nam định."Thật mỉa mai quá, nhưng đời còn nhiều chuyện mỉa mai hơn nữa. Sau ngày đảo chính, 9-3-[1945] , Nhật đảo chính Pháp- Việt nam quốc dân đảng muốn Chu văn Bình làm chánh sở Liêm phong Thanh hóa (chánh mật thám Thanh hóa), Chu văn Bình đã nhận làm, và , trong thời kháng chiến chống Pháp, Chu văn Bình được tướng Bằng Giang trao cho chức chánh án Tòa án quân sự quân khu 3. Chu văn Bình vẫn chấp nhận giữ nhiệm vụ này...

Sau 1954, khi đất nước chia 2, Chu văn Bình theo nhà cách mạng Nguyễn thế Truyền lên tòa Thánh [Cao Đài] ở Tây ninh, gặp đức Hộ pháp Phạm công Tắc. Đức Hộ pháp Cao Đài tòa thánh Tây ninh nghe Chu văn Bình nói chuyện thời thế, đã ra thánh lệnh phong Chu văn Bình cấp bậc đại tá [trong lực lượng] quân đội Cao Đài, Con đường hoạn lộ của Chu văn Bình, còn thênh thang hơn nữa, khi luật sư Lê ngọc Chấn được thủ tướng Ngô đình Diệm [cử] làm bộ trưởng quốc phòng, đã đến thỉnh Chu văn Bình về làm đổng lý văn phòng - nhưng Chu văn Bình cười khẩy, trả lời luật sư Lê ngọc Chấn, " hồi học luật cậu thường 'cóp' bài của tớ, sao tớ có thể làm 'lại' cho cậu được nhỉ...? " Có lẽ, vì chuyện này, mà ít lâu sau Chu văn Bình bị chế độ Diệm vu cho là 'trùm băng ăn trộm xe hơi', rồi tống giam vào khám Chí hoà. Khi ra tòa Chu văn Bình tự bào chữa hay, đến nỗi quan tòa phải tha bổng, Chu văn Bình được trắng án.

Sau vụ bị bắt giam đưa vào khám Chí hòa, ra tòa được trả tự do, Chu văn Bình quyết định không thèm bon chen danh lợi nữa, mà, nhận làm hiệu trưởng trường Trung học Thăng long của Nguyễn đăng Viên (anh ruột nhà văn Mai Thảo/Nguyễn đăng Quý) và trở lại nghề viết văn, làm báo. Chu Tử phụ trách mục 'Ao thả vịt' [dưới bút danh Kha Trấn Ác], và viết tiểu thuyết đăng báo hàng ngày.

Ngay cuốn tiểu thuyết đầu tay đăng báo hàng ngày, với tựa đề YÊU, đăng trên tờ nhật báo Dân việt, đã làm xôn xao dư luận, báo tăng người đọc vùn vụt, trong văn giới sửng sốt, vì, Chu Tử viết hay quá, lạ quá, táo bạo quá, thời đại quá. Rồi Chu Tử cho ra đời bộ tiểu thuyết trường giang khác: SỐNG. Khi tiểu thuyết Sống mới đăng báo, văn giới đã coi như một hiện tượng văn học rồi.

Chế độ Ngô đình Diệm bị lật đổ, Chu Tử dành hết thời giờ viết báo, chửi đông, chửi tây, quốc gia, cộng sản- những ai 'láo toét' là Chu Tử phang, [bất kể là]  sư, cha cố, ông tướng này, bà tướng kia, chửi cả Mỹ. Chu Tử đều đụng mặt hết, Chu Tử còn đưa lên mặt báo câu xã hội bậc thang xã hội thời đó: 'nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng'. Tờ nhật báo Sống của Chu Tử bán chạy như tôm tươi, nhưng, chẳng được bao lâu báo bị đóng cửa. Chu Tử liền đi thuê 'măng-xết' [manchette], tiếp tục làm báo nữa, không ngán gì cả. 

Những nhân vật điển hình của thời đại, bị Chu Tử hỏi thăm sức khỏe - bực lắm, mấy anh quốc gia láo lếu, bị Chu Tử gọi là 'trí thức chồn lùi' (nói lái), tuy vậy họ cũng còn nhất điểm lương tri, không phản ứng mạnh với Chu Tử. Tuy nhiên, Chu Tử vạch mặt 'mấy tên... nằm vùng', xưng nhận mình là 'bảo vệ văn hóa dân tộc'; bị gọi là 'lũ củ đậu' (nói lái) (...) Chu Tử chỉ bị bắn vỡ miệng, gãy mấy cái răng, nói năng hơi ngọng nghịu, phải vào nhà thương nằm ít ngày, rồi về nhà lại viết báo chửi dữ hơn trước khi bị bắn.

(...) Nhưng tới sáng ngày 30-4-75, thấy tình thế hết phương cứu chữa, Chu Tử đành bảo con rể là họa sĩ Đằng Giao lái xe chở ra Kho 5 bên Khánh hội, tìm tàu vượt biên. Chu Tử và cậu con trai lớn có được một chỗ dưới hầm, bởi ngộp quá, khi tàu đến Rừng Sát, Chu Tử leo lên boong hóng gió, thì giữa lúc đó một trái B40 của đặc công phóng lên boong tàu. Chu Tử bị miểng đạn, máu ra nhiều quá, khi tàu tới hải phận quốc tế, Chu Tử trút hơi thở cuối cùng, xác thân ném xuống biển Thái bình dương. Và, Chu Tử coi như người đầu tiên được thủy táng khi đi tìm tự do. Ông là nhà văn lưu vong đầu tiên vẫn trong hải phận quê hương. Và như thế, có bao giờ ông rời xa Ðất Nước?