văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, November 8, 2019

HỒ TRƯỜNG AN ** Câu chuyện bên đất Vồng Heo

Cậu Tư Nguyễn Hữu Cảnh là con trai độc nhứt của thầy Thôn Nguyễn Hữu Thạnh ở làng Đạo Ngạn tỉnh Mỹ Tho. Trên cậu có hai người chị là cô Nguyễn thị Tố Nguyệt tuổi mới 22 và cô Nguyễn thị Tố Nga tuổi vừa 21.

Thôn là chức vụ không nằm trong ban Hương Chức Hội Tề trong làng như : hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương bộ, xã trưởng, hương quản, hương thân, hương hào và chánh lục bộ... Thôn có chức vụ giữ công nho trong làng, tức là ngân quỹ để dùng vào việc làng. 

Làng Đạo Ngạn cách Ngã Ba Trung Lương và làng Đạo Thạnh con sông Bảo Định. Ở đây vắng vẻ, vườn tược tỏa bóng râm mát lạnh. Dân chúng trước năm 1945 chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Nhưng vợ chồng thầy Thôn Thạnh không làm nghề tầm tang. Ngoài 150 mẫu ruộng, thầy còn lập hai mẫu vườn trồng dừa Tam Quan, cau Bà Điểm, mận hồng đào, chuối cau, chuối sứ, cam hồng mật, quít đường, xoài cát, xoái ang ca, ổi xá lỵ, ối cửu nguyệt... Và thầy còn tạo một sở rẫy để bán sỉ rau cải cho bạn hàng bông bán lại tại chợ Bến Chùa lẫn chợ Trung Lương, chợ Vòng Lớn, chợ Vòng Nhỏ, chợ Mỹ Tho.

Vì dư ăn dư để, nên thầy tạo nghi thức sang trọng. Nhà thầy thuộc loại nhà xưa chỉ gồm một căn hai chái, nền cẩn đá xanh, mái lợp ngói vảy rồng. Nhưng căn lẫn chái đều rộng rãi và cao ráo. Sân trước lẫn sân sau không có lót gạch tàu mà tráng xi-măng. Sân trước có xây ba cái bồn, một cái trồng chuối kiểng hình rẽ quạt, một cái trồng cây mai chiếu thủy sống trên 20 năm, còn cái thứ ba ở giữa thì trồng cây mai thúy vũ, cây trạng nguyên, những cây lá gấm, những khóm huệ lan, nhưng cây bông ngải. Còn sân sau thì lọt ở khoảng giữa nhà trong và căn gác ; nơi đây thầy đặt hòn non bộ ở giữa sân. Áp vào vách tường bên mặt, thấy đặt lồng chim với mái lợp ngói ống, vách lưới sắt chia làm ba từng : từng trên thầy nuôi chim bạch yến ; từng thứ hai, thầy nuôi két phụng ; từng chót thầy nuôi chim manh manh và chim áo dà. Còn áp vách tường bên trái thầy dựng cái giàn thiên lý. Áp theo bực thềm chót của căn gác, thầy đặt những chậu kim đồng, chậu ngọc nữ, chậu thổ lan, chậu hường tiểu muội, những chậu yên chi có 3 loại hoa màu lam ngọc, màu đỏ tía, màu vàng tái...

Trong nhà thầy sắm bàn ghế bằng gỗ cẩm lai, sắm liễn mun, liễn son, tranh

Tàu, đồ cổ ngoạn của Tàu thật xuê xoang.

Nguyên vợ chồng thầy Thôn Thạnh vốn cưng cậu con trai độc nhứt của mình và cô Ba Tố Nga. Cậu Tư và cô Ba đều xinh đẹp và lanh lợi ngay từ thuở nhỏ. Còn cô Hai Tố Nguyệt khi còn bé thơ lại lu mờ, lạt lẽo và khù khờ, chậm chạp, cho nên cô không được cha mẹ thương yêu, cưng chiều. Tuy vợ chồng thầy Thôn Thạnh không hà khắc với cô trưởng nữ của mình, nhưng lại hững hờ lạnh lạt với cô. Có món ngon vật lạ thì cậu bé Tư và cô bé Ba được nhiều hơn. Và khi họ sắm những món đồ chơi thì cái đẹp và mắt tiền thuộc về hai đứa em của cô bé Hai, còn cái có phẩm chất tầm thưòng và rẻ mạt thuộc phần cô.

Bà Hương Bộ Mạch, thân mẫu của thím thôn Hạnh thấy vậy bất bình, bảo con gái và chàng rể :

- Vợ chồng bây ăn ở bất công với con thì sao xứng đáng làm bực sanh thành của con Tố Nguyệt? Thôi thì bây để tao nuôi nó, dạy dỗ nó theo cách, theo ý của tao. Mai sau, dù nó kém ngọc dung kim mạo thì cũng được cái nết na đúng đắn, cái hạnh kiểm khít khao.

Vậy là cô bé Hai Túy Nguyệt đuợc về với bà ngoại ở Cái bè, cách xa Đạo Ngạn hơn 30 cây số. Trong nhà bà Hương Bộ Mạch còn có người chị ruột của thím Thôn Thạnh vốn tu tại gia theo giới cận sự nữ (giới ưu bà di) từ khi vừa mới trưởng thành. Lũ cháu gọi đương sự là má Hai. Người ưu-bà-di nầy rất cưng Tố Nguyệt, bắt cô học thuộc làu những bài thần chú như Đại Bi Chú, Quan Âm Linh Cảm Chơn Ngôn, Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn, Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú... Vì đường sá xa xôi, vợ chồng thầy Thôn Thạnh ít khi đi thăm con. Còn cô trưởng nữ kia cũng làm biếng về Đạo Ngạn. Không phải cô hờn tía má mình ăn ở bất công với mình, nhưng ở Cái Bè, cô có nhiều bạn gái lẫn bạn trai, lại được má Hai và bà ngoại cưng chiều.

Gần nhà lồng chợ có ông Bang Xạch Cấm Yìn (Thạch Kim Anh) chuyên nghề coi mạch hốt thuốc. Rảnh rang, ông cùng thằng con trai tên Xạch Tsíng Yục (Thạch Thanh Ngọc) dùng keo, vải, giấy bồi và thuốc màu để bồi đấp và tu sửa những buớc tranh tàu cũ nát mà ông mua ở cửa hàng lạc xoong thành những bức tranh mới thiệt khéo, thiệt lộng lẫy. Thạch Thanh Ngọc rất mến Tố Nguyệt, nên mỗi khi có bánh trái ngon đều chia một nửa cho cô bé. Còn cô thường hái bông điệp, bông trang, bông huệ, bông cẩm nhung trong vườn để cậu trang hoàng bàn thờ Đức Quan Thánh Đế Quân và bàn thờ Đức Ông Bổn ( tức là ông Trịnh Hòa, người đã đem khách thương nhân Hoa kiều sanh cư lập nghiệp khắp thế giới). Khi lên sáu tuổi, Thạch Thanh Ngọc phải ra Mỹ Tho học trường Tàu. Tố Nguyệt và cu cậu khóc thôi trời sầu đất thảm vì quyến luyến nhau.

Thạch Thanh Ngọc an ủi:

- Mỗi dịp cuối tuần Ngọc sẽ cỡi xe đạp về đây thăm Nguyệt. Tố Nguyệt vẫn khóc :

- Từ đây về sau, Nguyệt không chơi với ai hết. Chỉ có Ngọc là bạn mà thôi.

Dòm trước dòm sau không có ai, Thanh Ngọc hun Tố Nguyệt một cái chụt rồi co giò chạy mất. Từ đó mỗi khi qua nhà ông Bang Yìn chơi, gặp ông đang bồi tranh, Tố Nguyệt xúm lại phụ ông, giúp ông vài chuyện lặt vặt để được dịp nhắc nhở Thanh Ngọc. Ông Bang Yìn truyền nghề bồi sửa tranh cho Tố Nguyệt. Thấy tình cảm quyến luyến của hai trẻ, ông Bang Yìn bảo bà Hương Bộ Mạch:

- Hầy à, con cháu ngoại của pà coi pộ thương thằng con ngộ dồi lớ. Còn thằng nọ cũng xốn xang khi xa con nhỏ kia lớ. Chắc ông Chời xúi piễu tụi nó thương nhau, chớ ngộ đâu dám xúi chiện pậy chiện pạ lớ. Khi thằng Tsíng Yục lớn lên, ngộ muốn cưới con Yuệch (Nguyệt) cho nó lớ. Pà gật đầu cho ngộ mừng li pà Hoong Pộ.

Bà Huơng Bộ Mạch không biết nói sao cho phải. Dòng họ bà chưa hề có cái mả lấy chồng Chệt. Nhưng cô ưu-bà-di đỡ lời mẹ:

- Ngộ cũng nghĩ rằng hai đứa đó chắc có duyên nợ chi đây. Ừ, chừng nào tụi nó lớn lên hẳng hay. Thằng con của nị dễ thương lắm! Nó nói tiếng Việt rành, lại còn nhờ ham đọc sách báo chữ Việt nên nó viết tiếng Việt bằng những câu mạch lạc và minh bạch. Ngộ không muốn nó chỉ học trường Tàu rồi tốt nghiêp với bằng sơ trung hay cao trung. Xin nị cho nó học chương trình Tây ở trường Pháp Hoa Học Hiệu.

Ông Bang Cấm Yìn nói:

- Mấy anh mấy chị của nó cũng muốn như dzậy lớ. Học chường Tây dzẻ dzang quá mà. Nó là con út lược cả nhà cưng lớ, nó phải piết tiếng Tây, tiếng

Ăng-lê lể puôn pán dzới tụi ngại oắc lớ.

Cô ưu-bà-di tán thành:

- Thằng con nị mà biết tiếng Ăng-lê rất dễ tiếp xúc với dân ngoại quốc.

Từ 14 tuổi, cô Hai Tố Nguyệt bắt đầu tụng Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thường xuyên nên bầu tâm cảnh cô sáng làu làu. Gương mặt cô cũng có thần thái sáng rực rỡ theo.

Một hôm nọ, vì nhớ Thạch Thanh Ngọc, Tố Nguyệt ra chơi ngoài mé sông.

Bỗng cô thấy có mỗt cái túi vải trôi tấp vào đám lau sậy. Cô liền mở ra thấy 5 bức tranh Phật và Bồ Tát bị nước làm màu sắc gột phai lem luốc. Cô đem tranh về cho má Hai cô coi. Cô ưu-bà-di nói:

- Bức tranh thứ nhứt là bức A-di-đà Tam Tôn gồm Đức Phật A-di-đà đứng giữa, bên trái là Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát, bên mặt là Đức Đại Thế Chí Bồ-tát. Còn bức tranh thứ hai là bức Thích Ca Tam Tôn gồm Đức Phật Thích Ca đứng giữa, bên trái là Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, bên mặt là Đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ- tát. Còn bức thứ ba là tranh Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Bức thứ tư là tranh Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát. Bức thứ năm là tranh Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề. Con phải hỏi ông Bang Yìn coi có thể bồi sửa hai bức tranh nầy không?

Ông Bang Yìn bảo rằng có thể sửa được. Nhưng phải đợi tuần lễ sau Thạch Thanh Ngọc về Cái Bè nghỉ hè rồi sẽ bắt tay vào việc. Rồi đó, cả ba ăn chay trước khi bồi sửa 5 bức tranh. Trọn thời gian làm công việc tỉ mỉ và vất vả nầy, cả ba cũng vẫn ăn chay. Bà Bang Yìn nấu nhiều món chay ngon không bút mực nào tả xiết. Mỗi bữa ăn, bà Bang Yìn có mời hai mẹ con bà Hương Bộ Mạch tham dự.

Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, 5 bức tranh đã được chỉnh đốn hoàn bị, đuợc đóng khung và lộng kiếng. Cô ưu-bà-di đã có tranh tượng nhiều rồi, nên cô chỉ lấy hai bức A-di-đà Tam Tôn và bức Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề. Bà Bang Yìn nói:

- Vợ chồng ngộ giữ pa pức chanh kia là lể mai xau tặng cho con dâu tụi ngộ lớ. Công tụi nó cũng nhiều lớ.

Bãi trường kỳ đó đối với Tố Nguyệt và Thạch Thanh Ngọc thiệt là thần tiên. Cả hai có nhiều dịp tâm tình với nhau, nhưng chưa dám đi xa hơn cái hun của cậu trên má cô mỗi khi hai người chia tay, ai về nhà nấy.

Một đêm, Tố Nguyệt nằm chiêm bao thấy một người đờn bà mặc áo dài rằn ri, son phấn hực hỡ, nữ trang rườm rà, bảo:

- Cô Hai ôi, tui vốn là chủ 5 bức tranh kia. Tui mua từ Chợ Lớn, rồi đi tàu xà lúp về Vĩnh Long. Ai dè, tui bị tụi ăn cướp đoạt tiền rồi xô tui xuống sông Mỹ Tho. Nó lục cái túi vải, chỉ thấy tranh Phật nên nổi dóa quăng luôn túi xuống sông. Xác tui trôi ra biển Đông làm mồi cho cá mập. Còn túi vải thì trôi tấp vào bờ lau gần nhà cô. Tui chết trôi sông đây chỉ là phải trả ác quả kiếp trước. Kiếp nầy, tui tuy là kỵ nữ, nhưng biết dùng tiền tặng của khách tìm hoa để cứu giúp kẻ sa cơ hoạn nạn và cúng dường cho chư tăng xây tháp, xây chùa. Thấy tui có lòng thành nên Đức Nam Hải Quan Âm cho tui thác sanh lên từng trời Đâu Xuất. Nhưng tui còn chút nợ nần với cô từ bao kiếp truớc, vong linh tui sẽ làm vong cô phù hộ cô cho tới ngày cô sanh đứa con đầu lòng. Mỗi khi lâm nạn, cô nhớ cầu như vầy: Xin cầu vong hồn cô Bảy Giai Huệ về cứu giúp.

Vía cô Hai Tố Nguyệt hỏi:

- Thưa cô, chẳng biết tía má em có chịu gả em cho người Khách Trú hay không?

Hồn cô Giai Huệ nói:

- Cô hãy an lòng. Cậu Thạch Thanh Ngọc vốn hiền lương, rồi đây sẽ đậu bằng Tú Tài Pháp, ba má cô đáng lẽ phải nài nỉ ông bà Bang Yìn mà gả cô cho cẩu.
°   °
°
Khi lên 16 tuổi, cô Hai Tố Nguyệt vụt trổ mã, cao lớn, khỏe mạnh và xinh đẹp mặn mòi. Lúc đó, Thạch Thanh Ngọc học năm thứ tư trường Pháp Hoa Học Hiệu (Ecole Franco Chinois) gần thành Ô Ma ở Sài Gòn, còn cô thi đậu vào năm thứ nhứt ban Thành Chung, học ở trường Le Myre de Vilers ở tỉnh Mỹ Tho. Từ đó, cô về ở luôn vớì cha mẹ.

Từ khi thấy cô trưởng nữ của mình vào trường trung học, lại có chút bóng sắc nên vợ chồng thầy Thôn Thạnh có vẻ niềm nở với cô hơn. Còn cô Ba Tố Nga lẫn cậu Tư Hữu Cảnh tuy khôn lanh, nhưng không sáng dạ trong việc học hành. Họ thi rớt vào trường trung học nên phải lên Sài Gòn học trường tư thục Chấn Hưng.

Cô Ba Tố Nga mới đúng là một mỹ nhơn: tóc mun, da tuyết, vóc mình phì mỹ, lưng ong thắt đáy. Đã vậy mặt cô sáng đẹp như trăng thu, gò má cô hồng hào như da trái vải chín, sống mũi cô thả giọt mật và bóng như xoa mỡ, mắt cô sáng ngời ngợi như tinh tú, môi cô tươi đẹp như sen hường mở cánh, răng cô đều đặn, khít khao và bóng lộn như hột bắp non.

Cậu Tư Hữu Cảnh thì đẹp trai như Triệu Lôi, tài tử hát bóng bên Hồng Kông. Nhưng cô Ba lẫn cậu Tư chỉ là những kẻ có mỹ mạo, chớ tâm địa họ thấp thỏi, giống tía má mình. Bởi cả hai không chịu ảnh hưởng cái từ tâm và cái cao thượng của bà ngoại và của người chị của mẹ mình nên họ chỉ biết háo danh hám lợi, thích ăn trên ngồi trước thiên hạ.

Thường thường, vào ba ngày Tết, ba chị em có dịp gặp nhau. Vợ chồng thầy

Thôn Thạnh vui lắm vì thấy lũ con mình đã xinh đẹp và có ăn học trội hơn lũ thanh niên trong làng Đạo Ngạn và luôn cả trong làng Đạo Thạnh. Trong khi cô Ba Tố Nga và cậu Tư Hữu Cảnh ăn mặc kim thời với quần áo mắc tiền thì cô Hai Tố Nguyêt chỉ diện áo bà ba bằng vải popeline hay bằng vải ba-tít (batiste) trắng hoặc đen.

Cô Ba Tố Nga thường bảo chị:

- Em đeo đuổi theo bực trung học là học chơi học bời để thiên hạ không chê em quê, em kém. Từ đây cho tới ngày em thi bằng Thành Chung, biết đâu có kẻ thuộc thế gia vọng tộc lại có khoa bảng đem trầu rượu trình tía má để thỉnh em về làm phu nhơn.

Cậu Tư Hữu Cảnh rùng vai:

- Học giỏi mà làm cỡ bực giáo sư trung học sao bằng trở thành một đại thương gia như đa số người Huê Kiều ở trong Chợ Lớn? Thằng nầy thích có miếng chớ không thích có tiếng rồi đa.

Cô Hai Tố Nguyệt điềm đạm:

- Mỗi người một nghiệp, hai em à. Hai em tháo vác, biết quyền biến thì hai em sẽ có cuộc sống vẻ vang sung túc hơn cuộc sống mai sau của chị. Nhưng dầu gì thì dầu, cái đức bổn mới quí. Có đức không sức mà ăn.

Cô Ba Tố Nga và cậu Tư Hữu Cảnh cười rộ lên chế nhạo. Cậu Tư Hữu Cảnh liếc xéo cô Hai Tố Nguyệt:

- Chị Hai bị bà ngoại và má Hai đầu độc rồi. Ba người, ba thế hệ khác nhau, nhưng lại có chung một cách nói.

Thím Thôn Thạnh làm bộ can gián cho vui câu chuyện:

- Chị bây dầu nói chảnh, nói sai, bây không được phép chế nhạo nó. Bà ngoại và má Hai bây dạy nó theo cái khuôn nếp, cái cách thức của họ nên chị bây ăn nói giống họ. Công của ngoại bây và má Hai bây nuôi nó, tao sẽ để họ gả nó lấy chồng, để cho nồi nào úp vung nấy.

Thầy Thôn Thạnh cười nửa miệng:

- Nghe nói má và chị Hai muốn gả con Nguyệt cho thằng con út của ông Bang Phuớc Kiến ở Cái Bè. Nghe nói thằng đó học ở trường Pháp Hoa Học Hiệu và nói rành tiếng Việt, biết đọc sách báo Việt ngữ nữa.

Thím Thôn Thạnh cuồi ngất:

- Gả thì gả chớ. Con Hai nhà mình chỉ đẹp vừa phải thôi, chớ đâu có phải tiên sa phụng lộn gì đâu. Còn thằng Chệt thiếu niên kia cũng bảnh trai như thằng Tư nhà mình.

Tố Nga vừa nói giỡn vừa móc xỏ chị mình:

- Lấy chồng Chệt sướng thân, tuy không được ăn cá, nhưng được ăn thịt hoài hoài. Lại nữa, không được ăn mắm mà ăn phải ăn hầm dỉ, không được dùng nước mắm mà phải dùng nước tương, tàu iểu mà thôi.

Mỗi kỳ nghỉ hè, Thạch Thanh Ngọc về Cái Bè để được gặp cô Hai Tố Nguyệt. Tình cảm gắn bó càng thêm sâu đậm thiết tha. Khi cả hai ra trường, cậu đậu Tú Tài, cô đỗ Thành Chung thì vợ chồng ông Bang Yìn đi hỏi cô cho cậu con út cưng của mình.

Cậu Tư Hữu Cảnh thi bốn keo mới đậu bằng Thành Chung rồi không chịu đi học nữa. Cậu chê tỉnh Mỹ Tho xa Sài Gòn nên xin làm thủ kho (magasinier) trong hảng cưa cây ở chợ Tân Mai, thuộc tỉnh Biên Hòa và gần trung tâm thành phố để mỗi khi cao hứng, cậu có thể cỡi xe mô-tô về Sài Gòn ăn nhậu và kiếm đào đĩ để giải sầu. Rồi không hiểu cậu ve vản cách nào để bơm cho cô Sáu Kim Oanh và cô Mười Giai Loan mỗi cô một cái bầu. Hai cô nầy cũng ở Tân Mai. Cô Sáu là con bà Hai Giỏi có cửa hàng bán guốc ở ngoài chợ Tân Mai. Còn cô Mười là con ông bà Năm Hứa có sạp bán vải cũng ở ngoài chợ ấy. Thím Thôn Thạnh sợ tội mới phân xử như sau: cô Sáu Kim Oanh lớn tuổi làm chị, cô Mười Giai Loan nhỏ tuổi làm em, nhưng chẳng ai là vợ lớn, chẳng ai là vợ bé gì hết. Nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, con ai nấy nuôi, nhưng cả hai có quyền xài chung một chồng và Hữu Cảnh phải cư xử sao cho công bình với hai mụ vợ tuy hiền ngoài mặt, nhưng thắt ngặt tấm lòng. Thím mở tiệm may cho cô Sáu ở ngoài chợ Biên Hoà, mở tiệm bán đồ nhậu cho cô Mười ở chợ Tân Mai.

Cô Sáu Kim Oanh than thở:

- Từ nhỏ, tui quen đọc tiểu thuyết của nhóm Tự LựcVăn Đoàn, thích chuyện nam nữ bình quyền, ghét hủ tục đa thê. A i mà dè gặp tên bợm đẹp trai kia, tui phải sống cảnh chồng chung với một cô khác.

Cô Mười Giai Loan phàn nàn, hằn học:

- Kiếp sau, tui không thèm ấy chồng đẹp trai. Cái thứ có bộ mã con phụng, nhưng lại có bụng ó đâm như cái tên Hữu Cảnh bỉ ổi đó làm cuộc đời tui kể như hết thuốc chữa rồi.

Hai cô một mặt dằn xóc lẫn nhau, một mặt mè nheo eo óc tên chồng chung ngọt mật chết ruồi kia. Họ cứ dậy giặc hoài hoài làm Hữu Cảnh mệt cầm canh. Cậu ai oán với bạn bè:

- Hồi tui mới ve vãn hai thị nầy, thị nào cũng tỏ ra nhu mì, ngọt lìm lịm.

Bây giờ, họ bắt đầu vươn móng, nhe nanh vuốt ra để cắn xe tui. Phải chi họ lợt phấn phai hương thì tui phủi đít đá họ văng xa để kiếm một con vợ mềm mỏng dịu ngọt khác.

Còn cô Ba Tố Nga chỉ học tới cuối năm thứ ba ban Thành Chung rồi nghỉ luôn ở nhà, đợi người coi mắt. Cô kỳ kèo thầy Thôn Thạnh mở cửa hàng bazar tại chợ Mỹ Tho, gần Cầu Quây để cho cô và người em gái con nhà chú của thầy trông coi. Cô nầy là gái muộn chồng, tên là Huỳnh Yến, thứ hai, tuổi gần 30. Cảm thấy mình đã lỡ thời, cô ta càng ăn diện gắt củ kiệu. Chiều chiều, hai cô cháu thay phiên nhau ngồi xe kéo dạo một vòng trong thành phố. Cả hai ăn mậc diêm dúa, giồi phấn tô son thiệt hực hỡ, đeo nữ trang choáng lộn. Thiệt ra, cô Hai Huỳnh Yến cũng có phần hùn hạp trong tiệm bazar; tiệm nầy bán đèn măng-xông, dàn hát máy, dĩa hát máy, máy đánh chữ, máy may cùng đủ món văn phòng phẩm và sách báo... Công việc làm ăn có mòi phát triển tốt đẹp. Hai cô cháu thiệt ra chẳng cần buôn bán sanh lợi. Lập tiệm bazar, họ chỉ muốn phô trương nhan sắc của họ cho khách đờn ông thuộc loại hào hoa phong nhã và đa tình háo sắc chú ý họ.

Cô Hai Huỳnh Yến nói với thím Thôn Thạnh:

- Trai trẻ nhỏ hơn em cỡ 10 tuổi đeo theo em như loại ốc đắng đeo cột cầu, nhưng em đợi kẻ vừa đẹp lứa xứng đôi với em vừa trí thức phong nhã. Em kén chồng chớ có muộn chồng đâu? Mấy mụ nào thèo lẻo nói hành nói tỏi sau lưng em, em mà nghe được sẽ vả mụ ta rụng răng không còn nhai cơm được.

Thím Thôn Thạnh an ủi:

- Cô tuy không đẹp như hai bà Phàn Phụng Cơ và Tạ Nguyệt Kiểu trong tuồng San Hậu, nhưng dung nhan cô cũng mặn mòi chớ bộ. Hơn nữa, cô lại giàu có, gia sản do chú thím chồng tui để lại dư muôn, lại còn thêm 200 mẫu ruộng tốt nữa. Rồi đây cô sẽ được kết hôn với kẻ môn đăng hộ đối cho coi.

Thạch Thanh Ngọc chưa có vốn để mở một hảng xuất nhập cảng, nên học ngành kế toán và làm đơn xin làm việc cho Công Ty Tu Bổ Đông Dương (SRIC, Société de Radoub d’Indochine). Công ty nầy ở bên Vĩnh Hội chung một nhóm với Công Ty Vận Tải Đông Dương ( STIC, Société de Transport d’Indochine) ở bên Chợ Cũ, cùng thuộc ngành hàng hải. Lúc đầu chàng coi việc tồn kho. Về Sau, SRIC và STIC nhập lại làm một, chàng được qua STIC làm phụ tá kế toán (aide comtaple) cho viên kế toán tên Trần Thể Phụng cũng đậu Tú Tài như chàng. Thể Phụng vốn là thứ nam của một nghiệp chủ xuất cảng lúa gạo và nhập cảng bột mì cùng đường trắng làm bằng củ cải đường (betterave). Nhà y ở đường Arras (về sau đổi tên là đường Cống Quỳnh). Thể Phụng giận cha vì ông ta cưng người truởng nam của ông ta hơn y nên y bỏ nhà lên Tân Mai làm việc cho một hảng cưa. Vì nhờ lươn lẹo gian xảo, y ta kiếm hơn ngàn đồng. Nhưng rồi công việc bí mật kia đổ bể, cho nên nửa đêm anh ta bỏ Tân Mai xuống Sài Gòn, trốn ở Khánh Hội một thời gian. Chủ hảng cưa dò la tung tích cha y, hăm dọa ông ta đủ điều. Cho nên cha y ta phải thường tiền và dàn xếp nội vụ để y khỏi bị tống giam trước khi ra tòa. Bị cha chửi mắng thậm tệ, y hứa tu bỉ làm ăn, rồi đi học kế toán và xin được một chân phụ tá ở STIC.

Thể Phụng đẹp trai không thua cậu Tư Hữu Cảnh, lại hùng tráng hơn. Nhưng tánh tình y hống hách với mọi người dưới tay y, trừ Thạch Thanh Ngọc ra. Dù chàng không tỏ ra thái độ bất bình với y, nhưng vẫn không ưa y, chỉ đối đãi với y bằng mặt chớ không bằng lòng. Tuy nhiên khi đám cưới chàng được tổ chức tại chợ Mỹ Tho, chàng có mời mọi nhơn viên trong hảng, luôn cả ông giám đốc người Pháp tên Xavier Lahaie tới dự. Trong nhóm người được mời có vài nhơn viên già nua gần tới tuổi hưu trí cùng ông giám đốc chỉ tặng quà cho chàng, nhưng không đi dự đám, lấy cớ đường sá xa xôi dù Sài Gòn và Mỹ Tho cách nhau chừng trên 70 cây số... Trần Thể Phụng cao hứng lại chịu đi vì y ta có xe hơi. Hôm đó, cô Ba Tố Nga cùng hai cô bạn gái của cô làm phù dâu cho chị mình. Tố Nga đẹp trội hơn cô dâu và hai cô phù dâu kia, dù cô chỉ mặc chiếc áo nhung xanh đeo vài món nữ trang thanh nhã cẩn kim cương trong khi cô dâu mặc áo đăng teng trắng, đội khăn voan trắng.

Cưới vợ xong, Thạch Thanh Ngọc được người anh trưởng tên là Xạch Tsíng

Xủi (Thạch Thanh Thủy) và bà chị kế là Xạch Lầy Phá (Thạch Lệ Hoa) tặng cho cái biệt thự nho nhỏ ở chợ Phú Xuân.

Đôi vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật ở... Cái Bè, tại nhà ông Bang Yìn. Cô Hai Tố Nguyệt sắm sẵn những bộ đồ xẩm bằng hàng mỏng in bông cùng vài chiếc áo xường xám bằng gấm để mặc khi viếng nhà cha mẹ chồng lẫn nhà anh trưởng và chị kế của chồng. Tới những nơi đó, cô không bới tóc hình cái bí bo như trái cam hồng mật sau ót, mà cô chẻ tóc ra làm đôi để đánh bính hình con rít rồi thả xuống ngực. Ăn mặc theo điệu Tàu, cô lại càng đẹp hơn, nhứt là khi bà Bang Yìn lồng vào tay cô đôi vòng ngọc thạch màu xanh lá chuối non.

Có nhà mới ở Phú Xuân, cô Hai Tố Nguyệt đem 5 bức tranh Phật và Bồ-tát về thờ trên lầu. Nơi đây là Niệm Phật Đường của cô để cô cùng các bà bạn lối xóm thay phiên nhau tụng Kinh Cầu An, Kinh Cầu Siêu, Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Kinh Từ Bi Thủy Sám, Kinh Lương Hoàng Sám...

Cô Ba Tố Nga, mỗi khi lên Sài Gòn bổ hàng, thường ghé Phú Xuân thăm chị. Có lần cô đon reng hỏi cô Hai Tố Nguyệt:

- Nè chị Hai, hôm đám cưới chị, có anh chàng kế toán hảng STIC tên Thể

Phụng đi dự đám. Chẳng hay, anh Hai em có nói gốc tích của y ta cho chị nghe chưa?

Cô Hai Tố Nguyệt nói:

- Có chớ. Ảnh là con ông Trần văn Giáp vừa là điền chủ vừa là nghiệp chủ. Anh ta đậu Tú Tài sau anh rể của em một năm. Vì rảnh rang quá sanh nhàm nên anh ta đi làm việc để có tiền xài riêng, chớ không thèm ngồi nhà mát anh bát vàng như bọn công tử khác.

Cô Ba Tố Nga cứ ngắm tới ngắm lui chiếc cà rá cẩn hột xoàn cỡ 5 ly ngoài trên ngón tay áp út của mình. Cô có vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi chẳng biết nghĩ sao, cô nói:

- Hôm nào anh chị về Đạo Ngạn, nhớ rủ ảnh xuống nhà ba má tụi mình chơi cho biết. Mà nếu ảnh nhận lời, chị phải đánh giây thép cho em biết trước vài ngày để em sửa soạn trà rượu tiệc tùng.

Cô Hai Tố Nguyệt nhìn em cười chúm chím. Cô Ba Tố Nga cười ngất:

- Chị cứ làm theo lời em cậy nhờ, hơi nào thắc mắc cho mệt óc mệt tim? Trước khi ra về, cô Ba Tố Nga còn hạ một câu thiệt nổ:

- Chị Hai biết chớ, bọn thanh niên học giỏi thường xấu trai, mình mẩy họ ốm nhách, mắt họ cận thị, phải đeo kiếng, coi thiệt là chán ủ chán ê, chán tê chán tái! Còn cái anh Trần Thể Phụng kia chẳng những là con nhà giáu lại học giỏi và lại còn đẹp cường tráng nữa, bớ Trời! Giấc mơ tuyệt đối của mấy cô thiếu nữ có tâm hồn trữ tình và lãng mạn trong số đó có con Ba Đạo Ngạn nầy đó đa chị. Mèn ơi, đó là mẫu người mà em đã từng phác họa trong mơ ước của em khi em mới biết chuyện yêu đương. Chàng ta giống kép hát bóng Clark Gable khi chàng ta nheo mắt với mấy con lủng con lành hôm đám cưới chị.

Cô cười thiệt dòn rồi õng ẹo xách bóp bước lên xe hơi, sau khi nguýt dài cô

Hai một cái thiệt ranh mãnh.

Riêng cô Hai Huỳnh Yến vốn biết tấm lòng chơn thiệt và đức từ bi của cô Hai Tố Nguyệt nên mỗi khi đi viếng Phú Xuân thường khóc lóc than hở hoàn cảnh ế muộn của mình:

- Cháu ôi, chẳng biết mồ mả tía má cô táng nhằm cuộc đất theo hình thể nào mà đứa con độc nhứt của họ là cô đây lấy chồng không trôi. Cô giàu có, nhưng gặp cảnh cô phòng chích ảnh như vầy, dẫu ngồi trên đống vàng, cô cũng không ham.

Cô Hai Tố Nguyệt khuyên:

- Cô nên giúp những kẻ nào không tiền tạo dựng gia đình để họ sớm thành gia thất, biết đâu cô sẽ gây ruộng phước về hôn nhơn, gia đạo. Giúp tiền bạc, giúp công ăn việc làm cho họ, cách giúp nào cũng tốt hết. Hoàng thiên bất phụ hảo nhơn tâm, cổ nhơn đã nói có sai bao giờ?

Cô Hai Huỳnh Yến theo lời chỉ biểu của cô cháu họ mình răm rắp. Vì quen biết nhiều nơi có cơ sở làm ăn đại qui mô nên cô giúp những kẻ độc thân đang gặp hồi sa cơ lỡ vận tới những nơi đó xin việc và họ được thâu nhận ngay. Gặp ai cưới vợ thiếu tiền mua sắm, cô xuất tiền ra bù đắp cho đương sự.

Cũng xin nhắc lại, từ Sài Gòn đến chợ Phú Xuân, phải qua khu hành chánh của quận Nhà Bè. Thiệt ra, Phú Xuân thuộc lãnh thổ quận Nhà Bè. Ở đây, con sông Vàm Cỏ Đông chảy về và chia ra làm hai nhánh sông: nhánh bên trái là sông Soi-rạp, nhánh bên phải là sông Vàm Cỏ Tây, cho nên khách thương hồ có cảm tưởng sông Vàm Cỏ Tây và sông Soi-rạp nối liền nhau. Dọc theo sông có những hảng xăng lớn như hảng Esso, hảng Shell và Caltex, hảng Texaco... Cũng dọc theo sông, từ Phú Xuân đi xuống, du khách sẽ thấy bên kia sông Soi-rạp là chốn đồng không mông quạnh, điểm lác đác những rặng trâm bầu, những chòi chăn vịt, những khóm bình bát ven lạch nước, những cây gừa ven ao, bàu, lung vũng, những cây gáo ở hai bên lề những con đê. Đó là vùng đất Vồng Heo, Rạch Vọp vậy.

Khi đi làm việc trở lại, Thạch Thanh Ngọc được Trần Thể Phụng săn đón vồn vã hơn xưa. Vào một sáng thứ bảy nọ, Trần Thể Phụng rủ rê:

- Nè Ngọc, chiều nay nếu toa có rảnh thì tụi mình thả ra Cột Cờ Thủ Ngữ làm vài ly áp-xanh (absinthe) hay vài ly cỏ-nhác (cognac) pha xô-đa (soda) chơi. Moa có chuyện nói với toa.

Không hiểu sao, Thạch Thanh Ngọc nhận lời. Khi ngồi bên từng ly rượu áp- xanh tiếp nối, cả hai nói chuyện cà kê dê ngổng cho tới khi Thạch Thanh Ngọc say quắc. Biết là tới cơ hội thuận tiện, Trần Thể Phụng bảo:

- Nè Ngọc, toa dư biết là moa đối với mọi người làm cùng sở với tụi mình không được tế nhị. Bởi bọn nó kết phe kết đảng ngậu xị cả lên. Đứa nào cũng thuộc loại Chằn Tinh, mặt xanh nanh bạc hết ráo. Nếu moa không già tay ấn, tụi nó sẽ trèo lên đầu lên cổ moa để phóng uế. Nhưng riêng đối với toa, moa có bụng mến thương vì moa có linh tánh, biết toa là kẻ hiền luơng, chơn chất. Chẳng giấu gì toa, hôm nay moa có chuyện quan trọng muốn thố lộ với toa. Số là, hôm đi đám cưới toa, moa thấy cô phù dâu mặc áo nhung xanh đẹp như tranh vẽ. Hỏi ra thì là cô em vợ của toa. Khi về Sài Gòn, moa cứ mơ tưởng tới cổ hoài. Nếu không cưới được cổ, moa thề chẳng lấy ai, hoặc là moa mang bịnh tương tư rồi chầu Diêm Chúa. Vậy moa xin cậy toa về nói trước với ông nhạc bà nhạc toa cho phép tía má moa đến Đạo Ngạn hỏi cổ cho moa.

Thạch Thanh Ngọc hăng hái:

- Được rồi, để moa sẽ ướm lời nhạc gia của moa. Chuyện đó đâu có khó. Cô em vợ của moi rất đẹp đôi với toa.

Bởi lỡ hứa nên Thạch Thanh Ngọc phải giữ lời. Chàng ăn năn lung lắm vì nhận thấy trong cơn say, mình bị Trần Thể Phụng lung lạc. Chàng cũng thừa biết tâm địa của cô Ba Tố Nga thấp thỏi, lòng dạ của Trần Thể Phụng mờ ám. Hai người đó mà thành chồng thành vợ với nhau, ai cũng có con đường quấy để mà theo, chẳng ai khuyên nhủ được ai mà lại còn xúi giục người bạn trăm năm của mình làm thêm nhiều điều tà vạy sái quấy thêm.
°   °
°
Đám cưới của Tố Nga vừa tổ chức ở Đạo Ngạn vừa tổ chức tại tửu lầu Soái Kinh Lâm ở Chợ Lớn. Nhiều dân tai to mặt bự tới tham dự, trong đó có ông giám đốc hảng STIC là Xavier Lahaie. Không hiểu sao bên đàng trai sắp cho cô Hai Huỳnh Yến ngồi chung bàn với ông ta. Vậy là cả hai có chuyện để trao đổi nhau. Ông Lahaie góa vợ, nhưng có hai trai. Gặp cô gái già bổn xứ ăn nói đơn giản mà dễ thương nên ông ta cảm tình liền. Riêng cô Hai Huỳnh Yến từ nhỏ cho tới tuổi 30, cô không hề có ý tưởng kết hôn với người ngoại quốc. Nhưng đôi lúc nhìn cái hạnh phước của cô Hai Tố Nguyệt, cô nhận thấy cuộc hôn nhơn dị chủng không phải là không đem lại tình yêu cho đôi lứa biết tìm lẽ sống, còn hạnh phước thì nơi nào cũng có sẵn để cho người biết sống tìm gặp. Cô còn nhận thấy ông Xavier Lahaie bảnh trai, lưng dài, vai rộng, mặt có những nét hùng tráng, cặp môi tươi, tròng mắt trong xanh.

Ba tháng sau, đám cưới cô Hai Huỳnh Yến với ông Xavier Lahaie đuợc tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn. Hai vợ chồng yêu thương nhau nồng mặn, thường lui tới Phú Xuân để thăm vợ chồng Thạch Thanh Ngọc luôn. Riêng cô Hai Huỳnh Yến càng thích làm van làm phước hơn xưa. Tiệm bazaz ở Mỹ Tho phải sang nhượngcho người khác. Cô Hai Huỳnh Yến mở tiệm bazar khác ở chợ Phú Nhuận, cũng phát đạt lắm.

Cậu Tư Hữu Cảnh một hôm đi viếng cô Sáu Kim Oanh, liền xuyên tạc người cô họ của mình:

- Chèn ơi, cô Hai Huỳnh Yến của anh thiệt can đảm. Cổ nhỏ như con chằng hiu mà dám lấy thằng Tây lớn như con trâu pháo, trâu cui, bò hống...

Cô Sáu bực mình vì suốt tuần nay, cô trông đợi cậu đến hú hí với cô. Ai ngờ, cậu đến vào hôm cô bị hộc máu hằng tháng thì cả hai cụp lạc với nhau sao đuợc? Cho nên cô háy chồng thiệt bén ngót như lưỡi dao cạo:

- Anh đừng xử bỉ chuyện thiên hạ. Anh tử tế đứng đắn gì hơn ai? Biết lắm mà, cả tuần nay, anh chui trong đáy quần con Mười nên có kể số gì tới con nầy đâu?

Khi thăm cô Mười Giai Loan, cậu cũng giở trò xuyên tạc cô Hai Huỳnh Yến:

- Cô họ của anh bấy lâu ăn chay làm phuớc để cầu chồng. Ai dè ông Phật lại thưởng cho cổ một tên Phiên tặc Phú-lăng-sa.

Cô Mười Giai Loan nghe đồn cậu Tư mua cho cô Sáu Kim Oanh xấp gấm Thượng Hải màu son tàu mà chỉ tặng cho cô xấp nhung hường, nên nguýt cậu một cái cháy lửa, ra tuồng ghét bỏ lắm:

- Thôi đi, ông Xá Vệ (Xavier) kia biết cưng vợ, chẳng như ai kia có trái dưa leo còn đèo thêm trái cà tím. Chuyện người ta coi bộ anh lịch duyệt lắm. Còn chuyện quái gở kỳ khôi của anh mà anh làm bộ không thấy, không biết. Thấy cái bản mặt hí hởn của anh mà tui ứa gan !

Nhưng ông Xavier lại được lịnh đổi qua xứ Côte d’Ivoire bên Phi Châu. Cô Hai Huỳnh Yến xúi chồng thôi việc để mở văn phòng xuất nhập cảng ở ngoài Sài Gòn. Cả hai còn hùn với cô Hai Tố Nguyệt để mở thêm một cây xăng ở bên Nhà Bè nữa. Còn cô Ba Tố Nga thì làm áp phe, lại còn thêm cái nghề vừa cho vay ăn lời cắt cổ vừa mua đi bán lại hột xoàn cẩm thạch.

Trần Thể Phụng không hợp tánh với ông Xavier Lahaie và Thạch Thanh Ngọc, nhưng lại tương đắc với cậu Tư Hữu Cảnh. Thiệt ra từ nhỏ, Tố Nguyệt lẫn Tố Nga đều yêu thương thắng em trai độc nhứt của mình. Cậu Tư Hữu Cảnh thường chê:

- Tui cũng thương yêu chị Hai tui lắm chớ. Nhưng chỉ khờ, chỉ quê, không thực tế. Đầu óc chỉ đâu có chịu ở trên dương gian nầy mà cứ bay lang thang trên Niết Bàn, Cực Lạc đâu đâu á. Chỉ có chị Ba thực tế như tui nên mới hạp với tui mà thôi.

Sau khi trở thành phần tử gia đình của thầy Thôn Thạnh, Trần Thể Phụng cứ đi thăm thằng em vợ hà rầm. Cả hai ưa rủ nhau đi ăn nhậu để bàn kế lươn lẹo trong công việc làm ăn. Trong kỳ đi LăngTô dạo mát rồi ăn lẫu cá sạo đệm dưa cải, Trần Thể Phụng tâm sự:

- Nè cậu Tư, tui mà làm việc ở sở sùng nào, ở công ty công tiếc nào mà không kiếm chác thêm tiền do óc mánh mung của tui là tui xin nghỉ viêc, ở nhà ôm đít vợ còn sướng hơn.

Cậu Tư rót thêm rượu thuốc vào ly ông anh rể của mình, tán thành:

- Lời anh rất hiệp ý em. Chị Ba em mà gặp người chồng như anh chắc là cả hai phải tương đắc lắm.

Rồi đó, Trần Thể Phụng mới kể chuyện mánh mung thất bại của mình ở Tân Mai, rồi chỉ biểu cho thằng em vợ Trời đánh của mình những kinh nghiệm mà y ta đã rút tỉa từ sự thất bại ấy. Cậu Tư ngó ông anh rể lom lom, chiêm ngưỡng con người lịch duyệt của y ta như chàng thi sĩ khật khùng chiêm ngưỡng bóng trăng rằm.

Trong đầu cậu Tư có nuôi một kế hoạch để làm giàu. Cậu đi Biên Hòa thuật tỉ mỉ sự việc cho cô Sáu Kim Oanh nghe. Nhưng ba ngày qua, cậu ở riết bên Tân Mai với cô Mười Giai Loan nên cô sanh buồn bực. Và rồi trong cuộc giải sầu, cô đứt bốn chến trên chiếu bài tứ sắc. Cô ngồi nghe cậu thuật chuyện với vẻ mặt quạu đeo. Sau cùng, cô ục ra một câu nặng chình chịch như cái cối đá:

- Anh liệu hồn đó. Cứ bày trò gian lận thì cũng có ngày ăn quen chồn đèn mắc bẫy, phải xộ khám cho biết thân.

Cậu Tư chối tai lắm, nên tìm cô Mười Giai Loan để tâm sự. Ai dè cô Mười đang nổi sùng với vợ chồng cô Ba Tố Nga vì cách đây vài hôm, họ dám khen cô Bảy Kim Oanh may khéo mà chưa hề khen món chạo và món nem nướng ở quán ăn của cô. Giận cá chém thớt, cô trề môi dài cả thước và chìa môi nhọn mỏ với chồng:

- Anh nghe lời chồng của chị Ba thì có ngày nếm cơm khám đường. Người khác tài giỏi, họ có thể qua mặt chủ một cái vù. Còn anh, anh cứ mê say lú lậm người ta thì còn đầu óc đâu mà giở trò lươn lẹo?

Cậu Tư Hữu Cảnh biết làu làu giá cả của từng loại cây; cây nu quí nhứt vì đó là phần gỗ ở chỗ cháng ba cây gõ, vừa chắc chắn vừa bóng như gương soi mặt, lại nổi vân hình trôn ốc thiệt lớn. Kế đó là gỗ cẩm lai, sớ gỗ nhuyễn, cũng nổi nhiều vân. Hai thứ cây nầy dùng làm tủ, bàn, ghế cũng như loại cây bằng lăng, cây bời lời (mềm hơn bằng lăng). Cây bằng lăng còn dùng làm cột nhà cũng như cây căm xe; loại căm xe có thân lớn hơn nửa vòng ôm. Cây gỏ màu nâu cánh dán dùng làm ván ngựa thường phải dùng 3 tấm ghép lại. Nhưng thầy Thôn Thạnh được cậu quí tử của mình tặng một bộ ván ngựa gồm 2 tấm lớn ghép lại, quí hơn loại ván gồm 3 tấm nhỏ. Loại cây tốt càng để lâu càng lên nước bóng người nếu thấm hơi người nằm, người ngồi, người rờ rẫm đến. Mối mọt không ăn được chúng. Còn loại cây chắc gồm có cây dầu dùng làm kèo, làm rường nhà, loại cây sao dùng đóng ghe xuồng và dùng làm cây đà ngang của đường rầy xe lửa. Cây thao lao nhẹ và chắc, nhưng không thuộc loại gỗ quí, cũng dùng đóng bàn ghế bày trong nhà bếp, hoặc trong nhà của lớp bình dân nghèo nàn ở vùng quê hoặc ở vùng nửa chợ nửa quê...

Cô Hai Tố Nguyệt sanh cho chồng một trai. Hai cô vợ của cậu Hữu Cảnh sanh hai gái trước chị chồng 2 năm. Còn cô Ba Tố Nga chỉ mới cấn thai ba tháng mà thôi.

Một hôm, Thạch Thanh Ngọc nhơn dịp cúng cô hồn các đảng vào ngày 16 tháng bảy âm lịch, làm luôn lễ cúng đầy tháng cho con. Chàng có mời vợ chồng Xavier Lahaie, vợ chồng Trần Thể Phụng, cậu Tư Hữu Cảnh đến ăn tiệc gồm thịt quay, bánh hỏi, cháo lòng, bánh bò bông... Hai cô Sáu Kim Oanh và Mười Giai Huệ vì bận con mọn nên không thể xuống Phú Xuân được, chỉ gởi mấy món quần áo thêu lẩn quần áo len cho cháu mà thôi.

Xong tiệc, cả bọn kéo ra tiệm bán đồ ngọt ven sông Soi-rạp có bán sâm bổ lương, nhãn nhục, chè thưng, chè mè đen, chè táo soạn, chè hột sen bạch quả... Ai thích ăn món gì thì tùy ý mà chọn.

Khi nhìn qua bên đồng ruộng Giồng Heo, cô Ba Tố Nga bảo em:

- Tư, chị có con bạn vốn là con ông Cai Tổng Chiểu ở Rạch Vọp, nó thường nói đất Giồng heo, Rạch Vọp đã thảy hết phèn ra sông Soi-rạp từ lâu, thôn dân có thể trồng lúa và lập vuờn được. Cho nên dân tứ xứ đổ về hai vùng đất nầy để tạo dựng cơ sở lâu dài. Em nếu có tiền thì đưa cho chị. Chị sẽ cho họ vay tiền kiếm lời cho em. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế nầy, phần đông dân quê hụt tiền khi lập vườn.

Cậu Tư Hữu Cảnh đồng ý:

- Chị vốn khôn khéo quyền biến. Để rồi em sẽ lần hồi đưa tiền cho chị để chị kiếm lời cho em.

Đó rồi cậu noi theo sự hướng dẫn của ông anh rể để tráo trở cây mua vô cho hảng và bán ra ngoài những cây đã cưa xẻ; tiền lời về phần cậu khá bộn. Chừng 2 năm cậu kiếm đuợc 6.000 đồng, trong khi đó một tô cháo lòng hay một tô hủ tíu chỉ giá 2 xu. Cậu gởi tiền cho cô Ba Tố Nga. Cô cho dân đến Vồng Heo, Rạch Vọp vay tiền, giấy nợ dĩ nhiên ghi tên cậu làm chủ nợ.

Cô Hai Tố Nguyệt được hai con em dâu nể trọng. Cho nên hễ rành rang, cô tháp tùng cô Hai Huỳnh Yến đi Biên Hòa và Tân Mai thăm họ vì cô Hai Huỳnh Yến có xe hơi. Mỗi lần thăm viếng như vậy hai cô cháu tặng họ quà cáp hậu hĩ như trứng bắc thảo, khô cá mặn, tôm khô, lạp xưởng, vịt bắc thảo. Và mỗi khi ra về, cả hai được cô Sáu Kim Oanh lẫn cô Mười Giai Loan tặng bưởi Biên Hòa như thanh trà, bưởi ổi...

Cậu Tư Hữu Cảnh khoe với cô Hai Tố Nguyệt:

- Anh Ba chị Ba dạy em cách làm ít mà lợi nhiều. Ai như chị với anh Hai, cần cù nhưng vẫn lù đù đi sau em.

Cô Hai Tố Nguyệt than thở:

- Em ôi, họa phước khó lường. Em nên vun bồi cái đức là hơn. Tiền của như phù vân tụ đó tán đó. Chỉ có cái đức mới ở luôn với mình.

Một hôm, cô Ba Tố Nga đi Nhà Bè thăm cô Hai Huỳnh Yến và cô Hai Túy

Nguyệt. Cô Ba than:

- Hồi mới cặp xách với thằng Tư, con Sáu lẫn con Mười tỏ ra nhu mì và thân ái với cháu. Giờ đây tụi nó kể như thành vợ thằng nọ rồi thì con Sáu hiện nguyên hình con Chằn Tinh hét ra lửa, mửa ra khói; còn Mười biến thành ác quỷ ba đầu, sáu tay, mười hai cái sừng. Cháu có ăn hết của ông của cha tụi nó đâu mà tụi nó ác cảm với cháu dường ấy?

Cô Hai Huỳnh Yến nguýt:

- Vợ chồng mầy xúi giục chồng tụi nó kiếm tiền một cách mờ ám, rồi còn biểu thằng nọ đưa tiền cho mầy làm chuyện thắt họng lũ con nợ. Biết đâu tụi nó sợ có ngày tiền tiêu của mất vì bị ông Trời phạt nặng, chớ gì.

Bà Hương Bộ Mạch qua đời để phân nửa tài sản và ruộng đất cho cô Hai Tố Nguyệt, còn phân nửa kia được chia đôi cho cô Ba Tố Nga và cậu Tư Hữu Cảnh. Một đêm nọ, cô Hai Tố Nguyệt nằm chiêm bao thấy hồn cô Giai Huệ hiện về mách bảo:

- Bên đỉnh gò trên cuộc đất Vồng Heo ngó qua tiệm bán đồ ngọt của Chệt Soóng Páo Yục (Tống Bảo Ngọc), dưới gốc cây da xà và dưới tảng đá ong là nơi chôn hũ vàng; đó là của cải của chồng cô tạo ra hồi kiếp trước, của cải đó bị tui hắc lâm đạo tặc cướp giựt rồi đem chôn giấu nơi mà tui vừa chỉ đây. Cô nên khuyên Xạch Tsíng Yục qua đào đem về bán lấy tiền rồi nhập với số tiền của bà ngoại cô để lại mà mở hảng xuất nhập cảng. Tui giúp cô phen nầy là có thể siêu sanh lên từng trời Đâu Xuất. Nếu cô muốn tưởng niệm tình ràng buộc giữa hai kẻ ở hai cảnh giới khác nhau thì xin lập cho tui cái bài vị sơn son thếp vàng đề tên là Võ thị Giai Huệ, tuổi Canh Tuất, quê ở làng Long Châu, quận Chậu Thành, tỉnh Vĩnh Long.

Tỉnh dậy, cô Hai Tố Nguyệt ghi chép tên họ, tuổi tác và quê quán cô Giai Huệ rồi thuật lại cho chồng rõ. Cả hai mượn tam bản chèo qua Vồng Heo, nương theo dòng rạch nhỏ đến cái gò mà cô Giai Huệ chỉ. Quả nhiên họ đào được cái hũ đựng vàng, kim cương, trân châu, ngọc thạch. Vậy là ước vọng mở hảng xuất nhập cảng của Thạch Thanh Ngọc được thực hiện.

Khi đem bài vị của cô Giai Huệ về thờ trên lầu,Thạch Thanh Ngọc bảo vợ:

- Tuy là của cải do anh tạo ra vào thời tiền kiếp, nhưng dù sao ở kiếp nầy tụi mình có đổ mồ hôi sôi nước mắt để tạo ra nó đâu? Cho nên khi mần ăn phát dạt, mình phải làm sao biến của phi nghĩa thành của chánh đáng.

Càng ăn nên làm ra, vợ chồng Thạch Thanh Ngọc càng hăng hái làm việc phước thiện.

Thấy anh bạn cột chèo và thằng em vợ như diều bay cao trong công việc làm ăn, Trần Thể Phụng đâm ra nôn. Y sợ cô Ba Tố Nga chê y là thứ tư chức tầm thường với lương bổng khiêm tốn nên y chèo kéo lươn lẹo với tên trùm cất hàng và viên thủ kho để rỉ rả khai gian tiền xuất nhập của hảng.

Điều đáng nói nhứt là có tên thương gia người Phước Kiến tên Lìn Tài Phá (Liên Đại Hoa) khi bán lúa gạo xong nhưng nóng lòng về thăm bên Tàu nên chưa lấy một muôn rưỡi đồng. Ai dè, chưa kịp trở qua Sài Gòn, hắn ta bị tai nạn xe cộ chết luôn bên đó. Từ trước,Trần Thể Phụng có giao du thân mật với Liên Đại Hoa, đuợc biết hắn là hạng Nam Phong (tức là hạng ‘gay’ bây giờ), chẳng còn ruột thịt họ hàng gì nữa. Cho nên Trần Thể Phụng vào Chợ Lớn mướn tên Chệt Phước Kiến khác giống hệt tên thương gia đoản mạng kia, làm giấy tờ giả, rồi đưa tên giả mạo kia tới hảng STIC bảo ông đương kim giám đốc Henri Martin rằng đó là em của Lìn Tài Phá tên Lìn Thoòng Phá (Lâm Trung Hoa) tới hảng để lãnh một muôn rưỡi đồng. Ông Henri Martin tin lời ký chi phiếu ngay cho tên giả mạo kia. Sau khi chia chát, Trần Thể Phụng có một vạn đồng. Y sắm biệt thự có hai từng lầu ở Bà Chiểu. Xung quanh là vườn bông. Trong nhà, bàn ghế bằng gỗ quí, các món ngoạn hảo mắt tiền, tranh hội họa của các họa sĩ danh tiếng nước nhà đuợc trang hoàng hực hỡ. Y sắm xe hơi Peugeot 204 hiệu Primo 4 có 6 kiếng giá 2500 đồng. Trong khi đó, cô Hai Huỳnh Yến đã được chồng tặng chiếc Peugeot hiệu Cilta 4, Thạch Thanh Ngọc vì cũng cần nghi vệ cho việc làm ăn nên cũng sắm chiếc xe Peugeot hiệu Julva 4. Thiệt ra, y đâu đám sắm loại Peugeot 402 giá 4000 đồng vì một viên kế toán dù làm việc cho hảng Tây đi nữa nào phải là công chức cao cấp mà y dám sắm nghi vệ sang trọng huy hoắc? Nếu tía y thất lộc, y được chia gia tài thì y cũng dám sắm các loại xe Huê Kỳ hiệu Dodge hoặc hiệu Chevrolet hay hiệu Ford giá cỡ 6000 đồng hay 7000 đồng mà không sợ ai đàm tiếu.

Cô Tố Nga tuyên bố:

- Ngồi xe hơi, đeo hột xoàn mới dễ làm áp phe.

Một đêm nọ, Trần Thể Phụng thấy Liên Đại Hoa hiện vào giấc chiêm của y, điểm mặt y, mắng:

- Nị gian xảo thì cũng có ngày mắc nạn lớn lớ. Ác páo của nị không còn lâu xa nữa.

Cậu Tư Hữu Cảnh cũng muốn sắm xe hơi vì sợ cô Sáu Kim Oanh và cô Mười Giai Loan đành hanh với nhau vì họ có thể nghi nan cậu chở tình địch đi chơi nhiều hơn mình. Cậu đành mua chiếc mô-tô ăng-lê hiệu Norton gồm 3 mã lực tối tân hơn loại Terrot của Pháp chỉ có 2 mã lực mà thôi. Cậu còn kèo nài vợ chồng thầy Thôn Thạnh cho cậu chút ít tiền phụ vào số tiền cậu xuất ra để mua cho mỗi cô vợ cậu một chiếc xe đạp hiệu Pélisier tuy rẻ hơn loại xe đạp tối tân Antonin-Mayne nhưng cũng nhẹ nhàng và đạp êm. Nhưng mà điều tiên đoán về sự đành hanh của hai con vợ chằn ăn trăn quấn kia, cậu chỉ trúng có phân nửa. Cô Sáu Kim Oang nghiến răng,xỉa xói:

- Tui nghe nói Chúa nhựt vừa rồi, anh chở người ta đi Cù Lao Phố ăn cháo cá giò heo. Người ta ôm eo ếch anh, cười phơi phới ra vẻ hí hởn lắm!

Cậu phải thề bán mạng cô Sáu mới thôi trợn mắt phùng mang sanh sự lôi thôi với cậu và mới chịu theo cậu đi ăn nem nướng ở ngoài chợ. Nhưng câu chuyện đâu đã hết! Không biết cái miệng thọp thẹp của ai rỉ rả bên tai cô Mười Giai Loan nên cô lồng lộn nổi cơn tam bành khi cậu Tư Hữu Cảnh đi Tân Mai viếng cô:

- Phải mà, người ta văn minh tân thời mới được anh chở đi Lái Thiêu mua lôm chôm, măng cụt, mít tố nữ về nhà ăn với nhau. Còn tui vốn bạc phuớc bạc phần nên đi đâu cũng cong xương sống đạp xe một mình.

Cậu phải thề độc nên cô Mười mới tin, mới chịu nấu cho cậu tô cháo thập cẩm để cậu giải lao.
°   °
°
Năm qua tháng lại, thời cuộc như sân khấu thay đổi liền liền; hết cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì Nhựt đảo chánh Tây, rồi Việt Minh lên nắm chánh quyền và sau hết là tới cái mànTây tái chiếm Đông Dương. Nước dưới cầu khi đầy khi vơi nhiều phen, chảy qua chảy lại lắm bận. Đại gia đình của thầy Thôn Thạnh cũng trải qua nhiều biến cố. Cô ưu-bà-di qua đời, để lại cho lũ cháu mỗi ngưòi 30 lượng vàng, nhưng không để lại đất đai vườn tược gì, bởi cô lần hồi bán hết của cải bất động sản để giúp người sa cơ, kẻ khốn khó.

Vợ chồng ông Xavier Lahaie và vợ chồng Thạch Thanh Ngọc cứ theo việc cũ mà làm. Hảng cưa đóng cửa, cậu Tư Hữu Cảnh nghỉ việc, chỉ biết phụ hai vợ trông coi hai cơ sở làm ăn. Tụi con nợ của cậu không tiền trả, đành đem ruộng đất đền cậu. Nhưng sau khi Tây tái chiếm Đông Dương, ruộng đất bên Giồng Heo, Rạch Vọp bị bọn Việt Minh chiếm đóng. Cậu muốn qua bên đó góp lúa và thâu huê lợi thì cô Sáu Kim Oanh trợn mắt:

- Tía tui thường nói bọn Việt Minh vốn ghét thương gia địa chủ. Anh mà xách đít qua bên đó là bị tụi nó túm được đem anh ra thọc huyết.

Cô Mười Giai Loan sừng sộ:

- Bộ anh muốn Việt Minh cho mò tôm hay sao mà qua bên kia con sông Vàm Cỏ Tây? Anh ăn mặc bảnh bao, lại sẵn cốt cách phong lưu sẽ làm cho tụi nó tưởng lầm anh là gián điệp đi qua bên đó để dọ thám. Anh liệu hồn đó, người ta lấy thân che của, chớ ai lấy của che thân bao giờ?

Cô Hai Huỳnh Yến than thở với vợ chồng Thạch Thanh Ngọc:

- Của hoạnh tài nào có ở lâu trong tay ai? Đã mất của, thằng Tư đa tình và đa mưu túc trí kia lại còn mắc hai con vợ vốn là loại sư tử có bờm, nên thẳng chẳng có ngày nào được an ổn với hai cỏn. Mà cũng kỳ, hai con quỉ đó hễ càng đẻ sai, càng đẹp phốp pháp, nhưng càng hổn hào dữ tợn như Chằn tinh gấu ngựa.

Cô Sáu Kim Oanh sanh hai gái một trai. Cô Mười Giai Loan sanh một gái ba trai. Còn Ba Tố Nga đẻ liên tiếp hai đứa con trai rồi nín luôn. Còn cô Hai Tố Nguyệt đầu đuôi chỉ có đứa con trai nên cô xin thêm một đứa con gái nuôi. Còn cô Huỳnh Yến vẫn son sẻ nên cô kết thân với hai đứa con trai của chồng và được tụi nó cảm tình lắm, thường gởi quà cho cô.

Trần Thể Phụng vẫn không chừa thói gian manh lươn lẹo trong việc sổ sách kế toán. Nhưng rủi cho y. Vào một hôm nọ, viên xếp kế toán xem xét hóa đơn thấy y biên sai sót một đồng xu. Nếu vận sự ngưng ở tại đó thì những chuyện lươn lẹo của y đâu có bị phát giác. Do một linh tính bén nhạy hướng dẫn, viên xếp kế toán bắt y đem trình tất cả sổ sách cho ông ta duyệt xét lại. Vậy là việc gian trá lòi ra. Ông giám đốc Henri Martin lại cho điều tra luôn về vụ hưởng tiền của Liên Đai Hoa và cảnh sát theo dõi và tóm được tên Liên Trung Hoa. Hắn phải khai tên thiệt của mình là Cấm Tài Páo (Kim Đại Bảo). Cô Ba Tố Nga phải cầu cứu cha chồng là nghiệp chủ Trần văn Giáp. Ông xin bồi thường tiền để thằng thứ nam Trời đánh của mình khỏi bị lôi ra trưóc vành móng ngựa. Nhưng ông Henri Martin vốn liêm chánh, quyết làm cho ra lẽ thưởng phạt ngay gian. Trần Thể Phụng chẳng những bị thường tiền mà bị đưa ra tòa và lãnh 2 năm tù.

Khi Miền Nam Việt Nam ở vào chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa, Trần Thể Phụng nhờ lãnh phân nửa gia tài của cha để lại nên mở trường Tư thục ở chợ Mỹ Tho, còn cô Ba Tố Nga mở tiệm bán sách báo, bề thế sanh sống khá phong lưu. Có hoạn nạn, họ mới tin tưởng tâm linh tôn giáo (Phật giáo) nên siêng tụng kinh và ăn chay mỗi tháng 10 ngày.

Khi vợ chồng thầy Thôn Thạnh kế tiếp nhau qua đời thì cậu Tư Hữu Cảnh về Đạo Ngạn trông coi vườn tược. Cậu ở ngôi nhà hương hỏa với mấy đứa con lớn. CôSáu Kim Oanh mở một tiệm may ở chợ Trung Lương. Còn cô Mười Giai Loan mở quán nhậu ở Ngã Ba Cây Xăng. Để bớt chạm mặt nhau, họ ít khi về nhà hương hỏa dù nơi cô Sáu lập cơ sở đến bến đò làng Đạo Ngạn chỉ cách nhau chưa quá 1 cây số, còn cơ sở của cô Mười thì xa bến đò ấy hơn 2 cây số. Mỗi tuần, cậu Tư Hữu Cảnh viếng hai bà vợ đều đều, không dám nhạt với người nầy để thắm với người kia. Vậy mà hai cô cứ đổ ghen, cứ đay nghiến cậu không ngớt.