văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, October 27, 2021

HÀ THÚC SINH ** BÍ MẬT Ở THỀM ĐÁ


Trên bực thềm đá ngôi thánh đường cổ còn sót một phần mái che, từng sụp vì động đất đã bị bỏ hoang từ lâu, ngồi một ông già và một cô gái. Họ đụt mưa. Sau một lúc lâu yên lặng và thỉnh thoảng thả qua nhau một ánh nhìn dò xét, ông lão mới khò khè nói trổng:

“Mưa thế này chắc lâu mới tạnh!”.

“Dạ”.

“Cô ở gần đây?”.

“Dạ dưới dốc cầu”.

“Cầu đá?”.

Cô gái không đáp. Ông lão hơi nhíu mày, rồi khuôn mặt bình thản trở lại. Lát sau cô gái mới hỏi:

“Cụ ở đâu?”.

“Dưới nhà lồng chợ, gần trường học”.

“Vâng”.

Họ thôi trò chuyện và cả hai đều nhìn ra trời mưa. Nước lắm khi dội xối xả trên những tàu lá chuối khô, tạo một âm thanh rầm rộ, rồi mưa ngớt và âm thanh ấy chợt như biến vào khu rừng sắn kế bên, chỉ để lại tiếng nước róc rách chảy dưới kè đá bên hông thánh đường.

Cô gái lại nói:

“Cụ ở khu nhà lồng chợ lâu chưa?”.

“Từ hồi nó chưa xây cô ạ”.

“Vậy cụ ở đó cả nửa thế kỷ còn gì”.

“Ừ, cỡ đó”.

“Chỗ đó có khu nghĩa trang mới. Nói mới chứ cũng ngót nghét nửa thế kỷ rồi. Khu cháu ở hiện tại nghe nói đã có trên ba trăm năm”.

“Khu nghĩa trang cổ?”.

“Vâng”.

“Ở đó giờ đâu còn ai”.

“Dạ, chỉ còn vài cái nhà cổ và nhà cháu là một”.

“Xa vậy rồi chợ búa thế nào?”.

“Dạ… rồi đâu cũng vào đó cả, cụ ạ”.


Ông cụ nhìn cô gái lần nữa rồi chìm vào yên lặng. Và cô ta cũng yên lặng.

Cụ lại thốt hỏi:

“Quãng hơn ba mươi năm trước tôi cũng từng có nhà ở gần khu cầu đá. Lúc ấy người ta còn tụ ở đó khá đông. Thời ấy gần tôi có bà Oánh bán tạp hóa. Không biết giờ bà ấy còn ở đó không?”.

Cô gái có thoáng nghĩ ngợi, rồi hỏi:

“Phải bà Oánh còn bán cả chè tươi và bánh khảo đậu?”.

Ông cụ reo lên:.

“Ồ, đúng rồi. Bà ấy còn ở đó không?”

Giọng cô gái trầm hẳn xuống:

“Bà ấy lọt giếng mất hai chục năm rồi, cụ ạ”.

“Mất hai chục năm rồi? Tội quá! Nghe nói bà ấy có anh con trai đi học xa. Anh ấy có bao giờ về thăm chốn cũ?”.

Lúc lâu không thấy cô gái trả lời. Cụ nhìn sang thì không thấy cô ta đâu nữa. Hình như cô ta có chào mình? Cụ bán tín bán nghi.

Mưa đã ngớt hẳn. Ông cụ đứng lên rời bực thềm đá. Cụ nhìn quanh và không thấy bóng dáng cô ta đâu. Cụ bước đi và đầu nảy câu hỏi: Nhỏ này cỡ ngoài đôi mươi tí đỉnh, sao nó biết rành chuyện bà Oánh tạp hóa?

Rồi cụ  kéo cao cổ áo bước vào những sợi mưa sau cùng.


Những sợi mưa sau cùng tưởng là mưa sẽ dứt, ai dè nó lại kéo tới một trận mưa nữa và xem chừng trận này còn lớn hơn trận mưa trước.

Hai đầu hồi ngôi thánh đường sụp đổ cùng lúc ùa vào hai người đàn ông. Một vẫn là cụ già ban nãy và một là người đàn ông trung niên. Mưa tạt tứ bề. Sau cùng họ cũng rút vào chỗ thềm đá có mái che để đụt mưa.

“Úi dà dà, mưa lớn quá!”.

Cụ nói nhưng người đàn ông chẳng tỏ dấu hiệu gì nghe thấy. Chỉ từng đợt mưa đổ rào rào qua những tàu lá chuối khô.

“Lớn quá, mưa lớn quá ông hả?”.

Người đàn ông đã nhận ra ông cụ muốn nói gì, ông ta nói như hét, mong giọng mình át được tiếng mưa:

“Cụ nói gì?”.

Cụ giơ bàn tay chỉ ra ngoài mưa. Người đàn ông hiểu nhưng chỉ gật gù. Một lát ông moi trong túi ra gói thuốc và hộp diêm. Ông mời ông cụ nhưng ông cụ khước từ. Ông ta bật diêm đốt thuốc. Ông rít một hơi và nhả khói ra ngoài trời mưa.

“Tôi bỏ thuốc tính đến nay đã gần bốn mươi năm,” ông cụ nói. “Người ta bảo sao nhỉ? Bỏ vợ bỏ con như bể lấp/ dẹp trà dẹp rượu quá dời non. Lấp bể dời non là chuyện không tưởng. Ai ngờ tôi bỏ được ông ạ. Nhất định không làm nô lệ cho nó nữa”.

“Phục cụ”.

Tự dưng ông cụ hỏi:

“Trước khi trận mưa ập trở lại, trên đường chạy vào nấp ở đây, ông có thấy một cô gái từ đây chạy ra ngoài cánh đồng sắn không?”.

Người đàn ông chợt nhíu mày:

“Cô ấy mặc quần đen, áo hồng?”.

“Ông biết cô ấy à?”.

“Tôi đang đi tìm cô ấy đây. Vâng, …vợ tôi đấy”.

Ông cụ nhìn kín người đàn ông, rồi buột miệng nói:

“Thấy cô ấy còn trẻ lắm, chừng …ngoài đôi mươi”.

Người đàn ông nói tỉnh:

“Vâng, tôi gần gấp đôi tuổi cô ta”.

Ông cụ nói:

“Đội mưa mà đi thế này trúng cảm thì chết!”.


Người đàn ông tính nói gì đấy, rồi lại thôi. Anh ta đốt thêm điếu thuốc khác, rồi nói:

“Thực tôi thấy cụ quen quen, chừng như đã gặp đâu đó lâu lắm rồi”.

“Tôi cũng thấy ông quen quen. Có phải ông là Quý con bà Oánh bán tạp hóa không?”.

Người đàn ông hơi trố mắt:

“Nhưng bác không phải là bác Thái hốt thuốc Bắc và làm thuốc tễ đấy chứ?”.

“Tôi đây. Thái đây”.

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ bác Thái ơi. Mấy chục năm qua đi ai ngờ lại gặp nhau giữa đường thế này!”.

Hai người đàn ông nhận ra nhau và họ mừng khôn tả. Dưới những đợt mưa tầm tã, họ kể cho nhau nghe những chuyện ngày qua. Đời ông cụ và nghề nghiệp không có gì thay đổi, nhưng gia đình người đàn ông thì lắm biến thiên. Mẹ lọt giếng mất mà đến nay vẫn là một nghi án. Còn anh thì học hành không suôn sẻ, có nghĩa là thất bại; và vợ anh đúng là một oan gia nếu có thể gọi là oan gia. Mẹ anh rơi xuống giếng và gào la đủ ba ngày dưới giếng cho đến lúc hết hơi mà chết. Vợ anh lúc đó mới bảy tuổi, không hề kêu la hoặc chạy đi cầu cứu lối xóm. Cô rúc vào một góc tủ, nằm run rẩy đủ ba ngày cho đến khi người hàng xóm tạt qua nhà và khám phá ra cô nàng sắp chết đói.

Và anh từ phố trở về, làm tiếp ý nguyện của mẹ thường nói với anh lúc bà còn sống: Khi nó mười bảy tuổi nó sẽ là vợ con! Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào con không được làm trái ý mẹ.

Mẹ mất, anh đi làm nuôi em cho đến năm Lài, tên đứa em nuôi, tròn mười bảy tuổi.

Lài là con gái của cặp vợ chồng vốn là bạn thân của mẹ nàng. Họ qua đời trên đường tới thăm bà vì tai nạn xe hơi, để lại cho bà nuôi Lài lúc nàng lên bảy.

Ông cụ nghe xong câu chuyện thì hết mưa và vừa lúc trăng lên.

Anh nói với ông cụ:

“Lâu lâu vợ cháu lại bỏ nhà đi lang thang, và cháu phải đi tìm”.


Nhưng câu chuyện Quý kể trên bệ đá ngôi thánh đường sụp đổ có đúng là như thế? Sau này có người dị nghị rằng khi cãi nhau với mẹ bên bờ giếng, Lài đã xô bà xuống, trước khi chạy vào góc tủ nằm khóc đủ ba ngày đêm. Quý cố lý luận để không tin đó là sự thật. Một bé gái bảy tuổi có thể nóng giận và làm được điều đó không? Không, cả tình lẫn lý, vợ anh không thể làm điều đó dù  có nóng giận thế nào.

Dù sao lời dị nghị ấy vẫn là một cái đinh âm thầm đóng vào đầu Quý. Và không dễ nhổ ra.

Chỉ một điều đáng sợ ở Lài là nàng sát sinh. Khi lên mười, ong kiến bướm sâu không còn dấu tích tồn tại trong vườn nhà anh. Nàng giết sạch! Giết một cách lạnh lùng! Quý ái ngại về việc này nhưng không hiểu sao chưa một lần anh lên tiếng can dự vào việc Lài làm. Cứ như một kẻ có mối lo tiềm ẩn trong người, rằng hãy để nàng khoa dao giết bất cứ sinh vật nào nàng muốn, hơn là để một ngày nàng xoay mũi dao vào ngực mình.

***

Những người lính tuần trên con đường trăng lầy lội với ruộng sắn hai bên, đêm ấy đã tìm ra xác ông cụ. Ông nằm chết còng queo vì một nhát dao đâm trúng tim.

Vài người khai họ đã nom thấy ông cụ từ ngôi thánh đường đi ra vào một buổi chiều tối có mưa, còn Quý là người khai sau cùng thì nói đã ngồi đụt mưa trên bệ đá trong ngôi thánh đường sụp đổ với ông cụ. Hai người có trao đổi dăm ba câu chuyện “đầu ngô mình sở” từ mấy chục năm trước với nhau, cho đến lúc hết mưa thì chia tay, ông cụ đi về hướng nghĩa trang mới còn anh đi về hướng nghĩa địa cổ.


Hà Thúc Sinh