văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, October 31, 2021

Huỳnh Trung Chánh ** MA NỮ SI TÌNH



Tha phương sinh sống xứ người, tuy thâm tâm lúc nào cũng hướng về quê hương mến yêu, thế nhưng phải chờ đợi đến hơn hai mươi năm trời, sau bao ngày khắc khoải suy tư Thanh mới đột ngột quyết định về nước nghỉ hè hai tháng. Chàng về Saigon viếng thăm họ hàng vài ngày, rồi lang thang du ngoạn khắp các vùng biển từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu, sau cùng quay lại Nha Trang, chiều chiều thơ thẩn đi dài dài trên bãi, mắt lơ láo nhìn biển khơi xa xăm với nỗi buồn vời vợi.

Nha Trang là quê hương của nàng, biển chốn nầy ngay lần đầu chàng đến – một đêm ba mươi mưa gió bão bùng – quả thật rất thu hút chàng. Tiếng gầm thét biển khơi tại chốn nầy đã gợi nhớ, đã khiến chàng ray rứt buồn thương, mường tượng lại cảnh kinh hoàng của một đêm đen tại bờ biển Trengganu, Mã Lai vào khoảng hai mươi năm về trước.

Ngày đó, Thanh và người yêu Hoàng Yến nôn nóng tháp tùng một tổ chức vượt biên theo ngả cồn Long Sơn, Vũng Tàu ra nước ngoài, với ước mơ tự do xây tổ ấm và cơ hội gầy dựng sự nghiệp xứ người. Chiếc tàu hai dàn máy nhỏ cưu mang đến ba mươi hai nhân mạng, nằm ngồi sắp lớp dưới khoang, len lách theo con rạch ngoằn ngoèo, quanh cồn Long Sơn, Vũng Tàu, hướng ra biển khơi an toàn. Thế nhưng, chiếc tàu máy nhỏ chạy cà rịch cà tang nên lênh đênh trên biển cả tuần, lương thực mang theo cơ hồ khô cạn, mà chẳng thấy bóng dáng đất liền, viễn ảnh đói khát ám ảnh mọi người. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, bỗng may mắn thấy chiếc tàu đánh cá khá lớn thấp thoáng xa xa, bèn kêu la cầu cứu. Chiếc tàu lạ nhân đạo đáp ứng, dừng lại tiếp tế lương thực, đoạn chỉ dẫn cặn kẻ hướng đi đến Trengganu (tức Terengganu), Mã Lai.

Chuyến đi hồ hởi tiếp tục cho đến xế chiều ngày hôm sau thì bóng dáng đất liền bắt đầu lờ mờ lộ dạng xa xa, tuy vậy khi tàu tiến gần bờ thì trời đã tối đen, không thể vào bến được, đành tạm neo thuyền sát bãi ngủ qua đêm. “Chỉ một đêm nay, rồi mai lên bờ” tiếng ca tửng tửng của chàng trai nào đó, khiến thuyền nhân ai cũng rộn ràng... mỗi người một câu đua nhau hân hoan phụ họa về một viễn ảnh tươi sáng ngày mai. 

Đôi tình nhân Thanh Yến, tay nắm tay ngồi tựa bên nhau dưới hầm tàu trao nhau nụ cười tràn đầy hạnh phúc. Yến bỗng thỏ thẻ: “Mình chưa là vợ chồng chánh thức, liệu họ có cho mình đi chung không anh?” “Anh nghĩ chắc phải được chớ! Mình cứ khai bừa là vợ chồng thì ai biết? Mà rủi có bề gì, thì em cứ xin bà cô ở Pháp lãnh đi trước, anh qua sau mau chậm gì nhất quyết mình cũng đoàn tụ nhau mà thôi!” “Không! Dứt khoát là không! Em thề sẽ ở đây mãi mãi để chờ anh đi một lượt!”. Yến phán ra lời “chắc mẻm” rồi ngoẻo đầu qua chàng, ngủ yên lành như một cô bé con. 


Thanh bỗng giựt mình thức dậy khi nghe tiếng hét kinh hoàng: “Ối trời ơi! Sao tàu mình trôi trở ra biển rồi bà con ơi!”. Tiếng la lanh lảnh đánh thức mọi người. Vừa mở choàng mắt, họ liền hốt hoảng khám phá ra chiếc tàu đang chông chênh theo làn sóng dập vùi, vô cùng nguy hiểm. Thế rồi, cha con chồng vợ ơi ới réo nhau, Thanh lôi tình nhân theo mọi người phóng nhanh lên boong tàu. Đến lúc nầy thì trong đám thủy thủ mới có người thức giấc, hắn réo bạn: “Đ.M.! đứt giây neo tụi bây ơi!..” đoạn hướng vào đám hành khách nhốn nháo lên tiếng: “Chuyện đâu còn đó! chẳng có gì nguy hiểm! Xin bà con cô bác bình tĩnh ngồi yên, để tui cho nổ máy lái tàu trở vô bờ!”. Lời trấn an nầy không giúp cho tình trạng hổn loạn cải thiện tí nào, mọi người vẫn cuống cuồng kêu la, tràn qua phóng lại theo độ nghiêng ngửa của con tàu theo từng đợt sóng. Thế rồi, sau hai đợt sóng dâng cao liên tục, chiếc tàu mất thăng bằng lật úp. Thanh bị hất ra khỏi boong tàu, sóng vùi dập chàng chìm sâu lượt nầy qua lượt khác, mấy phen lâm nguy ngộp thở choáng váng tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng bản năng sinh tồn thúc đẩy chàng cứ tận lực quẫy mạnh trồi lên mặt nước, để rồi cuối cùng khi thân thể rã rời thì như có phép lạ chàng vớ được mảnh ván trôi ngang tầm tay, rồi bám chặt. Bấy giờ Thanh mới sực nhớ đến Yến, chẳng biết hai người đã tuột tay nhau lúc nào? và số phần nàng ra sao? Trời tối đen, quanh quất chẳng thấy bóng dáng một ai, Thanh thảng thốt cất tiếng gọi: “Yến ơi! Yến ơi!” Tiếng kêu vô vọng lạc lõng trong đêm, chỉ có tiếng sóng biển gầm gừ thay cho lời đối đáp. 

Thanh ôm cứng tấm ván cứu tinh mặc cho sóng gió đưa đẩy, thời gian kéo dài như vô tận, miệng khô đắng, tay chân đau nhức rã rời. Khi trời lờ mờ sáng, thì hơi sức của Thanh đã cùng kiệt, chàng tuyệt vọng nhướng mắt nhìn quanh chỉ thấy hoa đóm hư ảo lập lòe. Tấm ván trở nên nặng trĩu rồi tuột khỏi đôi tay, Thanh buông xuôi chịu chết, bất ngờ chân chàng chạm trên cát, sức sống tiềm tàng bừng dậy, chàng hối hả đứng lên khám phá ra nước đã lắp xắp ngang bụng. Thanh cố sức lê gót, dù bị sóng liên tục dập té xuống mà vẫn ráng quơ quào bơi lội, bò trườn lết.. nhích dần cho đến khi gục xỉu mê mang... 

Sáng sớm hôm đó, có người dân địa phương thấy cảnh tượng xác người nằm la liệt trên bãi biển khẩn báo cho chánh quyền cứu cấp, nhờ vậy mới kịp thời khám phá ra năm nạn nhân còn thoi thóp đưa vào bệnh viện cứu chữa. Nạn nhân sống sót gồm một bà đứng tuổi, ba thanh niên, và một bé gái khoảng năm tuổi, đã lần lần hồi phục sức khỏe sau vài ngày, dù thần trí vẫn còn ngây dại thẫn thờ, đã được chuyển ngay đến trại tị nạn Pulau Besa, và được Phủ Tị Nạn Liên Liên Hiệp Quốc ưu tiên đặc biệt sắp xếp cho định cư trong một thời gian ngắn. 

Thanh được gia đình vị giáo sư hồi hưu bảo trợ về Denver, Colorado, Hoa Kỳ. Nhà giáo hảo tâm cảm thương cảnh ngộ của chàng, chu đáo chăm sóc chàng về vật chất lẫn tinh thần, đã khuyến khích và hướng dẫn chàng kịp thời ghi danh đại học, rồi được tuyển vào trường y, tương lai sự nghiệp của Thanh cứ tiếp tục thênh thang theo năm tháng. Hành nghề bác sĩ tám năm, danh vọng cao, tiền bạc rộng rãi... nhưng Thanh vẫn lủi thủi sống trong cô đơn lặng lẽ. Chàng chẳng ngó ngàng đến bất cứ người đẹp nào, cho dù cha mẹ nài ép cố tạo cơ hội gặp gỡ mai mối. “Ôi! làm sao chàng có thể xóa nhòa bóng dáng Yến tận đáy lòng? làm sao quên nổi tai nạn thảm khốc của chiếc tàu định mạng vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm của chàng?” Mỗi khi nhớ đến Yến, chàng thường mong ước cơ hội liên lạc gia đình nàng, hi vọng làm được điều gì cho đẹp dạ nàng nơi chín suối, nhưng điều rắc rối là chàng hoàn toàn không biết gì về gia đình Yến, chỉ đại khái nhớ là dường như Yến có kể rằng cha là một nhà giáo tại Nha Trang mà thôi. Hai người vốn quen nhau nhân một chiếc vượt biên bị “bể” trốn chui trốn nhủi bên nhau, rồi biến thành nặng nợ ân tình thề nguyền kết nghĩa vợ chồng. Thế rồi, chỉ mấy ngày sau họ bỗng nhanh chóng móc nối một đầu mối khác rồi dắt díu nhau đi ngay, thành thử họ nào có điều kiện tìm hiểu gia đình của nhau. Thanh về Nha Trang chuyến nầy, một phần nhằm dò la gia đình người yêu, một mơ mộng ảo huyền như mò trăng đáy biển, để rồi hằng ngày chàng chỉ biết bơ vơ nhìn biển khơi, vời vợi buồn và để nhớ để thương.

Đêm không trăng, sóng ầm ĩ, biển khơi đen ngòm... dường như đã thôi miên Thanh đến mức bất động nên mặc cho mưa lất phất rơi, chàng vẫn lầm lì chịu đựng cho đến khi bị một làn gió lạnh lẽo len lỏi vào thân thể run lẩy bẩy phải hối hả trở về khách sạn nghỉ ngơi. Cảm thấy mệt mỏi và buồn nản, Thanh để nguyên quần áo nằm lăn lên giường, vừa lơ mơ ngủ thì bỗng có tiếng gọi nhỏ nhỏ: “Bác sĩ! Bác sĩ! Xin làm ơn cứu người đang bất tỉnh!” Thanh chồm dậy, chụp túi đồ nghề loại bỏ túi đi du lịch như phản ứng nghề nghiệp bươn bả mở cửa bước ra. Một cô gái trẻ mặt mày tái mét vì lạnh, mấp máy đôi môi: “Người bệnh ở nhà trong hẻm gần đây” rồi lất phất đi trước dẫn đường. Thanh bám theo cô gái bén gót, loanh quanh qua hai hẻm nhỏ đến một cái chái tôn xệch xạc, thì cô gái dừng lại khoát tay mời chàng vào. Thanh vội trờ tới, mở cánh cửa khép hờ bước vô trong, cô gái cũng len theo rồi lẫn đi đâu mất biệt. Bà cụ nằm gục dưới đất, mặt tái xanh, mắt nhắm nghiền... Chàng vội khám mắt, khám phổi, khám nhịp tim và yên tâm nhận thấy bệnh nhân chẳng có gì nguy hiểm, có lẽ chỉ vì già yếu, thiếu dinh dưỡng nên chỉ một cơn buồn da diết bỏ ăn cũng đủ khiến bà kiệt sức ngã xỉu mà thôi. Thanh đỡ bà lên giường, thoa dầu nóng Bengay khắp người cho ấm, đoạn mớm cho bà chút nước dinh dưỡng Ensure... Bà cụ ấm dần, mắt chớp chớp, định ngồi dậy. Thanh ngăn lại:

- Bà bác còn yếu lắm, xin nằm yên nghỉ ngơi! 

Tuy vậy, vừa cảm thấy khỏe đôi chút, bà cụ đã ái ngại lên tiếng:

- Xin đội ơn Ông tiếp cứu! Ủa! Làm sao Ông biết tôi ngất xỉu mà cứu tôi vậy?

- Thưa, cháu đang ở khách sạn thì có người nhà của bác... ơ... cô gái gầy gầy đó... gõ phòng báo tin rồi dẫn cháu đến đây!

- Lạ quá! Tôi sống một mình hà! Làm gì có con cháu nào ở gần đây?

Câu trả lời khiến Thanh vô cùng ngạc nhiên, chàng thầm nghĩ: “Cô gái dẫn chàng về đây rồi trốn mất dạng nghĩa là sao? Chẳng lẽ họ sợ bị mình đòi trả tiền công nên chối quanh chăng?” Tuy nghĩ vậy nhưng Thanh không nỡ vạch trần ra sự thật, chàng chợt thấy tấm ảnh treo trên tường có nét tương tợ với cô dẫn đường nên dò hỏi:

- Thưa đây là ảnh cháu của bác?

Nghe hỏi, bà cụ bỗng khóc rấm rứt kể lể:

- Đó là hình cháu Hoàng Oanh, con Út của tôi! Nó bị bệnh viêm màng óc chết nay đã bảy năm rồi!.. hít... hít... Nó là đứa con hiếu thảo, nếu còn sống thì tôi đâu có cơ khổ như thế nầy!

Thanh thầm nghĩ: “Lẽ nào, hồn ma cô gái nầy đã do nặng tình hiếu thảo mà lộ dạng cho chàng thấy để xin cứu giúp mẹ sao?”, chàng rùng mình rởn gai ốc nhưng cố gắng giữ vẻ tự nhiên, ôn tồn an ủi:

- Tội cô ấy quá mà cũng khổ thân cho bác nữa! Về già sống một mình một bóng chắc gian nan lắm phải không bác?

- Thằng Hoàng Long, con trai tôi cũng nói giống như Ông vậy đó! Nó nài ép tôi bán nhà về Saigon sống với chúng... ngặt một nỗi là tôi muốn giữ căn nhà nầy... chờ tin con gái lớn... rủi như nó muốn liên lạc về nhà thì sao?

Bà cụ sụt sùi, kéo vạt áo lau nước mắt, rồi cất tiếng than trách bâng quơ đứa con vắng mặt: “Yến ơi! Con ở đâu biền biệt mà hai mươi năm nay chẳng có tin tức vậy con? Con có biết là má lo, má khổ lắm không con?”

Vừa nghe tiếng gọi “Yến ơi!” thì Thanh đã choáng váng mặt mày, chàng quýnh quáng hỏi một hơi: 

- Có phải cô ấy tên Võ hoàng Yến sanh ngày sáu tháng ba năm 1958 tại Nha Trang, cha là nhà giáo Võ Hoàng phải không bác?

Bà cụ nửa mừng nửa lo run rẩy hỏi:

- Uả! Cháu... sao cháu biết? Cháu quen với nó hả? Nó có nhắn gởi gì cho bác không cháu?

Thanh nghẹn ngào: “Bác ơi!” Rồi dường như không còn chịu đựng nổi nữa, chàng quỵ xuống ôm bà cụ khóc thảm thiết. Phải chật vật lắm, Thanh mới có thể kể lể đầy đủ đầu đuôi thảm cảnh ngày xưa, cũng như bày tỏ mối tình thâm trọng của chàng đối với người yêu cho bà thấu hiểu. Sau đó, mặc dầu bà tỏ ý ái ngại nhưng chàng vẫn nhất quyết xin bà nhận chàng vào hàng rể con, cho chàng được thay thế Yến chăm lo săn sóc bà lúc tuổi xế chiều nầy...

Thế rồi, Thanh đưa bà Võ Hoàng vào bệnh viện kiểm tra tổng quát sức khỏe, đoạn ra kế hoạch sửa nhà, mua sắm vật dụng cần thiết, mở chương mục tiết kiệm cho bà đứng tên... lấy lời chi tiêu hàng tháng, ngoài ra khi Hoàng Long về thăm mẹ, chàng liền ưu ái tặng “em vợ” chiếc gắn máy thời trang làm quà gặp mặt... Biết bà hằng lưu tâm đến người chết, Thanh cũng giúp bà sửa sang phần mộ chồng con ở quê..., rồi lại đưa bà đến Chùa Hải Đức, thỉnh cầu tổ chức cầu siêu cho Yến. Nhân khi bà đang bàn bạc chi tiết buổi lễ cầu siêu với thầy tri khách, Thanh đi quanh chùa ngoạn cảnh, vô tình gặp nhà sư già chất phác ngồi trên chiếc ghế hư cũ bên hông chùa hóng mát vội xá chào. 

Sư cười hiền hòa dễ thương làm sao, lên tiếng:

- Con viếng chùa lần đầu?

- Dạ con đưa bà già đến xin lễ cầu siêu cho cô con gái – chàng nhún vai – cô ấy đã từ trần trên hai mươi năm nay, chắc đã đầu thai mất rồi, nhưng bà muốn thì con cũng chiều ý cho bà vui vậy mà!

- Ơ! Dẫu chưa đầu thai hay đầu thai rồi thì mọi nghi thức tu tập như bố thí, lễ bái sám hối hay cầu siêu hồi hướng cho người chết đều lợi ích như thường con ạ!(1)

- Uả! vậy mà con tưởng thân trung ấm(2) sẽ đầu thai trong vòng 49 ngày, nên cầu siêu trong hạn nầy mới thực sự lợi ích chớ? Mà tại sao phải kéo dài đến 49 ngày vậy thầy?

- Như con đã hiểu: người có nghiệp cực thiện vãng sanh về cõi lành ngay, kẻ cực ác thì nghiệp lực lôi kéo về cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh... tức thời. Thế nhưng có lắm người tạo nghiệp lành dữ hỗn hợp sức thu hút hướng dẫn sanh về sáu cõi lừng khừng chưa rõ rệt nên còn lẩn quẩn ở cõi nầy dưới dạng thân trung ấm trong 49 ngày..., trong thời gian nầy khi nào thân trung ấm chiêu cảm một nhân tố hoặc lành hoặc dữ nổi bật, nhân tố kề cận nầy rất mạnh mẻ có khả năng làm nghiêng ngửa phá vở cán cân đầu thai lừng khừng và sẽ quyết định nẻo chuyển nghiệp. Tóm lại, lễ kính cầu nguyện hồi hướng giúp cho người chết qui ngưỡng Tam Bảo trong giai đoạn 49 ngày nầy có công năng hỗ trợ lớn cho người chết dĩ nhiên là lợi ích bậc nhất. Sau 49 ngày mà chưa đầu thai thì vấn đề trở nên phức tạp, người chết đã chuyển sang cõi Quỷ Thần(3) chớ không còn dạng thân trung ấm nữa, uy lực của nghi lễ vì vậy cũng suy giảm.

- Lạ quá! Tại sao có người không đầu thai bình thường mà chuyển sang quỷ thần vậy thầy?

- Họ cũng thuộc vào loại nghiệp nhẹ lành dữ không phân minh, trong thời gian nầy nếu họ lẩn quẩn tiếc nuối điều gì quá đáng tỉ như sợ mất của cải chôn dấu, bận tâm về con cháu, say đắm lăng mộ, bâng khâng cơ nghiệp thành bại... nên bỏ lở cơ hội đầu thai để biến thành thứ ma theo con, giữ mồ, giữ của... có khi cả trăm năm mà chẳng buông bỏ được... Đáng thương nhất là những người trong giây phút cận tử tràn ngập bởi sự kinh hoàng, một khối nghi dầy đặc, một sự lo lắng tột độ... cũng có thể khiến cho con đường chuyển nghiệp bị khựng lại... thí dụ như người mẹ đang đặt hết tấm lòng bảo vệ sinh mạng của con bỗng chết đột ngột rồi ôm ấp niềm lo lắng tìm con không bao giờ nguôi ngoai... hay trường hợp một người nữ ôm nặng lời nguyền chung thủy bỗng chết thảm có thể bám chặt lời thề mãi mãi chờ chồng qua năm tháng, có thể nói trường hợp chấp chặt kẹt cứng vào trạng huống thảm tử nầy khó siêu thoát lắm... (4) 

Thanh thoáng rụng rời, thầm lo chẳng biết Yến có lâm cảnh nầy không? nên luống cuống hỏi:

- Đối với những trường hợp nầy, thì liệu nghi lễ cầu siêu có giúp vong linh siêu thoát nổi không thầy?

- Nói chung lễ cầu siêu rất lợi ích cho vong linh, nhưng nó còn tùy thuộc vào đức độ, phẩm chất của nghi lễ và nhất là lòng dạ chí thành của thân nhân người chết. Thật ra, phải hiểu rằng vị trí của thân nhân vô cùng quan trọng vì chỉ riêng thân nhân do có sự ràng buộc chằng chịt cộng nghiệp với vong linh mới có khả năng chiêu cảm chuyển thông điệp cứu độ của chư Phật Bồ Tát đến được với người chết và “thức tỉnh” mê mờ của họ. Đôi khi vong linh cố chấp khép kín tâm thức, thì người thân phải hiện diện ngay tại địa điểm thảm tử, tha thiết giải tỏa khối nghi của họ, thì may ra họ chịu mở lòng đón nhận Phật Pháp nhiệm mầu mà siêu thoát con ạ!

Thanh đang bối rối lựa lời đặt thêm câu hỏi cần biết thì bà mẹ săn sái bước ra lên tiếng:

- Thầy tri khách đã sắp xếp tổ chức cầu siêu vào ngày mai như con mong muốn. Mà thầy đang cần con vào chánh điện giúp thầy thông dịch cho một cô người nước ngoài đang xin phỏng vấn thầy. Thầy cần gấp lắm con ạ! 

Thanh luyến tiếc từ giã vị sư già, vào chánh điện gặp cô gái Á Châu có nét người Thái Lan, nhưng cô xưng tên tương tợ Tây ban Nha là Milanda Fernandez, chuyên viên Phủ Tị Nạn Quốc Tế, cư ngụ tại New York, nên chàng đoán gốc gác cô là Phi luật Tân, muốn tìm hiểu giáo lý và nghi lễ Phật giáo. Cô cho biết rất thích Việt Nam nên đã du lịch đất nước nầy liên tiếp ba năm nhưng chưa gặp ai thông thạo Anh ngữ giúp đỡ, vì vậy, cô cứ bám sát Thanh hỏi han đủ mọi đề tài, từ tôn giáo sang đến lãnh vực văn hóa xã hội kinh tế của miền Nam, kể cả thời kỳ xa xưa, khiến Thanh trả lời “hụt cả hơi”. Thanh viện lý do phải đưa bà già về để từ giã, thì cô vội trao danh thiếp kỳ kèo Thanh nhớ liên lạc khi về Mỹ; Thanh lịch sự hứa và trao đổi danh thiếp khiến mắt cô sáng hẳn lên. 

Đúng theo chương trình dự trù, lễ cầu siêu được tổ chức nghiêm minh với sự tham dự của khá đông tăng chúng đang dự khoá trung cấp Phật học, nên rất long trọng... khiến cho bà mẹ cảm nhận được niềm an ủi lớn lao, và Thanh cũng an lòng hoàn tất nghĩa cử thiêng liêng cho người yêu mà bao nhiêu năm trời chàng hằng khắc khoải. Lễ hoàn mãn. Thanh đảnh lễ cúng dường chư tăng, khi chàng ngỏ ý cúng dường vị sư già quê mùa ngày hôm qua, thì thầy tri khách cho biết sư là một du tăng lâu lắm mới ghé ngang thăm chùa, đến đi như gió nội mây ngàn chẳng biết đâu mà tìm. Thanh rời chùa đang chờ taxi, bỗng có chú sa di chạy theo đưa tờ lịch cũ bèo nhèo, kêu ới ới: “Bác sỉ ơi! Ông du tăng hôm qua nhờ đưa cho bác sĩ cái nầy, mà nãy giờ con quên.” Thanh cám ơn, nhận tờ giấy cẩn thận cho vào túi, rồi hấp tấp đưa bà mẹ lên taxi về nhà.

Niềm tin tưởng Pháp Phật có năng lực mầu nhiệm cứu độ Yến siêu thoát khiến bà già “hả dạ” hân hoan cười nói huyên thiên, và Thanh cũng mãn nguyện an vui thơi thới trong lòng. Lâu lắm rồi Thanh mới thanh thản ngủ yên, chàng ước mơ người yêu siêu thoát sẽ hiện về trong mộng hàn huyên với mình. Giấc mộng quả thật đã đến với chàng, chỉ tiếc là người hiện đến lại là Oanh. Oanh lên tiếng:

- Em Út xin cảm tạ anh đã hết lòng chăm nom lo lắng cho mẹ em từ vật chất đến tinh thần, nhờ vậy mà em có thể yên tâm tu học trong cảnh giới của em. 

- Út có bị đói khổ hành hạ không?

- Cõi âm có muôn vàn cảnh giới sai khác, tùy theo nghiệp báo khác nhau chi phối mà chuyển vào, nói chung thì đa phần cảnh giới khổ, khổ cùng cực... Tuy nhiên, thuở sanh tiền em tin tưởng Phật pháp, tạo nghiệp lành... chỉ vì khi chết tình thương mẹ cô đơn quyến luyến mà bỏ qua cơ hội đầu thai, nên mới rơi vào cảnh giới nầy. Do đó, cảnh giới của em rất thoải mái, em tự do tự tại phiêu bồng không bị ràng buộc và câu thúc bởi áp lực nào cả, ngoài ra còn được chư Bồ Tát thị hiện chốn nầy hướng dẫn tu học nữa.(5) 

- Còn hoàn cảnh Yến như thế nào vậy Út?

- Chẳng biết thời cầu siêu long trọng có hiệu quả gì không mà sao chị vẫn trơ trơ bất động dưới biển Mã Lai, em không có khả năng tiếp xúc hay giúp đỡ gì được cả. Anh ơi! Chị Yến em chắc bị khổ sở hành hạ kinh hoàng lắm! Anh ráng tìm phương cách cứu gỡ chị ấy, nhen anh!

Thanh bàng hoàng định cất tiếng hỏi: “Cách gì? Cách gì bây giờ?”, nhưng chẳng biết tại sao cổ họng lại nghẹt cứng chẳng phát ra lời. Chàng ráng giãy giụa “ú ớ” thì bỗng giật mình tỉnh giấc. Đầu nhức nhối khó chịu, mồ hôi đổ ra như tắm, chàng bần thần tự hỏi: “Nếu giấc mộng đúng thực thì tội nghiệp cho Yến biết chừng nào!” Thanh bỗng nhớ mang máng là dường như vị sư già có nhắc đến trường hợp hiếm có theo đó người chết bị ám ảnh sâu đậm về mối lo âu, khối nghi nan, nỗi uất ức, lời thề nguyện... bị thảm tử khiến tâm thức kẹt cứng vào đó khó lay chuyển... “Thế nhưng không có vị sư già hướng dẫn thì mình biết phải làm thế nào đây?” Nghĩ đến vị sư già Thanh mới nhớ tờ giấy lịch của sư gởi chưa kịp đọc rồi quên mất. Thanh vội soạn ra tờ lịch cũ nhàu nát, đọc được mấy giòng chữ nguệch ngoạc:

Góc biển mỏi mòn chờ 

Tâm chai cứng ngẩn ngơ 

Gặp tình lang chợt tỉnh 

Chợt thoát kiếp trơ vơ.

“Lão du tăng quả là bậc thánh đã tiên liệu mọi việc mà hướng dẫn mình. Như vậy, bằng mọi cách mình phải theo chỉ dạy của Ngài mà đích thân đến bãi biển năm xưa cầu siêu, thì họa may mới thức tỉnh nàng được”, Thanh thầm nghĩ rồi vội vã đến chùa Hải Đức, viện lẽ muốn thành tâm làm lễ cầu siêu cứu vớt vong linh tại nơi xảy ra tai nạn cho thêm bảo đảm, nên khẩn khoản thầy tri khách đặc biệt đi Mã Lai một chuyến. Thầy cho biết rằng dù rất thông cảm hoàn cảnh của chàng nhưng đành từ chối, vì thủ tục xuất ngoại khó khăn và phiền phức... chẳng thể hoàn tất mọi việc trong thời gian ngắn ngủi như Thanh mong mỏi. Chạnh lòng trước nỗi buồn thương não nuột của chàng, thầy khuyên lơn an ủi mãi, rồi bỗng như vừa sực nhớ ra, thầy rộn ràng lên tiếng:

- À! sao mình không nghĩ đến những vị thầy đang lưu trú ở nước ngoài? họ không bị trở ngại bởi thủ tục xuất cảnh chậm trễ, nên có thể đến Mã Lai dễ dàng thôi.

- Thưa con chẳng quen biết vị tu sĩ nào thầy ạ! Xin thầy từ bi giới thiệu dùm con một vị... nghen thầy! 

- Ơ! thầy có quen biết vài tăng sinh đang du học tại Ấn Độ, để chiều nay thầy điện thoại hỏi thăm xem có vị nào hoan hỉ lo lắng việc nầy cho đạo hữu không? 

Thế rồi, thầy liên lạc với Đại Đức Bảo Minh, một tăng sinh đang du học tại Tân đề Li, để ủy thác thầy tùy nghi tổ chức trai đàn thủy lục tại Mã Lai. Đại Đức mời thêm Thượng Tọa Mãn Khai đảm trách chủ sám cho nghi lễ thêm phần nghiêm trang và hùng hậu.

Đúng theo chương trình dự trù, Thanh cẩn thận đến Mã Lai trước một tuần để chuẩn bị chu đáo sẵn sàng mọi việc, từ khâu truy tầm đích xác bờ biển năm xưa, thuê thuyền, thuê mua vật dụng linh tinh, đến việc xin cảnh sát giữ trật tự an ninh một nghi lễ bất thường tại một địa phương có tôn giáo khác biệt. Đến phi trường Kualar Lumpur, Thanh phải đổi chuyến bay địa phương đến phi trường Sultan Mahmud, thị trấn Kuala Terengganu, thì trời đã xế chiều. Dù vậy, khi vừa đặt chân vào khách sạn thì chàng đã liên lạc thuê ngay một hướng dẫn viên du lịch để bắt tay vào việc tức thời. Sau khi chăm chú nghe Thanh mô tả mơ hồ về bãi biển năm xưa, Ted – người hướng dẫn - cho biết biển cát ở đây trải dài nên định vị khó chính xác. “Khó cách mấy thì anh cũng phải tìm cho ra, Yến ơi! Giúp anh nhen em!”, Thanh thầm nghĩ. Thế rồi, Thanh thuê bao chiếc taxi cho chạy chậm chậm theo con đường dọc theo bờ biển hướng Nam Bắc cho chàng quan sát. Khi chiếc taxi qua khỏi cầu vượt qua sông Terengganu chừng một ngàn năm trăm thước, khỏi ghềnh đá đến bãi vắng vẻ vô danh Thanh bỗng cảm thấy rờn rợn cả châu thân, bèn cho xe ngừng lại. Chàng đi dọc bãi biển êm đềm lặng sóng, mà lại mường tượng như có tiếng sóng vỗ vang rền đâu đó. Thanh thắc mắc hỏi Ted và bác tài xế nhưng họ chẳng nghe gì khác lạ. Thấy hai gã trung niên quê mùa đèo nhau trên chiếc xe đạp đi ngang, Thanh thúc hối Ted chận lại, nhờ dò hỏi xem vùng biển nầy sóng gió có mạnh bạo hơn các bãi khác gần đây không?

Ted hỏi xong rồi thông dịch. Anh chàng tương đối trẻ lanh lợi đáp: 

- Tôi thấy thì cũng chẳng có gì khác biệt, nhưng có đám đàn bà con gái nhút nhát cho rằng họ nghe trong tiếng gió rú dường như có tiếng u oán thở than... Số là cách nay vài mươi năm có chiếc tàu Việt tị nạn bị chìm, thây người tấp vào bãi nằm la liệt vô cùng ghê rợn nên dân làng gọi địa điểm nầy là “pantai mayat” tức “bãi xác”, khiến cho kẻ giàu óc tưởng tượng bàn tán hiện tượng gió rú gọi hồn nầy, rồi đám đông nhát gan hùa nhau đồn đãi loạn lên vậy mà!

Người thứ hai lên tiếng cãi:



- Thằng nầy sống ở tỉnh nên không rành địa phương nầy đâu! Chớ bãi biển nầy có ma, nên chẳng mấy ai dám dạo bãi biển đêm tối một mình. Chính mắt tôi thấy một lần, và nhiều người khác cũng mục kích hiện tượng rùng rợn nầy nữa! Đó là con ma nữ trần truồng cứ nửa đêm sáng trăng hay tối trời cũng xuất hiện tại bãi biển nầy, con ma lang thang bước tới lui kêu khóc rên rỉ thảm thiết... nghe rợn cả người, nhưng thật ra nó chẳng làm hại ai cả!

“Cám ơn Trời Phật, cám ơn em Yến đã đưa đường dẫn lối cho anh tìm đúng nơi nầy!”, Thanh xúc động nhưng cố nén không để nước mắt ràn rụa, nhờ Ted dò hỏi tiếp:

- Con ma đó trẻ hay già? Độ chừng bao nhiêu tuổi?

- Trời đất! Thấy ma là hồn vía lên mây rồi, có ai đủ can đảm nhìn kỹ đâu mà đoán tuổi!

Trời bắt đầu sụp tối, anh chàng kể chuyện ma có lẽ cũng sợ lây, nên không để ai hỏi thêm lời nào nữa, khều bạn phóng lên xe đạp chạy tuốt. Ted và bác tài tuyên bố không tin chuyện ma nhảm nhí, nhưng khi Thanh đề nghị nán lại đến nửa khuya cho chàng tìm hiểu con ma, thì mặt mày họ tái mét, viện đủ mọi lý lẽ để đòi quay về. Thanh phải tăng gấp đôi tiền thuê bao và năn nỉ mãi họ mới đồng ý với điều kiện là cả hai chỉ ngồi yên trên taxi, phần chàng nếu muốn xuống bãi cứ tùy tìện. 

Nôn nóng gặp lại người yêu dù là bóng ma vất vưởng, Thanh lững thững xuống bãi từ lúc 9.00 giờ sẵn sàng đón chờ hội ngộ. Chàng ngồi bẹp trên bãi cát mịn, lơ đãng nhìn biển khơi vời vợi hồi tưởng lại chuỗi ngày hạnh phúc lứa đôi tuyệt vời xưa cũ. Chàng miên man suy tư quên cả giờ khắc, mãi đến khi có cảm giác lạnh lẽo rờn rợn vờn qua, mới giật mình định thần quan sát thấy bóng người đàn bà lửng lơ vừa bước ngang chàng. Rõ ràng không phải là Yến rồi, nhưng người đàn bà nầy là ai đây? Cô ta dáng người mảnh khảnh, độ chừng 25 tuổi, không mảnh vải che thân - thật ra, đêm đó, đang mặc áo ngủ mong manh mà bị sóng vùi dập thì đâu ai còn y phục nguyên vẹn nữa – dáo dác trông ngóng biển khơi rồi rảo bước dài dài trên bãi cát dường như đang khẩn trương tìm kiếm vật gì. Bỗng cô ta đứng dừng lại, lộ vẻ thất vọng não nề, rồi cất tiếng khóc nghẹn ngào: “Mỹ Lan ơi! Mỹ Lan con ơi! Con lạc lõng ở đâu mà má tìm con hoài không được! Ôi! Tội nghiệp con tôi biết chừng nào!..hu... hu...” Tiếng rên rỉ kêu thương của bà mẹ khiến Thanh rúng động cả tâm cang, chàng đứng lên định an ủi người mẹ đau khổ đôi câu, chẳng ngờ vừa động đậy thì bóng ma liền biến mất. Thanh đành ấp úng một mình: “Tôi rất cảm thông với nỗi lòng của chị, tôi sẽ ráng hết sức tìm ra cô con gái của chị đưa về đây cho mẹ con gặp mặt, xin chị yên tâm!”

Thanh trở ra xe. Xe nổ máy sẵn tự lúc nào, hai chàng con trai bậm trợn sợ điếng hồn nhưng phải “gồng” mình chờ đợi, nên chi khi chàng chưa kịp ngồi ngay ngắn, bác tài đã phóng xe như bay về khách sạn. Thanh trăn trở bất an không ngủ được. Trước đây, chàng chỉ nghĩ đến Yến, giờ thì chàng lại nghĩ đến bà mẹ mất con và tất cả những nạn nhân khác nữa. Họ đều đáng thương và cần cứu giúp hầu sớm siêu thoát khỏi chốn nầy, nhưng vấn đề là làm sao biết tên tuổi của họ gấp để làm bài vị đây? Đang rối ren suy nghĩ, Thanh chợt nhớ con bé Mỹ gốc Phi tự xưng là chuyên viên Phủ Tị Nạn Liên hiệp Quốc, may ra có thể giúp điều tra việc nầy. Hôm đến chùa Hải Đức hỏi đạo, cô ta trao chàng danh thiếp nài ép chàng liên lạc, nhưng Thanh bận rộn làm ngơ, giờ có việc mới điện thoại nhờ cậy kể ra cũng hơi quê quê, nhưng đành phải chịu chớ biết làm sao hơn.

- Hello! Chào cô Milanda! 

- Hi anh Thanh! Tôi tưởng anh biệt tích luôn chớ!, tiếng cô gái reo vui.

- Ơ! Tôi định về Mỹ mới liên lạc với cô, nhưng nay có việc gấp liên quan với Phủ Tị Nạn, nên buộc lòng làm rộn cô đây. 

- Uả! Thế anh đang ở đâu? Anh cứ cho biết rõ chuyện gì? Tôi sẵn lòng mà, đừng ngại!

- Tôi đang ở Mã Lai và muốn tìm hiểu danh sách người Việt trên một chiếc tàu tị nạn vượt biển đến Mã Lai khoảng 20 năm về trước, cô giúp được không?

- Dĩ nhiên là phải được, vấn đề là thời gian mau chậm thôi! Anh cho biết chi tiết thử xem!

- Tàu số VT325 đến Mã Lai ngày 8 tháng 01 năm 1978. Cô làm ơn sưu tra trong vòng vài ngày được không cô?

Im lặng khá lâu, cô gái mới ngập ngừng trả lời:

- Tưởng chiếc tàu nào thì phải tìm tòi lâu, riêng hồ sơ chiếc tàu nầy thì đang ở trước mặt tôi đây. Tôi sẵn sàng giải đáp ngay những câu hỏi của anh, miễn là... anh nói rõ lý do nào thúc đẩy anh muốn tìm hiểu hồ sơ nầy?

- Chẳng dấu vì cô. Chiếc tàu đó bị đắm chìm và chỉ có năm người sống sót trong đó có tôi. Nay tôi vừa trở lại bãi biển năm xưa dự trù tổ chức lễ nghi Phật Giáo nhằm cầu nguyện cho người thân, nhân dịp tôi cũng muốn cầu nguyện cho nạn nhân khác nữa nên cần biết tên của họ, ngoài ra, nếu có thể xin cô vui lòng truy tầm cho được tông tích của em bé gái còn sống sót thì quý báu biết chừng nào!

- Lạ nhỉ! Con bé còn sống mà cũng cần cầu nguyện nữa sao?

- Chuyện như thế nầy nè cô! Mới đây vào lúc gần nửa đêm trời tối mịt tôi tìm đến địa điểm tàu chìm, khi đang ngồi trên bãi cát bỗng có bóng ma dáng dấp một phụ nữ Việt cỡ tuổi 25 lướt qua, cô ta vật vã ngóng trông biển cả đoạn nhìn quanh quất khắp nơi như cố tìm kiếm thứ gì thất lạc, cuối cùng cô khóc nức nở kêu than: “Mỹ Lan ơi! Mỹ Lan con ơi! Con lạc lõng ở đâu mà má tìm con hoài không được! Ôi! Tội nghiệp con tôi biết chừng nào!” Thì ra cô nầy đã chết mà tấm lòng thương con vô bờ bến trong bao năm trời vẫn tràn ngập mênh mang không dời đổi, tôi tưởng tượng cái cảnh khốn khổ cô quạnh khóc lóc tìm con liên tục trong hơn 20 năm qua của bà mẹ mà ruột gan quặn thắt trong lòng cô ạ! Vì vậy, tôi mong liên lạc với cô bé, giải thích cháu rõ đầu đuôi nội vụ và nếu có thể được thì sẽ năn nỉ cháu đi Mã Lai một chuyến, hầu mẹ con có cơ hội gặp nhau, hi vọng nhờ đó hồn ma được yên tâm mà siêu thoát. 

Câu chuyện thương tâm có lẽ cũng khiến cho người nghe xúc động, Thanh loáng thoáng nghe tiếng cô ta sụt sùi một lúc lâu, rồi mới rụt rè cất tiếng chậm, nhỏ và đứt khoảng:

- Xin anh yên tâm lo công việc bên Mã Lai. Phần tôi, tôi hứa lãnh công tác tìm ra cô bé và sẽ đích thân đưa cô bé qua Mã Lai trong thời gian ngắn... anh chỉ cần cho tôi số điện thoại và địa chỉ khách sạn anh là đủ.

- Tuyệt vời quá! Cám ơn cô vô cùng! Thật ra tôi không dám làm rộn cô quá đáng đâu! Cô cho biết điện thoại cháu bé cho tôi...

- Xin lỗi cắt ngang anh nghen! Anh làm việc cao thượng thì cũng cho tôi đóng góp chút công chớ, huống chi, tham dự nghi lễ nầy chính là nghĩa vụ tất yếu của tôi mà. Anh đừng áy náy chi cả, cứ yên chí lớn rằng tôi sẽ mang đầy đủ những thứ anh cần trong vài ngày nữa.

Thanh thầm nghĩ: “Cô ta là chuyên viên tị nạn, có lẽ chuyện nầy cũng nằm trong phạm vi công tác của cô”, nên chẳng thắc mắc nữa, chàng vắn tắt đọc số điện thoại và địa chỉ rồi nhanh nhẹn: “Xin chào và hẹn gặp lại!”. 

Tổ chức một nghi lễ Phật Giáo tại nước ngoài là việc khá gian nan: dù giản dị tối đa thì ít nhất phải có nhang đèn, chuông mõ, tượng Phật, tượng Địa Tạng, tượng Tiêu Diện đại sĩ... nhưng đào ở đâu ra những thứ nầy tại Terengganu? Ted là tay thổ công mà đưa Thanh đi lòng vòng cả ngày chẳng tìm ra nơi nào bày bán. Thanh lâm vào tình trạng bối rối chẳng biết giải quyết cách nào, chàng nghĩ dù khổ nhọc lên phố Tàu tại Kuala Lumpur mua sắm, chưa chắc trong một chuyến mà có thể hoàn thành mọi việc. Ngày hôm sau, trước khi xuất hành Thanh niệm Phật cầu xin Tam Bảo gia hộ, rồi đi lang thang khắp đường phố, gặp người Hoa nào cũng xáp tới han hỏi, và dù chẳng kết quả gì khích lệ vẫn bền bĩ tiếp tục dấn bước chẳng nản lòng. Cuối cùng, có một cụ già lẩm cẩm, thoạt lắc đầu bước đi, chợt quay lại khuyên chàng thử đến một tiệm tạp hóa trong hẻm chuyên cung cấp vật dụng và thực phẩm khô cho người Hoa xem sao? Tiệm chỉ có sẵn vài loại thực dụng, nhưng thím Wong chủ tiệm hứa chắc rằng những Phật cụ cần thiết khác nếu đặt cọc trước thì hàng hóa từ thủ đô sẽ đến ngay ngày hôm sau. Đến khi biết rõ hoàn cảnh cô đơn và ngờ nghệch của chàng ở xứ người mà phát tâm lành thiết lập đàn tràng thủy lục cầu siêu độ cho thập loại cô hồn, thím Wong vốn là Phật tử thuần thành, bỗng hoan hỉ xin đóng góp công sức. Thế rồi thím cho mượn một số vật dụng linh tinh, đề nghị thuê mướn phần lớn Phật cụ cho đỡ tốn kém, thím cũng nhiệt tình đảm phận phần thuê mướn nhân công, ghe vớt vong, bàn ghế... cho ngày lễ... Tóm lại, công tác tưởng chừng như thiên nan vạn nan, vậy mà sau khi Thành chân thành tin tưởng vào sức gia bị của Tam Bảo, đã giải quyết ổn thỏa một cách nhiệm mầu trong vài giờ, quả là việc bất khả tư nghì.

Sau mấy ngày bận rộn, Thanh được một ngày tương đối thong dong, chàng thanh thản ngủ, thức giấc khá trưa mới liên lạc với quí thầy báo cáo nội vụ, thỉnh ý bổ túc vài điểm mà chàng còn mù mờ về lễ nghi và chương trình đàn tràng. Chàng cũng thông báo nội vụ cho thím Wong. Thím tỏ ra vô cùng hào hứng khi biết hai vị đại sư đều là bậc chuẩn tiến sĩ, riêng Đại Đức Bảo Minh còn thông thạo nhiều ngoại ngữ kể cả tiếng Quan thoại. Thím quảng cáo cho đám người Hoa thế nào, mà nhóm Phật tử Hoa kiều viện lẽ khách sạn có lắm kẻ phóng túng bừa bãi nên ngỏ ý thỉnh quí thầy về tư gia lưu trú và cúng dường thức ăn chay lạt. Nhận thấy trăm sự đều có “quới nhân” gánh vác, Thanh ung dung vận bộ đồ ngắn chuẩn bị dạo biển một vòng. Vừa mở cửa, bỗng nghe tiếng cô nàng Milanda reo vang: 

- Anh Thanh! Tôi dẫn người của anh tới đây nè!

- Chào cô! Uả!..

Milanda cười toe toét lên tiếng trách móc:

- Trời ơi! Chắc anh ghét tôi lắm hay sao, mà không mời vào, lạ quá sao mặt mày anh hớt hải như vậy?

- Xin lỗi! Xin lỗi!

Chàng mời nàng vào nhưng vẫn cố dáo dác ngoái lại tìm con bé mà chẳng thấy đâu cả, nôn nóng chờ mãi chẳng nghe nàng giải thích, đành bạo dạn lên tiếng:

- Tôi thật không ngờ cô đến nhanh như vậy. Chắc tôi mừng quá nên hơi lẩn thẩn, mà một phần có lẽ do sốt ruột về tình trạng con bé nữa?

- Anh hơi kỳ đó nhen! Hai mươi năm trước người ta năm tuổi thì bây giờ cũng hai mươi lăm rồi! Cứ g̣ọi xách mé con bé nầy con bé nọ hoài nghe hổng thông chút nào cả!

- Hì! hì! Tôi quên mất điều đó chớ. Cho tôi xin lỗi nhé! Vậy thì tôi xin Milanda vui lòng cho tôi biết tin tức cô ấy? Cô ấy sống hay chết và hiện đang ở đâu?

Milanda cười ngặt nghẽo:

- Uả! Uả! Hồi nảy em đã báo cho anh là em đã đem cô đến đây rồi mà!

Thế rồi, trước vẻ mặt ngơ ngác và ngạc nhiên tột độ của Thanh, cô ta bỗng phá ra cười, lối cười quái lạ, nửa như ngây dại nửa thảm thương đến nổi nước mắt tuông rơi lả chả. Thình lình Milanda khuỵu xuống, khiến Thanh phải nhanh tay nâng đỡ. Cô bỗng nghẹn ngào cất tiếng:

- Con bé năm tuổi sống sót ngày xưa chính là Milanda, chính là em đây anh Thanh à! Do hoàn cảnh côi cút em được tổ chức thiện nguyện đặc biệt bảo trợ ủy thác Ông bà Fernandez nuôi nấng. Theo hồ sơ tị nạn thì tên em là Mi Lan viết rời, cha mẹ nuôi ghép lại thành Milanda cho có vẻ Mỹ mà vẫn giữ chút gốc Việt. Tuy sống trong môi trường Mỹ từ nhỏ, nhưng trong đáy lòng em vẫn nhớ mình là người Việt... Vì muốn tìm hiểu nguồn cội mình nên em tìm mọi phương cách xin làm việc tại Phủ Tị Nạn để điều tra, đã sao chép trọn hồ sơ chiếc tàu định mệnh đọc tới lui đến thuộc lòng. Vì vậy khi anh điện thoại, em mới trả lời vanh vách được. Đó cũng là lý do mà ba năm vừa qua em liên tục du lịch Việt Nam, dù với nỗi lạc lõng buồn tênh do ngôn ngữ bất đồng, may mà vô tình gặp anh... Từ khi nghe anh kể lại hoàn cảnh khốn khổ của mẹ em, hàng đêm đã gào khóc tìm con thơ suốt hai mươi năm trời, em thương má em quá chừng hà! Anh Thanh ơi! Anh ráng tìm cách cứu bả nghe anh! 

- Chính vì vậy mà tôi mới khổ công thỉnh mời quý sư chủ trì “Pháp đàn tràng thủy lục” nầy, quý thầy cử hành nghi thức siêu độ nhưng chính thân nhân “người ràng buộc chằng chịt cộng nghiệp với hương linh mới có sức chiêu cảm mạnh để chuyển hóa tâm thức vong linh”, mình phải thành khẩn hướng về Tam Bảo tu tập hồi hướng cho hương linh thì hiệu quả mới sâu xa mầu nhiệm.

- Ôi! Tự thuở giờ em có biết Phật đạo là gì đâu mà tu tập?

- Chưa biết rồi từ từ sẽ biết chớ có sao đâu! Mình phải tìm hiểu, suy tư, rồi thực hành giáo pháp một cách chân thành là sẽ có kết quả. Tôi nghĩ nếu ngày đêm thành tâm tu tập rồi hồi hướng cho ông bà cha mẹ thì dù thân nhân mình chết bao lâu, ở cõi nào đi nữa, cũng do lực chiêu cảm mà đón nhận và được vô vàn lợi lạc... 

- Coi kìa! Em thắc mắc là chẳng biết em làm cái gì ngay bây giờ nè! sao anh không chỉ rõ cho em, mà nói lòng vòng chuyện tu tập xa vời gì đâu á! em chẳng hiểu tí gì cả hà!

- Còn bây giờ thì cô cứ thành tâm quy kính Tam Bảo, cầu Tam Bảo gia bị cho mẹ sớm thoát khổ, cô cũng nên đem hết tấm lòng thiết tha thương yêu vô bờ bến hướng về mẹ sao cho nó kết thành một sức lực vô biên có khả năng giao cảm đến mẹ, từ đó bà mới khám phá rằng đứa con mà bà bao năm trời ngày đêm tìm kiếm vẫn an lành, và nhờ vậy bà sẽ an vui giải thoát.

Tối đó, Thanh đưa Mỹ Lan đến bãi Pantai Mayat, căn dặn nàng cố gắng bình tĩnh nếu thấy vong linh mẹ xuất hiện, rồi giữ yên lặng để mỗi người tùy nghi hướng về người thân tỏ bày tấm lòng thiết tha của của mình. Đúng 11 giờ đêm, thì bóng ma trần truồng xuất hiện, rồi cũng như lần trước con ma ngóng nhìn tìm kiếm, đoạn kêu gọi con khóc lóc thảm thiết. Mỹ Lan ràn rụa nước mắt, và dù Thanh khoát tay nhắc nhở, bỗng chồm dậy khóc lớn: “Má! Con là Mỹ Lan đây nè! Con thương má lắm, má ơi!”, nhưng nàng chỉ nói với khoảng không vì bóng ma đã biến mất rồi. Thấy vậy, Thanh cũng trang trọng hướng vào khoảng không khấn: “Dì ơi! Đây là cô Mỹ Lan con của dì. Cô ấy thoát nạn năm xưa và hiện sống tại Hoa Kỳ, cô về đây để cầu Tam Bảo gia hộ cho dì sớm siêu thoát. Xin dì yên lòng không phải bận tâm về cô nữa.”

Hôm sau, cả hai cùng ra phi trường đón nhị vị tăng sĩ đưa về Hội quán Hoa kiều tiếp đãi. Nhân thời mạn đàm buổi tối, Thượng Tọa Mãn Khai ban cho thính chúng bài pháp ngắn về Ý Nghĩa Thủy Lục Trai Đàn Chẩn Tế bằng tiếng Anh, Đại Đức Bảo Minh thông dịch ra Quan thoại. Đó là lần đầu tiên trên đời, Mỹ Lan nếm được chút pháp vị nên rất hân hoan, nhóm người Hoa vốn tôn trọng tục lệ thờ cúng tổ tiên cũng hồ hởi không kém, họ ngỏ ý thỉnh quý thầy lưu lại vài ngày để thuyết giảng đạo pháp, đồng thời xin đóng góp tài sức cho Đàn Tràng và tham dự lễ dâng sớ cầu siêu cho thân nhân, và dĩ nhiên được hoan hỷ đón nhận. 

Do đó, khác hẳn với phát họa sơ khởi về một nghi lễ giản đơn cô quạnh, lực lượng hùng hậu của Phật tử địa phương đã tiếp sức tổ chức Pháp đàn thành qui mô, long trọng khác thường: có bục cao thờ chư Phật Thích Ca, A di Đà... chư Bồ Tát Quán Âm, Địa Tạng, đặc biệt cũng tượng Tiêu Diện Đại Sĩ, Hộ Pháp Vi Đà... có 10 bàn đặt bài vị cho 10 loại cô hồn...(6) 

Đúng 2.00 giờ trưa, quí thầy và mươi Phật tử tháp tùng xuống tàu khởi đầu thủ tục vớt vong: Thượng Tọa sám chủ thỉnh chuông, niệm chú triệu vong rồi thả 7 chiếc đèn phao trôi trên mặt biển... quí thầy tiếp tục niệm Phật, niệm chú trong khi chỉ thị cho chiếc tàu chạy tới lui bảy lần, rồi bắt đầu vớt từng chiếc đèn lên tàu, rồi từ tàu 7 chiếc đèn lần lượt chuyển qua chiếc bàn đặt tại nơi xăm xắp nước, đây là bàn vong đặc biệt có bài vị nạn nhân đắm thuyền 27 người, trong đó có 16 vị không rõ tên họ. Quí thầy lên bờ, tiếp tục chuông khánh và tụng chú hướng dẫn cho khiêng chiếc bàn vong dưới nước đưa vào vị trí chung với các bàn vong cô hồn khác. Sau đó nghi thức trai đàn chánh thức khai diễn với đầy đủ tiết mục trong bầu không khí trang nghiêm và tràn đầy bi mẫn. Nghi lễ tụng niệm bằng Việt ngữ, nhóm Phật tử người Hoa tuy thiệt thòi không hiểu được lời kinh ảo diệu, nhưng khi nghe đọc sớ tên thân nhân bằng tiếng Quan thoại, họ cũng ra chiều hớn hở, đặc biệt ngoài việc thí thực trên bờ, họ còn chứng kiến cảnh thả bè thí thực ra biển khiến nhiều kẻ hiếu kỳ thêm phần ngạc nhiên kỳ thú.

Đàn Tràng hoàn tất mỹ mãn vào lúc 5.00 giờ, quý thầy đã có nhóm Phật tử người Hoa phụ trách, nhưng Thanh phải lăng xăng sắp xếp kiểm tra dọn dẹp vệ sinh bãi biển, thanh toán đủ mọi chi phí, và sau cùng đến mục khoản đãi giới chức địa phương do Ted móc nối nhằm yểm trợ và an ninh cho Đàn Tràng... Do đó, phải đến hơn 11.00 giờ đêm Thanh mới trở về khách sạn, mệt nhoài nhưng cũng thoải mái nhẹ nhàng, chàng đặt lưng xuống giường thì ngủ ngay không còn bận tâm điều gì cả. Bỗng Thanh thấy Yến nhìn chàng mỉm cười thỏ thẻ: 

- Cảm tạ Thanh đã lo lắng cho mẹ em, và nhứt là đã tận tình cứu vớt em khỏi cái khổ tối tăm hóa đá dưới đáy biển nầy. Anh có biết không? đêm đó em thề với anh là sẽ không bao giờ đi đâu hết, vì em chặt lòng chặt dạ nên mới kẹt cứng ở đây, may mà anh đã đến hóa giải cho em lời thề, thoát khỏi số kiếp làm con ma hóa đá nầy. Hà! hà! Em làm ma nữ si tình kể cũng xứng đáng với tấm lòng chung thủy của anh phải không? 

- Thương em quá! khổ thân em quá!

- Anh yên tâm đi, giờ em được chuyển sang cảnh giới an nhàn rồi, em rất thoải mái tự do... có thể thanh thản rong chơi theo ngày tháng, nhưng em dự định theo chư đạo sư học đạo để phát triển tâm linh. 

- Thỉnh thoảng em nhớ về thăm anh, em nhé!

Yến lắc đầu:

- Em rất cảm động về mối chân tình của anh! Nhưng anh ơi, giờ đây mỗi người mỗi cõi khác nhau. Mình không còn duyên nợ, thì còn ràng buộc chi nhau cho thêm phiền muộn. Anh tập quên em đi và phải lập gia đình chớ!

- Từ bao năm nay, trong lòng anh chỉ có bóng hình em. Anh có quen biết ai mà nghĩ đến việc nầy! 

- Có chứ! Con bé Mỹ Lan đó coi cũng được chứ!

- Bậy nà! Nó là đứa con nít, còn anh thì già quá mà! Anh đâu hề có tình ý gì với nó!

- Em là ma mà sao em không hiểu rõ suy tư của anh. Em biết anh vô tư nhưng con bé thì nó mê mệt anh lắm, nó chả chê anh già tí nào đâu! Thôi em đi nhé! 

Nàng khoát tay từ giã, mà còn ngoái đầu lại, tinh nghịch ghẹo:

- Con “cá vàng ngơ ngác” đó coi bộ dễ thương đấy! Đừng để vuột uổng lắm! 

Thanh vùng vẫy ú ớ gọi Yến, bỗng giật mình thức dậy, mà vẫn bàng hoàng ngơ ngẩn như vẫn còn chìm đắm trong giấc chiêm bao. Thình lình có tiếng đập cửa khẩn trương, Thanh vừa hé mở thì Mỹ Lan đã tràn vào, ôm chầm chàng khóc như mưa:

- Anh ơi! Em vừa chiêm bao thấy má, má nói nhờ anh mà mẹ con có cơ hội đoàn tụ, và má mới giải thoát khỏi cảnh đọa đầy. Má cám ơn anh nhiều lắm! Má khen anh là người nhân hậu... và còn dặn...

- Bà còn nói gì nữa vậy Mỹ Lan?

Mỹ Lan bỗng trở nên ngây thơ ngơ ngác lạ thường, chu mỏ đớt đát:

- Bà nói không đầu đuôi em chẳng hiểu chi cả. Hình như là “nhớ lưới cá đừng hơ hỏng cho sẩy nha! 

- Ơ! Có lẽ bao năm bị ám ảnh bởi biển nên những vong linh ở đây ưa đề cập đến cá vậy mà!

Rồi Thanh bỗng cười xòa nhìn con cá vàng ngơ ngác, thầm nghĩ “Kể ra, con cá vàng nầy hơi quậy, nhưng có nó phùng xòe thì cũng vui!”

Tháng 05.2010

Lời cuối truyện:

Truyệ̣n ngắn nầy được gợi ý từ một chuyện ma có thật xảy ra tại một bờ biển thuộc miền Đông Hoa Kỳ, theo đó, trong một vụ đắm thuyền, đứa con gái bé nhỏ được sống sót nhưng bà mẹ thì chết. Bà mẹ trở thành con ma mỗi đêm đi dài trên bãi biển tìm con, khiến cho các tu sĩ công giáo nhiều phen ra tay cầu nguyện làm phép thánh giá trong mấy mươi năm trời vẫn không kết quả. Cuối cùng, có người truy tầm được cô con gái, giờ nầy đã có chồng con, đưa đến tận bãi biển... để chứng minh cho người mẹ biết rằng đứa con vẫn còn sống, và từ đó con ma không còn xuất hiện nữa. 

 

 

Ghi chú:

1. Chư cổ đức thường nhắc nhở rằng nếu thành tâm tu tập hồi hướng cho thân nhân thì dù thân nhân từ trần lâu xa hay đang ở cõi nào cũng đều ích lợi:

- Ngài Hư Vân hòa thượng vào năm 56 tuổi, khi dừng chân tại chùa A Dục Vương, đã phát nguyện lễ Xá Lợi Phật từ sáng sớm canh ba cho đến chiều tối, trung bình 3000 lạy mỗi ngày để hồi hướng công đức cho mẹ đã từ trần ngay khi hòa thượng vừa chào đời. Thành tâm lễ bái trong một năm thì mẹ Ngài được sanh về cõi Cực Lạc phương Tây.

- Sogyal Rinpoche, trong Tạng thư Sống chết (Ni sư Trí Hải dịch): Sự giúp đỡ người chết không chỉ giới hạn trong 49 ngày sau khi chết, vì dù họ chết 100 năm về trước, nhưng nếu ta tu tập cho họ, họ vẫn được lợi lạc. 

- Kinh Tirokudda sutta (Khudaka Patha) có dạy rằng ngay các chủng loại quỉ tức đã chuyển kiếp rồi, vẫn có thể hưởng được phước báu mà thân quyến họ đã tạo nên và hồi hướng đến họ. (Đức Phật và Phật Pháp, ĐĐ Narada Maha Thera)

- Kinh Ưu-bà-tắc có nói: "Nếu người cha chết rồi bị đọa vào kiếp Ngạ quỉ, mà người con vì cha làm những phúc đức, nên biết người cha liền được hưởng thọ” (Theo Phương Pháp Liễu sanh thoát tử).

2. Thân trung ấm: Sau khi chết người cực thiện vãng sanh ngay về cõi lành, kẻ cực ác thì nghiệp lực lôi kéo về cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tức thời, phần đông còn lại phải trải qua giai đoạn thân trung ấm, là giai đoạn tạm thời chờ đợi để chiêu cảm thêm nghiệp lực quyết định cho nẻo tái sanh cho cuộc sống kế tiếp. Thân trung ấm nầy sau bảy ngày nếu chưa tái sinh thì phải trải qua một kinh nghiệm chết rồi sống trở lại, nhưng thời gian tạm thời nầy cũng chỉ kéo dài tối đa là 7 tuần tức 49 ngày. Sau 49 ngày chưa đầu thai, thì đương nhiên chuyển sang kiếp quỷ thần, và do đó, không còn gọi là thân trung ấm và cũng không còn chịu tái diễn kinh nghiệm sống chết sau mỗi bảy ngày nữa. 

3. Cõi Quỷ Thần: tức Quỷ thú là một trong lục thú là: Thiên, Nhân, A tu La, Quỉ, Địa Ngục và Súc sinh. Do cách dịch không rõ ràng nên chúng ta dễ tưởng lầm rằng cảnh giới Quỷ Thần chỉ có loại Ngạ Quỷ, kỳ thật chủng loại quỷ thú rất nhiều, không thể kể xiết được. Tuy vậy, ta có thể đại khái chia làm hai loại là:. loại có uy phước và loại không uy phước. Loại quỷ thần uy phước cũng có cung điện, thân tướng trang nghiêm, nhiều kẻ tùy thuộc, hoặc thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng. Loại này lại chia ra làm hai hạng: chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhơn gian; hạng tà thần tâm niệm quỉ quyệt không chân thật, hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại cho người. (Thí dụ như các bậc Đại Phạm Thiên Vương, Tam thập thiên vương, Tứ thiên vương, Diêm Ma vương, Nan đà long vương, Bạt đà long vương... đều là thiện quỷ thần; La sát: ác quỷ thần; Dạ Xoa: vừa thiện vừa ác.) Loại quỷ không uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh. 

Theo Tử thư Tây Tạng thì sau 49 ngày mà chưa đầu thai thì thần thức từ dạng thân trung ấm sẽ chuyển sang cõi quỷ thần chịu khổ nhiều ít tùy theo phước báo của họ.

4. Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột rất thường rất dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó không thể tiến đến giai đoạn tái sanh, rồi trở thành ma quỉ (trích Tạng thư Sống chết).

5. Trong Kinh Quán Đảnh, quyển thứ sáu có nói: "Những kẻ trong lúc bình sanh không làm lành, cũng không làm dữ; thì sau khi chết rồi không có quả báo gì xuất hiện, cho nên sẽ làm loài quỷ và được tự do”. (Theo Phương Pháp Liễu sanh thoát tử)

6. Thập loại cô hồn: chủng loại cô hồn đa dạng vô số kể không thể hạn định một con số chính xác, con số 10 loại là số tượng trưng theo như Văn tế Thập loại cô hồn của đại thi hào Nguyễn Du, có nhiều pháp sư chủ trương là 12, 24 hoặc 36 loại cô hồn.