văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, September 4, 2012

Đặng Tiến * BÙI GIÁNG NGUỒN XUÂN



Ta về rũ áo đười ươi
Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau
 (Ta về,-Thơ Bùi Giáng)

Hôm mùng ba mùng bốn theo nhau đẩy lùi mồng một mồng hai của hôm nay Nguyên Đán
(Mưa Nguồn, tr. 164)
     
Câu thơ văn xuôi này của Bùi Giáng mang hai đặc tính: một là ý nghĩa nói về ngày Tết và mùa Xuân, hai là chữ nghĩa đi ngược chiều thời gian. Dĩ nhiên là mồng ba đẩy lùi mồng hai; mồng hai đẩy lùi mồng một. Như vậy hôm nay Nguyên Đán  nằm ở vị trí nào trên chuỗi tháng ngày? Nói khác đi, Bùi Giáng đứng từ thời điểm nào ở đầu tháng giêng để phát ngôn?
     
Lời thơ theo trật tự số mục, và lối đếm thông thường: mùng một, mùng hai... mùng ba, mùng bốn... Nhưng theo ý nghĩa câu thơ, thì phải nói ngược lại: mùng bốn mùng ba (sẽ) theo nhau đẩy lùi mồng hai mồng một. Như vậy, nhà thơ phát ngôn từ ngày hôm nay Nguyên Đán, như Nguyễn Bính năm 1940:

Năm mới tháng giêng mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một trời Xuân 

Nhưng nếu hiểu (đã) theo nhau, thì tác giả lên tiếng vào ngày mồng Năm. Và trong cả hai giả thuyết, trật tự chữ nghĩa trong câu thơ Bùi Giáng vẫn không thuận chiều.
     
Rối rắm như vậy để nói lên một điều cơ bản: thơ Bùi Giáng là một ''dòng nước ngược'', một tâm thức đi ngược chiều thời gian, trong một Sử Lịch, ngược dòng Lịch Sử.

Trong hàng vạn trang sách để lại, Bùi Giáng thường dùng từ Sử Lịch. Chỉ một lần dùng chữ Lịch sử để chối bỏ:

Sử Lịch phai trang
Chạy quàng
Là Lịch Sử
(Lá Hoa Cồn, tr. 55)

Xuân trong thơ Bùi Giáng là xuân không mùa, xuân duy nhất và tuyệt đối, mà ông gọi là Nguyên Xuân (Lá Hoa Cồn, tr. 26), là khởi thủy của nguồn sống, nguồn thơ, quê của Em Mọi, của Đười Ươi, đồng thời là đối tượng, là cứu cánh của sáng tạo, của Lời Cố Quận, Tiếng Gọi Về:

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Mưa Nguồn, tr. 25)
     
Tác phẩm, và cuộc đời Bùi Giáng là niềm thủy chung trước sau như một với một Màu Hoa Trên Ngàn:  ông khởi đi từ đây và trở về lại đấy.
Xuân là nguồn mạch thơ tuôn tuôn từ miền xa biệt:

Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết tự sơ ngộ màu hoa trên ngàn

*

      Mùa Xuân xuất hiện thường xuyên trong tập Mưa Nguồn, và tái hiện trong Lá Hoa Cồn, về sau chỉ thấp thoáng mỗi ngày một ít, ở những thi phẩm cuối đời.
Mưa Nguồn thi phẩm đầu tay và đều tay nhất của Bùi Giáng được in năm 1962, gồm có nhiều bài làm từ 1948. Lời thơ trong sáng, tươi thắm và tha thiết, vào tập bằng hai câu mào đầu:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
là câu thơ nổi tiếng sớm nhất của Bùi Giáng, vì nó có thể được sử dụng ở nhiều tần số khác nhau: buồn hay vui, u hoài hay đùa cợt, ví dụ khi bè bạn gặp nhau ngoài phố, lặp lại câu thơ: xin chào nhau giữa con đường, dù không hiểu miên trường là gì.
Và ý tác giả có thể ngược lại: mùa xuân phía sau, miên trường phía trước. Cũng cần nói thêm, thời đó, 1962, thơ Bùi Giáng chỉ được truyền tụng trong một giới độc giả và bằng hữu, đồng hương, chứ không phải là một ''hiện tượng văn học'' như gần đây.
     
Có thể là thơ của tuổi xanh, nên tập Mưa Nguồn đã khởi đi từ nhiều hình ảnh thắm tươi, điệu thơ ánh ỏi:
Những nhành mai sớm sương bên lá
Những nhành liễu chiều gió bên cây
Cũng lay lất bởi đời xuân em ạ
Thế nên chi anh cũng viết dòng này
(Những Nhành Mai, Mưa Nguồn, tr. 10)
     
Lời thơ tham dự với đất trời vào niềm hoan lạc của mùa xuân. Thể thơ cổ điển, nhưng tác giả đã trộn lẫn thơ bảy và   tám chữ, với âm điệu lạ ở câu hai. Nhưng đặc sắc trong thơ Bùi Giáng, thời ấy là những hình ảnh tân kỳ, trong thể thơ truyền thống:

Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến
Ô thiều quang! Làn nước cũ trôi mau
Em đi lên vói bắt mấy hương màu
Miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc
Xa biệt lắm Mưa Nguồn trên mái tóc
Đã mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa
(Giã từ Đà Lạt,1958, Mưa Nguồn, tr. 94)

Lời thơ diễn tả niềm hoang mang trước thời gian, ý tưởng không mới, nhưng lối kết hợp ẩn dụ thì mới, so với lối thơ tám chữ trước đó.

mộ BG tại Gò Dưa - Thủ Đức *



Ở Xuân Diệu, Huy Cận niềm ám ảnh của phôi pha không gây bất ngờ như với Ôi thiều quang! làn nước cũ trôi mau…

Trần gian phôi pha, thời gian hủy diệt, nhưng nhà thơ chấp nhận quy luật, nên đã ghì siết hai tay, Nàng Thơ đẹp của trần gian ứa lệ:

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
(…)
      Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cành mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay vói kiểng chân cao
Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với ngươi thôi
Ta chết lặng bó tay đầu lắc
Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi
(Phụng Hiến, Mưa Nguồn, tr. 30)

Những bài thơ tin yêu cuộc sống, tươi sáng và thắm thiết như vậy ít khi thấy ở những tập thơ sau, mà cũng ít người nhắc đến. Âu cũng là một thiệt thòi cho ông. Chúng tôi trích dẫn một bài thơ xuân thắm tươi, có lẽ làm vào mùa xuân 1973, toàn văn:

        Nắng Nguyên Đán

Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời
Về chân đất dưới chân em mọc cỏ
Nắng Nguyên Đán lục lam hay hồng đỏ
Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm
Chạy đi em! sương gió nắng thênh thang
Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ
 Nắng Nguyên Đán của nguyên xuân đầy đủ
Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man
Nắng xuân xanh mở cỏ mọc hai hàng
Và riêng mở duy Một Hàng Ẩn Mật
Nắng phơ phất vì sắc hương phơ phất
Dưới khung trời mặt đất mở thênh thang
 Chạy đi em, gót ngọc bỏ hai hàng.
 (Bài Ca Quần Đảo, tr. 54)
Phong cách nhắc lại một bài thơ trước:
Chạy đi em, qua vườn thắm theo ngày
Cùng với phút giây này phơi mở lá
Em ngó nhé cành xanh cây giục giã
Hoa nghiêng đầu ríu rít cạnh chim kêu …
(Mưa Nguồn, tr. 96)

Nhưng nhịp thơ nhanh, âm điệu khỏe, hình ảnh rộn ràng hơn, một điệu thơ hiếm có ở Bùi Giáng, nhưng vẫn lấy lại chủ đề nguyên xuân, và giọng lẳng lơ cố hữu, cỏ mọc hai hàng, đi đến ngôn ngữ Ẩn Mật về sau. Tóm lại, một bài thơ không Bùi Giáng mà vẫn Bùi Giáng.
     
Trở lại với giai đoạn Mưa Nguồn, chàng thanh niên Bùi Giáng còn giữ niềm tin ở mùa xuân, ở trần thế trong thời gian, ở Màu Xuân:
Ngàn xuân rộng vô ngần trong bóng nguyệt,
hay trong bài Bờ Xuân tiếp theo:
Mùa xuân bữa trước mùa xuân bữa sau, xuân bốn bên trong hiện tại vây hãm tấn công đời hạnh phúc lạnh như băng không làm sao nhúc nhích.
(Mưa Nguồn, tr. 38-39)

      Mùa xuân, mùa xuân hiển hiện, lung linh ánh sáng, long lanh thinh sắc. Trong niềm hoan lạc của đất trời, con người an tâm vui hưởng, vì tin ở sự tuần hoàn miên viễn, như tin vào một cánh én:
Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa

           (Mưa Nguồn, tr. 62)
      Người ta thường nói: xuân về. Chữ về tin tưởng an lạc như Về Cố Quận. Xuân về với gió đông, xuân mang thương nhớ trở về (Nguyễn Bính). Chữ về gây cảm giác ấm cúng, thân thiết, tin cậy:

Mùa xuân hẹn Thu về em trở lại
Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng
Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại
Với dòng trong em hẹn ở bên đường
Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng.

             (Mưa Nguồn, tr. 61)

Thơ là hạnh phúc của ngôn từ như trong Một Ngày Lễ Hội, tên một bài thơ Holderlin được Heidegger bình minh. Hạnh phúc trong lời nói, của lời nói, dù nói để chẳng nói gì: thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia. Câu thơ không mang lại một thông tin nào cả. Xưa kia làm gì? Bờ nước ấy: ấy nào? Nào ai biết. Chỉ biết là không gian và thời gian hạnh phúc. Hạnh phúc không cần nội dung. Hạnh phúc không cần lý do, không cần tự thức.
Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài, cổng xô còn vọng... Bùi Giáng mách ta thế, và có lần kể:

Xưa kia tôi đã có lần
Và bây giờ đã đôi phần tôi quên

(Ca dao, Mưa Nguồn, tr. 143)
     
Nhà thơ không cho biết đã có lần làm gì, nhớ gì và quên gì, nhưng chúng ta cảm rằng xưa kia ấy là hạnh phúc, ngay trong nhịp thơ tần ngần, ngập ngừng, lơ đãng. Hồ Dzếnh rất được Bùi Giáng yêu thích, đã thật thà hơn:

Có lần tôi thấy tôi yêu
Dáng cô thôn nữ khăn điều cuối thôn
Xa rồi, nay đã lớn khôn
Biết cô hàng xóm có còn nhớ nhau?

 
Chúng ta đối chiếu, sẽ thấy sự khác biệt giữa hai tác giả, và đặc sắc của thơ Bùi Giáng mà chúng tôi gọi là hạnh phúc của ngôn ngữ:

Xin yêu mãi và yêu nhau mãi mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn

 
Hạnh phúc ấy là Xuân Trần Gian, ăm ắp trong thơ Bùi Giáng, thời điểm mưa nguồn trên mái tóc. Cùng với tinh thần đó, trước khi mất, ông đặt cái tên Thơ Vô Tận Vui cho một tập di cảo sắp sửa được xuất bản.
 
Tuy nhiên, niềm vui vô tận ở đây chỉ là một minh triết về cuộc sống. Từ đó không thể nói đời và thơ Bùi Giáng lúc nào cũng vui, dù theo lẽ buồn vui tương đối của sự đời. Vui ở đây hiểu theo nghĩa hiền triết Đông Phương, như cá vui, bướm vui trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Nhìn dưới góc độ tư tưởng hiện sinh của Phương Tây, thì ngược lại, có thể nói đến “bi kịch”.
     
Từ 1948, Bùi Giáng có câu thơ sấm ký: Ngày Xuân xanh sơ ngộ để thiên thâu (Mưa Nguồn, tr. 57). Câu thơ quan trọng, mang mâu thuẫn, có tính cách biện chứng, giữa thiên thu và sơ ngộ. Một mặt, nó nằm trong mạch Vũ Trụ Ca của Huy Cận:

Lòng chim gieo sáng dệt vân sa
Trên bước đường xuân trở lại nhà
Mở sách chép rằng: vui một sáng
Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta

             (Áo Xuân, 1942)
 
Mặt khác, nó báo hiệu cho chủ đề ''chết từ sơ ngộ'', và Màu Hoa trên Ngàn sơ khai đã là Màu Hoa Cuối Cùng:

Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng

             (Chớp Biển, tr. 45)
     
Bùi Giáng, rất sớm, đã linh cảm rằng mình suốt đời đứng nguyên ở một tọa độ, xác định bởi một không gian Cố Quận và một thời điểm Nguyên Xuân:

Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước
Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này

      (Chỗ Này, Mưa Nguồn, tr. 82)
     
Có một mùa xuân nào, tuần hoàn trong trời đất, cùng với niềm vui nào đó. Nhưng có một hạnh phúc khác, màu xuân khác không bao giờ trở lại với nhân gian:

Mưa Nguồn cũ quá xa rồi một trận
Ôi xuân xanh vĩnh biệt như thể nào
(…) Người viết mãi một màu xanh cho cỏ
Người viết hoài một màu cỏ cho xuân…

        (Bài Ca Quần Đảo, tr. 22-23)
 
Rồi suốt đời, khi sáng suốt, khi cuồng điên, qua hằng vạn trang sách, người thơ chỉ làm hoài làm hủy một bài thơ, vẽ cho mình một chân dung duy nhất, như viết hoài một màu cỏ cho xuân.

Xuân mười sáu suốt bến xuân chìm tắt
Một bài thơ gieo suốt tự bao giờ

        (Bài Ca Quần Đảo, tr. 11)
     
Năm mười sáu tuổi đã xảy ra biến cố gì trong đời tác giả làm chìm tắt mùa xuân? Chúng ta không biết, chỉ biết là ông làm thơ từ tuổi ấy, khoảng 1942, tại Huế, theo lời ông kể ở đầu sách Lời Cố Quận.

Xuân về xuân lại xuân đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về

 
Hai câu thơ đơn giản. Ngớ ngẩn mà thâm sâu. Vớ vẩn mà thần sầu.
Thâm sâu ở chỗ: lời nói tự hủy, tự lời bôi xóa lời. Câu thơ có nghĩa là: tôi vô nghĩa.
Thần sầu ở chỗ: không mấy ai thấy cái chốn thâm sâu.
 
Thơ Việt Nam nhiều câu hay. Nhưng hay kiểu Bùi Giáng, xưa nay có một.
                                                                             
*        
 
Mưa Nguồn, tên sách là một từ ngữ, hình ảnh thông thường, như trong thành ngữ dân gian, chớp bể mưa nguồn.
     
Những trận mưa rừng núi là hiện tượng thiên nhiên quen thuộc, có lẽ Bùi Giáng đã nhiều lần chứng kiến cụ thể thời trai trẻ, khi chăn dê miền Trung du Trung Phước, khoảng 1946. Đây là những trận mưa giông lớn, ào ạt đổ xuống rất nhanh, nhất là vào mùa hè, gây ấn tượng mạnh. Mưa Nguồn có thể hiểu theo nghĩa đen.
 
Lại thêm nghĩa bóng: mưa móc, ân sủng dội xuống nơi cội nguồn cuộc sống, ào tuôn, ''giáng'' xuống một lần rồi thôi, nhưng cũng có thể trở lại, trong lẽ tuần hoàn, như lời chờ mong của Tản Đà: Nước đi ra bể lại mưa về nguồn, trong Thề Non Nước.
     
Cần hiểu thêm, chữ nguồn, ở quê Bùi Giáng, còn có nghĩa đời sống của dân tộc thiểu số ở miền trung du Trung Bộ, mà Bùi Giáng thường xuyên tiếp xúc. Họ thuộc nhiều chủng tộc, chủ yếu là người Gié Triêng và Ca Tu, mà cuộc đời hoang dã đã tạo ra và lưu lại nhiều ấn tượng sâu xa trong tâm thức Bùi Giáng. Cuộc trao đổi hàng hóa giữa hai miền xuôi ngược – ngày nay gọi là Kinh Thượng – đã để lại câu ca dao:

Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên

     
Nậu nguồn là những thương nhân chuyên môn buôn bán với Mạn Ngược. Và ở đây có thể phát âm hai vần ngùn/chùn theo giọng Quảng Nam của Bùi Giáng, cũng như Mưa Ngùn. Như vậy mới kết vần được hai câu ca dao địa phương khác, mà Tế Hanh hay Sơn Nam ưa tham chiếu:

Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên ngùn (nguồn) đốt than

 
Thơ Bùi Giáng, có khi cần phải phát âm theo giọng tác giả, mới thú vị:

Chén trà sương sớm bên thềm
Vừa chờ chim hót vừa thèm chim (chiêm) bao
.
(Chén Trà, báo Thời Văn, tr. 24)
Chim hót đối ngẫu với chim (chiêm) bao.

      Chữ Nguồn ở Bùi Giáng là một hình ảnh vừa quê mùa vừa uyên bác, tự nhiên mà tinh tế. Gốc Hán Việt là ''nguyên'', là nguồn cội, là nguồn sống, là Sơ Nguyên Ngọn Suối: con chim điên vì nhớ Suối vô cùng. Suối cũ Suối xanh Suối bờ mọc cỏ. Suối võ vàng em có hai tay Suối mừng nhìn thấy. Suối khóc suốt đêm bây giờ suối nín… (Gió Nguồn, Lá Hoa Cồn, tr. 75).
     
Suối ở đây là Nguồn Xuân Tinh Thể. Nhưng nói vậy là nói lắp, vì Xuân đã là Nguồn, và Suối đã là Xuân. Tiếng Anh rất hàm súc khi dùng một từ Spring để chỉ Xuân và Nguồn. Trong thơ Bùi Giáng, Xuân đồng nghĩa với Nguồn, như trong tiếng Anh. Nó là cõi uyên nguyên có trước Trời Đất, là ''cái cửa khe huyền diệu'' - ''huyền tẫn chi môn''  theo lời Lão Tử.  Chữ ''tẫn''  Ngô Tất Tố diễn dịch là khe, mà có người ''cắt nghĩa là giống cái, tức là mẹ đẻ của muôn vật. Đó cũng là một nghĩa''. [1]
     
Có lẽ, từ đó hình ảnh khe, kết hợp với người Nữ, thường xuất hiện nơi thơ Bùi Giáng. Chữ môn nghĩa là cửa (nhân tạo), linh mục Dòng Tên, Claude Larre dịch là Porte (des secrètes merveilles) [2] có lẽ, về sau đã gợi ý cho Bùi Giáng làm đoạn thơ nổi tiếng bắt đầu với hai chữ ngõ là cửa:

Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài
Cửa xô còn vọng điệu tài tử qua

     
Niềm vui, nghĩa sống con người đã xô cửa bước ra từ cõi ban sơ ấy, và ngân dài, âm vọng qua lời thơ của người tài tử. Nhưng về sau lại lỡ từ lạc bước bước ra… và tác giả, hay độc giả có thể tùy nghi ráp nối nhiều câu lục bát khác vào đoạn trên, như Tuệ Sĩ đã gợi ý trong một bài báo rất uyên bác, trên báo Văn 1973:

Ta về ngóng lại mưa sa
Giọt dài ly biệt nghe ra giọng chào

Hoặc:
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

     
Vân vân... Như đã nói: toàn bộ tác phẩm Bùi Giáng có thể xem như là một bài thơ duy nhất, một nét chữ lên đàng quẩn quanh. Và người đọc lý thú, vì cảm giác tham dự vào cuộc chơi, thậm chí là đồng tác.
 
Người đời thường trích dẫn mấy câu thơ hay, bề ngoài đơn giản, nhưng kỳ thật là phức tạp:

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

  (Chớp Biển, tr. 132)
     
Hai câu đầu là một hình ảnh từ chương. Câu sau đã khó hiểu hơn: một, hai, ba nghĩa là gì? Hoặc ta cho là thơ cà chớn, không cần tìm hiểu; hoặc ta tìm hiểu và tham chiếu vào Đạo Đức Kinh, lời Lão Tử: ''Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật''; ý thức con người đong đưa giữa cái nghi và cái diệu: không nghi thì không có diệu, không nhờ cái diệu thì không giải tỏa được cái nghi. Đo và Đếm là hai thao tác của Tâm và Tưởng để tiếp xúc và nhận thức ngoại giới: đo cái liên tục và đếm cái gián đoạn. Nhưng còn là, là gì? Là môi giới qua Lời Nói. Nhưng Lời Nói là gì? Chúng ta trở về vị trí đong đưa sóng biển giữa Diệu và Nghi.
 
Hiểu thơ Bùi Giáng không phải lúc nào cũng đơn giản. Mà không hiểu, chưa chắc đã đơn giản.
 
Bàn về một chữ Xuân mà phải dàn xa dặm dài, như vậy phải biết ngừng lời, vì:

Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

(Chào Nguyên Xuân, Mưa Nguồn, tr. 25)
                                                                              
*
 Tháng 5/1969, Bùi Giáng vào dưỡng trí viện Biên Hòa vì bệnh đã từ ''cuồng nhẹ chuyển sang cuồng nặng'', các bác sĩ trong viện đã hỏi ông về hình ảnh cô Em Mọi Nhỏ thường thấy trong thơ, và họ kể lại:
 
''Trong thời trai trẻ, đi kháng chiến, một chiều nọ, mệt, đói, anh đang lê từ bước một với chiếc ba lô khá nặng sau lưng, thì vừa quẹo một bước đường mòn, anh chợt thấy một thiếu nữ thiểu số đang giặt áo bên bờ suối, anh vừa dừng chân thì ''bông hoa rừng'' nó cũng vừa ngừng tay giặt, mỉm cười với anh, và niềm nở hỏi chào anh. Anh tưởng chừng mình đang lạc vào suối Đào Nguyên, và hình ảnh này vẫn không phai trong tâm khảm''  [3].
 
Câu chuyện, nếu quả có xảy ra thực cũng nên xem như một giai thoại và một biểu tượng. Người Em Mọi Nhỏ xuất hiện thường xuyên trong đời thơ Bùi Giáng, suốt một nửa thế kỷ khói lửa và biển dâu, không dễ gì giải thích được bằng một nụ cười sơn cước. Cuộc đời, đời ai và đời gì, cũng không đơn giản như vậy và đời Bùi Giáng lại có phần phức tạp hơn bình thường.
 
Gái Núi, hay Em Mọi Nhỏ, còn có tên Duồng mô Din, là một ẩn dụ hữu cơ trong thơ Bùi Giáng, và có khả năng cấu trúc thi hứng như một hình ảnh Đầu Nguồn, một sử lịch sơ khai, một Suối Xuân diễm tuyệt như đoạn trên đã nói.
 
Gái Núi là một khai thị, khai tâm, khai tứ, khai từ:

Em từ Mọi Nhỏ thanh tân
Mười hai con mắt thiên thần mở ra

   (Mười Hai Con Mắt, tr. 71)
 
Mở mắt để tiếp thu mùa Xuân Tinh Thể
Mọi là Em, Mọi Sơ Xuân
Ban Sơ núi đỏ chào mừng non xanh

       (Bài Ca Quần Đảo, tr. 34)
 
Em Mọi là quần thể, lập thành xã hội sơ khai một ảo ảnh mà nhà thơ đã tiếp thị thời hoa niên, và dần dà ngày một ngày hai đã cấu trúc thành một triết lý uyên nguyên, cấu trúc nguồn thơ và tiềm năng sáng tạo:

Em ở trong rừng
Mọi chị mọi em
Sinh bình quay quần
Suốt mấy mùa xuân
Một thời thơ dại
Em là em mọi
Em ở đâu rồi

(Tặng Em Mọi, Mười Hai Con Mắt, tr. 215)
 
Mọi chị mọi em, vị chi là nhiều em mọi.

Kết hợp với mấy mùa xuân, thời thơ dại, hình ảnh Em Mọi ở đây, cũng như ba người con gái chiêm bao ở bờ cỏ Phi Châu ở nơi khác, không phải là hoang tưởng tình ái nam nữ song phương, kiểu Kinh Thượng giao duyên, như trong những bài hát Bông Hoa Rừng, hay Nụ Cười Sơn Cước.
Thậm chí trong thơ Đinh Hùng:

Nàng lớn lên giữa mùa xuân hoa cỏ
Nửa linh hồn u ám bóng non xanh
Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ
Nàng yêu ta, huyền hoặc mối kỳ tình
(…)
Chúng tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc
Nàng là Gái Muôn Đời không đổi khác
Bộ ngực tròn nuôi dòng sống đương xuân

(Người Gái Thiên Nhiên, trong Mê Hồn Ca)
 
Người Gái Thiên Nhiên ở Đinh Hùng là một giấc mơ hiện đại, với bộ ngực tròn trên tấm thân mỹ nữ như trong những tiết mục trình diễn thi hoa hậu ở Âu Tây.
 
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài là hoang tưởng lãng mạn từ Chateaubriand hồi đầu thế kỷ 19 còn ngân dài qua văn học, đến Đinh Hùng và nhiều tác gia khác.
 
Nhưng Bùi Giáng đã gặp thơ Đinh Hùng, và thân thiết với cá nhân Đinh Hùng. Bùi Giáng viết nhiều bài khảo luận về các nhà thơ đương thời và quen biết với mình, nhưng dường như chỉ tha thiết với thi phẩm của hai người, là Tuệ Sĩ và Đinh Hùng:
''Đinh Hùng Mê Hồn Ca muốn nhảy vọt một trận. Ông muốn sống lại tâm tình người nguyên thủy. Ông muốn mang linh hồn nguyên thủy về đối diện với xã hội văn minh…'' (Thi Ca Tư Tưởng, tr. 132).
 
Tuy nhiên giữa cuộc gặp gỡ đó, có điều khác nhau: Nguyên Thủy trong thơ Đinh Hùng chỉ làm đề tài thi ca, cùng lắm là một ẩn ước. Ở Bùi Giáng là khối ẩn ức, hiểu theo nghĩa đẹp mà Bùi Giáng gọi là Mnemosyne, niềm nhớ nhung sâu kín, nỗi u hoài thao thiết, nguồn thi hứng chủ đạo.
Đinh Hùng đã có những câu thơ tình diễm lệ:

Thương nhau gói trọn hồn trong áo
Mất nhau từ trong tà lụa bay

(Hờn Giận, Đường vào Tình Sử)
 
Những nét diễm tình này, không thấy ở Bùi Giáng, cho dù về sau, Bùi Giáng cũng có vài lời thơ mang âm hao Đinh Hùng:

Em ở trong rừng một buổi xưa
Ngẫu nhiên tao ngộ gió sang mùa
Hai bờ lãnh địa đau lòng gọi
Sầu suốt giang sơn vọng tiếng thừa
Em ở trong rừng em cũng đi
Xuân tàn lửa hạ đốt trang ghi
Rừng thiêng sự tích mờ vân thạch
Vĩnh biệt lâm tuyền em bỏ đi
Mất hết rừng xanh suối ngọc rồi
Em từng là mọi mộng khơi vơi
Rừng xanh nắng biếc em cười nói
Một thoáng bình sinh giữa bốn trời

(Em Mọi là Em, Chớp Biển, tr. 84-85)
 
Rừng xanh, rừng thiêng, lâm tuyền ở đây không hẹn hò kỳ ngộ như ở Đinh Hùng, mà là nỗi tổn thương không cứu vãn.
Một trần gian lạc dấu Mùa Xuân:

Còn ngọn suối ngọn sông nào mất ngọn
Ngọn nguồn đi trên không ngọn không nguồn
Tôi leo mãi những ngọn đồi xa ngọn
Về xa xuôi những thung lũng xa nguồn
Nằm giữa phố giữa trưa tôi vẽ bóng
Con chuồn chuồn cuối hạ đón đầu thu
Con châu chấu cuối thu về lóng cóng
Sắp sang đông từ giã nguyệt hư phù

(Bài thơ Hay Nhất, Chớp Biển, tr.87)
 
Ở đây, một năm chỉ còn lại ba mùa, vì rừng đã thiêu rụi mùa xuân:

Em là em mọi
Xưa ở trong rừng
Nay rừng cháy hết
Em lạc ở đâu

(Tặng em Mọi, Mười Hai Con Mắt, tr. 214)
 
Trong chủ đề Người em Mọi, đời sống sơ nguyên, Mê Hồn Ca của Đinh Hùng không mang lại ảnh hưởng gì cho nguồn thơ Bùi Giáng lúc đó đã định hình, vững chắc, nhưng có lẽ đã vun đắp thêm vào niềm tự tin trong thi hứng của Bùi Giáng.

Trường hợp tư tưởng phương Tây, như của Heidegger, có lẽ cũng tác dụng như vậy, khi Bùi Giáng tiếp cận Heidegger. Triết gia Đức này bình luận thơ Holderlin, đề cập đến nguồn gốc vũ trụ, thời Hỗn Mang (Chaos) và Định Danh (Nomos) và tính hoang dã thần thánh (sainte sauvageté) đâm chồi nảy lộc, những hoang dã linh thiêng (sauvagetés sacrées), hoang dã vụng về trong thi tập Les Titans [4].
Và có lúc, Bùi Giáng đã đẩy niềm u hoài tiền sử của mình lên xa hơn nữa trong thời gian, qua hình ảnh Đười Ươi – người chưa thành người:

Ta về rũ áo đười ươi
Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau

(Ta Về, Thơ Bùi Giáng, tr. 198)
 
Đi vào cảnh giới si mê
Gọi đười ươi dậy nhe răng ra cười

(Nhe Răng u buồn, trong Sa Mạc Trường Ca)
 
Bùi Giáng có bài thơ tổng kết đời mình:
Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiên reo cười
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Điệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân

(Thuở Chưa Điên, Thơ Bùi Giáng, tr. 86)
 
Hai chữ Đười Ươi ở đây sao mà bùi ngùi, thê thiết!
Đười Ươi Thi Sĩ, nhiều lần Bùi Giáng tự xưng như thế, để bày tỏ niềm hoài vọng tìm lại thiên tính của con người, khi chưa lập thành xã hội, trong cõi trời đất Sơ Nguyên.
Thuở Uyên Nguyên ấy, là mùa Xuân của Đất Trời, mùa Xuân của Con Người.
Nói chuyện Mùa Xuân trong thơ Bùi Giáng mà chưa lên tận Ngọn Nguồn để diện kiến Đười Ươi, thì chưa vui.


Viết đến đây, chợt về đôi kỷ niệm, chung quanh ngày Tết và mùa Xuân, hiểu theo nghĩa thông thường, không ẩn ý hay biểu tượng, triết lý gì. Ba ngày Tết, ba tháng Xuân, và hình ảnh Tuổi Xuân, như một cành hoa mai, nở một lần trong thơ Bùi Giáng:
Xuân này em có về không
Nhành mai cố quận nở bông dịu dàng

       (Thơ Bùi Giáng, tr. 85)
 
Tiếp theo là một hình ảnh khác của ngày Tết Nguyên Đán:
Mồng ba Tết ra đường con gặp
Một trẻ em đi bán đậu phụng rang
-''Thầy mua giúp! Đầu năm, dịp Tết”
Con mua nhiều, rồi nước mắt chứa chan
Vì con biết ngày Mồng ba một dịp
Không còn về cho bao đứa trẻ con
Bán đậu phụng hay lau giày lau dép
Đã lang thang đầu gối rụng mỏi mòn.

(...)
Hỡi Thượng Đế! Cúi đầu con thưa lại
Ở trần gian ai cũng khổ liên miên
Người đã dựng cảnh tù đày đọa mãi
Để làm gì? Cho sáng nghĩa Vô Biên?

         (Chớp Biển, tr. 127-128)
 
Bài thơ hé mở một góc độ khác trong tâm hồn Bùi Giáng: khía cạnh xã hội, nhân đạo trong thơ ông, xuất hiện ngay ở tập thơ đầu, nhưng càng ngày càng rõ nét về sau. Nhất là từ khoảng 1970, trong đời sống lang thang bên hè phố, ông chung đụng với nhiều lớp người cùng khổ, chủ yếu là trẻ em nghèo khó và côi cút, mà ông rất mực yêu thương, chia sẻ từng miếng cơm manh áo. Đây là thời gian ông ý thức rõ tình người trong cơ khổ:

Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ,
Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau
Ôi đầu đường ôi xó chợ nơi đâu
Là nơi đó chốn kia anh rất rõ
Trong máu me từng khoảnh khắc sơ đầu

(Anh vẫn Tưởng, Bài Ca Quần Đảo, tr. 48)
 
Trong cảnh dân tộc điêu linh và xã hội lầm than, thì những phong tục hình thức ngày xuân trở thành vô nghĩa:
Mỗi mùa xuân lá trổ bông
Quên tờ cung chúc cũng không hề gì

(Huế làm Thơ, Bài Ca Quần Đảo, tr. 44)
 
Trong chừng mực nào đó – xin nói rõ: trong chừng mực nào đó – Bùi Giáng thuộc về thế hệ thanh niên không có mùa xuân, mà Tạ Ký (1928-1979), một nhà thơ xuýt xoát đồng tuế và đồng hương với Bùi Giáng, gọi làThế Hệ Bốn Lăm:
Chúng tôi:
Thế hệ bốn lăm
Vui chưa bao nhiêu, nhiều lúc khóc thầm
Một phần tư thế kỷ
Bốn lăm! bốn lăm
Những kẻ ra đi, những kẻ đang nằm
Những kẻ chết, những kẻ còn vất vưởng 


Có lần nhà thơ Tạ Ký mô tả làng Trung Phước quê hương mà Bùi Giáng gọi chung là Cố Quận, chìm trong khói lửa:
Con lạc mẹ, bao đêm chồng khóc vợ
Măng bẻ rồi, tre không kín niềm quê 6
Và ngày Tết, mùa Xuân với thế hệ ông:
Cười nghiêng núi thẳm xuân gian khổ
Khóc đứng quê xa tết dạn dày
(...) Có những con người không nói hết
Căm căm thế sự nhíu đôi mày
Cố tri dăm đứa nghèo xơ xác
Ăn chực nằm chờ khắp đó đây 







mộ TK tại Gò Dưa - Thủ Đức *

Nhà văn Võ Phiến, trên báo Bách Khoa 1963, trong bài viết về Đỗ Tấn, cùng quê, đã mô tả thế hệ này, trong đó có mình:
“Chừng ấy biến đổi dập dồn vào một thế hệ (...) mới lớn lên đã gặp ngay cơn biến động. Trong những năm đáng lẽ nồng nhiệt hăng say nhất của đời họ, thì một niềm tin vừa nhóm lên liền bị phá vỡ, một giấc mơ vừa thành hình vội vàng bị đánh tan. Hy vọng nổ tan tành, liên tiếp, dễ như quả bóng cao su xanh đỏ của trẻ con”  [5].

Dĩ nhiên đây là tâm trạng của một lớp trung niên thi sĩ, ở vào một địa phương, chúng ta không nên khái quát. Thiên hạ thiếu gì người lập thân, lập công, lập danh, lập tài sản, nhờ vào cái mà Võ Phiến gọi là “biến động”, người khác gọi là Lịch Sử, và Bùi Giáng gọi là Sử Lịch.
Nhà thơ Hoàng Trúc Ly, trong lứa tuổi đó, và thân thiết với Bùi Giáng, có câu thơ được truyền tụng một thời:
Mùa Xuân còn gì thưa em
Sáu dây rét mướt chưa mềm trăng khơi

Và Phạm Công Thiện cũng gần gũi với Bùi Giáng, năm 1964, dạy học ở Đà Lạt, có bài thơ Xuân được bạn bè yêu thích:
Mùa Xuân bay thành khói
Tôi ca hát một mình
Suốt đời không biết nói
Nước chảy tràn con kinh

Tạ Ký lúc ấy cũng dạy ở Đà Lạt, rất thích bài thơ này, nhưng bực mình khi nghe một bài hát thời thượng, phổ nhạc thơ Kim Tuấn:
Anh cho em mùa Xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Mùa Xuân nào nhung nhớ (...)

Ông bực vì cho là thơ xạo và xảo, vì anh làm quái gì có mùa Xuân mà cho ai, hay cho em? (dù rằng ở cõi đời này, yêu nhau có khi là cho nhau những cái mình không có).
Trong tâm trạng này, Tạ Ký có bài thơ Xuân tặng Phạm Công Thiện:
Trời mùa đông rừng núi
Đời mùa đông vô cùng
Hút thuốc trong bóng tối
Khói có bay lên không?  [6]

Vào thời điểm ấy, Đà Lạt 1964, Phạm Công Thiện, có đọc cho tôi nghe câu thơ mới làm:
Cô đơn về trắng sương rừng
Tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm.
Pháp, 1984: bài thơ được in lại trong một album đẹp mà anh tặng tôi. Câu thơ xưa đổi lốt:
Rắn trườn vỡ trứng chim rừng
Tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm.

Rắn: vì tác giả tuổi Tỵ (1941).
Giữa hai thoại, không biết câu nào hay hơn. Tôi kể lại chuyện này, vì thấm thoát đã tròn hai mươi năm. Và bốn mươi năm.
Đây là thời gian chúng tôi bắt đầu tiếp cận thơ Bùi Giáng.
Một mùa xuân xa...
Xa.
                                                                             *
Bùi Giáng là một nghịch lý.
Ông là một tác giả hàng đầu, một nhà thơ lớn trong văn học Việt Nam hiện đại, đã sống, làm thơ và qua đời, bên lề dòng văn học chính thống. Rồi trong những điều kiện lịch sử nhất định, thơ ông được truyền tụng, truyền khẩu, tạo nên một hiện tượng xã hội và chính trị Bùi Giáng, vào ba thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi.

Tác giả Bùi Giáng, và nhà thơ Bùi Giáng đích thực, bị chen lấn giữa những huyền thoại Bùi Giáng. Và những kẻ mến yêu Bùi Giáng đầy thiện chí, đã nhiệt tình viết bài ca ngợi, càng làm rối mù thêm tọa độ của ông trên văn đàn, thêm phần tơ chỉ rối chiêm bao.
Bùi Giáng cả đời chăm chỉ đặt hai bàn chân, chân trái và chân mặt, bên lề chính trị và xã hội, nhưng đã lừng danh - phần nào đó - nhờ những điều kiện xã hội và chính trị. Đây là một nghịch lý, giới hiện sinh một thời có thể gọi là phi lý.

Bài này dĩ nhiên là không có tham vọng giải quyết nghịch lý nói trên. Nó thoạt tiên chỉ là một bài báo Xuân. Nhưng lần theo ý xuân đến thượng nguồn thơ Bùi Giáng, người đọc có thể tìm lại được một trong nhiều sợi tơ mành xuyên qua thi phẩm và tư tưởng Bùi Giáng.
                                                                                   *
Niềm xuân cố quận tê tê / Được chăng góp nhặt lời quê dông dài…
Người rằng:
Nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào.

Đặng Tiến
-----------------------
Thơ Bùi Giáng trích từ: Mưa Nguồn, 1962; Lá Hoa Cồn, 1963; Bài Ca Quần Đảo, 1973; Thi Ca và Tư Tưởng, bản in lại 1998; Thơ Bùi Giáng, Montreal, 1990; Chớp Biển, 1996; Mười Hai Con Mắt, 2002; Báo Văn, Sài Gòn, 5/1973; Báo Thời Văn, TPHCM, số 19, 1997. Có câu ghi theo trí nhớ.


* Ảnh do PBTD chụp khi viếng mộ 2 ông vào tháng 7/2012.