Dưới lũng, trên triền, nắng xếp nhỏ.
Nước ròng sâu, sông lảng lảng xa.
Khắc khoải chim kêu ngày tận tuyệt.
Ai trầm luân đó có về qua?
Mông quạnh bãi phơi vũng vướng mắc,
Con cò lặng ngẩng lắng hơi thu.
Xác cây gục hỗn mang cành rễ.
Rừng đứng quanh đây, rừng tận đâu?
Gió thấp thoáng, xa xôi hiện ẩn.
Đêm nay, mây đậu nghỉ phương nào?
Khắc khoải chim kêu hồn khuất giạt
Cảnh nổi trôi giờ đã lặng chưa?
Ngấn nước đục khoen lem cỏ sậy,
Lưu mà chi chỉ dấu phù hư?
Xương cốt vẫn là xương cốt cũ,
Đành rêm nhức mãi trở trời xưa.
Linh chăng những vàng tiền mẹ đốt?
Cửa để, con đi chơi về khuya.
Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn.
Còn ai ngồi rạng cội cây già?
Chim vút lên như hòn đá ném,
Rồi thôi, cái có chỉ là qua.
Chiều nay, trên bãi sông dun rủi,
Mường tượng dòng sông trôi tro ta.
Một mai, ngoài cõi gió hao đuối,
Ai hỏi ai về ai trước kia?
Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải.
Hành nhân về bên giếng quê nhà.
Ngõ trúc chiều ngát cơm gạo mới.
Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa,
Cởi đôi giày vẹt, tấm áo tả,
Xót xa như lột một lần da.
Chiêm bao, âu cũng chiêm bao cả.
Mưa lớn, chừng mưa rợp hải hà.
Chiều bóc, bóc dần những rớt nắng
Loi ngoi nắm níu lũng triền xa.
|
Wednesday, October 31, 2012
TÔ THÙY YÊN * Chim kêu bãi quạnh
Nguyễn Mạnh Trinh * Nguyễn Đình Toàn: Tình Yêu Và Tuổi Trẻ Trong Thơ Văn
nguyendinhtoan |
Nói đến Nguyễn Đình Toàn, là phải đề cập đến ba chân dung nghệ sĩ: Văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ. Ba chân dung này có nhiều khi ở ba lãnh vực khác nhau nhưng lại có những quan hệ mật thiết với nhau. Một điều rõ ràng là bất cứ trong lãnh vực nghệ thuật nào, cũng đều thấy một con đường khác lạ với mọi người.
Thơ, văn, hay nhạc, cũng đều là một cách thế để suy tư, để sống bằng cảm quan của mình. Đời sống như dệt ra bằng những nỗi buồn và ở nơi ông =, với một sức khỏe mong manh lại làm cho cuộc nhân sinh như bị u ám thêm. Suốt từ lúc còn trẻ tuổi, đi vào văn chương với cái bút hiệu Tô Hà Vân của thời Hà Nội xa xưa đến lúc vào Sài Gòn, viết tác phẩm đầu tay là Chị Em Hải đăng từng kỳ trên nhật báo Tự Do, rồi đến các tác phẩm sau này, cũng đều là những tác phẩm về tình yêu & tuổi trẻ, tuy hình thức có khác đi, vẫn là biểu hiện của một cách thế sống, một suy nghiệm sống.
Nguyễn Đình Toàn được kể như một người viết chịu ảnh hưởng nhất của phong trào Tân Tiểu Thuyết, một phong trào viết tiều thuyết mà còn được gọi là anti-roman, với chủ trương mới lạ đi ngược lại cách viết tiểu thuyết cổ điển như đã hiện hữu trong văn chương từ trước. Chủ trương của những nhà văn như Alan Robble Grillet, Claude Simon, Nathalie Sarraute... là nhà văn phải xóa bỏ chủ quan khi cầm bút. Cách viết phải rất khách quan, như ống kính của người chụp ảnh, ghi chép lại nguyên vẹn sự việc và không có xúc cảm hoặc nhận định chủ quan chen vào. Tân tiểu thuyết ( nouveau roman) còn có tên mệnh danh khác là trường phái của cái nhìn, nghĩa là y hệt một cặp mắt, nhìn, quan sát trung thực sự vật không bị biến tướng biến dạng bởi sự cảm nhận cá nhân.
Nhưng khi được hỏi về phong trào tân tiểu thuyết ở Việt Nam trong thời kỳ thập niên 60 thì Nguyễn Đình Toàn trả lời rằng ông nghĩ sao thì viết vậy mà thôi. Câu hỏi tiếp là liệu có chính xác không khi nói ông và một số bạn đồng hành chịu ảnh hưởng của tân tiểu thuyết như Huỳnh Phan Anh, Hoàng Ngọc Biên, Đặng Phùng Quân,…? Thì Nguyễn Đình Toàn trả lời là đó là những nhóm bạn viết trẻ hơn ông thường gặp nhau ở quán cà phê La Pagode chứ không phải là cố tình tạo ra một phong trào văn học mới lạ ở Miền Nam lúc ấy.
Có một điều khi ông là một trong ba người lựa chọn bài vở cho tạp chí Văn thời mà Trần Phong Giao làm chủ biên, thì bài vở được lựa chọn nhất là ở bộ môn văn đã có nhiều khám phá và các người cầm bút trẻ đã có bước khởi đầu tốt đẹp. Cũng như các trào lưu văn học cũng như các tác giả nổi tiếng trên thế giới được viết thành những chủ đề như những cánh cửa mở ra nền văn chương quốc tế.
Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Toàn có cách tạo dựng nhân vật khá độc đáo. Những nhân vật ấy sống ơ hờ trong một không gian, thời gian mỏng mảnh, của bàng bạc những suy tư và nội tâm là những rối rắm phức tạp. Ông mang tuổi trẻ đi vào tình yêu và mỗi một nhân vật là mang theo một định mệnh mà ở đó con người bị lôi cuốn đi trong những mê thức chập chùng mà cuộc sống đã sẵn dành.
Đọc trong các tiểu thuyết của ông như Con Đường, như Ngày Tháng, như Không Một Ai, như Đồng Cỏ, .. hoặc một số truyện ngắn như trong tập Đêm lãng Quên chẳng hạn, thì thấy rõ cung cách của một người viết tạo ra một chỗ đứng cho tác phẩm của mình. Cùng với những cây bút khác, quả thực ông có tạo ra thành một phong trào mà nhà văn Mai Thảo gọi là có một chút thành công và thất bại.Thành công là phong trào này đã đem lại cho văn chương tiểu thuyết một chân trời mới mà kỹ thuật và ngôn ngữ là những khai phá bất ngờ đầy hứng thú. Nhưng thất bại vì không thể làm thay đổi được cảm quan của người đọc về tiểu thuyết truyền thống. Trước sau, tiểu thuyết vẫn là biểu hiện của đời sống qua ý nghĩ chủ quan người viết.
Nguyễn Đình Toàn có lẽ sáng tác cũng không hề để ý đến những thành tựu hay mất mát thua được của tân tiểu thuyết mà ông chỉ viết theo ý thích của mình. ông có niềm tin vào công việc mình làm và xác tín một thái độ rất trí thức nên tiểu thuyết của ông được kể đến như những thành tựu và rõ ràng ông đã có địa vị của một nhà văn đáng kể trong hai mươi năm văn học miền Nam…
Đọc Con Đường, để thấy được định mệnh của một người đàn bà sẵn dành riêng một góc tối đau khổ.Nhân vật ấy có một cuộc đời bị bủa vây bời tất cả những điều khốn khó nhất mà lại bất thường với khuôn mặt có vết chàm khó coi. Cha mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, thân thể thì dị dạng nên con người sống gần với bản năng hơn là lý trí. Cô ta không có một chọn lựa nào khác là đầu hàng nghịch cảnh và sau chuyến đi thăm người mẹ trở về đã dễ dàng ngả vào bàn tay của một người đàn ông xa lạ và trở thành đàn bà từ đêm dọc đường ấy cùng với sự khám phá về nỗi sung sướng vô biên của nhục cảm. Nhân vật xưng tôi trong Con Đường đã bị trôi vào một bi kịch cũng như người mẹ mười năm trước cũng đã lang chạ ngoại tình và rút cuộc chỉ là một dòng lệ rớt trên mi khi đưa tiễn đứa con trở về từ bến xe.
Nhân vật xưng tôi trong truyện và nhân vật “người viết kịch” đã đóng một vai kịch của những cuộc đời mà ở đó đã sẵn mầm chứa của những điều tối tăm ẩn sâu trong nội tâm con người. Thêm một nhân vật “bà ở chung” đã làm thành một vở kịch tay ba mà ở đó người đàn ông đã giương một cái bẫy để cho hai người phái nữ vào sụp hố. Và sâu khấu kịch không là chỗ nào khác hơn là cái giường, nơi tình yêu có khi là hỗn hợp của sự ngu ngốc khờ dại và lòng đam mê nhục dục cao độ.
Con đường với cô bé xấu xí bây giờ giống như con đường mà mẹ cô đã đi xa vĩnh viễn đứa con gái của mình. Một con đường định mệnh mà sự gian truân là hành trang mang theo. Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn, đầy dẫy những nghịch cảnh và con người luôn luôn thủ vai người thua bại. Họ đi trên những con đường mù mịt mà không cưỡng lại được những cảnh trớ trêu bày sẵn…
Trong Con Đường, tác gỉa bắt nhân vật phải xuôi theo định mệnh và chầp nhận tất cả những hậu quả bi đát dù có phi lý đến đâu chăng nữa. Cuộc đời sẵn dành cho mỗi con người một phận số và sẽ chẳng thể phản kháng được mà phải giơ tay đầu hàng trước những trớ trêu nghiệt ngã của cuộc đời…
Đọc một tác phẩm khác, Ngày Tháng, lại thấy được một số phận của người đàn bà bị lôi vào những mảnh sống đầy khúc mắc mà sự bó tay bất lực đã làm đời sống tưởng như bị triệt hủy thối rữa. Tiểu thuyết của ông là ray rứt nôi tâm, là những cảnh ngộ bị lôi cuốn vào, là sự tranh đấu giữa dục vọng và thánh thiện để rồi bản năng đã dẫn dắt con người .Nhân vật nữ tên Hà sống trong nỗi mòn mỏi cuộc sống, không dám liều bước sợ bị vấp ngã, nên cứ đành trôi theo cuộc đời. Nhân vật ấy như được treo lơ lửng bằng những chán chường và người đàn ông chỉ có giá trị như là một sự kềm hãm, một sự cho phép ngấm ngầm kể cả chuyện làm tình. Thân phận của một người đàn bà 30 tuổi góa chồng sống một mình cô đơn thảm thiết dầy vò kể cả việc tự sờ mó thân thể mình trong cơn dục vọng.Người chồng đã chết vẫn ám ảnh nàng với hình ảnh của bộ đồ bay phi công và những ngày tháng sống ở thành phố biển đã là một ám ảnh không nguôi.
Hà gặp Vinh, một phóng viên chiến tranh và một mối tình bắt đầu với đam mê nhưng lại kéo theo những khúc mắc của đời sống, Hà sợ cô đơn nhưng cô đơn lại như một ám ảnh khiến đời sống như cứ dài ra nỗi khắc khoải.. Hai người yêu nhau nhưng tự biết khó thể gần nhau vì mỗi người đều có cuộc sống riêng, có phận đời riêng. Nhưng dục vọng và sự ân ái cứ như sợi dây trói buộc và con người như không thoát ra được. Cuộc sống như một chọn lựa bắt buộc. Có lúc Hà muốn bắt cặp với một người Mỹ say mê nàng nhưng rồi vẫn chỉ là những nửa vời của mê đồ không ngõ thoát.
Ở Nguyễn Đình Toàn và tiểu thuyết Ngày Tháng, nhân vật như lúc nào cũng ở trong trạng thái chiếu đấu khốc liệt giữa bản năng và sự hướng thiện. Khi nằm ôm người tình để ngày mai đi vào quân trường, sự cô đơn như nỗi chết cứ chập choạng vây quanh đời sống.
Nhân vật của Con Đường và Ngày Tháng là đàn bà thì trong tiểu thuyết Không Một Ai thì nhân vật lại là một người thanh niên bị thương trong một cuộc hành quân giải ngũ trở về thành phố làm một công việc văn phòng. Vết thương về thể xác vẫn còn trong khi về tâm não thì cũng bị khủng hoảng theo. Nhân vật ở đại danh từ ngôi thứ nhất xưng tôi là một người có ý hướng muốn thay đổi cuộc sống mình, quên và bỏ đi những ký ức cũ, và cả hiện tại cũng đầy vết thương. Nhưng tất cả chỉ ở trong ý nghĩ thôi, và đời sống cứ như thế một mực chán chường của những vết thương không lành miệng.
Tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn thường xuất hiện rất ít nhân vật và những nhân vật thường hay độc thoại, ít fối thoại và thường là những khám phá đi sâu vào nội tâm con người. Ở trong tiểu thuyết Không Một Ai, cũng chỉ có bốn nhân vật, gồm chàng thanh niên xưng tôi, người nư õlúc bỏ đi lúc trở lại tên Ph., Trang , người đàn bà đau khổ có số phận không may và Kế , người đàn ông đứng tuổi nhưng lại có đam mê của thời mới lớn. Những nhân vật ấy chia xẻ với nhau những định mệnh , mà sự bất hạnh dường như lúc nào cũng lẩn khuất và hạnh phúc là những giây phút chen lẫn ngắn ngủi. Chàng trai xưng tôi trong truyện thì người tình vừa bỏ đi, đời sống thì đầy những cơn đau về thể xác lẫn lộn về những ảo tưởng của tâm trí nêncuộc sống ấy như phủ đấy những bóng tối. Trang , người đàn bà làm chung sở cũng chẳng may mắn hơn , cũng chuyện tình cảm gãy đổ, sống với bà mẹ và hai đứa con và trong lòng luôn khao khát một cuộc tình , để lấp cho đầy khoảng trống. Chàng trai thì lại nhìn Trang để nghĩ tới người tình đã bỏ đi , ân ái với Trang để tưởng tới những thỏa mãn nhục dục từ Ph., người tình lang chạ.
Tình yêu trong phần đông tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn phần đông đều có những gãy đổ và thường là những nửa vời trong cuộc sống họ. Có y chỉ là ý nghĩ, rất mong manh và thoảng qua. Nó phác họa một thế giới khác, một không gian thời gian khác mà rất ít chất cụ thể. Nó gần như của một con người khác luc 1nào cũng tự đi kiến mình và đời sống mình dù con người ấy, ngày tháng ấy, khung cảnh ấy vẫn sờ sờ trướcc mặt. Họ vong thân trong chính cuộc sống của họ. Trong Không Một Ai, nhân vật nào cũng đều có một thế giới riêng . Ngay cả Kế, một người lớn tuổi cũng làm việc chung với nhân vật xưng tôi và Trang cũng là một nhân vật lạ lùng. Khi nghe người con là trung úy Quân y bị chết ở chiến trường, cũng là lúc vừa được lên chức, Kế như người bị phân đôi và chẳng biết làm gì nên rủ người bạn trẻ đi hút. Chiến tranh, hiện hữu với vết thương của nhân vật xưng tôi, hay cái chết của con trai Kế, chỉ là một nhắc nhở về cơn dông bão mà thôi.
Rồi những phức tạp, những xếp đặt của định mệng để Trang ngủ với Kế, rồi tính phá thai rồi nhân vật tôi lại muốn cứu vớt, rồi Ph. Người tình trở về , rồi trang chết. Tất cả những diễn tiến ấy là đoạn kết của Không Một Ai. Một câu truyện rất hiện sinh , của những người hiện hữu trong cái phút giây hững hờ của cuộc sống. Mà, tiểu thuyết ấy cũng chính là một hành trình của những cuộc viễn du vào thế giới nội tâm, mà những con đường hình như đầy ngõ rẽ và nhiều bóng tối, của chính cuộc sống và những cảm nghĩ về cuộc sống.
Trong văn chương, Nguyễn Đình Toàn đã có định kiến về cõi sống, một định kiến mà chiều sâu của sự u ám bi quan đã làm khuất lấp đi bề mặt của cuộc sống hiện hưũ. Ông muốn đi sâu vào ý thức, để từ đó soi rọi thêm những nhận định, nhìn rõ thêm chân dung con người và đôi khi cả mặt sau của chân dung ấy. Ông viết như một cách thế để “kể về “hoặc “nói về” mà không phải là “viết về”. Và cách nói hay kể cũng đềutrầm lắng , mà cảm quan thì được dấu đi những phẫn nộ hay phản kháng, thành ra tiểu thuyết của ông có nét riêng của một sự chấp nhận. Chấp nhận cã những hữu lý và vô lý của cuộc đời. Những nhân vật ấy, tuy đầy dẫy trong thế giới chúng ta nhưng lại được nhìn và tả khác đi thnah những nhân vật của riêng Nguyễn Đình Toàn với tất cả cá tính của một cuộc sống bề trên thì có vẻ tĩnh lặng nhưng bề sâu là đầy những cuộc sóng lớn. Và, dù ở trong một đất nước hciến tranh, cuộc chiến vẫn là những bề sau khuất lấp, tuy nhiều ảnh hưởng nhưng lại có mặt như một nỗi tình cờ…
Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, thấy thấp thoáng những khuôn trời thơ mộng. Và với Aùo Mơ Phai, xuất bản năm 1973 đã đoạt giải thưởng văn học toàn quốc.
Sống ở hải ngoại, ông viết mục phác họa chân dung tác giả cho các báo và sau đó ông chọn lại và in Bông Hồng Tạ Ơn.
Suốt một hành trình văn chương dài hơn nửa thế kỷ, tác giả “ Bông Hồng Tạ Ơn” đã có thật nhiều dịp tiếp xúc, làm việc, hoặc thân tình với nhiều nghệ sĩ trong nhiều bộ môn nghệ thuật. Thành ra những cảm nhận của ông về người, về thơ, về văn, về nhạc .. đều có nét chính xác cũng như sâu sắc và khiến người đọc hình tượng được những cá tính của những khuôn dáng nghệ sĩ ấy. Với 190 tác giả Việt Nam được phác họa trong bộ sách 2 tâp, độc giả có thể mường tượng được một thời kỳ văn học nghệ thuật có nhiều khai phá, Với cách viết ngắn gọn nhưng cô đọng và khá đầy đủ, từng tác giả và từng tác phẩm được biểu hiện trung thực. Đây có lẽ là một công trình làm phong phú hơn sinh hoạt văn học ở hải ngoại và là những tài liệu cho những người còn yêu ngôn ngữ Việt và văn chương Việt. Có nhiều tác giả khá lạ với người đọc cũng như có nhiều bài nhạc bài thơ tưởng đã quên lãng thì với cái trí nhớ gần như xuất thần , tác giả ghi chép lại khá chính xác và đó chính là điểm rất đặc biệt của tác phẩm “ Bông hồng Tạ Ơn”…
Hình như, những chân dung nghệ sĩ được đề cập đến được chọn lựa tùy cảm hứng và không có một tiêu chuẩn nào. Và tác giả cũng không muốn làm công việc chọn lọc những vóc dáng nghệ sĩ tiêu biểu trong tập sách này. Ông yêu thích và nhớ được tác giả và tác phẩm rồi viết ra với cảm tình của mình.
Nguyễn Đình Toàn cũng là một nhà thơ nổi tiếng. Những tập kịch thơ như Phạm Thái Trương Quỳnh Như hay tập thơ Hồi Sinh, hoặc tập thơ đầu Mật Đắng tạo cho ông có một vóc dáng hti sĩ mà về sau này ông đã mang ngôn ngữ của thi ca hòa hợp cùng với cung bậc của âm nhạc thành những ca khác có sức lôi cuốn thính giả.
Ở trong những tập sách bìa dầy chép thơ của các cô cậu học trò thường có nhiều bài thơ được chép với sự nâng niu trìu mến. Khi tuổi đã lớn, đọc lại những bài thơ ấy, như có một chút vọng động nào ngân nga. Có thể là bước đi về của thuở hoa niên ngày cũ..
Thơ Nguyễn Đình Toàn, nhẹ nhàng như bài thơ Khi Em Về:
Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng rủ ong bướm về sân
Anh nằm đây buổi trưa và tiếng nắng
Mặt đất mềm bước chân em chợt nhẹ
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vầng hoa trắng
Và dầy thêm lá rụng lớp phên che
Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều qua 1lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo..”
Có khi là thơ buồn, thơ của những lời ru từ xa xưa vọng lại, từ hiện tai thổi về, Thơ của lời ru cuối cùng cho một cuộc tình xa cách:
Ru em lần cuối cùng này
Bằng hơi mát của một ngày sắp xa
Bằng giờ phút sắp chia xa
Rồi thôi rồi chẳng bao giờ nữa đâu
Giòng kinh năm ngón son cầu
Với môi mặn với hồn trao nghẹn lời
Với sầu xưa ngút trên vai
Tóc xanh non với khuy cài áo thơm
Hàm răng mát tuổi má tròn
Đường thêu chỉ đã hao mòn đây em
Gió trời xin ngủ bình yên
Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi
Mây cao với mắt trông vời
Soi gương trán bỏng quên người tôi đi”
Có khi thơ lại là những bước đi về. THƠ Nguyễn Đình Toàn đấy nhữngchỗ đi và nơi về, nơi chốn mà không gian thời gian ngưng đọng từ nỗi buồn chia xa của sẵn thiên cổ riêng dành:
Khi em trở về
trời mùa đông đen
căn nhà không người
và mùi ẩm mốc
Khi em trở về
Tay đầy nước mắt
Trên thành cửa bụi
Tuổi thơ đi qua
Khi em trở về
Mộ người yêu đó
Hoa trên phiến đá
Cỏ buồn ngón chân
Và cơn gió rét
Que diêm bật lên
Que diêm bật lên
Những mơ ước cũ
Sáng lên một lần
Những hình ảnh cũ
Tắt đi một lần
Khi em trở về
Bàn tay khói hương
Buồn xưa sắp hết
Nói gì đi em!”
Viết về văn sĩ và thi sĩ Nguyễn Đình Toàn như vậy vẫn chưa đủ.tôi muốn viết nhiều hơn về nghà nghệ sĩ của tình yêu tuổi trẻ một thời. Nhưng xin hẹn một bài khác. Để tiếp tục, tôi viết về phần tới sẽ đăng tiếp ở kỳ tới. Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và chương trình Nhạc Chủ Đề lẫy lừng ngày xưa, một chương trình của những người trẻ thời ấy. Bây giờ, đã thành những người muôn năm cũ hướng vọng về một thuở nào sống mãi trong ký ức của đời người…
Tuesday, October 30, 2012
TRẦN HOÀI THƯ * MÙA CỎ MAY
Bông cỏ đã dính đầy quần trận khi chàng bước đi giữa lối ngập đầy cỏ dại. Buổi chiều như một cơn mộng thật êm. Không có một tiếng động, dù là tiếng gió ru hay tiếng chim ríu rít. Chàng đang nghe niềm rung động dịu dàng len nhẹ vào tâm hồn chàng. Hàng muồng với những chùm hoa muồng màu vàng đã trở nên sậm hơn dưới màu nắng quái. Những cây bông sứ với mùa hoa đã qua, để còn lại trên cành lơ thơ vài chiếc bông trắng lẻ loi. Những thân cây cổ thụ mà chàng không biết tên vươn lên trên cao, in trên một nền trời bàng bạc mây xám. Trước mặt chàng, bãi cỏ phủ một mầu tim tím của bông cỏ may. Bông cỏ may. Tự nhiên chàng nhớ đến cô. Chàng cúi đầu xuống gỡ những chiếc bông bé xíu bám dính trên vải. Chàng lại ngỡ như bắt gặp lại những kỷ niệm ngọc ngà cũ.
Vâng, cũng nơi này, một lần nào đó
..Buổi sáng đã đầy nắng. Các học sinh đã lũ lượt vào nhà thờ. Chàng thấy cô vẫn đứng ở ngoài sân. Hình như cô đang lưỡng lự. Chợt cô chạy xuống bậc tam cấp thoát ra khỏi khuôn viên nhà thờ. Lập tức chàng cũng hăm hở đuổi theo. Hành động bí mật của cô làm chàng thú vị. Chàng đuổi đến đầu rạp chiếu bóng thì gặp cô. Cô đang ngước đôi mắt say mê nhìn tấm quảng cáo sặc sỡ in hình Khương Đại Vệ đá một cú song phi và Lý Thanh mù hai con mắt. Chàng đứng bên cạnh, thốt lên vẩn vơ:
“Ghê thiệt. Trốn lễ, trốn nhà thờ, trốn soeur, tội ghê gớm lắm”.
Cô quay lại, mắt mở lớn, ngạc nhiên:
“Ê, cái ông này”
Giọng cô lơ lớ. Bây giờ chàng mới nhận ra cô không phải là người Kinh mà là người thiểu số. Ở cô, có lẽ là sự pha trộn của hai dòng máu, đúng hơn. Thật vậy, ở chiếc mũi dọc dừa hơi cao, ở dáng dấp Tây phương trên cử chỉ, cách ăn mặc… Chàng lại hỏi:
“Có phải cô bé trốn lễ để đi chơi phố không?”
“Việc gì đến ông mà ông hỏi?”
“Để tôi về mách soeur”.
Đôi mắt của cô lại một lần nữa nhìn chăm như dò xét chàng. Đôi mắt ấy toả ra cái gì vừa ranh nghịch vừa man dại. Chàng lại hỏi vu vơ:
“Cô bé thích Vương Vũ hay Khương Đại Vệ?”
“Khương Đại Vệ!”
Cô trả lời dửng dưng rồi tiếp tục nhìn Khương Đại Vệ đang múa kiếm phi thân.
“Vương Vũ đánh ác lắm chứ?”
“Nhưng không đẹp trai bằng Khương Đại Vệ”.
“Còn Lý Thanh?”
“Không. Trương Cương Thanh mới là tài tử đóng ác”.
“Cô bé là một cây si xi nê có cỡ đấy nhé”.
Cô lại bĩu môi. Đôi môi cô lúc nào cũng ươn ướt.
“Tôi si thì kệ tôi, mắc mớ chi ông ?”
“Chữ ông già lắm. Tôi mới hai mươi mấy tuổi”.
“Hứ. Trông ông già như sáu mươi”.
Bây giờ cô mới thật tình cười. Đôi mắt cô long lanh rực rỡ. Nắng làm tươi thắm những mái ngói đỏ và những bờ vách, con đường. Chàng đề nghị:
“Cô bé coi xi nê không? Tôi đãi"
“Ông mời tôi?”
“Thôi đừng gọi là ông nữa. Tôi cảm thấy mình già lắm”.
“Thôi. Chú hén. Chú mời cháu?”
“Vâng. Chú mời cháu”.
Nhưng cô lại la lên khe khẽ:
“Mấy soeur đi chợ kia. Bọn mình vào ngay đi"
Cô cầm lấy tay chàng kéo vào giữa đám đông. Trông cô như một con sóc, con chồn tinh quái.
Bắt đầu từ đấy chàng có dịp gặp cô bé Ê Đê nhiều hơn. Nhà chàng trọ một mình, nên mỗi lần trốn ra khỏi nội trú, cô lại tìm nhà chàng. Hoặc xin tiền coi chiếu bóng. Hoặc ở lại nấu cơm nấu nước giùm chàng. Đôi khi cô còn bắt chàng dạy giùm mấy câu tiếng Pháp. Chàng viết lên giấy: H’Pery, je t’aime. Khi đọc xong cô lắc đầu nguây nguẩy:
Non, non. Parce que vous êtes mon oncle”. Trời ơi. Hélas ! Chàng kêu lên. Cô bé này quá ranh. Chàng không thể qua mặt cô được đâu.
Sự có mặt của người con gái thiểu số đã làm căn phòng trọ của chàng trở nên sinh khí. Cô đến cùng với những nhánh hoa để cắm vào trong bình thủy tinh. Khi thì hoa hồng, khi thì cúc vàng, khi thì lay-ơn hay thược dược. Cô đã hái trộm trong vườn hoa của trường. Cô khoe:
“Chú ơi. Hú hồn. Sáng nay ma soeur bắt gặp cháu trong vườn hoa. Ma soeur kêu lại, thấy áo cháu bám đầy phấn hoa”.
Cô nói với một trái tim thơ ngây và trong sáng. Như máu huyết chảy trong người cô.
Nhưng chàng tha thiết được nhìn cô trong một con người khác, trong chiếc yien đen tuyền, và trong chiếc áo cánh trắng, cùng với những vòng bạc hay đồng sáng long lanh. Chàng nói:
“H’Pery ơi, chú muốn cháu một lần đến đây với cái yien của dân tộc cháu”.
“Tại sao vậy, chú ?”
“Chú muốn thấy một cô gái Ê Đê xinh đẹp".
“Bộ chú muốn lắm sao?”
“Vâng. Chú muốn lắm”.
Cô đã chiều niềm mong uớc của chàng. Một đêm trăng cô xuất hiện với chiếc yien đen, chiếc áo cánh trắng, chiếc thắt lưng xanh, và những vòng đồng mang đầy trên đôi cánh tay. Chàng cầm tay cô cùng chạy ra bãi cỏ may. Cô tinh nghịch như một con sóc nhỏ chạy nhảy tung tăng. Cỏ may đã nở bông, một màu cà phê sữa, loang loáng dưới ánh trăng. Trên cao hằng hà tinh tú đan kết nhau như trên một tấm áo đầy ngập kim cương.
Bỗng nhiên cô cất tiếng hát:
Mlam mlam mngac hlăm adie Mtu ti năn mơh guhbi blir. Ciăng duah kă bit kkiêng lăn kâo yơr kngan knuă kâo yanh hruê ble. Anăn yơh jin ngo.
(Ban đêm trăng sáng quắc ở trên trời. Tinh tú nhấp nháy ở đấy nữa. Muốn tìm bốn phương tôi giang tay phải về phía Mặt trời mọc. Đó là phương Đông).
Dưới ánh trăng, người con gái như một chiếc bóng mờ ảo. Cô không còn là một cô gái của thị thành nữa. Cô đã trở lại con người thật của cô. Máu huyết sơn dã đã chảy trở lại. Cô đi đôi chân trần trên bãi cỏ may. Ánh trăng soi sáng gương mặt cô, làm lung linh đôi mắt, mái tóc và những vòng kim khí. Tiếng hát lạ, nhưng chàng có cảm giác là lời ca đang cuống quít cùng trăng sao tinh tú, cùng rừng núi bạt ngàn, cùng thần linh, ma quỉ. Cô tiếp tục cất tiếng hát. Từ bài này qua bài khác. Có lẽ cô đang hát lại bài ca mà mẹ cô đã một thời cất lên bên bờ suối hay trên những rẫy nương giữa bao la núi rừng vây phủ.
Cuối cùng, cô không còn hát nữa. Cô đến ngồi bên chàng. Nhỏ bé làm sao. Và cũng thật hiền từ làm sao. Chàng cầm lấy hai bàn tay cô, nhìn chăm vào hai vì sao nhỏ, rồi nói H’Pery đã cho chú một đêm tuyệt vời. Cháu đã giúp chú càng yêu mến một bài hát mà chú hằng ưa thích. Để chú hát tặng cho cháu nhé. Rồi chàng bắt đầu ca: Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi mây mờ buông xuống núi đồi và trong lòng buồn hơn ngoài trời…Ai về sau dãy núi Kim Bôi nhắn dùm tim tôi chưa phai mờ hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trong, một chiếc đồng sáng long lanh với nụ cười nàng quá xinh.
Đến một lúc nào đó, cô dựa đầu vào vai chàng. Và chàng vẫn để yên. Chàng vẫn tiếp tục thêm một bài hát khác. Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh. Chàng nghĩ chàng đang ru cô ngủ.
Một lát sau, cô choàng dậy, đòi về. Cô sợ trường nội trú đóng cửa. Đến cột đèn sáng, cô thấy những bông cỏ may dính đầy trên quần. Cô la lên hốt hoảng:
“Chú ơi, chú gỡ dùm cháu. Cháu sợ ma soeur biết”
Chàng quỳ xuống, cố gắng gỡ ra từng ngọn bông li ti như những hạt thóc trên chiếc quần của cô. Chàng chậm rãi gỡ. Như thể mỗi chiếc bông cỏ may là mỗi hạnh phúc ngọc ngà mà chàng đã bắt gặp trên dòng đời lênh đênh của mình.
Monday, October 29, 2012
Trần Vấn Lệ * Bão Sơn Tinh 2012
Cuối tháng Mười buồn quá: bão Sơn Tinh lộng hành. Philippines, Việt Nam, Tàu Lục Địa tan tành.
Bão đi qua, càn quét cái thương và cái ghét, để lại cái hoang sơ… Bão không phải Giấc Mơ mà là Cơn Ác Mộng!
Bão làm đau người sống, người chết bão không tha!
Trên đường bão đi qua, Huế còng lưng chịu đựng.
Mạ Ba chắc lạnh cóng. Mưa trên trời, mưa sa…
Trời đất thì bao la. Lòng tôi rơi về Huế.
Con sông Hương, dòng lệ đang cuộn trong lòng tôi! Tôi và Huế xa xôi, em và tôi thăm thẳm.
Mạ Ba thì không ấm dẫu giữa lòng Quê Hương!
Nhớ tới Huế là Thương! Nhớ tới em là Nhớ!
Tại sao tôi cứ lỡ sống giữa thời ngửa nghiêng? Tôi chắc bây chừ em đang vòng tay ôm Huế.
Tôi xa xôi trời bể. Mình xa xôi hoài nhau… Hỡi Vỹ Dạ vườn cau, Ngoại ơi đừng rụng nữa.
Bão hãy đi cùng gió, bão hãy đi cùng mây! Bão Sơn Tinh hãy bay, bay về Everest!
Bão đang qua, càn quét. Bão đang qua, Trời ơi…
Tôi đang ở cuối trời, ngó về quê cuối biển.
Những con hải âu liệng, ở đây đời bình yên!
Trần Vấn Lệ
|
Minh Nguyễn * Mù Căng Chải, Sóng Sánh Mùa Vàng
giới thiệu sách * Người Đồng Hành Quanh Tôi, Tập IV
NXB Thanh Niên vừa giới thiệu bộ sách nghiên cứu phê bình TÁC GIẢ TÁC PHẨM NGƯỜI ĐỒNG HÀNH QUANH TÔI, tập IV của nhà thơ NGÔ NGUYÊN NGHIỄM.
Sách dày 1000 trang giới thiệu 32 văn nghệ sĩ trong và ngoài nước: LÂM ANH- PHẠM TƯỜNG BÁ - HỒNG BĂNG - NGUYỄN TĂNG BÌNH - LÂM HẢO DŨNG - PHẠM NHÃ DỰ - THẾ ĐỆ - NGUYỄN VĂN HẦU - DƯƠNG TRỮ LA - NGUYỄN TÔN NHAN - NGUYỄN NHI - TRỌNG NGHĨA - TRUNG NGUYÊN - JACQUESPOTIER - VŨ TRỌNG QUANG - NGUYỄN LANG QUÂN - NGUYỄN LÊ LA SƠN - TRẦN VĂN SƠN - HOÀNG ANH TÂM - SA VŨ - PHẠM YẾN ANH - PHẠM THƯỜNG GIA - NGUYỄN BÁ KHANH - HỒ VIỆT KHUÊ - UYÊN LINH - HỒ DUY NGỮ - JOSEPH HUỲNH VĂN - TÔ NHƯỢC CHÂU - LÊ QUANG ĐÔNG - LÊ THANH MY - TRẦN YÊN THẢO - KINH DƯƠNG VƯƠNG.
Tác phẩm được sự chung tay của các nghệ sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia, họa sĩ như: HỒ HỮU THỦ, CAO BÁ MINH, RỪNG, LÊ TRIỀU ĐIỂN, TRƯƠNG THANH VÂN, HÀ CẨM TÂM, LƯU NHỮ THỤY, TRẦN ĐẠI, CHÓE, NGUYỄN TRỌNG KHÔI, VŨ UYÊN GIANG, CÙ NGUYỄN, ƯU ĐÀM, PHÚ THẢO, THÁI VĂN SƠN, NGUYỄN TÍN TRUNG, NGUYỄN BẠCH DƯƠNG....
Bộ sách TÁC GIẢ TÁC PHẨM NGƯỜI ĐỒNG HÀNH QUANH TÔI đã ra mắt được 4 quyển dày trên 1000 trang với sự cật lực của tác giả và sự liên tay chân tình của anh em văn nghệ đồng hành. Gây được nhiều dư luận đồng tình trong giới văn nghệ.
Trân trọng giới thiệu với đọc giả yêu thích văn học nghệ thuật.
MINH NGUYỄN VÀ BẰNG HỮU
Sunday, October 28, 2012
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * TRỊNH BỬU HOÀI, NHẶT SUỐT ĐỜI CHƯA HẾT MÙI HƯƠNG
Tiểu sử văn học: TRỊNH BỬU HOÀI
Sinh ngày: 16/05/1952
Quê quán: xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang
Chỗ ở hiện nay: thành phố Long Xuyên, An Giang
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang
Phó ban Liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long ,Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ,Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ,Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Năm 1969, chủ biên tạp chí và cơ sở xuất bản Khai Phá.
Năm 1970, chủ trương tạp chí Khuynh Hướng.
Năm 1989 đến nay công tác tại Hội LHVHNT An Giang.
Từ năm 1966 đến nay có thơ, văn đăng trên các tạp chí:
Thời Đại, Sống Mới, Đối Thoại, Tân Dân, Tia Sáng, Tiếng Nói Dân Tộc, Văn Việt, Khai Phá, Văn, Văn Học, Phù Sa, Khuynh Hướng , Văn Nghệ, Thời Văn, Nghệ Thuật, Tiểu Thuyết Thứ bảy, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Tác Phẩm Mới, Nguồn Sáng, Kiến Thức Ngày Nay, Mỹ Thuật Thời Nay, Tài Hoa Trẻ, Văn Nghệ Trẻ, Bông Sen…
Tác phẩm đã xuất bản riêng: hơn 50 tác phẩm thơ và tiểu thuyết.
TRỊNH BỬU HOÀI, NHẶT SUỐT ĐỜI CHƯA H
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Sau tết Mậu Thân, những đột biến của đất nước tiếp diễn ngày càng khốc liệt, tôi đằng đẵng trú ngụ tại Sài Gòn xem ra cũng non 4 năm tiếp bước sách đèn. Khác với những năm đầu khép mình nuôi mộng thư sinh, chuyện thành đạt trên bước đường lều chõng, vốn là một hướng tối ưu của kẻ sĩ. Tôi có gắng thu mình hòa mình vào nét sống phồn hoa, dù dặn lòng không rơi chân vào cám dỗ phù du, nhưng cũng hoá thân phong vũ cho trọn vẹn từng giai đoạn sống nhân sinh. Cái say mê văn nghệ cũng giúp tôi trang trải hồn xanh, trong những ngày tháng xa quê quạnh quẽ. Mỗi lần, có dịp rong xe ngang đường Petrus Ký ( nay là đường Lê Hồng Phong, bến xe lục tỉnh nằm trải dài yên vị trên khoảng đường dài hai cây số, là mỗi lần tôi không kiềm chế được nỗi nhớ nhà, nhớ núi, nôn nao kỳ lạ trong tâm hồn. Về thôi, tôi không thể cưỡng lại nỗi thôi thúc không rời, bắt buộc phải quầy quã thường xuyên trở lại nơi chôn rau cắt rốn, gần như mỗi nguyệt kỳ là một lần xuyên suốt bay về, với 300 km đường chim. Để thăm lại ngôi nhà phủ ấm suốt quãng đời ấu thơ, để nhìn lại những giọt mồ hôi tần tảo của song thân, suốt ngày quần quật trên cuộc sống, và để rong ruổi cùng bạn bè tỉnh lẻ, lướt thướt đi dưới trận mưa bay, mà uống café lý sự. Có bao giờ định mệnh trao cho một người một ước hẹn trước, để xuyên suốt chọn lựa cuộc hành trình. Nhưng ở không gian nghệ thuật, hình như có một điều kỳ bí, ngẫm nghĩ gần giống là tiền định. Cuối đông năm 1968, trong trí nhớ tôi, đêm Noel với cái lạnh rét lạnh khác lạ hơn mọi năm, phủ chụp xuống mọi ngã đường phố núi Thất Sơn. Đêm thì đen, trời giá rét, tôi cũng từ Sài Gòn hòn ngọc viễn đông, lướt thướt như con chim trốn tuyết, lặng lẽ hay về thăm lại tổ xưa. Hành trang vội vứt góc nhà, tôi khoát áo blouson trắng tạt ngang nhà Lưu Nhữ Thuỵ, đường Phan Văn Vàng chỉ cách tư gia kế cạnh Bồ Đề Đạo Tràng, khoảng hơn 500m. Đèn đường thì ngọn lu ngọn tỏ, gió run rẩy chạy dài, người nôn nao gặp gỡ, chờ đón 1 cái vỗ vai của phút giây hội ngộ vui buồn. Lưu Như Thụy ngồi bên bàn giấy, đang trò chuyện với hai khách lạ, sự thân mật khiến tôi hiểu ngay là những người bạn thân tình, tri diện tri tâm. Thụy giới thiệu anh chàng cao lỏng khỏng, mắt sáng như sao băng, da bách ích là Đinh Phan Văn Phương, và là một thư sinh có vẻ ít nói, hiền hậu trắng trẻo là nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Tôi đoán chừng, một chàng suýt soát khoảng 20 tuổi và nhà thơ nhỏ nhắn chắc cũng vừa 16 tuổi học trò. Bâng quơ vài chuyện xã giao, tôi và Lưu Nhữ Thuỵ hẹn hò, sáng mai mời anh em có mặt, một chầu điểm tâm và café văn nghệ. Bước ra thư trang của Lưu Nhữ Thuỵ, tôi dự định chào đêm sương mù Giáng Sinh, bằng một chầu bác phố cô đơn, mà tôi thường thích thú trầm ngâm độc lộ độc hành như sở thích. Chàng thư sinh nhà thơ cũng bước lẹ, sau lưng, ngỏ ý cùng tôi đàm đạo làm quen tại một trà quán ven sông. Sự đam mê văn nghệ của tuổi trẻ, có khác gì những giây phút cuồng điên thơ thẩn của ta đâu. Tôi nhìn Trịnh Bửu Hoài, bằng một sự cảm thông vô bờ bến, mà chiếc áo trắng tinh khôi của nhà thơ còn mang đậm phù hiệu của học trò, hồn hậu và chân thành. Bỗng nhiên, tôi khoác vội vai chàng trai, xem như một người em nhỏ đang đồng hành với từng bước tôi đi. Hơn 2 tiếng vắng lặng trước dòng nhạc Trịnh Công Sơn ru nhẹ qua giọng hát liêu trai của Khánh Ly, Trịnh Bửu Hoài bày tỏ muốn tham gia vào dự tính tập hợp bằng hữu văn nghệ ra mắt tờ tạp chí Khai Phá, dựng luồng sinh khí nghệ thuật mới sắp tới. Chuyện tờ tạp chí,có lẽ thổ lộ lúc đàm luận với Lưu Nhữ Thuỵ, nhưng với Trịnh Bửu Hoài áo trắngcòn nguyên khai, tôi chưa rõ sức vóc thơ văn của chàng ra sao, nên chỉ mỉm cười chưa bàn luận, Lúc nầy, dù tờ báo chưa chính thức ra mắt, nhưng thật ra bài vở, chủ đề suốt 3 số đầu tiên đã có sẵn trong hộc tủ, với thành phần anh em hùng hậu nổi tiếng hiện thời. Trước nhiệt tình tha thiết với lý tưởng nghệ thuật, tôi hiểu Trịnh Bửu Hoài rất thực tâm và cương quyết bước tới. Thành quả sẽ đột biến hay tiệm tiến theo thời gian, nhưng ý chí và hy sinh mới chính là yếu tố vươn cánh bay vào không gian cao rộng. Nghĩ vậy, tôi hẹn sẽ bàn luận với Trịnh Bửu Hoài dài hạn sau nầy, nhưng trước mắt có buổi điểm tâm giao kết tại thư trang Lưu Nhữ Thuỵ, tôi muốn được Hoài cho đọc một số thơ sáng tác. Chắc chỉ chờ có vậy, chàng trai trẻ thi ca mới chịu bước vội ra về, sau cái chào nhiệt tình thanh thản. Hỏi ra, chàng phải cắm cuối đạp xe về một đoạn đường dài từ Châu Đốc về Kinh Đào hằng bao nhiêu cây số, dưới khoảng trời nửa đêm Giáng Sinh đầy tinh tú, đâu đây vang vọng bài thánh ca chào đón thánh nhân ra đời.
Suốt một đoạn đường dài gần 300 cây số, lại đằng đẵng suốt đêm với anh em, nên buổi sáng tinh sương đầu tiên trên phố núi không cho tôi cái diễm phúc được nhìn bóng núi mờ ảo, như dự tính lúc quy cố hương. Gần 9 giờ sáng, tôi mới choàng dậy, hoảng hốt vì cái hẹn chợt nhớ lảng vãng trong đầu. Vội vã xin lỗi Lưu Nhữ Thụy và Trịnh Bửu Hoài đang ngồi chờ trước tệ xá, chúng tôi cùng rảo bước đi tìm một ngày mới. Giọt café đắng hoà quyện cùng cùng khói hương thuốc Bastos của Lưu Nhữ Thuỵ, khiến tôi và Trịnh Bửu Hoài xoay mắt vào nhau. Hoài vội chuyền tay cho tôi, vài bài thơ chép tay trên những trang giấy Pelure mới tinh khôi, với một sự cẩn trọng tế nhị. Chữ viết của Trịnh Bửu Hoài khá đẹp và lãng mạn, khiến tôi cảm tình ngay với một ý thức tin tưởng tuyệt diệu. Xấp thơ, phần đông là những bài tự do, chỉ duy lẻ loi một bài lục bát. Càng đọc, thơ của chàng trai 16 tuổi, khiến tôi càng ngạc nhiên và thích thú kỳ lạ. Thơ thật hay, và Trịnh Bửu Hoài tỏ ra nhiều sáng tạo, thừa công lực kêu mây gọi gió, nắm bắt kỹ thuật như một nghệ sĩ xiếc, tinh tế từng chi tiết trên chiếc đu bay ngôn ngữ. Lúc đó, cũng như bao anh em làm thơ khác, hiện trạng đất nước còn quá nhiều loạn lạc chiến tranh, nên thơ Trịnh Bửu Hoài cũng bay nhảy tất nhiên, trên ý thức xót xa quê hương và chủng tộc. Trịnh Bửu Hoài bày tỏ thích thú với thể loại thơ tự do như một cuộc phiêu lưu thi vị của tuổi trẻ. Thời đó thơ Tự do như một biểu hiệu thơ vua với những thi nhân muốn làm mới thơ, muốn sáng hoá một loại văn hoá văn nghệ thời thượng. Trịnh Bửu Hoài sử dụng nhiều bút danh trong quá trình sáng tác thơ từ năm 12 tuổi, nhưng đến ngày nầy, chàng bày tỏ bút hiệu Trịnh Bửu Hoài là một thực danh duy nhất, định hình một hồn thơ trong suốt 40 năm nghiệp dĩ. Lòng tin của tôi, đã được khẳng định vững chắc, trước một tài hoa đang dần dần hiện rõ, như hoa phải nở và trăng phải soi.
Tờ tạp chí Khai Phá được xấp xếp hoàn thành, sau nhiều lần bàn luận và định hình một ban chủ biên, trong đó có Trịnh Bửu Hoài tài không đợi tuổi, và là một chàng trai trẻ nhất trong đám kỵ binh. Sự say mê văn nghệ, khiến chàng sáng tác hăng say, góp mặt thấu hết trên các tạp chí trang tân hay các tạp chí tỉnh lẻ. Tuổi tác không là trở ngại, nên ngọn bút Trịnh Bửu Hoài loang loáng ẩn hiện trên khắp nẻo đường vừa bước vội qua. Sau khi rời Trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, Hoài theo học ở một trường đạo Hoà Bình một thời gian ngắn lại vội vả xuyên lướt về trường Phụng Sự, Long Xuyên như là nhà thơ muốn bước qua các tư tưởng, như một tò mò phiêu du lý thú. Những lúc có dịp, tôi ghé thăm Trịnh Bửu Hoài lúc ở trọ Long Xuyên, với nhà thơ Đoàn Công Án, Đoàn Công Án như một trí thức nông dân, hay có xu hướng thích thú thiền học với hướng đi là áo lam đạm bạc, bất chấp thế sự. Sự nhẹ nhàng, cư xử bao nhiêu chân tình văn nghệ, khiến Trịnh Bửu Hoài quy tông sâu lắng hơn trong thi ca. Thơ Hoài, có những chuyển hướng ngoạn mục, nhất là ở môi trường mới giúp Trịnh Bửu Hoài giao tiếp sâu rộng với nhiều bằng hữu nổi tiếng chung quanh. Đó là giai đoạn đỉnh cao cho một dòng thơ định hình, là lúc Trịnh Bửu Hoài thấy rõ phải đi đến quyết định đình bản tờ tạp chí Khuynh Hướng, đã gây cho nhà thơ mất quá nhiều công sức và thời gian lo toan cho tờ báo. Nói rõ hơn, sự say mê điên cuồng, khiến có lúc người ta ôm đồm thế sự, không cân nhắc được hiệu quả và sự việc. Tờ Khuynh Hướng do Trịnh Bửu Hoài chủ trương ra được hai số, thì phải chọn lựa một trong hai, làm báo hay chỉ sáng tác. Rảnh tay, nhà thơ hoàn thành được nhiều tác phẩm, có tầm vóc khá đồ sộ. Trong đó, những năm trước 1975, Trịnh Bửu Hoài giao cho NXB Khai Phá in hai tập thơ thật bề thế : Thơ tình Trịnh Bửu Hoài và Người hành hương tình yêu. Giai đoạn thật thi vị, khi đó hai tập thơ khá nổi tiếng, khiến các đồ lưu niệm khắc trên gỗ, đều trích dẫn vài câu thơ tình của Trịnh Bửu Hoài, từ miền Tây sông nước, đến tận xứ sở sương mù Đà Lạt bày bán nhan nhản, làm tôi ngạc nhiên một cách kỳ thú. Chính nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên khi về Sài Gòn thăm tôi, cũng đưa tôi xem một bản gỗ hình Ovale kích thước khoảng 30cm x 10cm có khắc hai câu thơ : Trời sinh ra để nhớ để thương – Em không nhớ là đời em phạm lỗi. Thật kỳ diệu cho sức hút của Thơ, nhất là thơ tình lãng mạn với những tài hoa tuyệt tác của thi nhân.
Thơ Trịnh Bửu Hoài đi vào lòng người một cách say sưa, dấu ấn có lẽ hằn sâu trong tâm khảm người yêu thơ, có một thời để nhớ để thương, nên thơ Trịnh Bửu Hoài đáp ứng cho những cánh chim bay mỏi mê, muốn tìm về sự an bình trong đôi cánh tình yêu tổ ấm. Vẫn làm thơ như ngày nào, Trịnh Bửu Hoài bộc bạch chỉ thích là nhà thơ hơn, dù khi anh chuyển hướng tạo một sự ào ạt xuất bản hằng mấy chục tác phẩm truyện dài, ăn khách kỳ lạ. Vẫn là tình yêu, nhưng Trịnh Bửu Hoài bày tỏ bằng ngôn ngữ văn, khiến thị trường văn chương một phen xông xáo chào đón từng tập truyện của anh như một trận mưa rào thấm đất. Anh trả lời sự thành công nầy, có lẽ do sự trăn trở lớn nhất trong lĩnh vực tình cảm của tuổi trẻ hiện nay, là sự cao thượng, lòng chung thuỷ, nên có sự đồng cảm với những nhân vật gần gũi với khát vọng của mình. Dù chuyện tình ấy cũng mang ít nhiều tính bi đát cổ điển, nhưng có tính tích cực để các nhân vật tìm ra lối thoát, là bản lãnh, là cái đẹp, cái thiện, là vị tha để chiến thắng sự yếu hèn, cái xấu, cái ác, ích kỷ, dù có khi họ cũng bị nhấn chìm giữa bi kịch và định mệnh.
Khi được hỏi, thi ca đóng vai trò gì trong sự nghiệp sáng tác cũng như trong đời sống, Trịnh Bửu Hoài thẳng thắn bày tỏ, làm thơ bằng cảm xúc, nên trước hết thơ là của riêng anh và của những ai có sự gặp gỡ với nỗi niềm nhà thơ. Mỗi người làm thơ đều cô độc riêng mình, không thể làm thơ bằng trái tim tập thể để cầu mong có một số lượng đọc giả là mọi người. Thơ đã ở cạnh anh bao nhiêu ngày tháng cuộc đời, giúp hạnh phúc hơn hạnh phúc mình đạt được, nên cuối đời mình vẫn ước mong là người làm thơ. Quả thật vậy, đằng đẵng một thời gian ở thập niên cuối của thế kỷ trước , Trịnh Bửu Hoài ào ạt ra mắt khá nhiều tiểu thuyết, và được chào đón như một hiện tượng khiến có người bức xúc, hỏi anh thơ bạc bẽo hay anh bạc bẽo, mà thời gian gần đây anh xoay qua in tiểu thuyết ?. Người hỏi dù khắc nghiệt, nhưng đó cũng là một tấm lòng ray rứt, một sự tin yêu dành cho nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, mà chính bản thân tôi có lúc cũng thầm tiếc hối, nếu Hoài lạc lối mê cung khi rẽ qua hướng đi của một trận đồ phiêu lưu khác. Không ai bạc bẽo ai cả, Trịnh Bửu Hoài khẳng định một tính cách nghiêm túc, vì đến hôm nay anh vẫn làm thơ, vì không phải không có thể, nhưng không có chỗ nào chịu xuất bản. Thơ gắn bó với anh từ ngày cầm bút, và có lẽ đến cuối đời, thơ vẫn là người bạn đồng hành với anh.
Mới đây, cuối năm 2006, NXB Đồng Nai, in tập thơ Trịnh Bửu Hoài dày gần 200 trang, là tập tuyển thơ suốt quá trình một đời sáng tác, dù với gia sản mấy nghìn bài thơ chỉ lựa chọn chưa tới 100 bài, nhưng cũng minh chứng điều mơ ước là thi nhân của anh là chân thật và cảm động. Trịnh Bửu Hoài đã mang trọn hành trang thơ như một người giữ vườn nhặt suốt đời chưa hết mùi hương.
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Bạn tôi
nhớ Lộc Vũ
Bạn dừng chân phiêu bạt
Về bên bến quê buồn
Quanh năm nghề hạ bạc
Neo đời một khúc sông
Bạn mang hồn phương đông
Quay lưng ra phố chợ
Áo cơm không là nợ
Hồn phơi phới ngàn lau
Ai vào cuộc bể dâu
Bạn đùa trăng dọc nước
Ai bon chen xuôi ngược
Bạn lênh đênh mái chèo
Quanh quẩn bến quê nghèo
Gió mưa mòn chí lớn
Xem đời như giấc mộng
Bạn thả hồn trong veo.
Đêm Kiên Giang
Đêm Kiên Giang gió biển thành men rượu
Thổi qua hồn trong suốt trăng sao
Hương con gái bên thềm hoa cũ
Chợt bay về thơm ngát chiêm bao
Đêm Kiên Giang người quên hay nhớ
Vạt áo gần bỗng hoá tình xa
Ta gói cả trăm năm vào một thuở
Khi chia tay biển gác bóng trăng tà
Đêm Kiên Giang mặt trời trong mắt
Chợt sáng đời nhau phút ngậm ngùi
Ta vấp ngã trên quầng mi khao khát
Rơi xuống bờ ảo vọng của đêm vui
Đêm Kiên Giang nồng thắm chưa nguôi
Mà mưa gió oằn đau hồn ngọn cỏ
Hai trái tim có chia dòng máu đỏ
Khi một người ở lại một người đi
Đêm Kiên Giang chẳng nói câu gì
Gió khuya tạc nỗi buồn lên trán ngọc
Sương rơi rơi lạnh dần vào mái tóc
Người bên trời áo lộng một màu trăng
Đêm Kiên Giang, xa Kiên Giang
Xa cả bàn tay ấm lạnh
Ta ra đi chuyến xe đời hiu quạnh
Ở cuối trời có ánh mắt buồn trông?.
Đêm ngủ dưới chân Ngự Bình
Tặng anh chị Ngàn Thương
Nhà bạn chìm trong xóm nhỏ
Chiều phai mái bạc gió lùa
Rào thưa biết đâu là ngõ
Vách vàng ố vết rong mưa
Nền gạch làm nơi tiếp khách
Quanh năm bóng một khoảng tròn
Giường vạc đầu kề gối sách
Chúc bạn xa về ngủ ngon
Nhưng ta làm sao ngủ được
Huế thơ mà bạn ta nghèo
Quá đêm còn nằm thao thức
Ngậm ngùi một mảnh trăng treo
Ngoài kia sương bay như mộng
Nghe hương Huế ấm lòng mình
Trải hồn trong gian nhà trống
Bạn ta tiếp khách bằng tình
Bạn ta hồn nhiên say ngũ
Đâu hay dằng dặc đêm dài
Ta thấy sông Hương núi Ngự
Mênh mông nhà bạn đêm nay.
Đưa bạn về Bắc Đuông
Nhớ Phạm Hữu Quang
Bạn trở về. Về với Bắc Đuông
Nơi dòng sông chảy qua lời ru của mẹ
Nơi câu thơ xanh màu lá trẻ
Ngọn đèn dầu soi sáng những trang văn
Quyển vở vàng thơm mùi rạ đồng bằng
Tiếng dế gáy theo vào giấc ngủ
Cha mất sớm mẹ lìa quê lam lũ
Chị theo chồng thui thủi bóng ven sông
Về Long Xuyên xa tiếng ếch đồng
Bạn đi giữa phố người lầm lũi
Thân bé nhỏ chí cao như núi
Qua sông sâu hồn khẳm chuyến phà
Bàng bạc xứ người một ánh trăng xa
Chiều sông Hậu làm thơ ngẫu hứng
Ngước mặt về tây Thất Sơn sừng sững
Áo giang hồ cuồn cuộn gió phương đông
Bạn đã về. Về với mênh mông
Bỏ lại sau lưng cõi đời bẩn chật
Bỏ lại nhân gian những điều được mất
Suốt một đời lẩn quẩn thực hư
Cuộc chơi rồi cũng hóa phù du
Đi trăm nơi vẫn quay về chốn cũ
Cánh chim xa rừng thương nhớ tổ
Cội cành xưa còn đó dấu chào đời
Xa Long Xuyên. Bạn đã xa rồi
Còn đâu những chiều say ngất ngưỡng
Quán bên đường ngửi mùi khô nướng
Uống cạn bình chưa rõ mặt cơn say
Có những đêm nhân thế thật dài
Vườn ký ức hồn lang thang cô độc
Bạn nuốt khói nghe bạc từng chân tóc
Nặng hai vai gánh nợ tang bồng
Bạn đã về. Mãi mãi Bắc Đuông
Dòng sông xưa hát lời ru của mẹ
Những câu thơ bây giờ lặng lẽ
Kết thành sao soi một kiếp người
Dừng bước giang hồ. Bạn đã thảnh thơi.
Chuyện áo cơm cũng thành sương khói
Cồn Nguyễn Du gió mùa vẫn thổi
Không còn ai bên máy chữ gọi thơ về.
Uống rượu bên hồ Trúc Giang
Tặng Tô Nhược Châu
Không có hoa đăng đêm hội ngộ
Chỉ một vầng trăng ngất ngưởng trên đầu
Không gái đẹp bia vàng máy lạnh
Rượu đế nồng sủi bọt suốt đêm thâu
Không tiếng nhạc mùi thơm hương phấn
Chút gió ngàn vi vút mặt hồ sâu
Ta vẫn uống bình say nghiêng ngả
Trúc giang chẳng có sóng bạc đầu
Bạn mừng ta tay run rót rượu
Ta mở lòng hớp ngụm tình xưa
Bão thời gian chẳng mòn ký ức
Há chi trời đất có sang mùa
Ta cứ rót bóng mình trong đáy cốc
Trần gian là một cuộc vui đùa
Khói thuốc bay tưởng mây trời đáp xuống
Nhướng mắt nhìn thế cuộc có say chưa
Tiếng chạm cốc rớt vào đêm tĩnh mịch
Mà ấm hồn nhau khúc ngân dài
Bạn gánh nghiệp đời như gánh mộng
Thế mà sương khói nặng đôi vai
Ta lên núi để rồi xuống núi
Đạo sư buồn trắng cả hai tay
Chí lớn phù hoa như bọt nước
Phú quí cơ hồ như mây bay
Hồ rộng mênh mông ta bé nhỏ
Hai thằng say hóa đá tri âm
Rượu chảy mặt hồ trăng rải bạc
Vẳng trong mắt bạn tiếng nguyệt cầm
Có phải nghìn thu vừa thức dậy
Một hồn hoa cúc của ngàn năm
Ta đứng bên hồ nghe gió thổi
Vai vẫn kề vai giữa thăng trầm.
Trịnh Bửu Hoài
Subscribe to:
Posts (Atom)