văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, February 21, 2013

Viên Linh * Bằng hữu cuối trời: nhà thơ Hoài Khanh

tranh Hà Cẩm Tâm

Cuối năm 2012, trang Văn Học này đã có hai bài “Bằng hữu cuối trời:” thi sĩ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt (Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012) và nhà thơ thiền giả Tuệ Sỹ (Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012).
 
Kỳ này người bạn thơ ở nửa vòng trái đất phía Ðông xa vời vợi kia hiện ra trong tâm trí người viết là nhà thơ Hoài Khanh, người bạn từ thuở cho tôi xem bản thảo “Dâng Rừng,” sau này năm 1957 trở thành thi phẩm đầu tay của anh.



Còn nhớ Dâng Rừng có cái tranh cắt giấy mầu tím của Phạm Hoán in trên bìa giấy trắng, và những bài thơ của thuở vào đời, mặc dù anh hơn tôi tới bốn năm tuổi. Không chỉ là nhà thơ, bảy tám năm sau Hoài Khanh là thư ký tòa soạn tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ của Sư Ông Nhất Hạnh. Lúc ấy, 1965, Văn Học Phật Giáo lên như diều, báo văn học mà in khổ lớn, ngang dọc 7 inch x 9 inch 1/2 (18cm x 25 cm), cỡ lớn nhất, bìa in nền màu trên giấy trắng (thay vì dùng giấy màu), dầy hơn một trăm trang (nói cách khác, dầy gấp đôi các tạp chí văn nghệ bình thường, vì cũng hơn một trăm trang nhưng khổ nhỏ - nhỏ bằng nửa - cỡ phổ thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ hay tạp chí Văn xuất bản năm trước, của Nguyễn Ðình Vượng). Ðã thế, tờ Giữ Thơm Quê Mẹ lại qui tụ những tác giả lớn viết thường xuyên, hầu như số nào cũng có bài, là Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Tam Ích, Phạm Duy, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Bùi Giáng, và tiếp theo là Dương Nghiễm Mậu, Trụ Vũ, Nguyễn Ðức Sơn, Thành Tôn, Phạm Công Thiện. Tới số 5 mới có bài của Viên Linh, Trần Tuấn Kiệt, Hữu Phương. Mặc dầu chủ nhiệm Nhất Hạnh có ảnh hưởng rõ rệt, song Hoài Khanh quen rộng, nên tờ báo gây tiếng vang đáng kể.

Xuất hiện rất sớm, trong vòng 10 năm Hoài Khanh Võ Văn Quế in bốn năm tập thơ, dịch sách thiền, chủ trương nhà xuất bản Ca Dao, song con người thơ của Cà Ty Phan Thiết không được đón nhận đúng mức. Ðiều ghi nhận đầu tiên là khuôn mặt anh buồn bã quá, không phải nét buồn của lãng mạn hoài tình, mà nét âm u khắc khổ của nhịn nhục. Nó hiện ra với vẻ chủ bại rõ rệt, chẳng thế mà khi 29 tuổi anh cho xuất bản thi phẩm thứ hai mang nhan đề Thân Phận.

Bài đầu tiên anh xác nhận chỗ đứng bị bỏ lại phía sau của mình, ngay ở nhan đề:

Sau Lưng Ngày Tháng
Rồi mai gió núi mưa trời
Tôi đi cho lạnh hồn tôi một mình
Ðời lê thê bước lênh thênh
Lối âm u mãi buồn tênh mắt nào
Lóng tay muôn thuở còn đau
Trái tim nguyên thỉ vẫn nhầu nhớ thương
(Hoài Khanh, Thân Phận, trang 11)

Cũng có lúc chàng lộ vẻ quả quyết, nhưng không quả quyết sống hay quả quyết làm một cái gì, mà chỉ quả quyết sẽ buồn:

Lạnh rồi tự buổi xanh non
Búp măng tơ ấy đã tròn gió sương
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông đó sẽ buồn với tôi
(Hoài Khanh, Dòng sông của tôi)

Người bạn thân nhất của Hoài Khanh là Phạm Công Thiện cũng tỏ ra bất mãn vì cái vẻ buồn bã cố hữu của bạn. Xa nhau rất lâu, một ngày tác giả Thân Phận từ Biên Hòa lên Ðà Lạt thăm bạn, gặp nhau bất ngờ, Phạm Công Thiết kể lại: “Vừa bước về nhà, chợt thấy Khanh, tôi rưng rưng ôm anh mà hôn... Chúng tôi dẫn nhau lang thang trên những đường phố tối tăm nhất, lắng nghe tiếng chó sủa và lắng nghe tiếng lòng mình rạo rực đau khổ vì quá bơ vơ, vì quá lạc lõng giữa sa mạc loài người. [...]Mấy ngày anh ăn Tết với tôi ở Ðà Lạt, anh chỉ im lặng và ít nói. Chúng tôi thương nhau lắm. Thế mà chỉ nhìn nét mặt của anh và chỉ nghe sự im lặng của anh, tôi kinh hoàng đi. Tôi muốn đuổi anh đi ngay, tôi muốn đuổi một hình ảnh hãi hùng... Nhìn nét mặt Khanh, tôi thấy sự chết, tôi thấy bệnh hoạn, đau khổ, quằn quại, khắc khoải,...” (Phạm Công Thiện, Nỗi Cô Ðơn của Hoài Khanh & thay lời Tựa).

Không gặp nhau bốn chục năm, song từ xa xưa còn nhớ Hoài Khanh không phải là con người của thành phố. Anh quá thận trọng, hay quá rụt rè. Anh xa lạ với tất cả xung quanh, ít ra là người ta cảm thấy thế. Ðoạn văn sau đây của Phạm Công Thiện đã cho người đọc thấy một khía cạnh mông lung mờ nhạt của người bạn thi sĩ: 

“Thế rồi cách đây một tuần, lúc về Sài Gòn, tôi có ghé lại Biên Hòa để gặp Khanh. Khanh chỉ ở một mình, trong một căn nhà tồi tàn, tôi nhìn lên vách và gặp những bức tranh của Michel Ange, của Van Gogh và Picasso, những bức ảnh của Pasternak, Evtushenko, Salinger, Hemingway và Camus, rồi tôi nhìn Khanh. Bỗng nhiên tôi thấy tất cả sự vật ngừng lại, cả thế giới đứng lặng lờ và Hoài Khanh cũng đứng lặng lờ như một bức ảnh treo tường.” (bài trên)

Nhưng Trần Tuấn Kiệt mô tả Hoài Khanh xác thực hơn, cụ thể hơn: “Viết đến Hoài Khanh, tôi lại nghĩ đến một người muốn an phận, không chịu đựng nổi cái đời sống văn... nghệ quá hỗn tạp. Anh sống trong một nông trại, nuôi gia súc, ở Biên Hòa. Thỉnh thoảng về Sài Gòn thăm bè bạn. Gặp Hoài Khanh, nhìn gương mặt khắc khổ của anh, nghe anh khuyên nên về vườn lập nông trại. Tôi rất ước ao một cuộc đời bình dị như vậy.” (Trần Tuấn Kiệt, Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại, 1880-1965, Khai Trí, Sài Gòn, 1967)

Nhà thơ thiền giả Tuệ Sỹ phát hiện Hoài Khanh vừa đẹp, vừa vang vọng bi kịch của lịch sử:
“Tình cờ, những câu thơ lục bát của Hoài Khanh chợt khuấy động. Nó ngân vang từ phương trời đồng vọng của Nguyễn Du, ngay giữa dòng lịch sử cuồn cuộn sóng, hay bên lề cuộc lữ tồn sinh. Ấy là âm vang đồng vọng trên những bước chân:

Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một Quê-nhà-bao-dung?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng?
Trong cơn-trường-mộng-hãi-hùng-thời-gian.

(Hoài Khanh, Lục Bát & Tựa của Tuệ Sỹ, Phương Ðông xuất bản, Sài Gòn 2010)
VL, đêm 19 tháng 2, 2013.