Thành phố Hồ
Chí Minh quang vinh vẫn còn rất nhiều rác. Hồi thời
trước, Sàigòn đã có nhiều rác, nhưng so với bây
giờ thì…thua xa. Rác bây giờ chẳng những nhiều hơn
mà còn…rải rác hơn. Điều này chẳng có gì khó
hiểu hết. Bởi vì, trong chế độ ưu việt xã hội
chủ nghĩa, cái gì của ta cũng đều hơn của lũ chúng
nó cả: rác của chúng nó là rác tư bản, rác ngụy,
còn rác của ta là rác…nhân dân, do nhân dân, từ
nhân dân mà ra. Có chính nghĩa, hơn là lẽ tất nhiên!
Vậy,
ở một đống rác khá lớn nằm trên vỉa hè một con
đừơng khá rộng trong thành phố, có một ông già
ngồi ung dung như đang ngồi ở một nơi sạch sẽ! Ông
già đó tuổi cỡ ngoài tám mươi, có chòm râu bạc
giống râu bác Hồ. Ổng đội mũ tai bèo, mặc bộ đồ
bà ba đen, mang dép cao su đúc. Ổng ngồi trên một ghế
bằng nhựa nhỏ, thấp, loại ghế ngồi cho trẻ con.
Ổng cầm cây gậy trúc dài bươi bươi rác, mắt nhìn
châm chú chỗ đang bươi, mặc cho đàn ruồi bay lên
đáp xuống như giành rác với ổng! Lâu lâu, ổng nói
một mình: « Nó nằm lẩn đâu đây hè! Mẹ
bà nó!. »
Đường
này lúc nào cũng đông ken. Xe đạp, xe gắn máy, xe
hơi…hai luồng chen nhau chạy, giành mặt đường mà
chạy, lòn lách lấn ép, bóp kèn inh ỏi. Chạy đầy
đường như vậy mà chẳng ai nhìn thấy ở trên đỉnh
đống rác cao nhòng đó có một ông già…Cho đến
người đi bộ trên vỉa hè cũng chẳng thấy ai để ý
đến ổng hết! Hơn hai chục năm sống quen với quá
nhiều nghịch lý, con người ta không còn nhạy cảm
trước những sự bất bình thường. Bởi vì cứ nhìn
riết rồi quen con mắt, nên không thấy chướng, cứ
nghe riết rồi quen lỗ tai nên không thấy ồn, cứ hửi
riết rồi quen lỗ mũi nên không thấy hôi. Đó là một
quy luật. Tiếp theo đó là một quá trình đi xuống
dốc của con người, vừa nhanh vừa gọn, bởi vì nó
dễ ợt hà!
Ông
già lâu lâu ngừng bươi rác, móc túi lấy bọc ni-long
thuốc rồi chậm rãi vấn hút. Điếu thuốc của ổng
to bằng ngón tay cái, nên mỗi lần ổng nhả khói là
thấy mù mịt, làm như đống rác đang ngún cháy vậy!
Trong
khi ổng hút thuốc, ổng không bươi rác. Làm như hút
thuốc là qua giai đoạn ổng nghỉ xả hơi! Ổng xoay
người ra nhìn thiên hạ chạy loạn dưới đường
giống như ổng đang ngồi xem kịch. Một lúc sau ổng
nói một mình: « Thiệt…không giống ai hết!. »
Mà thiệt! Người ta chạy đi đâu mà lúc nào cũng
thấy chạy đầy đường. Người nào cũng hối hả.
Người nào cũng bóp kèn. Kẹt không kẹt gì cũng thấy
bóp kèn! Làm như nếu không bóp kèn thì xe sẽ…không
chạy vậy! Còn luật lệ giao thông thì hầu như không
có. Mạnh ai nấy chạy. Tay mặt tay trái gì cũng…như
nhau. Đàn ông đàn bà gì cũng chen lấn lòn ép…như
nhau. Chẳng ai nhường ai hết. Đàn ông con trai có
người ở trần bận quần xà-lỏn, có người lại
mặc quần áo gin, bên trong có sơ-mi và áo gi-lê giống
như đang ở xứ lạnh! Còn đàn bà con gái thì phần
đông ăn mặc không để…hở một chỗ nào hết. Áo
pô-lô ngắn tay, quần dài, găng tay cao tới…nách, đội
kết loại đấu thủ dã cầu, mang kiến đen, bịt mặt
bằng chéo vải thêu bông hoa hay có ren giống đàn bà
á-rập! Nếu có mặc áo dài thì cũng mang găng tay
ngắn, rồi đội kết, rồi kiến đen, rồi bịt mặt!
Thành ra không nhìn ra được ai là ai hết!
Hút tàn điếu thuốc,
ông già lại quay về đống rác, châm chỉ bươi. Một
lúc lại nói: « Mẹ bà nó! Tao bươi riết rồi
cũng ra. Làm gì rồi cũng thấy!. »
Một cô gái nhỏ xách
tới xô rác đổ xuống làm lũ ruồi lúc nhúc bay lên,
thấy ông già ngồi đó, cô hỏi:
-
Bộ ông không sợ hôi sao mà ngồi đó vậy?
Ông già cười mũi:
-
Thời bây giờ, ở đâu mà không hôi không thúi, hả?
Nó tràn đồng thì ngồi ở đâu cũng vậy thôi.
Cô gái lại hỏi:
-
Thấy ông bươi bươi. Bộ ông mất cái gì hả?
Ông già ngừng tay, hỏi
lại:
-
Mất hả? Mất cái gì? Còn khỉ gì đâu mà mất!
-
Vậy chớ ông bươi rác làm gì? Rác bây giờ đâu còn
có gì đâu mà lượm.
Ông già cầm gậy trúc
gõ gõ vào đống rác làm lũ ruồi hốt hoảng bay lên
vù vù. Ổng hạ giọng:
-
Tao bươi rác để kiếm mấy thằng Việt Cộng mà hồi
đó tao nuôi tao giấu trong nhà.
Có vẻ thấy ông
già…khùng quá nên cô gái bỏ đi, vừa đi vừa nói:
-
Họ là con người chớ bộ chuột bọ gì đâu mà ông
tìm trong đống rác!
Ông
già nhìn theo, nói lớn:
-
Mà tao có nói tụi nó là con người đâu?
Tiếng của ông bị chìm
lấp trong tiếng ồn hỗn tạp của đường phố, nên
chẳng gợi được sự chú ý của ai hết. Ổng nhìn
quanh, thở dài, rồi tiếp tục bươi…
Một
thanh niên đang đi trên vỉa hè bỗng tấp vô đống
rác vạch quần định đứng tiểu, một tay chống
nạnh, trên môi phì phà điếu thuốc. Ông già nói lớn:
-
Coi chừng! Nó phóng lên nó cắn sứt à!
Gã
giật mình, vội vã buông quần bước đi như chạy.
Vừa đi vừa nhìn lại, nét mặt còn đầy sợ hãi!
Ông già không nhìn theo, cũng không cười. Làm như điều
ông nói là điều có thật chớ không phải đùa. Cho
nên nghe ổng nói tiếp:
-
Cái lũ khốn nạn này có thứ gì mà tụi nó không
đớp!
Ổng nói mà đầu gậy
vẫn không ngừng bươi. Bầy ruồi nhặng vẫn bay lên
đáp xuống, đáp xuống bay lên, lúc nha lúc nhúc…
Gần
trưa, một người đàn bà đứng tuổi từ trong hẻm
gần đó bước ra đi lại đống rác, thưa:
-
Mời ông Hai về ăn cơm.
Ông già nói ‘ờ’
rồi chống gậy đứng lên đi. Người đàn bà cúi lấy
cái ghế nhỏ, xách đi theo phía sau ông, im lặng. Cả
hai đi lần vào hẻm.
Con hẻm mới vào
thấy rộng thấy thẳng, hai bên có phố lầu hai ba
từng kiến trúc hiện đại, từng nào cũng thấy có
máy lạnh lòi ra coi rất…văn minh! Hai dải phố lầu
này kéo dài vào hẻm độ ba bốn mươi thước.Sau đó
là một khúc quanh thẳng góc, rồi con hẻm chỉ còn
lại không tới hai thước bề ngang, chạy quanh co rồng
rắn vào tuốt bên trong tiếp nối với những con hẻm
nhỏ khác không biết từ đâu tới mà cũng thấy…rồng
rắn quanh co! Ở đây, nhà cửa lụp xụp hẹp té, khác
hẳn với mặt tiền đồ sộ lộng lẫy. Đó là một
thế giới khác, một thế giới nghèo khó núp sau cái
thế giới phồn vinh bên ngoài. Người ta không thể
nghĩ rằng nó nằm ngay trong lòng thành phố, cái
thành phố mang tên Người từ hơn hai mươi năm…
Ông già và người đàn
bà bước vào một căn nhà nhỏ hẹp của khu hẻm rồng
rắn. Ông già nói:
-
Tao bươi hoài mà chưa gặp thằng nào hết.
Một người đàn ông
trong nhà nói cho lấy có:
-
Vậy hả ông Hai?
-
Tụi nó chui rúc lì lắm. Mẹ bà nó! Hồi đó mà tao
biết như vầy, tụi nó có chung vô quần trốn, tao
cũng cởi quần tao giũ cho chết cha tụi nó hết!
…Người đàn ông trong
nhà là cháu của ông già bươi rác, kêu ổng bằng ông
chú, còn người đàn bà là vợ hắn. Hai vợ chồng đã
trộng tuổi nhưng chưa có con. Họ lảnh may gia công
quần áo cho một công ty may mặc, nên trong nhà lúc nào
cũng nghe tiếng máy may chạy xành xạch suốt ngày. Họ
ngủ trên cái gác lửng nhỏ bằng hai chiếc chiếu,
còn ông già thì có cái ghế bố kê trong góc nhà. Nhà
nhỏ xíu nên chỉ có một bóng đèn điện treo ở
giữa.
Hai vợ
chồng người cháu đem người ông về nuôi trong nhà
từ ngày ổng ra tù cách đây hơn bảy năm…
Theo lời
kể lại của người cháu thì “ông chú” ngày xưa
là một nhà doanh thương - đại doanh thương - Ổng độc
quyền nhập cảng vỏ ruột xe gắn máy, xe hơi,
xe máy cày. Ổng có mấy kho hàng lớn
ở Khánh Hội, một văn phòng ba từng lầu ở Chợ Cũ,
một vi-la to ở đường Phan Thanh Giản và một vi-la
vừa vừa nằm khuất trên một đồi thông ở Đà Lạt.
Vợ và hai con ổng đều ở bên Pháp để làm một
“đầu cầu” bên đó. Còn bên này ổng có một bà
nhỏ lo về giao tế, xã hội và nhân viên. Lâu lâu,
ổng bay qua Âu Châu thăm vợ con và làm việc với các
hãng chánh ở bên đó.
Ổng
nhiều thế lực lắm. Người cháu nói:”Hồi đó, tôi
đang làm thợ may cho nhà may X thì bị động viên.
Vậy mà ổng kéo tôi ra cái rẹt! Có
điều làm tôi không hiểu là ổng như vậy mà trong
nhà ổng nuôi Việt Cộng không. Ngay như cái nhà trên
Đà Lạt mà ổng dùng cho mấy ông lớn mượn, từ anh
quản gia đến chị bếp đến mấy người làm vườn
đều là cán bộ Việt cộng ráo. Ổng nuôi họ như
vậy cho đến năm 1973 họ mới lần lượt rút đi …”.
Hồi
tháng tư 1975, ổng không di tản. Còn nói: ”Cách
mạng chớ bộ ăn cướp giết người đâu mà sợ!”.
Sau đó mấy người ổng nuôi có về thăm, ổng cũng
đãi đằng hậu hỉ. Vậy mà khi cách mạng “đánh tư
sản mại bản”, ổng cũng bị “đánh” tơi bời,
tài sản bị tịch thâu hết còn bị đi tù cải tạo
nữa. Vợ lớn của ổng chết ở bên Pháp, bà vợ nhỏ
đi chui rồi mất tích ở biển Đông. Còn hai đứa
con, sau này có người quen từ Paris về cho biết, đã
phung phí hết tiền của mà ổng đã để cho họ bên
đó rồi dọn nhà đi mất. Thành ra đi thăm nuôi ổng
chỉ còn có vợ chồng người cháu thợ may…
Khi ông
chú được thả ra khỏi tù - nghĩa là Nhà Nước xét
thấy ổng đã hoàn toàn được cải tạo - ổng đã
trở thành một người khác: một người mất trí!
Người cháu nói: “Hồi đem ổng
về ở với tụi tôi, tôi cũng ngại. Sợ ổng chê.
Nhưng rồi ổng vẩn ở tự nhiên, không phàn nàn gì
hết, tụi tôi cũng mừng. Rồi lo không biết chịu
đựng ổng nổi không. Nhưng rồi thấy ổng không có
điên loạn như những người điên khác nên tụi tôi
cũng yên tâm. Ổng không nói gì hết, tối ngày bắc
ghế ngồi dưới mái hiên hút thuốc đọc sách hoặc
ngồi cả giờ nhìn đường hẻm như người ta châm
chú coi ti-vi! Vậy mà lâu lâu ổng cũng nói nhiều câu
làm mình ngạc nhiên tưởng như ổng là người bình
thường. Khi mình thử hỏi tiếp, khơi lại thời cũ
thì ổng lại ngẩn ngơ. Thấy tội nghiệp! Thiệt ra,
người ta chỉ thấy ổng điên là khi nào ổng đi bươi
đống rác, cứ hai ba hôm là ổng đi bươi…”
Và như
vậy, “ông Đại Doanh Thương” đó bây giờ ngồi
bươi đống rác giống như ổng bươi lại dĩ vãng của
ổng, một dĩ vãng mà rác rến vun đầy. Ổng đâu
biết rằng, đối với Nhà Nước cách mạng, ổng cũng
chỉ là một thứ rác rến mà Nhà Nước đã vứt bỏ
trên lề xã hội, không hơn không kém …
TIỂU TỬ |