văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, August 16, 2013

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM * Thiên Thanh


Mến tặng các anh Ch. K22 Thiết giáp, D. K26 Không quân, T. K22 Hải quân trường Võ Bị Đà Lạt với lòng kính trọng và khâm phục những người con đất nước đã chọn binh nghiệp làm con đường tranh đấu cho một Việt Nam tự do, độc lập.

Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ngày 08.01.73

Thiên Thanh ơi!
Bốn ngày em xa TT, em có nhiều chuyện để kể lắm, nhiều quá em phải ráng sắp xếp từ lúc lên xe đi Đà Lạt, làm dâu phụ cho chị Hồng con bác Công. Ba Má đâu muốn cho em đi xe đò, Ba gởi em cho Chú Hoàng, xe chú chỉ có chín chỗ ngồi, chỉ đưa khách quen biết, lâu lâu mới chạy một lần, khi cần giao hàng. Khách trên xe hôm đó chỉ có 7 người, hình như toàn là công chức hay nhân viên gì đó. Có mình em là nhỏ nhất. TT biết không, bác Công này dị hợm lắm, chị Hồng có nhiều bạn mà bác cứ viết thư xin phép Má cho em lên nhà bác dự đám cưới, bốn cô dâu phụ, thấy mà mệt luôn. Bây giờ em mới hiểu. Má em và bác Công muốn tạo cơ hội cho em quen anh Chỉnh đang học Chính Trị. Hai bà Má đâu có biết là anh Chỉnh đang quen thân với một chị học ở Sư Phạm Đà lạt, còn em thì có mộng đi du học ở Canada. TT thấy hai bà má lo xa quá hở? Hèn gì Má cho phép em nghỉ học đi Đà Lạt đại diện gia đình dự đám cưới chị Hồng mà em không thân lắm.

Cái ông ngồi kế em trên xe đò chắc bực mình vì em cứ quay qua quay lại coi phong cảnh hai bên đường (Lần đầu tiên đi xa một mình, lần đầu tiên đi Đà Lạt nên em mới tò mò chớ bộ, khó chịu!) đề nghị đổi chỗ cho em ngồi gần cửa sổ. Em mừng quá, đổi liền. Má gói đủ thứ thức ăn theo cho em, má không cho em mua thức ăn dọc đường, mà em thì thảo ăn, ai mà ngồi ăn một mình! Em cứ đưa, cứ biểu cái ông kế bên ăn hết cái này đến cái khác. Hết chuối khô, bánh bao, kẹo chuối, bánh đậu xanh..., món nào ông đó cũng chia với em và chỉ cám ơn , rồi tiếp tục quyển tạp chí Phổ Thông (em dòm lén! Ba có báo này!) . Bổng nhiên ông đó hỏi:
- Lần đầu tiên cô đi Đà lạt?
- Sao ông biết?
- Thấy cô cứ hết nhìn bên trái đến nhìn bên phải. Rừng cao su có gì đẹp mà cô cứ nhìn miết vậy?
- Đẹp chứ, từng hàng cây thẳng thâm thẩm, không biết cuối rừng cao su là gì há.
- Rừng.
- Rừng gì?
- Thì rừng cây, rừng lá, rừng rậm, mà cô tên gì? Tôi tên Tâm.

Em nghịch ngợm hỏi lại:
- Tâm ă hay Tâm â?

Chừng đó ông ấy mới cười nói:
- Tâm â, còn cô?
- Sương, Sương S chớ không phải Xương X, Sương này là giọt sương mai chớ không phải xương sọ, cục xương, ha...ha..Sương nói trước.

Thế là em có bạn đồng hành, nói chuyện mõi miệng luôn. Mà TT biết, em già chuyện, chắc có mình em nói, mình em hỏi. Rồi cũng bất chợt, ông đó hỏi:
- Cô thích màu gì?
- Màu xanh da trời lợt, màu thiên thanh, nhẹ.
- Tôi cũng đoán vậy.
- Ô?
- Thì cứ nhìn lại quần áo của cô, cái gì cũng có màu xanh. Hồi nẩy cô nói màu xanh gì...xanh...thiên thanh? Lần đầu tiên tôi nghe có người gọi màu thiên thanh.
- Tại ông nhà quê.
- Tôi nhà quê thiệt đó, quê mùa chất phát, "nhaque" mà.

Em vọt miệng:
- Tuấn, Chàng Trai Nước Việt. Nguyễn Vỹ

TT biết sao không, ông đó mở to mắt, nhìn em có vẻ ngạc nhiên, rồi nói:
- Ngư ông và biển cả
- Ernest Hemingway
- Câu chuyện dòng sông
- Hermann Hesse
- Giải khăn sô cho Huế
- Nhã ca
- Thềm hoang
- Nhật Tiến
- Tháng bảy thôi mưa.
- Chờ chút.......nghe có vẻ như Trùng Dương hay Quỳnh Dao...ừm...chịu thua!
- Ha...ha...Thua là phải, cái này là tôi tự biên tự diễn.
- Ăn gian! Bây giờ tới phiên Sương, chủ đề nhạc, Cô Láng Giềng
- Không được, tôi không biết gì về nhạc hết.

Rồi ông đó lại bất chợt hỏi (chuyên môn đổi đề tài!!!):
- Cô đọc Tuấn, Chàng Trai Nước Việt mấy lần?
- Chắc cũng ba, bốn lần gì đó.
- Một lần không đủ sao?
- Mỗi mùa hè, Ba Sương thường bắt Sương dọn dẹp tủ sách cho Ba, thế là Sương vừa dọn dẹp vừa đọc lại mấy quyển hay hay, có khi công chuyện dọn dẹp kéo dài mấy ngày vì Sương mê đọc. Thế ông đọc mấy lần?
- Cũng ba, bốn lần. Nhưng mà tự tôi tìm đọc lại trong những ngày hè dư dã thì giờ.
- Đây là quyển sách đã gây nhiều ấn tượng nhất cho Sương. Ông thấy không, cứ mỗi lần đọc lại một quyển sách là một lần Sương thấy mình hiểu sâu hơn, thắm thía hơn, chắc tại Sương chín chắn hơn sau mỗi mùa hè. Ông Nguyễn Vỹ đã tặng cho thanh niên Việt nam một món quà thật quí báo.

Ông đó quay nhìn em, nhìn khá lâu, làm như em vừa lớn thêm năm tuổi vì câu nói. Ông nhỏ giọng:
- Chính quyển sách này đã hung đúc, nuôi dưỡng cái quyết định thi vô trường Võ Bị Đà Lạt của tôi.

Vậy đó, chắc hết chê em còn nhí không biết gì, hết làm bộ nghiêm nghiêm không nói không rằng, em với ông đó nói chuyện mõi luôn. Đến Bảo Lộc, ông đó mua bánh mì, hai bịch trà đá, rủ em vừa ăn vừa đi vòng vòng cho dãn chân. Má dặn không được ăn dọc đường mà em bị ông này dụ dổ mua bánh xíu mại ngon quá làm em cầm lòng không đậu.

Và....TT đừng mét Ba nghen, chủ nhật sau khi đưa dâu, em nhờ anh Chỉnh chở em ra quán cà phê Tùng gần hồ Xuân Hương tại em có hẹn với anh Tâm để anh Tâm đưa đi dạo phố Đà Lạt. Khoe với TT nha, anh Tâm học ở Võ Bị Đà Lạt , sang năm ra trường đó. Chiều nay anh Tâm khác hẳn ngày hôm qua. Bộ quân phục chủ nhật màu nâu đen đậm làm anh ấy có vẻ nghiêm nghị, già dặn hơn và oai hơn. Lúc đầu em hơi ngan ngán, mới sau hai ngày mà em thấy không khí không được thân mật như trước. Mãi đến khi thấy cũng có nhiều anh cũng mặc quân phục giống vậy nên em quen mắt đi, bắt đầu hỏi đủ thứ chuyện, toàn là em bắt chuyện không hà! Chợ hoa tan sớm nhưng em đã đi với bác Công ra phố hôm qua để mua thêm bông rồi nên chợ có tan sớm cũng không sao. Thế mà anh ấy cứ tiếc là em không được xem chợ hoa và cảnh những người thượng đem hàng xuống bán. Chợ có hai tầng, em không thích vô chợ nên tụi em vòng quanh chợ, vòng quanh hồ Xuân Hương thơ mộng như trong sách tả, đi mấy con đường lên dốc xuống dốc mà em không mõi chân gì hết. Tại mê nói chuyện và mê nhìn mấy cái biệt thự trồng đủ loại hoa. Em thích nhất là những biệt thự có dàn hoa tường vi bò trên tường. Những cánh hoa hồng nhạt nho nhỏ trông như những cô gái Đà Lạt má đỏ au yểu điệu trong chiếc áo dài lụa mềm, khóat hờ thêm cái áo len mỏng, chắc chỉ để làm điệu. Em dân Sài Gòn , chỉ mặc quần tây với cái áo thun dài tay không có áo ấm gì hết mà đâu thấy lạnh. Nhưng tiếc quá! Em không được đi chơi lâu vì tối đó bên đàng trai tổ chức khiêu vũ, em đã hứa với anh Chỉnh, con bác Công.

Em vẽ hình anh Tâm với bộ quân phục ngày chủ nhật cho TT xem đây, oai chưa?

Thôi, em phải đi ngủ, mai đi học, chép bài lại mõi tay chết luôn.
..............

Ngày 17.01. 73

Em được thư anh Tâm từ Đà Lạt ! Mừng quá! Cứ tưởng anh ấy chỉ khách sáo lịch sự với một cô gái tình cờ quen trên một chuyến xe đò. Lịch sự dẫn dắt một cô gái Sài Gòn lần đầu tiên lên Đà Lạt. Ai ngờ (em hơi hơi trông thư!) thư anh ấy đến nhà. Cuối thư anh ấy chấm dứt một chữ gọn lõn: "nhớ!", làm em thơ thẩn từ trưa tới giờ. Em kẹp cái thư vô đây cho TT xem nha. Nhưng em không thèm trả lời liền đâu. Con gái ai mà hư vậy.
...........

Ngày 26.01.73

Chưa kịp trả lời cái thư thứ hai được chấm dứt bằng: "nhớ! nhớ!", bây giờ lại được cái thư thứ ba, chấm dứt bằng: "nhớ! nhớ! nhớ!". Sao em sợ tiếng nhớ của chàng vọng loãng trong rừng thông xanh ngát, chìm dần xuống đáy hồ Xuân Hương, bơ vơ quá, tội nghiệp quá! Tội nghiệp chàng! Em làm điệu làm hạnh như vầy đủ rồi nha! Lời thư sao dễ thương, ngọt mật, em không cầm lòng được. Em viết thư cho chàng đây, dỉ nhiên là giấy perleur màu xanh nhẹ thật nhẹ. Mà TT này, em có nên chấm dứt lá thư bằng chữ "nhớ!" không? Em cũng nhớ nhớ nữa. Thôi, xấu hổ lắm! Nhưng em sẽ viết, viết chừng nào mõi tay thôi, rồi em đạp xe ra bưu điện liền.

.............

Ngày 15.02.73

Trong thư chàng nói chàng sẽ về Sài Gòn ngày cúng 49 ngày của ông chú mà chàng đã về chịu tang (kỳ đi cùng chuyến xe với em đó!) và chàng sẽ đến thăm em. Em sợ quá! Ba la chết! Chị Đoan quen anh Thông 6 tháng nay rồi mà anh Thông có dám tới nhà lần nào đâu. Hai người hẹn nhau ở trường, chị Đoan nói dối Ba Má hoài để đi chơi, làm em sợ, bây giờ tới phiên em. Mấy đứa bạn em đứa nào cũng ngán Ba, đứa nào cũng nói ba trông nghiêm quá. Hồi đó giờ em đâu có người bạn trai nào dám đến nhà thăm em . Bạn bè trong lớp thôi. Nhiều người gọi em là búp bê Nhật vậy mà không có ai theo đuổi em, tại nghe tiếng Ba nghiêm khắc, Ba là bạn của mấy ông thầy trường em, Ba là đại diện phụ huynh học sinh, Ba giúp đỡ trường rất nhiều vì trường mới xây dựng, sáng nào Ba cũng chở em đi học, có khi Ba đón về, có khi anh Hai đón về, có khi ba nhờ mấy người làm cho Ba đến đón em về, em đâu được đi chơi với bạn nhiều, em đâu có nhiều bạn trai mặc dù Ba chưa bao giờ cấm.

Làm sao đây TT? Em sợ Ba la, em mong chàng đến thăm, hay là dặn chàng đến quán cà phê nào đó như chị Đoan hẹn với anh Thông vậy. Em viết thư liền đây.
................

Ngày 24.02.73

TT coi chàng gan ghê chưa. Hồi chiều chàng đến nhà, chị Đoan ra mở cửa. Chị Đoan xanh mặt khi nghe anh nói: "Tôi đến thăm Sương, Phan Thị Mai Sương, có Sương ở nhà không vậy?" Ngay lúc đó Ba dắt xe ra. Chàng chào Ba: " Chào bác! Cháu đến thăm Sương." Chị Đoan nhảy 5 bước lên lầu, hét um xùm: " Sương, có ông nào lại, đòi thăm mi, đang nói chuyện với Ba ở dưới, mi ngon há!" Trời ơi! Em đứng tim gần muốn khóc. Sao chàng gan quá vậy! Em muốn trốn, biết trốn đâu bây giờ. Chị Đoan hối liên hồi. Em run sợ nhảy xuống giường lại cầu thang, chị Đoan gọi dựt lại, bắt em mặc áo ngực vô, ai mà nhớ mấy chuyện đó, cám ơn chị Đoan nghen! TT biết Ba nói sao không khi em ra phòng khách: "Con đi làm nước mời anh Tâm, Ba phải đi công việc." Rồi xoay sang chàng, Ba bắt tay chàng: "Bác phải đi, cháu ở chơi."

Chàng cứ nhìn em hoài, nhìn mái tóc cắt ngang trán thả dài vừa qua vai, nhìn mặt em nóng bừng, nhìn tay, làm em phải dấu tay dưới đùi, rồi chàng nói:
- Sương trông trẻ con quá trong bộ đồ bộ này, dễ thương như con búp bê Nhật.

Em không biết nói chuyện gì hết, sao hồi trên xe đò đi Đà Lạt, hồi đi dạo phố Đà Lạt em nhiều chuyện lắm, vậy mà bây giờ....chắc tại chàng cứ nhìn em đăm đẳm, làm như muốn ghi hết những nét "dị hợm" trên mặt em đặng giữ cho được lâu trong trí nhớ. Em than:
- Sao anh gan quá, Sương dặn anh...

Chàng nghiêm mặt, nhìn thẳng mắt em, nói một cách nghiêm trọng:
- Chuyện mình quen nhau không có gì phải dấu diếm. Đúng vậy không?

Rồi chàng hạ giọng, nhẹ nhàng hỏi:
- Em không muốn anh làm quen với gia đình em sao?

Em lặng người cảm động vì giọng chàng thật âu yếm, vì tiếng em ngọt ngào chàng dùng lần đầu tiên với em. Chàng còn với tay vén nhẹ cọng tóc vương trên má em ửng hồng. Em muốn giữ tay chàng dừng lại trên má em nhưng em không dám.

TT biết không, giọng chàng hơi ngồ ngộ, cưng cứng. Chàng bảo tại chàng là dân Phan Thiết, ăn cơm toàn với nước mắm dầm ớt xiêm cay nên giọng cứng. Rồi chàng lại đùa: "Nhưng tình anh nồng nàn đậm đà mùi vị nước mắm ngon" Sạo chưa?

Nhiều chuyện lắm, em không kể hết được đâu, em buồn ngủ rồi, chắc em sẽ mơ thấy những cành hoa tường vi hồng nhỏ nhắn xinh xinh. Em vui quá! À quên, hồi nẩy Ba còn hỏi em: " Chừng nào anh Tâm về Đà Lạt lại?" TT coi, Ba đâu có la em. Coi bộ Ba mến chàng. Chắc tại chàng thẳng thắng, công khai dám cả gan đến nhà thăm em, nên Ba quí. Và tại chàng là dân Võ Bị Đà Lạt nữa. Ba học rộng, hiểu biết nhiều, Ba hiểu tại sao chàng chọn học trường Võ Bị, Ba mến chàng là phải. Chàng ngon lành quá hả TT. Chàng còn hẹn ngày mai đến xin phép Ba Má cho em đi chơi phố với chàng nữa. Ngày mai em mặc cái gì đây? Áo dài hay ríp, hay quần tây? Em phải hỏi ý kiến chị Đoan. Ha..ha.. chị Đoan bây giờ thua em rồi, em dám đi chơi với bạn trai mà không cần phải nói dối. Chắc Ba cho phép. Ba quí chàng mà!
................

Ngày 25.02. 73

TT có nghe Ba nói gì khi chàng xin phép Ba cho em đi chơi phố, đây nè: "Chiều cháu đưa em Sương về rồi ở lại dùng cơm, nhà thường dùng cơm khoảng 6 giờ." Em sung sướng quá! Chỉ thế thôi, đủ rồi TT nhá! Em đi ngủ đây. Quên, hồi sáng theo lời chị Đoan , em mặc ríp trắng, aó thun xanh lợt, giầy bata trắng, chị Đoan khen em dễ thương. Nhưng khi chàng đến nhà với bộ quân phục màu khaki lợt, đeo huân chương (chắc là huân chương!), đội mủ nữa, em đổi ý ngay. Em thay cái áo dài màu xanh lợt thiệt là lợt mà chị Đoan có thêu cành hoa cúc trắng nằm khiêm nhường ở tà áo. Em nghĩ: Chỉ có áo dài mới hợp với bộ quân phục oai nghiêm này. Chàng ngắm em với ánh mắt lạ quá làm em xấu hổ, em chỉ muốn trốn vô phía sau cánh cửa. Vậy chớ mà tới chiều, lúc chàng đưa em về, em dám cả gan vịn nhẹ vô hông chàng, dựa má lên vai chàng nữa đó. Chàng chạy xe chậm thật chậm, mùi mồ hôi chàng hoà trong gió mát, em hạnh phúc quá! Hồi nẩy, lúc chàng đi về, em theo chàng ra cửa, chàng nắm tay em mạnh quá, chặt quá, rồi chàng đưa lên môi hôn thật mạnh, em muốn khóc, khóc vì cảm động đó TT. Em muốn dựa vào chàng mà em không dám. Mặt em nóng rồi!
..................

Ngày 20.06. 73

Lúc này em không kể chuyện nhiều vớí Thiên Thanh nữa, TT đừng giận em nha. Em viết thư cho chàng hoài thôi, kể đủ thứ chuyện, em già chuyện lắm. Em dám viết: "Em nhớ anh, anh nhớ hôn trán em mỗi tối chúc em ngủ ngon thì em mới thấy anh trong mơ." Thư nào em cũng viết thêm một câu ca dao thương nhớ, chàng nói những câu ca dao làm chàng cảm động lắm, rồi chàng đòi em viết nhiều nhiều ca dao thương nhớ vô thư cho chàng, nhưng đâu có được, hết sao, vầy nè:
Cô thương nhớ ai ra ngẩn, vào ngơ?
Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ trận cười.
Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi!
Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi nửa lòng.

Chim xa bầy, thương cây nhớ cội,
Người xa người, tội lắm! người ơi!
Chẳng thà không biết thì thôi,
Biết nhau rồi mỗi đứa một nơi sao đành.
Còn nhiều lắm nhưng em chỉ viết một lá thư một bài ca dao thôi, hồi đó giờ cũng mấy chục bài ca dao rồi chớ bộ.

TT thấy những bức tranh em vẽ đẹp không? Chàng diễn tả cảnh Đà Lạt, cảnh chàng lang thang để nhớ em, con đường em đã đi chơi với chàng, khu rừng phía ngoài trường buổi sáng buổi trưa buổi chiều khu rừng phía đông, khu rừng phía tây, ngọn đồi 1515.... Chàng viết thư hay lắm, nên em vẽ cũng rất nhanh theo lời chàng tả. Em gởi kèm theo vài tấm hình em đã vẽ, chỉ vẽ bằng viết chì màu thôi đó, vậy mà mấy anh bạn chung phòng với chàng khen em vẽ đẹp, chàng hảnh diện, chàng còn khoe: "Tụi mày chưa nghe Mai Sương đàn nhạc classic"
.................

Ngày 25.12.73

Giáng Sinh năm nay là giáng sinh đầu tiên em đi chơi ở ngoài, dỉ nhiên với chàng, tới một giờ khuya mới về đến nhà. Trong tiệm Gival góc Tự Do và Lê Lợi có cửa kính, tụi em tìm được bàn nhìn ra đường, ăn chiều, ngắm thiên hạ. Càng về đêm, người ra đường càng đông, nhiều cặp tình nhân tung tăng với nhau trông thật tình tứ, chút nữa tụi em cũng tung tăng, cũng tình tứ như ai vậy. Phố đêm Sài Gòn rộn rịp, người đi lên, kẻ đi xuống, thường là từng cặp hoặc từng nhóm, hình như không ai đi một mình hết. Nhất là đêm Giáng Sinh, đêm của tình nhân, đêm của tuổi trẻ phải không TT. Tụi em không có đạo nhưng cũng muốn đi xem lễ ở nhà thờ Đức Bà. Chàng phải tìm đậu xe ở sân trường Luật rồi đi bộ dọc Duy Tân là tới. Gần tới mười hai giờ, đông người quá, em ngợp, em không chen vô nhà thờ được, em không chịu được nhiều hơi người, mồ hôi âm ẩm trán em, em níu cánh tay chàng. Chàng hoảng hốt bế xốc em lên, đi nhanh ra khỏi đám đông, khỏi nhà bưu điện. Thoát khỏi nơi đông đảo, em tỉnh hẳn lại, hú hồn! Dọc đường Đồn Đất hơi vắng người, cứ chốc chốc chàng lại nhìn chừng em trên đường tìm ra Hai Bà Trưng, cho tới khi tìm được một quán cà phê ngoài vườn. Lần đầu tiên em uống cà phê, cho tỉnh người, thơm và ngon ghê đi! Và trên ghế xích đu, dưới gốc cây xoài lớn, em dựa ngực chàng, tiếng chuông nhà thờ, nhạc thánh ca, lời chàng ngọt, môi chàng ấm... Ôi đêm Giáng Sinh hạnh phúc.
..................

Ngày 26.12. 73

Em mừng quá! Ba Má cho phép em lên Đà Lạt dự lễ ra trường của chàng, em cám ơn bác Công, em cám ơn Ba má! Chàng xin phép Ba Má đàng hoàng, chàng khôn lắm, chàng biết tẩy Ba Má, chỉ cần chàng xin phép Ba Má là chuyện gì Ba Má cũng cho, mà chàng có xin cái gì xấu xa đâu! Em phải hứa với Ba là phải học bù, học ngày đêm, chuyện tình cảm phải nhường chỗ trống cho chuyện học hành nữa. Thi đậu là một chuyện mà thi vô Cao Đẳng Mỹ Thuật hay Kiến trúc còn khó hơn. Em không mơ đi du học nữa đâu, Ba Má chiều em, con út mà, Ba Má đâu muốn xa em, tại tự em muốn đó thôi, tại lúc đó chưa quen chàng. Em còn phải tập khiêu vũ vì tối đó có dạ vũ, chị của nhỏ Thu Minh hứa sẽ chỉ cho cả hai đứa, em muốn chàng hảnh diện với bạn bè mặc dù chàng không quan tâm gì đến đêm dạ vũ đó. Còn ba tuần nữa. Em thương chàng quá TT ơi!
.............

Ngày 12.01.74

Thiên Thanh ơi! Còn hai ngày nữa mà em bệnh trầm trọng quá, con bệnh thương hàn hành hạ em đã ba ngày rồi. Mỗi lần tỉnh, nghĩ đến ngày sẽ đi Đà Lạt, em khóc, em sợ mình không khỏe lại kịp. Chị Đoan cũng lo cho em, TT có cầu Phật Bà Quan Âm Thị Kính cho em không? Cho em mau khỏe. Bà bác sĩ Minh Hương đến nhà thăm em mỗi ngày.
.............

Ngày 16.12.74

Anh Hai đã đi đánh điện tín cho chàng, em khóc cả trong cơn tỉnh lẫn cơn mê. Em nghĩ đến lúc chàng nhận được điện tín, đến lúc không có em ngồi lẫn trong số khách tham dự với Ba chàng, đêm dạ vũ...chàng cô đơn...Em cũng không khỏe để có thể viết thư cho chàng nữa. Số tụi em hẩm hiu đến vậy đó TT ơi!
............

Ngày 20.12.74

Chàng không về Phan Thiết sau lễ mãn khóa, chàng về thẳng Sài Gòn. Em thương chàng quá TT ơi! Ánh mắt chàng thiết tha quá! Chàng nhắc cái ghế ngồi bên giường em, cứ xoa tay em hoài, Ba lên phòng thăm chừng em mà chàng cũng không bỏ tay em ra. Ba Má lo cho em, anh Hai, chị Đoan lo cho em nhưng không một săn sóc nào có thể so sánh với những mơn man bàn tay em, những vuốt ve trán em, thơm tay em, thơm trán em, thơm tóc em, vén tóc em, dịu dàng nhẹ nhàng. Em giữ tay chàng lại trên má em, những ngón tay xoa nhẹ môi em, em thiếp trong rừng thông có tiếng cành cây cố cựa mình thật khẻ, có tiếng sáo thông văng vẳng. Em đã bắt đầu ăn cháo thịt, da em hồng từ từ trở lại trong mấy ngày chàng ở Sài Gòn.

TT thấy hình em vẽ chàng lúc chàng ngồi đọc sách cho em, dị quá hả? Vẽ chân dung không phải sở trường của em, em chỉ thích vẽ phong cảnh thôi. Chàng còn đọc mấy bài triết cho em ôn vì em nghỉ học hơn hai tuần nay, em nằm gối đầu cao. Tay nắm tay em, tay cầm cuốn tập, chàng đọc, em thiêp thiếp ngủ, mang theo Platon, Voltaire, Sokrastes...màu áo xanh lợt chàng đang mặc.
.........

Ngày 28.1. 74

Chàng được bổ nhiệm về Long Khánh, tiểu đoàn 2/43 sư đoàn 18BB, cách Sài Gòn có hai tiếng xe đò nên chàng về Sài Gòn hoài thôi. Chàng đã được phép lên phòng em nữa đó! Lần này em đâu có nghe chàng xin phép ba má, chàng lợi dụng hồi em bị bịnh, rồi sẳn đà luôn, ông này khôn lắm đó TT ơi! Nhưng bao giờ chàng cũng để cửa mở rộng và cứ hít hít hỏi: "Sao phòng em thơm thơm cái gi đó, không phải dầu thơm, vì có bao giờ em dùng dầu thơm đâu." Chàng đâu có biết là em với chị Đoan gom hoa khô, dồn may thành một cái túi lớn, để dưới giường cho thơm phòng. Hồi đó năn nỉ em cho lên phòng để nhìn chỗ em ngủ, để nhìn chỗ em ngồi viết thư cho chàng nhưng em đâu có dám, Ba Má la chết. Bây giờ thì tự do hén.

Hồi sáng em lò mò đi xe đò lên thăm căn cứ đóng quân của chàng theo như chàng thường kể cho em nghe. Xuống xe đò, em đi hết còn đường chính ngang qua chợ , quẹo trái, ngang ty học vụ, hỏi đường lên tòa tỉnh, căn cứ nằm không xa toà tỉnh mấy, em tìm tới đúng phóc. Nghe người lính gát cổng báo tin, chàng chạy ra, chàng dậm chân la em hư. Em gần khóc, em chỉ muốn cho chàng vui, em muốn thấy cái lều, cái giường bố chàng nằm, vậy thôi mà chàng rày em. Chàng nóng tính lắm. Em tủi, em giận, em đòi về liền. Chàng năn nỉ, chàng nắm tay em kéo em tới căn lều của chàng, chàng dổ dành, em giận lâu lắm. Chàng hôn em giữa ban ngày, không sợ người ta trông thấy, hôn mặt mũi em tèm nhem nước mắt giận hờn. Chàng nói chàng không cho em lên thăm vì đường xá nguy hiểm, chàng đi hành quân hoài, em lên không có chàng thì ai lo cho em, chàng thấy mồ hôi em chảy ròng trên trán vì em trưa nắng đi bộ xa, chàng xót ruột nên chàng la em. Tức chưa? Lối chưa?
...........

Ngày 20.07. 74

Tiểu đoàn 2/ 43, sư đoàn 18BB lại đổi căn cứ ở một nơi nào đó xa Biên Hòa lắm. Không có xe đò, phải chờ quá giang xe nhà binh thôi, chàng căn đi dặn lại là em không được lên thăm chàng, chàng không kể đường đi nước biết nữa, chàng độc đoán lắm, cái gì cũng sợ em ngã bịnh. Em bịnh có một lần mà chàng bị ám ảnh hoài. Tại Má em kể: "Em Sương ít bịnh lắm, nhưng mỗi lần em bịnh là thập tử nhất sinh." Má dọa kiểu đó làm chàng sợ. Em nhớ chàng, em có quyền đi thăm, phải không TT? Tại sao chàng nhớ em, chàng có quyền liều mạng quá giang về thăm em dù chỉ vài tiếng đồng hồ? Bất công chưa?

Mỗi ngày em mân mê bộ quân phục ra trường của chàng mà chàng đã đưa cho em giữ, đủ thứ hết, huy chương, dây nhợ tùm lum... Chàng xếp ngay ngắn cái quần màu xanh có sọc đỏ bên nẹp, cái áo trắng có mấy đường sọc đỏ ngang ngực, để tận đáy tủ áo của em, chàng nói: " Cuộc đời binh nghiệp là do anh lựa chọn. Định mệnh đun đẩy anh đón kịp chuyến xe để mình được gặp nhau trên chuyến xe lên Đà Lạt đó. Cái thông minh, bàn chất con người em đã kết tinh tình yêu trọn vẹn trong anh. Tình yêu chúng ta là sự dung hòa của định mệnh và sự lựa chọn. Bộ quân phục này nằm lẫn lộn trong quần áo em, trong đời sống thường ngày của em, em gìn giữ cuộc tình mình , đời hai đứa mình, em nhá!" Chàng vậy đó, làm sao em không thương chàng được? Em thương chàng đến độ em bắt đầu lo sợ, nếu một ngày nào đó.....em không dám nghĩ tới.......nhưng súng đạn...sao biết được. Căn cứ của anh Hai chuyển xuống tuốt Tây Ninh, anh Thông người yêu của chị Đoan học trường Bộ Binh Thủ Đức, được bổ nhiẹm ngoài Trung hơn nửa năm nay. Gia đình em không dưng mà bị lôi cuốn hoàn toàn vào cuộc chiến này. TV, radio, báo chí... Ba Má lo âu theo dõi, em và chị Đoan hồi hộp lắng nghe từng địa danh được nhắc trong tin tức, từng tên của các tiểu đoàn, đại đội...Mà chắc không phải chỉ có gia đình em thôi, còn biết bao nhiêu gia đình khác nữa. Em đã biết bận tâm với mọi người chung quanh, với xã hội chung quanh mình, em không còn là một cô gái kiều dưỡng nữa.
..........

Ngày 11.02. 75

Sư đoàn 18BB lại di chuyển lên Núi Thị không xa Định Quán mấy một cách đột ngột. TT nhớ Định Quán nằm ở đâu không? Trên đường đi Đà Lạt đó. Hồi trên chuyến xe đò định mệnh, nơi mà khi em chọc cái tên Tâm của chàng đó, làm chàng bỏ cái bộ mặt nghiêm nghiêm từ bến xe đò ở Ngã Bảy.
Hai tháng rồi chàng không về, thư cũng thưa . Em buồn, em giận chàng, em không thèm kèm theo câu ca dao thương nhớ nào vô thư. Em viết thư ngắn ngủn. Rồi chàng lại hờn em, biểu là em không còn thương chàng như trước nữa. Em buồn quá! Sao cả tháng nay em bồn chồn lo lo đâu đâu...nhớ chàng...rồi giận chàng...không ráng về thăm em.
...........

Ngày 04. 03. 75

Chàng về, nhấn chuông hai ngắn một dài. Em phóng từ trên lầu xuống. Vậy mà khi thấy chàng, em làm mặt lạnh, em nhường chỗ cho chàng vô nhà. Chàng đứng lại trước mặt em, nhìn em giọng buồn buồn:
- Em không vui?

Nước mắt em ứa ra, em không chịu đựng được nữa, em dựa lưng vô cánh cửa, tay buông thỏng, nhìn xuống đất, dấu không cho chàng nhìn mặt em, dấu không thèm nhìn chàng. Dùng ngón tay cái, chàng quẹt dòng nước mắt đang chảy dài trên má em. Chàng kéo đầu em sát vào cổ chàng, cúi xuống hít mạnh tóc em, hỏi:
- Em giận anh? Anh về đây mà!

Bao nhiêu giận hờn tiêu tan, người em mềm theo cánh tay chàng kéo em ngồi xuống sô pha, vuốt ve cánh tay em để trần, mơn man đôi môi trên tóc em. Trong vòng tay chàng, em ép mặt vào bàn tay chàng chai cứng, em vuốt ve cánh tay chàng vén tay áo cao khỏi cùi chỏ. Lạ ghê Thiên Thanh nhỉ! Khi người ta yêu nhau, sao người ta lại thích vuốt ve nhau, ngồi sát bên nhau, không chán!
..........

Ngày 18.03.75

Tin Định Quán bị tấn công rồi Thiên Thanh ơi! Ba Má mở radio cả ngày. Đến chiều thì nghe tiểu đoàn 2/43 đơn độc chống giữ căn cứ. Cả nhà không ai ngủ được. Em ngồi xếp bằng trên giường, em cầu Bà chúa Thượng Ngàn, Phật Bà Quan Âm phù hộ cho tiểu đoàn. Tụi Việt Cộng đâu có tin Phật tin Trời, Trời Phật đâu có thương tụi nó. Em không dám khóc, em sợ điềm sui, chị Đoan qua phòng ngủ chung với em. Hai chị em không ai dám nhắc tới Định Quán. Em mệt, em không viết được nữa.
...........

Ngày 19.03.75

Đài BBC loan tin Định Quán thất thủ. Nhưng rồi radio Sài Gòn đính chánh là tiểu đoàn 2/43 đang chống cự, Định Quán chưa mất. Chắc em không chịu nổi, em đi loay hoay, em ăn chút cơm, em mở tủ rờ bộ quân phục, em không biết làm gì hết. Em không viết được nhiều. Đầu óc em trống rỗng.
.............

Ngày 20.03.75

Ba bỏ văn phòng, Ba về nhà ngay, Ba nói với Má với em với chị Đoan đang lặt rau:
- Định Quán mất rồi.

TT nghe nữa mà phải không?
..............

Ngày 21.03.75

Ba lên Long Bình nghe ngóng tin tức. Tin tức đưa về: 80 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Em không muốn nghe nữa.
..............

Ngày 23.03.75

Xuân Lộc bị tấn công. Định Quán mất, quốc lộ 20 bị cắt đứt. Bây giờ quốc lộ 1 cũng cũng bị cắt đứt.
.............

Ngày....03.75

Xuân Lộc được tái chiến, Sài Gòn hổn độn. Người di tản từ miền Trung, từ Đà Lạt, từ Long Khánh mang những tin tức mà radio không chịu thuật lại, TV không chiếu trên màn ảnh.
.............

Ngày ......04.75

Kkông nghe tin tức gì của anh Hai, anh Thông, chàng.
...............

Ngày 22.04.75
Ba đã liên lạc với bạn Ba, cả gia đình sẽ xuống tàu bất cứ lúc nào. Anh Hai, anh Thông và chàng biệt tăm làm sao Ba Má nở lòng nào đi di tản. Anh Hai, con trai trưởng của Ba Má. Anh Thông vừa hứa hôn với chị Đoan. Chàng, Ba thương chàng lắm, tại em là con gái cờ của Ba mà.
............

Ngày 30.04.75

Ba, Má, em mỗi người một công chuyện loay quay ở nhà bếp (Lúc này cả nhà cứ quay quẩn với nhau luôn thôi. Ba đi đâu cũng lo về cho lẹ, đọc báo, nghe radio, phụ Má làm cơm, Má cũng không thiết tha làm bánh trái như thường lệ...) 11giờ thì phải, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ba đập bàn, đi thẳng vô phòng làm việc. Chưa bao giờ em thấy Ba giận dữ như vậy. Má, chị Đoan, em hoang mang, không biết làm gì hết, không ăn không uống, không dám mở cửa, không dám ra đường.

Vậy là sao hở TT? Có nghĩa là hết chiến tranh? Có nghĩa là mình thua trận? Có nghĩa là anh Hai, anh Thông, chàng sẽ về? Chàng sẽ làm gì đây? Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa sao? Đâu được, chàng đã chọn binh nghiệp mà. Chàng sẽ về, thân thể có còn nguyên vẹn? Nhưng một điều em chắc chắn là tâm hồn chàng, con người chàng đang bị tổn thương nặng nề, không bút mực nào tả được. Tội nghiệp chàng quá TT ơi! Em lo sợ, em hoang mang với những tư tưởng:

"Người lính" trong chàng rồi sẽ mất?
Hay bập bềnh theo vận Nước nổi trôi?

Em mong em đợi chàng về với em, nhưng không phải về trong hoàn cảnh như thế này. Em thương chàng quá Thiên Thanh ơi!

Đầu óc em đen đặc.