văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, November 6, 2013

DUNG NGÃ * chỉ còn có nhau

Chúng ta chừng như mất hết
Chỉ còn có nhau.

Gửi các anh trại hai Sơn La năm 1976-77 như lời nhắn gọi.

Người ta nói người già thường sống quay về với quá khứ.  Vâng, điều này đúng !  Càng đúng cho chúng tôi, những “cựu tù” trại hai, liên trại hai, đoàn 776 Sơn La.  Tháng chín vừa qua (9/2012), bọn “bất chiến tự nhiên bại” chúng tôi lại có dịp gặp nhau tại nhà “cựu tù” Lê Hùng ở thành phố  Westminster, California.

Cho dù quá khứ dù có vui hay buồn, dù có hay hoặc dở; chúng tôi bây giờ đã là những người “thất thập cổ lai hi”, từ nhiều nơi trên đất Mỷ, quay về gặp nhau để cùng ôn lại, hướng về một dĩ vãng “tối tăm” của những năm 1976-1977.  Là những người lính chiến đã “gảy súng” gần 40 năm về trước, vào một ngày cuối tháng Tư, ngày mà nhiều nhà văn, nhà báo đã gọi là Tháng Tư Đen, và thi sĩ Thanh Nam đã viết:
                Một năm người có mười hai tháng
                Ta trọn năm dài một tháng Tư

*
Sau một năm tại các “ trại tập trung cải tạo” Suối Máu, Long Giao trên miền Nam; tháng Sáu năm 1976, bọn tôi có lệnh “chuyển trại ”. Cứ 40 người lên một chiếc GMC, hoặc Molotova bít bùng để bị chở xuống Tân Cảng Sài Gòn, nhét chật cứng vào những khoang tàu mang tên Sông Hương, dùng để chở súc vật, chở than...  Suốt đêm mất ngủ, trong tâm trạng thất vọng đến tận cùng, bọn tôi lặng lẽ nhìn nhau thở dài.  Chen chúc trong những hầm tàu hôi hám, bẩn thỉu, những tiếng thở dài lặng lẽ, những tiếng chép miệng âm thầm.  Hình ảnh cha mẹ, vợ con, anh em, các bạn đồng ngũ, bạn đồng tù kẻ đi người ở.... với tương lai đen tối thăm thẳm, mịt mù trải dài trước mặt.

Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ là họ đưa chúng tôi ra Phú Quốc, nhưng sáng hôm sau khi nhìn những vệt nắng chiếu trên thành tàu, đoán được là tàu đang chạy về hướng bắc.  Sau bốn ngày đêm lênh đênh trên biển trong những khoang tàu người chật cứng. Kẻ nằm người ngồi, say sóng la liệt; ăn uống, đại, tiểu tiện một chổ. 

Tàu cặp bến Hải Phòng, chuyển sang xe lửa, lại dồn cứng vào những toa tàu bẩn thỉu cũng dùng để chở thú vật, than củi. Xe lửa chạy suốt đêm lên Yên Bái, qua phà Yên Bái, bọn chúng tôi lại bị lùa lên Molotova.  Điểm cuối cùng họ đưa chúng tôi đến là bản Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.  Chúng tôi những người sanh ra và lớn lên tại miền Nam quen với ruộng vườn, sông rạch, cơm gạo, cá tôm của đồng bằng bát ngát, trù phú.  Bây giờ đối diện với núi rừng mù mịt, âm u, lạ lẫm từ cây vầu, cây sặc, cây nứa, cây bương.... với những âm thanh lạ tai, với tiếng kêu của con chảo chuộc, tiếng chim “bắt cô trói cột” hay tiếng oẳng tác, tiếng vượn hú trong rừng.... Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau, lắc đầu xót xa cho số kiếp của những người bại trận.

Sau một tháng trên miền đất xa lạ của đất nước Việt Nam; quyết không chấp nhận lao tù, đầy đọa; bốn người bạn tù vượt trại, gồm các anh: Nguyễn văn Nhơn, nguyên tiểu khu Kiên Giang, Mai văn Tấn, gốc Thủy Quân Lục Chiến, Lê Hùng, gốc tiểu khu Bình Tuy, Nguyễn văn Ninh, hoa tiêu trực thăng.  Cả trại không ai bảo ai đều cầu nguyện cho bốn người can đãm này thoát được.  Một, là mong cho những người bạn minh thoát khỏi cảnh giam cầm tù ngục.  Hai, là để nhờ vào họ nói lên cho thế giới biết rằng đang có một chế độ tù đày, man rợ tại Việt Nam.  Ba, là thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ miền Nam, để cho bọn CSVN biết rằng chúng không thể giam cầm, hành hạ được chúng tôi như họ muốn và rằng họ không phải là vô địch như họ vẫn tự hào, tự khoe. 

Hai tuần sau, chúng tôi được lệnh dựng gấp năm cái lều nhỏ bằng tre nứa. Lúc đó, có tin đồn đoán chừng bốn người vượt trại đã bị bắt lại.  Nhưng, anh em chúng tôi cứ thắc mắc: sao lại  tới năm cái lều?  Sáng hôm sau, Linh mục Thành bị bắt vào trại kiên giam này.  Như vậy, cha Thành là người đầu tiên bị cùm vào một trong các khu kiên giam ở trại hai này.  Nghe nói cha Thành là người đã trang bị tinh thần, đã cầu nguyện, khuyến khích cho bốn người đào thoát.  Quả thật, bốn người bạn mà chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng đã thất bại sau 16 ngày trèo đèo, lội suối.  Thiên nhiên quá khắc nghiệt, chỉ sau một cơn mưa, những suối cạn trở nên đầy nước, chảy xiết qua các gềnh đá thật nguy hiễm, họ không thể nào vượt qua được.  Chúng tôi nhìn nhau thở dài lặng lẽ.

Lại chuyển trại, không chỉ chuyển người, mà chuyển tất cả vật liệu xây đựng trại. Cả đoàn tù buồn nản khiêng vác, gồng gánh từ cây cột nhà, từ cái chảo nấu cơm, bàn ghế, tre nứa... Từ bản Mường Thải chúng tôi bị chuyển về bản Mường Cơi.  

Suốt ba tuần lễ liền, sáng đi chiều về.  Bắt đầu cho chế độ hành xác từ đây.  Đến một bãi tranh cao ngập đầu hạ trại, cất nhà, làm rào.  Tự dựng trại, tự làm rào, tự giam mình vào trong, trên mảnh đất dưới chân một ngọn núi trong dãy Tam Đảo, gần bản Mường Cơi, bên dưới đèo Lũng Lô, cách huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La khoảng 6 cây số.  Chúng tôi đốn nứa đan thành những tấm tranh - gọi là tranh nứa – lợp nhà.  Đốn cây rừng làm cột, làm kèo.  Đan phên nứa làm giường ngủ....Tự ổn định lấy cuộc sống lao tù.  Tại đây chúng tội được nghe những tiếng Việt mới, lạ tai như: nội vụ, ăn gô óng cóng, xích đông,...  Nước sông, công tù, chúng tôi vào rừng chặt cây, đốn củi, cắt tranh, đào cấp chè thuê cho hợp tác xã bản Mường Cơi, chuyển gỗ cho hợp tác xã cưa xẻ.  Chuyển gổ là một công việc lao động rất nặng nề, và rất nguy hiểm; ăn đói, khuân vác những mảnh gỗ nặng trên triển núi đá tai mèo trơn trợt, chỉ sơ sẩy là mất mạng như không.  Phải chăng đây là chủ đích triệt tiêu sức đề kháng, tiêu diệt tinh thần chống đối của chúng tôi; là sách lược giết người để trả thù của bọn người thắng trận trong thế kỷ thứ 20Chúng tôi  chia xẻ gian khổ, nhọc nhằn, đói rét tại đây hơn một năm dưới chế độ quân quản của đoàn 776 (thành lập tháng 7 năm 1976 ).  Phải nói, thời gian này là thời gian dễ chịu nhất trong những năm trên đất Bắc, được đi ngoài lao động tương đối tự do; ăng-ten, tuy có, nhưng rất ít vì dù sao quân đội quản lý cũng dễ thở hơn ở các trại do bọn công an canh giữ, sau này.

 Ở trại này một thời gian, Ninh lại vượt trại. Đang đêm, một mình Ninh thoát ra ngoài, đạp lên đá tai mèo của núi rừng Tam Đảo mà đi. Toàn trại ngưỡng mộ lòng can đảm, lo lắng và cầu nguyện cho Ninh.  Người sĩ quan trẻ tuổi của Quân Lực miền Nam, người đã được đào tạo để bay bổng, sở trường đi mây về gió, một mình len lỏi trong rừng già bạt ngàn chớm chở, chấp nhận hiễm nguy, quyết thoát vòng tù ngục.  Nhưng, thiên nhiên lại quay mặt với người thất thế.  Trong đêm tối, Ninh trượt ngã, bị thương chân không di chuyển được, nằm lại hai ngày đói khát, lạnh lẻo trong tận cùng tuyệt vọng.  Cuối cùng Ninh bị bắt lại.

Đang từ miền nắng ấm của miền Nam (ấm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) chúng tôi bị đày ra miền lưới núi – Nước Sơn La ma Vạn Bú – Ở đây, chúng tôi phải nhận chịu cái lạnh khủng khiếp mùa Đông đầu tiên trên đất Bắc, có ngày nhiệt độ xuống dưới một, hai độ bách phân.  Người dân địa phương cho biết đã lâu lắm mới có năm lạnh quái ác như thế.  Ăn đói, áo quần không đủ, đi chân đất trên đường ướt trơn trợt, dưới mưa, đá tai mèo sắc như dao, lao động khổ sai.  Đói trong, lạnh ngoài, lao động nặng nhọc sức khỏe chúng tôi như tuột dốc.  “Họa vô đơn chí”, trại chúng tôi bị cháy trong mùa Đông năm đó. Những gian nhà dựng tạm; sơ sài che mưa chắn gió, ngăn đở phần nào sương lam chướng khí, đã bị tai nạn, bắt lửa trong lần đốt cỏ khô gần trại.  Vật liệu xây dựng trong tinh thần “khó khăn khắc phục” vàlao động sáng tạo” của chế độ “Xả Hội Chủ Nghĩa ưu việt”, gồm tre nứa, tranh cỏ nên bắt lửa thật nhanh.  Loáng cái, toàn trại bị lửa san bằng.  Có một số nhà (đội) bị cháy hết chăn màn, áo quần.  Lại màn trời chiếu đất, trong thời tiết cuối Đông, sương khí lạnh lẻo của núi rừng thượng du Bắc Việt. Chúng tôi phải lên rừng khiêng củi (phải chọn củi to mới cháy bền qua đêm) về đốt sưởi.  Đêm đêm, mọi người nằm quây co ro bên những đống lửa hắt hiu như cuộc đời tù hiu hắt.  Lại chặt nứa, cắt tranh; lần này phài đi xa hơn, mãi tận đèo Lũng Lô, vì “vật liệu xây dựng” gần trại đã bị chúng tôi khai thác, tận dụng lần trước.

*
Sau trên dưới 20 năm lưu lạc trên đất người, những người tù trại hai Sơn La năm xưa, bây giờ ai cũng đã trên dưới 70, sau những tháng năm dài làm việc trả nợ áo cơm, để ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, tự do mà chúng tôi đã chấp nhận là quê hương mới của mình.  Bây giờ, cho dù ổn định hay chưa, ai nấy cũng đã mắt mờ, tóc bạc, sức khỏe đã mỏi mòn, quỹ thời gian trước mặt được tính bằng năm tháng. 

Theo lời đề nghị, kêu gọi của Lê Hùng, chúng tôi gặp lại nhau tại nhà Hùng vào đầu tháng Chín vừa qua.  Tuy rằng gặp nhau hơi muộn, cũng có phần vội vàng, nên chỉ kêu gọi được những anh em ở gần, thường xuyên liên lạc.  Nhưng cũng có những người ở xa về hợp mặt. Đó là Mai Văn Tấn từ Indiana; Huỳnh Hồng từ  Houston, Texas; Nguyễn Như Được từ San Jose, California; cùng một số các anh từ các vùng phụ cận.

Hẹn nhau 2:00 giờ chiều, nhưng 12:00  giờ trưa, anh em đã lần luợt đến.  Những người của 35 năm về trước, bây giờ hoàn toàn thay đổi ( tất nhiên rồi !), thật khó nhận được nhau.  Hùng, là chủ nhà, phải giới thiệu lại từng người, lời giới thiệu luôn luôn bắt đầu bằng câu hỏi: “Nhớ ai đây không?”.  Chỉ với câu hỏi đã nói lên sự quen biết ngày nào.  Sau những tiếng “ À!” , “Ồ!” hoặc “ Trời ơi!” là những cái siết tay và những tiếng cười dòn dả, nhưng vẫn ẩn chứa vẽ ngậm ngùiCó hàng ngàn chuyện để nói, để hỏi, để kể.  Sau đó nó chuyển ông về đâu?  Ra trại năm nào?  HO hay vượt biên?  Định cư ở đây (đó) từ đó tới giờ à ? Còn đi làm hay đã nghỉ  hưu?  Tụi nhỏ có ở gần ông bà không ? .... 

Điều cảm động là Linh Mục Thành cũng đến hợp mặt với chúng tôi.  Trông cha không thay đổi mấy, nhận ra cha liền, khỏe mạnh hơn những ngày ở tù nhiều (là tất nhiên !). Cha vui vẻ đùa “Hôm nay lại được ăn tươi đấy à ?  Nhớ chia chác cho đều, cân đong đo đếm cẩn thận nhá !”; chỉ là lời đùa, nhưng cả hình ảnh đói rét ngày nào chúng tôi đã gánh chịu, chia xẻ hiện về.  Chen lẫn những lời kể, những lời nhắc lại những ngày ở trại  hai, và các trại sau đó, là những câu hỏi về sức khỏe: cholesterol, áp huyết, đường, mở trong máu ....

Câu chuyện lại xoay quanh những ngày ở trại hai, rừng vầu, rừng sặc, nương tranh, đồi sắn, con suối mát trước bản Mường Cơi, những buổi trưa hè vác vầu về nghĩ, những cối giã gạo bằng sức nước trên những con suối nhỏ trong rừng....  Cả những ngày “đói” thuốc lào, thuốc lá....

Chúng tôi cùng ôn lại quảng thời gian nhọc nhằn, tủi cực, đày ải, lao tù.  Người kể, người hỏi, người nhắc bổ khuyết. Chen lẩn trong tiếng cười tiếng nói là tiếng thở dài uất nghẹn.  Có lúc không gian như chùng xuống, mọi người im lặng ngậm ngùi khi nhắc đến những người đã nằm xuống trong ngục tù; xác thân đã vùi nông bên bìa rừng, dưới chân núi trên miền đất đầy thù nghịch, tàn ác.  Chừng như:
                               
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm.
Tô Thùy Yên

Sau vài phút chuyện trò, hình ảnh củ hiện về cho dù năm tháng đã làm thay đổi không ít.  Nguyễn Hoàng Lâm âm thanh vẫn dòn tan, Nguyễn Như Được điềm đạm như ông đồ không mặc áo lính, Huỳnh Hồng, Lê Đình Long vẫn thon thả, nhanh nhẹn như thanh niên. Còn Bùi Ngọc Long rôm rả bắt chuyện từng người, Mai Văn Tấn mái tóc muối nhiều hơn tiêu cười hoài không nghỉ, Lê Công Hân trầm tư như ông giáo làng, anh Xuân vừa qua cơn stroke nhẹ vẫn cố gắng tìm về, bình thản chiết tự “chử lâm do ba chử mộc hợp thành”,  anh Sang người thủ kho, “thủ trưởng” của dao tông, dao quắm trại hai cũng cười cười kể chuyện, Trần Ngọc Vân, ôn nhu trầm tỉnh ngồi nghe, Phùng Quang Thế, người cựu sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt giữ eo” thật khéo, chừng như “trẻ mãi không già” ....  Duy có người chủ nhà, Lê Hùng xem chừng vui  hơn hết, nhanh nhẹn bắt chuyện người này, hỏi thăm, đùa cợt người kia, nói cười luôn miệng.  Buổi hợp mặt được nối dài bằng điện thoại với Võ Ngọc Long, thiết giáp, ở Tennessee; Nguyễn Văn Chương , BĐQ ở Arizona; Nguyễn Gia Khánh ở Sacramento....  Nói hoài không hết chuyện:

                                Ta về như lá rơi về cội
                                Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
                                Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
                                Giải oan cho cuộc biển dâu này
                                Tô Thuỳ Yên.

Ánh đèn từ các trụ điện bắt đầu tỏa sáng lên thành phố Westminster, một số anh ra về, một số ngồi lại; cha Thành kiên nhẩn, từ tốn ngồi lại, thỉnh thoảng góp lời, bổ khuyết cho những lời chuyện kể.  Ninh đến, dù nhà xa và bận việc, muộn màng vẫn góp mặt.  Câu chuyện lại quay về với  lần vượt trại thứ hai “solo” của Ninh và những ngày nằm trại kiên giam.  Ninh điềm đạm, nhẫn nha thuật chuyện, thỉnh thoảng thoáng lên nụ cười thú vị về cách hành xử của bọn người Bôn- sê- vich. Ninh nói:
-          Đánh tôi nhiều nhất là tên cán bộ mập mập đen đen đội nhà bếp, tên gì tôi quên mất, và tên cán bộ y tá, cứ cái chân đau của tôi mà nó đạp.  Nhưng đánh độc nhất là tên cán bộ Hướng và tên cán bộ Dự, nó đứng hẳn lên chân đau tôi tung những cú đấm thẳng tay vào mạn sườn tôi.  Cứ mỗi cú đánh , kèm theo tiếng chửi “Địt mẹ mày, địt mẹ mày. “
-          Có cách gì né né, đở được không ?
-          Không, hai tay mình bị còng quặt ra phiá sau, ngồi bệt trên nền đất, hai chân duỗi thẳng về phía trước; cả phần thân thể phía trước bày hàng ra hết, hứng trọn (cười).  Có lúc tôi tưởng xương sườn tôi gãy vụn.  Thú thật, lúc đó tôi kể như mình đã chết, cả phần thân thể này coi như không còn là của mình nữa.  Mà thật vậy, mình đã chết từ ngày 30 tháng Tư rồi mà.  Kệ.  Có lần, đi uống rượu đâu về, hai thằng luân phiên vào đánh tôi, thằng này mệt ra nghỉ, thằng khác vào đánh.  Thấy tôi không kêu la, tên đứng ngoài cười khẩy “Lì nhẩy! “.  Từ đó nó đổi cách chửi sau mỗi cú đánh “địt mẹ lì, địt mẹ lì” hoặc “lì này, lì này”.....  Bởi nhà kiên giam hẹp, nếu không chắc hai thằng chơi tôi một lượt rồi ( cười)Bọn nó mệt thở ồ ồ mà không chịu nghỉ, sao hăng thế không biết ( cười).
- ………………………………………………………………

Có chăng hận thù giửa thế hệ thanh niên của hai miền đất nước? 
Phải chăng hận thù là “chất xúc tác” cần thiết để người Cộng sản tiến hành cuộc chiến tranh bất chánh, vô nhân, phi nghĩa.  Khi kéo một người thanh thiếu niên 15, 16 tuổi ra khỏi gia đình, khỏi vòng tay của cha mẹ; kéo ra khỏi trường học, để lại sách vở, giấy viết; nhét vào tay họ khẩu súng, lùa đi “xẻ dọc Trường Sơn”, những người Cộng sản cần có lý do để biện minh cho chính sách cứng rắn, tàn ác của họ.  Trường học, xã hội là nơi nuôi dưỡng, tạo ra hận thù, xây dựng nên tính ác cho học sinh, cho thanh thiếu niên, và cho người dân tại miền Bắc, để chuẩn bị cho chiến tranh.  Trong giáo dục qua sách vở, họ lợi dụng tối đa ngôn ngữ để phát tán, làm nẩy nở hận thù cho mục đích mà họ đã nhận từ Cộng Sản Quốc Tế.  Với lập luận “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện”, họ không từ một phương tiện nào để thực hiện mục đích.  

Chính trị, tuyên truyền được CS đưa vào học đường, vào giáo dục nhồi nhét hận thù vào trí óc non nớt của trẻ thơ bằng những bài học, bài làm, trong lớp học từ văn tới toán như: bắn rơi máy bay Mỹ, bắt giặc lái, diệt phản động, giết Việt gian... và ngoài xã hội họ xử dụng lời ca, câu hát, hò, vè để kích động, tạo dựng hận thù....   Cũng qua sách vở, bằng giáo dục họ xây dựng tính ác cho trẻ thơ ngay từ trong lớp học, ngay từ lúc “nhân chi sơ...”  và ngay cả trong xã hội bằng những động từ kích động như: diệt gọn, trừng trị, đền tội, tiêu diệt.... Đồng thời dùng những tỉnh từ khích động như: dũng cảm, ngoan cường, anh dũng, vẽ vang, kiên quyết….   Ngôn ngử được lợi dụng tối đa nhằm mục đích tuyên truyền, tạo dựng hận thù để chuẩn bị chiến tranh. CS dùng những hình ảnh tưởng tượng, dựng đứng ra như:  Lê văn Tám tẩm xăng vào người đốt cháy làm đuốc, đi hiên ngang vào đốt cháy kho đạn, Cù chính Lan tay không bắt sống xe tăng, Tạ thị Kiều đánh đoạt đồn Bảo An bằng một con khỉ, hoặc Nguyễn văn Trổi “trước phút thiêng liêng anh gọi bác ba lần”(1)... Trong xã hội, trong giao tiếp họ luôn dùng những từ ngữ như nhản hiệu có mục đích kích động, tuyên truyền, khêu gợi hận thù như: thực dân, Việt gian, đế quốc, tay sai, bán nước, phản động, phản quốc, ác ôn, ngoan cố....  Hận thù bao trùm lên xã hội miền Bắc như không khí hít thở.  Người thanh niên miền Bắc lớn lên trong môi trường thù hận, như cây cỏ của miền nào lớn lên trong điều kiện thời tiết khi hậu của miền đó.  Giáo dục, tuyên truyền, khủng bố đã gây sự biến thái về nhận thức đạo đức của con người; thụ động, lệch lạc trong quan niệm thiện ác, tốt xấu, đúng sai.   Học đường, xã hội, đã nuôi dưỡng họ lớn lên bằng thù hận, cho nên có cơ hội là tính ác của họ phát tác một cách tự nhiên, tích cực; mù quáng trong phán xét và nhận định, làm ác mà không biết là ácHọ trở nên vô tâm, tàn nhẫn, bắn giết, pháo kích vào trường học, vào phố xá, vào dân cư, vào đàn bà trẻ con đang hốt hoảng tìm nơi trú ẩn.  Họ cứ nghĩ, cứ tưởng họ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chân lý, chính nghĩa.  Tính ác đó được nuôi dưỡng cho tới tận ngày nay, họ thản nhiên sống xa hoa hưởng thụ, phung phí bên cạnh trẻ con, người già tìm sống lang thang bên lề đường hay đống rác.

Trong khi người thanh niên miền Nam lớn lên trong xã hội với nền văn hóa đạo đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và trưởng thành trong nền giáo dục nhân bản “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”.  Trong xã hội, trong giao tiếp, trên tinh thần tương thân và nhân ái “ Thương Người Như Thể Thương Thân” hoặc “ Lá Lành Đùm Lá Rách”.  Những người thanh niên miền Nam đứng lên cầm súng bảo vệ phần đất mà mình đang sống, đã nuôi dưỡng mình khôn lớn, như điều Tâm Niệm Thứ Nhất : “ Tôi là chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, gia đình và của chính bản thân tôi”(2).  Những người thanh niên miền Nam đi vào chiến trận chỉ để bảo vệ sự sống còn của chính bản thân mình, gia đình mình, và Tổ Quốc.  Không mảy may gợn chút hận thù, người thanh niên miền Nam đi vào chiến trận bằng tình yêu thơm nồng nhân ái : tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu tự do, yêu lịch sử, văn hóa, yêu xóm giềng, làng mạc, yêu đồng bào....  Ta hảy nghe người lính miền Nam, Nguyễn Bắc Sơn đi vào chiến trận:

                Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
                Đi hành quân rượu đế vẫn đem theo
                Mang trong đầu một ý tưởng trong veo
                Xem chiến trận như là chuyện tai trời ách nước.

Chính thế, người thanh niên miền Nam đi vào chiến trận bằng tình yêu bát ngát, với “ ý tưởng trong veo”, và ý niệm tự bảo vệ mình, phần đất mà minh đang sống, và bảo vệ tự do, và chiến trận chỉ là ...tai trời ách nước.  Tôi cũng nghiệm ra rằng phải chăng ý tưởng trong veo, hồn hậu nầy là một nhược điễm trong cuộc chiến tranh với bọn người gian manh quỉ quyệt, lắm thủ đoạn, tinh ma, tàn ác.  Tôi cũng chợt nhớ ra rằng để bảo vệ mùa màng, cây trái; ở quê tôi, người nông dân đã phải dùng thuốc sát trùng cực độc mới diệt được sâu rầy, côn trùng phá hại mùa màng, bảo vệ hoa màu.

Ngồi tựa lưng vào tường, lơ đãng nhìn ra những mảng bóng tối dưới tàng cây ăn trái trong sân sau nhà Hùng, những lời kể “trong veo” của Ninh đã đưa tôi trở về một đêm tối của núi rừng Sơn La.

Trong lúc Ninh đang cắn răng hứng trọn những quả đấm thẳng cánh vào mạn sườn với những cú đạp bằng tất cả sức mạnh vào vết thương chân trong trại kiên giam, kèm theo những tiếng chửi tục tằn, thô bỉ.   Ở một góc sân trại trước nhà đội 7 và đội 8, có một cái bàn, trên đặt một cái đèn bão tỏa ánh sáng nhờ nhờ, tên chính trị viên trại vung tay múa chân kể lể “công lao trời biển cuả đảng và nhà nước”, kết án bằng những lời lẽ nặng nề nhất, sĩ vã cả chế độ miền Nam, cả những người thua trận, thằng này, thằng nọ, lên án nặng nề hành vi chối bỏ “học tập cải tạo” cuả Ninh. 

Toàn thể trại viên (tạm gọi thế) ngồi bó gối  co ro trên nền đất, cố thu mình thật nhỏ lại trong hơi lạnh toát ra từ núi đá, dưới sương đêm lạnh lẽo từ trời cao.  Sau một lúc lâu, có lẻ đã cạn lời kể lể và nhục mạ; tên chính trị viên trại kêu gọi phát biểu “liên hệ bản thân, nói lên tội lổi, sai trái, để từ đó thấy được ...”, tiếp tay lên án Ninh.

Một trại viên “cò mồi” nhanh nhẩu đứng lên, trong tư thế đứng nghiêm, tên cò mồi cố nâng cao âm lượng, như để cố đạt được tối đa hiệu quả của ngôn từ cho tròn vai ăng-ten, phản bội.  Sau thủ tục: “Thưa,..., thưa....” Tên trại viên cò mồi dằn từng tiếng một, bắt đầu: “Chó khôn không chê chủ khó.....”.  Tai tôi như ù đi, âm thanh hoảng loạn: “ tốt, tốt, học tập, lao động, khoan hồng, độ lượng...tốt, tốt...”.Tôi nhắm mắt, không còn phân biệt được lời nói và những âm thanh nhiểu loạn từ mãi tận đâu đâu.  Có lúc tưởng như lạc vào một trại chăn nuôi; lạc vào chuồng vịt, cả đàn vịt hốt hoảng kêu la, chạy tán loạn; có lúc thấy như lạc vào chuồng heo, bầy heo gào thét ồn ào, ầm ỉ, náo loạn,....

Bổng nhiên mọi âm thanh im bặt, yên ắng trở lại.  Tôi mở mắt ra, rùng mình vì hơi lạnh; mọi người ngồi im lặng, hơn 350 người ngồi yên như hơn 350 pho tượng, không khí như đặc lại mặc dù đang ngồi ngoài trời.  Tên trại viên cò mồi tưởng đã làm xong nhiệm vụ, tưởng đã đủ điểm, hân hoan ngồi xuống.  Tên chính trị viên trại tiếp tục nói, sau cùng lại kêu gọi phát biểu, không ai đưa tay, hắn xử dụng quyền chỉ định, Cha Thành được gọi tên.

Tưởng nên có đôi dòng về vị linh mục kiên cường này, Cha Nguyễn Công Thành nguyên là Linh Mục Tuyên Úy của Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, đơn vị hàng đầu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Như trên đã kể, cha Thành là người đầu tiên bị cùm vào trại kiên giam tại miền Bắc và tên chính trị viên trại hai đã đánh giá: ”Anh Thành cứ mổi lần đọc một câu kinh là thêm một câu chống cộng”.  Mặc dù trong trại tù kềm kẹp, ăng-ten như rươi , cha vẫn âm thầm làm lễ và rửa tội cho các anh em bổn đạo.  Sau đó, cha có rất nhiều lần bị cùm chân trong các trại kiên giam vì đã hành xử thiên chức của mình, nhưng không bao giờ khuất phục.  Có lẽ cha đã nhận lấy trách nhiệm phải hổ trợ, an ủi, làm điểm tựa  tinh thần cho những người đang ở tận cùng địa ngục, kể cả Lương lẫn Giáo nên không bao giờ chùng bước.  Cha thản nhiên hy sinh, chấp nhận mọi nhục hình để hành xử thiên chức của mình.   Người mảnh khảnh tưởng như không chịu nổi một ngày lao dịch, nhưng cha đã qua tất cả những trại tù hắc ám nhất tại miền Bắc, kể cả trại Cổng trời ở Hà Giang (nơi có độ cao gần đụng trời, và là nơi tù chuẩn bị về trời); nhận chịu tất cả mọi hình phạt, mà những người Cộng sản đã nghĩ ra được để trả thù, để thỏa mãn bản tính hung ác, thù hận của họ.  Nhưng lúc nào cha cũng vẫn kiên cường, bất khuất, an nhiên, điềm đạm âm thầm hành xử thiên chức của mình trong tinh thần “uy vũ bất năng khuất”.

Cha Thành từ từ đứng lên, sau vài giây im lặng như để quyết định thái độ, và chọn lựa ngôn từ.  Cha nhỏ nhẹ, rỏ ràng, từ tốn, bắt đầu: “Tôi xin phát biểu trong tinh thần kính Chúa và yêu người.....”.  Mọi người như tỉnh dậy, căng mắt ra nhìn, chăm chú lắng nghe, có phần hồi hộp vì thái độ bất khuất của người lãnh đạo tinh thần này.  Trong suốt thời gian phát biểu cha không hề xử dụng những ngôn từ người cộng sản thường dùng, cũng như không nhắc tới  những tiếng “tội lổi” hay “khoan hồng, độ lượng” gì cả.  Bằng lời lẽ trong sáng, tự tin, cha chấm dứt trong sự ngưỡng mộ của mọi người.  Một sức bật phi thường, một lằn ranh giửa thiện và ác hằn lên rỏ rệt.

Trong những năm tù đày, quả thật chúng tôi đã trả một gíá quá đắt cho sự thất bại của miền Nam, nhưng cũng từ đó mà nhận ra được con người trong đời sống đã “thiên thần” ra sao và “ác quỷ” như thế nào.  Cũng từ đó mà phát sinh tình cảm vui và buồn lẩn lộn; vui vì trong hàng ngủ mình vẫn có những người thua nhưng không đầu hàng, không khiếp nhược, không cúi đầu trước loài quỷ dử.  Buồn, vì vẫn có người vì chút “ân huệ” hoặc lời hứa hẹn của người giam giử mình, hay vì để được chút nhàn hạ tấm thân mà hèn mạt bán rẻ danh dự, phẫm chất của mình chạy theo ve vuốt, xu nịnh kẻ thù; bán rẻ bạn bè, đồng đội, đồng cảnh....

*
Đại hạn phùng cam vũ, tha hương ngộ cố tri ”.  Huống chi, chúng tôi những người cùng hoàn cảnh, đã chia sẻ nhọc nhằn, đói rét, tủi nhục nhiều năm liền trong tù ngục .  Có cơ hội gặp nhau trên xứ người, chuyện hoài không dứt.  Những người “ cùng một lứa bên trời lận đận”  hẹn năm sau lại tập hợp điểm danh.
Người trại hai năm cũ
Từng vác nứa, gánh tranh,
Bản Mường Cơi, Mường Thải,
Tháng năm dài lao dịch
Đói rét ta cùng chia
Khi mẩu sắn, củ khoai
Bi thuốc lào, thuốc lá
Bây giờ bạn ở đâu ?
Ta tìm nhau gặp lại
Dung Ngã
...........................................................................
(1)    Tố Hửu
(2)    Điều thứ nhất, sáu điều Tâm Niệm của người Chiến sỉ Việt Nam Cộng Hòa