Cái tin bà Alice Munro nhận giải năm nay được đón nhận với sự tán đồng của dư luận thế giới , trái ngược hẳn với người nhận giải năm ngóai là nhà văn Trung quốc Mạc Ngôn mà dư luận hiểu biết cho rằng những ẩn ý chính trị đã che lấp đi ý nghĩa văn chương của giải thưởng khi hội đồng chấm giải quyết định trao giải cho nhà văn này. Với Alice Munro là người nhận danh hiệu, giải thưởng văn chương đã trở lại là một giải thưởng văn chương thuần túy như nó phải là thế.
Thực ra, trong thế giới những người đọc không đòi hỏi lắm ở văn chương những thiên chức mà có thể nó không bao giờ có được, thì cái tên Alice Munro không mấy xa lạ. Những truyện ngắn của Munro phản ánh một thế giới có thực chung quanh bà mà nhiều nhà phê bình cho rằng có thể, qua tác phẩm của Munro, nhìn thấy một thành phố tỉnh lẻ ở Ontario, Canada, và những con người ở đó. Đó là nơi bà sinh sống, cùng chồng làm chủ một hiệu sách địa phương.
Trong những truyện ngắn được viết trong chiều dài thời gian hơn 4 thập kỷ rưỡi, khởi đầu với tuyển tập “ Dance of the happy shades”(1968) đến tuyển tập mới nhất “ Dear Life”(2012) mà Munro đã coi như tác phẩm cuối cùng, người đọc – qua ngòi bút giản dị, trong sáng, thông minh, tinh tế của nhà văn nữ khiêm tốn này – đã nhận ra chân dung nhiều mầu sắc của những con người bình thường và thế giới nội tâm rất đỗi “ thường ngày “ của họ : lòng thành thực, khả năng dối trá, sự khôn ngoan, sự cam chịu v.v.. . Tất cả những điều ấy được diễn tả không phải bằng thái độ phê phán mà bằng một thứ tình cảm nghiêm khắc , không ủy mị đến từ tấm lòng một người bạn , một người thân yêu trong gia đình.
Nhân vật trong truyện ngắn của Munro là những phụ nữ . Và cũng như chính tác giả, họ là những con người tỉnh lẻ. Trong từng giai đọan của cuộc sống, có lúc họ phải đối diện với sự lựa chọn : hoặc tiếp tục sống hết đời ở nơi họ sinh ra hoặc can đảm dấn thân vào một cuộc sống bấp bênh bất trắc nơi một thế giới rộng lớn hơn ngòai kia. Những ý niệm thiết thân , những vấn đề tuy nhỏ mà tầm vóc của chúng chiếm trọn vẹn tâm trí – và cả cuộc sống – của họ : Tình yêu và tính dục, hôn nhân và ngọai tình, ước muốn độc lập và nhu cầu được/bị lệ thuộc, mộng mơ và cảm thức tự hủy diệt độc ác, tất cả như một tấm gương phản chiếu các ngõ ngách tâm hồn những nhân vật trong truyện ngắn của Alice Munro. Về khía cạnh này, theo nhà phê bình văn học lỗi lạc người Mỹ đã từng đọat giải Pulitzer, Michiko Kakutani, thì những nhân vật Nữ của Munro tương tự như những nhân vật Nam của John Updikes. Họ thường bị lâm vào tình huống phải có những lựa chọn khó khăn , bị giằng co giữa những khác biệt của tập tục, của văn hóa, của những mệnh lệnh đối đầu nhau đến từ tận cùng sâu thẳm của chính mình.
Trong những truyện ngắn của Munro, nhân vật là những con người bình thường với những ưu tư, lo lắng, quan tâm cũng rất bình thường. Giải thưởng Nobel văn chương trao cho Alice Munro, cũng có nghĩa là đã đến lúc người ta muốn văn chương phải trở về với mục tiêu nguyên thủy, đầu tiên và cuối cùng, là phản ánh đời sống con người ở hình thức đơn giản nhất, thực nhất , không tô son vẽ phấn, không khóac áo màu mè sặc sỡ với những thiên chức được áp đặt bởi những thế lực ngòai văn chương.
Lần đầu tiên, giải thưởng văn chương cao quý này được trao cho một nhà văn chỉ chuyên viết truyện ngắn. Như lời của chính Alice Munro phát biểu ngay sau khi biết tin mình nhận giải “ Tôi thực sự hy vọng rằng , với vinh dự này của cá nhân tôi, người ta sẽ phải xem truyện ngắn là một nghệ thuật quan trọng, chứ không phải chỉ là thứ người ta làm tạm bợ trong lúc chờ hứng khởi hòan thành một tác phẩm tiểu thuyết “.
Như thường lệ hàng năm , trong việc giới thiệu các tác giả đọat giải thưởng Nobel về văn chương, các nhà xuất bản sách , các dịch giả thuộc đủ lọai ngôn ngữ trên thế giới, sẽ lại bận rộn với những tác phẩm của Alice Munro. Không như năm ngóai với nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, trước đó đã có rất nhiều tác phẩm của ông này được dịch sang tiếng Việt, năm nay có lẽ ở Việt Nam người ta sẽ được nhìn thấy nhiều đầu sách (tuyển tập truyện ngắn ) của Alice Munro trên các kệ sách các cửa hàng bán sách. Cho đến nay, mới chỉ có một tập truyện ngắn của Alice Munro được giới thiệu ở Việt Nam, đó là tập “ Trốn Chạy “(Runaway) , được Trần Thị Hương Lan dịch, Nhã Nam và NXB Văn học xuất bản năm 2012 .
Còn về giới viết lách Canada, thì chắc chắn đây là cơ hội tốt nhất để thế giới quan tâm nhiều hơn đến nền văn học xứ sở này. Alice Munro thú nhận rằng “ khi tôi khởi sự cầm bút, không có nhiều những nhà văn người Canada và thế giới cũng không biết nhiều đến chúng tôi. Nhưng nay thì đã khác, nhà văn Canada được thế giới biết đến, được ngưỡng mộ và được kính trọng trên tòan cầu.”
Quả thật, một giải thưởng tầm cỡ như giải thưởng Nobel, đem lại rất nhiều thứ cho người nhận giải : tiền bạc, danh vọng, đôi khi cả sự phiền tóai, và xứ sở của người nhận giải cũng sẽ được hưởng lây nhiều thứ khác.
Trông người mà không dám nghĩ đến ta.
T.Vấn