văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, July 27, 2021

HUY VĂN ** 40 Năm nhớ biển và người


Biển vỗ sóng rì rào dưới ánh trăng vằng vặc. Con đường tản bộ dọc theo bãi tắm đông nghẹt người qua lại. Ánh điện từ hàng quán vươn đến sân khấu lộ thiên, trải dài xuống tận mé nước. Chương trình nhạc sống giúp vui du khách thu hút một số lượng khán giả đáng kể, đa số là những mái đầu đã nhuốm màu gió sương. Họ đang say sưa thưởng thức từng giai điệu đã một thời vang bóng, đa số bài hát là những ca khúc nổi tiếng trong thời Hippie của chính họ.


The Sea Breeze! Ban nhạc bao gồm những nghệ sĩ đã hai thứ tóc, nhưng phong cách trình diễn vẫn trẻ trung và sinh động. Khán giả và nghệ sĩ thoải mái đưa nhau về quãng đời sinh động của tuổi trẻ hồn nhiên với Listen People, Bus Stop, California Dreaming, Happy Together, The Letter, The House of the Rising Sun, The End of The World, A Whiter Shade of Pale, I’m a Believer..v/v…cùng những bài hát đã từng mang làn sóng Nhạc POP theo chân Quân Đội Hoa Kỳ du nhập vào Việt Nam cuối thập niên 60.


40 năm! Hôm qua và hôm nay chỉ khác nhau ở mái tóc bạc và làn da bắt đầu nhăn nhúm hay mang dấu đồi mồi. Trái tim son trẻ vẫn còn đó. Đôi chân tưởng đã rã rời vì chống giữ thân thể ngày càng thêm cân lượng bỗng lại nhịp nhàng nhún nhảy theo từng nhịp điệu và tiếng nhạc. Làn gió nhẹ, mát, nồng nàn hương biển, quang cảnh đô hội trên bãi, và âm nhạc vượt thời gian của thời Hippie đã đưa tôi về những ngày mới lớn: những ngày tập tành lê la quán xá, ngồi phì phèo khói thuốc, đóng bộ mặt si tình mấy cô thâu ngân, hay lòng vòng lạng xe cho ra vẻ “ dân chơi “ như mọi người. Mới đó mà đã qua rồi thời vàng son của tuổi dậy thì. Thời của áo cánh dơi – với cầu vai buông thả cho phần phật bay khi lướt xe gắn máy- thời của Đại Nhạc Hội Taberd với sự háo hức, ồn ào của Yé Yé, Choai Choai Sài Gòn trong những năm 65,66,67. Thời của những chiếc xe Nhật nhỏ gọn nhưng bền bĩ, những Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki đó đã làm cho Mobylette xám, Mobylette xanh, xe Puch 2 đèn, Puch 3 đèn, Goebel hai số sang tay và Vélo Solex… v/v… trở thành thô kệch và chậm chạp đến tội nghiệp.


Tiếng sóng đều đặn vỗ bờ hòa với tiếng nhạc quen thuộc đưa tôi về những đêm “ bụi đời “ ngoài Vũng Tàu, bắt đầu từ mùa hè 1967. Vũng Tàu của thời chiến tranh là thành phố trầm lắng, bình dị và an ninh tới mức không hề có giới nghiêm thật sự măc dù vẫn có thiết quân luật như toàn cõi miền Nam bấy giờ. Giới nghiêm chỉ dành cho Lính. Giờ giấc chỉ áp dụng cho quán xá. Khi các xe Quân Cảnh, Cảnh Sát đã không còn thấy rề rề trên đường để “ vớt đẹp” mấy chàng say sưa, phá phách, khi hàng quán đã dọn dẹp và xuống đèn sau một ngày dài xập xình tiếng nhạc và khi tiếng ồn ào của thực khách đã không còn, thì Vũng Tàu vẫn chứng kiến những bàn tay đan, những bước chân tình tự trên bãi đêm và thỉnh thoảng vẫn có tiếng xe gắn máy lạng qua, lướt lại của những ai đi trễ, về khuya, hay tiếng chân của những cặp tình nhân còn muốn kéo dài đêm không muốn ngủ.

40 năm! Thời gian đủ dài để trải màn sương giữa nhớ, quên. Tuy vậy, những nụ cười hồn nhiên vẫn còn đó. 


Vòng tay thơ dại của thuở ban đầu tập làm người lớn vẫn còn đây. Kỷ niệm vẫn đầy ắp hình ảnh của một chuyến đầu tiên “ bụi đời “ cho cả nhóm. Một mái tóc “ bum bê “ làm nam châm cho năm mạng húi cua tha hồ chìu chuộng và tranh nhau lấy điểm trong tinh thần hết sức phóng khoáng và tự nhiên. Tuổi “ choai choai “ của thời xưa là thế! Đi trước thời đại và trưởng thành trước tuổi ngay cả trong lúc còn miệt mài ở nửa đường của bậc Trung Học. Chỉ một ngày thứ bảy và một trưa Chúa Nhựt lòng vòng khắp mọi nẻo đường, chỉ một đêm gần như thức trắng nằm nghe sóng vỗ và tâm tình đủ để vẽ trong trang đời một bức tranh tuyệt mỹ về tình bạn không phân biệt giới tính.


Bạn bè xưa bây giờ nơi đâu!? Còn ai nhớ gì về chuyến “ bụi đời lịch sử “ đó hay không? Vật đổi, sao dời. Cảnh cũ đã không còn. Người xưa cũng biệt tăm. Biết nói với ai những lời rất thân ái. Biết gởi về ai những tâm tình bất chợt của đêm nay. Hay chỉ có biển muôn đời gọi sóng và đêm hè lộng gió xôn xao như tự thuở nào!? Nỗi nhớ mang hồi ức vượt thời gian tìm về phố biển để lòng thêm rười rượi chút bâng khuâng. Vũng Tàu đã thay hình đổi dạng đến mức chóng mặt. Nhưng Vũng Tàu của bãi Trước, bãi Sau, của núi Lớn, núi Nhỏ vẫn là một phần đời nhiều kỷ niệm. Buổi ca nhạc đã chấm dứt từ lâu, nhưng lòng tôi vẫn âm ỉ một vài giai điệu quen thuộc đủ để bồi hồi trên từng bước chân thả về khách sạn. Cám ơn đêm hè đông bắc. Cám ơn The Sea Breeze. Cám ơn vòng thời gian 40 năm vừa nối quá khứ vào hôm nay để tôi có cơ hội nhớ biển, nhớ người và tìm lại chính mình của thuở xưa, dù chỉ trong một thoáng mong manh.


HUY VĂN