Hình như thành phố tôi đang ở trời buồn nhiều hơn vui. Mùa đông dài chín tháng, rét căm căm, cắn răng mà khóc. Mùa xuân lẫn trong mùa đông co ro, ẩm ướt, hai tháng mùa hạ oi nồng, một tháng mùa thu tình thơ vội vàng chợt đi, chợt đến, cho đủ một năm mịt mùng, thinh lặng đi qua..
Ngày mùa đông, những ngón tay lồng vào nhau vẫn không đủ ấm. Tóc xỏa dài vẫn nghe buốt giá trong từng hơi thở, dù ký ức có quyện tròn môi mắt của người tình xưa. Tôi không thể kêu trời, vì trời quay mặt. Tôi không thể kêu đất, vì đất không nghe, chưa đến lúc gọi tên tôi về.
Tôi bàng hoàng, thảng thốt dao động theo xoay chuyển bất thường của thời tiết. Đến tháng 4, mùa đông vẫn còn tiếc nuối đổ tiếp một trận tuyết muộn mù mịt đất trời. Tôi lạc giữa freeway, không biết nữa đường về. Cái cảm giác lạc lối – không cửa, không nhà – thường làm tôi khóc lặng lẽ, như những tháng năm còn đi học khi tan trường về mưa tầm tã, tôi hiu quạnh ở cổng trường, lẻ loi đạp xe trên đường phố vắng...Khi cơn bão tuyết chấm dứt, mùa hè bốc lửa cũng lần qua. Nắng chói chang, điên cuồng, hực lửa. Tôi điên dại lăn theo trong nắng. Tôi chờ. Tôi mong. Bất chợt đâu đó... những cơn mưa ngắn ngủi, không ướt đất tìm về.
Tôi mừng rỡ cuống quít. Như gặp lại một người tình xưa. Những cơn mưa mượt mà cây cỏ ở quê nhà, một thời kỷ niệm, một thời thiếu nữ. Tôi theo Cung lang thang ở những vỉa hè, hàng quán, sân trường Đại Học và những trại lính nơi Cung đóng quân. Dễ thương như những bài thơ học trò dung dị tôi đem đi đăng báo một ngày mới lớn. Chiều chuộng nhau như những yêu dấu của cuộc tình đầu.
Từ quân trường ngày thứ bảy, Cung phone cho tôi:
- Nhớ Chuyên quá, anh muốn gặp em ghê hồn, nhưng hôm nay xe anh hư, anh lại hết tiền, không đủ cho em đi taxi, mà để cho Chuyên đi bộ, thì tội nghiệp cô bé quá!
Tôi lúc lắc đầu qua điện thoại:
- Chuyên giỏi lắm, Chuyên đi bộ được mà. Tụi mình đi xe lam. Đi xem phim Mayerling rồi về. ( Tự tôi vẫn mê cuộc tình nồng xót xa đằm thắm mà Catherine Deneuve và Omar Shariff đã lãng mạn đắm mình trong nhân vật trên lá vàng ngập lối mùa thu ). Mình không đi ăn bánh cuốn nóng ngõ Phan Đinh Phùng, cũng không xuống Ritz của Jo Marcel nghe Lệ Thu hát “ Mùa Thu Chết “. Được không? À mà Chuyên quên, anh cứ đến đi, Chuyên sẽ chở anh đi bằng xe Cady của Chuyên có cái bảng số gắn trước giỏ không giống ai hết đó! “ Độc nhất vô nhị chỉ là xe của mày “ . Lũ bạn nghịch như quỷ của Chuyên tam quốc chí diễn nghĩa như vậy.
“ Tụi tao nghi ông bố mày sợ mày đi lạc nên gắn bảng số đằng trước cho dễ tìm... “
Tiếng Cung cười vang:
- Chuyên là một người nội trợ giỏi, tính toán hay. Anh sẽ đến em. Chờ anh. Nhưng anh sẽ chở em. Đừng có tài khôn, đòi chở tôi. Bộ cô lớn lắm hay sao?
Cuối cùng Cung giải quyết đi taxi, nhưng tình nghèo nên thôi “ hy sinh “ không đến Mini Rex nữa mà đến Hồng Bàng xem phim Nhật “ Tuổi Đôi Mươi “ có Reiko Dan, nữ tài tử Nhật tôi yêu với chiếc răng khểnh dễ thuơng, mắt long lanh cười hồn nhiên trong nón.
Muộn khuya trở về, mưa cũng nhỏ hạt như đêm nay. Tôi ấm áp bên Cung. Tình trong sáng như gương, như tuổi học trò trên từng trang giấy mới.
Tuần nào cũng gặp nhau, nhưng tuần nào cũng viết và mong ngóng tin nhau.
- Tuần sau anh sẽ đưa Chuyên đi phố và chọn cho em một chiếc áo dài hồng đào thật đẹp và khít khao trên thân thể, như là áo cô dâu, cho dù mai kia... nếu chúng ta không nên vợ, nên chồng chúng ta vẫn đã vì nhau, riêng nhau một đời, mãi mãi...
Tôi nghe Cung nói, tôi thương Cung nhiều hơn – người đàn ông đã nâng niu, gìn giữ tình tôi suốt một thời mới lớn...
Có lúc Cung dõng dạc hỏi tôi:
- Anh sẽ xin cưới Chuyên làm vợ, Chuyên bằng lòng không?
Tôi trả lời tỉnh không:
- Không.
- Tại sao?
- Chuyên đã lớn đâu mà đi lấy chồng, và anh đã lớn đâu mà đòi cưới Chuyên?
- Chuyên không lớn sao Chuyên làm thơ tình đăng báo? Bao nhiêu người ái mộ. Bao nhiêu người yêu Chuyên. Còn anh không lớn sao đã vào quân đội? Đời lính rày đây, mai đó. Anh chỉ sợ Chuyên khổ thôi. Ngoài ra... không có gì cản trở hết.
- Chuyên mới vào Đại Học, Bố Chuyên không gã đâu. Chờ Chuyên học xong rồi hãy tính... Mà anh là lính, làm vợ anh, anh đi hoài, Chuyên ở lại Saigon với Bố Mẹ sao? Còn không, theo anh ở trại gia binh muỗi đốt đã đời vui bằng thích há?
Có phải tôi còn trẻ quá, chưa có những suy nghĩ chín chắn khi nghe Cung nhắc chuyện vợ chồng. Tôi vẫn còn ở trong cái tháp ngà của mình, không hình dung được bên ngoài kia, trời xanh mây trắng, hay lớp lớp mưa giông, trùng trùng bão nổi.
Vì vậy hai đứa bắt đầu lý sự với nhau. Có khi Cung giận tôi cả tuần.
- Tôi là vua ghen, cô không biết sao? Tại hình ảnh trong thơ cô toàn là alpha đỏ, mũ nâu, giày saut, áo trận... Tìm mãi chẳng thấy bóng dáng những con tàu, những chuyến hải hành ở hải đảo xa của tôi. Lâu lâu “ thương hại “ mới “ bố thí “ ở đặc san Lướt Sóng một vài bài phải không? Tôi biết là bồ hết thương tôi, bồ cho tôi ra rìa rồi!
Tôi không biết phải giải thích thế nào cho Cung hiểu. Mà tính hờn dỗi trẻ con của Cung cứ theo đuổi làm tình, làm tội tôi biết bao nhiêu lần. Tôi chọn lựa sự im lặng, bằn bặt, dù sự thật tôi vẫn còn nhớ thương Cung. Tuổi mới lớn nhiều tự ái, cao ngạo, không ai chịu có một phút tĩnh tâm để nhìn lại mình.
... Vậy là chúng tôi xa nhau. Trong một thư viết cho tôi, Cung nói Cung biết rằng không thể giữ được tôi. Hay có phải bởi chúng tôi chẳng nợ duyên nhau, nên chỉ nhìn về nhau để đau và nhớ, để xa xót, ngậm ngùi.
Nhiều năm tháng đã trôi qua. Thăng trầm. Lưu lạc. Mọi thứ đã im ngủ trong một ngăn kín nhất của trái tim mình. Tôi không còn là tôi. Trịnh Thị Mây Chuyên của Nguyễn Hoài Cung, của Giang Đoàn 22, của trại Kỳ Hòa , của đặc khu Rừng Sát, và đơn vị sau cùng của Cung KBC:3361 ngày xưa.
Tôi đã chết theo một vòng quay của kiếp đời điên đảo. Hơn hai mươi năm, đứa con gái thuở nào đã vươn vai mà đứng, đã thôi ứa nước mắt trước những bể dâu. Nhưng mà sao Cung ạ, giọng anh nói từ tiểu bang ngàn thông vọng về cho Chuyên nghe đau xót muôn trùng. Cho em mừng run, cuống quít, khóc nức như những cơn mưa uất nghẹn trong tháng hạ bây giờ. Cái gì? Cung phải không? Chuyên mừng anh yên ấm.
- Sao, cay đắng với anh làm gì? Anh đã tìm em biết bao nhiêu lâu, bây giờ mới gặp được. Nhờ bản tin của một người bạn, anh mới biết em ở đó, một thành phố lạnh quanh năm.
- Anh đang ở đâu, cho em biết.
- Anh đang ở gần Chuyên, nhớ Chuyên và vẫn thương yêu Chuyên.
Năm tháng em đã yên. Đừng khuấy động em. Có bao giờ chúng ta trở về được giòng sông cũ? Xa lắm rồi Cung, mưa Saigon kỷ niệm. Những bậc thang ở cinéma Eden anh nói giống như những bậc tam cấp ở giáo đường mà anh sẽ đưa em đến đó để quỳ xuống trao hoa và mang nhẫn, đính ước một đời bền chặt dài lâu. Đã hết thật rồi Cung. Chuyên xưa đã hẹn với lòng thương anh mãi mãi, sẽ là vợ anh, và cho anh những đứa con kháu khỉnh, dễ thương, nếu anh chịu chờ em năm ba năm cho em học xong trường, lớp. Đã muộn màng rồi Cung giữa cảnh đời nổi trôi, lưu lạc. Ta sẽ làm gì cho nhau, cho tốt đẹp đời nhau giữa một kiếp người đã lỡ? Sáng sáng, chiều chiều em vẫn nghe trong tiếng mưa dĩ vãng năm tháng đã úa nhàu, vẫn còn thú nhận với lòng sao hồn mãi hoài nghĩ đến một cuộc tình xa. Vẫn nhớ thiết tha một giọng Cung hiền như mùi thơm cây trái, nhưng Cung thân yêu, có phải không tất cả đã là quá khứ. Như bây giờ, trước mặt, em đang ở đây với thời tiết khắc nghiệt của một tiểu bang miền Bắc, im lặng thở dài về những tàn phai. Mưa sẽ ru em ngũ, nắng sẽ chói chang đưa em trở về một thoáng mơ xa quê nhà yêu dấu. Cung, Cung phải không? Chuyên đây. Chuyên rất mừng ta đã gặp lại nhau. Và anh vẫn còn sống, vẫn còn có mặt trên thế gian này. Cho em gửi những lời nói trong mưa đến nơi anh đang ở. Qua một đoạn đời mới biết, bởi bông hồng cho tình đầu thuở nào ngậm hờ hững trên môi, nên ta đã rời xa, đoạn lìa người yêu dấu.
“ Tóc mai sợi vắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm” *
Thôi hãy ngủ yên đi, quá khứ khuất sâu trong nấm mồ kỷ niệm, mà tôi không có quyền về lần tay gõ cửa để nhìn lại chính tôi.
“ Oâi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều, như từng con nước rộng xóa một ngày đìu hiu...” **
M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG.
• Ca dao ** Tình Nhớ, nhạc Trịnh Công Sơn