văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, July 27, 2021

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM ** Bụi phấn


– Má! Ngày mốt là Ngày Thày Cô Giáo, má mua quà cho cô giáo chưa?

– Má định sáng hôm đó má mua bông tặng cô.

– Không được.

– Sao vậy? Thôi má mua hộp bánh nha?

– Không được.

– Cũng không được? Năm nào mình cũng tặng bánh hay bông mà. Vậy con thích tặng gì cho cô giáo?

– Con không biết, con thấy năm ngoái đứa nào cũng tặng cô một cái phong bì, có một mình con là tặng bông.

Thảo nhìn con, đứa con gái út có vẻ buồn. Mái tóc ngắn chấm vai ôm khuôn mặt dài thon, nét thông minh hiện trong đôi mắt sáng, trên vầng trán rộng phẳng. Con bé ngồi trong cái ghế mây rộng, tay cầm quyển sách hình để hờ hững trên đùi. Thảo đi đến ghế mây, bế con lên, đặt bé Thiên Kim trên đùi mình. Hai má con ngồi trọn lõn trong cái ghế mây rộng. Thảo hỏi:

– Cô giáo thương con không?

Gật đầu. Thảo hỏi tiếp:

– Cô thương con như mấy đứa khác?

– Chắc vậy.

– Bạn con có thích con không?

– Dạ, không đứa nào ghét con cả.

– Con biết phong bì mà các bạn con tặng cô giáo là gì không? – Con nghĩ là tiền trong đó. Con nghe nhỏ Ngọc khoe là má nó sẽ cho cô năm chục ngàn, thằng Tâm cũng nói ba nó sẽ tặng cô năm chục ngàn. Mà má ơi! Tội nghiệp thằng Toàn lắm má. Thằng Toàn bị tụi nó chọc là không cho cô giáo cái gì hết. Thằng Toàn con dì Tám bán xôi má hay mua đó. – Má biết Toàn. Toàn thường ra giúp má nó bán xôi buổi tối. Con có nghĩ tại sao Toàn không tặng quà cho cô giáo không? – Dạ, chắc nhà nó không có tiền. Tội nó, năm nào đến Ngày Thầy Cô Giáo là nó nghỉ học, không biết cô có để ý không. Hồi trưa đi học về, tụi con trai chạy theo chọc Toàn: “ Ngày mốt mày có đi học không?” Rồi cười ha hả. Con thấy thằng Toàn chạy mau vô con hẻm nhà nó.

– Con nghĩ Toàn không tặng quà cho cô giáo là đúng hay sai? – Dạ, không đúng không sai gì cả. Nó không có tiền mua đủ sách vở học thì làm sao có tiền mua quà cho cô.

Thảo xiết đứa con gái thông minh vào lòng, hỏi tiếp:

– Con có nghĩ là nếu con tặng cô giáo bì thư thì cô sẽ thương con hơn không?

– Con không biết. Nhưng con không muốn làm khác với tụi

bạn.

– Nếu một người bạn nào đó cho con tiền, con có thương người bạn đó hơn những người bạn khác không? Thiên Kim quay phắt lại, ngạc nhiên nhìn má với câu hỏi kỳ cục đó. Nó lắc đầu lia lịa:

– Con thương bạn là vì nó hiền lành dễ thương với con. – Đúng! Đó là tình bạn bè chân thật. Cũng như khi mình tặng bông cho cô giáo là vì mình muốn tỏ lòng biết ơn, kính yêu cô giáo, đó là tình thầy trò chân thật.

Bé Thiên Kim dựa mình vào má, suy nghĩ, rồi nắm tay má, cười tươi:

– Má! Mình tặng cô một hộp bánh nha má. Má cho con tiền, ngày mai con qua rủ Toàn cùng mua bánh với con rồi hai đứa cùng tặng cô. Ý! Mà không được.

– Sao không được?

– Ngày mai con và anh Kiệt, anh Kinh có giờ bơi. Hay là mấy đứa con rủ Toàn đi bơi luôn được không má.

Thảo sung sướng, thơm lên trán con, thơm thật mạnh, thì thầm :

– Con gái thông minh, biết thương người. Con là con của ba má, Phan Thị Thiên Kim, con là con, con không cần phải làm theo bạn bè nếu con không biết chắc việc làm của bạn đúng hay sai. Con nên nhớ người nghèo thường rất nhiều mặc cảm, con phải cẩn thận khi rủ Toàn đi mua quà chung với con. Tốt nhất là để cho Toàn lựa quà và hai con cùng đưa tặng cô giáo.

Thảo cầm quyển sách hình Thiên Kim đang xem dở, nói: – Mình đọc quyển sách này nha!

Đã gần giờ cơm chiều, hai đứa con trai lớn đi học đàn sắp về nhưng Thảo không muốn xuống bếp làm cơm chiều vội. Thảo muốn ngồi với con gái út, con bé thông minh, nhiều

tình cảm, mau nước mắt. Thảo hòa với con hát:

Quí thầy, quí bạn, buổi sáng rơi rơi.

Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng.

Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy.

Em yêu phút giây này,

Thầy em tóc như bạc thêm,

Bạc thêm vì bụi phấn,

Cho em bài học hay.

Mai sao lớn lên người,

Làm sao có thể nào quên,

Ngày xưa thầy dạy dổ,

Khi em tuổi còn thơ

Hai đứa con trai lớn học piano về, tranh nhau khoe má: – Thầy nói con đánh bài “Petite Melodie” có hồn lắm. – Thầy nói con chơi bài “Joy” mà thày muốn bước theo nhịp hành khúc này. Thầy nói con thích hợp với nhạc rock.

– Thầy dặn con nên tập đàn mỗi ngày tập, mười lăm, cao lắm ba mươi phút là đủ mà thày đâu có biết là mỗi ngày con tập cả tiếng đồng hồ.

– Thầy nói mình đánh mỗi ngày thì ngón tay mềm dẽo, đánh mới có hồn, tốt hơn là lâu lâu đánh một lúc hai, ba tiếng đồng hồ.

– Thì em tập mỗi ngày mà. Anh Hai dành đàn hoài, em đâu có mà đánh được hai, ba tiếng một lần đâu.

– Mà ba chưa về hả má? Con đói bụng.

– Con cũng đói bụng.

Thảo nhớ ra là mình chưa cơm nước gì cả. Thảo cười, bảo với các con:

– Má ở tiệm về mệt, ngồi hát chơi với em, má quên luôn chuyện cơm nước. Thôi các con đi rửa mặt, rửa tay, nhịn đói một chút, chờ ba về rồi mình đi ăn phở.

Ba đứa con ngạc nhiên nhìn má. Đi ăn phở? Um… hạnh phúc quá! Đứa con trai lớn đề nghị:

– Ăn phở gà Hiền Vương nghen má, phở ở đó tô to lắm, giá, rau tự do. Bé Thiên Kim nũng nịu:- Rồi mình uống nước rau má nha má.

– Ừ, phở gà Hiền Vương, nước rau má. Mà này, ngày mốt là Ngày Thày Cô Giáo, hai con có định tặng quà gì cho thầy, cô chưa? – Ha…ha… má không nhắc con cũng nhớ. Con định bụng lâu lắm rồi. Con cũng đã chấm rồi. Con đã để dành tiền. – Ô! ? – Anh Hai để dành tiền mua quà cho cô giáo? Quà gì vậy anh Hai? – Một quyển sách.

– Một quyển sách? Sao không là một phong bì như tụi bạn thường tặng. Má ơi! Năm nay mình tặng phong bì cho thày con nha má.

– Anh nhớ hồi năm ngoái khi học trò tặng quà Ngày Thày Cô Giáo, cô Minh Tâm của anh Hai nhận hoa, nhận bánh nhưng đưa trả phong bì lại.

– Sao vậy?

– Cô Minh Tâm nói: Cô rất vui khi các em nhớ đến ngày này và tặng quà để tỏ lòng thương mến cô. Nhưng cô chỉ nhận hoa và bánh. Còn phong bì thì các em đem về đưa lại cho ba má, nói rằng cô cám ơn lòng tốt của ba má nhưng cô không thể nhận và không muốn nhận phong bì. Cô nghĩ ba má các em sẽ hiểu cô.

– Em hiểu cô Minh Tâm. – Má hiểu cô Minh Tâm.

– Em không hiểu cô Minh Tâm ốm nhách của anh Hai gì hết. Thảo quay nhìn Kinh, giọng nghiêm khắc:

– Kinh không được gọi cô Minh Tâm như vậy, nghe chưa? – Dạ, con xin lỗi má. Nhưng sao cô Minh Tâm không nhận phong bì vậy má. Thày con nhận phong bì mà.

– Mỗi thày cô có mỗi suy nghĩ, đánh giá quà cáp từ học sinh khác nhau. Theo má nghĩ, cô Minh Tâm không muốn nhận phong bì vì cô biết trong phong bì có gì. Cô không coi trọng những món quà như vậy. Những món quà có thể gây sự hiểu lầm không tốt. Cô không muốn bị mua chuộc.

– Dạ đúng đó má. Cô còn nói: Cô rất quí những món quà do chính tay tụi con làm, tự tụi con nghĩ ra. Những món quà nho nhỏ nhưng chứa đựng lòng yêu mến của một học sinh đối với thầy cô. Bởi vậy lúc đầu con định làm một hộp viết nhưng khó quá là khó, thế là con nẩy ra ý tự để dành tiền, tự tìm quà. Con định mua quyển Tục Ngữ, Ca Dao và Dân Ca. Con đã coi giá ở tiệm sách Hoa Mai. Con có đủ tiền mua sách nè, mua giấy bao nè, sẽ tự gói thiệt đẹp nè.

– Anh Hai giỏi quá. Em cũng muốn làm như anh Hai. Má ơi, không biết con tặng sách cho thày con được không má. Mà con chưa để dành tiền.

– Tặng sách cho thày cô, tốt quá đi chứ, má bảo đảm thày cô nào cũng vui hết. Con không có tiền thì má có, lo gì. – Con cũng muốn tặng sách cho cô Nghĩa của con nữa. Mình thay đổi nghen má.

– Ô… tiệm sách mừng dữ ha. Vậy con nhớ rủ Toàn đi lựa sách với con.

– Toàn nào? Phải thằng Toàn con dì Tám bán xôi không má, sao lại phải rủ nó theo để chọn sách.

– Anh Ba này không biết gì hết. Nhà thằng Toàn nghèo, không có tiền mua quà cho cô giáo, năm nào tới Ngày Thầy

Cô Giáo tụi bạn cũng chọc nó, nó phải nghỉ học ngày đó. Em định từ đây em sẽ rủ nó đi mua quà chung, cùng tặng cô. Ngày mai mình đi bơi, mình rủ luôn thằng Toàn nghen anh Hai. Xong rồi tất cả cùng đi mua sách, cùng về nhà mình gói sách. – Có lý quá má. Thằng Toàn hiền, con cũng thích chơi với nó nhưng cả ngày nó phải ở nhà giữ em, không biết nó đi bơi với tụi mình được không đây.

– Để má xin phép dì Tám cho các con. Hay là các con đem sách về nhà Toàn, gói ghém ở nhà Toàn, như vậy Toàn có thể coi em luôn.

– Con thích coi em, con sẽ xin thằng Toàn cho con coi em nó. Gương mặt không được vui như anh và em gái, hơi ngập ngừng, Kinh nhìn má, hỏi:- Con… sợ… sợ tụi bạn cười, con sợ… thày không thích sách… thày không thích con.

– Ô hay, anh Ba này lạ chưa. Anh Ba là anh Ba, là Phan Tấn Kinh, là con của ba má, anh Ba đâu cần làm giống bạn anh Ba nếu anh Ba không chắc mấy người đó làm đúng. Bộ anh Ba tưởng là thày sẽ thích anh Ba hơn nếu anh Ba tặng thày phong bì? – A… em Kim bữa nay học đâu mà ăn nói như người lớn, nghe có lý ha.nThiên Kim nheo mắt, nhìn má mình. Thảo gật đầu, tiếp: – Quan trọng là ở tấm lòng mình yêu quí thày cô, thày cô sẽ hiểu con ạ dầu con có quà hay không có quà, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, không phải ai cũng dư ăn, thày cô hiểu điều này. Nhiều học sinh tặng phong bì là do ý của cha mẹ chứ không phải do thày cô không đòi hỏi.

Thảo luồn mấy ngón tay vào mái tóc hơi dài, gãi gãi đầu Kinh, nói:

– Kinh đừng lo, má biết thày sẽ vui khi được sách. Thày thích con vì Phan Tấn Kinh ngoan ngoãn, chăm học chứ không phải vì Phan Tấn Kin tặng thày phong bì. Nhớ nhé! Chà, tóc dài rồi đây, chủ nhật là phải nhắc ba dẫn đi cắt tóc nghe chưa. – Má cho coi phim.

Trong phòng khách đơn sơ, ba anh em chen nhau ngồi gọn lõn trong cái sô pha dài. Thảo dơ cuộn băng Dã Thú Phi Châu ra dấu hỏi ý các con. Tiếng reo to: dạ, dạ, dạ. Dầu được coi lại lần này là lần thứ ba nhưng cuộc phim video do ông nội tặng vẫn đủ khả năng đè nén cơn đói bụng. Phim đang đến cảnh con sư tử bất ngờ đi lại chiếc xe jeep, tò mò dán mắt vào cửa xe nhìn trong khi mấy người thám hiểm run đang lập cập…

Tánh dắt xe vô nhà, ngạc nhiên khi thấy bốn má con ngồi xem phim. Chưa kịp hỏi thì bé Thiên Kim nhanh nhẩu chạy ra khoe: – Ba! Mình đi ăn phở.

Tánh mở to mắt, nhìn vợ. Thảo gật đầu, không giải thích, rồi bảo chồng: – Anh rửa mặt cho mát rồi mình đi, má con em đói lắm rồi.

Tánh hiểu vợ. Thảo không nấu cơm chiều mà cho cả nhà đi ăn phở vào ngày thứ ba là có chuyện gì đây, chắc chắn là chuyện vui, thế nào tối Thảo cũng kể. Gì chứ đi ăn phở là Tánh chịu liền.

Nằm gát đầu trên tay chồng, Thảo kể chuyện hồi chiều cho Tánh nghe. Tánh thở dài:

– Nhiều bậc cha mẹ vô tình dạy con thế đó. Dạy con là tiền bạc có thể mua được tình cảm, tiền bạc có thể mua được điểm cao, được xếp hạng khá. Sống trong cái xã hội mà đạo đức thoái hóa như thế này không biết con mình bị ảnh hưởng như thế nào đây, có bị xã hội loại bỏ không?

– Em nghĩ, còn nhiều người suy nghĩ như mình anh ạ. Họ cũng ráng giữ được phần nào cái đạo đức căn bản, nhưng chắc họ cũng gặp nhiều rắc rối, dồn ép từ nhiều phía như mình. Làm sao giáo huấn được con trẻ như mình mong muốn trong khi con trẻ lớn lên trong môi trường mà mọi tầng lớp, mọi ngành nghề đã đánh mất đi cái tự tôn nghề nghiệp của mình. Khi học nghề mà không được học đạo đức nghề mình thì cũng chỉ sẽ thành những người thợ người thày vô lương tâm, tự phá hủy cái nghề của mình, tư phá hủy lòng tự trọng. Cái cụm từ đạo-đức-nghề-nghiệp nghe sao quá xa lạ trong xã hội ngày hôm nay, cái xã hội con mình bơi lội trong đó. Chỉ nói trong ngành giáo dục này thôi. Anh coi, ở trường học, lợi dụng vai trò của mình, thày cô đứng ra bán bảo hiểm nhân

mạng, bắt cha mẹ đóng tiền bảo trì trường sở. Có xã hội nào như xã hội này không? Thày cô kết hợp với con buôn tìm mọi cách moi tiền phụ huynh, hết đóng góp xây trường đến chung nhau mở khóa học. Đa số thày cô được đào tạo từ một nền học vấn bèo bọt, chỉ nổi lền bền, chỉ rêu rao thành tích, mà không có cội rễ. Một lớp giáo chức như thế thì làm sao có thể dạy cho con trẻ những môn gọi là công dân giáo dục thật thường ngày, thật giản dị. Mà giáo chức không giữ được vai trò mô phạm của mình thì con trẻ sẽ ra sao. Em lo là lo cho lớp trẻ ngày nay.

– Em thấy đó, cũng có những thày cô tốt, tự trọng như cô Minh Tâm em à. Nhưng tội nghiệp cho những thày cô này. Làm sao sống được trong cái nghề mô phạm lâu dài. Rồi thì cũng như mình thôi, bỏ ra buôn bán, khỏi phải khổ tâm, khỏi phải gây gổ với đồng nghiệp.

– Không phải ai cũng có điều kiện, được cha mẹ giúp vốn ra mở tiệm làm ăn như mình cả. Nếu ông bà nội không bán căn nhà để cho mình vốn làm ăn thì giờ này mình vẫn phải bám cơ quan, bám vào guồng máy tham nhũng vô lương tâm này mà sống.

– À! Tháng này hai thằng nhóc lớn đứng hạng mấy?

– Anh còn quan tâm đến thứ hạng của con à? Mình đã đồng ý với nhau mà. Chẳng thà để cho con mình đứng hạng thấp trong lớp còn hơn là dồn ép cho con học, hết khóa học này đến khóa học khác, quay con cả ngày. Mình đã đồng ý là, thay vì cho con đi học thêm, dùng tiền đó để mua đồ chơi, mua sách cho con. Mình đã đồng ý cho con phát triển tự do theo khả năng từng đứa trong sự hướng dẫn của mình. Con trẻ cần phả được phát triển nhiều mặt. Lối học từ chương ngày nay làm cho sự suy nghĩ của con trẻ trở nên thụ động, đóng khuôn, không phát huy được bản năng sáng tạo tự nhiên của mỗi con người. Trong trò chơi, con trẻ phát triển tư duy, óc sáng tạo, rèn luyện sự khéo léo và chơi với những trẻ khác là để học hỏi, để học cách cư xử với nhau. Anh nhớ hôm họp đầu năm, ông hiệu trưởng nói sao không? – Cha! Lâu quá làm sao anh nhớ nổi.

– Nghĩ mà buồn cười. Khi có một số phụ huynh can đảm, dám cằn nhằn là nhà trường đòi hỏi các em học thêm nhiều quá, ông hiệu trưởng nói: “Năm nay ngành giáo dục khuyến cáo việc dạy thêm ở những trường dạy hai buổi. Còn trường dạy một buổi thì bỏ lơ. Trường mình dạy một buổi, chương trình thay sách giáo khoa nặng nề. Phụ huynh nào có nhu cầu cho con đi học thêm thì đăng ký, không thì thôi. ” – Nhưng chuyện tế nhị quá, không nói ra, ai cũng hiểu, ai cũng nghĩ con người ta đi học thêm thì mình cũng phải ráng mà cho con mình học theo chứ không thì con mình bị thua sút bạn bè.

– Chẳng những vậy mà còn áp lực từ phía thày cô. Ở trường, thày cô không dạy hết chương trình cho nên học sinh nào không theo khóa học thêm của thày cô là coi như tuột lại, theo không kịp. Em phải theo kỹ chương trình học của tụi nhỏ để chỉ vẻ thêm ở nhà, thiệt là mệt.

– Đâu phải cha mẹ nào cũng có thì giờ, có khả năng mà chỉ vẻ thêm cho con. Ai cũng muốn cho con mình học thêm mới an tâm, bởi vậy lủ trẻ ngày nay bị cù lưng, cận thị nhiều là vì thế. – Còn chuyện này nữa. Tuần rồi họp phụ huynh, cô giáo giới thiệu hai người đại diện phụ huynh. Em ngạc nhiên hỏi là bầu đại diện phụ huynh hồi nào. Thì mấy người ngồi bên cười mỉa mai, nói: “Đâu cần bầu, cô giáo đã chỉ định rồi.” Thì ra là mấy phụ huynh hăng hái đóng góp, có ý kiến cho học thêm thế này, cho con học thêm thế nọ, nên cô giáo mời làm đại diện cho dễ khiến. Em đành ngậm miệng. Nhiều chuyện chỉ tổ cho cô giáo dèm ép, đè con mình thôi. Tánh buồn ngủ, ôm đầu vợ vỗ vỗ, hỏi:- Sáng mai tới phiên ai dậy sớm lên chợ mở cửa tiệm đây?

Thảo cười: – Đến phiên ông đó ông ơi, đừng giả bộ quên.

Một lát sau, Thảo gọi: – Mà anh này!

Không có tiếng trả lời. Thảo bực mình, xoay lưng, kéo tấm ra, cuộn mình lại.Tánh cười một mình.


Võ Thị Điềm Đạm