Giới thiệu chương trình nhạc chủ đề“Tình Ca Việt Nam” trên đài phát thanh Sài Gòn, vào đầu thập niên 1970, nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết:
“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời của một đời người, bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau.
Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”(2)
Vâng, đó là chương trình nhạc chủ đề mà hồi ấy, những “Ngày hai mươi tuổi, có những đêm chong đèn ngồi…” (3), chúng tôi rất mê và ghiền lời giới thiệu các bản nhạc trong chương trình này mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã gởi đến thính giả; mà dường như cách nào đó, với Sài Gòn, nơi thành phố ấy của hơn nửa thế kỷ (55 năm) trước, chúng tôi có những lần hẹn hò với một cuộc tình rất tha thiết và nồng nàn mà giờ ngồi hồi tưởng lại đúng là thành phố ấy nó“làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”
Đó là nhạc chủ đề, còn trong thơ ca thì sao? Xin mời bạn nghe Đỗ Hồng Ngọc (tức nhà thơ Đỗ Nghê), hơn bốn mươi năm trước, đã viết một bài thơ rất đằm thắm, thiết tha trong tâm trạng tiễn người bạn cũ giã từ để ra đi về “nửa vòng trái đất cõi người ta” trong bài thơ Mai sau dù có bao giờ…
Lâu nay đọc thơ Đỗ Hồng Ngọc, ít khi thấy ông “thiệt thà” bày tỏ nỗi lòng riêng tư, nhưng với mai sau dù có bao giờ ta thấy thêm góc khuất khác của nhà thơ Đỗ Nghê vậy.
“Cám ơn em đã đến giã từ
Dù sao năm tháng vẫn chưa phai
Em cười mà mắt còn đẫm ướt
Hình như tối qua trời không mưa”
Lần đó, họ không nói với nhau một lời nào, mà chỉ trao cho nhau những nỗi niềm bằng ánh mắt; bởi lẽ trong những hoàn cảnh như vậy lời nói nào đủ nghĩa yêu đương cho bằng ánh mắt thiết tha:
“Tôi hiểu – em đừng nói gì thêm
Những lời không đủ nghĩa đâu em
Tôi sẽ đưa em thăm thành phố
Em không ngại là tôi cũng ghen
Rồi họ cùng đi thăm lần cuối “một quê hương, một thành phố” nơi mà “cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương”…
Thành phố – nơi ta đã lớn lên
Nơi ta hò hẹn buổi đầu tiên
Nơi ta hờn giận ta vui sướng
Thành phố – chân hôn mỗi bậc thềm!”
Vâng, với nhà thơ, Sài Gòn là cả một vùng kỷ niệm chập chùng với bến Bạch Đằng ngày ấy, (Bạn còn nhớ Nguyên Sa: “hãy đưa tôi ra bờ sông, để tôi nhìn dòng nước chảy, tôi nhìn tôi bơ vơ…” không?) và cả ngôi trường Trưng Vương với màu áo xanh của các nàng nữ sinh thướt tha trong nắng sớm sân trường, với khung trời Đại học của một thời sinh viên nhiều mộng đẹp nữa …; nhiều và nhiều lắm… Những chữ “lối xưa xanh áo”, “mờ rưng rưng”… rất thiết tha và gợi lại biết bao nỗi nhớ mà con tim và tâm hồn của những người trong cuộc không khỏi bồi hồi, ray rứt, bâng khuâng …
“Tôi sẽ đưa em ra bờ sông
Sông Sài Gòn mà bến Bạch Đằng
Lối xưa xanh áo Trưng Vương đó
Mái trường Đại học mờ rưng rưng”
Nhắc tới Sài Gòn là nhắc tới những con đường tình rợp lá me bay như đường Gia Long, đường Lê Thánh Tôn và nhứt là con đường Nguyễn Du trong bài thơ, nhưng không thể không nhắc tới cái nắng của Sài Gòn, những cơn nắng làm “hanh đôi má” nàng, và “mồ hôi mặn”, nhưng với họ, những đôi tình nhân gắn bó ấy thì lúc bấy giờ họ không lấy gì làm khó chịu với cái nắng nóng ấy, mà còn “thấy thương ghê”… Mấy chữ “rợp mát bóng me che” trong câu thơ tả cảnh con đường Nguyễn Du dưới đây, thiệt là hết ý!
“Tôi sẽ đưa em ghé Nguyễn Du
Con đường rợp mát bóng me che
Cái nắng Sài Gòn hanh đôi má
Giọt mồ hôi mặn thấy thương ghê”
Qua con đường Nguyễn Du, một trong những con đường tình tiêu biểu của Sài Gòn, và dĩ nhiên Sài Gòn không chỉ có thế, mà Sài Gòn ai đã đến đó và ở đó dù lâu, dù mau đều nhận ra rằng Sài Gòn bên cạnh những con đường lớn, những tòa nhà cao, những khu mua bán sầm uất, nó còn có rất nhiều con hẻm nhỏ mà ở đó nhà nhà, người người chen chúc nhau kiếm sống lây lất qua ngày, dù tất bật, nhưng không thiếu tình chòm xóm, tình lân láng, tình người…:
“Tôi sẽ đưa em về Bàn Cờ
Xóm nghèo nho nhỏ đường quanh co
Tình người thắm đượm từng nếp áo
Bà mẹ ngày nao em nhớ chưa”
Nhớ lại hồi cách nay năm mươi lăm năm về trước, chúng tôi còn nhiều lắm những kỷ niệm qua bao lần nơi ghế đá công viên, những quán nước bên đường, những cà phê gốc me vào mùa mưa tháng Sáu của Sài Gòn; những rạp xi nê với các phim thời tài tử Alain Delon ăn khách một thời, nào rạp Rex, nào Eden, nào quán Tre quán Trúc nơi thương xá TAX thuở nào… với những hẹn hò mà chúng tôi không “làm sao quên” được, như nhà thơ muốn nói với người thương của mình:
“Tôi hiểu em còn muốn đi thêm
Một đời chưa đủ phải không em
Chân bước đi mặt còn ngoảnh lại
Xao xuyến hồn ta – làm sao quên!”
Ở đây, nếu bạn để ý một chút, trong đoạn thơ trên chúng ta sẽ bắt gặp tác giả không cố ý làm cho câu thơ cao siêu, bóng bảy; trái lại ông rất khéo léo dùng một chút tâm sự của “kẻ ở người đi” trong sách Quốc văn Giáo Khoa Thư mà có lẽ ai ai trong chúng ta cũng có lần đã đọc qua mà có khi vì dòng đời tất bật quá, rồi lại quên:“Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường!”(4). Cái hay của ý thơ vừa rồi là nó rất gần, rất quen mà gợi đúng cái tâm trạng của “kẻ ở người đi” trong một lần từ giã. Là một người đã hơn một lần “giã từ” Sài Gòn, hơn một lần“giả từ” người thân yêu của mình, tôi rất thấm thía câu thơ này của tác giả, nó nói lên được tấm lòng của người ở lại lo cho người thân của mình, rồi ra ở nơi “Nửa vòng trái đất cõi người ta” ấy, em sẽ sống thế nào và em sẽ phải làm gì với đất trời xa lạ ấy?
“Thôi nhé từ nay em sẽ xa
Nửa vòng trái đất cõi người ta”
Giữa chập chùng những ý nghĩ vừa lo lắng, vừa ái ngại ấy, rất may, tác giả không quên nuôi trong lòng niềm hy vọng, như một niềm an ủi cho chính mình và cho người thương yêu của mình:
“Mai sau dù có bao giờ nữa
Thành phố – lòng mẹ vẫn bao la”
Cái hay ở câu thơ “Mai sau dù có bao giờ nữa”, một phần rất Kiều (5), và một phần rất Đỗ Hồng Ngọc! Ở chữ “nữa” của Đỗ Hồng Ngọc, vốn là một trạng từ, mà tác giả cho vào cuối câu Kiều, nó vừa là niềm tin yêu và hy vọng, nó vừa là nỗi bịn rịn không rời như “nữa mai”, “nữa rồi”, “nữa khi”, “nữa là”…mà bàng bạc một tấm lòng! Chính những chữ “nữa” ấy là những chữ làm gợi dậy tấm chơn tình trong tình yêu thương có lẽ chưa bao giờ dứt được… Nó vừa nhẹ nhàng mà thân ái, nó vừa tha thiết mà nồng nàn, nó làm tim gan người trong cuộc nhiều khi muốn đứt ruột nhưng vẫn giữ cho lòng chút hy vọng một ngày nào đó còn có dịp gặp lại nhau dù cho bao lâu sau đi chăng“nữa”!!!
Vâng, với Sài Gòn, với thành phố ấy với những đôi tình nhân đã yêu nhau cách nay hơn năm mươi lăm năm ấy, rồi ra, vớichúng tôi, tôi chợt nhớ lại qua những kỷ niệm ngày nào quả quá đúng như nhà văn Nguyễn Đình Toàn nói “làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”! Và với nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, khi tuổi đời giờ không còn trẻ trung gì, và đọc được bài thơ “Mai sau dù có bao giờ” này của ông, rồi tôi có dịp hồi tưởng lại những nơi chốn hẹn hò của những “Ngày hai mươi tuổi, có những đêm chong đèn ngồi…” với những con đường tình của Sài Gòn một thời, và nhìn lại lòng mình, tôi thấy ông nói quả quá đúng, không sai chút nào được khi ông viết:“Mai sau dù có bao giờ nữa!” thì Sài Gòn lúc nào cũng“Xao xuyến hồn ta – làm sao quên!
Hai Trầu Lương Thư Trung - Houston, ngày 21.07.2021
Phụ chú:
1/ “Mai sau dù có bao giờ” của Đỗ Hồng Ngọc (1980)(trích từ tập thơ Giữa hoàng hôn xưa, Đỗ Hồng Ngọc, nhà xuất bản Trẻ, 1993) [Theo trang nhà Trần Thị Nguyệt Mai, ngày 16.07.2021]
2/ Trích CD Nhạc Chủ Đề Tình ca Việt Nam 1970 của Nguyễn Đình Toàn.
3/ “Ngày hai mươi tuổi, có những đêm chong đèn ngồi…” )[Trích trọng “Trên Đồi Là Lô Cốt” Lữ Kiều-Thân Trọng Minh, Thư Ấn Quán xuất bản, Hoa Kỳ, năm 2006]
4/ Trích “Kẻ ở người đi”, Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Lớp Sơ đẳng) của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận, nhà xuất bản Thanh Niên tái bản, năm 2000.
5/ Truyện Thúy Kiều của Nguyễn Du do Bùi Kỷ và Trần Trong Kim hiệu khảo, bản in lần thứ bảy (năm 1925). Nhà xuất bản Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản, (không thấy ghi năm).