văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, July 26, 2021

TIỂU TỬ ** Tiết Nhơn Quí

Tiết Nhân Quý 1 Mình Đại Chiến 10 Vạn Quân Giết Phản Tặc Cứu Vua | Đại  Nguyên Soái | Vua Phim👑 - Truthabouttoyota


Trước ngày 30 tháng tư 1975, trong cơn sốt di tản, tôi chen lấn đẩy được vợ con lên trực thăng.  Thằng Mỹ đen thòng người xuống,  vừa kéo tôi lên vừa la lớn cho đồng bọn : ‘’Bốc lên! Bốc nhanh lên! Đầy ứ rồi!‘’ Chân tôi vừa chạm sàn trực thăng thì vợ tôi làm rớt cái xắc da xuống đám ngừơi đang xô đẩy nhau phía dưới.  Như cái máy,  tôi phóng xuống theo ! Khi tôi giành giựt lại được cái xắc thì chiếc trực thăng đã bay đi xa. Tôi ôm cứng cái xắc trứơc ngực,  hổn hển nhìn theo mà nghe chết điếng trong lòng…

Nhờ bị rớt lại như vậy mà tôi còn giữ được nhà cửa xe cộ.  Bởi vì những nhà khác -nhà những người đã di tản- đều bị đồng bào hôi của,  rồi sau đó là bị Nhà Nước cách mạng tiếp thu. Cũng là một hình thức hôi của,  nhưng…  cao cấp hơn !


Rồi nhờ cái xắc của vợ tôi với mớ nữ trang và đô la mà tôi làm lại cuộc đời chẳng khó khăng gì mấy.


Hồi thời trước, tôi làm chuyên viên điện toán cho một hãng xuất nhập cảng lớn ở chợ cũ.  Bây giờ, sau thời gian đi hội họp học tập để nghe cán bộ phát biểu dong dài với những từ ngữ lạ hoắc,  nghe…  ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, vậy mà tôi cũng hiểu trắng được rằng cách mạng là đổi đời và hiểu ngầm rằng: muốn sống trong chế độ mới mình phải lột cái xác cũ ra chôn giấu đi,  và muốn sống yên ổn trong thời buổi này,  mình phải biết làm…  thợ lặn,  nghĩa là đừng có trồi đầu ra cho thiên hạ để ý,  nhứt là chánh quyền.  Vậy là tôi quyết định đổi nghề: tôi đem gia đình thằng Sáu, đứa cháu kêu tôi bằng bác, về cư ngụ với tôi,  rồi chúng tôi lập Tổ May Thêu. Chạy vòng ngoài là thằng Sáu với chức tổ phó; tổ viên là vợ và hai đứa con gái của nó,  cộng thêm hai người chị vợ nó; còn tôi thì làm tổ trưởng,  nghĩa là ngồi không uống trà,  hút thuốc,  ký tên,  đi họp…


Sau tháng tư năm 1975, không phải chỉ có mình tôi đổi nghề.  Phần đông người dân miền Nam đều đổi nghề,  nhứt là ở các đô thị.  Chẳng ai bảo ai,  cũng chẳng thấy ai khuyên ai,  họ tự động đổi nghề một cách tự nhiên và đều khắp,  giống như theo một thời trang đổi kiểu áo quần ! Và cũng chẳng có một mải mai mặc cảm.  Cho nên thấy giáo sư đi đạp xích lô,  thấy thầy giáo đi làm thợ hồ,  thấy lơ xe đò là thợ bạc hồi thời trước, thấy chị bán nước mía là cựu nhân viên ngân hàng…  v. v. kể không hết. Và cái nghề được nhiều người chọn nhứt là nghề mở quán cà-phê vỉa hè ! Dễ quá ! Chỉ cần đặt trước nhà mấy cái bàn mấy cái ghế…  vậy là thành quán !  Cho nên thấy đường nào cũng có,  xóm nào cũng có,  xó xỉnh nào cũng có.  Nhiều khi hàng quán nằm khích nhau một dọc, vậy mà chẳng thấy ai phàn nàn ai ! Làm như trong cuộc đổi đời vĩ đại này,  người dân miền Nam dễ thông cảm với nhau hơn hồi trước !


Sau cách mạng,  có những nghề bỗng nhiên biến mất trong sanh hoạt hằng ngày.  Điển hình nhứt là nghề coi tay coi tướng và nghề đấm bóp (cũng gọi là tẩm quất). Có người…  ác ý nói rằng cách mạng rất sợ bị lộ chân tướng nên mấy thầy tướng số đều bị ‘’ đì ‘’hết,  còn tẩm quất là nghề…   chuyên chính của Đảng và Nhà Nước,  họ giữ độc quyền dùng nó để đần những phần tử xét lại hay phản động đã bị họ bắt nhốt…  thì sức mấy mà người dân được hành nghề này !


Một tối đó, trong khi tòn ten trên võng hút thuốc sau bữa cơm, tôi bỗng nghe tiếng rẹt rẹt rẹt từ đằng xa.  Đó là tiếng của những nút khoén đập dẹp xõ xâu mà mấy ông tẩm quất vừa đi vừa lắc để…  rao hàng.  Ngạc nhiên,  tôi nhỏm dậy lắng tai nghe.  Đúng rồi ! Đúng là tiếng lắc nút khoén của ông tẩm quất.  Hồi thời trước,  ông tẩm quất xóm tôi thường đi lắc như vậy đêm đêm. Và ổng đấm lưng tôi đều đặn mỗi tháng hai lần.  Sau giải phóng,  không nghe ổng lắc rẹt rẹt nữa.  Tôi nghĩ chắc ổng cũng đã đổi nghề như thiên hạ.  Nào dè…


Tôi vui mừng bước nhanh ra cổng,  gọi : ‘’Đấm bóp ! Đấm bóp !‘’. Có tiếng dạ từ đàng xa,  rồi một người đạp xe lại. Thì ra không phải ông tẩm quất mà tôi quen. Người này cũng trộng tuổi như ông kia,  cũng gầy gầy như ông kia,  nhưng cao lớn hơn nhiều.  Ổng mặc sơ-mi ngắn tay và quần sọt,  đeo ngang hông một túi vải nhỏ.  Lỡ gọi rồi,  tôi đành mở cổng cho ổng vào mà phân vân tự hỏi : ‘’Không biết ông này ở đâu ra ? Nhứt là trong thời buổi mà thiên hạ chạy ăn hằng bữa,  ai đâu mà đưa lưng cho ổng đấm ? Với lại không biết ổng thiệt có nghề đấm bóp hay là thứ…   ba trợn để kiếm cơm ? Bởi vì bây giờ cái thứ đó cũng đông lắm !‘’


Vào nhà,  tôi gọi mấy đứa nhỏ trải một chiếc chiếu ở hàng ba rồi tôi tự động nằm xuống đó sau khi cởi quần áo ngoài chỉ còn mặc cái quần đùi.   Ông đấm bóp bỏ đôi giép nhựt ở tam cấp,  bước vào nhà nhìn quanh rồi nói : ’’Xin phép cho tôi cởi áo‘’. Không đợi trả lời,  ông cởi áo sơ-mi máng lên đầu võng,  để lộ trên người chiếc áo thung ba lỗ đã ngã màu vàng và lủng rách nhiều nơi. Ông ngồi xuống cạnh tôi,  lấy trong túi vải chai dầu mở nút trút vào lòng tay,  nhìn tôi mỉm cười: ’’Ông nằm sắp xuống‘’. Tôi làm theo như cái máy. Tôi nghe hai bàn tay vừa to vừa ấm của ông thoa dầu từ trên ót trên cổ tôi xuống lần hai vai, rồi lưng, để cuối cùng vuốt dài theo hai cánh tay nằm dọc theo hông…  mà tưởng chừng như vừa được trùm lên người một làn hơi nóng vừa êm vừa mỏng !


Lối đấm của ông ta không giống lối đấm của ông mà tôi quen.  Kỹ thuật của ông hồi đó đúng là đấm, nghĩa là hai bàn tay cứ đều đặn xuống lên, khi nắm lại thì có tiếng bóc bóc,  khi xòe ra thì có tiếng bụp bụp. Và cứ như vậy,  hết lưng là đến chân đến tay. Còn ông mới này thì khác hẳn. Ổng…  âm thầm hơn và đi sâu hơn. Ổng mằn từng khớp xương,  từng thớ thịt, ổng mò dài theo các đường gân tay gân chân.  Mấy đầu ngón tay của ổng đi tới đâu là mình nghe…  rã rời tới đó ! Thật là kỳ diệu ! Tôi phục ổng quá !


Sau khi làm xong,  ổng xin một ly nước, uống, lãnh tiền, cám ơn, rồi lẳng lặng dẫn xe đạp đi ra. Tôi hỏi với theo: ‘’Tuần sau, cũng vào giờ này, ông lại đấm tôi được không ?‘’. Ổng nói ‘dạ được‘ rồi đi thẳng. Tiếng rẹt rẹt của xâu nút khoén lại vang lên xa xa…  Tôi nằm tơ lơ mơ, nghe âm thanh rẹt rẹt mà tưởng chừng như thời cũ vẫn còn nguyên đây đó,  cái thời mà cuộc sống còn mang nhiều thi vị,  kể cả những thi vị thật nhỏ nhoi tầm thường.


Tuần sau,  ông đấm bóp trở lại.  Ổng không bấm chuông.  Ổng đứng ngoài cổng lắc xâu nút khoén rẹt rẹt, rẹt rẹt,  giống như một…  ám hiệu ! Đã được dặn trước nên người nhà chạy ra mở cổng. Ổng vào nhà,  gật đầu chào tôi rồi tuần tự làm y như tuần rồi.  Thấy ổng có tay nghề ‘’cao cấp‘’ -nói theo từ ngữ bây giờ- mà không bô bô vừa làm vừa nói như ông cũ,  tôi càng có cảm tình với con người trầm lặng đó. Nên tôi mở lời:


– Ông làm nghề này lâu chưa?

– Dạ…  sau giải phóng.

– Sao tôi không nghe ông lắc ở xóm này vậy?

– Dạ…  tôi ít đi lắc lắm. Tôi làm cho khách quen không hà.  Hôm rồi nhơn làm cho ông khách ở gần đây,  tôi lắc cầu may nên mới gặp ông đó chớ.


– Hồi thời trước,  ông làm nghề gì ?


Ổng ‘ dạ ‘ rồi nín thinh. Tôi biết ổng không muốn nói,  nên cũng không hỏi tiếp.


Lần này,  sau khi trả tiền,  tôi hỏi, giọng thân mật:


– Ông thứ mấy ?


– Dạ…  thứ Sáu.


– Ông chắc lớn hơn tôi cở bảy tám tuổi. Vậy cho tôi gọi ông bằng anh Sáu được không ?


Ổng nhìn tôi, chớp chớp mắt:


– Dạ được chớ.


– Vậy tuần sau, cũng ngày này giờ này, nghe anh Sáu.


Ổng “Dạ”,  gật đầu chào tôi rồi dẫn xe đạp đi ra.


Tuần sau,  ổng lại đến. Lần này,  chính tôi niềm nở mở cổng.  Tôi bắt tay ổng:


– Mạnh hả anh Sáu ?


– Dạ mạnh.


Vào nhà,  lại tuần tự “xin phép, cởi áo, ngồi xuống, xoa dầu”…  Nhưng lần này,  sau khi rờ lưng tôi, ổng nói:


– Hơi cảm hả thầy Hai ?


Tôi ngạc nhiên, vì hai tiếng “thầy Hai” thì ít mà vì chỗ ông Sáu biết tôi đang cảm thì nhiều:


– Sao anh biết ?

– Nghề mà thầy Hai.  Lưng thầy lạnh ngắt đây nè !


Rồi ổng tiếp,  giọng đầy tự tin:


– Nhưng không sao đâu,  thầy Hai yên tâm. Tôi làm một chút là thầy thấy khoẻ hà.


Thấy lần này ổng cởi mở hơn,  nên tôi tiếp tục… đẩy đưa:


– Anh học nghề này ở đâu vậy,  anh Sáu ?

– Tôi học với một ông thầy Tàu ở Bình Hòa.


Ngừng một chút như để suy nghĩ, rồi ổng nói tiếp, trong lúc hai bàn tay vẫn đều đặn làm việc:


– Thiệt ra ông thầy tôi chuyên dạy võ.

– Ủa ? Rồi sao có vụ dạy tẩm quất ?


Im lặng một chút rồi ổng mới nói, sau khi cười nghe cái khịt:


– Hồi đó,  lâu rồi,  tôi tới thọ giáo với ổng, ổng nắn tay nắn chân tôi rồi mới nói : “Tao dạy võ cho mày không lấy tiền với điều kiện là mày đấm lưng cho tao mỗi tuần một lần,  mày chịu hông ?“. Tôi trả lời chịu nhưng tôi không biết đấm lưng. Vậy là ổng dạy tôi đấm lưng !


Nói xong,  ông Sáu cười nhè nhẹ mấy tiếng. Tôi biết ổng đang sống lại với những kỷ niệm nên tôi “khơi“ luôn:


– Mà tại sao anh Sáu phải đi học võ vậy ?


Ổng ngập ngừng một chút rồi mới nói:


– Tại hồi đó tôi muốn đóng vai Tiết Nhơn Quí !


Ba tiếng “Tiết Nhơn Quí“ làm tôi nhớ lại bà già vợ tôi hồi thời trước hay đi coi hát bội và bà thích nhứt nhân vật Tiết Nhơn Quí.  Bà thường nói “Đóng vai Tiết Nhơn Quí,  không ai hay bằng kép Sáu Thanh hết ! Thằng đó múa thiên phương họa kích như thần.  Còn khi nó gặp lại Dương Mậu Sanh, nó khóc như thiệt vậy,  hay không chỗ nói !“ Tiết Nhơn Quí… Cây Thiên Phương Họa Kích… Kép Sáu Thanh… Ông già đấm bóp thứ Sáu… Tôi xoay người lại hỏi:


– Vậy anh Sáu là kép Sáu Thanh phải không ?


Gương mặt già nua đó bỗng nhăn lại vì xúc động.  Ổng nuốt nước miếng mấy lần mới nói được:


– Dạ phải.


– Hồi đó bà già vợ tôi mê anh lắm.  Bả cứ nhắc hoài lúc Tiết Nhơn Quí gặp lại nghĩa huynh Dương Mậu Sanh. Anh đóng hay đến nỗi khán giả ai cũng sụt sùi khóc hết.


Ông Sáu im lặng, chớp mắt thật nhanh rồi nhìn đi nơi khác. Ổng nhìn ra sân, ổng nhìn ra cổng.  Ở đó,  tôi không có vặn đèn khi đêm xuống như thời cũ - phải làm giống thiên hạ để đừng ai để ý- nên bóng tối dăng đầy.  Tôi biết: trong vùng tối đó, ông Sáu đang nhìn thấy lại ánh sáng huy hoàng của thuở mà trong vai Tiết Nhơn Quí ông đã làm rung động biết bao nhiêu khán giả đêm đêm…


Một lúc sau, ông Sáu mới nói,  giọng trầm tĩnh:


– Thầy Hai nằm xuống đi,  để tôi làm tiếp.


Bây giờ,  mấy đầu ngón tay của ổng “đi“ thật chậm nhưng thật sâu.  Làm như ổng đang tiếp tục mò mẫm để tìm lại những kỷ niệm vụn vặt mà cơn lốc cách mạng 1975 đã bất thần thổi tung đi mất.  Tôi bỗng nghe thương hại ông Sáu vô cùng…


Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để viết vài hàng về nhân vật Tiết Nhơn Quí. Tôi chỉ nhớ đại khái nhưng chắc cũng đủ để cảm thông sự xúc động của anh Kép tài danh Sáu Thanh,  bây giờ là ông già đang ngồi đấm lưng tôi trong im lặng…


Tiết Nhơn Quí nhà nghèo,  nhưng có sức mạnh hơn người.  Một mình anh ta kéo khúc gỗ mà mười người kéo không nổi ! Và anh ta ăn uống cũng bạo lắm: mỗi bữa cơm,  anh ta ăn bằng mười người ăn ! Vì nhà nghèo nên thường xuyên Tiết Nhơn Quí ăn không đủ no,  mặc không đủ ấm.


Trong làng,  có Dương Mậu Sanh là nhà có tiền và tánh tình rất hào phóng. Biết tình cảnh của Tiết Nhơn Quí,  Dương Mậu Sanh bèn đem về nuôi và kết nghĩa anh em. Nhờ được ăn uống đầy đủ nên Tiết Nhơn Quí,  ngoài việc giúp đỡ nghĩa huynh trong công tác nặng nhọc, hàng ngày luyện tập võ nghệ với cây thiên phương họa kích đến trình độ mà khi tung lên là “lá rụng cát bay“…


Tiết Nhơn Quí ăn đến… người nghĩa huynh bị sạt nghiệp !


Một hôm,  nhân đánh đuổi Cáp Tô Văn và cứu được Lý Thế Vân nên được vị này thâu dụng dưới trướng.  Rồi từ đó Tiết Nhơn Quí theo phò Lý Thế Vân đánh đông đánh tây bao nhiêu năm mới dựng nên cơ đồ cho ông này lên làm vua.  Lúc đó Tiết Nhơn Quí đã trở thành một vị nguyên soái lừng danh thiên hạ.


Thời gian sau,  nhân chuyến viễn chinh qua làng cũ, Tiết Nhơn Quí cho hạ trại ở đây rồi truyền lịnh tướng tá đi mời Dương Mậu Sanh. Ông này bây giờ nghèo xác xơ, nghe nguyên soái cho vời mình thì không biết làm sao, vì không tiền mua lễ vật để ra mắt nguyên soái.  Cuối cùng ông đành làm liều: ông lấy hai cái hũ đổ đầy nước, đóng nút rồi bịt lại bằng mấy lần vải đỏ,  xong ông xin một ít rượu rưới lên đầu hũ cho có mùi.  Như vậy, người ta sẽ nghĩ là hai hũ rượu,  và như vậy khi tiếp vị nghĩa huynh,  nguyên soái sẽ không bị mất mặt với những người dưới trướng.


Được thông báo, Tiết Nhơn Quí vội vã bước ra đón người anh kết nghĩa đã nuôi mình trong lúc cơ hàn mà bao nhiêu năm dài bận chuyện quân binh mình không về thăm được. Dương Mậu Sanh đặt hai hũ rượu giả lên bàn,  vòng tay cố gắng lắm mới nói được mấy lời: “Thưa nguyên soái, tôi xin có chút lễ mọn để ra mắt nguyên soái… “Nhìn bộ quần áo trên người Dương Mậu Sanh, Tiết Nhơn Quí hiểu ngay tình cảnh của người anh kết nghĩa. Ông ôm lấy nghĩa huynh, xúc động: “Dương huynh lúc nào cũng tốt với tiểu đệ. Ơn xưa biết bao giờ đệ trả cho xong mà bây giờ còn cho đệ rượu để mừng tái ngộ. Thì đệ xin uống cho huynh vui“. Nói xong, Tiết Nhơn Quí bưng lên một hũ,  mở nút uống ực ực mà trào nước mắt. Xong, nói lớn cho mọi người trong trướng đều nghe: “Ngon ! Ngon quá ! Rượu của nghĩa huynh ta ngon quá ! Cay quá ! Làm ta chảy nước mắt“. Rồi truyền lịnh: “Rượu của nghĩa huynh ta tặng cho ta, vừa ngon vừa quí. Đứa nào rớ vào là ta chém đầu. Nghe chưa ?“ Rồi tự tay xách hai hũ rượu một cách trịnh trọng đem vào trong cất kỹ.


***


Ông Sáu im lặng làm lưng tôi một lúc, bỗng nói:


– Hồi đó, lúc nào diễn đến lớp Tiết Nhơn Quí uống rượu giả của Dương Mậu Sanh, tôi cũng xúc động nên khóc thiệt. Khán giả nghĩ rằng tôi khóc giả mà như thiệt nên khen quá chừng. Có nhiều người liệng tiền lên sân khấu cho nữa, thầy Hai à !


– Rồi tại sao anh Sáu không đi hát nữa vậy?


– Mấy ngày đầu tháng tư 75, ông bầu rã gánh, vì đâu còn hát hò gì nữa. Lúc đó tụi này vẫn “trụ“ ở đình Thanh Nguơn là nơi mà tụi này hát thường xuyên. Đào kép nhạc công bỏ đi tứ tán. Còn lại ở đình có anh Ba thợ đèn, anh Tư Rưa người thủ vai Dương Mậu Sanh và tôi. Tụi này ở chùm nhum với nhau như vậy tới ngày giải phóng.


Ngừng một chút,  rồi không đợi tôi hỏi, ông nói tiếp, giống như ổng đang quây lại một cuồn phim:


– Rồi họ đến đuổi tụi tôi ra,  lấy đình làm hội trường. Anh Ba và anh Tư đưa vợ con về quê. Còn lại mình tôi không vợ không con nên cũng dễ. Tôi đổ lỳ, “bám trụ“. Cuối cùng họ để tôi ở cái nhà xép phía sau đình nhưng bắt tôi làm gác dan cho họ luôn ! Rồi bởi vì họ không trả lương nên tôi phải đi đấm bóp để sống.


– Bộ bây giờ người ta cũng kêu đấm bóp như hồi xưa, hả anh Sáu ?


– Đâu có ! Người như thầy Hai đây hiếm lắm. Chỉ có cán bộ là thích ba cái vụ này thôi.  Bây giờ bọn đó mới có tiền. Tiền… “chùa” mà thầy Hai ! Tôi nói bao nhiêu là họ đưa bấy nhiêu, không thắc mắc gì hết. Cho nên khách của tôi phần đông là cán bộ…


Tôi bật cười:


– Vậy là anh phục vụ tốt chế độ rồi anh Sáu !


– Đâu có thầy Hai ! Thầy không biết chớ khi tôi làm lưng cho họ tôi đâu có làm theo bài bản như tôi làm cho thầy Hai đây. Tôi dằn vật họ như một con thú. Tôi làm cho đã nư mà. Tôi làm lưng họ mà nghĩ như tôi đang rửa nhục vậy. Cho nên tôi cứ bẻ tay bẻ chân, rồi tôi vặn đầu vặn cổ. Tôi dẵm lên lưng dẵm lên đầu. Càng làm, tôi càng nghe hả dạ. Vậy mà họ khen ngón nghề của tôi có “trình độ cao“ ! Cái thứ dốt mà thầy Hai !


Ngừng một chút rồi tiếp:


– Thầy Hai biết không, nói nghe khùng chớ nhiều khi tôi ao ước được biến thành Tiết Nhơn Quí thiệt, với trùng trùng binh mã trong tay như thuở đi chinh Đông, để tôi quét sạch bọn vô thần này một phát !


Ổng nói mà hai tay ổng vẫn mằn mò đầu gân thớ thịt của hai chân tôi. Theo tuần tự lớp lang thì ổng đang ở phần cuối của cữ đấm. Bỗng ông Sáu thở dài:


– Coi vậy chớ lâu lâu tôi vẫn nhớ sân khấu,  nhớ tuồng nhớ tích. Tôi thủ vai Tiết Nhơn Quí gần hai mươi năm mà thầy Hai. Nó thấm trong xương trong máu lận. Dễ gì quên ?


Rồi ổng chép miệng, cay đắng:


– Hồi đó, có bao giờ tôi nghĩ rằng tôi sẽ tuột xuống đi đấm bóp như bây giờ đâu, thầy Hai.

– Đổi đời mà anh Sáu. Đều Trời hết chớ bộ !


Tôi nghe ổng khịt mũi rồi lầm bầm: “Hừ! Đổi đời ! Đổi đờ i! Mẹ bà nó !“ Tôi biết đã đến lúc tôi nên làm thinh để đừng khơi lại một vết thương nào khác nữa…


… Ông Sáu trở lại đấm cho tôi được hai lần.  Đến kỳ hẹn sau, ổng không tới. Tôi nghĩ có lẽ ổng bịnh. Tôi đợi thêm một tuần. Cũng không thấy ổng tới. Thắc mắc, tôi đạp xe lại xóm đình Thanh Nguơn hỏi thăm mới biết là ông Sáu đã bị bắt. Người ta nói chánh quyền nghi ổng có ý đồ gì đó bởi vì theo dõi thì “phát hiện“ đêm nào ổng cũng “lê la“ ở nhà các cán bộ !


Trên đường về nhà,  tôi miên man nghĩ: “Tiết Nhơn Quí trước sau như một, có ở tù, có bị chúng nó tẩm quất… chắc con người đó không bao giờ thay đổi. Và tôi lại nghĩ: bọn… ’đỉnh cao trí tuệ’ này không tình không nghĩa, hữu thủy vô chung, tiền hậu bất nhứt.  . . thì làm gì biết được Tiết Nhơn Quí là ai ?“.


Tiểu Tử