văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, March 20, 2018

MINH NGUYỄN ** Về Đồng Bằng Xem Gốm Đỏ


Trước đây, mỗi khi nhắc tới hai tiếng Vĩnh Long, người ta thường liên tưởng tới một thị xã thu nhỏ nằm dọc theo ven sông Cổ Chiên, thuộc vùng châu thổ đồng bằng sông Cữu Long. Một nơi chốn được vây bọc với nhiều sông rạch chằng chịt, cây trái bốn mùa trĩu nặng quả chín, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh  năm.

Không chỉ có vậy, kể từ sau ngày thị xã được công nhận đi lên thành phố, bộ mặt nơi đày đã có sự thay đổi rõ rệt trong mắt mọi người. Nhất là khi du khách có đủ thời gian ghé thăm mảnh đất hiền hòa nằm giữa hai con sông Tiền và Hậu đỏ màu phù sa. Chắc chắn sẽ còn được giới thiệu đến tham quan ở các cù lao du lich sinh thái miệt vườn; sống cùng với người dân Nam Bộ chất phát, thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị đồng quê hoặc ngồi thuyền ngao du trên sông rạch, xem đờn ca tài… và đặc biệt hơn hết,được các nghệ nhân nghề gốm chỉ dạy cho các thao tác, tạo ra sản phẩm mỹ nghệ tại những làng nghề gốm nổi tiếng trong tỉnh.
Từ chỗ được nghe nhiều người nhắc hoài đến loại sản phẩm chế tác bằng đất sét nhiểm phèn, loại đất chỉ có ở Vĩnh Long, sau khi nung qua lửa sẽ cho ra gốm đỏ ửng màu xác pháo xen lẫn vài vạt trắng đẹp đến lạ thường; khiến nhiều nước trên thế giới biết tiếng, tìm tới đặt hàng nhiều vô kể. Cũng chính vì những mẫu chuyện hấp dẫn ấy, đã thôi thúc trong tôi sự tò mò muốn được đi tìm hiểu ngay loại hình sản xuất độc đáo này.
Và, ngay sáng sớm hôm sau, tôi quyết định đón xe đi xuống Vĩnh Long. Lúc ngồi trên xe, tôi lo ngại cho đoạn đường từ Phú Lâm ra quốc lộ 4 đi Tân An, dày đặc xe cộ chen chúc nhau di chuyển từng bước. Đến lúc xe chạy một hồi, giật mình nhìn lại, mới kịp nhận ra con đường Nguyễn Văn Linh rợp mát bóng cây ven đường. Kế đến là vòng xoay Bình Điền, hé lộ ra con đường cao tốc chạy thẳng xuống Trung Lương, rút ngắn khoảng thời gian lại rất nhiều so với việc phải di chuyển trên quốc lộ 4 cũ. Con đường mới đưa vào sử dụng cách nay chưa bao lâu, xem ra vẫn còn lạ lẫm trong mắt mọi người. Con đường phẳng lừ, hấp dẫn nhiều tay lái trẻ vốn mê tốc độ, phóng xe chạy với vận tốc trên 120 kí-lô-mét một giờ. Mặc cho đèn và kèn báo động chớp tắt liên hồi trên bảng đồng hồ tốc độ,cảnh giác sự nguy hiểm. Vậy mà chẳng thấy ai sợ hãi hay ta than lời nào mới lạ. Trái lại, mọi người cố nhoài người sang hai phía cửa,tranh nhau nhìn cho rõ lớp sương sớm chưa kịp tan trên biển lúa hừng hực sắc vàng. Đẹp lộng lẫy không thua gì bức tranh đặc tả buổi sớm mai trước một miền quê thanh bình.
Thoáng chốc, xe qua Cai Lậy. Cái Bè, rồi cầu Mỹ Thuận cũng dần hiện ra với hình ảnh đôi cánh buồm căng gió trên nền trời buổi sáng. Cây cầu dây văng khá hiện đại, bấy lâu nay vẫn được người dân đất Vĩnh tự hào,mỗi khi nhắc tới  quê hương xinh đẹp của mình. Bất chợt, bên một khúc quanh trên con đường dẩn lên cầu, tôi phát hiện ra tấm bảng chỉ đường màu xanh có vẽ một mũi tên màu trắng thật to với hàng chữ “đường đi ra bến phà cũ” viết liền bên dưới.
Cái bến phà có bề dày lịch sử hơn mấy chục năm đưa rước không biết bao nhiêu lượt khách qua lại, cũng như đã nuôi sống hàng trăm gia đình lao động nghèo khổ, có được cái ăn cái mặc; con cái học hành đến nơi đến chốn. Ôi ! Đâu rồi giọng ca mùi mẫn của cô gái trẻ, lặng lẽ dắt tay ông già mù chơi sáu câu vọng cổ trên chiếc đàn lục huyền cầm phím lõm, nghe buồn man mát. Đâu rồi cái thời ồn ào của những tiếng rao mía ghim, hột vịt lộn hòa lẫn trong tiếng chào mời mua bán bánh kẹo, trái cây nghe ngọt lịm từ miệng các cô thôn nữ xinh đẹp, mộc mạc trong chiếc áo bà ba cùng với nón lá che đầu. Hết ! Tất cả hình ảnh thân thương ngày nào nơi bến phà sông Tiền, giờ đã trở thành dĩ vãng,trôi theo dòng thời gian hóa thành hoài niệm.
Từ bên kia sông, tỉnh Vĩnh Long xinh đẹp, trù phú với các loại cây trái bốn mùa;hiện ra bên dáng vẻ êm đềm của màu xanh vườn tược. Một nơi, chỉ trong chốc lát đây tôi sẽ có dịp tận mắt chứng kiến việc sản xuất ra các sản phẩm được gọi với cái tên ”Gốm Đỏ“. Một loại gốm không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn tạo ra thế mạnh trong việc xuất khẩu, giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động bản địa rất nhiều.

Vậy Gốm Đỏ là gì ?

Theo lịch sử gốm xứ thế giới : “Con người sau thời đại đồ đá đã tìm ra lửa. Biết cất nhà sống định cư. Biết dùng đất sét cho qua lửa để làm nên các vật dụng dùng trong gia đình, hoặc vật dụng dùng trong xây dựng, hoặc vật dụng dùng trong việc thờ cúng”.
Như vậy, gốm xứ nói chung đã có mặt và gần gủi với đời sống con người từ rất lâu. Riêng tại Việt Nam, sự hiện diện của gốm tuy có muộn hơn, nhưng mỗi khi nói tới gốm Việt. Người ta thường nhắc tới các loại đất nung từ thời đồ đồng, thời Hán-Việt, thời Lý-Trần, thời Lê-Mạc, thời Nguyễn, Óc Eo, Chăm Pa và sau đó có gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Mỹ Xá, Biên Hòa, Cây Mai và đặc biệt hơn, trong thời gian gần đây còn được nghe nhắc tới loại Gốm Đỏ Vĩnh Long.
Để đi tìm hiểu về loại Gốm Đỏ Vĩnh Long một cách cụ thể hơn. Liệu chúng ta thử nên bắt đầu từ đâu ?
Giữa lúc tôi còn đang loay hoay, chưa biết sẽ cầu cứu đến những ai, khả dĩ có thể giúp tìm ra nguồn tài liệu cho bài viết, thì may sao chuông điện thoại từ họa sĩ Đăng Can gọi tới báo cho biết : “có một nhóm họa sĩ do Lê Triều Điễn hướng dẫn đi thực tế sáng tác tại các lò gốm trong tỉnh. Hỏi tôi có muốn tháp tùng theo không ?”. Tưởng ai lạ, chứ họa sĩ Lê Triều Điển, có vợ vừa là nữ sĩ vừa là họa sĩ, vốn đã từng quen biết từ rất lâu nên được đi cùng chắc sẽ vui. Tới khi, đang uống cà phê  tại HVHNT Vĩnh Long cùng với họa sĩ Đặng Can, Thế Đệ, Hà Ngọc Trãng, Tín Đức, Chiêu Đồng, Minh Nhựt thì, nhóm họa sĩ Lê Triều Điển, Lê Kiệt, Hồng Lĩnh cùng vài anh em của Mê – Kông art cũng vừa ghé tới.
Quả đây là một dịp may, giúp cho chuyến đi lần này của tôi có thêm nhiều thuận lợi. Bởi, họa sĩ Lê Triều Điển ngoài việc từng là hội viên HVHNT tại đây, anh còn là người con đất Vĩnh một thời. Cho nên,việc tháp tùng cùng nhóm của anh, giúp tôi tiếp xúc và làm quen với nhiều khuôn mặt văn nghệ của vùng đất Vĩnh Long như : Phạm Trung Khâu, Trần Thôi, Hồ Tĩnh Tâm, Song Hão…, đặc biệt là các chủ lò gốm yêu mến hoạt động văn nghệ, sẵn sàng hổ trợ anh em có nơi chốn để sáng tác.
Nhờ được giới thiệu từ trước nên, chỉ sau vài giờ làm việc với nhiều nơi nhiều người, tôi đã tương đối có đủ tài liệu về các làng gốm Vĩnh Long. Một làng gốm nằm dọc theo bên này sông Cổ Chiên, hình thành vào những năm 1993 trên nền sản xuất gạch ngói, có bề dày kinh nghiện với hơn 150 tuổi. Tuy nhiên, việc làm ăn chỉ khá lên từ năm 1997. Khi lần đầu tiên sản phẩm gốm đỏ mỹ nghệ được bán ra nước ngoài và trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Nhờ đó, việc sản xuất ngày càng đi vào ổn định. Số miệng lò trong tỉnh tăng lên hơn 3000 chiếc với gần 1000 cơ sở sản xuất, trong đó chỉ tính riêng mặt hàng gốm mỹ nghệ xuất khẩu đã có gần 800 miệng lò với 120 cơ sở tại phường 5, với các xã : Thanh Đức, Mỹ An, Mỹ Phước, Chánh An. Số lò còn lại thuộc các huyện Châu Thành, Long Hồ, Mang Thít .v.v… luôn đỏ lửa trong vụ mùa từ tháng 8 năm trước kéo dài đến tháng 3 năm sau.
Để giúp tôi sớm tiếp cận và làm việc với làng Gốm Đỏ. Họa sĩ Thế Đệ chịu khó chở tôi trên chiếc xe gắn máy, chạy qua nhiều con đường bề thế của thành phố; trước khi tiến thẳng ra con đường độc đạo nằm dọc bên này sông Cổ Chiên. Nhờ ngồi phía sau, tôi có dịp nhìn lại thị xã mà cách nay vài chục năm mình từng có lần ghé lại làm việc trong đôi ba ngày. Phải thừa nhận thành phố hôm nay có nhiều thay đổi qua việc làm biến mất những con rạch tù đọng nước thải lâu ngày, bốc mùi hôi thối. Cho đến những rặng dừa nước già cổi cháy nắng, nay đã trở thành những con đường sạch sẽ tinh tươm bên một khu phố ồn ào náo nhiệt.
Cuối cùng. Con sông Cổ Chiên màu mở phù sa cũng hiện ra trước mắt tôi. Một bên là cù lao Tam Bình cây lành trái ngọt, nổi tiếng với hầu hết các khu du lịch sinh thái; một bên còn lại chính là thủ phủ các lò gốm, chuyên sản xuất ra các loại gốm đỏ, mà nhà này cách nhà kia chỉ là hàng rào thấp lè tè. Nhưng, cứ thế nổi lên vô số những miệng lò; hết miệng lò này nối tiếp miệng lò khác, giống hình thù những chiếc nấm khổng lồ thi nhau thả khói lên tận bầu trời cao. Đó là giang sơn, là cơ ngơi của các nhà sản xuất giàu có. Nhờ biết tận dụng nguồn nguyên liệu đất sét nhiễm phèn sẳn có tại chỗ cùng với trử lượng dồi dào, khi được nung qua lửa sẽ cho ra sản phẩm có màu hồng pháo điểm xuyết thêm vài vạt trắng, đẹp không thể tưởng tượng. Nhờ đó, gốm đỏ Vĩnh Long nổi tiếng khắp Châu Âu, Mỹ, Úc kể cả Đài Loan tìm tới đặt hàng nhiều đến nổi, có khi không đủ hàng để ký kết hợp đồng, nếu gặp lúc đang ở vào mùa vụ. Hơn nữa,sự thuận lợi của vùng đất được qui hoạch tập trung, chỉ dành riêng cho việc sản xuất gốm nơi này, còn được đánh giá là rất thuận lợi trong việc, vận chuyển, tập kết nguyên vật liệu đất sét, vỏ trấu dùng cho việc đốt lò thôi chưa đủ; mà còn tỏ ra khá thân thiện với môi trường, bởi sự ô nhiễm không mấy đáng kể.
Người chủ lò đầu tiên tôi được tiếp xúc trong sáng nay là nhà doanh nghiệp trẻ Nguyễn văn Buôi. Giám đốc xí nghiệp Tân Hiệp Phát, thuộc xã Thanh Đức, huyện Long  Hồ. Người gần đây nổi lên không chỉ với thiết kế mà còn cho ra đời sản phẩm gốm khá độc đáo : Ngôi nhà làm bằng đất sét nung hay còn gọi là NGÔI NHÀ GỐM ĐỎ. Bởi, từ cổng chào, hàng rào, rui, mè, kèo, cột, đòn dông, mái nhà đều làm cùng một loại đất sét, sau khi nung qua lửa cho ra cùng một màu đỏ gốm.
Theo ông Buôi : “khối lương công việc dành cho gốm còn rất nhiều, chưa thể làm xong trong ngày một ngày hai, mà trong tương lai còn phải nhờ đến bàn tay của các hoạ sĩ, giúp ông biến những ý tưởng  trở thành hiện thực bằng việc tạo ra các sản phẩm khác như : gốm giả đồng, gốm giả đá nhân tạo, gốm giả sơn mài… đặc biệt, phải thể hiện thật rõ nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với nền văn hóa Nam Bộ”.
Xem ra,muốn thể hiện một cách thông suốt ý tưởng này;tưởng cần phải có những con người nhiệt tình, hết lòng với quê hương mới hy vọng mang lại kết quả. Điều này,có thể đặt sự tin tưởng vào người đàn ông giàu nghị lực và đầy quyết tâm đang cố dành cho nghề gốm quê nhà một chỗ đứng xứng tầm thế giới. Cụ thể, bằng những việc làm được nhìn thấy qua các sản phẩm vừa thực hiện hoàn chỉnh như : bộ tranh gốm bát tiên, bộ tranh gốm nói về các lễ hội dân tộc, tranh gốm về hồng hạc. Và gần đây, phải kể tới cuộc trưng bày hoành tráng các sản phẩm gốm tại quảng trường vừa đẹp vừa lớn, lại vừa là cửa ngõ của thành phố, nhờ thế tạo được ấn tượng trong mắt người dận và khách du lịch ghé đến tham quan. Nhằm giới thiệu một ngành nghề đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long nhân dịp đầu xuân Canh Dần vừa qua.
Chứng kiến công việc khá bận rộn nơi vị gián đốc. Vì cùng lúc vừa phải tiếp chuyện với tôi, vừa phải quay sang tư vấn cho nhân viên của mình trong việc san lấp mặt bằng,nhằm tôn tạo khoảng sân rộng vài công đất quanh xi nghiệp. Theo ông Buôi cho biết : “nơi đây,trong nay mai sớm biến thành một cụm triển lãm bề thế; không chỉ có gốm thôi,mà còn có cả tranh của các họa sĩ khách mời.
Không muốn làm phiền người chủ trẻ năng động này nhiều hơn nữa. Tôi đành chào tạm biệt để ông được rảnh tay đi lo công việc khác. Lúc quay đi, nhìn đồng hồ tay thấy còn dư nhiều thời gian, tôi bèn tìm người hỏi thăm đường đi xuống  với Tân Hiệp Phát 2. Nơi một số bạn họa sĩ trong nhóm Mê Kông art đang sáng tác dưới đó. Con đường tưởng gần, nhưng dài đến gần chục cây số, hướng về huyện Mang Thít gập ghềnh khó đi như cảnh “thầy cai“  ngồi trên lưng ngựa đến trấn nhậm nơi nhiệm sở mới; bởi mặt đường bị những hố sâu làm cho nham nhở.
Vì là lần đầu tiên làm quen với việc “vọoc“ đất, chân tay tôi trở nên khá vụng về. Đụng tới việc chi cũng cảm thấy khó khăn; nhất là khi thọc tay vào đất trơn tuột, sắn lấy một miếng bỏ lên bàn xoay, nhào nặn miếng đất sao cho ra hồn, nếu không cục đất vẫn là cục đất đen thui. Chán. Tôi định chuyển qua tìm hiểu về nghề đốt lò. Tiếc thay, thời gian này sản phẩm mộc tuy thấy khá nhiều, nhưng các thợ thủ công cho biết : “với bao nhiêu đó sản phẩm vẫn chưa đủ đâu vào đâu so với khối lượng của một mẻ nung. Vì vậy, để giảm bớt chi phí cho chủ, tạm thời chưa thể đốt lò đỏ lửa được“. Nếu không, thế nào tôi cũng đòi gặp bằng được người thợ cả trông coi việc đốt lò, hỏi cho ra lẽ,có hay không quan niệm : “coi hiện vật gốm không khác chi một cơ thể sống. Một vũ trụ thu nhỏ liên kết hài hòa theo thuật phong thủy gồm : kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Và, điều quan trọng là kinh qua đó mà biết được sự phát triển nghề nghiệp có được sự hạnh thông hay không. Mà sự hạnh thông của ngũ hành lại nằm trong qui trình lao động sáng tạo cùng với qui trình kỹ thuật chuẩn xác” ?
Cuối cùng,để giết thời gian,tôi quay sang chọn lấy miếng đất đặt lên bàn xoay. Phác thảo vội vàng hình tượng trong đầu rồi, cứ thế làm bạn với miếng đất cho tới lúc hoàn thành cái dược gọi là tác phẩm.Trời ạ ! Tôi nhớ hồi còn nhỏ đi học ở trường tiểu học. Trong giờ thủ công, cô giao ra đề trước “các em về nhà nặn tương một chú mèo” tuần sau mang đến lớp chấm điểm. Lần nào cũng như lần nào, đề bài cô giáo ra luôn thay đổi; bữa nặn con vật này, bữa nặn con vật kia. Và, y như rằng, tuần sau thế nào tôi cũng mang đến lớp cục đất mà qua đó chẳng ai có thể đoán ra hình thù con gì. Lại thêm một lần nữa,cả lớp được một trận cười đến xấu hỗ cho một tài năng điêu khắc thuộc trường phái trừu tượng.
Vậy mà, khi kết thúc ngày làm việc đầy sự chật vật hôm đó. Tôi đã gây ngạc nhiên không ít cho nhiều người, khi có tới 3 chiếc tượng lọt qua vòng kiểm tra, trước khi được cho vào lò nung.
Chắc chắn, đây sẽ là một kỷ niệm khó quên trong chuyến đi về đồng bằng sông Cữu Long của tôi lần này. Một chuyến đi không chỉ để xem gốm đỏ Vĩnh Long không thôi, mà còn được thọc tay “vọoc” đất một cách thoải mái.

Minh Nguyễn