Qua khỏi khu phố chợ khá rộn rịp của vùng ngoại ô, và cái đồn lính có thép gai rào chằng chịt, xe đò bắt đầu đổ dốc. Hai bên đường, nhà cửa thưa thớt dần. Những đồi thông xanh xuất hiện trong tầm mắt. Xuống hết dốc, xe lại nặng nề lên dốc. Buổi chiều không nắng, rơi mênh mang trên cây lá, trên con đường vắng lặng. Phía xa, rừng núi xanh um, mập mờ, ẩn dấu. Nguyên ngồi thật im, trí nhớ thả lỏng, bay đầy những hình ảnh mơ hồ. Ngày tháng dồn lại trong một quá khứ chơi vơi, nhạt nhòa. Thỉnh thoảng, Nguyên kéo cổ áo lên túm lại ở đàng trước. Mấy ngày trở lại đây, trời không mưa, mặt trời có lúc lấp ló, nhưng cái lạnh cắt da cắt thịt vẫn còn thấp thoáng đâu đó, ngây ngấy. Những người ngồi trong xe chừng như đều muốn ngồi khít bên nhau, lặng lẽ. Bên ngoài cũng lặng lẽ. Con đường về vùng núi lên dốc xuống dốc chập chùng. Buồn. Những ngày cuối năm dễ mang lại thứ cảm giác xao xuyến kỳ quặc. Nguyên cúi xuống, tẩn mẩn lấy guốc chà nát mấy cái vỏ đậu phụng dưới sàn xe. Lúc ngẩng lên, Nguyên bắt gặp nụ cười của người đàn bà ngồi ở hàng đối diện. Tự dưng, Nguyên cũng mỉm cười. Xe đến một ngã ba, xe quẹo về phía mặt.
Đàn Nam Dao quạnh quẽ. Con đường ở bên kia dẫn về dòng Thiên An, vắng thật vắng. Những cây thông xanh ngát đã xuất hiện hai bên đường. Những người trong xe thò đầu nhìn ra ngoài, chỉ trừ người đàn bà trước mặt Nguyên vẫn ngồi im. Khi bà ta đưa tay sửa lại đầu tóc, Nguyên mới để ý thấy vành khăn tang trắng quấn trên đầu, ẩn sau chiếc khăn choàng ấm. Thấy Nguyên nhìn chăm chú, người đàn bà lại cười, nụ cười nửa như có vẻ tự nhiên nửa như muốn tạo một thân mật. Chợt Nguyên thấy thông cảm sâu xa nụ cười là lạ đó. Nguyên muốn hỏi người đàn bà một câu, nhưng lại thôi. Nguyên kéo cổ áo len lên nhìn ra ngoài. Sương mù loang loáng ở đám thông xa. Những con đường mòn đất đỏ ngoằn nghoèo, lạnh tanh, dẫn xuống những căn nhà đâu ở phía dưới, khuất sau cây lá. Sao buồn quá thế này!
Xe bắt đầu đến một khoảng đường bằng. Mấy căn nhà ở bên đường mới sơn phết lại. Sửa soạn làm gì ở những vùng vắng vẻ như thế này nhỉ? Người tài xế chợt nói lớn:
– Gần đến cầu Lim rồi. Có ai xuống cầu Lim không?
Nguyên hơi giật mình, đưa tay vuốt lại mái tóc và cầm cái xách ny lông, nhìn phía trước. Người đàn bà lại nhìn Nguyên cười lặng lẽ. Nguyên nói:
– Cho tôi xuống đây.
Nói xong, Nguyên hấp tấp đứng dậy, nhìn người đàn bà cười nhẹ tỏ ý chào. Khi Nguyên bước đến gần, người đàn bà hỏi:
– Cô đi thăm mộ ở đây à?
Nguyên dạ thật nhỏ. Xe ngừng. Nguyên quay lại hỏi người đàn bà:
– Rứa bác cũng đi thăm mộ?
Người đàn bà gật đầu, nói nhanh như thể đã muốn nói từ đầu:
– Thăm mộ đứa con tui. Hắn chết năm ngoái, chết mồng ba Tết.
Âm thanh nằng nặng của chữ “chết” thoát ra từ miệng người đàn bà làm Nguyên chợt rùng mình. Nguyên gật đầu chào một lần nữa rồi hấp tấp bước xuống xe. Xe từ từ chạy. Nguyên nhìn theo, thấy người đàn bà vẫn hướng về phía Nguyên. Nguyên ghé vào cái quán nhỏ bên đường mua mấy thẻ nhang. Bà cụ già nhìn chăm Nguyên:
– Đến bữa ni cô mới đi thăm mộ lận?
– Dạ, mấy bữa trước cháu định đi, nhưng mà nghĩ phải lên đây, cháu thấy buồn quá mệ à!
– Cô đi thăm mộ ai rứa?
Nguyên đáp nhanh như thật:
– Dạ, cháu thăm mộ người anh bà con.
Bà cụ chép miệng nói tội nghiệp. Nguyên chào bà cụ rồi đi. Đến con đường mòn chạy sâu vào trong, Nguyên tần ngần bước chậm lại. Đến lúc này, Nguyên mới thấy lòng mình xao động mạnh. Lối mòn hoang vu này dẫn Nguyên vào nơi yên nghỉ của Xuân đó sao? Lối mòn quanh năm chắc chỉ ghi dấu những bước chân lạnh lùng, thầm lặng. Lối mòn đưa mỗi người đến những gặp gỡ không hình không dáng, đến những thổn thức ứ trào. Có ai rình rập quanh đây không? Có biến cố nào chợt xảy ra làm nổ bùng cái khung cảnh câm nín vô lý này? Nguyên hoang mang nhìn quanh. Cây lá lay động. Một tiếng súng có thể bất chợt nổ lên hay một bóng người lạ hoắc có thể xuất hiện bất thần sau đó với đôi mắt dọa nạt? Nguyên băn khoăn nghĩ tại sao không rủ thằng Thắng đi, tại sao Nguyên lại nhất định đi một mình. Buổi hẹn hò này đâu cần phải sợ có người thứ ba! Vì người thứ hai vốn chỉ là một đồi đất nhỏ bé, tròn trĩnh và những hòn sỏi cọng với một hoài vọng mù mờ. Đôi mắt cay cay, Nguyên đưa tay chặm mắt, bước nhanh. Người đàn ông già đang quét sân, nhìn thấy Nguyên, vội bỏ chổi đi ra. Ông ta lên tiếng:
– Cô bữa ni mới lên thăm mộ há? Tưởng cô đi ở xứ mô rồi chớ. Cái mộ đó tui mới vun thêm đất hôm qua. Chà, mấy bữa trời mưa dầm, đất nó trôi hết. Cách đây chín mười hôm, người nhà có lên thăm, thấy không có cô tui tính hỏi, mà quên mất.
– Dạ, cháu cảm ơn chú. Chút nữa, cháu ra nói chuyện với chú sau.
Nguyên bước đi. Qua khỏi cổng tre, Nguyên đã nhìn thấy ngôi mộ của Xuân nằm đó. Nguyên bàng hoàng. Những nấm mộ khác lạnh lùng, quạnh quẽ, có nấm đã được vun quén lại, có nấm cỏ mọc xanh, chứng tích của sự bỏ quên, một bỏ quên tầm thường, vô tội mà buồn bã. Những ngọn cỏ nhỏ bé lay động ngu ngơ. Những sự sống nằm trên sự chết. Những khai sinh nằm trên cái tàn rữa, tiêu hủy. Những hiện diện vây phủ những vắng mặt muôn thuở. Sự nối tiếp tình cờ, hợp lý và khó hiểu. Nguyên dừng lại, đứng yên, mắt như mờ đi. Một lát, Nguyên mở ví xách lấy cái khăn tang trắng buộc quanh đầu. Em tầm thường như thế này đây Xuân. Em chỉ quấn khăn tang tại đây, với anh trong chiều nay. Trước khi đến đây, em đã giấu nó, vì em không muốn người ta biết là em đang nhớ anh. Và em sẽ bỏ vào trong ví khi em trở về. Nhưng khăn tang là gì Xuân nhỉ? Nguyên bước về phía mộ Xuân, ngẫm nghĩ lang bang và lại gỡ vội chiếc khăn tang bỏ lại vào trong ví xách.
Đến trước mộ Xuân, Nguyên đặt ví xuống đất, ngồi trên tảng đá cạnh đó. Ngôi mộ chắc đã được người đàn ông đắp thêm đất, sửa sang lại. Ngôi mộ tròn trĩnh với những hòn đá nhỏ lẫn lộn trong đất. Trước đây nửa tháng chắc hẳn cỏ cũng mọc đầy trên đây như mấy nấm mộ đàng kia. Hôm trước, bên nhà Xuân có cho gọi Nguyên cùng đi thăm Xuân và “chạp mã” luôn, nhưng Nguyên từ chối, viện cớ bận. Nguyên chỉ thích đi một mình như thế này. Một mình để ray rứt nhớ tiếc. Một mình để tưởng tượng về một cuộc hẹn hò, dù là thứ hẹn hò mù mịt, quạnh quẽ.
Nguyên vuốt tóc ra sau gáy, nhìn sững tấm mộ bia: Trần Văn Xuân. Trần Văn Xuân, tên anh đó hả? Anh đã mất hết, chỉ còn một cái tên cộng thêm vài giòng chữ ngày tháng sinh khắc sâu trong đá có tô thêm màu đỏ. Thế này sao? Trong trí tưởng Nguyên, Trần Văn Xuân trở về bằng một hình tượng nhòe nhoẹt. Nguyên cúi mặt úp trong lòng bàn tay, mơ hồ nhớ từng dáng nét của Xuân. Bàn tay Xuân cầm chặt tay Nguyên trong đêm tỏ tình đầu tiên gây cho Nguyên một cảm giác xôn xao kỳ quặc. Cảm giác đó giờ như trở lại trong Nguyên thật đầy. Bàn tay Xuân nóng ấm, có những đường gân xanh. Bàn tay đã thận trọng, dò dẫm trước khi nắm chặt bàn tay Nguyên đưa Nguyên đến tuyệt đỉnh xúc động. Sau giây phút đó, trên chiếc ghế đá mát rượi của công viên trước trường Đồng Khánh, Nguyên đã thực sự cảm thấy cuộc đời vừa bắt đầu, kỳ tuyệt như những vì sao run rẩy trong sâu thẳm của bầu trời đêm. Giờ còn gì nữa. Bàn tay đã rã rời thành những đốt xương khô vô nghĩa trong lòng đất. Cả những ngón chân, cả khuôn mặt, cả dáng nét, cả nụ cười, cả vòng tay ngọt ngào, thân thiết.
Hôm đào xác Xuân, Nguyên đã đứng lặng người chứng kiến sự rã rời đó. Ba người lính vừa xớt một khoảng cỏ, Nguyên đã thấy một đôi giầy ló lên. Có phải Xuân không hay một ai khác? Nguyên vừa hy vọng vừa khẩn cầu hy vọng đó không là sự thật. Đến khi tấm thẻ căn cước, tấm khăn thêu có hai chữ XN, tấm hình Nguyên vàng vọt được lục từ trong túi áo của xác chết, Nguyên mới sững sờ, ngây ngất. Sợ Nguyên xỉu, người ta đã kéo Nguyên đi chỗ khác. Nhưng Nguyên không chịu. Nguyên đứng bên móng cầu tỉnh bơ nhìn người ta đào xới. Mắt Nguyên mở thao láo nhìn người ta moi xác Xuân lên. Không có Xuân. Chỉ có cái đầu lâu với những lỗ hổng, những xương tay, xương chân, xương sườn…Người ta lần lượt rũ trong bộ áo quần ra những khúc xương lì lợm, đen đủi rồi gói từng cái một vào trong những tấm giấy trắng. Nguyên lạnh lùng, bình thản đến mất cả cảm giác. Nguyên nghe như có những âm vang xa xăm vọng lại trong đầu. Trời ơi, Xuân đó sao? Xuân vụn rời, tàn rữa, rụng rơi. Nguyên đứng vòng tay lại. Tâm hồn Nguyên như bay chơi vơi ở một không gian mù mịt nào. Mắt Nguyên ráo hoảnh như chưa hề có nước mắt. Có tiếng réo gọi thảng thốt xa xăm từ một nơi nào vọng lại. Nguyên choáng váng cả người. Đống xương của Xuân được bọc lại bỏ vào hòm và được khiêng lên chiếc xe quân sự. Một lá cờ phủ lên. Nguyên thẫn thờ leo lên xe, mắt đăm đăm nhìn về một phía và không thấy gì hết.
Nguyên ngẩng mặt lên. Nước mắt đã nhòe. Hai bàn tay đã ướt. Nguyên lấy khăn chặm nước mắt. Chiếc bia mộ với những giòng chữ son đỏ nhảy múa, buồn thiu. Nguyên lấy mấy cây nhang đốt lên cắm trước mộ Xuân. Mùi hương thoang thoảng và làn khói quyện tròn làm Nguyên bình tĩnh lại. Nguyên nhìn quanh. Trong đám lau sậy bên kia, có khuôn mặt nào đang ẩn giấu nhìn Nguyên không? Buổi chiều thật lạnh trên khu nghĩa trang. Nguyên kéo cổ áo len lên và chợt rùng mình. Nguyên lấy tấm ảnh chụp bán thân Xuân ra nhìn ngắm. Nhìn ảnh, nước mắt chảy dài trên má Nguyên. Đôi môi của Xuân có vẻ như muốn cười với Nguyên. Đôi mắt Xuân tinh nghịch. Tường Nguyên. Tường Nguyên…Nguyên nhắm mắt lại, úp hình Xuân giữa ngực. Âm thanh réo gọi trong Nguyên, chập chùng, thảm thiết. Âm thanh như toát ra từ một cõi im vắng, khô cằn. Buổi sáng trông anh trên đường. Buổi chiều chờ anh trước cổng trường. Hôm nào giận anh, em bỏ đi trước. Tiếng gọi của anh ở sau buồn rầu, ân hận. Nguyên. Tường Nguyên. Không, em không nghe đâu, anh phải đến năn nỉ, van lơn em mới chịu. Tối mồng một Tết, anh còn đến nhà năn nỉ gọi Tường Nguyên, Tường Nguyên đừng giận anh nữa. Phải chi tối đó, anh khoan về! Phải chi anh đừng vội vã nghe lời kêu gọi của họ mà mặc áo quần đi trình diện!
Nguyên buông lỏng tay. Tấm hình Xuân rơi xuống đất. Nguyên lượm lên bỏ vào trong ví.
Những cây nhang đã cháy gần hết. Nguyên đứng trước mộ Xuân chấp tay vái, rồi yên lặng. Bộ quần áo đen của Nguyên hiện rõ trong khu nghĩa trang im vắng, quạnh quẽ. Có tiếng con chim sẻ đâu đó kêu chiêm chiếp thật gần. Nguyên xách ví bước đi. Nguyên vào nhà người đàn ông nói vài câu cám ơn. Người đàn ông xuýt xoa nói:
– Tội nghiệp! Cô chừng ấy tuổi mà đã góa chồng.
Nguyên nói nhỏ:
– Dạ, tụi con mới làm lễ hỏi.
– Ừ! Làm lễ hỏi rồi cũng như đã nên vợ nên chồng.
Nguyên đưa cho người đàn ông trăm bạc rồi chào ông ta, bước đi. Con đường mòn lạnh tanh, buồn bã dẫn Nguyên rời một cuộc hẹn hò đơn độc. Ra đến đường, Nguyên đón xe về Từ Đàm, rồi sau đó, lên xe lam về phố. Những đồi thông xanh, những im lìm hoang vắng đã lùi lại đàng sau cùng với nấm mộ Xuân tẻ lạnh. Dốc Nam Dao thật dài. Nguyên ngồi chụm hai chân, hai bàn tay đặt lên đầu gối trong một dáng co ro buồn. Trí óc Nguyên vẫn còn đọng lại những dòng chữ son đỏ trên tấm mộ bia nhảy múa. Nghe xe sắp xuống hết dốc, Nguyên ngẩng đầu lên, đăm đăm nhìn chiếc cầu gãy đổ hiện dần trước mặt. Xuân đã từng nằm đó với những đốt xương trơ trụi. Một cảm giác tê tái đột ngột làm Nguyên run lên. Nguyên quay mặt nhìn đi phía khác, cố tưởng tượng ra một hình ảnh nào đó không rõ nét. Tuấn!
Đúng là Tuấn. Tuấn với nỗi khao khát kỳ lạ hiện rõ trên khuôn mặt. Tuấn đó, sự thực đó Nguyên. Còn gì mà cứ phải mải miết hoài vọng về một dĩ vãng mù mờ! Nguyên nhìn những người đi đường và chợt xôn xao. Xe chạy dọc theo bờ sông An Cựu. Giòng nước trong xanh, lững lờ. Giòng nước bình yên êm ả quên bẵng ngày tháng. Một năm qua đi như mơ. Một năm rồi, những cái vô nghĩa đã trở thành có nghĩa.
Xe ngừng để khách xuống rồi chạy quẹo qua cầu. Gió lạnh luồn vào xe. Nguyên khép hai đầu gối lại, cố tưởng nghĩ đến một niềm vui. Nỗi ân hận gợn lên, thoáng qua nhanh, Nguyên lấy chiếc “băng-đô” buộc lại đầu tóc. Đường Lê Lợi thênh thang. Hàng cây bên đường đã rụng hết lá. Những cánh áo len bay lưọn bình thản. Đến cầu Trường Tiền, xe ngừng lại đợi đèn xanh. Những đoàn xe từ bên kia cầu nối đuôi chen chúc chạy qua. Đợi một lát, xe lăm rú mạnh leo lên chiếc vài gỗ tạm bợ nối hai nhịp cầu gãy đổ. Cái vài gỗ thô kệch, lì lợm đó là chứng tích lồ lộ còn sót lại của những ngày chiến tranh trong thành phố. Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp bây giờ trông hết sức gàn dở. Một ngày phải đạp xe đạp qua lại cầu vài lần, Nguyên cảm thấy ấm ức tiếc nuối. Trong những ngày mưa dầm dề, cầu Trường Tiền nằm im lìm, buồn đến không chịu được.
Qua khỏi cầu, xe lam quẹo về phố. Phố xá những ngày cuối năm rộn rã, dập dìu. Một năm đã qua rồi đó. Những vết đổ vỡ, nám đen của các căn phố vẫn còn, nhưng dường như không đủ để gợi lại đậm đà những tang thương cũ. Tự dưng, Nguyên mỉm cười vu vơ. Xe dừng lại, Nguyên trả tiền, hấp tấp leo xuống. Nguyên lục ví tìm lược chải đầu. Chiếc khăn tang trắng dồn lại một chỗ. Nguyên chợt nghe lòng mình xao động. Còn gì mà phải hoài vọng mải miết về một dĩ vãng mù mờ!
Nguyên đi dọc theo hè phố. Những nụ cười chào. Những cái vẫy tay thân quen. Nguyên bỗng muốn chào hỏi tất cả mọi người. Họ đó, họ ở trước mặt, họ ở chung quanh. Họ còn mở môi, còn liếc nhìn, còn vẫy tay. Phải chăng nên trở lại với đời sống và quên đi nỗi chết hoang vắng âm u? Khu nghĩa trang quạnh hiu với nấm mồ Xuân tròn trĩnh bỗng trở lại đột ngột trong trí tưởng. Nguyên cắn môi nghĩ đến sự quên lãng chóng vánh của con người. Mọi người ở đó, đang vui sống, còn ai đang nhớ đến những người đã vĩnh viễn rời bỏ họ, rời rã trong lòng đất? Như Xuân. Còn ai trong giờ này còn nhớ đến Xuân? Nguyên đột ngột cảm thấy ân hận. Bước chân Nguyên chùng lại.
Tường Nguyên Tường Nguyên Tường Nguyên…Tiếng gọi reo vui của một người. Nguyên nhìn về phía tiếng gọi. Tuấn! Tuấn dừng xe lại bên lề đường nhìn Nguyên cười tươi. Nguyên cũng mỉm cười. Một niềm vui vừa chợt trở lại, xóa nhòa nỗi băn khoăn. Tuấn nhìn Nguyên đăm đăm, khuôn mặt rạng rỡ như bình minh. Sự thực đó mà Nguyên, Nguyên nhủ thầm. Tuấn xuýt xoa:
– Chà, Nguyên lại mặc áo đen nữa. Đã đẹp đã buồn lại càng đẹp với buồn!
– Gặp anh lúc nào cũng nghe được chừng đó. Bộ Nguyên không biết anh đang mỉa Nguyên sao?
Tuấn dựng xe lại, đến đứng trước mặt Nguyên:
– Ai dám mỉa Nguyên. Anh thấy sao anh nói vậy mà. Nguyên định đi đâu đây?
Nguyên định nói thật là vừa đi thăm mộ Xuân về, nhưng lại thôi. Nguyên cười nhẹ:
– Chẳng định đi đâu cả. Ở nhà buồn buồn, Nguyên mặc áo quần đi xem thiên hạ sắm Tết.
– Nguyên không sắm Tết sao?
– Thôi, Nguyên ngán lắm rồi. Như năm ngoái, sắm được bao nhiêu phải bỏ lại bấy nhiêu mà chạy. Nghĩ lại Tết mà còn rùng mình. Bộ anh chưa ngán Tết hả?
Tuấn nói, giọng quả quyết:
– Anh chắc là không thể có thêm một Mậu Thân thứ hai nữa đâu.
Nguyên im lặng sửa lại cái “băng-đô” trên đầu tóc. Có bất trắc nào được biết trước đâu? Mồng Một Tết còn đi chơi với Xuân, tối mồng Một còn nghe Xuân gọi Tường Nguyên Tường Nguyên, thế mà sáng hôm sau là tất cả đều mất hút, vụn nát. Nguyên nhìn Tuấn, cố cười thật tươi:
– Thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Bây giờ anh đi đâu?
– Đi lang thang như Nguyên vậy. Gặp Nguyên mừng ghê đi.
– Thật không?
– Thật chớ sao không.
– Vậy bây giờ anh đưa Nguyên đi chơi nhé, chịu không?
Một tia vui đã thấy trong mắt Tuấn. Tia vui chạy nhanh trên khuôn mặt và vỡ ra thành nụ cười:
– Nguyên không đùa bỡn với anh chứ?
Giọng Tuấn nửa xôn xao nửa dè dặt. Nhìn thái độ của Tuấn, Nguyên bỗng cảm thấy thích thú. Nguyên đang cố tạo ra một nỗi vui tạm bợ để khỏa lấp một hình ảnh hay đang thực sự đón nhận một bắt đầu mới mẻ? Chút băn khoăn vụt tan biến khi Tuấn mời Nguyên ngồi lên xe. Nguyên ngồi sau Tuấn, cố giữ một khoảng cách với thân thể Tuấn. Có ai quen đang trố mắt nhìn Nguyên và nghĩ về Nguyên với những ý tưởng không đẹp? Người ta sẽ cho rằng Nguyên quá vội vã khi bắt đầu một cuộc tình mới? Cũng không sao. Mỗi người có một tư riêng. Trong những giờ phút nào đó, mỗi người có quyền bất chấp tất cả để sống với tư riêng của mình chứ. Nhưng tư riêng của Nguyên như thế nào đây? Là những niềm vui tình cờ khỏa lấp dĩ vãng? Hay là nỗi băn khoăn giữa một nấm mồ lạnh và một nụ cười vui? Nguyên vụt bật cười:
– Đi đâu bây giờ anh Tuấn?
– Anh cũng đang định hỏi Nguyên đó.
Nguyên cố làm ra vẻ nghiêm nghị:
– Nguyên cho phép anh đưa Nguyên bất cứ đâu.
Tuấn cười rú xe chạy. Nguyên cố gượng người để luôn có một khoảng cách nhỏ với Tuấn, một khoảng nhỏ cần thiết. Tuấn cho xe chạy nhanh ra khỏi phố. Tuấn quay đầu lui nói:
– Thực tình, anh chẳng biết đi đâu bây giờ.
Đi đâu? Nguyên cũng không hiểu rõ mình đang muốn đi đâu và làm gì. Giữa khuôn mặt khao khát cùng với những bày tỏ nhiệt liệt của Tuấn và nỗi vui tình cờ của Nguyên khi gặp Tuấn vẫn còn một khoảng cách. Từ lâu, Tuấn vẫn chưa dám vượt qua. Còn Nguyên, ngay cả bây giờ, Nguyên không thấy mình nôn nao chờ đợi chi hết. Tuấn, sự thực trước mắt Nguyên đó. Nguyên gặp Tuấn trong ngày đưa đám Xuân. Những an ủi, những săn đón của Tuấn lúc đầu thực vô nghĩa. Nhưng dần dà, chúng làm Nguyên xúc động. Cho đến một lúc nào đó, Nguyên mơ hồ nhận ra sự hiện diện của Tuấn bỗng có một ý nghĩa đối với Nguyên. Có lúc, Nguyên đã quên bẵng Xuân để rồi sau đó nghĩ lại, Nguyên ân hận, vùi mình vào những nuối tiếc ray rứt. Nhưng Tuấn vẫn có mặt quanh Nguyên. Những buổi sáng những buổi chiều. Những biểu tỏ nhẹ nhàng nhưng tha thiết. Như hôm nay, Nguyên đã một mình đi tìm kiếm những hình ảnh cũ để được xót xa. Và khi trở về lại gặp Tuấn. Tuấn, em đang lợi dụng anh để quên hay thực sự là em muốn dứt khoát quên hẳn tất cả để lại bắt đầu?
Tuấn chạy xe vào Thành Nội, qua những con đường vắng và buồn, rồi lại chạy ra phố, qua bên kia cầu Tràng Tiền. Buổi chiều lờ đờ, mênh mang. Những câu chuyện bâng quơ, nhập nhằng, đứt khúc. Nguyên cảm thấy mệt mỏi, nhưng không muốn về. Những điều Tuấn nói bỗng không còn gây cho Nguyên một thích thú nào nữa. Nguyên cảm thấy lạnh. Tâm hồn Nguyên chừng như bay ở một vùng sương khói nào! Một buổi chiều qua đi. Tết sẽ đến. Có gì sẽ xảy ra nữa không? Tuấn im lặng một lúc lâu. Tuấn đang nghĩ gì? Đang trù tính bày tỏ những lời tha thiết mới bạo dạn hơn và rõ ràng hơn? Hay đang chán nản vì thái độ của Nguyên.
Buổi chiều thấp xuống, tàn dần. Qua khỏi Ty Bưu Điện, Tuấn chạy xe chậm, rẽ vào một con đường nhỏ, dừng lại. Tuấn nói:
– Đi đâu nữa Nguyên? Nguyên mệt chưa? Đã muốn về chưa?
Nguyên im lặng, suy nghĩ. Một lát, Nguyên đáp:
– Về cũng được mà đi nữa cũng được.
Tuấn quay mặt nhìn Nguyên cười:
– Tụi mình vào quán nước gần đây nhé. Nguyên chịu không?
Nguyên gật đầu. Tuấn dựng xe, đưa Nguyên vào một quán nước vắng người. Tuấn uống cà phê. Nguyên uống nước ngọt. Tuấn im lặng nhìn vơ vẩn, thỉnh thoảng cầm ly cà phê xoay xoay trên bàn. Nguyên hớp từng ngụm nhỏ nước, nghĩ bâng quơ về những ngày tháng buồn vui, những hạnh phúc đến và mất hút. Những chờ đợi buồn bã. Sao Tuấn không nói gì đi Tuấn?
Tuấn nhìn thẳng vào Nguyên khuôn mặt thấp thoáng những nét buồn. Một lát, Tuấn thở ra, rồi nói:
– Đời sống nhiều khi bị dĩ vãng ám ảnh quá hả Nguyên? Có những điều mình muốn nói lại không nói được. Có những việc muốn làm cũng không làm được. Nguyên có nghĩ như vậy không?
Nguyên cười nhẹ:
– Cũng có thể đó anh.
Khuôn mặt Tuấn chừng như trầm xuống. Nguyên bỗng cảm thấy tội nghiệp cho Tuấn tội nghiệp cho mình. Dĩ vãng thì ích gì mà người ta cứ bị dày vò mải miết? Tuấn hớp một ngụm cà phê, nói:
– Hồi chiều mới gặp Nguyên thấy vui quá sức. Bây giờ lại thấy buồn.
– Đi với Nguyên anh buồn hả?
– Không. Có lẽ vì thấy Nguyên buồn.
Nguyên cảm thấy xúc động. Buồn thật. Những niềm vui tình cờ qua mau. Mỗi người ưa thích trở lại với chính mình, ray rứt. Một cái thú đau thương. Tuấn đứng dậy trả tiền rồi rủ Nguyên đi. Bóng tối đã phủ xuống. Bây giờ, Nguyên mới chợt cảm thấy mình liều lĩnh. Hai người đi sát cạnh nhau. Trong một thoáng, Nguyên nghe trong lòng xao động. Một cảm giác lạ hoắc chạy dài trên cơ thể. Tuấn bỗng nắm bàn tay Nguyên. Nguyên để yên. Bàn tay lạnh đang bóp nhẹ những ngón tay Nguyên. Nguyên nghe hơi thở dồn dập của Tuấn bên tai. Bỗng Nguyên đột ngột nhớ đến bàn tay nóng ấm của Xuân. Bàn tay đã đưa Nguyên bay vút lên cao, kỳ diệu của một buổi hẹn hò nào. Xuân, Xuân đó sao?
Nguyên giật mình, rút nhẹ bàn tay khỏi Tuấn. Nguyên cúi đầu xuống, bước thật chậm, tâm hồn mênh mang. Tuấn im lặng. Có một cái gì rơi hẫng đâu đó, không hình dáng. Một cái gì tan vỡ thật nhẹ, buồn buồn. Nguyên kéo cổ áo len lên, rùng mình. Âm thanh một tiếng gọi xa xăm vang vọng.
Như một gợi dậy tha thiết. Như một hoài vọng ngút ngàn.
Trần Doãn Nho