Vốn xuất hiện trong mạng lưới điện toán Internet độ trên ba thập niên nay, môn thơ đã phát triển hết sức nhanh và phong phú ở nhiều thể loại. Nhưng trong số các thể loại đó, có một thể thơ mà năm 1995, chuyên gia điện toán Tom Brinck chính thức hóa gọi là Scifaiku, tức là Science-fiction haiku, thơ hài cú khoa học giả tưởng, tạm gọi là như vậy.
Thể thơ được gọi là Hài cú khoa học giả tưởng, Scifaiku, này có thể nói là đang được ưa chuộng nhất, đến độ sau khi Brinck bỏ công phu để thảo nên Tuyên ngôn của nó (Scifaiku manifesto), rồi ngay sau đó nó còn trở nên diễn đàn thơ với cuộc tuyển lựa hằng năm trên toàn Hoa Kỳ do tờ The Writer’s Digest bảo trợ.
Nhưng tại sao gọi là Thơ Hài cú khoa học giả tưởng? Đã “khoa học giả tưởng” mà còn kèm theo chất “hài cú” nữa thì quả thật là…kích động trí tò mò của chúng ta đấy.
Tóm lại, cho đến nay, chúng ta có thể biết một cách sơ lược rằng loại thơ Hài cú khoa học giả tưởng Scifaiku này ít nhất gồm ba yếu tố: Thứ nhất, bài thơ phải rất ngắn gọn, cô đọng theo kiểu thơ Hài cú phát xuất từ văn chương Nhật Bản, chữ dùng rất chuốt lọc, có tính chất biểu tượng và thơ mộng. Thứ nhì, diễn tả nội dung ý tưởng liên quan đến vũ trụ. Thứ ba là nội dung đó đã và đang được khoa học ngày nay khám phá ra, tác động không những đến ngũ quan chúng ta, mà cả đầu óc lẫn tâm thần chúng ta; nhiều khi nội dung bài thơ chỉ đề cập đến những gì phát xuất từ liên tưởng mà tưởng tượng ra thôi, chứ chưa có hình thể trong thực tế thường nhật.
Chẳng hạn hai bài thơ sau đây đều chỉ gồm có ba câu thôi. Người viết bài này tạm thời phiên dịch sang việt ngữ:
Năm ngữ âm, lên bảy rồi trở lại năm ngữ âm
The bitmapped flowers
wither in the harsh point light
of my 3 D world
(Roger Cotton)
Những đóa hoa hướng dương
cùng trong một điểm sáng chói lọi
của thế giới ba chiều
Bốn ngữ âm, bốn ngữ âm rồi kết bằng ba ngữ âm thôi
Millennia pass
and I just watch
from my jar
(Tom Brinck)
Thiên niên kỷ qua
tôi vừa thoáng thấy
từ ly trà.
Tuy nhiên, trước khi thực sự trực tiếp giới thiệu một số thơ Hài Cú Khoa Học Giả Tưởng có tính cách tiêu biểu này, chúng ta có lẽ cũng nên điểm xuyết một số ý tưởng vừa nảy sinh của người viết về khái niệm sinh tồn của vũ trụ – vạn vật và của con người…Hay nói một cách khái quát hơn, chúng ta thử điểm phớt qua mấy khả năng sinh tồn và phát triển của con người nói chung dị biệt như thế nào đối với các lòai khác trong vạn vật, nhất là khả năng sáng tạo của con người, nó liên quan khá phức tạp ra sao, đến diễn tiến của hai ngành sinh họat khoa học và văn học nghệ thuật.
“ Nhân Linh ư vạn vật ”, những tiến bộ vượt bực trong 2 thế kỷ qua
Nếu chịu khó quan sát diễn tiến phát triển sự sống của vũ trụ- vạn vật và suy nghiệm kỹ, thì chúng ta có thể rút ra được hai dẫn giải đại khái như:
– Trong vũ trụ nói chung, sự phát triển sống còn tự nhiên (gọi tắt là bản năng) của muôn lòai đều giống nhau, theo diễn trình tự nhiên có được từ sức phát triển- triển nở liên tục và vô tận của vũ trụ.
– Chỉ khi lòai người nhờ tích tụ kinh nghiệm và phát kiến riêng mà đột nhiên phát triển vượt bực(cả về thể chất, não bộ – lý trí, tâm tư- tình cảm), khiến những khả năng như nhận biết, ý chí thực thi những sáng tạo, áp dụng dần dần những hiểu biết ấy vào thực tế đời sống của con người,… Những khả năng riêng biệt này đã khiến con người và xã hội loài người tiến bộ mỗi lúc một biến đổi theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân, mỗi lúc một biến đổi nhanh hẳn hơn trước đó. Và cho đến khi chính con người lại cũng nhận ra rằng diễn trình phát triển ấy mỗi bước một thiếu cân bằng một cách hiểm nguy cho sự sống còn, thì con người lại tự biết là phải cố gắng điều chỉnh để không bị quá lố, không mất hẳn đi tính chất tự nhiên cố hữu nằm trong khả năng sinh tồn chung của vũ trụ-vạn vật.
Do đó, trong những gặt hái tinh hoa đặc biệt ấy ở từng bước đột biến của con người, thuộc nội dung của bài này, tôi chỉ muốn đề cập riêng đến khía cạnh liên quan với nhau là khoa học và văn nghệ, hai lãnh vực này đều hiện diện nhờ phát xuất từ kinh nghiệm đời sống và suy tưởng – phát kiến của lòai người.
Chẳng hạn như dựa vào những phát kiến khoa học kỹ thuật, sự kiện nổi nhất gần đây của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, chúng ta có thể kể đến nhà văn Pháp Jules Verne viết cuốn “Hai Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển” (Vingt mille lieus sous les mers) xuất bản năm 1870 và “Vòng Quanh Thế giới Tám Mươi Ngày”(Le tour du monde en quatre – vingts jours) xuất bản năm 1873. Nghĩa là cách đây trên một thế kỷ rưỡi, trong một chặng phát triển mà người ta tạm gọi là Cách mạng công nghiệp kỹ nghệ lần thứ hai bắt đầu vào khỏang thập niên 1850. Lúc mà nhờ các tiến bộ kinh tế và kỹ thuật, xã hội lòai người có được sự ứng dụng cụ thể vào việc phát triển giao thông bằng tàu thủy và tầu hỏa, xe hơi…chạy bằng máy hơi nước.
Còn khi cuộc cách mạng công nghiệp kỹ nghệ lần thứ ba bắt đầu vào khỏang 1969, con người áp dụng vào đời sống của mình trong xã hội này các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và kỹ thuật số hóa nhờ ứng dụng được sự phát triển các chất bán dẫn vào phát kiến siêu máy tính( thập niên 1960), máy tính cá nhân (1970, 1980) và Internet (1990). Rồi“ ..Cuộc Cách mạng Công nghiệp kỹ nghệ lần thứ Tư hứa hẹn những tiến bộ trong ngành khoa học rô-bốt(robots), xu hướng internet của vạn vật (Internet of Things), dữ liệu lớn (big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D…Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng không chỉ khả thi mà còn là hoàn toàn có thể xuất hiện với tần suất ngày càng tăng. Tất cả là nhờ vào sự sáng tạo của con người. Nhưng những kỷ nguyên mới này đòi hỏi không chỉ ở khoa học căn bản hay những thành tựu kinh doanh mang tính lý thuyết. Để tạo được sự khác biệt,kỹ thuật công nghệ phải được thích ứng và hòa nhập vào đời sống thường ngày…Quan trọng hơn nữa, lịch sử cho thấy sự đam mê – trong cả lĩnh vực như nghiên cứu, văn nghệ, lẫn thương mại – đều có thể đi trước quá xa thực tế, khiến hiểu biết nói chung của đa số tỷ lệ dân số không thể bắt kịp nữa.” …Những bước tiến của kỹ thuật công nghệ từ lâu đã tạo ra hai luồng phản ứng đối nghịch: Với nhiều người thì đó là sự choáng ngợp trước những khả năng mới, với số khác thì lại là nỗi lo về sự thay đổi tiêu cực. Nhưng hầu hết chúng ta đều thậm chí không nhận thấy điều gì đang diễn ra. Chúng ta vô thức coi sự thay đổi đó như một điều hiển nhiên… [1]
Một thí dụ cụ thể hiển nhiên và gần đây nhất là trong vòng độ ba mươi năm nay (chính xác là từ 1983), từ khi chiếc cellphone (viết tắt của cellular phone) xuất hiện trên thị trường tiêu thụ tòan cầu cho đến nay thì chiếc cellphone ấy đã phải bị…gần như hết được ưa chuộng nữa, vì chiếc smartphone bây giờ (bắt đầu từ 2016) chẳng những chỉ để nghe và nói chuyện với nhau không thôi mà còn là một dụng cụ hết sức đa dụng, thiết yếu đến độ trong ngày không hề rời khỏi người xử dụng giây phút nào, bởi nó bao gồm luôn mọi thứ khác thuộc lãnh vực truyền thông, như trao đổi email, text, trữ liệu, bách khoa từ điển, chỉ đường…và thay luôn cả tivi, xem video,clips… lẫn facebook nữa!
Khả năng tưởng tượng của con người ở khoa học và văn nghệ
Nghĩa là khả năng liên tưởng – tưởng tượng đã phát triển song song trong lịch sử sinh tồn của lòai người, tạo nên những cột mốc cụ thể ở quá trình phát triển khoa học và văn nghệ.
Sau đây chúng ta cũng nên điểm sơ qua mấy chứng tích tiêu biểu nhất của khả năng liên tưởng- tưởng tượng ở hai lãnh vực liên hợp là khoa học và văn chương- trí tuệ.
Chẳng hạn như nhờ vào sự áp dụng những tiến bộ của khoa học vào quá trình tìm hiểu vũ trụ- vạn vật, cho đến nay chúng ta hiểu được rằng vũ trụ vẫn vô tận về bề dầy và bề sâu. Riêng sự hình thành vũ trụ vẫn còn nhiều bí ẩn: Bí ẩn của hố đen( lỗ đen, black hole) vẫn còn kỳ lạ về sức lớn, độ sáng nhất, độ đen nhất, tự quay nhanh nhất và có sức hút mãnh liệt nhất…,vẫn còn đang được tiếp tục khám phá.
Điều này sẽ còn đang tiếp tục xảy ra giữa trí tuệ con người với trí tuệ nhân tạo và mức áp dụng vào thực tế đời sống của xã hội loài người, vào y tế, vào điện năng từ sức nóng của mặt trời và sức gió, vào xe điện và xe tự lái, vào giáo dục, vào việc in ấn 3D, vào nông nghiệp và công việc làm… Nói chung lại, chào mừng bạn đến với cách mạng công nghiệp kỹ nghệ thứ 4. Chào mừng bạn đến với Kỷ Nguyên Tiến Bộ Theo Cấp Số Nhân.
Trong khi đấy, người ta đã chuẩn bị tổ chức du lịch lên sao Hỏa dự trù cho một vài thập niên nữa![2]
Tờ Báo Thế giới (Đức) ngày 07/05/2017 đăng bài “Bảy dự đoán về tương lai loài người của Bill Gates” [3] quan trọng ở chỗ là sẽ thay đổi thế giới trong vòng vài thập niên tới, từ những thiết bị tự động và robot, các nguồn năng lượng tái tạo, cải tiến nông nghiệp để Châu Phi có thể tự túc lương thực, các nước nghèo có thể sẽ xử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, năm 2019 tòan thế giới sẽ không còn bệnh bại liệt trẻ em(?), đến năm 2035 sẽ không còn nước nghèo nữa(?), và nạn khủng bố sinh học có thể gây ra nạn 33 triệu người chết mỗi năm (!?)
Cùng lúc ấy, tháng Năm 2017, theo bản tin của hãng thông tấn UPI, viện Gallup vừa công bố một kết quả cho thấy rằng tỉ lệ người lớn ở Hoa Kỳ tin là Thượng Đế tạo ra lòai người ở hình dạng như hiện nay, đang giảm xuống đến mức thấp kỷ lục so với năm 1982 : Chỉ có 38% được hỏi đồng ý với quan điểm của Chủ Thuyết Sáng Tạo, 38% tin rằng con người phát triển theo sự hướng dẫn của Thượng Đế, và 19% tin rằng Thượng Đế không có vai trò gì trong sự tiến hóa của lòai người.
Có nghĩa là lịch trình phát triển tâm linh và khai mở lý trí của con người trong môi trường xã hội cho chúng ta ngày nay nhận ra rằng: Thời đại Phong kiến xưa đi đôi với tư tưởng Phiếm Thần – Đa Thần cổ hủ. Thời đại Quân chủ phát triển song song với tư tưởng Nhất Thần. Còn bây giờ thì sức tiến bộ hiện nay của con người mỗi lúc một tạo cho con người tự tin vào chính mình nhiều hơn bất cứ bao giờ, nhất là mỗi lúc một đẩy lùi sắc mầu mê tín dị đoan vào bóng tối của quá khứ. Nói một cách khác, con người sinh tồn trong xã hội ngày nay mỗi lúc một ý thức được rằng chính con người chù động là trung tâm vũ trụ, và dần dần gạt bỏ được ý niệm thần linh hiện diện ở ngòai con người có thể có quyền năng chi phối được con người, khác nào chấp nhận chỉ có cái TÂM duy nhất của con người là chính, như Tất-đạt-đa Cồ-đàm( Siddhartha Gautama, tức Shakyamuni Buddha, Phật-Thích-Ca mâu-ni) đã vạch rõ ra như thế từ trên hai ngàn rưỡi năm trước đây…
Chẳng hạn vào tháng giêng năm 2001, một ngày trước khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức, một báo cáo Quốc Hội của Ủy ban mà đứng đầu là bộ trưởng Quốc phòng tương lai Donald Rumsfeld đã chính thức lên tiếng cảnh cáo và thúc giục việc tái tổ chức quân đội Mỹ bằng ý tưởng nhấn mạnh đến lãnh vực không gian nhằm để bảo vệ hệ thống vệ tinh nhân tạo truyền thông và tình báo của Hoa Kỳ, và nếu cần thì phải có khả năng lọai bỏ được hệ thống vệ tinh nhân tạo của các quốc gia khác. Rồi tháng sáu 2017, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ ( U.S. House Armed Services committee, HASC) bỏ phiếu thành lập Binh Đòan Không Gian Hoa Kỳ( The United States Space Corps, USSC), một ngành đặc biệt được đặt dưới quyền điều động của Bộ trưởng Không Quân Mỹ, và sẽ là một thành viên trong Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân( the Joint Chiefs of Staff ) nhưng lại được vận hành độc lập với cơ quan NASA và theo ngân sách quốc phòng chung bắt đầu từ năm 2018 [4]….
Và cứ như thế, trong một chuỗi diễn tiến khám phá và áp dụng mới đang xẩy ra này đã kích thích để nẩy sinh ra và phát triển mạnh lọai Thơ Hài Cú Khoa Học Giả Tưởng trên ‘nét’ ( internet).
Mấy khía cạnh phong phú của thơ lên lưới điện toán
Trở lại với hai bài thơ tiêu biểu nêu trên, chúng ta nhận ra rằng cái chất hài hước và triết lý truyền thống của thơ Hài cú [ Haiku, bắt đầu xuất hiện vào những thập niên cuối thế kỷ 17 tại Nhật bản, với Matsuo Basho(1644-1694)], như nụ mỉm cười thiền vị, mặc dù ý nhị đã nhạt nhòa bớt đi nhưng ngược lại nguồn thơ hài cú tân tiến này lại còn bao gồm những ý tưởng, những hình ảnh chưa từng có ở hài cú cổ điển. Có lẽ chính Tom Brinck cũng đã nhận ra điều đó, khi ông diễn tả trong nội dung của tuyên ngôn “Scifaiku Manifesto” rằng Scifaiku, thơ hài cú khoa học giả tưởng này “hài cú và không hài cú”.
Đây, chúng ta thử đọc xem rằng có nhận ra được cái tính chất “hài cú mà (và) không hài cú” ở một số thơ của mạng lưới điện toán tiêu biểu dưới đây:
1. Nội dung tình gia đình (nhân bản): Đây là một nội dung rất hiếm có trong thơ Hài cú truyền thống của dân Nhật bản. Sở dĩ trong mạng lưới điện toán lại có nội dung này là vì, rất thực tế, ở tâm tình của giới chuyên viên điện toán: Vì nghề nghiệp, chuyên viên điện toán gần gũi với máy điện toán ngày đêm liên tiếp cả năm, nhiều khi còn thân mật hơn cả vợ chồng con cái của họ nữa. Do đó, trong thoáng chốc nhớ đến con, chuyên viên Lea Deschenes đã diễn tả tâm tình của mình bằng bài thơ sau đây:
Martian reads tabloid:
Two-headed love child. Front page:
Wishes he’d stayed home.
Hắn đọc tờ báo nhỏ:
Trẻ được cưng chiều. Trên trang nhất:
Muốn hắn ở lại nhà.
2. Nội dung kỹ thuật tiên tiến: Nội dung rõ rệt và hoàn toàn khác hẳn, chưa hề có trong thơ Hài cú trước đây. Chẳng hạn:
The cat is missing
Schrodenger’s lab in chaos:
He plots his revenge.
(Lea Deschenes)
Con mèo mất tích
Phòng lép xáo trộn
Hắn tính trả thù
3. Nội dung con người tiếp cận vũ trụ: Nội dung này cũng hết sức mới lạ. Tức là không còn tiếp cận như kiểu thơ Hài cú cổ điển, mà theo một cách thế khác của con người trước vũ trụ, nhưng lại hết sức thi vị. Chẳng hạn:
All the universe
pulls slowly into center:
Alas, the Big Crunch.
(Leslie Gornstein)
Toàn vũ trụ
tiến dần vào trung tâm
Ráu, miếng cắn.
4. Con người trong kỷ nguyên kỹ thuật tân tiến: Nội dung này có thể nói rằng cho đến bây giờ, chiếm đa số lượng thơ của mạng lưới điện toán. Với nội dung này, chúng ta đặc biệt đọc tới hai bài, nội dung như nhau nhưng kỹ thuật khác nhau.
Thể thơ xuôi: Chỉ có hai câu nhưng lại cho xuống thành 3 hàng chữ, mà có chữ bị cắt đôi:
What culture crea-
ted this artifact and why
is that moon now gone?
Văn hóa nào đẻ ra
tuyệt nghệ phẩm này và tại sao
vầng trăng nọ đã xa?
Hoặc trong một bài tiêu biểu khác nữa, nguyên tác vẫn theo tiêu chuẩn hài cú cổ điển nhưng khi chuyển ngữ thì bó buộc người dịch nếu muốn gói trọn nội dung thì phải phá vỡ hình thức (nghĩa là không giữ được đúng ba hàng thơ):
To leave Mars’ death camps,
I gave my brain to the ship
stars taste like champagne.
(Andrew McCann)
Rời trại chết sao hỏa
não tôi phó thác cho phi thuyền
những vì sao nếm chất não tôi
như nhấm nháp sâm banh.
Nói chung lại, thơ Hài Cú của mạng lưới điện toán hết sức giản dị, chính xác, thích ứng với thời đại mới hiện nay (thời đại mở đầu vào kỷ nguyên điện toán), và đương nhiên không hề thiếu chất thơ, thi vị là cái chất quan trọng nhất của thơ, ở bất cứ thời đại nào, và hoàn cảnh nào.
Tóm lại, dù thế nào đi chăng nữa, thơ Hài Cú của mạng lưới điện toán hiện vẫn còn khá mới mẻ nhưng rõ rệt nó đã hiện diện và đang phát triển rất nhanh, theo cấp số nhân.
Và chúng ta gọi thơ của mạng lưới điện toán này là gì? Là thơ hài cú khoa học giả tưởng, thơ hài cú mới, tân hài cú? Là thơ lên lưới? Là thơ điện tử? Thơ tân kỳ?
Riêng bạn, bạn đã nghĩ ra một từ ngữ nào khác chưa, để chỉ loại thơ của mạng lưới điện toán ấy?
Phạm Quốc Bảo.
Chú thích:
[1] Làm chủ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. (Nghiên Cứu Quốc Tế, 14/2/2016)
[2] Sao Hỏa còn gọi là: Hỏa Tinh (tiếng Anh: Mars) là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ…Sao Hỏa là một hành tinh đất đá với một khí quyển mỏng, với những đặc điểm trên bề mặt có nét giống với cả các hố va chạm trên Mặt Trăng và các núi lửa, thung lũng, sa mạc và chỏm băng ở cực trên Trái Đất. Chu kỳ tự quay và sự tuần hoàn của các mùa trên Hỏa Tinh khá giống với của Trái Đất do sự nghiêng của trục quay tạo ra…Sao Hỏa có thể dễ dàng nhìn từ Trái Đất bằng mắt thường. Cấp sao biểu kiến của nó đạt giá trị −3,0, chỉ đứng sau so với Sao Mộc, Sao Kim,Mặt Trăng, và Mặt Trời…Bán kính của Sao Hỏa xấp xỉ bằng một nửa bán kính của Trái Đất.Tỷ trọng của nó nhỏ hơn của Trái Đất, với thể tích chỉ bằng 15% thể tích Trái Đất và khối lượng chỉ bằng 11%. Diện tích bề mặt của hành tinh đỏ chỉ hơi nhỏ hơn tổng diện tích đất liền trên Trái Đất… Sao Hỏa cũng là hành tinh có giá trị kích thước, khối lượng và gia tốc hấp dẫn bề mặt ở giữa khi so với Trái Đất và Mặt Trăng (Mặt Trăng có đường kính bằng một nửa của Sao Hỏa, trong khi Trái Đất có đường kính gấp đôi Hỏa Tinh;Trái Đất có khối lượng gấp chín lần khối lượng Sao Hỏa trong khi Mặt Trăng có khối lượng chỉ bằng một phần chín so với Hỏa Tinh). Màu sắc vàng cam của bề mặt Sao Hỏa là do lớp phủ chứa sắt(III) ôxít, thường được gọi là hematit, hay rỉ sét…Những hiểu biết hiện tại về hành tinh ở được—khả năng một thế giới cho sự sống phát triển và duy trì—ưu tiên những hành tinh có nước lỏng tồn tại trên bề mặt của chúng. Điều này trước tiên đòi hỏi quỹ đạo hành tinh nằm trong vùng ở được, mà đối với Mặt Trời hiện nay là vùng mở rộng ngày bên ngoài quỹ đạo Sao Kim đến bán trục lớn của Sao Hỏa…Có thể là nhiệt độ bề mặt Sao Hỏa sẽ tăng từ từ,hơi nước và CO2 hiện tại đang đóng băng dưới regolith bề mặt sẽ giải phóng vào khí quyển tạo nên hiệu ứng nhà kính nung nóng hành tinh cho đến khi nó đạt những điều kiện tương đương với Trái Đất ngày nay,do đó cung cấp nơi trú chân tiềm năng trong tương lai cho sinh vật trên Trái Đất…Cơ quan ESA hi vọng đưa người đặt chân lên Sao Hỏa trong khoảng thời gian 2030 và 2035 …[ mục “Sao Hỏa” trên trên Internet dùng Google search]
[3] Bill Gates dự đoán tương lai nhân loại. (Nghiên Cứu Quốc Tế, 22/5/2017)
[4] Trích mục the United States Space Corps trên Internet dùng Google search.