văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, March 19, 2018

PHẠM THANH TÒNG ** quà của người đàn bà bán ve chai


Chủ nhân bức ảnh chú thích: “Bức ảnh này chụp vào trưa ngày 13/01/2014 tại quán cơm chay Thiên Phước 5000 đồng, địa chỉ 62 Nguyễn Chí Thanh, Phường 16, Quận 11 (SG). Một người đàn bà bán ve chai bước vào quán với bao gạo và chai dầu ăn. Chị mang ơn quán cơm này vì đã cứu chị rất nhiều bữa đói.

Chị nghèo khó nhưng không quên ơn, gom góp từng đồng, cuối năm, chị dành mua 1 bao gạo và 1 chai dầu tặng lại quán để có thể giúp thêm những người khốn khó 16-3-2018. Có lẽ đó là một trong những bức ảnh đẹp nhất về chân dung con người, trong hoàn cảnh đảo điên nhuộm nhoạm của xã hội ngày nay. Tôi cứ ngắm mãi khuôn mặt chị, đó là một người đàn bà chắc chắn đã trải qua rất nhiều khó khăn, đói khát. Một khuôn mặt điển hình của những người lao động vất vả ngoài đường.
Vậy mà trong khoảnh khắc ấy, chị thật đẹp. Vẻ đẹp tỏa ra từ bên trong, từ hành động cao cả, nghĩ đến người khác, những người khó khăn hơn mình, nên dù nghèo, chị vẫn gom nhặt từng đồng tiền lẻ để mua bằng được một bao gạo con con, một chai dầu ăn mang đến quán.
Trong cái thời buổi đồng tiền lên ngôi, tình người lạnh lẽo, lối sống ích kỷ lan tràn thì tấm lòng của người đàn bà bán ve chai lại càng đẹp hơn bao giờ hết. Nó cho thấy dù chị nghèo khó thật đấy, nhưng chị giàu có hơn vạn lần người khác, những người chưa một lần chìa tay ra san sẻ cho đồng loại.
Biết được câu chuyện này, chẳng phải chúng ta đang cảm thấy trái tim mình ấm áp, tâm hồn mình thư thái và hạnh phúc hay sao? Bởi người đàn bà bán ve chai ấy, chẳng ai biết tên chị là gì, giờ đang tá túc ở đâu, nhưng hành động của chị đã cho chúng ta có thêm niềm tin, rằng những người tốt và những tấm lòng cao cả ở đời còn nhiều lắm. Họ là con người đúng nghĩa với những điều tốt đẹp nhất của danh từ này.
Tôi tin những người như chị, nếu làm người bán hàng sẽ không bao giờ gian tham dối trá hay bớt xén của ai một đồng một hào nào. Nếu làm người công nhân, sẽ có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình. Nếu làm một công chức, sẽ cống hiến tận tâm cho xã hội.
Một cộng đồng muốn tốt đẹp thì không thể không dựa vào từng cá nhân tốt đẹp, một cái cây muốn tươi tốt, bền chắc thì phải có bộ rễ khỏe mạnh. Đạo đức là gốc rễ của mọi vấn đề. Tiếc là ngày nay, xã hội vì quá coi trọng đồng tiền nên đã xem thường nó, coi rẻ nó, khiến cho mọi thứ lộn xộn, đảo điên.
Chị chỉ quanh quẩn sáng tối với cái vỏ chai, mảnh giấy vụn. Hạnh phúc của chị chỉ là sau một năm làm ăn cần mẫn, mua được bao gạo, chai dầu đến cảm ơn quán cơm đã cứu đói chị và san sẻ tình thương cho những người đồng cảnh ngộ. Nhưng cuộc đời của chị, thanh sạch và đáng kính trọng biết bao nhiêu.
Những bài học lý thuyết về đạo đức, tình người sẽ không bao giờ khiến chúng ta thấm thía bằng hành động của người đàn bà bán ve chai ấy.
Cầu mong cho những tấm lòng cao cả ấy sẽ được tiếp nối, sẽ lan rộng ra để duy trì sự tốt đẹp và làm sáng thêm hai chữ “đạo nghĩa” trong đời sống này.
Phạm Thanh Tòng