văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, March 15, 2018

M.H.HOÀI LINH PHƯƠNG ** Tâm Bút : Nén Hương Lòng Cho Một Người Vừa Đền Xong Nợ Nước


     


 * kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa hương hồn chú Nguyễn Văn Đông về nơi an nghỉ đời đời…                                   
                                           



“ Và xin em hiểu rằng…
Dù nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay
Lòng anh vẫn nhớ tình người hôm nay…
Đời dâng cho núi sông
Lòng này thách với tang bồng
Đừng sầu má thắm phai hồng
Buồn lắm em ơi!...”
( “ Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” – NVĐ)

Tiếng hát ténor của cố nghệ sĩ Hùng Cường mang hương xưa nhiều năm tháng cũ bỗng quấn quít, thúc dục.. tràn lên theo sóng. Âm vang như  những hồi trống trận. Ào ào như thác đổ và phẫn nộ như những trận cuồng phong.. Nhưng lại êm ái, nồng nàn yêu thương vô kể… Lời ca của môt thời kỳ tổ quốc điêu linh…
Và hỉnh ảnh chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa bỗng hiện ra với Bảo Quốc Huân Chương trên ngực áo, cùng lời cáo phó từ quê nhà…. trên màn ảnh rộng..
Tôi thàng thốt, bàng hoàng, chợt nhận diện… sững sốt gọi Chú Đông ơi! – người chú đã có những tháng năm quá đổi thân thiết với gia đình, với tình nghĩa đệ, huynh  mà Ba tôi xem như ruột rà, thân tộc - ông chú nhà binh tài hoa, với những bài tình ca lắng sâu nhưng đầy bi tráng.  
Chúng tôi đã không còn gặp lại chú môt lần nào sau cơn hồng thủy bạo tàn của tháng tư đen, gió nổi cát bay cuốn xô người miền Nam vào muôn trùng bất hạnh. 
Là cuộc đổi đời lớn nhất trong lịch sử của miền Nam tự do, của Saigon –hòn ngọc viễn đông lấp lánh hào quang cùng năm châu, bốn bể.
Cũng như số phận bao nhiêu người lính Cộng Hòa, Ba tôi bị lưu đày về một vùng biên giới xa, và không lâu sau đó đã nằm xuống mãi mãi trên núi đồi hoang vu Hoàng Liên Sơn, Bắc Viêt …
Và chú ở một phía trời nào.. cũng đã bị giam cầm cùng đồng đội vì can tội cầm súng  giữ gìn từng tấc đất của quê hương.
Rồi… nhà nhà nổi trôi …, người người lưu lạc…
Trong cay đắng muôn trùng, chúng tôi đã phải lìa bỏ nơi chốn chôn nhau, cắt rốn, bứt cả cội nguồn, theo chân đoàn người viễn xứ, tìm vùng đất mới dung thân.

Một chớp mắt thôi. Mà mấy mươi năm như khúc đoạn trường. Giòng lệ vẫn chưa khô trong trái tim người lưu vong, biệt xứ… 
Chú Đông ơi, Saigon ơi, tuổi ngọc ngà ơi!
Còn chuyến tàu nào cho tôi trở về thuở ấu thơ đã mù xa lăn lắc…
Ở đó… có những câu chuyện kể về môt mùa chinh chiến cũ – những người trai anh hùng ra đi vì tiếng gọi của nước non…

*
Hà Nội với hình ảnh Ba tôi cùng với chú Đông

 “ Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung “
( Chinh Phụ Ngâm Khúc)

trong bộ quân phục oai phong trên cầu Thê Húc, trước đền Ngọc Sơn, hay bên hồ Hoàn Kiếm long lanh ánh bạc đã ghi dấu đậm màu ký ức của môt cô bé con chưa tới tuổi đến trường. Đêm đêm nơi quê Ngoại vẫn nghe tiếng súng đì đùng, những dóm lửa vèo bay sáng soi môt góc trời ly loạn…

Khánh Hòa 1953.
Như bao người trai khi đất nước lâm nguy, theo tiếng gọi lên đường, Ba tôi phải rời bỏ gia đình, gia nhập quân đội. Khóa Đại Học Quân Sự ở Hà Nội đã là cơ duyên cho Ba tôi và chú Đông xẻ chia cuộc đời quân ngũ, với môt ý nguyện tâm đồng, kết nghĩa  ĐàoViên.
Khóa học được kết thúc trước ngày hiêp đinh Genève ký kết. Và năm 1954, những người lính miền Nam đã trở về lại mái nhà xưa…, mỗi người nhận môt đơn vi khác nhau.
Dù không còn được gần nhau, nhưng chú Đông vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống Ba tôi, vì cùng chung chí hướng : có một tổ quốc để phụng sự, môt dân tộc để yêu thương và môt lý tưởng để theo duồi….

…Lớn thêm chút nữa, tôi thấm thía hiểu được về thân phận con người khi dấn thân vào cuộc chiến, về đời sống lãng bạt, phiêu bồng khi khoác chinh y, của chặng hành quân xông pha trên vùng đất giặc:

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.”
( Lương Châu Từ - Vương Hàn)

Và thật rực rỡ trong tôi, chú mang hình ảnh của môt quân nhân vững như thông, hiền như núi và phiêu du như môt cánh chim bằng.. 

Hay có phải:
“ Phương trời anh đi
Xa xôi van lý
Đêm nằm gối súng
Chung ánh trăng nhưng đôi đường
Ly cách trong tình thương….”
( Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)

Xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân, được trui rẻn chí khí,  với phương châm Danh Dự - Tổ Quốc – Trách Nhiệm, nợ nước oằn vai, cuối bãi, lưng đèo, chân mây, đầu gió… giữ vững niềm tin với lời thề khẳng khái:

“ Đường mây chân núi xa
Dù ngàn nắng lửa mưa dầu
Lòng người nhất quyết không đầu
Dành lấy mai sau…”
( Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Lý tưởng của người lính Việt Nam Cộng Hòa trong nhạc Nguyễn Văn Đông là lý tưởng tương phản với chí nam nhi trong thơ của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ:

 “ Đã trót sinh ra trong trời đất. 
   Phải có danh gì với núi sông”

mà là làm tròn sứ mạng của người trai, không màng lợi danh, chỉ mong sao quê nhà qua cơn nguy biến:

“ Và xin em hiểu rằng
Ngưởi đi giúp nước nào màng danh chi
Cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy…”
( Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp )

Luôn ấp ủ, ước mơ có một ngày thực sự thanh bình về trên quê mẹ, cờ tự do tung bay phất phới, đưa vị thế Việt Nam oai hùng, rạng rỡ dưới minh châu trời Đông.

“ Tôi đi giữa trời bồi hồi
Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng, oai hùng vang danh thế giới…”
( Hải Ngoại Thương Ca )

Tâm niêm cho riêng mình về lý tưởng cao cả, người lính Cộng Hòa đi vào lửa đạn, theo tiếng gọi của hồn thiêng

“ Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa….”
( Mấy Dặm Sơn Khê)

Trong mùa chinh chiến, hình ảnh người trai thời tao loạn đậm nét rạng ngời trong nhạc Nguyễn Văn Đông với nợ nước nặng mang, thỏa chí tang bồng, mười phương, tám hướng

“ Anh như làn gió ham ngược xuôi theo đường mây
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương
Nước non còn đó một tấc lòng
Không mờ xóa cùng năm tháng…”
( Mấy dặm sơn khê)

Một bóng dáng trượng phu đầu sóng, ngọn gió, với hình tượng hào hùng, anh dũng, đẹp như những vần thơ trác tuyệt của người xưa, thuở: “ Chàng từ đi vào nơi gió cát…’

“ Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng săc trắng như là tuyết in….”
( Chinh Phụ Ngâm Khúc)

Nhưng cũng nồng nàn, thiết tha vô tận, khi bâng khuâng về môt màu kỷ niệm rưng rưng:

“ Đời tôi quân nhân
Chút tình riêng gửi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Nhưng rồi vẫn nhớ… một trời vẫn nhớ đời đời…
Phương rơi rơi trong lòng tôi…”
( Sắc Hoa Màu Nhớ)

Nên những phiên gác đêm buốt giá ở đồn xa khi Xuân về khắp nẻo, bỗng làm người chiến sĩ chạnh lòng:

“ Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi…..
………………………………….
Chốn biên thùy này xuân tới chi
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu Xuân về tang thương khắp lối
Xuân này khó cho vơi, thì đừng đến Xuân ơi!...”
( Phiên gác đêm xuân )

Hay mịt mù, lạnh lẽo, u hoài trong những chiều mưa biên giới:

“ Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng mãi nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ…”
( Chiều Mưa Biên Giới)

Để nghe chút nghẹn lòng, như tiếng thở dài của người muôn năm cũ:

 “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi.
 Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường “ 
( Chinh Phụ Ngâm Khúc)

“ Một người gối chiếc cô phòng
Một người góc núi, ven rừng
Chân mây đầu gió…”
( Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)

Nhưng nhiệt huyết người trai lại bừng bừng trở dậy, với một niềm tin tất thắng, giang tay đón chào một ngày mai tươi sáng cho dân tộc Viêt Nam

“Người về đây giữa non sông này
Hội trùng dương hát câu sum vầy
Về cho thấy con thuyền nước Nam
Đi vào mùa xuân mới sang
Xa rồi ngày ấy ly tan…’
( Hải Ngoại Thương Ca)

Chân dung người lính Cộng Hòa trong nhạc Nguyễn Văn Đông, với tâm tình người con hai vai nặng mang tình sông núi, là những càm xúc dạt dào giàn trải gửi về người Me tóc trắng pha sương …

“ Mẹ ơi, lời tâm thư gói trọn tình con viết từ chiến trường
Mẹ ơi, sầu lo chi tóc già bạc phơ xót xa lòng con…
…. 
Mẹ ơi, Và con trai của Me ngày mai sẽ về, sẽ về
Mẹ ơi, Me hiền ơi chớ buồn vì con nước non chưa tròn…”
( Lá Thư Người Lính Chiến)

Khát vọng hòa bình khi quê hương tàn chinh chiến cũng là nỗi niềm chung của những người con gái có người yêu ra chiến trận, ước nguyện sắt son,  chung thủy đợi chờ …

“ Xin cho tôi một niềm tin
Anh ra đi, anh sẽ về
Xin cho màu trăng nguyên thủy của ngày xưa hai đứa…
Soi bước chân chàng đi…”
( Chiếc bóng công viên)

Năm tháng dần trôi, chú đã rời đơn vị tác chiến, đề về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Viêt Nam Cộng Hòa.
Thời gian này, người lính ấy vẫn mang hơi thở chiến tranh, luôn giữ tròn khí tiết hùng anh trên từng giòng ca rừng thiêng, biển gọi…
Trở lại Saigon, bước chân chú tìm về cư xá chúng tôi, con đường Trần Hưng Đạo thênh thang với hai hàng cây cao, những cánh hoa sao xoay tròn trong gió…
Có môt mùa trăng cũ, chiều Trung Thu chú đến bất ngờ như chuyện thần tiên.. Tay ôm một chồng mười hộp bánh Trung Thu Tân Tân còn đầy hơi nóng,, hương vị thơm nồng bay ngát không gian. Chị em tôi quây quần, xúm xít nói cười, đùa vui bên chú – người có cuộc sống phiêu bồng như ngàn năm mây trắng….  
Tình cảm chú lắng chìm trong dáng vẻ ngoài nghiêm nghị… Nhưng thẳm sâu là môt đai dương mênh mông chứa chan tình nước, và đầy ắp gắn bó yêu thương tha thiết, tình người…

Dù không thiếu những bóng hồng vây quanh ước mơ cùng được chung đời, chú Đông tôi vẫn cô độc, lẻ loi đi về một bóng trong căn nhà đường Lê Lai im lìm, lặng lẽ, mang chút hơi hướng của ngoại ô đèn vàng giữa đô thị phồn hoa…
Đêm đêm tiếng còi tàu hội ngộ, cùng với chia ly vẫn ngân lên bên cạnh nhà ga Saigon, hẳn đã xuyến xao lòng chú về những mùa Giáng Sinh kỷ niệm?

“Mùa Giáng Sinh xưa anh hẹn anh sẽ về
Ngày đó Noel bên hội sao trần thế
Anh có nhớ không anh
Em mặc màu áo xanh lam
Xanh như liễu Đà Lạt
Một chiều đông Giáng Sinh”…
( Màu Xanh Noel)

Hay một mối tình thơ còn vương lại với người con gái da trắng, mắt nâu bên kia bờ đại dương từ một mùa xuân xanh thắm.

“ Người về còn nhớ khúc hát
Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
Lòng này còn quyến luyến mãi…
Đêm Xuân dài mà đâu có hay?...
( Nhớ Một Chiều Xuân).

Nhưng rồi vận nước ngã nghiêng đã khép lại những cánh cửa của môt tài năng, môt chí khí quật cường,  một tấm lòng anh dũng, trung kiên với quê hương, dân tộc…
Sau gần mười năm tù tội, người lính Cộng Hòa phiêu bạt trở về với nhiều thương tật, chừng như ngã quỵ với  niềm đau khôn xiết, tuyệt vọng khôn cùng, trong môt hình hài rách nát tả tơi, cận kề nỗi chết, với tâm trạng:

“ Ta làm gì cho hết nửa đời sau? “
( Cao Tần)

Như một phép nhiệm mầu, một ơn cứu rỗi .. dù qua bao cuộc bể dâu, vẫn còn đó, trái tim của người phụ nữ chân thành, với tình yêu thương vô bờ bến, đã chung thủy đón chờ người anh hùng lỡ vận về cùng chung một mái nhà bằng xuôi ngược, tần tảo, hy sinh…. cho chú một cuộc tái sinh diệu kỳ khi Việt Nam vẫn còn dài đêm tối...
Xin cúi đầu trước tình người mênh mông biển cả.  Tấm lòng người phụ nữ hậu phương dành cho người tiền tuyến khi tàn cơn binh lửa vẫn đậm nghĩa trước sau ….
Và chú sau bao thăng trầm, đã chọn ở lại quê hương, sống âm thầm để giữ khí tiết thanh cao trong phần đời còn lại.
Người lính Cộng Hòa trung trinh vẫn chưa quên lời tuyên thệ, chỉ quỳ dưới môt bóng cờ, và hát bài quốc ca sắt son duy nhất…

Chú thân yêu,
Như một nén hương lòng thắp muộn, trong tưởng niệm ngậm ngùi từ góc khuất của môt nẻo trời xa, con – tất cả chị em con – cố ngăn giòng nước mắt đưa tiễn chú về môt nơi bình an miên viễn. Có phải chú đã gặp lại Ba con sau nhiều năm xa cách, kể chuyện đời lính kiêu hùng, hiến dâng một thời tuổi trẻ khi tổ quốc hưng vong…

Và vẫn ngẩng mặt, cao đầu để tồn tại trong biến cố lịch sử đau thương, nghiệt ngã. Vẫn giữ tròn khí tiết của môt người phụng sự chính nghĩa quốc gia. Là một bản hùng ca bi tráng!
Chú đã nối bước tiền nhân viết thêm ngàn trang sử quý…
Nhân cách ấy sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu thương chú….

Và con đường chú đi, sẽ tiếp nối đến nghìn sau..

Xin chào vĩnh biệt – người chiến sĩ Nguyễn Văn Đông.

M.H.HOÀI LINH PHƯƠNG
Hoa Thịnh Đốn tháng 03/2018.