văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, July 10, 2013

PHAN TẤN HẢI * bàn tay trên cao


Năm tôi lên Đại Học, chiến tranh đã lan rộng khắp nơi. Lúc đó là hai năm sau Mậu Thân, người ta nói về những cuộc động viên và tin tức chiến sự mỗi ngày. Nhà tôi ở cư xá Hỏa Xa, đối diện với Quân Vụ Thị Trấn. Mỗi chiều đều có hàng đoàn xe GMC đưa thanh niên từ đó rời thành phố.
Bạn tôi, nhiều người lên đường và khi về phép thăm nhà đã mang thêm một số ngôn ngữ lạ. Họ nói về những cánh rừng biên giới, về đồn bót, về sình lầy miền Tây, về những cuộc xung phong giữa mưa đạn, về người chết, và đàn bà. Tôi nghe ngạc nhiên và thấy mình không hiểu bao nhiêu về cuộc đời. Bấy giờ tôi vừa mới quen Mai.


Mai học Gia Long lớp đêm. Những năm này thành phố không đủ trường cho học trò. Hàng lượt người đổ xô về Saigon vì chiến tranh. Mỗi chiều tôi đợi nàng trong sân chùa Xá Lợi. Chúng tôi nói chuyện hoặc đi dạo cho tới giờ nàng vào lớp. Em gái Mai là Miên, học sau hai lớp, thường đứng bên kia đường với chúng bạn. Thỉnh thoảng Miên nhìn qua chúng tôi.
Tôi nói vụng về, cứ lắp bắp chẳng ra đâu vào đâu. Cũng không có gì để nói, thường là chuyện học hành thi cử. Có khi tôi hỏi chuyện gia đình nàng. Cứ đứng bên nhau chừng mươi phút thì hết chuyện, nàng lại hỏi về các lớp tôi học. Tôi nhắc lại những tên sách đã đọc tới lần thứ mấy ngàn cho nàng nghe. 


Thường khi chúng tôi cũng im lặng, nhìn buổi chiều trôi đi trước mặt và lắng nghe hạnh phúc ngấm vào thịt da. Năm chúng tôi mới quen nhau, trời gió lớn và lá rơi nhiều hơn bình thường. Tóc Mai xỏa chấm vai. Mắt nàng to và lúc nào cũng có vẻ buồn. Có lần tôi nói, điều đó thích hợp với mùa thu và khung cảnh quanh trường. Nàng nói, ừ thì có sao đâu. Tôi thích nghe câu này, nó dùng được cho mọi trường hợp. Và luôn luôn trước khi vào trường, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi, cười thật tươi một chặp rồi quay đi.
 

Chị em nàng đi xe trường. Xe luôn luôn đến sớm khoảng mươi lăm phút. Thời gian nói chuyện của chúng tôi thật ngắn ngủi. Nhưng nếu dài hơn thì cũng vậy thôi, vì có khi cả hai im lặng hằng nửa giờ rồi lại nói bâng quơ về chuyện nhà với lớp.
Những con đường quanh trường trồng cây trắc bá, khổng lồ và cao vút, kêu xao xác khi gió ùa đến và đổ xuống từng đợt lá. Chúng tôi đứng bên hè phố, giữa bao nhiêu người khác, có khi bên xe đậu đỏ bánh lọt, ồn ào nhì nhằng và cảm được một thế giới riêng, trong đó thật vắng lặng như trên phố không có bóng một người và nghe được cả tiếng cựa mình của lá.
 

Năm đó chúng tôi còn nhỏ quá, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong cuộc đời và cả trong lòng mình. Những ngày như vậy trôi qua, đó là niềm vui cầm nắm được, nhìn thấy được, trước mặt, bên kia đường, bay lượn trên hè phố và lảng vảng quanh chúng tôi. Đứng bên nhau, đi bên nhau, nói vu vơ hoặc im lặng, hít thở buổi chiều, nhìn lá vàng rồi chia tay. Giữ lại trong tôi giấc ngủ mỗi đêm là mái tóc xỏa ngang vai và đôi mắt to.
Có khi tôi đón nàng tan học, lúc đó là mười giờ đêm, phóng xe đạp đuổi theo xe trường. Mai lại chồm người qua cửa sổ, đưa tay vẫy vẫy và cười thật tươi, cho tới khi tôi chịu thua phải đi chậm lại. Lần nào cũng mệt đừ nhưng lòng vui lắm.
 

Mùa hè năm đó, tôi tham dự khóa đầu tiên của chương trình Quân Sự Học Đường. Aó quần súng sính, nào có vừa đâu, nhưng cũng chẳng cần vì phải trả lại cuối khoá. Tôi thấy vui vui, hình như mình cũng là người lớn. Biết một tí súng ống, vượt mấy đoạn đường chiến binh, đi tới đi lui trong hàng, hát ca và đùa giỡn. Mỗi khi mệt nhọc tôi lại nhẩm nha câu nói của nàng, ừ thì có sao đâu, và nhớ tới mái tóc xỏa và đôi mắt to.
Mỗi cuối tuần về nhà, tôi lại ra lang thang ở sân chùa Xá Lợi. Khắp các đường quanh đó đều im vắng vì trường đóng cửa mùa hè. Tôi ngồi trên ghế đá đọc sách cả buổi, có khi cả ngày. Khi mệt thì nằm lăn ra hành lang ngủ, đói tôi ra góc đường mua bánh mì ăn. Có khi vào bếp nhà chùa xin cơm nguội, vì trước kia tôi cũng từng chẻ củi hoặc canh thức ở Tang Nghi Quán giúp anh Tư, người coi mọi chuyện công quả trong chùa. Tôi là tên học trò quen mặt ở đây. Nhưng cũng chẳng cần quen mặt hay biết tên, vào những ngày công chuyện bề bộn như thuyết pháp hay hội hè, anh Tư và có khi cả ông cụ bác sĩ Diệp cứ chỉ tay bắt những tên thanh niên đứng gần làm mọi chuyện lặt vặt bất ngờ. Nhưng buổi chiều và tối là của tôi, một mình ngồi nhìn mùa hè và cây lá, và mong có khi nào bất chợt nàng hiện ra trước mặt.
 

Tôi nghĩ tôi có thể đến nhà Mai để nói chuyện, nhưng thấy có gì cản trở, ngại ngại. Không phải vì bộ áo nhà binh làm tôi xa lạ, chỉ vài tuần thôi rồi trả chứ nào có mặc lâu, nhưng ngay cả lúc thường cũng vậy, như dường chúng tôi chỉ có quyền gặp nhau ở ngoài đường. Thứ nữa nàng có cho biết nhà và không dặn dò gì đặc biệt. Tôi đoán nàng cũng mong tôi đến thăm. Tôi nghĩ, ừ thì có sao đâu, nàng sẽ nói thế với cả ba mẹ nếu hôm nào thấy tôi lừng lững bước vào mặc cho ông bố sĩ quan Hải quân rất mực kỷ luật như nàng thường bảo. Nhưng tôi lại ngồi đây, cô đơn, giữa đất trời vắng lặng.
 

Tuần cuối cùng của chương trình, Mai đạp xe tới chùa và gặp tôi đang nằm trên ghế đá. Mai mở to mắt ngạc nhiên. Lòng tôi vui vô hạn, cũng mấy tuần rồi không gặp. Lần đầu tiên tôi thấy nàng không mặc áo dài. Trong bộ áo sơ mi hồng nhạt quần tây nỉ xám, nàng lạ hẳn đi, nhanh nhẹn, vững vàng, quyết đoán. Tôi lúng túng giải thích là đang nhìn buổi chiều và chờ đêm tới rồi sẽ ra công trường Dân Chủ đón xe đò lên Quang Trung. Không ngờ Mai tới, tôi nói, Mai có phải là bóng đêm đâu. Nàng hỏi chuyện quân trường. Tôi nói không có gì. Chúng tôi ngồi suốt buổi chiều, không biết làm chi, cứ hết nói bâng quơ rồi lại im lặng. Đêm xuống. Mai nói phải về, không thì mẹ trông mà anh còn phải đi nữa. Tôi đưa nàng ra cổng tam quan. Bên kia là trường Gia Long với tường vôi vàng ngả xám, loang lổ dưới ánh đèn đường. Mai đứng nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi mới nhớ ra, từ chiều giờ tôi chưa nhìn thẳng vào mắt nàng bao giờ. Mai nói khi người ta nhìn vào mắt nhau, ai thành thật thì không chớp mắt. Tôi nói không biết. Chúng tôi đứng nhìn chăm chăm vào mắt nhau. Tôi cố giữ để khỏi chớp mắt trước. Mắt nàng to, long lanh ánh đèn đường. Mái tóc xỏa vai, bay theo gió đêm.
 

Tôi ước mơ có thể đứng thêm nghìn năm, bên hè phố, dưới đèn đường, nhìn vào mắt nhau, bất động như hai pho tượng. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt vì ánh đèn, chiếc áo hồng nhạt đổi sang màu tím. Nàng lạ hơn mọi ngày, và tôi nữa, tôi đoán thế. Chúng tôi đứng nhìn nhau. Nàng ngước nhìn lên vì tôi cao hơn nửa cái đầu. Không khí chung quanh như đóng băng lại. Tôi cảm được hơi lạnh ở làn da và hơi ấm trong tim. Tôi không dám cử động sợ làm rạn nứt không gian. Tôi trực cảm rằng hình ảnh này tôi đã thấy từ lâu lắm rồi, có lẽ cả triệu năm trước và theo đuổi cho tới hôm nay. Bây giờ thì gặp lại, cũng mái tóc bay theo gió đêm, cũng đôi mắt to nhìn lên, cũng hè phố dưới ánh đèn đêm, cũng lá đùa xao xác trên cao và tôi cũng bộ quân phục vụng về. Tôi sợ hãi và cũng đồng thời hạnh phúc nhìn thấy từng mảnh tiền định đang ráp lại. Chúng tôi nhỏ bé quá trước những điều không hiểu được. Tôi không biết ai chớp mắt trước nhưng nàng đưa tay ra và tôi bắt lấy, xiết thật chặt. Lòng cảm động vô ngần, tôi nói thầm, cảm ơn em. Bàn tay nàng nhỏ nhắn và mát lạnh, có lẽ vì gió đêm và sợ hãi. Thôi mình chia tay, nàng nói, để anh còn đi, sao anh không nói gì cả. Tôi nói, phải chi mình cứ đứng như vầy hoài, suốt đời. Tôi vẫn giữ tay nàng, đây là lần đầu tiên chạm vào thịt da nàng. Xiết tay thật chặt rồi buông ra, tôi cảm được những luồng điện chạy trong tay. Tôi thấy bàn tay như lơ lửng trong không gian, không còn thuộc về mình nữa.
 

Khi nàng đạp xe đi, tôi thấy đời lạ như một giấc mơ. Như một trận gió xô tới rồi bay đi, nhưng sao là không có thật vì cả đất trời, trong tôi và ngoài tôi đã thành lạ khắp. Bàn tay vẫn giữ được cảm giác kia, nhỏ nhắn và mát lạnh, như bị tách rời ra, không còn thuộc về thân xác tôi nữa.
Đêm đó tôi đi lang thang. Chân đi không dừng được, sợ là người có thể vỡ tung ra vì hạnh phúc. Tôi nhớ tới chuyến xe lam cuối cùng lên Quang Trung nhưng thôi, mặc kệ tất cả. Tôi cần có một đêm riêng cho mình, một nơi chốn riêng để giữ lại thế giới tôi vừa bước vào. Tôi muốn đêm dừng lại và ngày đừng tới, để còn giữ được hình ảnh kia trong mắt và còn cầm nắm được bàn tay kia, nhỏ nhắn và mát lạnh. Tôi hít thở gió đêm, hạnh phúc ùa vào người, cả thế giới của trăng sao của cây lá vi vu của đèn đêm phố vắng tan vào da thịt. Tôi đi cho tới nửa đêm thì quay về chùa, còi hụ giới nghiêm rồi. Tôi không muốn về nhà, mẹ sẽ hỏi đủ thứ chuyện rồi lo lắng lung tung.
 

Tôi leo cổng sắt vào chùa và lên lầu nằm trước thềm chính điện. Cây ngọc lan cao vút ngả nghiêng xào xạc. Phải chi có chút hương hoa, cũng lạ, tôi nghĩ, buổi tối thật đẹp và im vắng. Những cột đèn nê ông chiếu ánh sáng xanh nhợt nhạt trong sân. Chổ tôi nằm hơi tối, hy vọng nếu có ai thức dậy đi dạo cũng không thấy được. Nếu không thì cũng phải kể lể dài dòng. Tôi muốn thức trắng đêm nay, hình dung lại khuôn mặt của nàng, cách đứng nhìn lên của nàng và giữ lấy cảm giác mềm mại và nhỏ nhắn trong tay. Phải chi thế giới ngừng lại, ngày mai ai biết ra sao.
Tôi ngủ quên lúc nào không hay, khi tỉnh dậy trời chưa sáng hẳn. Tôi ra đón chuyến xe lam sớm để lên quân trường. Tôi bị phạt chạy suốt buổi sáng hôm đó, cũng may không có hình phạt dã chiến cho sinh viên. Mồ hôi nhễ nhại, tay ôm súng, chân chạy không thôi nhưng lòng tràn ngập niềm vui. Hình ảnh Mai vẫn hiện trong không gian, trước mắt tôi. Mái tóc lòa xòa bay theo gió đêm, đôi mắt ngước nhìn lên, bướng bỉnh không chớp và bàn tay.


Tôi không gặp Mai những ngày đầu niên khóa kế. Tôi vẫn đứng chờ bên đường và đạp xe vòng các cửa trường Gia Long. Có thể nàng đã đổi trường, nhưng sao không nói với tôi một lời. Tôi mong điều đó đúng, còn hơn là vì lý do nào nàng không muốn gặp lại. Tôi cứ suy nghĩ lung tung với lòng lo lắng. Đường phố vẫn những đám học trò nữ tụ tập. Cũng không thấy cả Miên, tôi đoán cả hai đã chuyển trường cho học phí nhẹ đi hoặc để học ban ngày cho tiện. Tôi ngồi ở tam cấp chùa nhìn qua, có khi nước mắt như ứa ra. Tôi nhớ tới buổi tối hôm đó và nghĩ, phải chi hôm đó ôm hôn nàng. Mình ngốc nghếch quá, dở quá, tệ nhất thế giới đấy, tôi tự trách mình. Nàng không hề biết mình đã bị phạt mệt như gì, chỉ vì một lần cầm tay tôi có thể chịu được mọi thứ tai ương trên đời. Tôi đạp xe quanh nhà nàng vào những giờ khác nhau mong có khi nào gặp được.


Những con hẻm Nguyễn Thiện Thuật xô bồ, đông đúc và quanh co trăm lối rẽ. Tôi đi cả tuần như vậy cũng không gặp hai chị em. Tôi không dám bước vào nhà hỏi, sợ có khi nào nàng sẽ trách. Có thể Mai đã quên mình hoặc không muốn gặp lại hoặc vì bận rộn ở nơi trường mới, ai biết được, tôi nghĩ vậy. Năm đó tôi đi học một cách buồn nản. Những ngày vừa qua như không có thật, nhưng bàn tay tôi, bàn tay đã một lần cầm nắm hạnh phúc và để vuột đi, vẫn còn đây, trước mặt và lơ lửng trên cao vì đã thuộc về nàng. Tôi vẫn tiếp tục cầm sách vở nhưng bàn tay ấy đã che mất chữ, từng hàng, từng trang. Ngực tôi nhói lên mỗi khi nghĩ rằng có khi nào mình đã làm điều không phải. Cuối năm tôi nhập ngũ theo lệnh Tổng Động Viên. 

Tôi đóng quân ở Ban Mê Thuột. Núi rừng buồn và lạnh. Đường phố bụi mịt mờ. Tôi làm Thủ Quỹ cho Công Binh Sư Đoàn 23. Công việc cũng không có gì phức tạp. Có nhiều thì giờ để đọc sách và dạo phố. Thỉnh thoảng nhớ tới nàng, tôi lại đi lang thang. Có chuyện gì bất như ý, tôi lại nghĩ, ừ thì có sao đâu, giọng nói ngang ngang của nàng lại vọng bên tai.
Một lần về phép, tình cờ gặp Miên trên phố, tôi được biết Mai đã lấy chồng. Tôi không dám hỏi thêm điều gì, sợ nghe thêm về nàng. Miên nhìn ái ngại, cho biết Mai thỉnh thoảng vẫn nhắc đến tôi. Tôi bối rối cảm ơn và chúc hai chị em vui. Tôi làm ra vẻ đùa, còn em nữa nhớ học giỏi mau ăn chóng lớn chứ. Tôi quay đi và quên hỏi có phải năm trước hai chị em đã chuyển trường. Đêm đó tôi về nằm ngủ như chết và ước mơ phải chi mình đừng thức dậy. Sáng ra nhớ tới chuyện hôm qua, tôi áy náy vì đã không nói được cách nào suông sẻ hơn để Miên thấy là mọi chuyện rất là bình thường, thật bình thường, không có gì gọi là tội nghiệp. Mà đã có gì đâu, tôi tự nhủ, còn mình phải tỉnh mới được. Phải tỉnh mới được, tỉnh như Tây ấy, tôi lặp lại với chính mình suốt ngày. Đầu váng vất như say, tôi ngồi bên bữa ăn trưa và cứ nhợn nhợn muốn ói. Chịu thua thôi, tôi đùa với mẹ, ngồi bên cạnh mẹ đủ vui rồi con không ăn nổi gì cả.


Mẹ bảo tôi xạo và cười, con gái chúng thích xạo lắm, mày cứ tập kiểu ấy mãi thì được. Tôi mới nhớ trước giờ chưa xạo với nàng bao giờ, mà chỉ toàn lắp bắp với ngu ngơ thôi. Dở lắm, mình dở lắm, tôi tự trách suốt ngày, phải chi hôm trước ôm hôn đại thì tình hình có thể khác đi, nếu không thì cũng có gì để nhớ. Còn chuyện bắt tay thì có sao đâu, đó là phép lịch sự thôi. Tôi giật mình khi nghĩ đó còn là dấu hiệu của chia tay, phải chăng nàng muốn nói điều gì như vậy. Có thể nàng bắt gặp tôi chớp mắt trước nên đã kết luận là tôi không thành thật. Nếu vậy thì thật là bất công, tôi không ưa trò chơi này. Nhưng nếu em muốn, bất chợt tôi gọi tên nàng, chúng ta có thể chơi lại lần thứ nhì, ai biết được trò này quan trọng như vậy. Nhưng trễ rồi, tôi đâu có thể sống lại những ngày đã qua.

Trời lạnh như ri ở Ban Mê Thuột. Người ta phải mặc áo ấm cả vào những ngày nắng. Tôi tập thêm thói quen uống cà phê. Một tên bạn địa phương dạy cách nếm và phân biệt các loại hạt. Tôi luôn luôn lẫn lộn giữa các mùi và vị rất gần nhau. Buổi chiều ra lang thang ở các phố nồng mùi cà phê rồi về một quán quen thuộc ngồi tới thật khuya. Tôi vẫn chưa quen thuộc núi rừng bao nhiêu, cứ loanh quanh mấy vòng là hết phố. Lần nào đi cũng mệt vì ngõ nào cũng dốc, nhưng ở trại thì chịu không nổi. Khoác áo ấm nhà binh, bước ra ngoài và nhìn hơi thở biến thành khói, coi mấy trận bi da độ ở phố Lý Thường Kiệt rồi tìm một chổ ngồi vắng đọc nhẩn nha, những ngày của tôi trôi qua chậm rãi. Có đôi khi ghé chùa Khải Đoan lạy Phật rồi ngồi tựa lưng ở thềm chính điện kéo mũ che mắt ngủ lúc nào không hay. Cũng lạ tôi thấy mình cứ ra đường là tỉnh như sáo, còn ghé vào chùa là phải ngủ gục thôi ngay cả khi đang ngồi uống trà với sư trụ trì cũng thấy mắt nhíu lại. Sư bảo đó là do nghiệp, có người bên kia che mắt đấy. Tôi đùa, kiếp trước tôi là Bà La Môn ngoại đạo nên bây giờ cứ vô chùa là buồn ngủ. Nhưng tôi biết điều này chỉ mới xảy ra gần đây, có lẽ những kỷ niệm với Mai đã đưa tới sức phản kháng trong tiềm thức, chẳng hiểu ra sao. Cũng không hẳn vậy, vì chỉ thoảng khi tôi mới nhớ tới nàng và lần nào cũng thấy tội nghiệp cho trần gian này, cho nàng, cho tôi và mọi người trong cuộc đời. Biết sao bây giờ, ai cũng nhỏ nhoi trước những điều không hiểu nổi.


Tháng 3-1975, Ban Mê Thuột là chiến trường đầu tiên. Đơn vị tôi đóng ở cây số 3, cầm cự được vài ngày rồi chạy về Phước An để gặp sư đoàn. Pháo nổ liên tục sau lưng, ít đơn vị giữ được hàng ngũ vì đi trong cả đêm và rừng rậm. Tới đây một tuần lại được lệnh chạy về Khánh Dương, hôm sau thì tôi lạc, cứ nhắm hướng Đông Nam mà đi. Qua bao nhiêu rừng và suối với những đoàn dân và lính tan hợp trên đường, tôi vào được Nha Trang trình diện Trung Tâm 4 Tài Chánh. Có khi nằm trong rừng ngửa mặt nhìn trăng sao và nhớ nhà, hẳn là ba mẹ tôi lo lắm, còn Mai nữa, có khi nào nàng nghĩ tới tôi. Tôi lại nghĩ tới bố nàng, không biết đóng ở đâu, trước giờ tôi vẫn quên hỏi những chuyện như vậy. 


Tháng tư, tôi về được Saigon. Cả đất nước hỗn loạn, không ai biết được chuyện của ngày mai. Người ta nói Tòa Đại Sứ Mỹ đã rút đi gần hết. Đơn vị tôi đóng ở Trường Gò Vấp. Được một tuần, tôi quyết định phải thăm Mai, nhỡ có khi nàng lo lắng cho tôi. Nếu không gặp thì nhờ Miên nhắn cũng được.


Tôi bước vào nhà ba mẹ nàng ở Nguyễn Thiện Thuật, lúc đó là buổi chiều. May có nàng ở đây, cũng lạ. Nàng đứng bật dậy đón tôi vào. Mẹ nàng nhìn tôi. Bà cụ đôi khi tôi vẫn gặp hồi đạp xe quanh nhà nàng. Miên chạy ra chào, mới có vài năm mà lạ hẳn, lớn ra. Mai giới thiệu với mẹ rằng tôi có thời dạy kèm cho Mai và Miên ngày xưa. Câu trả lời nhanh nhẹn như được tính toán sẵn tự năm nào. Giữa nhà, một em bé đang nằm tập lật trong nôi. Ngực tôi hơi nhói lên, tôi đoán nàng ẳm con về thăm nhà. Tôi ngồi đối diện với Mai ở bàn giữa. Vẫn mái tóc ngang vai và đôi mắt to, trông Mai tự nhiên và vui hẳn ra. Mẹ Mai lấy ra một cuộn len khổng lồ rồi ngồi đan gần đó.
“Ba em ở đâu, có bình yên không?”
“Ba đang ở ngoài bến Bạch Đằng. Hồi anh ở Ban Mê Thuột làm sao?”
“Thì đánh nhau lung tung, may về đây được.”


Tôi không dám hỏi thăm chồng nàng, hình như có gì không phải lắm trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Hai tay nàng cứ loay hoay bứt xơ của mấy mẩu vải trên bàn. Chúng tôi có khi nhìn vào mắt nhau, lần nào nàng cũng quay đi trước. Tôi tự nhủ vậy là chậm rồi, mình nhớ chi cái chuyện chớp mắt trước hay sau. Nàng cuối xuống bàn, nói giọng thật khẽ.
“Anh có tính chuyện đi ra khỏi nước không?”
“Không, anh không biết. Chưa tính gì cả.”
“Nếu anh muốn đi, chiều mai anh tới đây. Ba sẽ đưa cả nhà cùng với bên chồng em đi,” giọng nàng nghiêm lại,” em sẽ bảo Miên và thằng út đi bên anh. Tại vì ba bảo có bạn nào thân thì gọi đi. May mà hôm nay anh lại.”


Tự nhiên tôi muốn từ chối nhưng không nói được. Mẹ nàng thỉnh thoảng liếc chúng tôi. Nói chuyện một chặp, tôi đứng dậy xin phép mẹ nàng để về. Trời cũng hơi tối. Mai và Miên đưa tôi ra cửa. Nơi ngưỡng cửa, Mai chìa tay ra. Hơi ngần ngừ rồi bắt tay nàng thật chặt, tôi có cảm giác mẹ nàng suýt làm rơi cuộn len. Bên cạnh tôi, Miên mỉm cười. Tôi đứng nắm tay nàng thật chặt và thật lâu, cảm động giữ lấy cảm giác nhỏ nhắn, mềm mại và mát lạnh. Tự nhiên tôi thèm được ôm nàng, nhưng mọi chuyện đều chậm rồi, mẹ nàng có thể la hoảng lên đấy.


“Miên phải gìn giữ Mai đấy,” tôi quay qua bảo Miên, “Mai điên lắm.”
Khi tôi ra phố, đèn đêm lên rồi. Trước mắt tôi vẫn là đôi mắt nàng, mở to nhìn thẳng như chờ coi ai chớp trước. Gió đêm thật lạnh dù bấy giờ mới cuối Xuân. Bàn tay tôi vẫn lơ lửng trên cao, nơi thật xa của những đám mây.