Trao về Bác sĩ Phạm Gia Cổn
Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Mà biết thì sống.” Đấy là câu mà bố tôi vẫn thường mượn, để khuyên giải ba anh em chúng tôi, vào giữa lúc tình hình được mô tả là tranh tối, tranh sáng. Giữa lúc mà ai nấy đều đứng tim, nghẹt thở, ú ớ trước các đơn vị ngổ ngáo, hùng hổ của Bắc quân, cùng những chiếc xe tăng hung hãn, kịch cỡm đang lầm lì tiến vào để tiếp quản thành phố. Sài Gòn lên cơn sốt tột cùng. Sài Gòn đầy lo âu, sợ hãi. Sài Gòn đang đứng trước giờ phút khắc nghiệt, bi thảm, đau thương và chua cay nhất của lịch sử đất nước. Hầu hết dân chúng ở thủ đô đều tỏ ra ngơ ngác, hoang mang, giao động trước sự xụp đổ nhanh chóng, não nề của chế độ Cộng Hòa tại miền Nam lúc bấy giờ. Chán nản, tôi nằm vắt tay lên trán, suy ngẫm miên man về câu nói ấy, ròng rã suốt cả mấy đêm dài trằn trọc, thao thức. Nó chẳng khác nào như câu châm ngôn, mà tôi phải học thuộc lòng như cháo chảy, để từ đó, tôi đem ra áp dụng trong suốt chuỗi ngày tháng đen tối, hoạn nạn, đằng đẵng, dài lê thê ở trong tù.
Từ khi bước chân ra khỏi cánh cửa sắt nặng nề của nhà tù. Về đến nhà, bố tôi còn ghé sát vào bên tai tôi nói nhỏ: “Chưa xong đâu! Ra ngoài, con đừng tưởng là đã yên! Phải nhẫn nhục để mà sống. Phải chịu đựng cho đến khi nào con đi thoát được, xa rời khỏi cái đất nước này, thì mới mong tẩy xóa hết được những muộn phiền, lo lắng. Hãy gắng gượng để mà sống. Sống để mà chờ. Chẳng có lý nào mà cuộc đời cứ dậm chân mãi ở một chỗ hay sao! Thể nào rồi cũng có ngày thay đổi. Sông còn có khúc. Thì người ta cũng có lúc. Điều quan trọng hơn hết, là đừng có bao giờ nản lòng và phải nhẫn nhục, bền chí mới được.”
Tôi thấm lời bố tôi và sống mềm nhũn chẳng khác nào như con chi chi nằm trong bộ bài tổ tôm, mà bố tôi vẫn thường chơi với bạn bè trước kia.
Lạc lõng giữa xã hội bị quậy tơi lên, đục ngàu giống như màu đất sét. Xã hội bị nghiền nát, đặc quánh bởi vàng thau lẫn lộn. Xã hội bị mưng mủ, đầy rẫy những nghi kỵ, tỵ hiềm và chia rẽ. Xã hội mà hai chữ tình người hầu như chẳng còn hiện hữu ở trong đấy! Mọi người đối xử với nhau bằng những thủ đoạn, những lừa lọc, xảo trá, và lúc nào cũng đẩy con người ta vào đường cùng, bí lối. Phải thủ thế, phải nói dối. Phải dòm ngó, canh chừng lẫn nhau. Chính vì thế, mỗi khi bước chân ra khỏi nhà, tôi đều phải nhìn trước, ngó sau. Phải đề cao, cảnh giác. Phải hạn chế tối đa về tất cả mọi phương diện, từ vấn đề đi lại, giao tế, tiếp xúc với bạn bè, hoặc với tất cả mọi tầng lớp dân chúng ở chung quanh. Luôn luôn phải tỏ ra vồn vã, phải mềm dẻo, phải nhã nhặn, cẩn thận, ý tứ ngay từ lời nói cho đến từng việc làm. Lâu lâu, bố tôi lại lặp đi, lặp lại như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở cho tôi. Nhờ đó, tôi mới thấm nhuần được hai chữ nhẫn nại. Nhẫn nại để mà chờ! Và, cũng nhờ đó, tôi đã gặp được nhiều điều may mắn, hay nói một cách khác, tất cả mọi sự việc liên quan đến chuyến đi này, cũng đều bắt nguồn từ chữ duyên mà ra. Chữ duyên đã cho tôi cơ hội. Cơ hội để ra đi, để trốn chạy khỏi cái xã hội buồn nôn, lợm giọng, khó thở, bưng bít ấy.
Nói tới vượt biên thì cuộc vượt biên nào mà chẳng có gian truân! Có gian truân thì mới nhớ mãi, để đời. Làm sao mà tôi có thể quên được mười lăm ngày lênh đênh trên biển! Mười lăm ngày đói khát. Mười lăm ngày thiếu thốn về tất cả mọi phương diện. Mười lăm ngày tưởng chừng như đã chết. Mười lăm ngày, thì mười ngày chiếc ghe bị chết máy, tê liệt. Mười lăm ngày phó mặc cho lũ sóng bạc hung tợn, xô đẩy, lắc lư, trôi dạt về chốn xa xăm, vô định nào đó. Hầu hết ai nấy đều đuối sức, nằm xuôi tay, lờ đờ, bất động, trông y hệt như những cái xác không hồn. Giữa giây phút tuyệt vọng ấy, văng vẳng nghe như có tiếng ai réo lên, vọng lại từ phía buồng lái.
“Thức dậy đi bà con ơi! Chúng ta sắp được cứu rồi.”
Mọi người đều ngóng cổ nhìn ra. Thì ra là gã tài công. Câu nói đó chẳng khác nào như liều thuốc bổ, là viên thuốc hồi sinh, có tác dụng làm cho ai nấy đều tỉnh táo, khỏe khoắn trở lại. Không khí đột nhiên trở nên xao động hẳn lên. Người ta quên đi tất cả. Quên đi mọi mệt mỏi. Quên đi cả đói khát. Bằng đấy, năm mươi mấy người đều nhổm dạy, ùa ra, nhướng mắt, nhìn theo ngón tay chỉ của gã tài công. Xa xa, tận ngoài xa, con tàu hiện ra chẳng khác nào như vệt sáng nhỏ, thấp thoáng, lấp lánh, ở tít cuối chân trời. Có tiếng còi tàu hú lên trên đại dương, rồi cứ thế, cứ thế, lớn dần, sừng sững, uy nghi, chẳng khác nào như chiếc pháo đài đồ sộ, vững chắc, đang lù lù tiến tới. Tôi tự hỏi với chính mình: Phải chăng! Đây là phép lạ, là ân sủng đặc biệt mà thượng đế đã dành riêng cho chúng tôi trong giờ phút nguy khốn này! Dưới ánh nắng vàng vọt, héo hắt của buổi hoàng hôn, chúng tôi cảm thấy bừng lên niềm sung sướng tột cùng và ấm áp lạ thường. Tôi ném tầm mắt nhìn sang hai bên. Trên khuôn mặt nhen nhúm của từng người, tôi đọc thấy được nét xúc động hiện lên, lộ diện ở trên đấy. Có tiếng ai thổn thức, sụt sùi ở quanh đây. Tôi ngoái cổ nhìn lại. Thì ra là tiếng khóc! Họ khóc trong sự sung sướng! Khóc trong sự vui mừng! Vui mừng! Bởi vì họ sắp được cứu thoát! Tôi nhận ra điều ấy. Thoáng chợt! Nghe như có ai đụng nhẹ vào tay tôi! Tôi giật mình quay lại. Thì ra là anh bạn trẻ. Bằng động tác thật thân mật, anh ta nắm chặt lấy tay tôi, xiết mạnh, rồi nói với tôi bằng giọng run run, nghẹn ngào gần như muốn khóc:
“Em mừng quá anh ạ! Làm sao mà không mừng hở anh! Tất cả đều diễn ra thật quá đột ngột, quá bất ngờ anh nhỉ! Giữa lúc mà mọi người trong chúng ta đều tuyệt vọng, đờ đẫn nằm chờ chết, thì cũng chính là lúc mà chúng ta mới nghiệm ra được, thế nào là hai chữ mầu nhiệm của sự cứu vớt! Phải không anh!”
Cho đến giờ phút này, nhiều khi lang thang, quanh quẩn trong công viên vắng vẻ nào đó, tự nhiên tôi muốn hét lên một tiếng thật to, để bầy tỏ đến với tất cả mọi người, về cái ý nghĩa thiêng liêng, cao cả của hai chữ tự do. Chỉ có tự do là liều thuốc bổ, là hơi thở, là mạch sống, là môi trường tốt cho tình người vươn cao. Tự do còn là ước vọng, là nỗi khao khát, là nhu cầu thiết yếu nhất đối với đời sống của con người. Nó chẳng khác nào như lớp phân bón, có tác dụng thúc đẩy làm cho hạt giống nẩy mầm, tăng trưởng, rồi trở thành xanh mướt với thời gian.
Bỗng chốc, chợt ngoảnh lại, tôi giật mình thấy thời gian đi qua như tên bắn! Mới ngày nào, tôi còn ngơ ngác, ngập ngừng chui ra khỏi chiếc máy bay, ngỡ ngàng bước vào vùng đất hào nhoáng, mới mẻ, xa lạ này. Vừa thoáng trông thấy tôi, mấy đứa cháu liền chạy lại mừng rỡ: “Thấm thoát mà mười mấy năm trôi qua rồi, đấy chú! Mười mấy năm, chú cháu mình mới gặp lại! Mười mấy năm, chúng cháu thấy chú ốm và già đi rất nhiều. Vật vã suốt cả chặng đường dài từ bên Phi sang đây, chắc mệt lắm, chú nhỉ! ”
Tôi lắc đầu, mỉm cười, thản nhiên bắt tay từng đứa một. Qua vài lời thăm hỏi, chúng nó dẫn tôi ra xe, rồi trực chỉ, tiến thẳng về căn nhà ổ chuột, bẩn thỉu, hôi hám. Căn nhà bề bộn, luộm thuộm, thiếu hẳn bàn tay chăm sóc, thu vén của người đàn bà. Căn nhà mà trước mặt cũng như sau lưng, chỉ thấy toàn là Mỹ đen và người Mễ. Tôi liên tưởng đến cái thành phố nhỏ bé ấy. Thànhphố bình dị mang tên Pomona. Thành phố xinh xắn, dễ thương, nằm khá xa với khu vực Little SàiGòn sầm uất này. Thành phố có nhịp sống trầm lặng, êm đềm. Thành phố đã cưu mang tôi trong suốt mười mấy năm trời miệt mài, ròng rã. Mười mấy năm chỉ biết chúi đầu vào công việc. Mười mấy năm sống lầm lũi, âm thầm về đêm. Mười mấy năm, tôi lột xác, biến dạng thành loài chim ngủ ngày không hơn, không kém. Mười hai tiếng cho một đêm. Bốn ngày cho một tuần. Cuộc sống cứ bình thản quay đều! Quay đều! Liên tục vào năm tháng và chẳng bao giờ thay đổi! Sáu giờ chiều lên ca, thì đến sáu giờ sáng, tan sở để về nhà. Vài người quen ở gần đấy, gặp tôi, thường hay phàn nàn: “Từ ngày ông đến đây tới giờ, nhiều khi chúng tôi muốn gặp ông, cũng chẳng có cách nào để mà gặp! Lắm khi, cuối tuần, chúng tôi muốn rủ ông đi đây, đi đó cho khuây khỏa mà cũng thấy khó quá! Hễ cứ gọi điện thoại sang cho ông, thì y như rằng, mấy đứa cháu ông lại bảo: “Chú cháu hiện giờ còn đang ngủ để lấy sức, tối còn đi làm.” Cuộc đời như bọn mình đâu có còn bao lâu nữa hở ông! Bởi thế! Mình phải biết tận dụng thời gian để thụ hưởng đôi chút! Ông phải tìm cách nào để chuyển sang ca ngày làm cho đỡ mệt, chứ ông cứ giữ khư khư như thế này mãi, rồi cũng có ngày tổn thọ đấy ông ạ!”
Nghe xong, tôi chỉ biết cười trừ cho êm chuyện. Cuối tuần, tôi phải đi làm. Cuối tuần là ngày của người ta. Thứ tư, thứ năm, mới là ngày tôi nghỉ. Thứ tư là ngày mà tôi dành riêng cho Khởi Hành. Thứ tư nào tôi cũng chở Trần thúc Vũ lên đấy. Thứ tư nào cũng bằng đấy những khuôn mặt. Trần thúc Vũ, Vương Nguyện, Phan Diên và tôi. Đôi khi, còn có thêm cả họa sĩ Phạm Hoán cùng anh Nguyễn nghiệp Hoa của nhật báo Viễn Đông. Trong căn gác chật hẹp, tọa lạc ngay trên đường First, nằm sát góc với ngã tư Euclid, chúng tôi quây quần lại với nhau, bên ly rượu nồng nàn, ấm áp. Câu chuyện thường đặt ra, phần nhiều được gói trọn, vuông vức trong lãnh vực hạn hẹp của văn nghệ, hoặc đôi khi lướt qua, tóm gọn đến vài nhân vật nổi tiếng trên đất Mỹ. Nhiều khi cao hứng, chúng tôi còn chuyển câu chuyện sang đề tài thời sự ở quê nhà. Về tình hình nóng bỏng đang sôi sục ở trong nước. Về thái độ ươn hèn của chế độ hiện nay ở Việt Nam trước sức ép nặng nề, trắng trợn, thâm độc của anh bạn láng giềng khổng lồ phương Bắc. Đến Bản Giốc, ải Nam Quan. Đến Hoàng Sa, Trường Sa, cùng số đất đai lần lượt bị xóa tên trên bản đồ đất nước. Biết bao nhiêu vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo. Biết bao nhiêu khuôn mặt nổi bật, như Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, cùng hàng hàng, lớp lớp, đã lẫm liệt đứng lên, đòi hỏi, đấu tranh cho cái quyền sống căn bản của con người. Nhìn về trong nước, qua tấm lăng kính hằng ngày, với biết bao nhiêu cuộc đấu tranh đang tỏa rộng, bùng lên như ngọn lửa sáng ngời. Những ngọn lửa dữ dội như vũ bão. Những ngọn lửa bất chấp mọi bạo lực. Bất chấp mọi sự đàn áp dã man, độc ác của nhà cầm quyền đương thời. Những ngọn lửa đang ngùn ngụt bốc lên, vì tương lai sống còn của dân tộc. Chúng tôi mơ đến mùa xuân cho công lý, cho tự do, cho nhân quyền. Mùa xuân giống y như khuôn mẫu của mùa xuân Ả Rập. Một mùa xuân chuyển mình, ồ ạt, mãnh liệt như những đợt sóng thủy triều dâng cao, cuốn phăng đi mọi bất công, mọi áp bức, mọi thủ đoạn, để từ đó, xây dựng thể chế dân chủ thật sự, có chất sống, có tình người, đáp ứng đúng với những nguyện vọng thiết tha của toàn dân. Quanh đi, quẩn lại, chúng tôi cũng chỉ có bằng đấy câu chuyện. Đánh nhanh! Rút nhanh! Để trả lại không khí thinh lặng thường lệ cho người chủ nhiệm kiêm chủ bút của tạp chí Khởi Hành, với những công việc bề bộn, đầy ắp, chất đống, dầy cộm đang chờ đón ở trước mặt.
Cứ như thông lệ, hằng năm, ba anh em chúng tôi vẫn luân phiên, tổ chức những buổi họp mặt tất niên dành riêng cho gia đình. Vì tình trạng nhân số mỗi ngày cứ gia tăng theo nhịp đập của thời gian, cho nên mỗi năm, chúng tôi chỉ tổ chức có một lần, vào đúng ngay dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc.
Sở dĩ mà năm nào chúng tôi cũng tổ chức như vậy, chủ yếu là muốn tạo cho con cháu có cơ hội gần gũi, quây quần lại với nhau, hầu an ủi, san sẻ cho nhau, về những đắng cay, chua chát, ngọt bùi nơi cuộc sống. Những thử thách trong công việc hằng ngày. Những kinh nghiệm liên quan đến gia đinh, đến việc hoc hành của con cái. Điểm quan trọng, then chốt hơn hết, là để cho con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, về cội nguồn, về các đấng sinh thành, cùng những người đã khuất mặt, ra đi vĩnh viễn khỏi đời sống tạm bợ, phù du này.
Cách đây không lâu, trong bữa tiệc cuối năm được tổ chức tại nhà tôi.Năm ấy, có thể nói là một năm đầy đủ nhất kể từ trước đến giờ. Trong khi chờ đợi, lũ cháu trai xúm lại ở sân sau, để hút thuốc, tán gẫu, đồng thời kháo nhau về tệ trạng thất nghiệp, nạn cướp bóc, cùng những vụ xả súng bừa bãi tại các nơi công cộng. Cuối cùng, đề tài được chuyển sang khuôn khổ thể thao, chuyện cá độ, liên quan trực tiếp đến trận football sôi nổi, gay cấn chiều nay. Chợt thoáng trông thấy tôi, chúng nó liền chạy lại vồn vã, rồi giành nhau lấy thuốc ra mời: “Tết nhất! Chú phá lệ, hút với chúng cháu một điếu, xem năm mới này có khấm khá, sáng sủa gì không!”
Tôi gạt tay chúng nó sang một bên: “Chú đã nói, bỏ là bỏ! Dứt khoát là không bao giờ đụng tới thuốc men nữa!”
Bọn chúng liền khựng lại. Lát sau, thằng cháu nhỏ tuổi nhất lên tiếng: “Cháu nghe nói, trước kia chú hút kinh lắm, phải không chú!”
Tôi nghiêm nghị gật đầu. Nó hỏi tiếp: “Thế dạo ấy, chú hút mỗi ngày, tổng cộng là bao nhiêu gói!”
Tôi đưa lên hai ngón tay. Nó trợn tròn đôi mắt rồi thè lưỡi: “Eo ơi! Như vậy thì chú hút quá nhiều! So với cháu đâu có thấm là bao nhiêu! Nhưng có điều, cháu cứ thắc mắc mãi, là không biết chú làm cách nào mà có thể bỏ dứt được!”
Tôi điềm tĩnh: “Tất cả cũng đều ở nơi mình mà ra! Ăn thua là mìnhcó nghị lực, có quyết tâm hay là không! Bất cứ chuyện gì cũng vậy! Mình phải tỏ ra có thái độ dứt khoát mới được.”
“Cháu thấy khó quá! Đấy là ngày nào cháu cũng chỉ đốt có bảy, tám điếu mà thôi. Cháu đã thử biết bao nhiêu lần rồi! Cuối cùng, cháu đành phải dơ tay lên đầu hàng, chịu thua, chứ chẳng còn có cách nào khác nữa!”
Ngừng lại khá lâu. Nó quay sang, đổi giọng trầm xuống: “Ở đây, chú có quen ông nào là ông bác sĩ Cổn không chú!”
Tôi đáp chẳng cần suy nghĩ: “Chú không biết! Chú chưa hề nghe đến tiếng tăm của ông này bao giờ! Mà cái gì Cổn mới được chứ!”
“Lạ thật! Cháu cứ tưởng chú quen với ông ấy chứ! Ở đây, phần đông ai nấy cũng biết đến ba chữ Phạm Gia Cổn.”
Phạm Gia Cổn skydiving |
Tôi chậm rãi giải thích: “Từ ngày sang đây, vì hoàn cảnh eo hẹp, chú chỉ biết chúi đầu vào công việc, chứ đâu có thì giờ để giao du với bạn bè nhiều! Quanh đi, quẩn lại, cũng chỉ có vài người thân thiết, tới lui với nhau từ ngày đó đến giờ. Chú lại ít khi lai vãng, la cà trong các quán xá, hoặc bén mảng đến mấy tiệm cà phê ở trong vùng! Hơn nữa, trong mấy năm gần đây, có biết bao nhiêu chuyện đau buồn, dồn dập kéo đến. Từ sự ra đi đột ngột của người bố. Tiếp đến, người em ruột cũng đành phải xuôi tay, nhắm mắt, đầu hàng trước chứng bệnh ung thư ngặt nghèo, quái ác. Trải qua những mất mát to lớn đó, chú cảm thấy chới với, hụt hẫng giữa đời sống ảm đạm, thê lương, nhạt nhẽo này. Vì thế, chú trở nên ít nói, ít đi lại, đồng thời đóng khung, khép kín cuộc sống nội tâm của chính mình. Cứ theo như lời của cháu, thì hình như cháu có quen với ông này thì phải!”
“Cháu hoàn toàn đâu có biết gì về ông ấy! Đây là chuyện của thằng bạn cháu. Nó chơi thân với cháu từ hồi còn đi học ở Việt Nam. Nó chơi đàn rất giỏi. Nó là tay guitar trong ban nhạc Star Band của ông Cổn. Ban nhạc chuyên môn đi chơi free cho các hội đoàn. Mà chơi free thì như chú cũng biết, đâu có tiền bạc gì! Kể ra thì lâu lâu cũng có, chứ không phải là không! Nhưng mình cũng phải hiểu ngầm rằng, đấy chỉ là tượng trưng mà thôi! Bởi thế! Ông Cổn phải bỏ tiền túi ra, để trang trải phần nào cho anh em trong ban nhạc. Nó tỏ ra rất nểphục ông ta. Hễ có ai đềcập đến ông Cổn, thì y như rằng, thể nào nó cũng lên tiếng, khen nức, khen nở mới thôi! Nó tâm sự với cháu, ông Cổn là người đầu tiên mà nó gặp ở trong đời. Nó bảo, ông ta là người chịu chơi hết mình. Là mẫu người bặt thiệp, đứng đắn, và lúc nào cũng tỏ ra hòa nhã, vui vẻ đối với tất cả mọi người ở chung quanh.”
Tôi lưỡng lự suy nghĩ. Mới cách đây hai hôm, tôi có người bạn gọi sang từ tiểu bang New Jersey, đại khái là hỏi thăm sức khỏe, đồng thời kèm theo vài câu chúc tết dành riêng cho gia đình tôi. Sau đó, anh ta có hỏi: “Ở bên đó, anh có biết ông nào, là bác sĩ Cổn không anh!”
Tôi đớ mắt ra, thành thật trả lời: “Tôi hoàn toàn không biết! Có chuyện gì không anh! Nếu cần, tôi sẽ hỏi dùm cho! Ông ấy trạc độ bao nhiêu! Trước kia làm ở đâu! Bệnh viện nào! Tên gì!”
“Ông ta nguyên là bác sĩ quân y thuộc binh chủng Nhảy Dù.”
“Thế anh quen với ông ấy à!”
“Tôi nào đâu có quen! Số là như thế này. Tôi có người quen ở bên đây. Ông này năm nay đã ngoài tám mươi tuổi rồi. Ông ta thuộc hàng trưởng lão trong binh chủng Nhẩy Dù. Trong dịp đám cưới, tôi gặp cả hai ông bà tại Washington DC. Nhân tiện, đề cập đến vài nhân vật trong binh chủng Nhảy Dù, ông có nhắc đến tên của vị bác sĩ này. Đại khái, ông nói nguyên văn như sau: “Nghĩ đến Nhảy Dù, tự nhiên tôi lại nhớ đến ông bác sĩ Cổn! Không biết hiện giờ ông ấy đang ở đâu! Có còn hút thuốc, hay là đã bỏ rồi.”
Tôi hỏi: “Chắc ông ấy hút nhiều lắm, phải không anh Năm!” “Ông này thì khỏi chê! Hút thuộc loại có tiếng. Nói như thế, thì chú mày cũng đủ hiểu rồi.”
“Thế ngày xưa, ông ấy có ở chung tiểu đoàn với anh Năm không!”
“Đâu có! Ông ta ở khác đơn vị! Nhưng đặc biệt ở bên Nhảy Dù, cho dù có ở chung hay là không, thì cũng đều biết tiếng nhau hết.”
“Cứ theo như lời của anh Năm, thì ông này còn biết uống rượu nữa là đằng khác!”
“Chuyện đó thì khỏi phải nói! Nhảy Dù thì tay nào mà chẳng biết uống rượu.”
Vào buổi sáng chủ nhật. Buổi sáng với những cơn gió lạnh lẽo lần lượt thổi về, khiến cho tôi tự nhiên thấy trống vắng và xao xuyến lạ thường. Bất chợt, có điện thoại của Phan Diên gọi. Tôi nhấc ống nghe. Anh cho biết, anh đã chính thức nghỉ hưu kể từ ngày hôm qua. Tôi chúc mừng cho anh. Anh đáp lại bằng hai chữ “cám ơn” ngắn gọn.
Tôi hỏi: “Ông có dự tính gì cho những ngày sắp tới không ông!”Anh đáp: “Tôi dự định sẽ vẽ lại ông ạ!” “Ông tính như vậy cũng phải! Không việc này thì cũng phải đẻ ra việc khác để mà làm, chứ ở không thì chán lắm, mà còn đổ bệnh ra nữa là đằng khác! Đừng quên, là phải chịu khó tập thể dục, hoặc đi bộ thường xuyên mới được.”
“Có chứ, ông! Ngày nào mà tôi chẳng đi bộ tối thiểu là ba mươi lăm phút. Tuần nào tôi cũng xuống Los chơi bóng bàn độ hai, ba lần. Như vậy tôi thấy cũng đủ rồi ông ạ.”
Thế thì quá đủ rồi còn gì nữa!”
”Hôm nay ông có rảnh không!”
“Rảnh! Có chuyện gì vậy!”
“Chẳng nói dấu gì! Tôi muốn mời ông ra Factory chơi với bọn này, được không!”
“Được. Mấy giờ!”
“Ngay tức thì bây giờ.”
“Nhờ ông một tý! Ông nói giỡnhoài! Từ trên Bakerfield xuống đây, ông phải mất đứt đến hai tiếng rưỡi đồng hồ lái xe. Chứ đâu có gần gũi gì! Ông nói đùa vừa phải thôi chứ!”
“Tôi nói thật đấy. Có điều tôi quên nói với ông, là tối hôm qua tôi ngủ ở dưới này.”
“Có thế chứ. Tôi sẽ ra ngay tức thì.”
Tôi lái xe ra tới nơi, thì kim đồng hồ cũng vừa chỉ đúng mười giờ. Phan Diên ra tận bãi đậu xe để đón tôi. Tôi cảm động vô ngần, nắm chặt lấy tay anh xiết mạnh. Anh buột miệng “Bọn này chờ ông suốt từ sáng đến giờ!”
“Tôi nào đâu có biết, tối hôm qua ông ngủ ở dưới này.”
“Thôi! Mình vào kẻo mấy ông ấy đợi.”
Tôi chậm chạp đi theo anh. Trước mắt tôi, Factory hiện ra, ồn ào, náo nhiệt như buổi họp chợ ở quê nhà. Có nhiều người cho rằng, Factory là tiệm cà phê bình dân và đông khách nhất của người Việt tại quận Cam này. Tiệm cà phê qui tụ đủ mọi thành phần bá quan, văn, võ ở trong đó. Từ văn sĩ, ca sĩ, luật sư, bác sĩ, ký giả, cho đến những cựu quân nhân thuộc mọi binh chủng trong QLVNCH của miền Nam trước kia. Họ đến đây thường xuyên. Hầu như ngày nào họ cũng có mặt ở tại nơi đây. Để hàn huyên. Để tâm sự. Để ôn lại mọi kỷ niệm cay đắng, nhục nhằn của một thời đã qua ở dĩ vãng.
Dừng lại trước chiếc bàn nhỏ vuông vức, xinh xắn, Phan Diên trịnh trọng giới thiệu với tôi về hai người bạn của anh: “Đây là anh Bảo, thì kể như ông đã biết rồi.Còn đây là người mà tôi muốn giới thiệu với ông, chính là bác sĩ Phạm gia Cổn.”
Tôi chú ý đến người đàn ông ngồi đối diện. Ông ta vào trạc ngoài bảy mươi. Có mái tóc chải xuôi, ngắn, gọn cùng gương mặt cương nghị, phảng phất đôi nét mơ màng hiện lên ở trên đó. Tôi lịch sự chào ông: “Chào bác sĩ.” Ông ngước lên nhìn tôi nhã nhặn: “Chào anh.” Tôi kéo ghế ngồi xuống. Ông nhướng cặp mắt nhìn sang tôi rồi nói nhỏ: “Hình như anh ít ra đây thì phải!” “Họa huần lắm tôi mới ra! Có khi đến cả tháng tôi mới tạt ngang qua một lần!”
“ Đúng rồi! Tại anh ít ra nên anh không biết! Chứ ngày nào tôi cũng có mặt ở nơi đây, ngồi tại cái phòng mạch này. Ngày nào mà chẳng có bệnh nhân đến đây chờ tôi ngay từ sáng sớm! Những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh nan y của thời đại. Chứng bệnh trầm kha về tâm lý. Chứng bệnh ấy cứ lan ra rất nhanh, chẳng khác nào như thứ dây leo, mọc chằng chịt ở chung quanh đời sống của chúng ta.” Ông nói thao thao, bất tuyệt. Đành rằng, đấy chỉ là câu chuyện vui! Nhưng ông có sức thu hút đặc biệt, quyện chặt vào lối kể chuyện thật dí dỏm, hấp dẫn, đầy truyền cảm ở nơi ông. Ông biểu hiện cho mẫu người thẳng thắn, khí khái. Ông sống hết mình với bạn bè. Đã có lần anh Bảo tâm sự với tôi: “Chúng tôi chơi thân với nhau từ hồi còn ở trung học, đại học, cho đến khi ra đời mỗi người, mỗi ngả. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại có dịp gặp nhau, rong chơi trong mấy phòng trà hoặc các tụ điểm ca nhạc, như Đêm Mầu Hồng, Maxim, Hầm Gió, Quán Văn của Sài Gòn trước đây. Anh nói rất nhiều về mối giây tình cảm giữa hai người. Tình cảm ấy chẳng bao giờ sứt mẻ, và cứ thăng hoa, kết trái, bền chặt, sống mãi với thời gian. Cho đến giờ phút này, chúng tôi vẫn thường xuyên ôn lại những kỷ niệm ngà ngọc của một thời hoa niên ở dĩ vãng. Điểm danh lại hàng ngũ trong đám bạn bè, gạch tên những người đã khuất mặt, ra đi vĩnh viễn và chẳng bao giờ trở lại! Vài năm, chúng tôi lại bảo nhau, đóng góp ít nhiều cho bằng hữu hiện đang lâm vào tình trạng khốn đốn ở quê nhà. Người thường hay nhắc nhở chúng tôi nhiều nhất, chính là ông Cổn này đây! Ngoài chuyện thuốc men ra, ông còn là võ sư, nhạc sĩ, là người khai sinh ra môn phái Hoàng Hạc (môn thể dục khí công đang thịnh hành ở Cali). Chẳng nói dấu gì anh! Hầu như đoàn thể nào ở đây cũng đều biết đến tên tuổi của ông ta. Từ bên Nhảy Dù. Quân Y, cho đến Tổng Cục Võ Thuật cũng đều có tên của ông này ở trong đó.”
Chỉ tay sang phía anh Bảo, ông cất giọng hóm hỉnh, lặp lại câu nói của vị nguyên thủ quốc gia năm nào: “Anh đừng tin những gì ông ấy nói! Mà hãy nhìn kỹ những gì ông ấy làm.”
“Tôi nghĩ, tất cả những điều anh ấy nói về bác sĩ, đều trúng phóc trăm phần trăm! Ngay đến thằng cháu tôi cũng còn nói rất nhiều về ông. Mới đây không lâu, có vị trưởng lão trong binh chủng Nhảy Dù cũng gửi lời hỏi thăm bác sĩ. Ông này năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Hiện nay ông ta cùng gia đình đang sinh sống ở trên tiểu bang xa xôi miền Bắc. Nghe đâu, chức vụ sau cùng của ông này, là ông quan đứng đầu của một tỉnh nào đó ở miền Tây thì phải!”
Ông bóp trán suy nghĩ. Cuối cùng,ông ngẩng lên, lắc đầu: “Thật tình tôi không nhớ ra! Nhưng dù sao đi chăng nữa, thì ông ta cũng nằm trong hàng ngũ cao cấp, có nghĩa là cấp trên của mình rồi! Thế anh có quen với ông ấy à!”
“Không! Tôi hoàn toàn không biết! Đây là chuyện của người bạn tôi. Để khi nào có dịp, tôi sẽ hỏi bạn tôi về số phone của ông này cho bác sĩ.”
Ông nghĩ sao về người bạn của tôi! Riêng cá nhân tôi! Mặc dù là chỗ bạn bè thân thiết với nhau, nhưng lúc nào tôi cũng tỏ ra hãnh diện về người bạn đặc biệt, tài hoa này.”
“Theo tôi! Thì đây là trường hợp hiếm hoi, ít thấy! Ngay từ khi mới gặp, tôi đã nẩy sinh ra ý tưởng muốn viết về ông ta. Ý tưởng ấy cứ ám ảnh, thôi thúc ở trong tôi ngót cả tuần lễ nay. Tôi sẽ viết! Nhất định tôi sẽ viết! Nhưng! Tôi không biết, tôi sẽ viết vào lúc nào! Đó là còn tùy thuộc vào niềm cảm hứng bất ngờ ông ạ! Có thể, là ngay sau khi rời khỏi nơi đây, hoặc còn kéo dài thêm dăm ba ngày nữa không biết chừng!”
Gia nhập ngành quân y. Miệt mài đèn sách tại đại học y khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp, ông trở thành bác sĩ trong QLVNCH. Ông tình nguyện sang phục vụ tại binh chủng Nhảy Dù. Là một trong hai đại đơn vị, nằm trong lực lượng tổng trừ bị, thiện chiến và xuất sắc nhất của quân đội. Một đơn vị khét tiếng, lẫy lừng. Một đứa con ưu tú của QLVNCH. Sau khi trải qua một khóa huấn luyện, ông được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. Là một bác sĩ tiền tuyến, ông đối diện, trực tiếp với mặt trận. Ông trải qua biết bao nhiêu trận pháo kích long trời, lở đất. Biết bao nhiêu cuộc tấn công ồ ạt, điên cuồng của địch quân. Từ An Lộc, Tây Nguyên, Thường Đức, Quảng Trị vào những giờ phút ngộp thở, nóng bỏng, sôi sục nhất của đất nước. Ông đã từng lăn lộn ở nơi đấy. Thấy ở đấy từng thây người ngã gục. Từng đợt xung phong nẩy lửa. Từng vết thương rướm máu, rỉ ra. Ông đã đến với họ! Chăm sóc và băng bó cho họ!Họ là những người lính miệt mài, sương gió. Những người lính Nhảy Dù can trường, chỉ biết có hai chữ“cố gắng” trước mọi tình huống ngặt nghèo, khó khăn, nguy kịch nhất.
Có lần, tôi mạnh dạn hỏi ông: “Có điều tôi muốn hỏi bác sĩ: Ngày xưa, hồi còn ở Việt Nam, nếu nói tới việc đi học, thì đó là cả một vấn đề bận rộn! Như vậy, bác sĩ lấy thời giờ ở đâu ra, để luyện tập, trau dồi thêm cho cả về hai môn, võ thuật lẫn âm nhạc.”
“Tôi là người tham lam anh ạ! Tôi mê cả võ thuật lẫn âm nhạc. Như anh cũng thừa biết. Ngày xưa, chẳng có ai muốn con cháu mình theo đuổi cái nghiệp ca hát, hoặc tập tành bất cứ môn vớ vẩn nào khác! Chủ yếu là chỉ tập trung vào công việc học hành mà thôi. Bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ! Chính vì thế, đêm nào tôi cũng phải lẻn nhà, trốn ra để đi học! Tôi được hấp thụ những tinh hoa võ thuật của Thiếu Lâm Thất Sơn, qua sự chỉ dạy cặn kẽ, tận tình của võ sư Lê đình Trưởng. Nhờ đó, sau này, nhân ngày lễ “rửa tay gác kiếm” của sư phụ tôi tại San Diego, tôi được chỉ định trong chức vụ chưởng môn kế thừa kể từ ngày ấy.
“Ngoài Thiếu Lâm Thất Sơn, bác sĩ có còn học thêm môn võ công nào khác không!”
“Có chứ! Tôi được cao thủ Teakwondo là võ sư Lee Jung Nam cùng võ sư Nguyễn văn Hoàng chỉ dạy thêm về quyền pháp cùng kỹ thuật. Năm 1969, tôi học thêm môn Hapkido của võ sư Kim chấn Bát (Kim Jin Pal) và đã đạt tới cửu đẳng huyền đai về môn võ công này.”
“Còn về phần âm nhạc thì sao!”
“Riêng về phần này, ngay từ lúc đầu tôi theo đuổi cây đàn guitar. Sau đó, tôi đổi qua trống, còn bây giờ thì tôi chú trọng về cây kèn saxophone.”
“Thế bác sĩ có đặt nặng về sáng tác hay không!”
“Tôi sáng tác rất ít anh ạ! Thuần túy về tình cảm. Mục đích chỉ luân lưu trong số bạn bè thân thiết với nhau. Riêng có nhạc phẩm Tiếng Mưa mà tôi đã viết chung với nhà văn Nguyên Vũ vào thập niên 60. Nhạc phẩm này đã được ca sĩ Hoàng Oanh trình bầy trên đài Phát Thanh Quân Đội của miền Nam trước đây.”
Sau biến cố tang thương của lịch sử đất nước. Ông theo dòng người di tản. Đến Mỹ, ông bắt tay ngay vào công việc. Ông làm đủ mọi thứ nghề để nuôi sống gia đình. Ông cho biết, ông quyết định trở lại nghề thuốc cũng chỉ vì tự ái dân tộc. Ông muốn chứng tỏ cho người bản xứ thấy được sự quyết tâm ở nơi ông, để từ đó, họ thay đổi cách nhìn đối với người VN lúc bấy giờ. Ông ghi danh theo học tại đại học Chicago University. Tốt nghiệp, ông được chọn vào làm ban giảng huấn của đại học UCLA. Ông là một bác sĩ xuất săc và được bầu chọn hai lần với danh hiệu (Doctor of the year). Có lần, ông tâm sự với tôi: “Trong đời tôi, mặc dù là bác sĩ! Nhưng chưa khi nào tôi mở phòng mạch cho chính mình. ” Tôi hỏi: “Sao vậy!” Ông nhún vai thật tự nhiên: “Tôi cũng không hiểu! Có lẽ tại cái số của tôi như vậy!” Dăm phút sau, ông nhìn tôi mỉm cười, giọng dí dỏm: “Có điều thật oái oăm, phòng mạch thì tôi không mở, mà lại đi mở võ đường! Thế mới lạ chứ!”
Tôi có nghe người ta nói rất nhiều về võ đường của ông. Võ đường Hapkido mà ông đã bỏ ra biết bao nhiêu là tâm huyết vào nơi đấy. Ngoài ra, lúc nào ông cũng quan tâm đến những bạn trẻ sang sinh sống ở Hoa Kỳ, cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ông đã từng tham dự hội nghị Tuổi Trẻ VN Trên Thế Giới Kỳ 4 (The 4 th international Youth Conference) do Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Đường (Lên Đường International Youth Network) và Tổng Hội Sinh Viên tại Úc châu (Federal Vietnamese Students Association of Australia) phối hợp trực tiếp và đứng ra tổ chức (đã diễn ra trong 5 ngày, từ 27 đến 21/12/2005) tại trung tâm thành phố Sydney, với sự tham dự của 500 thành viên đến từ 17 quốc gia trên thế giới. Ông là một trong những người khách đặc biệt, được đề cử trong vai trò thuyết trình viên của đại hội này. Ông quan niệm: Tuổi trẻ là cột trụ, là rường cột, là tương lai của tổ quốc. Ông muốn gửi đến cho họ, hình ảnh về một quê hương đọa đầy. Về lịch sử oanh liệt của dân tộc, qua các triều đại Lê, Lý, Trần, cùng cái tinh thần bất khuất, quả cảm của tổ tiên ta, trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Có một điểm mà ông muốn nhấn mạnh với họ, đó là vai trò, bổn phận, nghĩa vụ của tuổi trẻ trước hiện tình nguy ngập của đất nước. Gần đây, có nhiều người thường đặt câu hỏi với ông: “Bác sĩ có dự tính gì cho hôm nay và tương lai!”Ông nhướng cặp mắt nhìn về xa xăm: “Công việc trước mắt của tôi hiện nay, là dồn tất cả vào môn Khí Công Hoàng Hạc.”
Nói đến HoàngHạc, thì đấy là tácphẩm đắc ý nhất của ông. Là sự kếthợp tàitìnhgiữa võ học, y học và âm nhạc, đã tạo nên các động tácbấm-vòng-vươn-buông”thật uyển chuyển, nhẹ nhàng, đơn giản, nên rất thích hợp đối với mọi lứa tuổi (cả nam lẫn nữ). Nó có tác dụng tăng cường nôi lực. Quân bình lại tình trạng“âm dương” trong cơ thể. Tạo nên sự dẻo dai cho hệ thống cơ bắp, đồng thời giúp chữa trị và phòng ngừa các chứng bệnh Parkinson, bệnh trầm cảm, bất lực, bệnh giảm đau, cùng rất nhiều các chứng bệnh khác.
"Sao hôm nay, ngọn gió nào lại thổi chú lạc đến đây!”
Nghe giọng nói quen quen, tôi giật mình, quay phắt lại. Thì ra, là hai vợ chồng của ông anh họ.
“Em có người bạn rủ đến đây, để tìm hiểu cho biết! Nào ngờ lại gặp anh chị. Hóa ra, anh chị lại là thành viên của Hoàng Hạc. Thế anh chị tập ở đây lâu chưa!”
“Cũng tròm trèm sáu năm rồi đấy chú! Tôi thấy, chẳng có ở đâu, bằng chỗ này! Vui! Mà lại thân mật, chẳng khác nào như ở nhà mình. Tất cả mọi người đều hòa nhã, đối xử với nhau như ruột thịt. Có thế, mà rất nhiều ông lão, ngày nào cũng bắt con cháu, phải chở đến đây cho bằng được! Chẳng nói dấu gì chú! Nếu không có chỗ này, thì vợ chồng tôi không biết ra sao! Suốt ngày cứ quanh quẩn ở trong nhà, rầu rĩ từ sáng đến chiều, thì làm sao mà sống nổi! Cũng may, có chỗ này để mà đến, để tập tành, để giải khuây, thì còn gì bằng nữa hở chú! Có điều thật lạ lùng, là ở đây chẳng có ai đếm xỉa gì đến tiền bạc cả! Nhiều khi, chúng tôi thấy cũng hơi kỳ, liền đề nghị với ông Cổn, thì ông ta lại gạt phắt đi, không cho! Ông ấy cứ bảo: “Đâu có đáng là bao nhiêu! Miễn là, mấy ông, mấy bà được khỏe mạnh, vui vẻ là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi.”
Tôi hiểu anh chị tôi hơn ai hết! Anh chị tôi đang có nỗi khổ riêng. Nỗi khổ về gia đình! Về đứa con trai đầu lòng vừa mới nằm xuống, ra đi. Tôi nhớ, hôm tiễn đưa cháu ra đến tận nghĩa trang, chị tôi cứ vật vã, than khóc:
“Thế là hết! Cháu đã bỏ tôi đi rồi chú ơi! Nó là đứa con trai rất hiếu thảo đối với bố mẹ. Là đứa con mà tôi đặt biết bao nhiêu sự trông cậy vào nơi nó! Nhưng giờ này, nó lại nỡ lòng nào, bỏ bố mẹ, chị em cùng vợ con để ra đi.”
Tôi lựa lời để an ủi: “Tất cả mọi người trên cõi đời này, đều có phần số khác nhau hết chị ạ! Cháu nó ra đi, cũng chỉ vì cái phần số của nó đã hết. Kể ra, thì nó ra đi cũng hơi sớm thật! Nhưng nghĩ lại, hai đứa con nó cũng đều lớn khôn hết cả rồi. Chỉ tiếc có mỗi một điều, là ông trời sao không cho nó sống thêm vài, ba năm nữa! Đợi cho đến khi hai đứa con nó tốt nghiệp, ra trường, thì hay biết chừng nào!”
Chỉ tay về phía trước,anh tôi kéo tôi về với thực tại: “Chú thấy ở đây hôm nay có gì lạ không!”
Tôi dáo dác nhìn sang hai bên rồi khẽ lắc đầu.Anh tôi thoáng nhẹ nụ cười ở trên môi: “Chú hãy nhìn cho kỹ! Chúcó thấy mọi người ở đây, đều mặc một thứ áo thun giống nhau không! Đặc biệt, ở sau lưng, đều có in hình con hạc vàng, đang xoải cánh tung bay trông thật bình thản đấy chú! Ấy thế, mà nó đã bay đến tận thành phố San Jose, Portland (Oregon) Houston (Texas) Arlington (Virgina) Toronto và Montreal (Canada), Đan Mạch, Đức, Pháp, Úc và nó còn bay xuyên cả đại dương, về đến tận Việt Nam nữa là đằng khác!”
Có tiếng kèn réo rắt trổi lên. Tiếng guitar vuốt nhẹ trên phím, hòa trộn với tiếng trống nhịp nhàng, đều đặn, đã mở ra chương trình văn nghệ của Star Band mà ông là con chim đầu đàn, là người sáng lập, là linh hồn của ban nhạc lả lướt, bay bướm này. Tôi tựa đầu vào thành ghế, lim dim đôi mắt, như muốn nói với ông, một lời cảm ơn mộc mạc, chân thành. Về buổi sáng thật êm đềm, ấm áp, mà ông đã dành cho tôi cùng nhiều người khác nữa! Buổi sáng, với những nụ cười rạng rỡ nở trên môi. Những bản nhạc dạt dào, truyền cảm của một thời tiền chiến lãng mạn. Những bản nhạc đưa tôi về với các ga trạm của dĩ vãng, của tiếng còi tàu rú lên trong màn đêm. Của những đồng cỏ xanh rì, óng ả, bát ngát. Các thành phố ngà ngọc, lung linh, mà tôi đã chắt chiu, để lại ở nơi đấy vô số những kỷ niệm bóng bẩy, vàng óng, khó quên ở tại đời sống này.
Thứ sáu tuần trước, gặp tôi, ông vui vẻ cho biết: “Tuần tới là sinh nhật của gia đình Hoàng Hạc, đánh dấu vừa đúng bảy năm. Nếu anh không bận bịu chuyện gì! Làm ơn quá bước, xuống đây tham dự với chúng tôi cho vui.”
Tôi thành thật cáo lỗi với ông, vì lý do bận việc gia đình! Mặc dù, không có mặt trong ngày hôm ấy, nhưng tôi vẫn hiệp thông với ông cùng gia đình Hoàng Hạc.
Nhân dip kỷ niệm bảy năm, đài Little Sài Gòn Radio có mở cuộc phỏng vấn, nằm trong chương trình tản mạn cuối tuần của nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh, cùng người nữ xướng ngôn viên duyên dáng Nhã Lan. Câu hỏi được đặt ra cho ông: “Sau bao nhiêu những thăngtrầm, những bể dâu, bác sĩ đã có lần nào phải bật khóc vì uất ức, hoặc bất cứ một nguyên nhân nào khác không! Nếu có,thì tổng cộng là bao nhiêu lần!”
Tôi lắng nghe, tiếng ông khàn khàn nổi lên ở trong máy. Giọng nói nghe như có vẻ ngậm ngùi, cảm động làm sao ấy!
“Có chứ, cô! Ngoại trừ, sau khi lọt lòng mẹ ra, tôi đã phải nghẹn ngào, bật lên đúng hai lần khóc. Lần thứ nhất xảy ra, khi tôi đang ngồi trên chiếc xà lan để ra đi, thì tôi nghe loáng thoáng trên hệ thống phát thanh, có tiếng của tổng thống Dương văn Minh ra lệnh cho toàn thể các cấp, phải buông súng để đầu hàng. Thú thật với cô! Lúc ấy, toàn thân tôi run hẳn lên, rồi đột nhiên bật lên òa khóc. Tôi nghĩ, vào đúng ngay giờ phút đó, chẳng riêng gì cá nhân tôi, mà hầu hết tất cả mọi quân, cán, chính của miền Nam lúc bấy giờ cũng đều phải bật lên, oà khóc. Còn lần thứ hai thì xảy ra ở tiểu bang Georgia. Dạo ấy, gia đình tôi mới định cư chẳng được bao lâu, nên cuộc sống có phần eo hẹp, chứ đâu có được như bây giờ! Chắt bóp mãi, tôi mới sắm được chiếc xe ọp ẹp, cũ kỹ để làm phương tiện di chuyển. Trong lúc, tôi đang chạy trên đoạn đường âm u, vắng vẻ, bỗng nhiên, tự dưng, tôi thấy thèm một ly bia hơn lúc nào hết! Tôi cố đạp mạnh chân ga, cho chiếc xe tiến thẳng về phía cây xăng đang hiện ra trước mặt. Tôi cho xe ngừng lại, bước xuống, chạy vào, hấp tấp lấy hai lon, rồi tiến lại quầy hàng để tính tiền. Ra ngoài, tôi chuẩn bị khui bia, thì đột nhiên thấy trong người uể oải khác thường. Sực nhớ tới bạn bè, tôi tự hỏi với bản thân mình: Hiện giờ bạn bè của tôi đang ở đâu! Tứ tán nơi nào! Ai còn! Ai mất! Trong các trại tù khổ sai, lao động ở Việt Nam, hoặc đang lạc lõng, trôi dạt tại góc trời xa thẳm nào đó! Nghĩ đến đấy, tự nhiên tôi thấy dơm dớm nước mắt, rồi bật lên òa khóc! Uất ức, tôi chán nản, quăng mạnh hai lon bia Hòa Lan vào chiếc thùng rác đặt ở gần đấy. Bắt đầu kể từ ngày ấy cho đến nay, đã ngót ba mấy năm trời, tôi chưa hề đụng tới bất cứ giọt bia, giọt rượu nào, cho dù tiệc vui có nhộn nhịp, hấp dẫn đến mấy đi chăng nữa!”
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn câu nói, mà ông đã trả lời trên hệ thống truyền hình Việt ngữ, nhân dịp kỷ niệm ngày quân lực (19/6) được tổ chức đều đặn vào mỗi năm: “Trong suốt thời gian ở quân ngũ, tôi rất hãnh diện được phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù. Ở đấy, đã dạy cho tôi được nhiều bài học quí giá. Những bài học để đời. Những bài học được đánh đổi bằng mồ hôi, máu cùng nước mắt. Bằng tình đồng đội cùng sự hy sinh cao cả, đã để lại ở trong tôi dấu ấn to lớn, mà tôi khó có thể nào quên được ở chuỗi ngày tháng hờ hững, còn lại này./.”
Trang Luân
10/2013