văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, July 14, 2012

Sao Biển * Lục Bát Hải Phương


Nguyễn Trung


-     Chữ nghĩa xôn xao
-     Cỏ cây bốc Lửa Tình

Sau “Cám Ơn Tháng Giêng Biêng Biếc Ngực Em Cười.” Thi phẩm thứ tư của Hải Phương – lạ lùng, huyền hoặc và khó hiểu, nhưng lại đầy hấp lực bởi các thể thơ nhuốm mầu siêu thực, đầy ấn tượng mê hoang dục tình. Người đọc bị cuốn hút theo cái trí tưởng tượng “điên điên dại khờ” vốn là một phần đời của một số nhà thơ, nghệ sĩ... Trong đó có Hải Phương – người thi sĩ của núi, của rừng, của cát trắng, của biển mặn và của những dáng yêu ngực nở, vai tròn, chân dài, háng rộng... lại trở về với lục bát “tiền thân” xôn xao chữ nghĩa thuở nào:
“Một Thiên Thu Với Rộng Tà Áo Bay”

Ðây là thi phẩm thứ 5, đậm nét bút pháp thi ca của riêng mình Hải Phương. Hãy đọc:

“Mầu trăng động vỡ càn khôn
Môi em động vỡ nụ hôn dậy thì
Thiên thu động vỡ có khi
Tóc em gió rối chân đi lạc lìa

Nghe vời vợi biển vỗ khuya
Hồn ta động vỡ côn chia bãi bày”

(Nghe Vời Vợi Biển Vỗ Khuya, Trang 12)


Quả thực người viết không hiểu hết ẩn ý của Tác giả khi ông giãi bày: “Hồn ta động vỡ cồn chia bãi bày”, nhưng lại dậy sóng một cảm xúc cái ngọt ngào say đắm của lục bát: “Mầu trăng động vỡ càn khôn – Môi em động vỡ nụ hôn dậy thì”. Nói theo ngôn ngữ thi sĩ Hoàng Anh Tuấn thuở sinh thời là “Rất Hải Phương.”

Áng thơ lục bát tự thuở nào đã thấm sâu vào máu huyết, tình cảm của mỗi một người Việt Nam. Và mỗi một người Việt Nam nghiễm nhiên là một thi sĩ với lục bát của riêng mình, để tình tự với dấu yêu, với cỏ cây, hoa lá, với bạt ngàn gió trăng. Bàng bá Lân, Nguyễn Bính – Hai thi sĩ thời tiền chiến – đã mở thêm những cánh cửa cho “Lục bát” tuyệt vời lãng mạn, giữa hương đồng cỏ nội:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
(B.B.L.)

“Hoa chanh nở ở vườn chanh
Thầy u mình biết chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
(N.B.)

Hải Phương của những thập niên 60 và bây giờ của 2007, cũng đã bước vào cõi thơ lục bát tĩnh lặng một hồn quê, nồng nàn gió biển mặn trong cuộc hành trình thi ca mấy chục năm.

Hải Phương – người thi sĩ của tình yêu với những chia lìa run rẩy ở một sân ga đời buồn bã, sau những bất hạnh theo vận nước... đã bám víu lấy “lục bát” xanh mầu kỷ niệm để làm lẽ sống, để ghi lại những ân tình trong đời với dấu yêu một thuở:

“Ra tù ngẩn bước lai rai
Phố khuya buồn nỗi đêm dài cô thân
Ta về Em bước tần ngần
Nắng pha cổ tích dấu chân bụi mờ

Ta về cơm áo bơ vơ
Phù vân nguyệt xế loạn bờ biển dâu
Ta về đâu thấy gì đâu
Thấy con phố cũ rêu mầu chiêm bao

Ta về lỡ chuyến ngựa thồ
Ráo con mắt ngó lệ khô đầm đìa”

(Khi Ra Tù Trở Về Sàigòn 1985, Trang 11)

Ðọc lục bát Hải Phương qua nghệ thuật gieo vần “Nắng pha cổ tích” hay “Phù vân nguyệt xế...” chợt thấý một cảm giác lạ như nghe tiếng gió trăng từ một bức cổ họa Ðông Phương ở một góc tường khuất kín. Thêm vào đó cái cách sử dụng từ ngữ, đảo ngược cú pháp, bềnh bồng trong lục bát Hải Phương, đã làm cho thể thơ lục bát thoát ra khỏi ảnh hưởng của ca dao, phong dao V.N. mà Nguyễn Bính đã hòa nhập trong “Lỡ Bước Sang Ngang” – Nói như vậy người viết nghĩ rằng Hải Phương muốn mở thêm một cánh cửa cho lục bát phong phú, phóng khoáng hơn trong những suy tưởng về thân phận và đời sống. Hay nói cho đúng hơn, Hải Phương muốn hình thành một khuynh hướng lục bát mang dấu ấn Hải Phương. Riêng với người viết ông đã đạt được những âm điệu trữ tình của Lục Bát để chuyển đến những người đọc thơ ông: “Một Thiên Thu Với Rộng Tà Áo Bay” về một nơi chốn đã bú mớm, cưu mang mình thuở thiếu thời. Nơi chốn mà thi sĩ đã xót tình những vòng hoa tưởng tiếc tuổi xanh xuân, với bao nhiêu những lãng mạn đắm say, ngơ ngẩn về một khóe mắt thăm thẳm mù khơi, về một hồn biển nồng nàn nhiều gió trăng và cả những đêm ngây ngất thơm mùi tóc liễu:

“Một lần ghé lại Nha Trang
Quán em như thể đêm vàng biển ca
Thì thôi quán cũng như nhà
Có em và biển như là cố nhân

Một giây một phút một lần
Có em và biển laị gần gũi thêm
Biển trong em, biển trong đêm
Biển trong ta suối xanh êm dịu dàng

Thôi người ở lại Nha Trang
Ðể ta tìm phút đa mang cõi người
Biển ca tình biển không lời
Sao con sóng nhỏ bồi hồi biển xưa.”

(Biển Ca, Trang 90, 91)


Bằng ấy những kỷ niệm chồng chất một quá khứ phiêu bồng và một quá khứ đa dạng, nhiều hệ lụy từ thuở hoa niên ở thành phố miền biển cát trắng tinh khôi, đến khi vào chủng viện tìm thinh lặng dưới bóng thánh giá, rồi lại dấn thân vào cõi hồng trần đầy sức quyến ru,õ nhưng cũng đầy chông gai, bóng quỷ... Thi sỹ Hải Phương vẫn giữ gìn một hồn thơ như đá thiên thu. Không một phẫn uất, không một gào thét, không một bi thảm trước phận mình, phận đời riêng chung... Thơ ông vẫn rực rỡ một khát vọng thương yêu vô bờ:

“Tóc xao vừa độ nắùng hong”
Gió hiu hiu đủ phiêu bồng mái hiên
Liềm trăng lục bát nghe thèm
Trầm hương cỏ mượt môi em dậy thì

Nét mày vẽ một đường thi
Tuyệt chiêu em nước cờ đi qua thành
Mềm môi cắn một lằn ranh
Nụ hôn vỡ vụn tan nhanh miếng sầu...”

(Chân Dung Mùa Xuân Và Biển, Trang 55)

Trong tựa đề viết về  “Một Thiên Thu Với Rộng Tà Áo Bay” của Hải Phương người viết thẩm định một cách chủ quan, có thể ông và những người yêu thơ ông không đồng ý lắm rằng: “Lục bát Hải Phương xôn xao chữ nghĩa, và làm cho đất trời cỏ cây cũng bốc lửa tình... Bởi dường như, đó là sự bộc lộ âm thầm về một ẩn ức sinh lý và từ ảnh hưởng của những triết thuyết mà ông đã đọc, đã học và đã nghiền ngẫm, nên ông đã phả vào thơ:

“Ðất nằm trời khỏa thân ra
Tiếng đêm dạo khúc thịt da mưa dầm
Tóc khuya gió núi âm âm
Bước chân cỏ rối trăng đầm đìa sương

Ta ngồi cột mớ vô thường
Chẻ tơ tóc vụn đất thương nhớ trời
Ðất nằm trời khỏa thân mời
Sớm hôm nhật nguyệt gieo đời trổ bông...”

(Mái Hiên Ngôn Ngữ Vỗ Tang Trống Rền, Trang 102)

Ðọc hai đoạn lục bát trên, với những cấu trúc tâm sinh lý chuyển biến dưới đêm trăng, người đọc không thể không khao khát đến một khoảnh khắc ái ân mơ hồ vừa thức dậy. Hải Phương là một thi sỹ và cũng là một nghệ sỹ đích thực, khơi khơi giữa dòng đời. Con người ông cuộc đời không phóng túng, nhưng tâm hồn ông thì chìm đắm trong hoan lạc mê cuồng. Viết đến đây người viết chợt bắt gặp một nhận định sắc bén của nữ ca sỹ Quỳnh Giao, trong một bài viết về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: “... Dương Thiệu Tước là người viết ca khúc khêu gợi nhất từ thời tiền chiến, thời phôi thai của tân nhạc cải cách...
... Bài “Dưới Ánh Trăng”  của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều ẩn dụ âm dương:

“Anh như ánh trăng thanh”
Em như hoa trên cành
Trăng lồng hương sắc thắm
Âu yếm cho một tàn canh”

Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu cành, không là nghệ sỹ giầu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của ông trong đoạn mở đầu quả là đắt. Ðông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì cũng phải chịu chữ này...” (trích V. Time)

Ôi! nhạc sỹ, văn sỹ, thi sỹ... Tất cả những người nghệ sỹ trên cõi đời này đều cùng chung một đích điểm: Tình yêu. Và tình yêu, thanh khiết hoặc thác loạn được thể hiện và giãi bày trong bút pháp đa tình của mỗi người. Riêng với Thi sỹ Hải Phương, thơ ông không rời xa bóng dáng người nữ trong toàn tập thi phẩm: “Một Thiên Thu với rộng tà áo bay”. Ông ca tụng chân dung người nữ lồ lộ cùng ánh trăng. Ông thăng hoa ái ân, tìm kiếm nhục cảm trong tiềm thức, bằng ngôn ngữ thi ca mới lạ, mà ông sáng tạo trong ngẫu hứng:

“Cũng là Em vòng tay đưa
Thả hương trong gối bỏ bùa trong chăn
Thả mây trong tóc phân vân
Lùa ta vào cõi phù trần có em

Cũng là em miếng môi điên
Ngậm vành trăng xế khúc phiên hồ cầm
Mắt nhìn lưới bủa lặng câm
Môi hôn tiền kiếp níu âm vọng về...”

(Cỏ Chiêm Bao Nhẹ Ðầm Ðìa Giọt Sương, Trang 44, 45)

Ðọc thơ Hải Phương từ những thi khúc siêu thực vượt qua niêm luật thi ca cổ điển, đến lục bát rất “độc” của ông, người đọc có thể không chấp nhận cái quan niệm phóng túng, hiện thực trải dài trong thơ ông, nhưng khó có thể phủ nhận cái nhạc tính rung lên theo ý Thơ, qua cú pháp mà ông sử dụng để diễn đạt tâm trạng và tư tưởng. Hiện tượng nầy được thấy rõ qua những khúc “CoDa”, những cung “mi” trầm, những trường canh “Si bémol” sầu lắng, của Lâm Tuyền, của Châu Kỳ, của Ðức Quỳnh, dễ dàng phổ nhạc vào thơ ông. Phải nói rằng thơ Hải Phương được các nhạc sĩ tài hoa đầy huyền thoại trong âm nhạc Việt Nam, chắp cho đôi cánh nhạc, để cho thơ ông bay bổng về cuối trời mơ ước của riêng ông và của những độc giả yêu thơ ông.

Nhìn lại quá trình sáng tác của Hải Phương, khởi đi từ đầu thập niên 60 cho đến bây giờ của 2007, người thi sỹ của miền Thùy Dương Cát Trắng – đứa con phiêu bồng lãng tử của Nha Trang – đã hiến dâng cho văn học sử Việt Nam 5 thi phẩm thật rực rỡ.

Trong sự nghiệp của một đời người – Không, của một thi sỹ – bằng ấy thi phẩm được chau chuốt nâng niu từng con chữ, thiết tưởng rằng cũng đã thừa vốn liếng để Hải Phương tiếp tục cuộc rong chơi trên những chặng đường thi ca trong mai hậu.

Sao Biển
“Ðông Tàn”