Bữa
ăn trưa đó của ông Năm thật giản dị : một trái cà tô-mát không dầu không dấm và
một miếng thịt bò nhỏ bằng bàn tay nướng trên vỉ sắt không muối không bơ. Quá
giản dị ! Nhứt là hôm nay thứ bảy, không phải đi làm. Nghĩa là có dư dả thì giờ
để làm một món gì đó cho có vẻ một bữa ăn cuối tuần. Cho nó khác với ngày
thường ăn vội ăn vàng cái gì cũng được. Thật quá giản dị ! Nhứt là ông Năm sống
một mình, không bị phiền toái bởi những chuyện vụn vặt lỉnh-kỉnh phải làm vào
cuối tuần của người có gia đình. Ở Paris này mà sống một mình như ông Năm thì
thời gian không biết phải làm gì cho hết chớ đừng nói không có thì giờ để làm
một bữa ăn cho tươm tất vào trưa thứ bảy.
Nói
rằng ông Năm không biết làm bếp cũng không đúng. Hồi xưa, hồi còn ở bên nhà,
thật tình ông Năm không biết chiên một cái trứng gà. Ông chỉ biết đi làm ngày
hai buổi, còn việc bếp núc có bà Năm lo hết. Bây giờ thì khác. Ông cũng biết
nấu vài món thông thường và lâu lâu cũng biết ” làm ” một nồi phở để đãi đôi ba
ông bạn già cùng lứa tuổi và cùng thân phận lưu vong…
Như
bình thường thì trưa thứ bảy, ông hay thả xuống khu 13 la-cà ở nhà sách Khai
Trí một lúc rồi sang qua mấy cửa hàng nho nhỏ trên lầu Paris Stores để coi có
gì lạ không. Sau đó, ông mới tấp vô tiệm phở để ăn trưa, có khi một mình,nhưng
thường thì với một vài người bạn gặp nhau ngoài phố. Ở khu 13 vào trưa thứ bảy,
không gặp người này cũng gặp người nọ, bởi vì ai cũng đến đó để mua đồ, nói là
” đi chợ Tàu ” chớ thật ra là để tìm lại một chút gì hơi hướm của quê hương :
những khuôn mặt gần gũi (gặp ai cũng thấy quen quen !), những món hàng còn giữ
nguyên nét cũ (đòn chả lụa vẫn phải có màu xanh của lá, con vịt quay vẫn phải
đỏ ao màu mật…) và những cái tên chỉ cần đọc lên là đủ để gợi nhớ…
Hồi
sáng này, ông Năm cũng đã đóng bộ để đi khu 13. Trời đã sang thu, nhưng nắng
còn thật ấm. Cây marronnier nhà hàng xóm nằm ngay dưới cửa sổ nhà ông Năm đã
trở màu vàng. “Chắc lá đã rụng đầy”, ông Năm nghĩ vậy khi đứng thắt cravate gần
khung cửa sổ. Chỗ ông cư ngụ là một studio nhỏ ở lầu ba khu nhà cũ nằm sâu phía
sau nhà thờ Sacré Coeur. Cây marronnier che hết phía dưới thành ra từ cửa sổ
nhà ông Năm nhìn thẳng ra chỉ thấy bức tường cao của khu nhà đối diện chắn
ngang, chừa phía trên bầu trời bị đóng khung hình chữ nhựt bởi hai dẫy nhà dài.
Trên nền trời đó, tuốt phía xa, là nóc nhà thờ với cây thánh giá. Thành ra, thế
giới bên ngoài nhìn từ phòng ông Năm chỉ còn lại vỏn vẹn có cây thánh giá để
cái nhìn còn có một điểm tựa ! Ông Năm theo đạo Phật, nhưng từ ngày dọn về đây
– năm sáu năm gì rồi – cứ nhìn cây thánh giá riết mà ông có cảm tưởng như mình
đã thành con chiên của Chúa ! Nhiều khi ông thấy cây thánh giá thật là sinh
động. Ông không hay rằng niềm suy tư của ông đã gởi trên đó từ lâu…
Có
lần, trong thư gởi về Việt Nam cho bà Năm, ông viết : “Anh thừơng nhìn cây
thánh giá đứng cao vòi vọi một mình trên kia mà tự hỏi không biết anh và cây
thánh giá, ai cô đơn hơn ai ? Nhưng cây thánh giá hãy còn giang tay ngạo-nghễ
chớ anh thì từ lâu rồi anh đã buông tay đầu hàng số mệnh ! Tuy nhiên, ở đây anh
còn có cây thánh giá trứơc mắt để hứơng về đó mà cầu nguyện, chớ ở bên nhà giờ
đây muốn cầu nguyện em phải hứơng về đâu hả em ? Anh bỗng ứa nứơc mắt thương em
vô cùng… Ở ngay trong lòng quê hương mà thiếu thốn đủ thứ, đến nỗi điểm tựa cho
niềm tin mà còn không có thì em sống ra sao, em hả ?” Đối với ông Năm, cây
thánh giá trên chót nhà thờ Sacré Coeur mặc nhiên đã trở thành một vật gì thật
gần gũi, thật trần gian, thật ngừơi, và là động cơ khơi nguồn kỷ niệm…
Hồi
xưa, ông làm việc cho Air France ở Sàigòn. Đời sống rất thoải mái, nhưng hai vợ
chồng lại không có con. Chạy thầy chạy thuốc mãi rồi mới biết tại vì tử cung
của bà Năm nằm lệch. Điều này làm bà Năm khóc hết nứơc mắt. Tuy nhiên, hồi đó
còn trẻ nên cũng dễ nguôi, hai vợ chồng chẳng quan tâm cho lắm. Lần hồi, tuổi
đời chồng chất, sự không có con đã trở thành một vấn đề cho hai vợ chồng. Mặc
dù ông Năm không bao giờ nhắc đến chuyện đó, bà Năm vẫn khơi ra để nhận lỗi về
mình. Mặc cảm đó làm cho bà lúc nào cũng ân hận, áy náy. Rồi cái gì hư, cái gì
trật, cái gì bậy ở trong nhà dù là do lỗi những ngừơi giúp việc, bà cũng nhận
hết. Ông Năm phải mất một thời gian dài để giải thích, khuyên lơn, an ủi bà Năm
mới lấy lại đựơc quân bình. Có hôm, trong lúc hai vợ chồng đi dạo trên bãi biển
Vũng Tàu, nhìn thấy mấy gia đình đông con đùa giỡn vui vẻ, bà Năm chợt thở dài
than : “Nếu không phải tại em thì bây giờ hai đứa mình đâu có bơ vơ như vầy !”.
Ông Năm choàng tay ôm vai vợ xoay ngừơi lại để nhìn sâu vào mắt : “Em à! Mình
không có con, nhưng mình còn có nhau. Đó là Trời thương lắm rồi, em còn đòi hỏi
gì nữa ? Thử tưởng tượng một ngày nào đó không còn có nhau nữa thì sao ?”. Bà
Năm gật gật đầu nhưng chẳng bao giờ tưởng tượng đến “cái ngày không còn có
nhau” đó.
Vậy
mà cái ngày đó đã đến cho ông bà Năm. Hai năm sau ngày mất nước, trong chuyến
vượt biên ở Cà Mau, ông Năm đi thoát, bà Năm bị bắt lại với một số người không
may khác ! Ông Năm sang Pháp, làm việc lại cho hãng Air France. Bà Năm nằm tù
hết mấy tháng. Được thả ra thì nhà cửa đã bị tịch thu, đành về quê ở Gò Công
làm công nhân cho nhà máy xay lúa của gia đình mà trong đợt đánh tư sản đầu
tiên, Nhà Nước đã tịch thu để biến thành hợp tác xã. Từ đó, là những chuỗi dài
thương nhớ, là những lo âu dằn vặt, là những lá thư nhiều ẩn nghĩa cho đúng
“văn phạm Nhà Nước”. Còn chuyện vượt biên lần nữa là chuyện mà bà Năm không bao
giờ dám nghĩ đến ! Bên này, ông Năm chạy mãi rồi cũng được nhập cảnh gởi về,
nhưng phía bà Năm thì gặp quá nhiều khó khăn trong hồ sơ xin xuất cảnh, cứ bị
kéo dài, kéo dài bằng những chầu chực, bằng những lời hứa hẹn suông và bằng mấy
lần bị lường gạt… Để cuối cùng, mấy năm sau, mới biết là hồ sơ đã bị bác từ lâu
! Tin đó đến với ông Năm bằng tờ giấy tập học trò vàng như giấy súc mà trên đó
bà Năm chỉ còn đủ sức viết có mấy hàng… Vậy là vĩnh viễn không còn có nhau nữa
! Ông Năm mất tinh thần hết một thời gian dài. Sau đó, dọn về khu phố này tình
cờ cửa sổ mở về hướng nhà thờ Sacré Coeur, để mỗi sáng trước khi đi làm ông
nhìn cây thánh giá một lúc, giống như một tín đồ ngoan đạo…
Khi
ông Năm mặc xong quần áo thì trời cũng đã gần trưa. Đốt điếu thuốc để lên môi,
ông đóng cửa bước chậm rãi xuống cầu thang, giống như đo từng nấc thang một !
Thật ra, tại tánh ông Năm vốn đã trầm thêm tuổi đã gần sáu mươi bắt ông phải
cẩn thận khi bước lên bước xuống. Ngoài ra, có gì phải vội phải gấp khi mà
chẳng có ai đợi ai chờ ? Đi khu 13 vào trưa thứ bảy đã thành một thói quen,
chẳng có gì phải náo nức. Bỗng nhiên, ông Năm nhận thấy cuộc đời mình sao thật
vô vị. Giống như tờ giấy trắng mênh mông trải dài, thẳng băng, chẳng có một
dòng mực, chẳng có một đốm màu, cũng chẳng có một vết hoen ố. Hình ảnh đó làm
cho ông Năm dừng lại ở giữa cầu thang, ngẩn ngơ một lúc như vừa khám phá ra một
điều gì quá rõ-rệt nằm ngay trước mắt mà sao lâu nay ông không nhận thấy !
“Mình đi làm đều đặn. Mỗi tuần xuống khu 13 cũng đều đặn vào trưa thứ bảy. Mỗi
tối thứ hai đi ciné một lần vì giá vé hạ. Đêm nào cũng coi télé vào 8 giờ tối
để theo dõi tin tức, rồi đọc sách đọc báo đến 11 giờ rưỡi là tắt đèn ngủ. Đều
đặn. Đều đặn. Đến như cái cầu thang này, mình cũng đều đặn trèo xuống trèo lên
đến nỗi biết nó có bốn mươi tám nấc ! Vậy rồi thôi ! Rồi cứ như vậy cho tới về
hưu,tới chết !”. Ông Năm hít hơi thuốc thật sâu để thở khói ra thật dài. Ông
làm mấy lần như vậy, giống như đang tìm một đáp số ! Rồi ông vỗ nhẹ bàn tay lên
thành lan can gỗ, tự nhủ “Thôi ! Đừng nghĩ tới nữa” Ông tiếp tục bước xuống,
nhưng bây giờ sao thấy bước chân nặng hơn hồi nãy nhiều…
Khi
đi qua trước phòng gác-dan, có tiếng gọi :
-
Ông Georges ! Ông Georges !
Georges
cũng là tên của ông Năm. Người Pháp phát âm Năm thành Nam, nghe lơ lớ chói lỗ
tai, nên ông lấy đại tên Georges cho dễ gọi dễ kêu. Bà gác-dang bước ra trao
cho ông một điện tín, nói :
-
Vừa mới tới. Tôi định lên nhà đưa cho ông thì ông xuống đây.
Ông
Năm run tay mở bức điện tín. Giòng chữ ngắn ngủn hiện lên nhảy múa : “Đã có
xuất cảnh. Lo vé máy bay cho em. Mai”. Điếu thuốc trên môi bỗng rơi xuống đất.
Ông Năm có cảm giác như mình đang lên cơn sốt. Ông đọc lại điện tín một lần
nữa, hai tay phải gồng cứng lại mới kềm được tờ giấy đứng yên căng thẳng dưới
mắt. Ông nói cho mình nghe : “Đúng rồi ! Bả được xuất cảnh rồi !”. Bà gác-dan
nghiêng đầu lo lắng :
-
Có sao không ? Có chuyện gì không ? Ông Georges ?
Tiếng
bà ta lôi ông Năm về thực tại. Ông nhìn bà ta, mỉm cười, rồi nắm lấy tay bà ta
lắc mạnh :
-
Cám ơn bà ! Cám ơn bà nhiều ! Tôi thật không biết nói gì cho phải. Bà thật tốt
bụng ! Quá tốt bụng ! Cám ơn ! Cám ơn !
Giọng
ông thật thành khẩn, làm như chính bà đã cho giấy xuất cảnh ! Bà ta không hiểu
gì cả, vừa ngạc nhiên vừa buồn cười trước thái độ của ông Năm. Bà ấp úng “Nhưng
mà… Nhưng mà…” trong lúc ông Năm buông bà ra để chạy lên cầu thang. Nữa chừng,
sực nhớ ra, ông dừng lại nghiêng người nói vói xuống :
-
Điện tín của vợ tôi ở Việt Nam. Bả nói bả sẽ qua đây ở với tôi ! Cám ơn ! Cám
ơn nhiều !
Rồi
ông phóng lên cầu thang, nhảy hai bậc một, nhanh như sóc, nhẹ như hưu. Làm như
ông mới có hai mươi tuổi !
Vào
phòng, ông ngã người lên giường, thở hổn hển. Cái tuổi hai mươi bất thần tìm
lại chỉ đủ giúp ông trèo hết bốn mươi tám nấc thang thôi ! Một lúc sau, ông cầm
điện tín lên, đọc lại một lần nữa. Thật rõ ràng mà ! Đây nè, hàng chữ không bỏ
dấu “Da co xuat canh. Lo ve may bay cho em. Mai” Đọc là hiểu ngay ! Còn Mai là
tên của bả rồi, chớ còn ai vô đây nữa ! Cái tên dễ thương mà mình đã thương từ
mấy chục năm, không còn lộn với ai được. Vậy là chỉ còn có vé máy bay nữa là
xong. Ông nhỏm người lên nhìn tấm lịch tháng treo gần đó để thấy rằng mình bỗng
quên mất hôm nay là thứ bảy ! Vậy phải đợi thứ hai mới vào sở lo vụ này được.
Ông lại nằm xuống. Dễ thôi ! Nhờ thằng Durand đánh cái télex là xong ngay. Ờ…
nhưng mình cũng phải gởi cái điện tín về cho bả mừng. Tội nghiệp ! Không biết
ai chạy lo cho bả cái xuất cảnh, chớ bả thì lo khỉ gì được với cái tánh hiền
khô và nhát hít của bả. Nghĩ đến đó, ông Năm bỗng thấy thương vợ vô cùng. Cái
người đàn bà hiền khô và nhát hít đó đã về làm vợ ông từ hơn ba mươi năm, trước
sau như một, theo chồng như một cái bóng. Ngoài chuyện không có con, chẳng thấy
bao giờ bà làm bận tâm ông. Con nhà giàu ở Gò Công, học ở Marie Curie, vậy mà
cô gái có cái tên Trần thị Lệ Mai đó đã có một quan niệm sống thật cổ điển,
thật Á đông. Và khi trở thành bà Trần văn Năm, luôn luôn bà đối xử với bên
chồng thật vuông tròn và xem việc nội trợ như một thiên chức ! Hồi xưa, bạn bè
vẫn nói là “thằng Năm trúng số độc đắc” hoặc “đẻ bọc điều mới có người vợ như
vậy”. Ông thì nghĩ rằng tại vợ mình hiền khô và nhát hít nên chẳng dám làm phiền
ai bao giờ. Có lẽ nhờ vậy mà ai cũng thương… Ông lại nhỏm dậy nhìn tấm lịch.
Trên đó ông có ghi bằng marker đỏ con số 10 to bằng nửa bàn tay ở gốc trái. Vậy
mà cũng đã mười năm xa nhau ! Mỗi năm mua lịch, mình ngồi nắn nót viết con số
lên đó giống như người tù bị lưu đày ghi số năm mà mình biệt xứ. Có khác là
người tù còn biết ngày được thả chớ còn mình thì mù tịt. Đã tưởng vĩnh viễn
sống một mình rồi… chết cũng một mình trên đất lưu vong này, nào ngờ Trời còn
thương mình nhiều quá !
Ông
ngồi hẳn dậy đốt điếu thuốc, khói thuốc thật thơm thật ngọt. Vậy mà cũng đã
mười năm xa nhau ! Mười năm… lâu lắm chớ ! Vậy mà sao vẫn thấy còn thương còn
nhớ. Lạ quá ! Có phải như vậy người ta gọi là chung thủy hay không ! Rồi ông
nhìn quanh. Nhà cửa thiệt là lượm thượm, phải dọn dẹp laị coi cho nó được một
chút. Vậy là ông đứng lên đẩy ghế, đẩy bàn, quên mất là mình còn mặc bộ đồ lớn
để đi khu 13 và làm như bà Năm sắp qua tới bây giờ ! Vừa làm vừa nói một mình,
lâu lâu ông ngừng lại hít một hơi thuốc thật sảng khoái. Hai cái fauteuils này
cho sát vào tường, kê gần nhau để cùng ngồi coi télé. Cái télé nằm đó được rồi.
Cái bàn ăn nhích qua một chút để có chỗ kéo cái nệm dưới gầm giường ra. Bả trên
giường, mình dưới đất, tạm ổn trong khi chờ đợi kiếm nhà khác rộng hơn. Cái tủ
búp-phê đẩy tới một chút là nằm ngang với bàn ăn. Mẹ nó ! Coi vậy mà cũng nặng
ớn ! Ông đứng lên thở hổn hển, nhìn quanh. Bây giờ coi có nét rồi đó. À ! Cái
màn cửa sổ, phải tháo xuống đem giặt, cho nó “sáng” ra mới được. Rồi ông vào
buồng tắm thay đồ. Đồ đạc ở đây thì sạch sẽ rồi, khỏi lo. À ! Còn cái tủ quần
áo ở bên phòng ngoài nữa. Phải thu gọn lại cho có chỗ để bả để quần áo chớ !
Ông bỗng phì cười. Làm như mình sắp cưới vợ vậy ! Mà thiệt ! Sau mười năm xa
cách, gặp lại nhau cũng giống như cưới nhau lần nữa chớ gì ! Ông soi gương chải
lại tóc. Tóc mình mới có mấy sợi bạc thôi. Mặt mũi hãy còn “nét” lắm, ai mà nói
mình sắp sáu mươi ? Cô dâu qua đây thấy chú rể như vầy là nhìn… rớt con mắt !
Ông Năm bỗng nghe lòng vui rộn rã, giống như tâm trạng ngày xưa, thuở còn trẻ,
lúc sửa soạn đi đến nơi hẹn với người con gái tên Trần thị Lệ Mai…
…Vậy
là trưa thứ bảy này ông Năm không thấy đói ! Tuy vậy, cũng phải “bỏ bụng” một
cái gì,vì thói quen hơn là vì nhu cầu. Ông mở tủ lạnh lấy một trái cà tô-mát và
một miếng thịt bò. Cà xắt khoanh, không dầu không dấm, thịt nướng trần trên vỉ
sắt không muối không bơ. Làm cho “lấy có” và ăn cũng cho “lấy có”. Bởi vì tâm
hồn ông đang mãi phiêu bồng ở đâu đâu xa lắm, hình như là ở Gò Công quê vợ, ở
Gia Định quê mình, ở những ngày đầu “hai đứa gặp nhau” (Tiếng nói của tình yêu
là một chuỗi dài im lặng !),ở rạp hát bóng Đại Nam là nơi “hai đứa hẹn hò” (Dù
trời mưa anh cũng tới. Em nghe không ?), ở Đà Lạt ít lâu sau đó. Chao ôi ! Đẹp
quá ! Dễ thương quá ! Tình yêu là cái gì mà sao mãi mãi vẫn còn nguyên, như mới
hôm qua hôm kia…
**
Ông
Năm lái xe lên phi trường Charles de Gaulle lần này là lần thứ hai. Hồi sáng,
đã lên đó một lần, đợi cả tiếng đồng hồ để được thông báo là chuyến bay Air
France từ Thái Lan qua sẽ đến trễ gần tám tiếng. Nhờ là nhân viên của hãng nên
ông Năm được biết là máy bay bị trục trặc kỹ thuật ở Karachi. Trở về sở làm,
ông ngồi đứng không yên, lâu lâu cứ nhìn đồng hồ. Bạn bè trong sở thấy vậy
thương hại, mỗi người một câu an ủi trấn an. Có người ngồi lại gợi chuyện tán
dóc cho ông đỡ thấy sốt ruột. Có người đặt tay lên vai ông bóp mạnh :
-
Georges ! Đợi chờ nhau mười năm mà mày còn chịu nỗi huống gì chỉ có mấy tiếng
đồng hồ nữa thôi. Can đảm lên chớ !
Vậy
rồi thời gian cũng qua, chiều cũng xuống, để ông Năm lái xe đi phi trường, lòng
náo nức xôn xao trong sự đợi chờ kỳ diệu.
Vào
phi trường, ông gắn thẻ nhân viên lên ngực áo rồi đến quầy Air France hỏi thăm.
Mô phật ! Lần này máy bay sẽ đến đúng giờ. Hai cô tiếp viên trong quầy không
quen ông Năm nhưng thấy đeo thẻ Air France, nên cũng hỏi đẩy đưa :
-
Ông chờ đón bạn à ?
Ông
mỉm cười, vừa bước đi vừa trả lời :
-
Không ! Tôi đón nhà tôi. Chào hai cô.
Phi
trường giờ này nhiều chuyến bay cùng đến một lúc nên người đi kẻ lại tấp nập.
Ông Năm ngồi uống cà phê, hút thuốc, nhìn thiên hạ. Ông thấy ai cũng dễ thương
hết ! Ông muốn họ uống với ông một tách cà phê, hút với ông một điếu thuốc lá.
Cà phê expresso thật ngon. Khói thuốc Dunhill thật ngọt. Tâm hồn ông Năm được
trải rộng mênh mông…
Lại
nghĩ đến bà Năm. Bả “điệu” lắm ! Lúc nào cũng sạch sẽ gọn ghẽ. Tóc lúc nào cũng
chải gọn về phía sau rồi cuốn thành một vòng kẹp lại phía trên ót, thành ra
khuôn mặt trái soan và cái cổ tròn lúc nào nhìn cũng rõ nét. Còn về quần áo thì
bả chẳng bao giờ mặc loại có màu sắc sặc sỡ loè loẹt, luôn luôn hoặc đen hoặc
xanh đậm và nếu có bông thì cũng phải tiệp màu với nền vải và hình dáng phải
nhã nhặn, nho nhỏ tương xứng với tầm vóc của bả. Hà ! Bả hiền khô và nhát hít
vậy mà về vấn đề ăn mặc bả khó dàng trời ! Người ta nói bả có “goût”. Mình cũng
nghĩ như vậy, nhưng nếu bả không có thân hình đều đặn cân đối thì không biết
cái “goût” để vào đâu cho nó nổi ! Ông hít một hơi thuốc dài sảng khoái. Hồi đó
sao mà mình mê bả quá, nhứt là đôi bàn tay có ngón thon dài sang trọng và cặp
mắt đen to như mắt đầm làm cho cái nhìn của bả lúc nào cũng có vẻ như ngạc
nhiên. Điều lạ là sau này khi đã đứng tuổi, bả vẫn còn giữ nguyên đường nét
thời con gái. Thành ra lắm khi nhìn bả, mình muốn trêu chọc bằng câu “Gái không
con mà nom cũng mòn con mắt”, nhưng vì sợ bả buồn nên mình nín thinh luôn !
Ông
Năm ngừng suy tư trên hình ảnh đẹp của bà vợ, mỉm cười vu vơ. Lại hút thuốc,
lại nhìn thiên hạ. Hớp cà phê cuối cùng đã nguội ngắt mà sao vẫn còn thấy ngon
lạ lùng. Bỗng ông bật cười. Sau bảy mươi lăm, sống với Việt Cộng mà bả vẫn tiếp
tục “điệu” như thường ! Trong lúc người ta lôi quần áo cũ rách ra bận và để mặt
mũi tóc tai lôi thôi lếch thếch cho có “tác phong cách mạng” thì bả vẫn gọn ghẽ
sạch sẽ như thường, vẫn chút đỉnh má hồng, chút đỉnh son, vẫn quần dài áo ngắn
tươm tất, mặc dù phải đạp xe đi làm công nhân ở tổ may thêu xa bảy tám cây số.
Mình hay trêu chọc bả bằng câu nói của Việt Cộng “Song chân lý ấy vẫn không bao
giờ thay đổi”, bả cười không nói. Vậy mà có hôm, bả trả lời bằng một câu… xanh
dờn : “Đàn bà phải biết tự trọng. Làm như mấy bà cách mạng tóc tai xủ xộp, quần
áo xốc xếch rộng rinh hoặc ngắn ngủn như mặt đồ khín, em làm không được”…
Có
tiếng nhạc chuông dìu dặt, tiếp theo là giọng bổng trầm của cô tiếp viên thông
báo chuyến bay Air France số AF 199 đến từ Thái Lan đã đáp xuống sân bay. Ông
Năm đứng lên trả tiền, xong đi vào phía trong qua ngã văn phòng trực của hãng.
Ông nghe lòng vừa náo nức vừa hồi hộp giống như ngày xưa khi đứng chờ xem kết
quả thi tú tài ! Ông ra đón tận cổng vào. Có hai chuyến bay đến từ hai nơi khác
nhau nhưng đổ hành khách xuống cùng một lúc, nên sân bay đầy người. Giữa cái
lao xao lộn xộn đó, ông Năm nghểnh cổ tìm vợ trong luồng người thoát ra từ cổng
F, cổng của chuyến bay Air France.
Ông
nhìn từng khuôn mặt, từng người. Ông nhìn, ông chớp mắt để nhìn cho rõ hơn.
Những gương mặt Á đông phờ phạc. Những gương mặt Á đông hốc hác. Những gương
mặt Á đông xanh xao. Ông nhìn, ông chờm tới, nhích tới để nhìn. Bả dễ nhìn lắm.
Lúc nào cũng sạch sẽ gọn ghẽ. Lúc nào cũng điệu. Trong đám đông, bả nổi hơn
người ta nhờ nước da trắng hồng của gương mặt trái soan và đôi mắt lớn, cho nên
dễ nhận ra lắm. Không phải bà này. Bà này già quá cũng không phải. Bà này coi
ngờ ngợ nhưng đi chung với bầy con nít, không phải bả. Ông nhón chân lên để cái
nhìn được đưa ra xa thì tai thoáng nghe hình như có tiếng người gọi nhỏ : “Ông
Năm !” Ông vẫn tiếp tục nhìn từng người, từng khuôn mặt. Lại có tiếng người gọi
nhỏ, lần này tiếng gọi lạc đi : “Ông Năm…”
Nghe
rõ có tiếng ai gọi mình, ông nhìn lại. Ngay phía trước, đứng cách ông chỉ mấy
bước, người gọi ông là một bà già tóc muối tiêu hớt bom bê ngắn như mấy bà Tàu
Chợ Lớn, mặc áo len nâu rộng thùng thình, ống tay dài phủ mất hai bàn tay đang
xách mỗi bên một túi vải. Chỉ mới nhìn tới đó thôi, linh tánh bắt ông nhìn lại
gương mặt : khuôn mặt gầy xạm nắng với những nếp nhăn trăng trắng ở khoé môi và
đuôi mắt. Ngần đó thứ giống như miếng cau khô, chỉ trừ có hai con mắt là sinh
động, là mở to như có vẻ ngạc nhiên, là nói lên, là nhắc nhở, là… là… Trời ơi !
Là vợ tôi đây mà ! Ông Năm nghẹn ngào bước tới, hai tay đưa về phía bà già và
chỉ còn đủ sức gọi có một tiếng : “Mai !” Ông ôm lấy vợ mắt nhắm nghiền đau
đớn. Tội nghiệp ! Người vợ chỉ dám gọi chồng bằng hai tiếng “Ông Năm” như người
xa lạ, và chỉ dám gọi có hai lần. Và khi chồng nhìn ra mình, ôm chầm lấy mình,
người vợ đó chỉ còn nói được bằng nước mắt !
Ông
Năm buông vợ ra để nhìn lại lần nữa. Ông nghe nghẹn lời và nghẹn cả lòng. Ông
chỉ còn nói được bằng hai bàn tay… Hai bàn tay vuốt làn tóc bạc bây giờ sao quá
thẳng quá ngắn. Hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt bây giờ sao không lấp đầy hai lòng
bàn tay. Hai bàn tay đặt xuống bờ vai bóp nhẹ. Dưới lớp áo len, ông cảm rõ nét
gầy của bờ vai bây giờ. Bây giờ… Hồi đó… Từ trong sâu thẳm của lòng ông, nỗi
đau khổ tột cùng bỗng bật lên thành tiếng, một thứ tiếng nói lệch lạc méo mó vì
uất nghẹn : “Sao vầy nè ?”. Rồi, không kềm chế nổi nữa, không cần giữ gìn ý tứ
gì nữa, trong cái rừng người xào xạc đó, ông ôm lấy vợ, ngửa mặt lên trời thét
lên một cách thống thiết : “Sao vầy nè… Trời ?”. Tiếng “Trời” nặng trĩu thoát
ra từ lòng ngực ông như tất cả sinh lực trong người được trút ra hết… Rồi ông
ôm lấy vợ, nước mắt ràn rụa. Bà Năm cũng khóc nhưng vẫn không buông rời hai cái
túi vải. Hơn mười năm sống với Việt Cộng, đã trở thành một bản năng : nắm chặt,
giữ chặt những gì còn thuộc về mình, những gì mà “tụi nó” chưa kịp chiếm lấy,
cướp lấy !
Một
lúc lâu sau, phải một lúc lâu sau, ông Năm mới lấy lại bình tĩnh. Ông nói :
-
Thôi mình về đi em !
Tiếng
“em” thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng. Tiếng “em” mà đã mười năm, bà không còn
nghe thấy ! Bà cắn môi để kềm xúc động, nhìn chồng mà đuôi mắt nheo lại mỉm
cười. Bà nghe một cái gì mát rượi đang len vào lòng, một cái gì đã làm rơi mất
từ hơn mười năm, bây giờ mới tìm gặp lại. Mãi đến bây giờ, ông Năm mới thấy
trong đôi mắt vợ, nét cũ ngày xưa : to tròn như mắt đầm, trồng đen lay láy. Đôi
mắt đó đang nhìn ông, cái nhìn ngời lên như muốn nói thật nhiều… Ông cúi xuống
định xách hai túi vải. Bà Năm lắc đầu :
-
Để em xách !
Tiếng
“em” cũng thật tự nhiên thật nhẹ nhàng. Giọng nói thật dịu dàng, trong trẻo.
Làm như nước mắt đã tẩy sạch dấu vết của mười năm…
Ông
vói tay cầm lấy quai túi :
-
Để anh xách cho.
Bà
Năm vừa bước đi, vừa nói, tay vẫn nắm chặt hai túi vải :
-
Không sao. Em xách được. Ở bển, em gánh lúa mỗi ngày cho nhà máy, có sao đâu.
Ông
Năm bỗng nghe lòng quặn thắt. Thì ra “tụi nó” đày đọa bả đến nước đó ! Bả tội
gì ? Tội gì ? Tội vượt biên ? Thì đã ở tù trên ba tháng rồi còn gì nữa ? Vậy
tội gì ? Ông Năm nghiến cái câm thù trong răng để đừng chửi đổng, nhưng rồi ông
cũng bật ra : “Quân khốn nạn !”
-oOo-
Về
đến nhà thì trời đã xâm xẩm tối. Lần này thì chính ông Năm xách hai túi vải, đi
trước dẫn đường, lòng vui như mở hội. Đến chân cầu thang, ông nói :
-
Ở từng lầu ba lận. Em leo nổi không ?
Bà
Năm trả lời, giọng vẫn trong trẻo :
-
Gì không nổi ? Bây giờ em làm cái gì cũng nổi hết.
Rồi
bà bước lên cầu thang, bước đều đặn. Ông Năm theo sau, nhìn dáng dấp nhỏ thó
với mái tóc bạc hớt bom-bê cao ông bỗng thương vợ vô cùng. Mười năm… Mái tóc
huyền mà ngày xưa hay kéo sát về phía sau để cuốn tròn kẹp gọn một vòng trên
ót… bây giờ chỉ còn là như vầy ! Cái cổ tròn dẫn xuống bờ vai thon thon của hồi
đó… bây giờ gầy nhom như vầy ! Mười năm… Chắc bả phải khổ ghê lắm, phải chịu đựng
ghê lắm mới ra nông nỗi này ! Tội nghiệp ! Người đàn bà hiền khô và nhát hít đó
chưa làm phiền lụy ai bao giờ, vậy mà Việt Cộng vẫn moi ra một cái cớ nào đó để
hành hạ. Và như vậy suốt mười năm. Lam lũ quá nên bả già trước tuổi, chớ bả
cũng còn giữ được cái nhìn, giọng nói và tâm hồn… những thứ mà Việt Cộng không
cưỡng chiếm được !
Vào
nhà, ông Năm bật đèn lên, bà Năm nhìn quanh mỉm cười, không nói. Ông Năm đặt
hai túi lên bàn ăn, rồi cũng nhìn quanh :
-
Nhà của anh đó. Nhỏ như cái lỗ mũi. Tạm một thời gian rồi mình sẽ kiếm nhà khác
rộng hơn.
Bà
Năm dịu dàng :
-
Như vầy cũng được. Có hai đứa mà gì…
Bỗng
nhiên hai người nhìn nhau. Tiếng “hai đứa” nhắc cho họ nhớ tới hoàn cảnh bây
giờ, một hoàn cảnh mà từ lúc gặp lại nhau bao nhiêu thống hận dập dồn đã làm họ
quên đi : bây giờ “hai đứa” vẫn còn có nhau, thật sự còn có nhau. Rồi sẽ không
còn gì chia cách. Rồi sẽ đi bên nhau, đi hết đoạn đường còn lại, một đoạn đường
không còn bao nhiêu xa… Bởi vì họ biết : họ đang bước vào mùa thu của cuộc đời…
Cho nên họ nhìn nhau mà yêu thương dâng đầy trong mắt.
Bà
Năm bước lại cửa sổ. Ngoài xa trên nền trời trắng đục, hiện lên thật rõ cây
thánh giá và nóc nhà thờ Sacré Coeur. Bà Năm hỏi :
-
Cây thánh giá này đây ?
Câu
hỏi trống không nhưng hai người cùng hiểu : cây thánh giá mà ông Năm viết đi
viết lại không biết bao nhiêu lần trong thư gởi về Việt Nam. Ông bước lại khoác
vai vợ, gật gật đầu. Hai người yên lặng nhìn cây thánh giá như đang tạ ơn,
giống như đang rước lễ, giống như cô dâu chú rể sau khi được kết hợp thành vợ
chồng… Thời gian bỗng như dừng lại, để hình ảnh trở thành bất diệt, nói lên cái
cao cả của tình yêu, cái huyền diệu của niềm tin… những thứ mà Việt Cộng muốn
xoá bỏ để biến con người thành gỗ đá.
Một
lúc lâu sao, bà Năm như sực tỉnh :
-
Để em soạn đồ ra.
Rồi
bà bước lại bàn mở hai túi vải. Ông Năm đốt điếu thuốc, khói thuốc lâng lâng
nhẹ. Ông ngồi cạnh giường nhìn vợ soạn đồ bằng đôi bàn tay xạm nắng với những
đường gân nổi lên ngoằn ngoèo. Đôi bàn tay đã từng có ngón tay thon dài khéo
léo từ đường kim mũi chỉ… bây giờ là như vậy ! Ông thấy thương vợ vô cùng.
Bà
Năm soạn đồ ra để trên bàn : vài bộ quần áo, mấy cái khăn lông, một cái mền
nhỏ…
Vừa
làm bà vừa nói :
-
Có bao nhiêu, em đem theo hết. Nói là đi chánh thức chớ không biết lúc nào tụi
nó bắt mình lại. Có nhiều người lên máy bay rồi mà còn bị lôi xuống, không biết
vì cớ gì. Rồi khi được thả ra là trắng tay.
Bà
lấy trong túi ra một khuôn hình, trao cho ông Năm :
-
Em đem hình ông già bà già qua để lâu lâu mình thắp một cây nhang.
Ông
Năm nhìn hình cha mẹ, lòng bồi hồi xúc động. Hình này, hồi đó, để trên bàn thờ
nhà cũ. Nhà bị tịch thu, không hiểu bả làm sao lấy được để mang qua đây ? Ông
đứng lên nhìn quanh, rồi treo khuôn hình lên cây đinh trên tường đối diện.
Có
tiếng bà Năm nói :
-
Em có đem qua cho anh chai rượu nếp than nữa. Nhớ hồi đó anh ưa lắm.
Ông
quay lại, cầm chai lên mở nút. Chưa đặt miệng chai lên mũi mà mùi rượu ngọt
ngào thơm phức tỏa ra thật nồng nàn. Ông hít một hơi dài, đóng nút lại, rồi nhìn
chai rượu mà ứa nước mắt. Nỗi nhớ quê hương nằm sâu trong tìm thức, bây giờ,
mùi rượu nếp than, màu rượu nếp than đã làm bật dậy, vô cùng mãnh liệt. Ông
tưởng chừng như vừa hưởi thấy mùi thơm quê hương. Có mùi ngọt ngọt của lúa
chín, có mùi nồng nồng của rơm của rạ, có mùi hăng hăng của đống un đốt cạnh
chuồng trâu chuồng bò… Ông tưởng chừng như đang giữ trong tay một mảnh trời
quen thuộc. Ở đó có màu tím lờn lợt của hoa bằng lăng, có màu tím nâu nâu của
vỏ măng cụt, có màu tím học trò của trái mồng tơi, và những tà áo tím phất phơ
theo gió qua cầu, với những chiều tím quê ngoại, đứng ngẩn ngơ bên sông Vàm Cỏ
khi tuổi vừa mới lớn… Chao ơi ! Ngần đó thứ, tưởng quên nhưng vẫn nhớ. Ngần đó
thứ bây giờ xa thật xa. Xa, không phải vì cách biệt, mà xa vì không còn thuộc
về mình nữa !
Ông
Năm cầm chai lắc lắc, bột nếp than tím ngát dợn lên trong lòng chai. Ông mở nút
rót thẳng vào miệng một hớp. Chất rượu béo ngậy ngọt ngào cay cay nhắc ông nhớ
những quán nhậu ở Hóc Môn, những món thịt rừng ở Biên Hoà, những con cá mú sửa
kho tộ ở Vũng Tàu bãi sau bãi trước… Ông ngậm lấy hớp rượu để nghe rõ chất rượu
đang thấm vào nướu răn, đang thấm vào các thớ thịt cổ, đang thấm lên nóc giọng,
đang nồng lên mũi. Ôi ! Mùi vị quê hương là đây… ông không cầm được nước mắt !
Bà
Năm vẫn âm thầm soạn đồ đạc. Bà hiểu ông Năm lắm và nghe thương chồng vô cùng.
Tội nghiệp ! Mười năm xa quê hương…
Ông
Năm vào phòng tắm rửa mặt rồi ra chỉ chỗ cho vợ xếp quần áo. Xong ông bảo :
-
Anh đã làm sẵn mấy món ăn cho hai đứa. Để anh đem ra hâm. Em đặt bàn đi. Đồ đạc
trong tủ búp-phê đó.
Bà
Năm nghi ngờ :
-
Anh mà làm bếp cái nỗi gì ? Mua ở tiệm thì có.
Ông
Năm cười sảng khoái :
-
Em lầm rồi ! Bây giờ, anh làm cái gì cũng được hết. Nấu bếp, giặt đồ, làm
ménage … đủ thứ. Rồi em coi ! À… đặt bàn em nhớ để một dĩa sâu cho món súp
légume và một dĩa trẹt cho món gà nấu rượu, nghe !
Bà
Năm mỉm cười, thấy chồng sung sướng mà lòng cũng thênh thang trải rộng.
Một
lúc sau, hai vợ chồng ngồi vào bàn ăn. Trên bàn cũng có hai cây nến. Cũng khăn
trải bàn trắng phau, cũng khăn ăn màu xám lợt, cũng dĩa trắng chạy chỉ vàng,
cũng nĩa dao cáng gỗ có nét vẽ cong cong nhè nhẹ. Và không quên hai ly rượu có
chân, đựng chút rượu nếp than có màu tím đậm đà và hương thơm mời mọc.
Ông
vui vẻ :
-
Như vầy mới đúng là nuit de noces chứ, phải không em ?
Bà
Năm nhìn chồng không nói, nhưng vành tai bỗng đỏ bừng. Bà nói lảng :
-
Súp ngon chớ ! Anh học nấu ở đâu vậy ?
Ông
để ngón tay trỏ lên môi, vẻ bí mật :
-
Hùm… Không nói đâu ! Ông Tiên người Tàu chuyên nấu đồ Tây chỉ đó, dặn anh đừng
nói cho ai biết !
Rồi
cả hai cùng cười vì hình ảnh ngộ nghĩnh đó, cái cười hồn nhiên tìm lại sau mười
năm xa nhau…
Bữa
ăn kéo dài bằng những chuyện kể cho nhau nghe, nhớ đâu kể đó, không mạch lạc
đầu đuôi, bởi vì trong thời gian mười năm có biết bao nhiêu sự việc đã xảy ra
để mà nhớ cặn kẽ cái nào sau cái nào trước ! Dọn dẹp xong thì trời đã khuya.
Hai vợ chồng chia nhau, bà nằm trên giường, ông nằm trên nệm dưới đất.
Tắt
đèn đã lâu mà hai người vẫn còn trằn trọc. Làm như còn thèm nói chuyện với nhau
nữa ! Bóng tối dầy đặc vây quanh. Không khí trong nhà êm êm mát mát. Mùi rượu
nếp than và mùi thuốc lá Dunhill còn phản phất thơm thơm. Bỗng bà Năm nghe một
bàn tay của chồng đặt lên mình mình. Toàn thân bà run lên nhè nhẹ. Hơi thở của
bà bỗng trở nên phập phồng. Một cảm giác dường như thật cũ, mà cũng dường như
thật mới, dìu dịu ngây ngây… Bà không biết nữa ! Rồi, không tự chủ được, bà cầm
bàn tay chồng áp lên má, lên mũi, lên môi. Bàn tay này tưởng đã vĩnh viễn không
còn nhìn thấy, cầm lấy. Da thịt này tưởng đã vĩnh viễn không còn đụng chạm sờ
mó được. Mười năm… Mười năm… Nước mắt bỗng chảy dài xuống hai bên tai, bà Năm
thốt lên nho nhỏ : “Mình !”. Chỉ có một âm đơn độc, nhưng sao tiếng “mình” nói
lên thật nhiều, diễn tả thật nhiều. Tiếng “mình” mà mười năm nay ông Năm không
còn nghe. Tiếng “mình” gợi lên tình nghĩa vợ chồng, nỗi niềm chia xẻ. Tiếng
“mình” cũng là tiếng nói của yêu đương, của hài hoà sum họp. Và tiếng “mình” ở
đây, trong hoàn cảnh này, sao nghe thật mời mọc dâng hiến… Người đàn bà mười
năm khổ hận đó, vợ ông, cần được yêu thương thật nhiều để bù lại. Tiếng “mình”
gọi nhỏ trong đêm bỗng nghe tiếp nối… Bồi hồi xúc động, ông Năm chồm lên ôm xóc
lấy vợ, hôn tràn lên tóc, lên má, lên môi. Ông nghe trong tay, run lên như đang
cơn sốt, thân xác gầy còm của vợ. Và tai ông còn nghe những tiếng “mình” đứt
quãng ú ớ như tiếng nói trong chiêm bao…
Cuộc
tình của tuổi vào thu âm thầm như lá rụng bên ngoài nhưng cũng nồng nàn ngọt
lịm như hớp rượu nếp than cùng chia nhau khi nãy. Có mùa chớm thu nào mà không
thấy còn sót lại vài tia nắng hạ ?
**
Tôi
muốn câu chuyện này chấm dứt ở đây cho cuộc tình được đẹp như bài thơ, được
vuông tròn như trong tiểu thuyết. Nhưng trên thật tế không phải như vậy. Bởi
vì…
…Một
tháng sau đó, bà Năm ngã bịnh, phải vào nằm nhà thương. Bà bị ung thư phổi, ở
thời kỳ chót. Bà đã giấu ông Năm, lâu nay, bây giờ bà mới cho biết : hồi còn ở
Việt Nam, nhờ khám thấy ung thư nên bà mới xin được chiếu khán xuất cảnh. “Nhà
nước Cách Mạng vốn khoan hồng nhân đạo, nên cho phép chị sang thăm chồng đấy !
Chớ chị không nằm trong diện được cứu xét nào cả. Rõ chưa ?”. Gã cán bộ trao
giấy phép cho bà Năm, mà nói như thật ! Tụi nó dư biết rằng có giữ bà lại cũng
chỉ tốn gạo tốn khoai thêm vài tháng nữa và là một miệng ăn phi sản xuất, chẳng
lợi lộc gì cho “nhân dân”. Thà tống đi gấp để khỏi phải chôn thêm một người,
chật đất !
Ông
Năm đã ngồi bên giường vợ suốt thời gian cuối cùng. Ông đã cầm bàn tay còn mang
tỳ vết của mưòi năm gian khổ. Ông đã ôm gương mặt phong trần chưa kịp đổi hồng
sau mấy tuần sống đầy hạnh phúc. Và cuối cùng, ông đã chải lại mái tóc bạc chưa
kịp dài để được cuốn tròn kẹp lên sau ót, như ngày xưa…
Ông
đã gục lên thân xác gầy khô, khóc với tất cả nước mắt còn lại.
Mùa
thu đó, lá rụng thật nhiều…