văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, January 10, 2014

LÊ VĂN KHOA * Sức mạnh đáng sợ của âm nhạc

NS Kateryna Myronyuk su dung dan bandura
Có thể các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam trước 1975 đã quên giá trị của trống trận Tây Sơn, hoặc đặt chưa đúng mức chỗ đứng của âm nhạc trong cuộc chiến Quốc-Cộng trên đất nước ta. Có thể phần lớn chúng ta vì quá tôn trọng sự tự do nên ít chú ý đến giá trị và sức mạnh của âm nhạc cần được ứng dụng trong thời chiến. Trong khi chiến cuộc gia tăng cường độ, các đài phát thanh, truyền hình của miền Nam, nhất là các phòng trà mãi rên rỉ về những cuộc tình tan vỡ. Ðến lúc sự ủy mị lan tràn quá mạnh, người có trách nhiệm tỉnh ngộ, ra lệnh cấm các cơ quan truyền thông phát thanh loại nhạc với nhịp điệu boléro, thường đi với ca khúc than khóc, dễ làm nản lòng chiến sĩ.

Tôi còn nhớ khoảng năm 1972-1973 khi nộp một chương trình để thu hình cho ca đoàn Trùng Dương trình diễn trên Truyền Hình Việt Nam, trong đó có bài “Mùa Hoa Nở” của nhạc sĩ Cung Tiến. Kiểm duyệt viên của bộ Thông Tin hỏi tôi bài này theo nhịp gì? Tôi trả lời là nhịp boléro. Bài “Mùa Hoa Nở” bị xóa khỏi chương trình, không cho thu hình. Lý do: nhịp điệu boléro. Người ta không cần biết nội dung, không chú ý đến lời ca. Tôi nói với viên chức kiểm duyệt rằng: “Tôi sẽ thu hình bài này mà các ông không cấm được”. Ông ấy hỏi tôi: “Tại sao?” Tôi đáp: “Rồi các ông sẽ thấy”.

Tôi có lý do để trả lời cứng với người kiểm duyệt vì phần nhạc đệm không phải là ban nhạc loại phòng trà mà là ban Kim Mộc, ban nhạc diễn hành của Hải Quân Việt Nam. Bài nhạc có một đoạn ngắn được viết theo nhịp boléro, ngay sau đó tôi chuyển qua nhịp quân hành.
Vài tuần sau tôi xin kiểm duyệt lại bài “Mùa Hoa Nở”. Lần này tôi ghi bài sẽ được chơi theo nhịp quân hành, thì được cho phép thu hình. Thật ra boléro chơi với dàn hòa tấu Kim Mộc âm hưởng rất khác với ban nhạc loại phòng trà khiêu vũ.


Sau khi thu và phát hình bài “Mùa Hoa Nở” tôi bị khiển trách không phải vì nhịp điệu boléro (họ không chú ý đến boléro vì không thấy nét ủy mị) mà trách rằng: “Tại sao Tướng Kỳ chưa ra lệnh Bắc tiến mà các anh dám đi trước?” Tôi trả lời: “Cần chuẩn bị tinh thần quân dân sẵn sàng để Bắc tiến khi có lệnh! Nếu để xuất quân rồi mới chuẩn bị thì trễ mất rồi.” Lúc đó có dư luận nói quân đội miền Nam chuẩn bị Bắc tiến.
Việc này tôi tin tác giả Cung Tiến không hề biết.

Năm 2005 tôi qua Ukraine để thu thanh CD Symphony “Việt Nam 1975”. Có người trách tôi sao qua Nga để thu thanh. Họ không biết Ukraine đã bị Nga đô hộ suốt 70 năm và đã tách ra khỏi khối Liên Bang Sô Viết năm 1991, khi Nga Sô suy yếu sau vụ sụp đổ bức tường Bá Linh. Tuy hiện nay vẫn có những người thân Nga nhưng nói chung dân chúng Ukraine rất thù Nga. Dường như không có gia đình nào không có người bị Nga hành quyết.


Trong khi ở Ukraine, tôi chú ý đến nhạc cụ dân tộc của họ là cây đàn bandura và tôi có chuyển vài bài dân ca Việt như “Se Chỉ Luồn Kim” và “Trống Cơm” cho độc tấu bandura và dàn nhạc giao hưởng với ý muốn đem truyền bá dân nhạc Việt qua xứ người. Không ngờ việc làm này đã được Tiến Sĩ Nghệ Thuật chuyên về Bandura, bà Violetta Dutchak, thuộc Bộ Khoa Học Nhân Văn và Nghệ Thuật của Ukraine tuyên bố: “Lần đầu có người đưa hai nguồn văn hóa dân tộc (giai điệu dân ca Việt viết cho nhạc cụ quốc gia Ukraine) đến với nhau, qua âm nhạc.”

Khi nghiên cứu nhạc cụ mang tên là nhạc cụ dân tộc của Ukraine (họ không gọi là nhạc cụ cổ truyền), một lần nữa tôi được minh xác là từ trước người ta đã nhận thấy giá trị sâu xa của âm nhạc. Trong trường hợp này, người Đức, Ba Lan và Nga đối với nhạc dân tộc của người Ukraine đã thẳng tay truy diệt người phổ biến loại nhạc này. Ðàn bandura mang tên là “nhạc cụ dân tộc” quả nhiên đã trôi nổi và chịu khổ hạnh với dân tộc Ukraine trong nhiều thế kỷ.

Đàn bandura có thể trình diễn như nhạc cụ độc tấu, nhưng cũng có thể dùng đệm cho giọng ca. Trong thời Ukraine bị Ba Lan đô hộ ở phía Tây, đàn bandura được ưa chuộng trong triều đình Ba Lan cho đến khi cuộc nổi dậy chống Ba Lan năm 1648 thì Bandura bị cấm tuyệt và người chơi đàn này bị giết vì bị liệt kê là rất nguy hiểm. Bên phía Ðông của Ukraine, phần đất thuộc Nga cai trị, đàn bandura được phát triển mạnh cho đến năm 1876 thì đàn này bị cấm, tất cả những gì trình diễn có tính chất dân tộc và ngôn ngữ Ukraine cũng bị cấm luôn. Nhưng đáng sợ hơn hết là Stalin và cộng sản Nga trong thế kỷ 20. Người Nga muốn đồng hóa nguời Ukraine vào dân tộc Nga nên không chấp nhận có một nhạc cụ mang tên Nhạc Cụ Quốc Gia từ Ukraine.

Năm 1933 Nga đã ra tay giết 7 triệu người Ukraine (sau này có tài liệu nói số người chết có thể lên đến trên 10 triệu) trong một năm bằng cách bỏ đói họ. Nga cướp hết những gì có thể ăn được của người Ukraine, kể cả cải muối làm dưa. Họ không cho phép người Ukraine ra nước ngoài, không cho người vùng này qua vùng khác trong xứ để kiếm ăn. Họ muốn biến những người còn sống không còn tinh thần quốc gia mà trở thành người quy phục Nga tuyệt đối.
Nhưng tinh thần quốc gia dân tộc vẫn còn được cổ võ trong dân chúng do những người kobzari. Kobzar là tên đến từ đàn kobza mà kobza là tiền thân của đàn bandura. Người chơi kobza gọi là kobzar, số nhiều là kobzari. Từ xa xưa kobzari đi theo đoàn quân Cossack để ủy lạo chiến sĩ và cầu hồn cho các tử sĩ. Họ dùng bandura để đệm hát những thiên hùng ca dân tộc.

Ai là kobzar? Kobzar là người chơi đàn kobza, nhưng không phải ai chơi đàn kobza cũng đều được gọi là kobzar. Muốn được vào thành phần kobzari, người nhạc sĩ phải bị mù, thường là từ nhỏ, phải có trình độ chơi nhạc rất cao, được trắc nghiệm và chứng nhận, phải có lòng yêu nước, có bổn phận đi loan truyền chân lý và tự do đặt trên căn bản công lý và nhân bản qua âm nhạc. Những trẻ em bị mù từ nhỏ, học đàn kobza không thành đạt thì không được vào hàng kobzari. Chúng chỉ được nhập vào đoàn hành khất có tổ chức và được phép đàn một số bài nhạc của kobzari.

Những người chơi bandura, một số là người trí thức, nhưng phần lớn là nhạc sĩ mù (kobzari) đi hát rong khắp nơi. Họ nêu cao tính khí hào hùng của người Cossack, ca ngợi lịch sử của Ukraine, tôn vinh tinh thần dân tộc chống ngoại xâm. hát ca khúc ái quốc và tôn giáo.

Những người trí thức thường yêu cầu kobzar hát các bài dumy (hùng ca ái quốc). Người bình dân thường yêu cầu họ hát bài ca tôn giáo. Thông thường họ hát bài ca ăn xin zhebranka. Khi được mời vào nhà, họ hát những bài ca do chủ nhà yêu cầu. Lúc ra về họ hát bài ca cám ơn blahoda-rinnia. Những nghệ sĩ mù này thường thuê một đứa bé mồ côi dẫn đường cho họ.


Chính những nghệ sĩ mù này là những người tuyên truyền rất đắc lực. Những tin tức thu lượm được họ chuyển thành bài ca và đem phổ biến các nơi, giữ vững tinh thần yêu nước trong quần chúng và nuôi giấc mộng tự do trong lòng mọi người. Vì vậy cộng sản Nga quyết tâm diệt trừ nghệ sĩ mù.

Năm 1933 (có tài liệu ghi 1939) Stalin ra lệnh “mời” tất cả kobzari về thủ đô (cũ) là Kharkiv, Ukraine, dự đại hội âm nhạc toàn quốc để ghi chép lại tất cả các bài ca do họ sáng tác và trình diễn dùng lưu truyền cho hậu thế.
Ý tưởng quá đẹp này đã thu hút trên 300 nghệ sĩ mù về Kharkiv dự đại hội âm nhạc. Trên thực tế người Nga tập trung họ lại một chỗ để dễ thanh toán. Quả nhiên tất cả những người này đã bị tàn sát tập thể.

Stalin sợ ảnh hưởng các bài ca của những nhạc sĩ mù được truyền đi các nơi cách nhanh chóng và có hiệu quả lớn trong việc kích động quần chúng chống Nga, nên ra tay giết những kobzari càng nhiều càng tốt.

Stalin cũng đã giết rất nhiều nhạc sĩ chơi bandura khác và tuyên bố họ bị Ðức Quốc Xã hạ sát. Sau này lịch sử chứng minh không phải quân Ðức giết họ. Ðó là chưa kể vô số người bị đày đi Siberia không có ngày về. Nhiều người khác bị giết, nhưng gia đình được thông báo là họ bị lưu đày và gia đình không được phép liên lạc với tội nhân. Trong số họ có nhạc sĩ Sohohub Viktor bị xử bắn ngày 27-11-1937 với 3 đứa con trai, cũng chơi đàn bandura như cha. Nếu quý độc giả muốn có bản danh sách những người bị hành quyết, có thể vào đọc trong trang web http://en.wikipedia.org/wiki/Persecuted_bandurists. Bảng danh sách nhiều trang giấy với ngày tháng mà người ta ghi nhận được. Danh sách còn đang được cập nhật. Thường thường khi bản án đã công bố thì “tội nhân” bị hành quyết trong vài giờ hoặc vài ngày, hay chậm lắm là vài tuần lễ sau.

Án lệnh xử bắn nhạc sĩ mù Ivan Kuchuhura-Kucherenko (1937)

Trong thập niên 1930, nhất là năm 1937-38 rất nhiều toán nhạc sĩ bandura của Ukraine bị Nga hành quyết, mỗi toán đến nhiều chục người bị giết cùng lúc. Trong những người bị giết có một nhạc sĩ mù tên Ivan Kuchuhura-Kucherenko, khá đặc biệt. Ông chào đời ngày7-7-1874, bị mù từ ba tuổi, có năng khiếu nhạc rất cao, khi ông nghe người khác đàn là ông nắm được kỹ thuật ngay. Lớn lên rất có tài, đi trình diễn nhiều nơi. Ông được mời trình diễn 40 buổi ở St. Petersburg, năm 1913, hầu hết ở các cơ sở giáo dục và ở thủ đô Moscow nước Nga năm 1915. Ống là một trong vài người đầu tiên được cấp bằng tuyên dương “Nghệ Sĩ Nhân Dân”, năm 1919 và bằng “Nghệ Sĩ Nhân Dân Ukraine - Liên Sô”, năm 1926. Ông được xem như là người chơi đàn bandura xuất sắc nhất. Bộ tự điển Soviet Encyclopedia của Nga có viết về ông. Họ nói quân Ðức giết ông năm 1943 khi Đức chiếm Ukraine. Trên thực tế, tài liệu của Ủy Ban Nhân Dân Nội An Vụ của Nga Sô được tìm thấy sau này, có bản án ghi rằng ông Ivan Kuchuhura-Kucherenko bị Nga xử bắn ngày 24-11-1937, sau 8 tháng tra tấn, trên vùng đất của KGB ở ngoại ô Kharkiv, Ukraine. Ông bị chôn trong mồ tập thể, nơi 300 nhạc sĩ mù và vô số người khác bị hành quyết. Bên trên là bản sao lệnh xử tử ông, có ghi rõ ngày tháng.


Một trường hợp khác, nhạc sĩ bandura tên Oleksander Borodai có quốc tịch Hoa Kỳ, khi trở về Ukraine năm 1919, liền bị bắt và bị xử bắn.
Đến năm 1960 đảng cộng sản Ukraine hoàn toàn kiểm soát việc sử dụng đàn bandura. Nam sinh không được nhận vào phân khoa bandura trong nhạc viện mà chỉ dành cho nữ sinh.

Những bài hùng ca, ái quốc viết cho nhạc cụ này bị cấm, thay thế bằng những tình ca và nhạc cổ điển Tây phương được chuyển hóa cho nhạc cụ bandura.

Xuyên qua những dữ kiện bên trên ta không ngạc nhiên khi thấy cộng sản Việt Nam ngày trước đã cấm dân chúng đàn và ca vọng cổ, loại nhạc ưa chuộng của người miền Nam.


Bên trên và trong bài “Âm nhạc ảnh hưởng đến vạn vật” chúng ta đã thấy âm nhạc được dùng trong nhiều khía cạnh của sinh hoạt nhân loại. Ở đây ta thấy một khía cạnh khác, người ta dùng âm nhạc để nhục mạ một người, một chế độ hay cả một dân tộc khác. Tuy nhạc không dùng ngôn từ nhưng ý nghĩa của nó rất mạnh. Một sự việc xảy ra gần đây làm ta phải suy nghĩ.

Hôm 19 tháng Giêng 2011, Tổng Thống Barak Obama của Hoa Kỳ mở quốc yến để khoản dải Hồ Cẩm Ðào, nhà lãnh đạo Trung Cộng tại tòa Nhà Trắng, bữa tiệc được gọi là tinh túy của Hoa Kỳ. Trong bữa đại yến, ngoài Hồ Cẩm Ðào còn có khách quý từ nhiều quốc gia, dĩ nhiên có một chương trình nhạc chọn lọc với sự đóng góp tinh hoa của nghệ sĩ từ hai quốc gia chính. Bên Trung Hoa đưa ra một diệu thủ piano tên tuổi là Lang Lang, mà phần lớn cuộc đời trưởng thành của ông là ở Hoa Kỳ,. Sau màn trình diễn chung với cầm thủ Hoa Kỳ Lang Lang tự giới thiệu và sau đó độc tấu bài piano “My Motherland”.
Ðọc tên bài nhạc “Ðất Mẹ” người ta tưởng nó chỉ là bài ca nhớ quê. Tại sao Lang Lang trình diễn trong quốc yến này? Vì nếu chỉ là một giai điệu hay thì Trung Hoa có nhiều bài nhạc rất hấp dẫn.

Thử tìm hiểu sâu hơn ta khám phá ra điều gì?

Ðây là ca khúc được dùng trong phim "Battle on Shangangling Mountain" do Trung Hoa cộng sản sản xuất năm 1956, chuyển trận chiến trên khu tam giác đồi núi Kimhwa, Bắc Triều Tiên năm 1952 thành phim ảnh. Quân Trung Cộng bị thiệt hại nặng, cố cầm chân quân đội Hoa Kỳ để chờ viện binh. Một nữ hộ lý Trung Hoa hát bài ca này để ủy lạo thương binh, trong đó có câu: “Khi bạn thân đến, ta có rượu ngon để mời. Khi sài lang (chó ghẻ Phi Châu) đến, ta có súng săn để giết chúng.” Sài lang ở đây ám chỉ lính Mỹ. Bài ca được dùng như là bài ca tuyên truyền chống Mỹ trong nhiều thập niên và được dạy trong tất cả trường học ở Trung Hoa. Khi trình diễn ở tòa Nhà Trắng, Tổng Thống Obama, phu nhân và mọi người vỗ tay tán thưởng. Truyền hình chiếu khắp thế giới. Người Trung Hoa cộng sản xem, cười hả dạ và nói là bọn Mỹ thật ngu, người ta mắng vào mặt mình không biết nhục mà còn khen hay. Thật đáng thương hại. Người chống cộng thì lắc đầu ngao ngán. Phát ngôn viên tòa Nhà Trắng là Tommy Victor thay vì nhận sự sơ hở của mình lại đi binh vực Lang Lang, nói: “Ý nghĩ cho việc trình diễn nhạc phẩm này để hạ nhục Hoa Kỳ thì rất sai. Nó chỉ là một giai điệu hay chứ không có ý nghĩa gì khác.”

Đối lại lập luận trên, tôi nhớ một nhạc sĩ thuộc nhạc viện Hà Nội đã nói: “Khi trình diển nhạc cổ điển không lời, đàn nhấn mạnh sai chỗ là đã biểu lộ tinh thần phản loạn rồi.”

Lang Lang không xin lỗi mà còn tuyên bố với truyền hình rằng đàn bài nhạc ấy trước những bậc lãnh đạo của thế giới là một hân hạnh và danh dự, làm cho người Trung Hoa kiêu hãnh về mình, cho thấy Trung Hoa là một quốc gia khiếp đảm và người dân Trung Hoa thật sự đoàn kết.

Nếu Tổng Thống Obama cũng như ban nghi lễ của tòa Bạch Ốc không biết bài nhạc này và ý nghĩa của nó, chắc chắn Hồ Cẩm Đào và đoàn tùy tùng biết. Họ để yên, không có ý chận Lang Lang. Cũng có thể họ gài cho Lang Lang chơi để nhục mạ Hoa Kỳ, xem Hoa Kỳ có dám làm gì không. Có thể đây là một đòn dọ dẫm để họ có những hành động táo bạo hơn ở Á Châu và thế giới trong tương lai gần. Thật ra sự việc này có thể đưa đến chiến tranh như chơi, nhưng Obama quá yếu, để cho chìm xuồng luôn mà không đòi hỏi Trung Hoa giải thích.

Khi câu chuyện này được đăng trên Sina Weibo blog, rất nhiều người đáp ứng. Họ chia ra hai phe rõ rệt. Một bên thì ca tụng Lang Lang như vị anh hùng, dám thẳng cánh đâm vào Hoa Kỳ bằng sứ điệp chí tử, ghi sâu hận thù. Một bên thì cho là chọn bài nhạc để dùng không đúng chỗ. Ngày 23 tháng Giêng năm 2011, The Epoch Times ghi thêm đề phụ: “Hoa Kỳ bị hạ nhục trước mắt người Trung Hoa bằng bài ca đã từng được dùng để kích động chống Mỹ.”

Việc này làm tôi nhớ lại câu nói đáng ghi nhớ của nhà danh họa Picasso: “Nghệ thuật là sự giả dối để làm cho chúng ta nhận thức sự thật.” (Art is a lie that make us realize the truth. – Pablo Picasso).
Phải chăng âm nhạc là đề tài đáng cho người nuôi mộng quang phục quê hương nghiên cứu, khai triển và thực hiện?

Lê Văn Khoa