văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, May 18, 2011

VƯƠNG VŨ NGỌC * Anh Thuần: Người Phóng Viên Chiến Trường Can Đảm




Ký giả Anh Thuần tên thật là Phan Bá Thuần Hậu, sinh năm 1937 tại quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trước khi về Phòng Báo Chí QĐ, Cục Tâm Lý Chiến anh đã cộng tác với các nhật báo, tuần báo dân sự như Chuông Mai, Ngày Mới… với bút hiệu Hoàng Long và Phóng Viên Kính Trắng.
Là một ký giả kiêm phóng viên chiến trường độc thân, Anh Thuần luôn luôn có mặt tại Phòng Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến để sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm bằng mọi giá theo các cánh quân hầu kịp thời thâu thập tin tức và hình ảnh để cung cấp cho Đài Tiếng Nói Quân Đội, nhật báo Tiền Tuyến và các báo dân sự khác, kể cả báo của người Trung Hoa.

Những tin tức chiến sự nóng hổi và hình ảnh trận chiến cháy bỏng cũng như các cuộn băng phỏng vấn tù hàng binh được gởi về tòa soạn và đài phát thanh liên tục để cống hiến thính giả và độc giả khắp 4 quân khu và những bản tường trình tại mặt trận của anh đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Anh còn là người phụ trách phụ trang Phóng sư hình ảnh của tờ Tiền Tuyến.
Anh Thuần xem việc đi làm phóng sự chiến trường tại 4 vùng chiến thuật của người phóng viên là một niềm vinh dự và là một thử thách lòng dũng cảm cũng như khả năng chuyên môn, vì thế anh đi liên tục. Mới từ vùng 4 về anh xin sự vụ lệnh đi vùng 2. Đêm nay ở Pleiku, sáng mai ở An Lộc. Buổi trưa ăn dã chiến ở Khe Sanh, buổi tối có mặt tại Chương Thiện…

Tôi và Thuần quen nhau đã trên 10 năm trước khi tôi gia nhập đoàn phóng viên Quân Đội - Cục Tâm Lý Chiến. Nhưng sau này vì tình hình chiến sự gia tăng, tôi và anh ít có dịp đi dạo, bát phố Sàigòn vì cả 2 chúng tôi đều là phóng viên tiền tuyến. Mỗi đứa phải theo một đơn vị hành quân, vùng chiến thuật khác nhau. Mỗi toán phóng viên đi công tác thường có 4 người thuộc các ngành: Báo chí, Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh. Vì thế tôi và Thuần khó có dịp đi chung. Hôm nào được “xả hơi” - nếu không về nhà em anh là Phan Bá Thụy Dương, thì Thuần đến nhà tôi. Hai đứa lai rai, chén chú chén anh, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, tâm sự lôi ra hết, suốt đêm không ngủ. Anh kể cho tôi nghe những cuộc tiến quân nhịp nhàng, dũng cảm, thần tốc của các quân binh chủng mà anh đã từng tham dự.

Anh Thuần đã luôn bám sát các cuộc hành quân với những trận đánh lớn trên khắp 4 quân khu, trong đó có nhhững vùng hỏa tuyến dử dội như Khe Sanh, Quảng Trị, Phù Cát, Phù Mỹ, U Minh thượng, U Minh hạ, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Vĩnh Bình và Long Khánh… Khi 2 mặt trận Kontum và Bình Long vào lúc dầu sôi lửa bỏng anh đã cùng bị kẹt với các đơn vị bị bao vây. Cộng quân pháo kích như mưa, T.54 mở đường cho bộ binh địch ồ ạt tiến công nhiều ngày. Nhưng với lòng dũng cảm, sức chiến đấu kiên cường của quân lực ta, đồng thời với sự xuất hiện, yểm trợ kịp thời của Không quân và Pháo binh buộc địch phải rút lui và Anh Thuần mới có dịp từ giã trận địa với những tài liệu, hình ảnh hiếm hoi, quí báu.

Trong những thời kỳ sôi động như thế này các phóng viên chiến trường của Cục đều hiện diện để nhận công tác, mà AT thì dĩ nhiên là người đứng trong hàng tiền đạo. Điều này cũng dễ hiểu vì anh là người chưa vương bận thê nhi lại ưa xông vào nơi lửa đạn, bất chấp gian nguy. Anh gan lì đến nỗi nhiều anh em đã thường đùa bảo anh là người điếc không sợ súng, cùi không sợ “lửa đạn” vi xi [VC]. Nhờ thường có mặt từ giờ xuất quân đến lúc kết thúc cuộc chiến với các quân binh chủng nên anh đã viết, viết rất nhiều về các trận đánh, về sự kiêu hùng và lòng quả cảm của các chiến sĩ trong QLVNCH.


Một điều đáng ghi nhận là anh đến đơn vị nào cũng được thương mến. Từ đơn vị trưởng đến các chiến binh đều coi Thuần như người thân trong gia đình. Khi anh thiếu, họ chia xẻ cho anh từng điếu thuốc lá, từng gói cơm sấy… Nếu đêm nào ở lại đơn vị công tác, AT thường ngồi tâm sư., hay gác chung với anh em, với bộ quân phục rộng thùng thình mà anh mặc đã làm mọi người cảm động. [Khi có phóng viên đến nơi công tác thì đơn vị trưởng thường tặng, cấp cho 1 bộ quần áo, giầy, nón sắt 2 lớp để phù hợp, thích nghi với các quân nhân tại chỗ. Vì thế có nhiều phóng viên khi về Sàigòn vẫn mặc “trang phục” oai như lúc tháp tùng đơn vị hành quân.]
Cuộc hành quân hỗn hợp Lam sơn 719 cấp Quân đoàn đánh vào sào huyệt đầu não của Việt cộng trên phần đất hạ Lào và cuộc hành quân đánh vào cục R của Trung ương cục CS miền Nam tại vùng Mỏ vịt trên đất Kampuchia do Quân đoàn 3 điều động cũng không thiếu sự hiện diện của anh. Cả 2 cuộc hành quân san bằng ổ giặc Cộng tại Long toàn và Ba động thuộc tiểu khu Vĩnh Bình, vùng 4 Chiến thuật, anh cũng vui vẻ tham dự.

Đặc biệt là lần này AT theo cánh quân của Tiểu đoàn 404 ĐPQ biệt lập thuộc vùng 4/CT do Thiếu tá Ngô Gia Truy làm Tiểu đoàn trưởng đưa quân vào mật khu Ba động, phá tan sào huyệt này, nơi mà chúng thường huyênh hoang là bất khả xâm phạm. (Tôi xin mở ngoặc để nói qua về đơn vị biệt lập này. TĐ 404 ĐPQ được thành lập do quyết định của BTL Quân đoàn 4, Vùng 4 CT với nhiệm vụ lùng và diệt địch, phá vỡ các căn cứ hậu cần địa phương của VC. Các chiến sĩ của tiểu đoàn là những thanh niên Việt, Miên thuộc tỉnh Vĩnh Bình và các vùng phụ cận nên họ rất am tường địa hình, địa vật và được huấn luyện kỹ càng chiến thuật tấn công thần tốc vào các mật khu của địch. Quân phục và vũ khí của các tay “hảo hán” này được trang bị y như các đơn vị VC.)

AT bám theo toán tiền sát gồm 3 chiến sĩ âm thầm bò sát đến con rạch bên hông cơ quan địch. Anh em vừa định lội qua thì bị đội cảnh vệ VC tấn công dữ dội. Hai chiến sĩ ta hy sinh. Địch quân ồ ạt tiếng công với ý định bắt sống AT và người tiền sát còn lại đang đơn độc chống trả, chờ đồng đội lên tiếp ứng. Trong lúc nguy cấp, Thuần lấy ngay quả lựu đạn trên tay người bạn tử thương, rút chốt tung về phiá giặc đang xông tới, một tiếng nổ dữ dội và 3 tên VC ngã gục. Thừa dịp AT nhanh tay liên tiếp tung bồi thêm 2 quả nữa buộc địch quân khựng lại. Vừa lúc ấy 3 cánh quân của ta đã siết chặt vòng vây. Trận ác chiến chỉ kéo dài 40 phút thì các chiến sĩ 404 ĐPQ đã san bằng căn cứ địch với kết quả: tiểu đoàn lưu động VC tỉnh Trà Vinh bị xóa tên. Ta bắt sống 1 huyện ủy, 1 giặc cái tiểu đoàn trưởng có biệt danh “nữ tướng vú dài” - một ác quỷ khét tiếng miền Tây và nhiều cán binh VC. Ngoài ra, ta còn tịch thu một số tài liệu quan trọng cũng như các loại vũ khí cộng đồng và cá nhân.

Trong dịp này phóng viên quân đội AT đã được BTL Quân đoàn 4 trao tặng giấy tuyên dương về Cục TLC vì đã anh dũng diệt địch cứu bạn.
Vào “mùa Hè đỏ lửa” AT ít khi có mặt tại thủ đô. Người PV gan dạ này luôn hăng say với nhiệm vụ trên khắp các chiến trường sôi động. Tại biển Đông anh cũng bám theo chiến hạm Trần Khánh Dư trong trận hải chiến với Trung Cộng ở Hoàng Sa. Những bài tường thuật trên báo chí và đài phát thanh của Thuần được loan tải liên tục không thiếu sót.

Vì nhu cầu tin tức trong lúc chiến trường đang hết sức sôi động nên Cục TLC phải tung các PV ra 4 quân khu, nhất là tại Vùng 1. Cuối năm 1972 tôi được lệnh ra Vùng 1 để tăng cường cho toán PV đang công tác tại đây. Tôi rất mừng có dịp làm việc chung với AT trong lúc này, nên tôi vội thu sếp hành trang đầy đủ cho chuyến công tác dài hạn đó. 7 giờ sang tôi đã có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất để lên chuyến C130 của không lực Hoa kỳ bay ra Huế.
Sau 65 phút bay phi cơ hạ cánh nhẹ nhàng tại phi trường Phú bài. Vừa bước ra khỏi phi cơ tôi đã nhìn thấy AT đang đổ mắt nhìn về phía hành khách quân nhân lần lượt đi ra. Thuần nhận ra tôi rất dễ vì tôi là hành khách VN và mặc thường phục. Thuần vội chạy ra ôm tôi, cả 2 chúng tôi cùng im lặng trong nỗi vui mừng. Một lúc lâu Thuần dẫn tôi ra cổng phi trường.

Tại đây, tôi được nhà văn Phan Du, trưởng ban Chương trình và ký giả Hoàng Quy trưởng ban Tin tức, Thời sự đài phát thanh Huế ra đón. Anh Phan Du cho biết là đã thuê phòng ở khách sạn Hương giang cho tôi trong suốt thời gian công tác tại Vùng 1. Hoàng Quy đưa ý kiến là trước hết, chúng tôi ra chợ Đông ba ‘lai rai” đã, sau hãy bàn việc nghỉ ngơi.

Đêm hôm ấy 4 chúng tôi hẹn nhau ra Phú cam chơi vì có thêm 3 PV nữa vừa được gởi ra tăng cường. Đó là các anh Mỹ [Mỹ Voi]: PV Điện ảnh, Văn Tuế và Ngọc Bình: PV Truyền hình. Cả bọn 7 anh em chúng tôi vừa uống được mấy chai thì toán tuần tiểu hỗn hợp của tiểu khu ập đến. Họ chả cần hỏi han gì, mà chỉ yêu cầu chúng tôi theo họ về đồn Quân cảnh. Tại đây, người thượng sĩ đồn trưởng yêu cầu chúng tôi xuất trình Công tác lệnh, giấy phép mang súng. AT gom tất cả giấy tờ giấy tờ để trước mặt người đồn trưởng, ông ta chẳng xem xét gì cả, lùa hết chứng từ tùy thân của chúng tôi vào ngăn kéo bàn rồi bảo chúng tôi:
- Các anh ngồi đây, sáng mai chúng tôi giải quyết.
Nói xong anh ta bỏ đi vô trong. Bất mãn trước thái độ của người Thượng sĩ đồn trưởng, tôi đề nghị anh Hoàng Quy gọi về Tiểu khu báo cáo sự việc [HQ là nhà binh, cấp bậc Đại úy]. Độ 30 phút sau một vị Trung úy CTCT Tiểu khu cùng với người tài xế đến đồn QC. Đến lúc này ông Thượng sĩ già mới lôi đám giấy tờ của chúng tôi ra xem và nói với Tr/U CTCT:
- Mấy ông này vô kỷ luật lắm. Ăn mặc lính chẳng ra lính, dân chẳng ra dân nên chúng tôi bắt về đây.
Vị sĩ quan CTCT nói cho người đồn trưởng biết chúng tôi là PV của Cục TLC vừa được phái ra Vùng 1 công tác. Trong bọn chúng tôi, có người là quân nhân, có người là công chức quốc phòng nên việc mặc quân phục không bắt buộc theo nguyên tắc. Người đồn trưởng QC nhìn bọn tôi rồi mỉm cười lắc đầu:
- Dù các anh là nhà báo cũng phải tôn trọng quân phong, quân kỷ chứ, mong các anh hiểu như thế… Sau cùng anh ta trả lại giấy tờ cho chúng tôi. Cả bọn leo lên chiếc xe 4x4 về Đài Phát thanh.


Hôm sau chúng tôi được khối CTCT Tiểu khu cho biết Trung tướng Tổng Cục trường TC/CTCT ra Huế chủ tọa cuộc họp các vị Trưởng khối CTCT Quân khu 1 vì thế chúng tôi phải đình chuyến đi Quảng Trị đến ngày hôm sau để làm phận sự tường thuật cuộc họp trên Đài phát thanh và báo chí. Buổi chiều sau khi tiếp xúc với Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng xong, Trung tướng cho gọi bọn tôi đến trình diện. Sau khi chào kính, ông bảo 5 người chúng tôi ngồi và nhỏ nhẹ nói:
- Việc các em bị “tóm”, khối CTCT đã trình tôi.
Ông nhìn chúng tôi với ánh mắt hiền từ và tiếp:
- Từ nay các em đi công tác phải hết sức giữ gìn tác phong một người phóng viên quân đội. Các em đại diện cho ngành CTCT đến địa phương công tác, nhớ đừng khi nào làm tổn thương danh dự của ngành. Tôi mong các em hiểu nhiều trong điểm này. Đây tôi tặng 5 em món tiền nhỏ này để đi cắt tóc và giải lao.
Ông móc trong túi ra trao cho 5 đứa tôi 10 ngàn đồng rồi quay sang nói với Đại tá TKT:
- Mấy thằng em này vất vả lắm, nếu khi được xả hơi chúng nó có bừa bãi điều gì anh thông cảm cho bọn chúng nhé.

Những lời giáo dục của người Mẹ nhân từ, khoan dung đức độ cùng những lời che chở hết sức “chính trị” của vị chủ tướng làm cả bọn chúng tôi vô cùng cảm động. Mặc dầu chỉ là một PV hạng bét nhưng nhờ nghề nghiệp mà tôi thường xuyên được diện kiến với các vị “Sao” và chư vị “Sấm, Sét” nên lần này được Sao chủ tướng chiếu mạng lại là sao thái dương nên bọn tôi vui mừng quá đỗi.
Mưới ngàn đồng của chủ tướng cho, “ngũ quỷ” chúng tôi chả cắt tóc tai gì mà cả bọn kéo nhau ra chợ Đông ba đánh chén - lẽ dĩ nhiên là có sự hiện diện của nhà văn Phan Du và ký giả Hoàng Quy của đài phát thanh Huế, và cũng không thể vắng mặt người sĩ quan CTCT đã “giải cứu” chúng tôi đêm hôm trước.

Trong lúc anh em đang lai rai thì Mỹ Voi nói:
- Chúng mình phải làm việc hết mình, phải làm thật đẹp để đáp đền lòng ưu ái của ông tướng chứ.
Thiếu úy Bình đáp:
- Hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó, dù có chết cũng vui lòng.
Câu nói này không ngờ thật linh nghiệm. Bình đã đền nợ nước tại chiến trường Quảng trị. AT thì góp máu ở Khe sanh, còn tôi thì gởi lại Quảng Đức nửa ngón tay đeo nhẫn. Sau 20 ngày công tác tại Quân khu 1, chúng tôi chia tay. AT bay về Quân đoàn 2, tôi về Chương Thiện.

Sau những ngày theo cánh quân của Trung tá Võ Ân [thời gian đó] tham chiến ở vùng tam biên, AT về Sàigòn, anh đến nhà tôi tâm sự:
- Quả thật tao không ngờ lại thoát lần này ở Quảng Đức. Tao bị VC đuổi bắt, nên lạc vào một xã người Thượng – băng qua nhiều nơi toàn là mìn, lựu đạn gài và hầm chông, mạng sống như ngàn cân treo sợi chỉ. Mỗi khi nghĩ đến tao còn hú vía, tâm trí bang hoàng. Tao có cảm tưởng như vừa từ cõi chết về nơi sống an toàn vậy.

Mỗi lần trở lại thủ đô và chưa có công tác thì AT thường rủ một số bạn bè rất thân đến nhà tôi như nhà văn Nguyễn triệu Nam, nhà thơ Huy Thanh, ký giả Nguyễn Lê, giáo sư Hán văn Nguyễn bá Hùng tức Thầy Khoá Tư và nhà văn Hà ngọc Ngân. Anh em tâm sự hàn huyên, chén anh chén tôi cho tới sáng. AT là người ít nói nhưng tình cảm dạt dào. Mỗi lần chia tay nhau Thuần thường đứng lặng người nhìn bạn thật lâu rồi mới bước đi. Tôi nhìn theo anh trong lòng đầy thương mến, thương mến người bạn chí thân lúc nào cũng sẳn sàng dấn thân vào lòng lửa đạn, hiểm nguy.

Ngày 30-04-75, như thường lệ, tôi đến phòng báo chí QĐ làm việc lúc 8 giờ. Hôm đó phòng vắng tanh, cả nhân viên trực cũng như nhân viên văn phòng đều vắng mặt, chẳng có ai. Tôi nhìn lên bảng ghi công tác thấy tờ giấy Công tác lệnh ghim trên đó và một hàng chữ của anh Đặng trần Huân dặn: “Cậu lên Suối Máu thay cho AT để AT đi Kiến Tường”. Tôi gỡ tờ CTL, mở hộc tủ lấy máy ảnh và bỏ khẩu 765 vào túi quần lên Honda phóng vội đi mà trong lòng ngao ngán.

Qua khỏi cầu Thị Nghè, thấy đồng bào xôn xao, kẻ lên người xuống hớt hải, sợ sệt. Sự việc này chúng tôi đã biết từ sáng 28. Nhưng biết chỉ để mà biết thôi, còn phận sự thì vẫn phải thi hành. Tôi lao Honda như bay về hướng Thủ đức. Vừa đến ngã ba Cát lái thì nghe tiếng gọi: “Ê Ngọc, mày dừng lại”. Tôi đạp thắng, nhìn qua đường thì thấy AT ngồi sau Honda của một quân nhân mang phù hiệu Sư đoàn 18. Thuần kêu tôi lại gần và bảo:
- Tan hàng rồi. Mày về lo cho vợ con mày đi thôi.
Thấy trên cánh tay anh còn ướt máu, tôi hỏi:
- Mày bị thương hả, có nặng không? Tao đưa mày đến nhà thương nhé.
- Không cần, tao phải về nhà thằng Thụy Dương em tao để thuyết phục nó “dzọt”. - Mày hãy cẩn thận., đi đi, tao sẽ gặp mày sau. Nói xong, AT dục người bạn chạy xe đi ngay.

Tôi quay lại Cục TLC thì gặp anh Đặng trần Huân đứng nói chuyện với Trung tá Tạ Tỵ, tôi hỏi anh:
- Tính sao đại ca? Anh nhìn tôi cười buồn:
- Còn tính sao nữa! Về lo cho gia đình đi. Có gì lạ tôi cho biết sau.
Tôi chào từ giã 2 anh ra xe về quận 4.

Đầu tháng 7/75 tôi nhận được giấy gọi đến số 2 bis Hồng thập tự trình diện ủy ban quân quản cùng với các anh em báo chí độ trên 40 người. Trong số đó có vài anh em làm việc chung với tôi, nhưng không có Anh Thuần.. Sau đó họ đưa chúng tôi đến giam ở số 4 Phan đăng Lưu [bên cạnh tòa hành chánh Gia định cũ]. Bốn tháng sau họ đưa tôi đến trại giam Núi Dinh thuộc tỉnh Bà Rịa. Trại này là nơi giam cầm những người làm văn nghệ. Trong thời gian này tôi không nghe tin tức gì của Thuần cả. Giữa năm 78, tôi từ núi Dinh được giải về K4 để chờ lệnh phóng thích. Tại đây, tôi được vài anh em tù cũ cho biết là họ có thấy ký giả AT bị biệt giam, nhưng sau đó thì bị giải đi nơi khác, chẳng biết họ họ đưa anh ấy về đâu.

Sau đó một thời gian khá lâu, vào một buổi chiều mưa rơi tầm tã, tôi vừa đi làm về chưa kịp thay quần áo thì đứa con thứ nhì của tôi dẫn một người khách đến. Nó chạy vội vào nhà nói nhỏ với tôi: “Ba, có chú Thuần đến”. Tôi liền chạy ra đón Thuần. Thê thảm quá! Trông Thuần còn tệ hơn một người ăn mày. Quần áo anh rách tả tơi, chiếc nón lá trên đầu đã mất cạp. Chân không giầy dép và AT đứng không vững.

Tôi dìu Thuần đến nằm trên chiếc ghế bố rồi lấy quần áo của tôi cho Thuần thay. Cả người anh ta nóng như rang. Vợ tôi vội đem chai dầu cù là bảo tôi thoa cùng người cho Thuần và cho Thuần uống viên Contac trong khi bà ấy chạy ra đầu xóm mua bát cháo nóng cho Thuần ăn. Sau khi ăn uống xong, AT tỉnh lại dần. Cầm tay tôi Thuần thều thào trong hơi thở:
  • Tao gắng gượng đi tìm mày từ sáng đến giờ. Nếu không gặp cháu Hưng thì chắc tao đã chết rồi.
  • Mày từ đâu về đây? Tôi hỏi.
  • Số 4 Phan đăng Lưu thả tao lúc 6 giờ chiều hôm qua. Tao mệt quá 2 ngày nay chẳng có gì để ăn. Sau khi bọn chúng tống tao ra khỏi cổng, tao kiệt sức quá nên bò vào Lăng Ông ngủ. Sáng nay định ra chợ Bà Chiểu xin ăn, thì may quá gặp anh Vi bán báo ngày trước. Anh này thuê xe chở tao đến Khánh Hội tìm mày trước.
  • Tạm thời mày ở đây, tao lo thuốc thang cho mày thật khỏe rồi sẽ tính. Tôi bảo Thuần.
  • Không được, mày phải đưa tao về nhà thằng Dương để nó lo việc trị bệnh và tìm cách đưa tao đi. Tao được biết em tao đã tạm yên rồi. Thuần đáp một cách dứt khoát.
Tôi biết tánh Thuần, ít nói nhưng cương quyết. Anh đã tính toán việc gì thì không dễ gì thay đổi, bỏ cuộc. Tôi dặn vợ tôi gói bộ quần áo của tôi và chút ít tiền cho AT lận lưng [gia đình tôi lúc này rất bi đát] và đôi dép cao su vỏ xe hơi cho Thuần. Tôi nói với Thuần:
- Mày ráng giữ gìn sức khoẻ, vợ chồng tao và các cháu rất thương mến mày. Mày cần gì đến tao cứ bảo Thụy Dương cho tao biết.

Thuần cầm gói đồ mà không nói, theo tôi dắt xe đạp ra khỏi cửa. Đến khúc quẹo, Thuần quay lại nhìn vợ con tôi thật lâu rồi mới leo lên xe để tôi chở đến nhà em anh. Tôi cũng thấy vui vì bạn mình đã được tự do và tôi biết Thụy Dương sẽ sắp xếp được mọi sự ổn thoả cho AT
Tháng 10/92 gia đình tôi đến Hoa kỳ định cư. Tôi có nhờ báo chí và đài phát thanh loan tin tìm Thuần, nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Hôm nay, ngồi viết bài này ngõ hầu vơi đi nỗi nhớ thương người bạn tâm giao và để nhờ “duyên văn nghệ” đi tìm AT người bạn có với tôi những kỷ niệm vui, buồn trong suốt thời gian dài cầm bút.

Vương Vũ Ngọc


Thơ Anh Thuần
CHIỀU CHIẾN LOẠN


Em về đâu, hỡi người em lạc lõng.

Chiều đã buông và mây đã giăng mờ.
Trong lửa đạn máu tanh thời chiến loạn.
Còn mong gì tìm được chốn an cư

[viết trên đại lộ Máu - 1972]

AT * Japan 1988