Họa sĩ Lương Trường Thọ sinh năm 1948 tại Khánh Hoà, hiện nay đang ở số 12/12 đường Man Thiện thuộc, Q.9, Sài Gòn. Ông tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định và hoạt động hội họa từ năm 1966 đến nay.
Hội viên : Hội Mỹ Thuật TP.HCM – Mekong Art – Exotic Art Clup Hambung – CHLB Đức từ năm 2001, hội viên World Art Foundation (WAF), và còn là họa sĩ VN đầu tiên trở thành hội viên của Hội Mỹ thuật Cali vào năm 2008 (California Art Club) – một hội mỹ thuật ra đời từ năm 1909.
Họa sĩ Lương Trường Thọ đã tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước và quốc tế, tại CHLB Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… như các cuộc triển lãm vào năm :
- 1972 1974 tại Thái Lan, Singapore; 2001 tại Hamburg Đức, 2004 – 2006 ở Mỹ; 2006 ở Seoul – Hàn Quốc. Còn trong nước từ năm 1970 đến nay đều có triển lãm cá nhân, hay nhóm CLB hằng năm, chủ yếu là nhóm CLB Mekong Art
Họa sĩ Lương Trường Thọ từng đoạt nhiều giải thưởng như Ngôi sao vàng BID Madrid tại Tây Ban Nha; Huy chương vàng Mỹ thuật gỗ Hội Mỹ thuật TP. Và mới đây ông vừa đoạt 1 trong 12 giải thưởng tại cuộc triễn lãm “10 trại sáng tác & tác phẩm mới năm 2009” qua tác phẩm “Gốm đỏ”.
Từ một mẩu gỗ thừa
Những người yêu nghệ thuật hội họa lại biết họa sĩ Lương Trường Thọ nổi tiếng với một nghề kinh doanh không tưởng, là từ một mẩu gỗ thừa ông cũng làm thành tác phẩm. Nên có ký giả của báo TT&VH từng đến phỏng vấn hoạ sĩ Lương Trường Thọ về ứng dụng trên.
Vợ chồng HS Lương Trường Thọ |
Trong bài viết có ghi nhận những cảm nghĩ sâu sắc của ông về sự nghiệp như sau :
- Vì là thành viên của các hội mỹ thuật quốc tế nên tôi đã được tham dự khá nhiều cuộc triển lãm chung hay cá nhân, cũng như có tranh trong các sưu tập ở nhiều nước trên thế giới. Tại các cuộc triển lãm đó, tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè trên thế giới từ đó tầm nhìn được mở rộng hơn… Nhưng, không phải đã là hội viên của một tổ chức nghệ thuật nào là cứ yên vị và bằng lòng với mình. Trái lại, người nghệ sĩ khi đó còn phải làm việc nhiều hơn để khẳng định mình. Cụ thể, trong mọi lĩnh vực mỗi người đều phải tìm cho mình một cái gì “riêng” một hướng đi đã vạch với niềm đam mê và làm việc nghiêm túc – sáng tạo – không rập khuôn. Người nghệ sĩ đó phải biết chấp nhận khen – chê, phải luôn làm mới mình – mỗi lần ra mắt phải là một cái gì đó mới mẻ làm cho người thưởng ngoạn thấy được và cảm xúc với những suy tư của mình….
Có câu hỏi được đặt ra khá thú vị :
- Vì cuộc sống mưu sinh mà nghệ thuật chạm khắc gỗ đã đến với họa sĩ. Theo hoạ sĩ đấy là sự ngẫu nhiên hay duyên trời định? Nếu gọi họa sĩ là một ông thợ mộc tài hoa thì họa sĩ thấy thế nào? Bên cạnh đó, người ta nhắc nhiều đến việc họa sĩ đã biết tận dụng những mẩu gỗ thừa để làm nên những tác phẩm nghệ thuật. Và chỉ với những mẩu gỗ thừa ấy tôi nghi ngờ rằng sẽ chẳng bao giờ Lương Trường Thọ nổi tiếng nếu như người họa sĩ này không thổi vào đó tâm hồn của người nghệ sĩ. Khi đó vai trò của người họa sĩ và người thợ mộc nên xếp theo thứ tự nào?
- Tôi đã từng trả lời với nhiều người rằng: Nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng là một mảng lớn trong đời sống nghệ thuật của tôi – chính nó đã là một mảng nội lực thứ 2 để tạo nên một Lương Trường Thọ. Vì thế, hội họa cùng với mỹ nghệ đã giúp tôi có được sự cân bằng trong đời sống tinh thần lẫn vật chất – cả hai lĩnh vực nghệ thuật này đều đầy sáng tạo. Với tôi từ một mẩu gỗ thừa cũng trở thành tác phẩm – nếu chúng ta biết đưa vào nó một cái gì đó như các bạn đã nói “thổi hồn” – nó trở nên sinh động – nghệ thuật… Và tất nhiên chưa khi nào tôi phân biệt Họa sĩ hay thợ điêu khắc, bởi tôi nghĩ với Lương Trường Thọ cả 2 cái là 1 để đi đến mục tiêu tiến lên trên đường Nghệ thuật. Dù biết chắc cái đích cái đỉnh cao ấy cả đời mình cũng chưa bao giờ đến nổi – nhưng đó chính là cái để mình phải nghĩ tới và đi, đi tới không cảm thấy mệt mỏi – vì đường còn xa…
Họa sĩ của trường phái tranh trừu tượng
… Tôi đã vẽ tranh từ năm 1964 và đã trải qua đủ mọi thể loại – mọi chất liệu – nên như đã nói – mỗi chặng đường nghệ thuật là có 1 điểm đến – hiện nay tôi đang rất hào hứng với “trừu tượng” và xin thưa hiện nay Việt Nam ta có rất nhiều người hiểu tranh trừu tượng rất tốt rất có chiều sâu. Tôi không ngại có nhiều hay ít người thích tranh trừu tượng bởi nó là một hiện thực trong lịch sử hội họa đương đại. Cũng giống như những trường phái khác khi mới xuất hiện thường ít được đón nhận ngay mà phải trải qua 1 quá trình. Tôi thấy rằng, tranh “trừu tượng” ở Việt Nam đâu phải là mới lắm…, đúng không? Có lẽ vì thế, lâu nay những người thưởng thức nghệ thuật biết Lương Trường Thọ là họa sĩ nhiều hơn để rồi có nhiều người ngạc nhiên khi biết tôi còn là người làm gỗ mỹ nghệ…. (trích bài của Miên Thảo trên báo TT&VH)
Nói về vẽ tranh trừu tượng của họa sĩ Lương Trường Thọ, ông có viết trong cuốn “Bến Tâm Hồn” một hợp tuyển thơ – nhạc – họa mang chủ đề “Một thời Sài Gòn”, đã giải thích nội dung trong các sáng tác phẩm như sau :
- “Cái đep theo tôi phải là cái làm người ta thích thú, cảm thụ được, mang đến cảm xúc mới mẻ và gần gũi với ta. Đó chính là cái hồn là sự hòa trộn của sắc màu và rung động nghệ thuật.
“Tranh của tôi là một thế giới riêng của sự hồi nhớ, của những suy tưởng và cả những cảm nhận rất gần, mang tính cách tân qua một tâm hồn Việt – Nón lá, áo dài, bóng dáng sương khói của người thiếu nữ, biển cả núi sông, đều trong trẻo, an lành, mang một chút bí ẩn…
“Hội họa là người bạn đồng hành trong cõi riêng đầy màu sắc và tâm linh của tôi. Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ nó. Tôi thích sự thơ ngây, hồn nhiên, thích khám phá những bí ẩn trong tâm hồn và sự vật chung quanh trên tấm toan màu trắng bằng những hoa sắc của riêng mình…”
Còn nhà thơ nhà báo Thiên Hà đã viết về họa sĩ Lương Trường Thọ :
SẮC MÀU KHÔNG GIAN,
ĐƯỜNG CỌ XUYÊN BIÊN GIỚI
Điều không ai có thể ngờ tới đã trở thành hiện thực trong giới Hội Họa Việt Nam. Đó là vào ngày 23 tháng Bảy năm 2009 tại Hoa Kỳ, Tổ chức Mỹ thuật Thế giới (World Art Foundation) đã công bố kết nạp thành viên mới là họa sĩ Sài Gòn – Lương Trường Thọ. Một vinh dự lớn không chỉ đối với giới cầm cọ Việt Nam mà cả giới cầm cọ Đông Nam Á cũng đáng hãnh diện. Bởi lẽ từ trước tới nay chưa có một họa sĩ Châu Á nào đứng chân trong World Art Foundation (WAF).
Không phải ngẫu nhiên mà người họa sĩ da vàng Việt Nam được sinh ra tại thành phố biển Nha Trang, lớn lên học hành tử tế, sống và làm việc giữa Sài Gòn nghiễm nhiên được công nhận là Hội viên WAF. Có thể coi đây là điều khá bất ngờ không tưởng đối với họa sĩ Lương Trường Thọ nhưng, là một bất ngờ thú vị.
Là một người yêu và đam mê sắc màu, biết cầm cọ, cầm bay hoạt động hội họa suốt dọc chiều dài 42 năm, có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao qua các kỳ triển lãm trong nước và quốc tế, bộn lần tại Thái Lan, Singapore, Hamburg – Đức, Mỹ, Seoul – Hàn Quốc… từ 1970 đến nay; cũng như anh có khá nhiều tranh trong những gallery, trong các bộ sưu tập khắp nơi trên thế giới như CHLB Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… nên có rất nhiều người biết đến, ngưỡng mộ cũng là điều dễ hiểu.
Tự thân Lương Trường Thọ đã khẳng định được khả năng, thế đứng của một họa sĩ trong cõi sắc màu. Tranh anh là một thế giới riêng của sự hồi nhớ, suy tưởng, cảm nhận, rất gần trong nỗi vắng xa, mang tính cách tân qua một tâm hồn Việt Nón lá, áo dài, bóng dáng khói sương của người thiếu nữ, biển cả, núi sông, ruộng đồng đều trong trẻo an lành mang một chút bí ẩn… riêng tư. Đó chính là cái hồn, là sự hòa trộn của màu sắc và rung động nghệ thuật.
Họa sĩ Lương Trường Thọ là một trong ba mươi Master Artist được WAF chọn tham dự triển lãm mùa Đông qua 10 thành phố tại Hoa Kỳ từ ngày 17-10-2009 đến giữa năm 2010. WAF cũng đã tuyển chọn hai họa phẩm của anh dự triển lãm: “Vòng Tay Âu Yếm” (Hustler) sơn dầu 122x92cm và “Mộng Điệp” (Deep Enchanted Dream) sơn dầu 120x100cm (tranh bìa hợp tuyển Bến Tâm Hồn 2 “Một Thời Sài Gòn” đã phát hành tháng 09-2009).
Thiết nghĩ Lương Trường Thọ là một họa sĩ sắc màu vượt không gian, đường cọ xuyên biên giới không là điều ngẫu nhiên.
tranh Lương Trường Thọ |
Lương Trường Thọ trong chuyến Mỹ du
Trở thành hội viên chính thức, hoạ sĩ Lương Trường Thọ là 1 trong 30 hoạ sĩ trên thế giới được mời tham dự một tour triển lãm hội họa vòng quanh nước Mỹ, gồm 10 thành phố lớn trên lãnh thổ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, do Hội Mỹ Thuật Thế Giới (World Art Foundation – WAF) tổ chức (nơi đã kết nạp ông làm hội viên). Và họa sĩ Lương Trường Thọ mới về nước hồi đầu tháng 12/2009 cho biết, kể từ tháng 9 đến khi ông về nước, WAF tổ chức được 3 cuộc triển lãm, vì vậy tối mùng 4 tết Canh Dần tới đây ông sẽ phải tiếp tục bay sang Mỹ tham dự tiếp các cuộc triển lãm còn lại.
WAF được sáng lập bởi Jojo Marengo, chủ nhiệm của 21 tạp chí nghệ thuật và lối sống xuất bản tại California. Ông còn là người tổ chức hội chợ nghệ thuật World Art Expo California 2009 với sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ tạo hình.
Còn mục đích cuộc triển lãm lưu động qua 10 thành phố Hoa Kỳ trong thời gian qua và sắp tới, là nhằm giới thiệu 30 thành viên mới vừa được kết nạp vào WAF trong năm 2009 trong đó có hoạ sĩ Lương Trường Thọ (Việt Nam) là người châu Á duy nhất, và ở cấp độ master, nổi bật trong số hàng ngàn hoạ sĩ trên khắp thế giới đăng ký xin gia gia nhập vào WAF (theo thông tin đăng trên tạp chí của Hội Mỹ Thuật thế Giới, mỗi ngày có cả hàng trăm đơn xin gia nhập, khi hội viên của WAF hiện đang ở con số 50.000 hoạ sĩ).
WAF giới thiệu các tác phẩm hội hoạ đến báo giới và người hâm mộ môn nghệ thuật này ở các đô thị quan trọng tại Hoa Kỳ; nói cách khác tác phẩm của các hoạ sĩ vừa được kết nạp sẽ được đưa đến trưng bày tại những gallery lớn có uy tín nhất ở Mỹ.
Trong các cuộc triển lãm vừa qua, tác phẩm Mộng Điệp của ông được đánh giá cao, chính ông Jojo Marengo luôn đứng ra giới thiệu bức tranh nói trên cùng hoạ sĩ Lương Trường Thọ trước các cuộc họp báo giới thiệu buổi triển lãm. Quả là tin mừng cho một hoạ sĩ duy nhất của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Nguyễn Việt