văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, May 2, 2011

THANH THƯƠNG HOÀNG * Đào Hải Triều Với 40 Năm màu Sắc

Đào Hải Triều - triển lãm

Trong lần triển lãm của họa sĩ Đào Hải Triều năm 2009 tại Paradise Art Gallery, thấy mấy bức tranh được kết hợp một vài miếng bố (bao tải) dán, những tảng mầu sơn dầu, sơn thường, những đường nét ngoằn ngoèo, chi chít đủ sắc xanh tím đỏ vàng đen giăng mắc phủ đầy khung vải, tạo thành tác phẩm hội họa đã làm tôi chú ý. Đó là những bức “Cơn Lốc”, “Đêm Vỡ”, “Lời Nhắn Gọi”, “Tư Duy Đêm”…Rồi liền đó là những cánh cửa sổ bằng gỗ, tác giả đã “phả” mầu sắc vào “biến” thành họa phẩm. Chưa hết. Tiếp tới là những hòn đá, những phiến đá lớn nhỏ đủ hình thù. Hình như với Đào Hải Triều bất cứ vật gì, dù tầm thường, đến với ông đều trở thành nghệ thuật? Thú thật tôi chỉ cảm thấy thích thú về bố cục mới lạ và mầu sắc, còn “nội dung” chứa đựng thì rất lơ mơ. Tất cả đã tạo cho tôi sự tò mò muốn tìm hiểu. 
 
Tình cờ, trong buổi triển lãm tranh của bác sĩ họa sĩ Võ Tá Đồng cuối tháng vừa qua tại Trung tâm Vivo, tôi gặp họa sĩ Đào Hải Triều tới xem tranh. Thế là một cuộc chuyện trò trao đổi diễn ra quanh đề tài, quan điểm về hội họa và sự cấu thành những bức tranh kể trên cũng như toàn bộ tác phẩm của ông.

Trước hết, họa sĩ “giãi bầy” lòng mình như sau: “Hội họa đối với tôi như cơm, như áo, như khí trời không thể thiếu. Hội họa là nguồn cảm hứng, là hạnh phúc, là ước mơ mà tôi đã và đang theo đuổi trong suốt cuộc đời.”

Tôi thật bất ngờ khi biết Đào Hải Triều theo “nghiệp họa” từ 40 năm trước – năm 1970. Lần triển lãm đầu tiên của ông là năm 1973 tại Đà Nẵng. Và ông đã “đem chuông đi đấm xứ người” vào năm 1987 tại Phillippines. Trong 40 năm ông đã có 24 cuộc triển lãm, đó là chưa kể cuộc triển lãm “lớn nhất, đánh dấu một giai đoạn 40 năm trong hội họa” – theo ông – sắp diễn ra nay mai tại San Jose. Ông cho rằng những sáng tác của mình “là những hội tụ của bao trăn trở, ước mơ, đã được thăng hoa trong những khoảnh khắc vĩnh hằng trước khung vải mà tôi đã từng bắt gặp”.

Có thể nói thế giới của Đào Hải Triều là thế giới của mầu sắc, của hình tượng, của trừu tượng, của lập thể, của sáng tạo, của khai phá và ông đã đắm mình trong “cõi” này 40 năm nay. 40 năm trong thế giới hội họa thật chẳng là bao nhưng với đời người là một chặng đường dài thăm thẳm (gần 2/3 cuộc đời!) Nhưng với 500 bức tranh, 200 phiến đá lớn nhỏ – gọi là “thạch họa”- và ngót trăm tượng điêu khắc bằng xi măng là một “thành quả” xứng đáng ca ngợi.
Không như suy nghĩ đơn giản của tôi về “thạch họa”. Họa sĩ nói đó là cả một công trình khi “biến” đá thành “họa”, biến một vật “trơ như đá” vô cảm thành một phiến đá có hồn.Trước hết là đi tìm kiếm đá ở những chỗ bán vật liệu xây dựng. Những hòn đá, phiến đá được nhập từ Đài Loan, Ấn Độ, Trung quốc, Nam Mỹ và Hoa Kỳ. Phải săm soi, phải lục lọi, bươi tìm trong đống đá khổng lồ. Có khi cả ngày mất công tìm chẳng kiếm được một hòn đá nhỏ. Lại còn phải “định thần” xem đá “có duyên” với mình không. Sau khi đá được mua đem về rửa thật sạch, có lúc phải ngâm nước một, hai ngày. Rồi phơi khô để đá trở lại mầu nguyên thủy và cứ thế họa sĩ ngồi, bất kể giờ giấc đêm ngày ngắm đá, để suy tư, để “nói chuyện” với đá cho tới khi hồn đá nhập tâm với người. Nhiều cuộc “nói chuyện” giữa người với đá mất cả tháng trời mới biết được đá “nói” gì, muốn gì. Sau đó người và đá thông cảm, hiểu nhau và một phiến “thạch họa” ra đời. Tác giả không dùng mầu vẽ hay viết lên đá mà chỉ “tô” thêm vào cái (hình thù) đá đã có sẵn, giúp đá “khai triển” điều đá muốn “nói” và đánh thức hồn đá, phát tiếng nói “vô thanh”(với người) hoặc phô bầy những nét hoa văn tuyệt mỹ cho đời thưởng ngoạn. (Viết tới đây tôi chợt nhớ hơn nửa thế kỷ trước nhà thơ Hà Huyền Chi đã hỏi chuyện đá: “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời”).

Nghe họa sĩ “giãi bầy” tôi bất ngờ nổi hứng muốn tới “khu vườn nghệ thuật” của ông để hỏi chuyện đá.

Trước mặt tôi là cả trăm phiến “thạch họa” được trưng bầy hài hòa lớp lang trong khu vườn nhỏ. (Cũng nên viết ra đây là “thạch họa” khác với “thạch pháp”- viết chữ lên đá – người Trung Hoa và người Việt vẫn làm). Phải chăng Đào Hải Triều là người đầu tiên mở đường, khai phá môn “thạch họa”?

                            

Thạch họa “Mẹ Thiên Nhiên” với 5 phiến đá sắp xếp lên một nền xanh đậm (tượng trưng đất với ruộng đồng, sông biển, núi rừng) và trên cao là một mầu xanh lơ mênh mông (tượng trưng bầu trời). Còn mảnh đá lớn nhất mầu xám nhạt có hình dáng mặt người (tự có) với đầy đủ mắt mũi miệng (tượng trưng người) .Thế là đủ cả Đất, Trời, Người, Âm Dương hòa hợp trong vũ trụ bao la bát ngát, tràn đầy sự sống và hy vọng tốt lành. Ngoài ra, năm phiến đá được sắp xếp phải chăng tượng trưng cho ngũ hành (kim mộc thủy hỏa thổ) ?. Tác giả chỉ điểm xuyết vài nét mầu đỏ, đen lên đá để làm nổi bật những cái đá đã tự có. Và qua những phút lặng ngắm, những phiến thạch họa đã “nói” với tôi rất nhiều điều mà ngôn ngữ không thể diễn tả. Phải nhìn nhận đây là những tác phẩm tác giả gửi gấm cả tấm lòng của mình với thiên nhiên, với con người, với nghệ thuật. Thật tuyệt vời! Còn quá nhiều điều để viết, để tả về thạch họa nhưng với một bài báo, rất tiếc tôi không thể làm như ý muốn.
Bây giờ xin bước sang phần “họ hàng” với thạch họa là điêu khắc, được trưng bầy liền bên. Thông thường các điêu khắc gia đục đẽo khắc tượng trên đá hoặc đúc khuôn rồi đổ đồng hay đổ thạch cao. Nhưng với Đào Hải Triều, ông lại làm bằng xi măng. Sau khi pha trộn nước nhào nặn xi măng cho nhuần nhuyễn rồi trong thời gian sáng tạo nhất định, khoảng từ 10 tới 13 tiếng đồng hồ, phải hoàn tất việc nặn tượng (vì sau đó xi măng cứng lại không làm được nữa). Mỗi khối xi măng chỉ tạo một pho tượng. Tạo tượng xong là công việc tô mầu để “biến” tượng thành một “sinh vật”. Đào Hải Triều nói ông rất thích thú công việc này, tuy vất vả nhưng “đã làm được điều mình muốn và hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định”. Tôi rất thích những tấm “Thời Gian Và Người Nghệ Sĩ”, “Suy Tư 2 và Suy Tư 3”, “Thao Thức”, “Vũ Khúc”, “Những Khuôn Mặt”. Đó là những bức tượng sống “nói” với chúng ta rất nhiều điều. 
 
Sau khi đi một vòng “thăm” các bức tượng điêu khắc, họa sĩ mời vào phòng tranh của ông để “thưởng thức” những bức họa ông mới sáng tác và sẽ đem triển lãm nay mai. Tôi đang đứng giữa một rừng sắc mầu rực rỡ của mấy chục bức tranh. Tôi đã dừng lại rất lâu trước bức tranh đồ sộ “Hành Trình Ngàn Năm” (gồm 3 tấm ghép lại khổ 30×120) “nói” về cuộc hành trình dựng nước, mở nước từ thuở ban sơ tới ngày nay của dân tộc chúng ta. Thoạt nhìn thấy như con Rồng uốn khúc vươn lên. Mầu xanh lơ trên cao là biểu trưng sông núi biển trời. Giữa là mầu hồng với hàng hàng lớp lớp người qua các thế hệ (dựng nước và giữ nước). Dưới cùng là mầu tím nhạt rồi chuyển sang mầu tím đen tượng trưng cho hồn đất, đồng thời cũng là hình hài, xương máu chất chồng của những người đã nằm xuống để tổ quốc tồn sinh.
Đào Hải Triều bảo ông rất tâm đắc với hai bức “Chân Dung Tự Họa” và “Nàng Nghệ Thuật”. Hai bức này nói lên nỗi lòng của người họa sĩ muốn đem tất cả sự sáng tạo của mình làm đẹp cho đời, điểm trang cho cuộc sống con người. Thú thật xem tranh Đào Hải Triều tôi chỉ cảm thấy đẹp, lạ, đầy sáng tạo nghệ thuật nhưng chưa thẩm thấu tận cùng thông điệp mà họa sĩ muốn gửi gấm cho người đương thời cũng như mai hậu. Ông muốn “thâu” cái đẹp của người, của đời, cái huy hoàng vĩ đại của đất trời vào trong tranh, đồng thời phát triển thêm cái đẹp để “nó” trở thành bất tử. Tôi cũng thấy nơi họa sĩ Đào Hải Triều một sự tưởng tượng phong phú, sáng tạo dồi dào, không ngưng nghỉ khai phá, mở đường. Ông muốn phơi bầy tất cả suy nghĩ, ước vọng của mình với đời. Có một sự “nổi loạn” giằng co tranh chấp trong ông giữa cái tối và cái sáng của đời. Và như ta thấy, cái sáng đã thắng. Mầu xanh mầu đỏ nhiều hơn mầu đen mầu tím. Tôi rất yêu những bức họa ngày truớc (lúc mới vào nghiệp) của Đào Hải Triều. Ông đã dùng mầu xanh huyền hoặc thanh thoát nhẹ nhàng, phảng phất “chất” liêu trai khi vẽ những người đẹp. Rất tiếc bây giờ không thấy họa sĩ sáng tác những họa phẩm như thế nữa!

Bài viết đã hơi dài, mặc dầu tôi còn muốn viết nhiều nữa nhưng tôi biết ngày mai, thứ Bẩy 16.10 2010, họa sĩ Đào Hải Triều mở cuộc triển lãm lớn trong 3 tuần lễ liền tại 1345 The Alameda, San Jose. Vậy tôi xin ngừng ở đây, dành phần quý bạn đọc tới dự để xem và để nghe những tác phẩm của Đào Hải Triều chuyện trò với chúng ta. Nền hội họa Thung Lũng Hoa Vàng thời gian này có vẻ khởi sắc. Sau triển lãm Võ Tá Đồng tới triển lãm Đào Hải Triều. Rồi tiếp theo là ai nữa đây? 

Thanh Thương Hoàng