tranh Nguyễn Văn Bảy |
Khác mấy năm trước, năm nay quán phở Ly Hương ế hẳn dẫu vào mùa lạnh. Trước có tuần quán mở đủ bảy ngày, nay lắm khi nghỉ đến hai ngày. Những ngày nghỉ như thế, ngoài việc sổ sách, thu dọn thông thường, Tuệ chỉ còn cái thú đánh cờ.
Hôm nay đầu tuần quán lại mở. Tuệ ngồi sau quầy liếc qua tờ báo. Mẩu tin Trung cộng làm tới trong vịnh Bắc Việt không ngờ tụ nơi óc hắn hơi lâu. Chẳng biết ván cờ này sẽ đi tới đâu, hắn ơ hờ tự hỏi. Mà mình có yêu nước không cà? Ồ, đã bao lâu có bao giờ óc hắn lại nảy ra một câu hỏi lạ lùng như thế? Hắn không lưu tâm đến đất nước như những người khác, mang sự hiểu biết sâu xa rằng mỗi người là một con ốc của toàn thể bộ máy làm nên lịch sử, và khi vì lý do nào một phần bộ máy lịch sử đổ xuống, những con ốc văng ra, thì hắn tự khiêm tốn thấy mình chỉ là một con ốc an phận, không có được cái đau buốt và tủi hờn thống thiết như những con ốc khác. Có thể hắn cũng yêu nước nhưng giản dị hơn, nếu không thế chắc hắn đã bị thằng Sếnh thuyết phục, đặt cho quán phở một cái tên gì đó vui vẻ hơn, hứa hẹn hơn, lạc quan hơn ngay từ buổi đầu.
Tuệ gấp tờ báo với chút thoải mái thấy mình còn nhớ đất nước có chán vạn những Phù Đổng Thiên Vương.
Tuệ nhìn qua dãy bàn vắng. Cửa kính chạy hết mặt tiền. Tháng Mười mặt trời lặn sớm mọc sớm. Ngồi trong quán hắn có thể thấy đường Valley đã nhuộm một màu nắng mù mù. Xa xa dưới chân đồi, góc mặt, một vệt siêu lộ 710 uốn cong trông giống cái lưng rắn đầy lân tinh. Xa hơn tí nữa một tảng Los Angeles với nhà cửa như tổ chim leo núi. Hắn thu tầm nhìn lại. Những cửa tiệm bên kia đường còn treo bảng “Closed” gợi cho hắn một cảm giác yên tâm vô cớ. Hắn ngó ngang bắt gặp chính mình trong tấm gương lớn, gắn trên vách, gần chỗ thu tiền mà Ái Hoa vẫn ngồi. Đôi vai hắn như sụm xuống trên tấm thân kềnh càng mệt mỏi. Khuôn mặt chỉ là chỗ ứ đọng của một chuỗi thời gian thiếu nắng. Hắn buột miệng hỏi bạn:
“Chịu sự vô ơn nhất là những thằng bán quán, mày đồng ý chứ?”
Sếnh - thằng bạn trẻ hơn Tuệ đến gần con giáp - đang tẩn mẩn, chăm chỉ đổ tương ớt từ một bình lớn sang những lọ nhỏ. Dáng dấp nó gầy còm, chịu đựng. Đôi bàn tay nó xương xẩu, luôn luôn bị cánh tay áo quá dài tụt xuống quấy nhiễu. Thỉnh thoảng nó ngửa cổ ra sau, gồng mạnh, nghe những khớp xương kêu như lươn tuốt. Sếnh vẫn yên lặng.
“Mày đồng ý chứ?” Tuệ lập lại và sẵn tờ báo hắn đập một cái bốp trên mặt quầy, chửi: “Mả cha cái chung cư. Tàu tiến đến đâu ruồi bâu đến đấy!”
“Ừ há, đồng ý đó, khi không lại nhiều ruồi. Mà có ruồi là có nhiều người.”
Tuệ nhìn Sếnh. Hắn có cảm tưởng bạn hắn đưa lộn gói thuốc lá cho một khách hàng muốn một ly nước đá.
Hắn cằn nhằn:
“Tao đang nói tụi mình là những thằng bạc phước!”
“Tui chống gì hia? Ừa, mình bạc phước.”
“Lớp này qua đi lớp khác đến. Họ được phục vụ những tô phở thơm ngon và tình cảm sau đó chết lạnh lùng theo đồng típ vứt lại. Hết, không còn gì, không đứa nào còn nhớ đến mình!”
“Từ sáng có mấy trự sao gọi lớp lớp? Và tui cũng không thấy tiền típ.”
“Thì tao đã bảo không đứa nào nhớ đến mình!”
Sếnh quơ mạnh hai tay, la làng:
“Ruồi tăng viện. Nhưng đừng đập. Có nhiều ruồi là có nhiều người. Đóng cái cửa sau lại thôi hia!”
Tuệ lười biếng tụt khỏi chiếc ghế cao. Hắn ra sau đứng nhìn bãi đậu xe hoang vắng như cái nghĩa địa. Mặt trời u ám nhìn xuống những bờ cỏ bị sương muối nhuộm úa. Một hàng rào sắt dựng ngay sau quán phở. Cứ nhìn dãy hàng rào hắn lại đau. Hắn không trốn được cảm giác nó tựa một nhát dao phay thô bạo, chém đứt phần đuôi đẹp đẽ và cần thiết của một con công là quán phở của hắn.
Bốn năm trước Tuệ và Sếnh xuất ra hơn bốn chục ngàn sang quán phở này. Thật là bực, lão luật sư đồng hương làm ăn như thế! Chẳng biết lão có thực thông tiếng Anh không, hay ẩu, mà sau khi tham khảo giấy tờ đã bảo hắn “Ký được rồi!” Thế là ký. Nhưng chỉ tháng sau quán phở đã ký cái hợp đồng năm năm của hắn mang đại hoạ. Lão Wilson có bộ mặt to như cái rế nhuộm phẩm, chủ cửa tiệm bán bàn ghế ế ẩm ngay cạnh kêu luật sư của lão tống đạt cho quán phở một thông báo, xác nhận bãi đậu xe phía sau là thuộc quyền sử dụng của tiệm Wilsons Furniture, không phải của quán phở. Thằng Sếnh xem xong tờ thông báo với lời đe doạ kiện tụng gào lên như cha mẹ trúng phong. Thế là quán phở chỉ còn tí lề đường làm chỗ đậu xe cho khách. Mở quán ở Mỹ như vậy là từ bệnh xá ra bệnh viện, từ nhà xác ra nhà quàn. Nhưng phép lạ nào đã giúp quán Ly Hương sống gần hết cái hợp đồng? Hắn mơ ước một phép lạ thứ hai cho hắn thu về số vốn đời. Hắn thở dài, nhìn trời mây như chờ bàn tay một đấng vô hình sẽ thò xuống lôi gánh nặng này khỏi vai hắn.
Tuệ đóng sập cửa lại khi mắt đập vào mấy dãy chung cư. Hắn như thấy trước mắt một khu gia cư đầy những thùng rác tràn ra ngoài và ruồi bâu như rải đậu đen. Những tên đàn ông mặc áo thun lá phô cái bụng to như đứa chết trương, mồm đầy mỡ béo; và những mụ đàn bà mặc áo nhiều khuy, tóc cắt ngang mang tai, mặt dèn dẹt, mắt xênh xếch với cái mồm chỉ quen nhổ bậy. Đôi ba năm trước mấy dãy ấy còn đầy Mỹ, Mễ, giờ toàn đầu đen; mà lũ đầu đen mới này không biết phở, chỉ biết hủ tíu, hoằn thắn mì. Họ là đám Tàu Hương Cảng, đã bán xới mọi thứ chạy lấy người. Họ nối nhau tấp vào vùng này từ những năm 79, 80, và đến nay mức độ vẫn tiếp tục gia tăng để biến miền đông Los Angeles thành một phố Tàu thứ hai, có thể xoá mờ hình bóng phố Tàu cũ mà từ quán phở chạy về hướng Tây mươi phút xe là tới.
Những năm đầu thập niên 80 người Tàu Chợ Lớn và đồng hương của Tuệ còn tung hoành vùng này. Đến nay thì dọc những đường cái như Main, Valley, Garvey, chạy suốt qua các thành phố Alhambra, Monterey Park, San Gabriel, El Monte..., các dịch vụ, nhà cửa gần như đều nằm dưới sự khống chế của người Tàu Hương Cảng và Đài Loan. Người Việt chạy làng. Những đồng minh không ký kết của hắn giờ còn sót lại vài chị làm móng tay, sửa quần áo; vài anh bác sĩ, luật sư; vài tờ báo Việt ngữ và lũ bán phở như hắn.
“Chắc mình chết, chết đứ đừ!”
“Tui ghét ai nói chết. Bộ hia không thắng tui hoài bằng cái nước thí xe đó sao? Sống chớ, phải sống chớ!”
“Thì mày sống mình mày.”
“Không có hia tui sống với ai?”
“Thật hay giỡn đó mày, Sếnh?”
“Thiệt đó.”
“Vậy mày phải biết lo cái lo của tao chứ!”
“Bộ bốn năm qua tui bỏ chạy sao hia?”
“Ê mày, bộ sống hôm qua là sẽ sống ngày mai sao mày?”
“Hồi nẳm mình sang cái này, bộ hia có nghĩ mình sống tới giờ? Mình chiếu nhiều thằng cũng bí thấy ông thấy bà.”
“Lúc đó khác, giờ khác.”
“Trời, hia làm như ngày mai nước Mỹ biến thành nước Mễ!”
“Nhưng cái chỗ này biến thành nước Tàu, mày hiểu không; thành nước Tàu là tao với mày treo mồm ra sau gáy!”
“Sao hia kỳ thị chủng tộc quá trời trời. Bộ mình không là người Tàu sao hia?”
Tuệ nén cơn sùng trong bụng. Có bóng người chập chờn phía trước.
“Dám có khách đấy mày, Sếnh!”
“Khách vô mình hầu, lo chi.”
Cánh cửa trước hé mở. Một khuôn mặt đen như nhọ nồi thò vào một nửa, e dè.
Sếnh la:
“Đ.m. không có gì hết! Hôm nay không có gì hết!”
Tuệ nạt ngang:
“Kệ nó mày.” Và hắn ngoắc: “Jack, vào đây, Jack!”
Tên Mỹ đen đã lọt qua cửa, phô trọn cái chân dung râu ria, đen đủi và rách như tổ đỉa của một tên vô gia cư.
“Chào ông chủ!” Gã lễ phép nói.
Sếnh thấy lúc này thái độ bất can thiệp là khôn ngoan hơn cả. Nó lẳng lặng trở lại với công việc và ý nghĩ Tuệ là một thằng điên chập chờn trong đầu. Giả điên, đúng thế, giả sắp hoá điên!
Tuệ hỏi:
“Cà phê chứ, Jack?”
“Dạ thôi, cám ơn ông chủ.”
“Vậy mày cần gì?”
“Tìm ra thằng ném đá vỡ kính xe ông rồi.”
“À, ai?”
“Con ông tiệm mì Lees bên kia đường.”
“Sao mày biết?”
“Tụi nó nói với nhau, tụi nhỏ ấy mà.”
“Vậy tao làm gì được?”
“Dạ, không làm gì được. Mấy thằng nhỏ nghịch ngợm. Ông không làm gì được.”
“Tao sẽ sang nói với cha nó!”
“Ông không có bằng chứng, ông chủ.”
“Vậy tao làm sao?”
“Tôi sẽ canh chừng cái xe cho ông.”
“Mày ăn gì không?”
“Hôm nay thì không, ông chủ. Nhưng nếu có một điếu thuốc...”
Tên Mỹ đen rón rén rút lui sau khi nhận một điếu thuốc của Tuệ.
Thằng Sếnh la lên:
“Mỗi khi nó vô hôi lây mọi thứ. Mùa nóng mười phút mùa lạnh hai mươi phút.”
Tuệ phát chửi thề:
“Đ.m. không có nó chưa chừng mình đã không sống mà giạt đến đây.”
“Hia thiệt kỳ. Thằng homeless...”
“Nhưng nó là chiến hữu của tao. Lính sư đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ đó mày!”
“Không làm ăn gì, chỉ ăn cắp, phi bạch phiến.”
“Kệ nó. Nước Mỹ phản nó nó có quyền bôi nhọ nước Mỹ. Mà sao mày không nghĩ mày đã chiếm một chỗ của nó ở đây? Mày kỳ thị quá trời. Tao yêu được mọi thứ. Tao chỉ ghét kỳ thị.”
“Hia không chửi người Tàu đó sao? Mình cũng là người Tàu mà.”
“Im mồm mày. Tao là người Việt, tao không phải người Tàu, đồ ngu!”
“Người ta nói người Việt cũng từ nước Tàu đi xuống...”
“Rồi mày sang tới đây mày là người Mỹ?”
“À há, nhưng sao hia ghét người Tàu?”
“Tao đâu ghét người Tàu mày. Nhưng để họ xáp tới gần thì tao cũng chết mà mày cũng hết thở!”
“Chậc chậc, không hiểu gì.”
“Thôi im đi, không hiểu thì im đi.”
“Nhưng sao hia thương tui?”
“Chà, mày nói nghe bảnh. Sao mày biết tao thương mày?”
“Hia đỡ đần tui bên đảo. Sang đây hia điệu tui từ Minnesota về sống với hia. Hia rủ tui làm đủ thứ nghề. Vốn tui chút xíu xìu xiu hia vẫn cho tui hùn hạp mở quán. Tiền bạc hia giao tui chi. Bộ không thương mà vậy sao hia?”
“Mày đẻ ở đâu vậy mày?”
“Bạc Liêu.”
“Hồi đó mày ăn gạo Quảng Đông hay Quảng Tây há?”
“Giỡn hoài, xứ Bạc Liêu tui... Mà hia hỏi chi vậy?”
“Thì mày đẻ ở nước tao, mày ăn gạo nước tao, mày nói tiếng nước tao, ông bà mày chết chôn trên đất nước tao; vậy mày muốn tao coi mày là người Việt, hay coi mày là người Tàu Minh Hương?”
“Hia phức tạp quá xá trời!”
“Nhưng mày chưa trả lời tao.”
“Thì người Việt.”
“Vậy đó. Vì sao tao sống với mày là vậy đó!”
“Không hiểu gì.”
“Thôi, im đi nếu mày không hiểu, nhưng tao cấm mày không được nói người Việt là người Tàu. Mày nói lần nữa tao với mày bể gánh.”
Im một lát, Sếnh lại hỏi:
“Mà sao lóng rày Ái Hoa nó không gọi tới cà, không dứt khoát gì vậy cà?”
“Cho nó đi luôn!”
“Hia lúc này sao đó, nóng quá xá cỡ. Ái Hoa nó điệu quá xá trời. Nó chăm chỉ, sòng phẳng. Và hia... hề hề... Nó cũng người Tàu.”
Tuệ im lặng. Nói “cho nó đi luôn” là nói bảnh đấy thôi. Hắn đang nghĩ tới Ái Hoa với chút ngổn ngang của tình cảm. Hắn không rõ mình giận hay ghét, cần hay không cần Ái Hoa; và cũng không dứt khoát được hành động nào phải có nếu tình cảm ấy đã phân định xong.
Hai năm trước Ái Hoa đến xin việc. Lúc ấy quán của Tuệ còn khá lắm, vì trong vùng phở hắn ngon, lại chưa có sự cạnh tranh ráo riết của những quán phở đồng hương. Ái Hoa làm thu ngân viên kiêm quảng cáo viên. Nàng lôi được bộn đám Tàu Chợ Lớn đến quán và dạy cho họ cách mê phở.
tranh Lương Trường Thọ |
Ái Hoa không đẹp nhưng lẳng, phải nói thế. Cô nàng hay diện đầm ngắn và thằng Sếnh từng cam đoan với Tuệ “Ở trỏng thứ thiệt không hà!” Mà thật là thiệt! Sau một thời gian ranh giới chủ thợ biến đi, trừ mấy bà rửa bát bán thời gian không kể, còn Tuệ, Sếnh và Ái Hoa xử với nhau như bộ ba tướng sĩ tượng. (Ai cũng độc thân, không gia đình trên xứ Mỹ, không kéo về sống chung một nhà đã là khó hiểu.) Tiền bạc rủng rỉnh, dại gì Tuệ không nối thêm một tí cho cái lẳng của cô gái hai dòng máu chạy tuốt luôn tới cái giường?
Chiếc giường không phân biệt màu da và hiểu được mọi thứ tiếng. Bên Ái Hoa Tuệ quên hết hình ảnh những mụ xẩm tóc cắt ngắn, mắt xếch, chuyên nhổ bậy. Mùi thơm từ cổ tay tới nách, từ lưng xuống đùi Ái Hoa tẩy hết mùi hôi ở những dãy chung cư lắm ruồi. Ái Hoa có lối chiều chuộng của nhiều phụ nữ tình tứ gộp lại; có những quằn quại không phải để hắn áy náy lơi tay, mà để hắn hung hãn đi sâu hơn nữa vào một thế giới đầy hoa quả, trong đó hắn hậm hực tiếc mình không có sức ngấu nghiến nhiều hơn.
Trên con đường dẫn tới đỉnh Vu Sơn, mới đầu Tuệ chỉ ngập ngừng dẫn Ái Hoa chui vào một motel để cùng chia sẻ một ngọn lửa bén nóng trong quần áo. Ngọn lửa lâu dần thành đám cháy, nhưng hắn chẳng còn ngại gì khi cần chuyển đám cháy về tận phòng riêng. Lâu nay, vào những ngày nghỉ trong tuần, sau khi tính toán sổ sách và nhân lúc thằng Sếnh kiếm chuyện đi mua thêm gia vị, rau thơm dự trữ, hai đứa đã có phen táo bạo châm luôn ngọn hoả diệm sơn ngay dưới gầm quầy. Họ tốc chiến trước đôi mắt nhắm rịt vì ngượng của lão ông Địa toe toét; và mấy ngọn đèn đỏ lòm trên bàn thờ ba Ông của thằng Sếnh cũng lu hẳn đi, như ngại làm những bậc thần linh chướng mắt.
“Dở quá hà...”
Đứa cháu gái mấy đời của bà Từ Hy thường khi gói ghém lại đồ đạc lẳng lơ chế giễu.
Hắn chống chế:
“Thì đã bảo cuối tuần...”
“Nó... n... g... u... ộ... i...!”
“Cuối tuần nữa nhá?”
“Thiệt... ừa...”
Thế là cái thú thắng cờ tướng thằng Sếnh đã chuyển sang cái say thua cờ người với Ái Hoa. Những lúc nằm gác chân rít thuốc lá hắn ơ hờ nghe Ái Hoa kể chuyện đời, chuyện vì đâu nàng không thiết có một đời sống bình thường. Đã có phen hắn nghi nghi ngờ ngờ. Có cô gái lẳng nào mà lại không có một nguyên do chính đáng để bào chữa? Ái Hoa kể rằng trong chuyến vượt biển nàng kẹt trên hoang đảo, và ở đó biến thành đàn bà.
Tuệ chia sẻ cho có:
“Ồ, bọn Thái khốn kiếp!”
“Không, không phải vậy, không phải Thái Lan. Để Hoa kể cho nghe. Khi ghe chìm, cả nhà Hoa chết ráo, chỉ còn mấy người sống sót tấp vào hoang đảo, Hoa đã bị... củ ruột...”
“Í trời!”
Tuệ “í trời” không hẳn vì sự nghiêm trọng của câu chuyện mà hình như vì tò mò. Đầu hắn lại có dịp dõi theo một tên Tàu có cái bụng thô bỉ, tóc bờm xờm cứng như lông ngựa, có cái mặt tròn nhẵn, đôi mắt ngầu ngầu và hai hàm răng thưa vàng cạch nhựa thuốc phụ hoạ cho tiếng cười khả ố dâm dật.
“Có một ông Việt Nam đã oánh củ bị thương và bảo vệ Hoa lên tới Trengganu. Trước Hoa không ưa người Việt. Chết ạ, ông già oánh chết ạ. Nhưng từ đó thương trai Việt. Ái Hoa có... hư lắm không?”
Tuệ cười bối rối, rồi ỡm ờ:
“Làm tròn bổn phận làm người, sao gọi là hư?”
“Bộ vậy vậy cũng là bổn phận đó hả?”
“Chớ sao không!”
“Vậy là mình làm bổn phận, chữ nghe ngộ ha!”
Nhưng hai tháng trở lại đây không còn gì ngộ nữa. Ái Hoa nghỉ việc thường xuyên. Nàng bỏ mặc luôn ngọn Vu Sơn cho Tuệ độc toạ.
“Chắc là quán ế ẩm, cổ buồn.” Thằng Sếnh thở dài: “Cổ không nỡ lấy trọn tiền típ như mình đã cam kết nữa.”
Sếnh đã làm xong công việc đổ lọ qua chai đổ chai qua lọ, đứng lên, vươn vai, lưng lại kêu rôm rốp như lươn tuốt. Nó bỏ vào trong, tiếp với cái giọng lơ lớ, bâng quơ:
“Không có gì phải lo. Thua ván này mình bày ván khác. Đời là một trận cờ tướng mà hia!”
“Tao sạt nghiệp rồi mày, mệt rồi mày!”
“Nhưng tui còn tiền. Khi nào hia mệt cần tiền đi chơi hia nói tui. Hia giao quán tui làm mình ên. Quán mình phở ngon nhứt vùng đâu chịu thua dễ ợt vậy. Phố Tàu là phố ăn. Ăn cấp quốc tế. Phở hia phải sống hoài hoài nơi đây. Càng mình ên càng dễ sống. Hà, nhưng nhớ đừng có đập ruồi. Quán ăn là phải có ruồi. Không có ruồi là không có người. Người Tàu ở bẩn là vì người Tàu đông người. Đông người quán mới đông. Chủ quán ngồi đập ruồi là dấu không lành. Hia đừng bao giờ đập ruồi. Mấy cái chợ Việt Nam sập tiệm ráo trọi vì treo bẫy ruồi.”
Tuệ bán tín bán nghi những lời khuyên của thằng Sếnh; nhưng dù quán ế, trời lạnh, hắn vẫn thấy lòng ấm áp trước sự mộc mạc trung hậu của thằng Tàu lai. Hắn ngó lung ra ngoài. Một cô gái Á đông lướt qua cửa kính. Hắn đã tin mình có Ái Hoa như một cơn vui.
Triết lý của Sếnh không cứu gỡ được quán Ly Hương, nhất là sau khi sở Vệ Sinh Thành Phố đến thanh tra, đã giáng cấp quán từ hạng A xuống hạng B.
Mỗi khi nhìn tấm biển có chữ B đỏ lòm gắn trên cửa ra vào như luật định Tuệ điên cả ruột. Hắn thù cái màu đỏ, xưa nay vậy. Mà có riêng chi tí màu đỏ trên cửa quán của hắn! Cả thành phố bây giờ đâu cũng thấy những bảng hiệu đỏ, mành cửa đỏ, bàn ghế đỏ... Nơi đây đã thực sự biến thành một phố Tàu và quán phở của hắn giờ bẹp dí như cái chấm than. Cửa hiệu bán bàn ghế của lão Wilson bên phải đã sang tay. Người ta đang trần thiết lại. Mặt tiền được dựng thêm hai cây cột rồng leo rắn lượn cũng đỏ lòm và to như cái cột nhà mồ Mao Trạch Đông. Tấm bảng hiệu đã được kéo lên với hàng chữ Tàu nạm vàng tráng lệ, có phụ chú Anh và Việt ngữ: Hương Cảng Đại Tửu Lầu. Còn cái tiệm sửa quần áo bên trái của một bà đồng hương ít nói như bị câm cũng đã sang tay nốt. Chưa sửa sang gì, nhưng Sếnh mau mắn cho hắn biết lão chủ là một tên Tàu Miên, đang sửa soạn mở một tiệm hủ tíu Nam Vang.
Mỗi khi ra về, đứng trước lề đường nhìn lại toàn bộ quang cảnh, Tuệ chua chát nghĩ quán Ly Hương của hắn giờ như cái nước Việt Nam, bên trên chịu thằng Tàu to tướng đè xuống còn bên dưới có thằng Khmer đỏ sửa soạn ngáng chân! Nhưng vì đâu mình bẹp dí thế này? Hắn bâng khuâng nhớ lại cái thời hắn còn làm nghề chặt thịt trong chợ Việt Phương. Hắn là thợ chính, duy nhất, vì có học đại học cộng đồng một năm, có chứng chỉ nghề xẻ thịt. Hắn lãnh mười đô một giờ với sự chiều chuộng như gì của lão chủ. Nhưng lão chủ chợ Giang Sơn lại điệu hơn, trả đứt mười hai đô; hắn nhảy việc mà không thèm nhìn lại xem Việt Phương sống chết thế nào khi chưa tìm ra một tay thợ khác có nghề như hắn. Mới đây hắn gặp cả hai ông chủ chợ đồng hương trong chợ Hawaii , ngôi chợ Tàu to lớn bậc nhất trong vùng. Hắn đã mơ hồ hiểu ra lý do cái chết của Việt Phương và Giang Sơn. Họ không chết vì treo bẫy ruồi như thằng Sếnh nói.
Bây giờ thì Tuệ chán quá chừng rồi. Thằng Sếnh lúc này xem ra cũng chểnh mảng không còn chăm chút công việc như xưa, xổng là nó tếch với nhiều lý do khác nhau. Tuệ cặm cụi phục vụ một số ít thực khách quen miệng cũng đủ vất vả. Tình hình buộc hắn mới thải thêm một người rửa bát. Quán Ly Hương cứ thế mà teo tóp như kẻ mang vi khuẩn HIV.
Chuyện gì đến đã đến. Một ngày thằng Sếnh đòi thôi, đòi rút cổ phần đi tiểu bang khác. Tuệ nổi điên vì sự phản bội của bạn. Nhưng đây là chuyện hệ trọng. Cái hợp đồng còn một năm và gia sản hắn đã đầu tư vào hết trong này. Đây không phải chuyện chơi, chuyện đùng đùng cho sập tiệm mà xong. Nổi nóng với Sếnh là hỏng hết, là mất cả chì lẫn chài.
Bất ngờ Ái Hoa ghé lại. Cô nàng bây giờ không còn mặc váy ngắn như trước mà mặc đồ lớn. Nàng cũng không còn cái giọng lẳng lơ nữa mà nghiêm chỉnh. Nàng cho biết nàng đã vào làm cho một công sở chi đó trên Los Angeles , và ân cần hỏi thăm tình hình quán phở thế nào. Sau cùng Ái Hoa khuyên hắn sang tay. Nàng có người bác họ sẵn sàng sang lại cái quán. Hắn sẽ được một số tiền, không nhiều nhưng đỡ thiệt. Ái Hoa cũng thú thật nàng nghèo như bao giờ, nếu Tuệ sang quán thì “Hia trút được gánh nặng mà chắc Hoa cũng được đôi ba ngàn tiền thưởng tiêu chơi.” Hắn đã kín đáo dò xét Ái Hoa. Không, một con nhỏ xem thân xác như trò chơi thế kia thì không có cái đầu, không thể có cái đầu. Nó bạ đâu xâu đó. Có vui thì tấp, có tiền thì tiêu; không vui không tiền thì tếch. Nó bịnh!
Tuệ đứng lên và không trả lời dứt khoát. Dù gì hắn phải hỏi ý thằng Sếnh. Thấy Ái Hoa ngồi tần ngần, hắn mở ngăn kéo đưa cho nàng hai trăm, bảo là cầm lấy tiêu. Đó là tổng số tiền típ của nửa tháng qua. Ái Hoa băn khoăn cất tiền vào ví, lí nhí cám ơn.
Ái Hoa bước ra rồi mà hắn vẫn như còn thấy trên khuôn mặt trắng mỏng của nàng một nét ái ngại, quyến luyến. Hắn vui vui với một ý nghĩ bí hiểm trong đầu.
Thế là công lao bốn năm trời của Tuệ đổi lại được mười hai ngàn, chưa bằng phân nửa số tiền chỉ để thiết trí giàn bếp bốn năm về trước. Để sòng phẳng, hắn chia cho Sếnh một phần ba. Lương tâm không cho phép hắn bán rẻ tình nghĩa trung thành của thằng Sếnh. Bao năm lẽo đẽo theo hắn với giấc mộng làm giàu nó cũng khổ như gì. Hắn tin rằng trong những ngày thất nghiệp tới đây ít nhất hắn còn lại thằng bạn hiền hoà. Thằng Sếnh đã dạy hắn đánh cờ tướng, rồi từ đó, gần như thế, luôn luôn nó vất vả với một “kỳ vương” gai góc. Và có thể hắn còn cả Ái Hoa.
Bây giờ mỗi khi có dịp đi qua con phố Tuệ không biết mình vui hay buồn. Quán phở Ly Hương giờ đã đổi bảng hiệu, rành rẽ và minh bạch: Phở Việt Nam .
Sáng nay Tuệ lại đi qua phở Việt Nam . Đứng ngoài hắn vẫn biết được sự tấp nập bên trong, và cũng biết rõ Ái Hoa giờ đang ngồi ghế chủ quán còn Sếnh là đầu bếp chính. Hai đứa đã đầu quân dưới trướng của lão xì thẩu Hương Cảng Đại Tửu Lầu. Đời là thế, có quái gì mà buồn; nhưng tấm biển đỏ, màu cửa đỏ, màn gió đỏ phủ trước phở “Việt Nam” có khơi dậy trong hắn một ý nghĩ làm hắn nổi sùng. Hai đứa Tàu lai thức thời ấy đang pha chế, nhào nặn để biến món phở gia truyền của tổ tiên hắn phục vụ cho đúng khẩu vị người Tàu.
Tuệ cáu tiết đá cái rầm vào chiếc xe của thằng Sếnh đậu bên đường. Một giọng Mỹ lừ nhừ nhưng dữ dằn: “Đ.m. phá xe hả?” Tuệ quay lại. Hắn thấy thằng Jack ngồi thu lu như một đống giẻ rách, nhưng đôi mắt gã thì trợn như một con chó giữ cửa trung thành.
Tuệ cúi đầu bước đi giữa con phố Tàu đầy màu vàng đỏ. Cái mũi giày há họng như muốn nuốt nhanh con đường trước mặt. Hắn vẫn chưa rõ mình vui hay buồn. Hắn dừng chân ngoái lại. Cây cỏ, hàng quán, đường xá, con người, và ngay cả ánh sáng nữa, không thứ gì muốn dây dưa dính dáng tới hắn nơi đây. Tất cả như những khung ảnh trên một đoạn phim chạy vùn vụt ngược chiều, trừ cặp mắt trợn dọc của thằng Jack là vẫn lầm lì bám theo. Hắn nhún vai đi tiếp nhưng thực thì trong lòng vừa bén một nỗi đắng cay. Hắn mím miệng đá cái lon giữa lối vào một góc phố vắng. Một người nào đó trong trạm xe buýt nhìn hắn bằng ánh mắt khác với thằng Jack - bâng quơ, không một chút cảnh giác, dè chừng./.
Hà Thúc Sinh