@ Đinh Cường |
“Kỷ niệm với nhà văn Hồ Trường An”
Trời trong xanh không một chút mây, dù là mây trắng mỏng vương mắc như mọi ngày. Phương đông đã ửng vầng hồng rạng rỡ báo hiệu cho ta biết mặt trời sắp lên. Gió sáng nhè nhẹ vờn lên mái tóc lên da thịt gờn gợn lạnh. Cái lạnh man mát của buổi sáng thu đẹp.
Tuy đã vào chánh mùa thu, tiết trời lành lạnh làm cho cỏ cây hoa lá thay màu đổi sắc. Nhưng những cây ăn trái hai bên đường ở các nhà tư nhân, công sở của vùng nắng ấm California như cây cam đơm trái chín vàng, trái “bom” hay trái táo (apple) trở màu hồng, màu tím. Trái hồng giòn, hồng mềm màu vàng cam nõn nà phơi phới trên cành không còn một lá úa vì đã rơi rụng khi tiết trời vừa mới sang thu. Có những cây cao nghều nghệu, tàn lớn sừng sững chen chúc trên đồi núi chập chùng, chạy dài theo hai bên đại lộ vẫn còn màu xanh sậm. Những đám bông hồng hoang dã vẫn nở những chùm hoa tươi thẳm màu đỏ, tím, vàng, hường… Những cánh hoa còn đọng hạt sương đêm lung linh dưới ánh nắng sáng thu quét qua đồi rồi chiếu rọi xuống. Tạo cho triền núi xanh như bức tranh gấm thêu hoa.
Trên thế gian nầy từ Âu đến Á, từ Đông sang Tây… Cả năm Châu bốn biển, nơi nào cũng đẹp, cũng có những cảnh sắc hữu tình. Những cảnh sắc đó được chiêm ngưỡng, được để ý, được ngợi khen, hay bị lơ là còn tùy thuộc vào tâm hồn của những ai có cảm nhận được nó hay không nữa.
Chiếc xe nhà nhỏ, chạy bon bon trên xa lộ đưa chúng tôi đến thung lũng Hoa Vàng (San Jose, miền Bắc California). Tả hữu của con đường toàn là đồi núi chập chùng, hiên ngang, hùng vĩ nằm mơ màng màu xám da chuột, ẩn hiện trong đám sương mù vân vê lưng chừng. Cảnh sắc ở nơi tạm dung nầy đã gợi tôi nhớ đến những đoạn đường, những vùng tôi đã đi qua. Đường ra Vũng Tàu, đường về Rạch Giá, đường lên Châu Đốc, đường xuống Cà Mau… Ôi biết bao nhiêu nỗi nhớ, niềm thương của vùng đất quê Nam hiền hòa trù phú. Cái nơi mà tôi sinh ra và lớn. Đã cho tôi bao nhiêu là kỷ niệm nằm trong ký ức, để giờ đây cuồn cuộn sống lại trong hồi tưởng của mình.
Cứ mỗi lần có dịp về vùng biển cho nhiều tôm cá ngon, hải sản quý như Rạch Giá thì tôi mừng vui như đứa trẻ được mẹ đi chợ về cho gói kẹo cam thơm tho ngọt lịm. Vì trên đường đi, tôi được ngắm nhìn những phong cảnh thiên nhiên. Con đường lộ đá từ Cần Thơ đi Rạch Giá, qua khỏi Kinh 1, Kinh 2… Khi bóng hoàng hôn ngả về hướng tây, nhìn về phía bên tay phải ta sẽ thấy ảo ảo mờ mờ dạng núi màu xám xanh xa xa của dãy núi Sam, núi Sập gần sát bên lộ đá là những đám ruộng lúa quằn nặng hột, có đám lúa chín vàng, có đám còn vừa mới ửng vàng nửa hột chen chúc trong đám lá xanh rì. Bỗng bầy chim ăn lúa bay túa lên kêu chí chóe vang rân. Bởi ngọn gió mạnh vừa thổi qua làm lá lúa chạm nhau rào rào. Thằng bù nhìn bện bằng rơm, bằng tàu mo, hay chiếc áo cũ… treo cao hơn ngọn lúa chao động lắc lư, đưa đẩy làm chúng sợ.
Trên bờ mẫu những nông dân tay cuốc, tay cày. Có người xách xâu cá vừa bắt được. Có kẻ xách một chùm mấy con chuột đồng, hoặc mấy con chim vừa bẫy. Có bà đội thúng khoai mới đào còn nồng mùi đất. Có chị xách mấy bó rau dừa, rau muống mới hái dưới ruộng còn tươm mủ trắng đục như sữa tươi, non nhẫn. Họ lững thững trên đường về nhà. Có khi gặp kẻ đi ngược chiều, họ hỏi thăm qua loa hay nói cười rộn rã.
Người dân quê có tâm hồn chất phát, hịch hạc. Nhưng họ cũng cám cảnh sanh tình, hò, hát hay ngâm mấy câu thơ quên đầu quên đuôi của ai đó. Rồi họ cũng đùa giỡn hoặc chọc ghẹo nhau, cùng nhau nói cười rộn rã trên đường quê. Có kẻ thoăn thoắt rẽ lối tre xanh vào nhà. Để rồi cả nhà đề huề bên mâm cơm bình đạm đơn sơ với rau cải họ trồng, cá tép bắt, vó ngoài ao ngoài đồng. Không cao lương mỹ vị, nhưng tràn đầy niềm yêu thương nồng đậm của gia đình.
Họ không bon chen, không đua đòi hay ganh tị với kẻ có miếng ăn, cái mặc hoặc nếp sống sung túc hơn mình. Tâm hồn chất phác họ luôn nghĩ rằng gieo giống nào được quả nấy. Trồng khoai được khoai, trồng lúa được lúa… Ai siêng năng thì được trời cho “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Bởi vậy họ không đèo bồng, dòm ngó, thò thọc đến của người khác. Và ở vào thời Việt Nam Cộng Hòa, có nhân quyền, có tự do tín ngưỡng… Đã tạo cho con người có thêm đạo đức, thiên lương cho nên đời sống của thôn dân thuở đó thật êm đềm và hạnh phúc lắm!
Riêng tôi dù sanh ra ở thị thành, nhưng thuở thiếu thời tôi sống với ngoại ở quê nghèo. Cho nên vườn tược, con sông, cây cầu khỉ, ao bèo, cây cỏ, bờ tre, ruộng lúa, câu cá, bắt chim, hương đồng cỏ nội… Sự thay đổi của đất trời: sáng, tối, sớm, chiều, mưa, nắng, giông bão… Nhật thực (mặt trời ăn mặt trăng), nguyệt thực (mặt trăng ăn mặt trời)…. Đó là những kỳ quan vĩ đại trong tâm hồn bé nhỏ của tôi.
Ngày xưa, đôi lúc bị chị em tôi chọc ghẹo: “Tao không biết tại sao má cho mầy về ngoại ở chi vậy? Để bây giờ mầy cù lần quá đỗi! Tao biết cho dù mầy có đi máy bay, lên xe xuống ngựa, ở nhà lầu có xe hơi riêng đi nữa thì mầy cũng là nhà quê! Vẫn là con nhỏ nhà quê rặc ri, chánh hiệu con nai vàng ngơ ngác…”
Nhớ đến đây không nhịn được, tôi bật cười thành tiếng! Thiệt mấy chị em tôi đoán việc như thần! Trúng quá chừng chừng đi thôi! Họ nói tôi từ mấy chục năm trước lận, nhưng cho đến nay tôi cũng vậy, không thay đổi chút nào cả! “Sự thật nó đúng như vậy! Tui là con nhỏ nhà quê”
Phu quân tôi đang ngáy pho pho. Bỗng trở giấc ngủ nghiêng đầu bảo:
- Mẹ nó có thấy cảnh sắc ở đây giống đường ra Vũng Tàu của mình không vậy?
Tiếng hỏi lớn cố tình để át tiếng nổ máy xe của phu quân tôi. Làm tôi giựt mình quay về thực tế. Mắt tôi rảo nhìn hai bên đường rồi mỉm cười gật đầu cho ổng vui lòng:
- Ờ giống thiệt hén! Nhưng chỉ chút xíu thôi. Vì đường ra Vũng Tàu của quê mình gió mát phơi phới. Nắng thủy tinh lung linh trải trên mặt biển xanh lơ trong vắt. Cảnh sắc đó qua tuyệt vời, chớ đâu có đồi núi xám đen tái ngắt vậy xếp Ba?
Tôi bỗng chợt nhớ lần đó, trên đường đi Vũng Tàu. Khi xe chạy đến cầu Rạch Hào. Thì Bảo Châu bạn tôi biểu người yêu dừng xe lại. Chúng tôi đến chiếc miếu bên cầu, mỗi người đốt nén nhang lâm râm khấn vái!
Tại đây vào năm 1959, có năm cô thiếu nữ con nhà giàu cùng đi trên một chiếc xe nhà ra Vũng Tàu tắm biển. Xe lủi xuống rạch. Bốn cô chết, một cô còn sống. Từ đó thiên hạ đồn nơi đây bốn cô thiếu nữ bạc mạng nầy linh lắm. Cho nên dân ở Rạch Hào dựng một cái miếu nhỏ để thờ cúng họ. Phẩm vật lễ cúng như nhang đèn, bánh mứt, hoa quả của khách du lịch chất đầy miếu không ngớt.
Thật sự tôi không mấy tin có ma quỉ hay linh hồn. Nhưng tôi thương xót kiếp hồng nhan yểu mạng. Cho nên tôi cũng thắp nhang cầu xin cho vong linh bốn cô sớm đi đầu thai, nếu không tiêu diêu được nơi non Bồng, nước Nhược. Chị Bảo Ngọc (chị ruột của Bảo Châu) cũng xá xá mà nước mắt đanh tròng. Chị đã sớm trở thành góa bụa, khóc chồng nửa kiếp đến nay chắc chưa nguôi? Còn tôi thì chép miệng thở dài thương cho bốn cô vắn số chết oan, và thương chị Bảo Ngọc. Cả hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng một kiếp bạc phước chung!
Sau đó chúng tôi lên xe thẳng đường ra Vũng Tàu. Người yêu của Bảo Châu trầm ngâm không nói không rằng. Anh thành thật tôn trọng nỗi cảm hoài của người yêu, của chị Bảo Ngọc và của tôi.
Tôi đang đắm hồn trong hồi tưởng xa xưa
- Đến nơi rồi mẹ! Chọn nơi nầy ra mắt sách, mẹ thấy có hơi hẻo lánh không?
Tiếng con trai tôi nói, làm tôi giựt mình và làm tôi hơi chột dạ! Như vết thương đang bị đau lại đụng phải vật gì lên đó làm ê ẩm thêm nữa. Tại vì tôi mang tâm trạng lo lắng cho buổi ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An hôm nay.
Tôi không trả lời thằng nhỏ. Phu quân tôi có lẽ chìm trong giấc mộng nên còn ngáy pho pho. Bỗng ông giựt mình, mở mắt lơ láo nhìn quanh rồi hỏi:
- Tới rồi hả? Sao mau quá vậy con?
Con trai tôi phì cười với cha nó:
- Gần 3 giờ lái xe rồi ba. Tại ba ngủ ngon đó thôi.
Coi bộ «quê», ông ta cười cầu tài rồi bảo:
- Ờ nơi đây hơi hẻo thiệt. Thôi phụ ba lấy sách vở đem vào cho mẹ đi. Con hãy lẩn quẩn đâu đây đừng đi xa, và nhớ mở điện thoại cầm tay, để cần gì thì ba gọi nghe không.
Tôi mỉm cười một mình, Nhà chúng tôi ở ngoại ô về hướng Bắc của Thủ Phủ California. Mỗi lần về thung lũng Hoa Vàng (San Jose) mà mặt trời lặn thì mệt lắm. Vì tuổi tác, chúng tôi rất ngại lái xe trên xa lộ lúc tối trời nên phải nhờ con chở đi. Thằng nhỏ ngoài 30 tuổi, đã ra trường đi làm từ mấy năm nay rồi mà phu quân tôi còn dặn dò như vậy! Bởi trong mắt của những kẻ làm cha mẹ thì bao giờ cũng thế. Con mình lúc nào cũng còn nhỏ, luôn để ý dòm ngó và cần sự dạy dỗ, chở che…
Màu trắng tinh đó là phông của tấm bích chương bằng vải dài, rộng và in màu xanh da trời của chữ trang nhã: «CHÀO MỪNG QUAN KHÁCH/ BÚT KHẢO QUÊ NAM MỘT CÕI/ HỒ TRƯỜNG AN» treo ở vách giữa, đối diện với những hàng ghế quan khách ngồi, nơi hội trường của Trung tâm sinh hoạt VIVO. Tôi nhẹ thở dài, cảm thấy ái ngại và hồi hộp lo cho buổi ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An (đến từ Pháp quốc).
Tôi được biết nhà văn Hồ Trường An mười mấy năm trước (1989) qua sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Văn Ba (đã qua đời!) Anh Ba là bạn, là đồng môn, và là đồng điệu với tôi.
Trong phần tiểu sử, nhà Văn Hồ Trường An:
Sanh quán tại Vĩnh Long.
*Cựu học sinh Cao Tiểu Vĩnh Long.
*Cựu học sinh Trung hoc Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.
*Cựu sinh viên Dược khoa Sài Gòn.
*Cựu sinh viên Văn khoa Sài Gòn.
*Cựu sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức khóa 26/67
*Cựu sĩ quan Chiến tranh chánh trị VNCH.
Ông là một trong những cây viết đã thành danh khi còn ở trong nước trước năm 1975. Ra xứ người ông vẫn tiếp tục viết cho đến nay có hơn 60 tác phẩm đã phát hành. Những tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại: Truyện dài, truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, ký sự, bút khảo, biên khảo, phê bình…
Riêng tôi, nói ra thì cảm thấy nhột nhạt và mắc cỡ quá đi! Nhưng thiệt tình tôi cũng có những tác phẩm đã phát hành. Nhưng ít khi tôi ra mắt sách (chỉ 1 lần Chicago và 1 lần Paris). Vì tôi biết thân phận mình chữ nghĩa kém cỏi không bằng ai! Tôi không ở trong hội đoàn hay đoàn thể nào để được sự giúp đỡ. Tôi cũng không ở trong bè phái hoặc phe nhóm nào để được chống lưng.
Cho nên tôi ngại làm phiền những người tổ chức ra mắt sách cho mình. Tôi ngại bắt buộc bạn bè vì thương mến không muốn mà phải đến tham dự. Tôi ngại độc giả không đến để phòng ra mắt sách “lơ thơ tơ liễu buông mành” có lèo tèo mấy người mà ban tổ chức đã chiếm 2/3. Tôi ngại… Thì eo ơi, tôi sẽ buồn lắm! Bởi tôi vốn đã có cái tên Buồn rồi! Thú thiệt, cũng vì những nỗi âu lo đó, mà tôi sợ không dám ra mắt sách.
Cũng tại tôi! Phải, bởi hôm hay tin nhà văn Hồ Trường An được mời qua Washington để dự buổi tổ chức Văn Học Nghệ Thuật. Tôi lật đật gợi ý và mời ông sẵn dịp nầy ghé thăm vùng thung lũng Hoa Vàng.
Quả thật không ngoa chút nào, tôi đúng là người quê mùa. Từ khi bôn đào khỏi nước đến nay, chúng tôi tạm cư ở hóc Bà Tó ngoại ô Chicago. Một vùng xa xôi hẻo lánh gần miền Bắc của nước Mỹ mới di chuyển về tiểu bang California.
Tiểu bang có thành phố mang tên thật đẹp, rất đẹp “Thung Lũng Hoa Vàng”. Ôi cái tên đẹp đẽ nầy đã làm hấp dẫn đồng hương ở phương xa mơ ước có lần được ghé thăm. Nơi đây còn được mệnh danh có tình người tha hương đậm đà tha thiết.
Và chẳng lượng sức mình, lần nầy tôi bấm gan phụ giúp ban tổ chức ra mắt sách (ai sai đâu làm đó) cho nhà văn Hồ Trường An (mặc dù ông không muốn). Bởi khi nghe tôi đề nghị:
- “QUÊ NAM MỘT CÕI” đã in xong. Chúng tôi chưa phát hành. Chừng nào anh qua đây, bọn tôi sẽ nhờ mấy anh chị ở địa phương ra mắt sách dùm anh. Anh nghĩ sao?
Ông cười hì hì trả lời tôi:
- Thôi đến thăm bạn bè được rồi. Bày đặt ra mắt làm chi cho phiền.
Nhưng chúng tôi cố thuyết phục riết rồi ông nhận lời.
Nhà văn Hồ Trường An đến phi trường San Jose 8 giờ 30 phút tối thứ tư, nhằm ngày 31 tháng 11 năm 2007.. Người đi rước ở phi trường đưa ông đi ăn xong, thì đài truyền hình xin thu hình và trực tiếp phỏng vấn mãi đến 2 giờ sáng ông mới về đến nhà trọ.
Hai ngày thứ năm, và thứ sáu nhiều đài truyền hình và truyền thanh phỏng vấn thu thanh, thu hình… Ông không có giờ để tiếp xúc hay đi thăm bạn bè thì nói chi đi thăm những thắng cảnh quanh thung lũng Hoa Vàng.
Riêng chúng tôi ở xa thành phố hoa lệ có muôn màu, muôn sắc thái San Jose. Nên đã đề nghị ông (lúc ông còn bên Paris chưa đến đây). Xin dành ngày thứ bảy cho anh chị Văn nghệ sĩ mến mộ ông ở Sacramento (Thủ phủ của California).
Lúc đầu thì chúng tôi định tiếp nhà văn Hồ Trường An và quý vị ở tệ xá của mình. Nhưng tôi ở xa thành phố Sacramento (khoảng 1 giờ lái xe. Thiệt cái số tôi nhà quê nên làm sao sống ở thành thị), và các anh chị văn nghệ sĩ gọi điện thoại hỏi thăm hơi đông (trước khi ông đến). Nên ban tổ chức buổi họp bạn (tôi xin thưa là buổi họp bạn chớ không phải là buổi ra mắt sách) gồm có: Nhà văn nhà thơ Hoàng Ngọc Liên, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, nhà văn nhà thơ Huỳnh Mai Hoa và tôi cùng đồng ý tổ chức buổi họp mặt vào chiều thứ bảy ở nhà hàng TNB (trung tâm thành phố có nhiều người Việt cư ngụ ở Sacramento).
Ban tổ chức nghĩ có chừng 30 người đến họp mặt là vui lắm rồi. Vì đây là buổi họp bạn chớ không phải buổi tổ chức buôn bán hay gây quỹ mà sợ lỗ lã. Và chúng tôi cũng mong có nhiều thời gian rộng rãi để cho những người quen biết, độc giả, và văn nghệ sĩ trò chuyện với nhà văn Hồ Trường An. Nhưng không ngờ, số người đến dự tăng gấp đôi số dự định của ban tổ chức. Và một niềm vui ngạc nhiên là quý cụ bên hội Cao Niên, tặng quà cho các văn hữu từ phương trời xa xứ lạ qua tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An ngày mai ở San Jose cũng đến trong buổi họp bạn nầy.
Bỗng dưng có một chị tôi chưa bao giờ gặp mặt dúi vào bàn tay tôi 200 đô-la. Nhìn thấy tiền, mắt tôi sáng rỡ tưởng bở là chị cho mình. Nhưng tôi cũng hỏi:
- Dạ tiền gì mà nhiều quá vậy chị?
Chị cười thật tươi:
- Cô là DTDB hả? Tôi nhờ cô gởi về dùm cho ông Nguyễn Thụy Long và Đoàn Yên Linh mỗi người 100 đô-la.
Tôi ngạc nhiên, cười bảo với chị:
- Bộ hai ông nầy là bà con với chị hả? Sao chị không gởi, mà đưa cho tôi? Chị biết tôi sao? Rủi tôi lấy xài hết thì chị biết tôi ở đâu mà đòi?
Chị cười :
- Tôi chỉ là độc giả ngưỡng mộ hai ông đó thôi. Cô xài thì cô mang tội! Vì tiền nầy tôi nhờ cô gởi cho người khác.
Tôi còn đang phân vân lo le 200 đô-la trên tay, nhẹ giọng:
- Ông Nguyễn Thụy Long thì tôi thường hay gởi điện thơ. Còn ông Đoàn Yên Linh thì từ hồi nào đến giờ tôi không có liên lạc, nên không biết ổng ở đâu.
Nhà văn HTA đang ngồi ký sách tặng bạn bè nghe thấy. Ông lên tiếng :
- Thì chị cứ nhận gởi dùm chỉ đi. Có gì khó đâu, về nhà chị email hỏi anh Văn Quang là biết anh Đoàn Yên Linh ở đâu ngay mà. Tôi nghe nói hình như ổng đang nằm nhà thương.
Tiền nầy không phải người ta cho tôi. Nhưng tôi cảm thấy lòng mình ấm! Vì tôi được biết có nhiều độc giả còn ngưỡng mộ văn nghệ sĩ và còn có một chút tình. Tôi nhét vội tiền vào túi dợm bước đi thì chị gọi giựt ngược lại:
- Khoan đã, còn tiền cước phí gởi nữa cô! Đây 6$ tiền gởi, tôi có tiền lẻ tặng cô thêm 2$ để uống nước mía.
Tôi nhận tiền miệng cười tươi như hoa hồng héo cuối mùa.
- Hello, Hello chào chị DTDB, tôi Thanh Thúy đây chị.
- Chào chị, xin lỗi Thanh Thúy nào, phải ca sĩ Thanh Thúy không? Chị đang ở đâu, có đến tham dự buổi họp bạn không?
- Nhà mình đang có khách. Anh Hồ Trường An đêm nay ở đâu?
- Nếu không gì thay đổi thì anh HTA và một người bạn nữa ngủ ở nhà chúng tôi.
- Chị Diễm ơi, khách về mình và ông xã sẽ đến thăm anh Hồ Trường An. Mặc dù chúng mình chưa gặp mặt ảnh lần nào, nhưng từ lâu mình và ông xã mình rất ngưỡng mộ ảnh nên muốn đến nhà chị thăm ảnh có được không ?
Tôi cười và nói giỡn:
- Được chớ, xin mời chị! Mấy thuở rồng đến nhà tôm. Tự nhiên nghen chị Thanh Thúy (Tôi nghe có tiếng cười lớn bên kia đầu dây).
Trong tiệc trà họp bạn có thêm phần văn nghệ ca, hát, ngâm thơ. Nhà Văn Hồ Trường An ngậm ngùi cảm động gặp lại bạn hữu thuở thiếu thời hồi còn Tiểu học sau gần 60 năm về trước. Ông vui mừng gặp lại ông thầy cũ mấy chục năm qua… Và gặp những văn nghệ sĩ trong vùng đã từng mến mộ ông. Buổi tiếp đón người phương xa bế mạc kéo dài thêm một giờ nữa. Tức là 4 giờ thay vì 3 giờ như thư mời.
Mặc dù buổi họp mặt chiều nay rất vui vẻ và nồng ấm, nhưng lòng tôi vẫn ngấm ngầm lo ngại! Vì mấy ngày trước khi ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An ở San Jose ngày mai đây, đã bị những tay chuyên nghiệp đánh phá lung tung trên internet.
Thiệt tình tôi hết sức ngạc nhiên! Không hiểu, không biết tại sao chỉ là buổi ra mắt sách thôi mà họ lại làm như vậy? Nếu mình không thích thì không ai bắt mình phải đến. Đàng nầy những người đánh phá đó còn có can đảm gọi điện thoại cho người khác bảo đừng tham dự! Và họ còn dùng những lời lẽ thật hết sức khó nghe trên internet? Ở đời “ngậm máu phun người nhơ miệng mình” Họ có biết những người bị họ gọi bảo đừng đến tham dự đó sẽ nghĩ sao về họ không?
Còn một việc, đã làm cho tôi suy nghĩ và càng lấy làm lạ hơn về những văn nghệ sĩ đã có tên tuổi, có tầm vóc hồi còn trong nước trước năm 1975. Nay cũng ở San Jose đã nhận lời mời của ban tổ chức, sẽ là người điều khiển chương trình cho buổi ra mắt sách, người nhận giới thiệu về tác giả, người giới thiệu tác phẩm… Nhưng đến giờ phút chót từ chối bằng cách kẻ thì đau bụng, người thì nhức răng, kẻ phải đi xuyên bang…?
Chứng tỏ thế lực rải muối độc để đánh phá buổi ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An không phải là những tay vừa, họ đã có định trước và thừa kinh nghiệm!
Nhưng «Quan Công còn có kẻ thù/ Tào Tháo vẫn có bạn» mà! Nên có rất nhiều, rất nhiều độc giả điện thoại đến hỏi thăm buổi ra mắt sách và nhà văn HTA. Bạn bè thân mến trong văn giới của tôi, đã quen biết với nhà văn HTA từ bên Đức, Hòa Lan, Úc, Anh, Canada, Nam Bắc California, và các tiểu bang khác ở Mỹ cũng gọi điện thoại đến hỏi thăm. Vì việc đánh phá trên internet đó, đã gây sự tò mò và chú ý cho họ.
Có bạn còn cằn nhằn, hăm he rầy rà tui nữa: «Bà làm buổi tiếp đón người phương xa ở Sacramento thì được rồi. Còn xí xọn ra mắt sách cho ổng ở San Jose chi vậy? Họ đánh phá ào ào, đánh phá lung tung kia kìa. Bà có biết không? Phen nầy ông Hồ Trường An mà «cháy» ở đó thì là cái lỗi của bà!».
Nồi đồng nồi đất ơi! Thiệt là tức quá đi thôi! Tui bèn lớn giọng (mà run) lẻo lự chống chế: «Bậy nà, đừng có đổ thừa cho tui nghen! Ở xứ nầy là xứ tự do mà. Tui có làm gì phạm pháp đâu? Hãy nghe đây! Mình tổ chức là việc của mình. Người ta đánh phá là chuyện của người ta. Quan khách đến tham dự buổi ra mắt sách có đông hay không còn phải chờ xem coi văn tài và đức độ của chính tác giả đã gieo mầm vào lòng người mộ điệu mà thôi. Chớ mắc mớ gì tới tui? Thiệt là nhiều chuyện!»
Buổi ra mắt cuốn Bút khảo «QUÊ NAM MỘT CÕI» viết về 14 nhà văn nhà thơ xưa và hiện đại của nhà văn Hồ Trường An. Bắt đầu từ 1 giờ trưa cho đến 5 giờ chiều, ngày 4 tháng 11 năm 2007 ở trung Tâm VIVO nơi thung lũng Hoa Vàng đã xong. Tám (8) tác giả ở hải ngoại được ông viết trong cuốn bút khảo, 7 người có mặt, trừ nhà văn nhà thơ Phương Triều (bị bịnh) nên không đến được.
Sự tham dự đông đảo của văn nghệ sĩ địa phương, của độc giả, của đại diện các hội đoàn, đoàn thể, đại diện các nhà lãnh đạo tinh thần, đại diện của các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí… Đã trả lời tất cả! Phải, đã trả lời tất cả cho buổi ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An.
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy sự lo ngại của mình thật là dư thừa! Vậy ban tổ chức nên cảm ơn những tay đánh phá đó mới phải. Bởi nhờ họ đánh bóng thêm cho tên tuổi của nhà văn Hồ Trường An. Để cho buổi ra mắt cuốn Bút Khảo “QUÊ NAM MỘT CÕI” ở San Jose đã thành công ngoài ý muốn. Cảm ơn tình người, cảm ơn đời!
Tôi chợt nhớ bốn năm trước đây, có lần điện đàm với nhà báo lão thành Mạc Kinh (ở Luân Đôn). Ông đã nói: «Xưa nay trong thực tế, danh vị độc giả được coi trọng, như những nhà trọng tài văn chương cao quý. Bạn độc đứng trên tất cả! Vì, chỉ thiếu đi sự quan tâm, nghiêm túc của độc giả, chắc chắn khó thể có những nhà văn, những tác giả tài danh đúng nghĩa ở địa hạt cầm bút». Sau lần ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An, tôi nghiệm thấy và thẩm thấu được lời nói của ông.
Hôm nay, nhớ lại trước ngày ra mắt sách mà tôi còn ớn xương sống! Dù mọi việc đã xong rồi. Nhưng mỗi khi nghĩ đến, tôi có cảm tưởng như mình vừa bị chém hụt!
Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang:
- Hello, chị Diễm đó hả ?
- Vâng, tôi đây. Gia đình khỏe chớ anh? Hằng hôm nay ra sao?
Hằng là bạn của tôi thuở thiếu thời. Chúng tôi học cùng trường Tiểu học, rồi Trung học. Hết phần hai chị vào trường Đại học y khoa. Còn tôi đường công danh lận đận bởi vừa học dở, lại vừa lười biếng. Nên khi chị ra trường với nghề bác sĩ, thì tôi cũng chưa nên tích sự gì. Nhưng không vì thế mà tình cảm bạn bè của chúng tôi bị sứt mẻ.
Làm thân chùm gởi lưu lạc nơi xứ người chị không thi lấy lại bằng chuyên môn. Nên cũng như tôi, cả hai đứa cùng số phận. Đi làm “cu-li” để có tiền phụ với chồng nuôi con cái, và có tiền để giúp ít nhiều cho những người thân còn kẹt lại bên kia bức màn tre.
Ba tháng trước đây chị cho tôi hay bị bịnh ung thư! Tháng rồi chị mổ hai lần. Và hôm nay chồng chị gọi cho biết bịnh ung thư của chị bị tràn qua chỗ khác, nên anh đã đưa chị vào bịnh viện. Nghe tin chị trở bịnh, tôi lặng người! Tâm hồn bồn chồn, bấn loạn, tôi cảm thấy như mình bị thiếu hơi thở, nhức nhối trong lòng mà không biết làm sao để chia xẻ với chị đây?
Cả mấy ngày nay nhớ đến Hằng, tôi thẫn thờ như kẻ mất hồn. Bao nhiêu hồi tưởng cất sâu trong ký ức vội quay về.
Tôi chợt nhớ lúc sanh thời, ba tôi thường bảo với chị em chúng tôi rằng: “Cuộc đời vô thường. Đời con người thật mong manh! Các con đừng bao giờ làm những chuyện gì có lợi cho mình mà phương hại đến kẻ khác. Người ta buồn thì mình cũng chẳng có vui đâu? “Mỹ ý của đời người là tha thứ. Có một kẻ thù là có bức tường chắn ngang/ Bớt đi một kẻ thù, có thêm một người bạn/ Trời sẽ cao hơn/ Đất sẽ rộng hơn. Cho nên không chấp nhứt, vì chấp nhứt người khác là tự làm khổ mình trước…” Lời nói bình thường của cha gìa, tôi đã mang và sẽ mang theo làm hành trang cho suốt cuộc đời mình.
Và tôi vẫn nhớ, nhờ nhà văn Nguyễn Văn Ba đồng môn (Trung học Phan Thanh Giãn&Đoàn Thị Điểm Cần Thơ) của tôi, giới thiệu nhà Văn Hồ Trường An. Tôi có gởi tặng anh thi tập đầu tay “Nỗi Lòng Người Em Nhỏ” (xuất bản năm 1990) để làm quen. Sau đó, anh đã gởi qua tạp chí tặng tôi bài thơ:
NHỊP CHÀY ĐÔI
“Tặng Dư Thị Diễm Buồn”
Chim bay về núi, ngày chưa tắt - Nắng luyến ngậm ngùi mái tịch thôn
Giã gạo trông theo triều ánh sáng - Cám mù tỏa nhẹ bóng hoàng hôn
Ơi chàng niên thiếu xuân mười tám! - Háo hức nhìn đời rộn mến thương
Bắp thịt gồng theo từng nhịp giã - Da đồng ửng đỏ lửa tà dương.
Nàng tuổi mười lăm trăng đẹp tròn - Nhìn đời như ngắm bánh thơm ngon
Dẻo dai, mềm mại thân uyển chuyển - Chài giã đều tay bóng chập chờn
Nhà em ở tận vàm sông nhỏ - Đồng ruộng sau vườn trải quạnh hiu
Văng vẳng tù và tru bóng xế - Bãi lầy le, nhạn, vịt… kêu chiều
Hôm trước anh xay lúa miệt mài - Mình trần, ánh đuốc lửa hồng soi
Gạo rơi, trấu vãi rào mưa đổ - Mặt cáo, liềm trăng lạnh lẽo cài
Xế nay, hai đứa cùng giã gạo - Xong hết cối nầy anh phải đi
Thui thủi một mình em suốt tối - Chừng nghe tim vọng nhịp chài đôi
Trắng muốt dễ thương sàn gạo mới - Nồi cơm đãi khách sẽ bay hương
Mân mê vốc gạo em liên tưởng - Răng anh đều đặn trắng loáng gương
Nước lớn tràn sông trăng đã lên - Lòng em mở quạt gió bưng biền
Thấm dần rung động tình yêu mới - Trộn mạch cảm hoài đất tổ tiên
HỒ TRƯỜNG AN
Thời gian qua mau quá đi thôi, mới đó ngoảnh lại đã bao nhiêu năm rồi! Giờ đây nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà phê bình Hồ Trường An nằm, ngồi một chỗ, di chuyển rất khó khăn phải có người giúp đỡ. ” Ôi kiếp nhân sinh vô thường “Bảy mươi chưa khoe mình lành” Thật, không ai có thể biết được ngày mai mình sẽ ra sao! Bởi mấy năm trước đây anh Hồ Trường An đã bị cơn stroke nặng! Nay tay chân chưa trở lại bình thường, nhưng tâm trí anh vẫn minh mẫn. Dù sức khỏe bị hạn chế, nhưng anh vẫn viết, viết lai rai. Có phải chăng đó là nghiệp dĩ của nghệ sĩ, văn, thi nhân? “Kiếp tầm phải nhả tơ” là đây!
Hôm nay California đã vào mùa xuân, mà trời cứ ui ui ảm đạm! Hiu hiu cơn gió the the lành lạnh nhưng cái lạnh của mùa xuân êm ả dễ chịu lắm. Và ngoài trời mưa xuân vẩn cứ tỉ tê, rỉ rả giọt ngắn, giọt dài những sáng mưa rơi, trưa sụt sùi, chiều đổ lệ khôn nguôi! Đó là do ảnh hưởng những cơn bão kéo dài mấy ngày liền, không gian ủ dột không thấy ánh mặt trời.
Cho dù đầu mùa xuân có mưa gió bất thường, nhưng thời tiết mùa xuân của miền Nam nước Mỹ như mang đến cho hoa lá, cỏ cây trong vùng bừng lên sức sống! Tôi chợt nhớ anh Hồ Trường An lần qua thăm “Thung Lũng Hoa Vàng” năm đó. Anh đã trầm trồ khen khi thấy trước, sau nhà tôi nào: huỳnh mai, hồng mai vẫn còn rời rạc lác đác phơi phới những nụ hoa nở muộn. Khóm hoa đỗ quyên, hồng nhung, bạch hồng, cẩm chướng, bách hợp, phù dung… Cùng những cây ăn trái như hồng dòn, hồng mềm, táo tàu, cam, chanh, quít đã đâm chồi nẩy lộc, nở nụ bán khai.
Và năm nay nơi đây trời mùa xuân đang mưa! Nước mưa xuân bám trên cành cây kẻ lá long lanh. Và sau nhà tôi, vạt nắng nắng xuân le lói yếu ớt trải dài trên dãy đồi xa, dưới mây trời tím ngắt mịt mờ khói núi tỏa bay.
Dư Thị Diễm Buồn