@ Ái Lan |
Lâu nay có lắm người hỏi tôi: Sao không thấy làm thơ cho Vũ Hữu Định.-tác giả bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc. Tôi chỉ mỉm cười mà không trả lời. Mười sáu tháng giêng này lại là ngày giỗ của bạn. Bạn khôn thiệt, chết đúng ngày Nguyên Tiêu.
Dù sao thì cũng viết một bài nữa để cảm ơn bạn, một tấm lòng đáng yêu lúc còn sống cũng như khi xa đời, đi về chốn vĩnh hằng. Vũ Hữu Định, thoát ra khỏi đoạn đời khó khăn ngày tháng ấy, bạn tôi đã được nhiều hơn là mất…
Cái được trước tiên là bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ vẫn là bài thơ hay viết về Pleiku mà đến bây giờ chưa có bài thơ nào vượt qua được. Bài thơ ấy trở nên bất tử khi Phạm Duy chắp thêm đôi cánh…Được, là bạn có một người vợ hiền, làm thân cò lặn lội bên bờ sông đời kiếm gạo nuôi 5 đứa con, chưa khi nào hở ra một lời than thở. Chị Vân có thua chi bà Tú Xương ? Năm đứa con như 5 hạt ngọc ( lời tiên tri của bạn trong bài thơ kiểm điểm đời mình, viết trước lúc chết ) nay đã trưởng thành và công thành danh toại. Được, ngôi mộ bạn nằm một nơi thật thênh thang mây trời gió núi được xây dựng bia bằng đá hoa cương. Được, bạn mất, bè bạn đã in cho bạn một tập thật đẹp, đến chừ đã tuyệt bản. Được, bạn tôi sẽ mỉm cười nơi chín suối khi những những đứa con thân yêu đã xây cho mẹ một căn nhà khang trang ở bên bờ biển Thanh Bình và là nơi thờ cúng nhà thơ. Một sự bù đắp thật xứng đáng sau nhiều năm chị Vân bơi qua mọi dâu bể cuộc đời. Được,là bạn không còn hiện diện trên cõi đời này nữa, nhưng bạn sống mãi trong lòng bè bạn, bốn phương. Ôi gã giang hồ rất đổi dễ thương. Giỏi uống rượu từ năm mười lăm tuổi và cũng chết vì uống rượu, chết vậy sướng không hở bạn tôi? Khi viết những dòng này cho bạn, tôi đã gửi 10 hột vịt ung về cúng bạn ( lúc sinh thời bạn ưa nhậu rượu với hột vịt ung ).
Có thể nào quên được những năm tháng xưa, nơi căn nhà nhỏ ở chợ Cồn của của thập niên sáu mươi. Đó là nơi hội ngộ của những tay phiêu bồng trong văn nghệ. Là tôi, là Trần Quang Lộc, Đoàn Huy Giao, Hoàng Đặng, Trần Trung Sáng, Nguyễn Gia Hữu, Hồ Đắc Ngọc , Đynh Trầm Ca, Đông Trình, Trần Đình Quân, Luân Hoán….
Nơi căn nhà nhỏ ấy, đêm đêm tôi thường về ngủ lại với Định, hàn huyên đủ thứ trên đời, nhất là về tình hình văn học nghệ thuật. Những tờ Bách Khoa, Văn, Văn Học, Vấn Đề, Khởi Hành…là những tờ tạp chí, báo, chúng tôi đọc say sưa nhất. Tôi và Định cũng thường trao đổi cách dụng ngữ trong thơ sao cho hay và mới. Đến thập niên 70 thì tôi hành phương Nam. Thời gian này Vũ Hữu Định vẫn ở Đà Nẵng nhưng cũng hay đi giang hồ. Khi thì về Đồng Tháp với Hạc Thành Hoa.
Khi qua Cần Thơ với Minh Nguyễn, Bùi Đức Long, Trần Hoài Thư. Lúc bay lên Đà Lạt với Phạm Cao Hoàng. Lúc ở ẩn nơi rừng núi bạt ngàn Đại Ninh với Nguyễn Đình Dzu. Giang hồ lâu nhất là ở Sài gòn với Tráng, A Khuê, Phạm Ngọc Cảnh Nam trong căn nhà trọ khu Vạn Hạnh.( đường Trương Minh Giảng cũ ) Mở mắt thấy ở Gò Vấp với Võ Chân Cửu, chạng vạng lại đi với Nguyễn Lương Vỵ. Nghe đâu cũng uống rượu với Hồ Ngạc Ngữ…và rất nhiều người khác mà tôi không nhớ tên.
Sau năm 1975, Vũ Hữu Định xếp cánh giang hồ về lại Đà Nẵng sinh sống và làm việc ở điện lực. Thời gian này, ngoài Đoàn Huy Giao là chỗ thân tình, Định còn quen biết và chơi với Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Trần Từ Duy, Trương Điện Thắng, Ý Nhi…lúc này tôi cũng hết phiêu linh, lấy vợ rồi bù đầu theo cơm áo.
Năm 1981, Lữ Thượng Thọ từ Đà Nẵng vào Sài Gòn tìm tôi báo Vũ Hữu Định đã qua đời. Trước lúc chết, bạn có làm 2 bài thơ thật cảm động đó là bài Bài Thơ Năm Bốn Mươi ( như những lời tự kiểm đời mình) và bài Tết, Nhớ Thằng Bạn Xa Quê (để tặng Trần Dzạ Lữ). Tôi đọc mà lòng rưng rưng.thì ra, bạn trước sau như một: Vẫn là tri kỷ đầu tiên và cuối cùng.
Sau tập thơ do bạn bè in ở VN, bên Mỹ, Trần Hoài Thư đã tìm Vũ Hữu Định trong Thư viện Mỹ và một số bạn bè, và năm 2006. Thư Ấn quán của Trần hoài Thư đã in tập Thơ Vũ Hữu Định rất công phu. Tình anh em văn nghệ thật cảm động.
Là nòi tình, nên Vũ Hữu Định-ngoài Cơm Nguội và 5 đứa con - bạn vẫn có những nàng thơ để mà viết. Trong số đó, có bài thơ bạn làm tặng Diệp Mậu có tựa đề Rừng Hương Mật là bài thơ tình rất đổi dễ thương. Năm kia DM phát hiện vấn đế này nên mail cho tôi yêu cầu gửi cho nàng bài thơ ấy. Đọc lại, M xúc động đến chảy nước mắt - dù bây giờ cô Bắc Kỳ ấy ngoài năm mươi rồi.không còn thuở “ anh theo Ngọ về nữa” Chớp mắt mà đã 30 năm bạn về cõi thiên thu. Và gần năm mươi năm lăn lóc nơi chốn đoạn trường, tôi đau đáu nhớ bạn - dù ít khi nói ra.,bởi rất nhiều thị phi và cũng rất nhiều lầm tưởng của người đời, đôi khi không phải.
Trước sau với tôi, vẫn là sự kinh phục chị Kim Vân, vợ nhà thơ Vũ Hữu Định và mừng vui cùng chị khi Trời lấy của chị cái này và cho chị cái khác. Phải chăng là Luật Bù Trừ?
Và với bạn, Vũ Đữu Định, mình vẫn tin rằng, bất chợt nghe giọng ai thánh thót: “ Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…” hay”Anh khách lạ đi lên đi xuống.May mà có em. Đời còn dễ thương…” .Bạn đánh đét một cái sung sướng, như khi xưa, mỗi lần bọn mình đọc được một bài thơ hay.
Trần Dzạ Lữ