Mọi ngày, trừ Chủ Nhật, còn thì dù thời tiết khắc nghiệt, mưa bão hay tuyết rơi, lạnh lẽo hay dưới cơn nóng chết người, trong thành phố ồn ào hay ở những vùng quê vắng lặng, những người đưa thư vẫn cần mẫn, đều đặn mang những bức thư hay bưu kiện đến tận nhà cho chúng ta. Vì nhiệm vụ, những người này không thể từ chối hay ngừng việc, ngay giữa những cơn nóng kỷ lục trong năm nay.
Bà Peggy Frank, 63 tuổi, cư dân North Hills, người có thâm niên công vụ với Bưu Điện Hoa Kỳ 28 năm nay, sắp sửa nghỉ hưu đã bị đột tử trong chiếc xe giao thư của bà, vì cơn nóng ngoài trời trong vùng Woodland Hills, Nam California lên đến 120 độ vào ngày thứ Sáu tuần trước. Đây là một cái “chết vì công vụ,” như người lính chiến ngã xuống giữa trận địa, hay như người lính cứu hỏa phải thiêu mình giữa ngọn lửa đang hoành hành!
Người đưa thư luôn luôn là người thân thiện của mọi nhà, đưa lại cho chúng ta những tin vui hơn là những tin buồn, họ gắn kết tình thân của mỗi gia đình cho bạn bè, cho những người yêu thương xa cách. Có ai đã hồi hộp chờ những bức thư đến và có ai đã thở dài “khi người đưa thư đã đi qua, nhưng cớ sao không ngừng?” (*)
Trong quá khứ, người đưa thư đã từng chạy bộ (với thư hỏa tốc như Marathon) cỡi ngựa, đi võng, xe chó… qua rừng già, sa mạc đầy nguy hiểm và đến những hoang đảo xa xôi. Ngày nay họ dùng xe đạp, xe gắn máy, và xe hơi để đưa những lá thư đến tận tay người nhận.
Trong ngành bưu chính Hoa Kỳ, người ta thường hãnh diện có ít nhất là 20 nhân vật nổi tiếng đã có một thời là nghề phát thư, từ diễn viên Steve Carell, nhà sản xuất phim Walt Disney, nhà văn Charles Bukowski và William Faulkner, giải Nobel Văn Chương, ca sĩ John Prine và cả một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy là Tổng Thống Abraham Lincoln.
Nhưng phải chăng nghề đưa thư là một nghề với đồng lương chật vật, vất vả, buồn nản, “một ngày như mọi ngày.” Do vậy, trước khi cởi bỏ xắc thư nặng trên vai, nhà văn Charles Bukowski đã nói: “Tôi có một trong hai lựa chọn – ở lại ngành bưu điện để có thể phát điên lên, hay làm một nhà văn để chết đói. Tôi đã quyết định lựa chọn chết đói.”
Nếu không có những nghề có thể làm cho con người nản đến phát điên lên, thì làm sao chúng ta có những thông tin, liên lạc quý báu mà ngành bưu điện đã cung cấp cho chúng ta?
Trong thời chiến tranh và trong hoàn cảnh bi thảm của Việt Nam, hình ảnh người đưa thư được nâng cao như hình ảnh của bà Tiên, Ông Bụt trong chuyện cổ tích. Những bức thư được chuyển từ mặt trận về, gói ghém bao nhiêu thương nhớ, đưa lại những tin tức bình an cho người mẹ già, cô vợ trẻ ở hậu phương. Trong thời gian chúng ta hằng trăm nghìn người vượt biển ra đi, người đưa thư như chiếc phao cứu sinh trên biển cho hàng vạn gia đình. Những người vợ, người mẹ trông ngóng tin con từng ngày, cho đến khi được tin “mật mã” của chồng, của con đã đến nơi an toàn.
Sau đó là những “món quà cho quê hương,” qua tấm giấy báo từ tay người đưa thư, gói ghém tất cả tình thương gửi về quê nhà, “Gửi về cho chị dăm ba xấp vải. Chị may áo cưới hay chị may áo tang. Gửi về cho em chiếc nhẫn yêu thương. Em bán cho đời tìm đường vượt biên…”(**)
Rồi trong giai đoạn chờ đi đoàn tụ, người đưa thư mang mỗi ngày vẫn là người mang đến cho gia đình những tin vui, từ những câu chuyện giấy bảo lãnh, phỏng vấn, khám sức khỏe và những chuyến bay… Nỗi buồn vui, mong chờ của mọi gia đình trong giai đoạn này đều có sự đóng góp của người đưa thư.
Nếu hạnh phúc là phân phát hay đem đến niềm vui cho mọi người, thì hẳn người đưa thư là một người hạnh phúc.
Nhưng có thể một ngày kia, hình ảnh người đưa thư mang những lá thư đến tận nhà chúng ta sẽ không còn nữa!
Ngành bưu điện Hoa Kỳ dù đã áp dụng những biện pháp cắt giảm chi tiêu, hiện nay vẫn tiếp tục bị thua lỗ nặng do lượng khách hàng và thư tín giảm. Năm 2012, Bưu điện Hoa Kỳ bị lỗ tổng cộng $15.9 tỷ, gấp hơn ba lần so với tài khóa 2011, do phải ứng trước hơn $10 tỷ cho quỹ chăm sóc sức khỏe, hưu trí cho nhân viên.
Bưu điện Mỹ có kế hoạch trong hai năm tới sẽ cắt giảm 150,000 nhân viên, giảm bớt giờ làm việc hàng ngày và tăng cước phí đối với các dịch vụ chuyển express. Bưu điện cũng đã có dự định đóng cửa gần một nửa số trạm bưu chính trên toàn nước Mỹ, và có kế hoạch đóng cửa ngày thứ Bảy để có thể tiết kiệm khoảng 2 tỷ trong một năm, nhưng đề nghị này đã bị Quốc Hội bác bỏ.
Mặc dầu hôm nay chúng ta đã có nhiều phương tiện thông tin, giao tiếp, như chuyện trò qua điện thoại, thấy nhau qua Skype, gặp nhau qua Facebook, nhưng đối với tôi hình ảnh người đưa thư vẫn là hình ảnh quen thuộc ngày nào rất khó quên.
Còn một chuyện liên quan đến những người phát thư mà chúng ta không thể không nói đến là nỗi sợ hãi khủng khiếp đối với những người đưa thư, trung bình, mỗi năm trên cả nước Mỹ, có khoảng 5,500 người đưa thư bị những con chó nhà tấn công.
Christi Fite, chủ tịch Hiệp Hội Những Người Dưa Thư tại Fort Worth, Texas thú nhận: “Tôi không biết những người khác nghĩ gì, nhưng chó không thích chúng tôi.”
Chúng ta hẳn đã biết những người đưa thư là những người lương thiện, đem lợi ích đến cho mọi nhà, và trong trường hợp này, loài chó đúng là quân cẩu trệ, không biết người ngay, kẻ gian, ai chính, ai tà!
Do vậy, trong xã hội này, có nhiều người lương thiện, làm tốt, sống đạo đức vẫn bị quấy rầy, chửi bới, mạ lỵ không khác gì những người đưa thư bị những con chó đeo đuổi, tấn công.
Tang lễ của bà Peggy Frank, người đưa thư chết vì trời nóng trong chiếc xe giao thư tại vùng Woodland Hills, đã được cử hành đơn giản, không có được những nghi lễ quân cách trang trọng như một quân nhân, hay như người lính chữa lửa hy sinh vì công vụ, không được nhiều người đưa tiễn. Nhưng trong lòng tôi, bà Frank đáng ca tụng như một anh hùng, chết vì công vụ, chu toàn bổn phận của mình ngay trên đường “hành quân!” (DIA- Died In Action.)
Huy Phương
(*) Nhạc của Trịnh Văn Ngân
(**) Việt Dzũng