văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, March 22, 2020

ĐỖ HỒNG NGỌC.¤¤ ĐỂ LÀM GÌ

BS Đỗ Hồng Ngọc

ĐỖ HNG NGC. TP BÚT * * 1

Lời ngỏ 
Tôi đặt tên cho “Tệp tuyển” này là ĐỂ LÀM GÌ bởi vì trong lúc tập họp một số các bài viết ngắn của mình dưới đây tôi luôn tự hỏi để làm gì, để làm gì... mà vẫn không sao trả lời được! 
............ 
Rồi một hôm, trong buổi “về thu xếp lại”, tôi gom góp một số bài tùy duyên, tùy hứng, tùy nghi, tùy hỷ ... bấy lâu mình thích mà làm thành một “Tệp”, mà tôi gọi là Tạp bút như một món quà lưu niệm dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người đồng điệu, cũng nòi tình mà cùng sẻ chia trong chốn thân quen... 
Không ngờ mà khi thu xếp, gom góp lai rai như vậy, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc lại “nỗi cô đơn uy nghi” của Võ Hồng, “người ta ở bển” của Trần Vấn Lệ, “gọi chiều nước lên” của Trần Hoài Thư, và “lắm nỗi không đành” của Võ Tấn Khanh... 
Rồi cũng không thể không cười một mình với “làm mới thơ”, với “vơ vẩn cùng Mây” với “hỏi không đáp, bèn...” 
Rồi lại cũng không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”... 
Mít ướt. Nó vậy đó. Biết sao. 
Đỗ Hồng Ngọc (Saigon, 2.2020) 

ĐỖ HỒNG NGỌC. TẠP BÚT * * 2 

“Để làm gì?” 
André Maurois trong cuốn “Nghệ thuật già” (L’art de vieillir) có nói 
rằng khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì?” thì lúc đó mình đã già thiệt rồi! Tôi vừa mới nói “già thiệt” phải không? Ấy, bởi vì lâu nay mình vẫn biết là đã già, đang già tốc hành, già khú đế mà vẫn cứ nghĩ là mình đang “già giả” thôi! Mà không phải mình tôi nghĩ đâu nha. 
Ông họa sĩ “trời ơi” là Picasso có cái hình này bạn coi nè. Ông vẽ cái “già” chẳng qua chỉ là cái mặt nạ thôi, đeo chơi vậy, trong khi trong ta là một cậu thanh niên trai trẻ, tươi non, hừng hực lửa yêu thương đó thôi. Tôi vừa gọi Picasso là ông họa sĩ “trời ơi” phải không? Là bởi vì theo tôi, trường phái “trườu tượng” của ông thực ra chỉ vì ông có quá nhiều người yêu, vẽ mà như thực chắc chịu hổng nổi với mấy bà, bèn vẽ bà này cái mũi, bà kia cái mắt, bà nọ cái môi... rồi chồng chéo lên nhau thế là ổn cả, mặc cho các nhà phê bình nghệ thuật diễn giải, ổng chỉ cười tủm tỉm một mình thôi! 
Tôi bây giờ cứ định làm gì đó thì bỗng nảy ra ý: Để làm gì? Chẳng hạn gặp một chuyện gì đó vui vui, hay hay, xưa thì đã “thư gởi bạn xa xôi” kể cho bạn nghe, hoặc cũng “Ghi chép lang thang” chút gì đó, nhưng nay “Để làm gì?”. Ngay cả những vấn đề cần tranh luận, cần giải thích, cần đưa quan điểm chung riêng gì đó, nhưng rồi cũng... “để làm gì?”. Vậy đó. 
Rồi tôi lại loay hoay “về thu xếp lại...” một mình giữa ngổn ngang tư liệu, sách vở, gặp chuyện buồn chuyện vui không thiếu định chia sẻ với bạn rồi “để làm gì?”. Gởi “meo” cho anh Hai Trầu, người bạn hơi già của tôi hỏi sao lâu nay im re, anh nói già sao nhanh quá anh ơi, chả muốn làm gì cả. Thì ra, tuổi già, đúng là “Chả cần gì! Chỉ cần già!” là vậy. 

ĐỖ HỒNG NGỌC. TẠP BÚT * * 3 

Chủ nhật rồi, tôi đi Hốc Môn thăm BTD, người bạn đã thân quen từ 60 năm trước, năm 1960 từng đi chơi suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú (con ông Hồ Hữu Tường), Quách Giao (con nhà thơ Quách Tấn), Nguyễn Công Thuần... Anh vốn là người mê văn chương, mê sách cổ, vốn có một vườn cây kiểng, đá kiểng... nổi tiếng một thời, bây giờ đang... Alzheimer, quên hết mọi thứ. Nhắc chuyện xưa, nhớ chút chút... Anh nhứt định đòi tôi tặng anh cuốn “Già sao cho sướng?” mà cũng không biết sướng “để làm gì?”. 

ĐỖ HỒNG NGỌC. TẠP BÚT * * 4 

Một hôm, tôi ra ngồi một mình ở café Đường Sách, trời còn lành lạnh sau cơn bão rớt, chăm chú đọc La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn, bỗng một cô bé áo vàng đến hỏi dạ bác tên gì ạ? Tôi ngạc nhiên, ngó lên. Để làm gì? Dạ để chú thích cái hình con mới chụp lén bác, một ông già đang mê đọc sách nè... Bác không có tên con ạ. Tôi trả lời. Cô thất vọng bỏ đi. Tôi tội nghiệp hỏi. Con làm việc ở đâu? Con tập sự ở báo..., mới ra trường, làm ở phòng... muốn đăng hình phải có tên người. Ờ, sếp con là ai? Cô nói tên đến người Sếp thứ ba, thứ tư gì đó... tôi mới à một tiếng có biết. Bác làm nghề gì? Cô hỏi lại. Con đoán xem. Hình như bác làm ngành giáo dục? Có một chút. Bác làm bên văn học nghệ thuật? hay Báo chí? Có một chút. Tôi đành khai. Bác làm bên ngành y. Bác là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Cô ngẩn ra. Người bạn đi cùng cô à hình như có một nữ bác sĩ tên là Đỗ Hồng Ngọc, con có đọc đâu đó một bài thì phải. Cô áo vàng bỗng reo lên: À, gõ Google coi nào! Cô bấm bấm cái điện thoại. Ồ, bác có trong Google này. Tôi nói thêm. Con thử gõ dohongngoc.com xem. Cô lại ồ bác có “chấm com” nữa hả? Chiều đó, cô gởi tôi cái hình chụp lén và nói con may mắn được quen biết bác... 
Cũng ngộ phải không? Cô bé chỉ nhỏ hơn mình chưa tới 60 năm, huống chi cái ông Từ Thức lên non mấy tháng trở về đã nhiều trăm năm trôi qua mà còn đi hỏi thăm người này người nọ! 
Lục trong đống thư từ cũ thấy có một thư viết tay của một em bé 15 tuổi ở Bến Tre nói em tình cờ đọc cuốn “Gió Heo May Đã Về” của tôi (1995) bèn mua về cho Ba Mẹ. Ba mẹ em tuổi mới ngoài 50, hục hặc nhau luôn, từ ngày đọc cuốn này đã thôi không còn gây gỗ nữa, em rất mừng viết thư cảm ơn. Nhưng bất ngờ nhất là có một em coi cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, viết về Tâm kinh Bát-Nhã (2003), mua về đọc cho Bà Nội nghe vì thấy bà nội thường tụng Tâm kinh hàng ngày. Bà nội thích lắm, bắt đọc cho nghe hoài... Đến khi bà mất, em đã đem cuốn sách Nghĩ Từ Trái Tim đó “đốt” theo Bà! 

ĐỖ HỒNG NGỌC. TẠP BÚT * * 5 

An lạc 
An lạc không phải là hạnh phúc, sảng khoái, hài lòng, vui sướng... nhất 
thời, trái lại nó như dòng suối mát tưới tẩm ở bên trong. An lạc là một trạng thái hỷ lạc tự bên trong mỗi cá nhân, nhẹ nhàng, bền bỉ, mang lại sự bình an cả thân và tâm cho chính mình và lan tỏa đến người khác. An lạc thường đến từ tuệ giác, đưa đến sự tự tại, ung dung, cân bằng cả về vật chất lẫn tinh thần. (Đỗ Hồng Ngọc) 
Một người trúng số độc đắc, một hoa hậu đạt vương miện, một người có tên trên bảng vàng, có thể đang cảm nhận rất hạnh phúc, rất sướng vui... nhưng chẳng bao lâu sự bất an sẽ dồn dập đến, nỗi khốn khổ sẽ kề bên... 
Một người thực sự an lạc chẳng thấy có hào hứng rộn rã bộc phát ầm ĩ nào cả; chẳng có đám đông vỗ tay với những tiếng hò reo, chẳng có vòng nguyệt quế, mà chỉ có sự lặng im, nhiều khi một mình, âm thầm, lặng lẽ. Nụ cười đến tự bên trong, nụ cười của toàn thân, của từng tế bào, không ở đầu môi khóe miệng... 
Cho nên an lạc không dễ. Nó đòi hỏi sự kham nhẫn, sự tri túc, và cả từ, bi, hỷ, xả. 
Nhiều khi phải qua cái tuổi nào đó, thấm đẫm một chút cuộc đời, nghe được cái tiếng kêu ‘trần thế’ thì mới nhận ra sự thiết yếu của tự tại. Nhưng đợi đến lúc “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”(Trịnh Công Sơn) thì đã trễ. Bởi người ta có thể an lạc ở đây và bây giờ. 

ĐỖ HỒNG NGỌC. TẠP BÚT * * 6 

Ta hay chúc nhau “Thân tâm thường an lạc” như một ước vọng. Phải, an lạc thì phải cả thân và tâm. Thân tâm nhất như. Tâm có an thì thân mới lạc. Tâm có lạc thì thân mới an. Mà đời thì vô thường. Làm sao thấy thường trong vô thường đây. Trừ phi thấy Thực tướng, thấy Chơn Như... 
Mấy năm gần đây, tôi thường được mời nói chuyện về “Một nếp sống an lạc” ở nơi này nơi khác. Có khi ở một ngôi chùa, có khi ở một trung tâm mục vụ, có khi ở một hội quán, câu lạc bộ doanh nhân, một nhóm bạn trẻ, hoặc cùng các bậc trí thức... Những buổi chuyện trò đó, với tôi, đều là một cơ hội để học hỏi, giao lưu, chia sẻ. Lời lẽ do vậy mà nhiều khi rề rà, cà kê... chớ không mạch lạc, khúc chiết. Có một số buổi được thu âm, ghi hình. Thế rồi một hôm, có bạn đề nghị hay là ta gom mấy bài nói chuyện này lại, chọn ra một ít rồi in thành tập sách chia sẻ với mọi người cũng hay! Tôi chỉ yêu cầu làm sao giữ được giọng điệu trò chuyện cà kê, kể cả tiếng địa phương, kể cả chuyện tếu táo... để người đọc như đang nghe trực tiếp thì tốt. Tóm lại, đây là một cuốn sách “nói” chớ không phải sách viết. Người đọc thì... nghe chớ không phải xem. 
Hôm rồi, ngồi với một người bạn trẻ trong một quán cafe nhỏ, chúng tôi bàn với nhau về hai chữ “An lạc”. An lạc có phải là well-being, bien- être không? hay An lạc là eudaimonia, một tiếng cổ Hy Lạp thời Aristote gồm “eu” (“good”) và “daimon” (“spirit”), một đức hạnh, đòi hỏi có sự rèn tập? Phải chăng đó cũng chính làđiều Phật đã dạy trong “An lạc hạnh” một phẩm của kinh Pháp Hoa hơn hai ngàn năm trăm năm trước: biết an trụ trong pháp Không, trong hạnh Tùy hỷ, trong đại Từ đại Bi
Thử ”chiết tự” từ Hán Việt thì ra An là ‘dưới mái nhà có người con gái’, còn Lạc là ‘ngôi nhà tràn đầy ánh sáng, có vườn cây xanh mát, có tiếng hát, tiếng đàn, tiếng dệt cửi, quay tơ...’. 

Rồi cùng mà cười. “Em lo gì trời gió/ em lo gì trời mưa.../ em cứ yêu đời đi/ như lúc ta còn thơ/ rồi để anh làm thơ/ và để em dệt tơ...” (Thoi tơ, thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh).

[còn tiếp]