văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, March 15, 2020

LÊ VĂN PHÚC ¤¤ Đường Nào Lên Thiên Thai




Thiên thai – cái tên nghe réo rắt mê ly quyến rũ – theo tự điển nghĩa là “chỗ tiên ở” gọi tắt là “tiên giới” hay “cõi tiên”.
Cõi tiên, nhìn lên một cách lạc quan thấy các đặc điểm sau đây:

Một rằng, vị trí đồn trú của tiên giới ở vào một khoảng cách khá xa phàm trần, có lẽ để khỏi bị ô nhiễm không khí trần gian và tạo thành một chiến tuyến không rõ lằn ranh giới.
Hai rằng, vị trí trên thường là đỉnh non cao, đường đi không tới hoặc hang động ngoằn ngoèo hiểm hóc chông gai, thường làm nản lòng khách tục.
Ba rằng, nghe đâu trên cõi ấy toàn tiên. Từ tiên ông, tiên bà tới tiên đồng ngọc nữ, tiên nào cũng đẹp như tiên, tức là đẹp không thể tả được.
Bốn rằng, các tiên họp lại thành một khối, kêu bằng “Khối Tiên”. Khối này không có chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký. Tuy gọi là khối nhưng không phân ra “khối đa số” hay “khối thiểu số”, tức không chia phe phái đấu tranh như hạ giới. Có lẽ họ được bài học của thế gian nên chấn chỉnh lại chăng?
Năm rằng, các tiên sống với nhau trên thuận dưới hòa, êm ru bà rù, không có những cú tranh bá đồ vương, chấp chính, lật đổ chính phủ. Không có vụ mua quan bán tước, không có ai làm xếp lớn của ai. Coi như sống trong thế giới đại đồng.
Sáu rằng, các tiên tuy khác phái tính mà lại giống nhau ở chỗ chỉ ưa sống vui vẻ, không có chuyện thưa kiện ồn ào, nam nữ thọ thọ rất thân. Tiên không có vụ cấm đa thê, ghen tuông nhỏ nhặt như rải truyền đơn, đốt nhà, tống tiền, gài bẫy. Cũng không có vụ đánh ghen tạt át xít, đốt chồng hoặc cắt chim chồng như kiểu “Bóp Bít”.
Bẩy rằng, cõi tiên hình như là cõi thọ, ai có đủ điều kiện phúc đức được vào cõi tiên là cầm chắc trong tay chữ “thọ”, không bao giờ phải quay lại cõi trần tục nữa.
Tám rằng, chẳng những đeo chữ thọ, các tiên còn đi ngược thời gian, tinh thần thể chất lúc nào cũng hồng hào tươi tốt, chẳng bao giờ phải đi bác sĩ, nha sĩ khám tổng quát, chữa trị gì cả.
Tiên nào trẻ thì gọi là “tiên đồng” “ngọc nữ” lúc nào cũng phởn phơ, không cần đi thẩm mỹ viện.. Tiên nào già thì gọi “tiên ông” râu tóc bạc phơ, tinh thần tráng kiện; “tiên bà” thì dáng dấp dịu hiền, cốt cách như …tiên!
Chín rằng, cõi tiên hình như không ăn mặn. Cõi tiên chỉ “ngả mặn” một mục ái tình. Thực phẩm chính là hoa trái trong vườn thượng giới. Hoa trái không tưới bón bằng phân hóa học hay trồng trong nhà kính nên toàn trái ngọt thơm lành. Tuyệt nhất là những trái đào tiên.
Mười rằng, cõi tiên hình như không vương vấn nợ ưu phiền. Ai vào đó là như sống vĩnh viễn, không bị trục xuất. Ngoại trừ một thiểu số tiên nữ phạm lỗi nặng phải đầy xuống trần gian.

Tạm xét qua 10 điều trên, cõi tiên quả nhiên là cõi chỉ dành cho những nhân vật xuất chúng, có tiền duyên với chốn thanh cao lý tưởng.
Còn như cõi chúng ta đang đi cầy đây, mang cái tên chả lấy chi làm đẹp cho lắm: Nó chính là “cõi tục” vậy.
Nếu lại nhìn từ lăng kính bi quan thì nó như vầy (theo vần ABC tân thời):
Amoco: Cõi tục không cao cả như cõi tiên nên dân chúng sống trên mặt đất hay trên mặt nước. Vì sống trên mặt đất và trên mặt nước nên mới nhận nơi mình ờ là “đất nước tôi”.
Bingo: Khởi thủy, theo thánh kinh, là Adam và Eva sống rất tự nhiên theo thiên nhiên. Sau đến Tarzan đóng khố đu giây. Rồi sau nữa mới chế biến quấn sa rông, quần áo, khăn yếm, sú chiêng, sì líp, quần áo tây, com lê cà vạt, khăng choàng, áo lông thú, son phấn phụ tùng tạp lục.
Congo: Cõi trần là cõi sinh ra ai cũng ở trần đã đành, mà khi lọt lòng thoáng trông thấy cuộc đời trước mặt đã khóc ré lên rồi, như kẻ sắp sửa bị quăng vào chảo dầu vậy. Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều ai oán trong “Cung Oán Ngâm Khúc” một khúc rằng:

Thảo nào khi mới chôn nhao
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra.

Cõi trần đau thương dường ấy, cho nên ai cũng tìm một lối sống riêng cho đỡ cực. Vạy cõi trần là một “cõi buồn”.
Domino: Sống trong cõi trần là phải nói đến tranh đấu để sống còn. Nên mới đặt ra vấn đề quyền lợi. Từ quyền lợi mới nẩy sinh ra chuyện phe phái tranh dành để chiếm phần thắng thế.
Thế giới loài người đã phân chia ra phe Tư Bản, phe Cộng Sản, phe Tự Do; nước văn minh, nước chậm tiến. Lại họp nhau thành những giáo phái như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo…
Vậy cõi trần là cõi ganh đua, chèn ép.
Eldorado: Cõi trần tạm coi là cõi “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Ai đã học dăm ba chữ thánh hiền đều được dạy dỗ ít điều lành, ít chuyện xưa tích cũ đáng làm gương về trung hiếu tiết nghĩa, tứ đứùc tam tòng, quân sư phụ… để làm hành trang cho cuộc đời trước mặt.
Vậy mà vẫn còn xẩy ra những hỉ nộ ai lạc ái ố dục, vẫn còn những bạo chúa, nịnh thần, những kẻ ác nhân ác đức, những đứa vong ân bội nghĩa, những tên phản thầy dối chủ, hèn mạt tiểu nhân.
Những phần tử ấy đã làm cho xã hội phân hóa, suy đồi.
Vậy cõi trần cũng là cõi loạn!

Flamingo: Cõi trần tuy có khổ lụy đắng cay, đấu tranh quyết liệt bạo tàn nhưng bù lại, được ru ngủ vỗ về như có những liều thuốc an thần, những viên kẹo bọc đường mật ngọt. Như trong lãnh vực ái tình thì hứa hẹn “Em hứa yêu anh suốt một đời”, “Em là tất cả của đời anh”. Như trong lãnh vực chính trị thì “Đồng bào hãy bầu cho tôi. Tôi cam đoan bảo vệ hiến pháp”, ” Tôi thề ở lại với toàn dân, toàn quân tranh đấu đến giọt máu cuối cùng”…
Từ đó suy ra, cõi trần là cõi chuyên môn hứa cuội, hứa ẩu.
Gogo: Cõi trần là cõi luôn luôn hô hào đoàn kết, thương người như thể thương thân, anh em bốn bể một nhà. Vậy một khi đã hô hào rát cổ bỏng họng như thế dể thắt chặt tình đoàn kết quốc gia thì phải hiểu rằng tình đoàn kết quốc gia rất ư lỏng lẻo, rời rạc! Tinh thần “duy ngã độc tôn” của người mình đã là một trở ngại lớn lao. Vì lỡ nhuốm một ít cái tính ác của xã hội nên ta cứ hay kèn cựa, chỉ trích, bới móc, phá đám chia bè kết đảng hơn là góp sức chung lo xây dựng. Thành thử ra cõi trần đâu có thực là cõi sung sướng gì cho cam. Nó chính là cõi khổ lụy.

Hapkido: Cõi trần là cõi không ai sống lâu, sống dai như ông Bành Tổ cả. Nếi ai cũng sống lâu như thế thì trần gian này còn đâu đất sống, làm gì còn chỗ đứng nữa? Giống như bốn mùa xuân hạ thu đông thời tiết đổi thay, có mầm sinh mầm dưỡng, có trưởng thành thì cũng có cằn cỗi, đào thải. Lớp này qua lớp khác theo lẽ tuần hoàn.
Thì con người cũng vậy, “trăm năm còn có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Sống trăm năm là trường thọ. Còn trung bình thì “Em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời” đã coi là tạm mãn nguyện rồi!
Socrate nghiền ngẫm về số phận con người đã cay đắng trong tam đoạn luâïn này:

Là người, phải chết
Socrate là người
Vậy Socrate phải chết.

Đến như Socrate mà cũng phải chịu trận thì thử hỏi chúng ta là cái thá gì mà dám đòi hỏi trường sinh bất tử?
Cõi trần “từ đó suy ra ” là cõi tạm, sống gửi thác chuồn.
Bởi suy diễn lẩm cẩm như trên, ta thấy cõi trần coi mòi khó khá.
Muốn khá phải làm sao lên được cõi tiên mới mong thoát được ưu phiền. Nhưng phiền một nỗi, cõi tiên đâu phải là chỗ ai cũng nhẩy tót được vào?
Cho đến bây giờ, dù khoa học hiện đại, văn minh vượt bực cũng chưa ai quả quyết được là có cõi tiên hay không.
Thiềng thử ra, chúng ta vẫn cứ nghi nghi ngờ ngờ, chỉ nhớ đến chuyện xưa tích cũ, gọi là huyền thoại để ru ta vào mộng.

Như chuyện này ai cũng biết:
Rằng xưa thiệt là xưa, có hai gã bạch diện sinh viên chưa có bạn gái, hai chàng đực rựa mới rủ nhau la cà vào chốn rừng sâu. Có sách bảo rằng họ đi hái thuốc trường sanh, lại có sách nói rằng hai chàng đi tìm vần thơ sầu rụng. Duyên kiếp thế nào đến nỗi lạc lối dương trần, gặp ngay mấy nàng tiên cánh trắng dụ khị đem về động tiên sống không hôn thú, phè phỡn mấy năm rất là thỏa lòng mong đợi.
Tuy sống phây phây ngồi mát ăn bát mì như thế, hai chàng vẫn nhớ đến cõi trần. Rồi vì đã được hưởng cõi tiên hơi ngấy, lại nhớ cõi tục hơi nhiều nên hai chàng nằng nặc đòi về chốn cũ.

Bà xã không giữ nổi người tình, đành gạt nước mắt mùa thu, tiễn anh lên xa về xứ mẹ.
Khi hai chàng trở lại mái nhà xưa thì làng thôn đã đổi thay ráo trọi.Đảo khắp nơi, chả còn ai quen thuộc họ hàng. Hỏi mấy cụ già râu tóc bạc phơ về gia đình mình thì các cụ nói rằng ngày xưa nghe đâu cụ tổ mấy đời là Lưu Thần và Nguyễn Triệu lạc lối lên tiên. Không thư từ, điện tín, tê lê phôn, không gửi quà cáp tiền bạc gì về nhà cả. Tới nay đã mấy trăm năm, ít ai còn nhớ chuyện.
Hai chàng tính ra lên cõi tiên sơ sơ mới có vài niên mà ở cõi trần đã mấy trăm năm! Hèn chi mà nhìn ai cũng lạ hoắc.
Thấy mình lạc lõng vì thuộc thế hệ khác, không còn ai thân thích họ hàng, họ buồn tình rủ nhau tìm đường trở về tiên giới.
Nhưng nào thấy bóng dáng tiên nga, mà chỉ thấy:

Cửa động, đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…
· Một tích nưa là cái “ca” của quận trưởng Từ Thức, ngày nọ coi hội hoa mẫu đơn, thấy một người con gái đẹp tên Giáng Hương bị cảnh sát bắt vì làm gẫy một cành hoa. Chàng ra tay nghĩa hiệp, cởi ngay áo “vét” chuộc tội cho nàng (?). Xong đường ai nấy đi. Chàng không kịp hỏi điạ chỉ, số phôn hay điện thoại cầm tay của nàng để liên lạc nữa.
Một thời gian sau, quận trưởng Từ Thức đi chơi trong hang động, lò dò làm sao mà lạc ngay vào một động tiên thì Giáng Hương như chờ sẵn đó tực bao giờ. Thế là tục vối tiên như có cái duyên tiền định. Đôi bên hú hí với nhau rất là thú vị tình thâm.

Một lần Giáng Hương đi họp định kỳ tại dinh Thánh Mẫu, Từ Thức ở nhà một mình mới thơ thẩn ra cửa động đầu non nhìn về đường xưa lối cũ thì dưới kia xa xa là “quê nhà ta chiều khi nắng êm đềm”, động lòng nhớ cố hương. Chàng mới xin vợ cho cái phép đặc biệt để về quê cũ. Gíang Hương giải thích rằng thì là, hễ “ra đi là hết rồi”, không có ngày trở lại non tiên nữa đâu! Chàng vẫn nằng nặc đòi về. Giáng hương can không nổi, nuốt lệ thở dài tiễn anh đi.
Từ Thức trở lại quê xưa thấy cảnh vậr đã đổi thay hết trọi, bà con họ hàng chẳng còn ai. Chàng muốn trở lại cõi tiên nhưng biết đường nào lên thiên thai?
Đường nào lên thiên thai?
Mà chỉ còn “cửa động đầu non” và “bóng trăng thơ thẩn” muôn đời…

Đọc chuyện xưa như thế, ta bật mí ra rằng:
Khi sống ở cõi trần thì mơ ước được lên cõi tiên. Khi lên đến cõi tiên rồi lại nằng nặc đòi xuống, chả ai xin định cư ở lì trên đó làm gì.
Thế thì, ta tự hỏi cõi tiên quả thực có phải là cõi ước mơ, lý tưởng không? Nếu nơi đó y boong là chân thiện mỹ, là hạnh phúc tuyệt vời thì tại làm sao hai sinh viên Lưu Thần, Nguyễn Triệu và cả đến quận trưởng Từ Thức là những kẻ từng mơ ước lên tiên, từng khao khát gặp người đẹp mà lúc được thỏa thuê, thỏa mãn và thỏa đáng rồi lại muốn phe lờ người đẹp non tiên để trở về quê cũ?

Chốn tiên ở là nơi thanh cao, tưng bừng nhã nhạc, vui sướng ấm êm. Còn nơi quê cũ ở cõi tục lụy thì chân lấm tay bùn cầy sâu cuốc bẫm, quanh năm vất vả nghèo nàn.
Tại sao kẻ lên tiên lại chối bỏ mộng thiên đường để tìm về chốn cũ?
Có lẽ thiên thai cũng chỉ là một cõi phàm với những tình cảm như con người hạ giới, nhưng cao đẹp hơn, tinh khiết hơn mà thôi.
Chắc vì thế mà cuộc sống cõi tiên hóa ra uể oải, nhàm chán, vô vị chăng? Nếu không, sao có kẻ đòi về?

Đường lên thiên thai, do đó chẳng phải là tuyệt đỉnh ước ao hạnh phúc.
Nếu cho rằng hạnh phúc là điều mong muốn bình thường dản dị, tự cho là đủ, an phận thủ thường, vui với cái vui mình có, chấp nhận cái buồn mình bắt buộc phải mang, làm sao cho thân tâm luôn được bình an thoải mái nhẹ nhàng thì nào cần chi phải lặn lội lần mò diệu vợi xa xôi?
Thiên thai, hoặc cõi tiên ở ngay trong cõi tục nhân gian, ở ngay trong lòng mình đấy chứ!
Và thiên thai như Từ Thức, Lưu Thần, Nguyễn Triệu đã một lần chối bỏ cõi tiên để tìm chốn “đích thực thiên thai” thì nào có xa lạ gì đâu!
Nơi đó, chính là quê hương ta.
Quê hương của những ai đang lạc nẻo thiên đường…

Lê Văn Phúc