Con chó nằm trong cũi thấy đồng loại của mình bị đem đi đập đầu, cạo lông còn lồng lộn, gầm gừ, hay chảy nước mắt, nhưng đôi khi con người lại quá thờ ơ và dửng dưng với nỗi đau và cái chết của chính đồng bào mình.
Khắp nơi trên đất, chó là con vật được đánh giá cao vì sự thông minh, lanh lợi, lòng trung thành, tình cảm chan chứa, và nhất là mối thân hữu tự nhiên đối với loài người.
Ai nói mặc ai, chứ ở cái xứ Việt nam từ xưa đến nay, tôi thấy con chó là thứ súc vật hèn hạ, bị khinh bỉ nhất, được con người Việt Nam dùng trong những câu chửi rủa miệt thị, không hề nương tay. Nói đến gốc gác thì gọi là “đồ chó đẻ,” mạt sát thì gọi là “đồ chó,” thậm chí trong trò chính trị, khi nói đến những tên hoạt đầu, bất tài vô tướng, một sớm một chiều ăn trên ngồi trốc, thì ví von như “chó nhảy bàn độc!”
Con chó chết lại được xem tệ hại hơn là một con chó sống, bằng chứng chửi ai là chó chết nặng gấp mười lần chửi ai là đồ chó… sống!
Mỗi ngày mở trang báo Việt Nam ra, đau lòng thấy bao nhiêu chuyện chó… chết, nói theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nghĩa đen thì nguồn tin từ Việt Nam cho biết, mỗi năm có 3 triệu con chó chết vì bị giết thịt, thời thịnh đạt, có tổ hợp “Liên Hiệp Thịt Chó Nhật Tân” với con số lên đến 25 nhà hàng, như vậy ông chủ của cửa hàng Nhật Tân phải lên hàng Tổng Giám Ðốc Thịt Chó.
Ðường dây kinh doanh chó xuyên quốc gia cũng được thành lập từ đây với khoảng 300,000 con chó được nhập trái phép từ Thái Lan, Lào về Việt Nam mỗi năm. Như vậy trung bình mỗi ngày có gần 8,000 con chó chết, được đưa lên bàn nhậu, mỗi cửa hàng tiêu thụ khoảng 50 con chó mỗi ngày.
Ðáng lẽ Việt Nam phải nhập cảng văn hóa phẩm, máy móc điện khí, sản phẩm để tạo tiện nghi trong đời sống của con người và nâng cao dân trí, thì phải nhập cảng chó (chắc là nhập cảng lậu) để thỏa mãn những cái mồm nhầy nhụa thịt, mỡ chó và nồng nặc hơi men, để quên đời, có khi quên đi cái thân phận của mình và chẳng bao giờ nghĩ đến cái khổ của người khác. Con chó nằm trong cũi thấy đồng loại của mình bị đem đi đập đầu, cạo lông còn lồng lộn, gầm gừ, hay chảy nước mắt, nhưng đôi khi con người lại quá thờ ơ và dửng dưng với nỗi đau và cái chết của chính đồng bào mình.
Ngày nào ở Việt Nam cũng có chuyện chó… chết! Con chó bị đập đầu nhưng không phải tại các quán bán thịt chó mà chó chết vì người ăn trộm chó. Khi dân phát giác ra chó mình bị đánh chết hay bị đầu độc cho vào bao bố thì y như thế nào cũng có người trộm chó bị đánh chết để đền mạng chó. Vậy là ở Việt Nam hiện nay cái chuyện… chó nhất là mạng con người còn thua cả con chó.
Ở nước khác, nếu bắt trộm một con chó của hàng xóm, nặng lắm là bị phạt tiền và ở tù 10 tháng theo luật nhà nước, nhưng ở Việt Nam thì trộm chó có thể bị đánh chết theo luật nhà… quê, nôm na là luật… rừng.
Thậm chí là ăn trộm một con gà cũng bị đánh chết, nhưng gà không phải chó, bài đang nói chuyện “chó chết” mà nhảy qua chuyện “gà chết” là lạc đề, mặc dù chuyện “gà chết” hay “ chó chết” thì cũng đại loại như nhau.
Nhà cai trị để dân đói và mất đạo đức, bần cùng phải sinh đạo tặc, bắt chó, trộm gà là nhà cai trị quá… chó. Coi mạng người thua con chó, và con người trong xã hội ấy coi chó ngang người hay hơn cả con người thật là lũ… chó!
Vài người đổ xô ra đường đánh chết người trộm chó, lại toàn quyền hủy hoại tài sản của người vì họ đã đổ xăng đốt luôn xe. Không phải chủ chó mà người khác cũng hung bạo nhảy vào đánh ké, dù sự việc không can cớ đến mình, vì bản chất hung bạo của con người trong xã hội này. Những người giết người này, chúng ta có thành ngữ là “lòng lang, dạ thú,” tức là có tâm địa của loài lang, là chó… sói!
Về nghĩa bóng thì đất nước Việt Nam hôm nay mỗi ngày xảy ra không biết bao nhiêu chuyện chó… chết.
Một cái cầu treo xô bao nhiêu người xuống vực chết thảm, thì không quy tội người làm cầu mà đổ chuyện cho người đi. Thế có… chó không?
Chuyện công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (Japan Transportation Consultants – JTC) tố cáo đã hối lộ cho các quan chức Ðường Sắt Việt Nam, chuyện Dương Chí Dũng đưa hối lộ cho anh mình là tướng công an, tính tiền nghìn, tiền triệu trong khi đồng bào lầm than, đói phải đi ăn trộm chó là hết sức… chó!
C…. đánh dân chết, ra tòa chỉ bị án treo là chuyện quá ư là… chó!
Nomadic Matt, người Mỹ, ký giả du lịch đã được giới thiệu trên CNN, BBC, Yahoo, Times, New York Times, trong bài viết “Tại sao tôi không bao giờ quay trở lại Việt Nam” đã tố cáo bọn ….. Việt Nam cuồng dâm, đàn áp dân, thường dùng đòn độc bằng đánh vào hạ bộ của phụ nữ! Thật là quá … chó!
Bọn …. đạp vào mặt dân, gậy gộc, roi điện đàn áp dân oan, người biểu tình chống bắt bớ, cưỡng chế đất đai có khác gì bọn khuyển ưng của hoạn thư ngày trước: “Sửa sang buồm gió lèo mây, Khuyển ưng (chó và chim ưng) lại chọn một bầy côn quang” (đồ hung dữ, du côn) Do chữ “côn quang” này mà ngày nay người dân dùng chữ “……..” để thay thế cho hai tiếng “…..”
Con người tha hóa, trong một xã hội, không còn cương thường đạo lý, con giết cha mẹ, cha mẹ giết con như chuyện cơm bữa. Giết chồng, giết vợ xong đem vứt xuống sông, bác sĩ giết bệnh nhân đem phi tang, thầy chùa giết tình nhân đem chôn sau vườn chùa… bạn bè giết nhau chỉ vì một cái điện thoại, mới ăn ngủ với nhau xong, nhẫn tâm đập đầu tình nhân để đoạt tài sản. Ở đâu cũng nghe giết, giết… như khẩu hiệu của “thi hào” Tố Hữu: “Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ…” Trong xã hội này, người ta giết người không gớm tay, còn dễ dàng hơn giết một con… chó!
Ở Việt Nam bây giờ ở đâu cũng nghe hiếp, hiếp! Trưởng ban văn hóa xã cho trẻ em mới học lớp 4 xem phim sex để hiếp. Hiếp dâm để quay phim, tống tình bắt làm nô lệ tình dục! Nữ sinh bị hiếp dâm tập thể trước mặt bạn trai! Nhờ bạn hiếp dâm vợ để lấy cớ ly dị! Cưỡng hiếp chị dâu đang mang thai! Ðây là vài chuyện trong muôn vàn chuyện… hiếp, được tường trình trên báo chí trong nước! Một xã hội rất… chó, giống chó vì đã xảy ra quá nhiều chuyện… cẩu hợp!
Một xã hội loạn lạc, lắm điều đốn mạt “thượng hạ giai cẩu” (trên dưới đều “chó,” câu nói của Cao Bá Quát) ngay cả bậc sĩ phu, không xoay chuyển được thời thế, chỉ đành kêu lên những tiếng tuyệt vọng: “chó ơi là chó!”
Chuyện chó còn dài dài, may ra khi chết hết chó, dân chúng không còn món nhậu khoái khẩu, dân tình không còn ta thán chuyện chó, bốn cõi mới yên bình, mong rằng cũng sẽ đến lúc “chó chết là hết chuyện!”
Ngày xưa đi học, tóc còn xanh mướt, làm một bài luận văn mà dùng chữ lặp đi lặp lại (điệp ngữ) thế nào cũng bị thầy giáo gạch bôi đen, gạch đỏ. Hôm nay, tóc đã bạc phơ, viết một bài văn, câu kéo lủng củng, nhất là đếm đi đếm lại có đến 64 chữ “chó,” chỉ vì lòng còn quá buồn phiền, sân hận vì những chuyện chó chết, chỉ xin các bạn thương tình miễn thứ!
HUY PHƯƠNG