Tôi nói với lũ học trò, hôm nay là buổi học cuối cùng, cô cho các em nghỉ. Ai có trò gì vui thì biểu diễn cho cả lớp xem rồi về ăn Tết. Lũ trẻ la hét om sòm. Hoan hô cô. Cô hát cho tụi em nghe đi. Cô đau cổ, đau tận trong cái cuống họng này, không hát được. Em nào tình nguyện lên hát? Con gái hát trước. Con trai hát sau. Những cái đầu, chân tay, ngó ngoáy bên dưới làm tôi muốn chóng mặt.
Buổi chiều bắt đầu bằng sự yên lặng mênh mông ngoài cánh đồng phía xa. Chiếc xe đò cũ sơn nửa vàng nửa xanh quen thuộc băng qua ngoài lộ, chạy về phía quận lỵ.
Tôi nhìn thấy những đám cỏ bám um tùm bên lề đường bay giạt trong hơi khói của chiếc xe nhả ra, và sương mù hình như cũng đã lãng đãng đây đó.
Những căn nhà biệt lập bên kia dòng sông sau những dậu tre vàng óng trong cơn nắng cuối cùng. Mấy ngọn dừa vươn cao đứng im hay có gió rung, tôi không biết được, chỉ nhìn thấy những tầu lá đen in hằn trên nền trời xanh mờ đục.
Con sông nuớc đỏ đầy ắp, lấp lánh những chiếc vẩy bạc, vài đám bèo và cành khô giơ lên làm dấu nuớc chảy.
Thưa cô, tại sao con gái lại đuợc hát trước?
Thưa cô em chỉ biết bài “Ghen” có được hát không?
Nó ghen với ông Đại Số đấy ạ.
Ông Trần “Cung Oán” chứ.
Ông “Đại Số” và ông Trần “Cung Oán” là hai người bạn đồng nghiệp dạy Toán và Quốc văn của tôi. Vậy thì tụi nhỏ này lếu láo.
Nó muốn nói gì tôi đây?
Em nào, em nào vừa nói biết bài “Ghen”?
Lũ nhỏ lại xôn xao một phút rồi im.
Trần, anh giảng “Cung Oán Ngâm Khúc” say mê đến độ chúng đã ghép cho anh cái tên ấy.
Anh có say mê tôi như bài giảng của anh không?
Lũ nhỏ im bặt. Vài đứa tái mặt. Tôi chắc đó là những đứa vừa to mồm nhất.
Thằng Oánh đứng lên nhận, thưa cô em.
Nó là thằng bảnh trai nhất lớp. Ở cái trường trung học tỉnh nhỏ này, bọn học sinh gần như không thua gì tuổi chúng tôi. Oánh chắc kém tôi chừng năm sáu tuổi gì đó. Tất cả các con mắt đổ dồn vào nó. Rồi chúng lại quay qua nhìn tôi, chờ đợi.
Cô không biết bài ấy thế nào, nhưng hôm nay là ngày nghỉ, cũng có thể có ngoại lệ. Vả lại, dù cô không cho em hát thì đó cũng là bài em đã thuộc.
Cô đừng cho nó hát. Bài ấy bậy lắm.
Tôi không hỏi ý kiến ai, đừng làm ồn.
Thằng Oánh nhìn sững tôi. Đây là lần thứ nhất nó nhìn tôi như vậy. Hắn nhìn và có vẻ muốn để tôi biết hắn nhìn tôi như vậy.
Tôi nói, em có thể hát bài em thích, nếu không có em gái nào chịu lên hát trước.
Lũ nhỏ lại ồn lên như cái chợ.
Oánh nói, đó là một bài thơ, em xin đọc bài thơ.
Tiếng ồn áo phản đối, xin hát thì phải hát chứ.
Tôi phải gõ chiếc thước kẻ xuống bàn, im hết, im hết. Không đươc ai la nữa. Sao em xin hát bây giờ lại đòi đọc?
Oánh nói, thưa cô em không xin, chỉ hỏi thế thôi ạ.
Tôi nghe trong giọng nói của hắn một sự lấp liếm muốn nuốt những đại danh từ tự xưng với tôi. Hắn đã muốn tránh, tôi sẽ bắt hắn phải thốt ra.
Có phải em muốn chọc giận tôi không?
Thưa cô, không.
Vậy em muốn gì đây?
Thưa cô, muốn hát.
Muốn hát?
Dạ, muốn hát. Nhưng không có giọng. Nếu cứ cố hát sợ cô cười.
Hắn đã làm tôi không nhịn được cười thật. Mặt mũi hắn ngô nghê khi hắn nói với tôi. Lũ trẻ tròn xoe mắt nhìn Oánh. Thấy tôi cười ngặt nghẽo, chúng ngó tôi. Chúng càng nóng lòng chờ hồi kết cuộc.
Tôi nói, thôi em ngồi xuống. Tôi sẽ nghe em hát ở nhà. Bây giờ em nào khởi đầu cuộc vui?
Những đứa khác lần lượt đứng trên bục hát.
Những câu hát nhiều lúc tôi lắng nghe cũng không thể nào nắm giữ được ý nghĩa. Không biết chúng học ở đâu mà thuộc lắm thế. Những giọng hát không âm nhạc nhạt nhẽo, quê mùa, ướt sũng môt thứ tình cảm bơ vơ, giả tạo. Đêm như chiếc khăn đen mỏng phủ trên mặt những ruộng lúa. Hai con mắt thiếu ngủ cay sè, tôi phải giơ tay lên dụi.
Tôi nói, thôi cảm ơn các em, cho các em về. Cô gửi lời chúc Tết gia đình và chúc các em một cái Tết vui vẻ.
Lũ trẻ ra khỏi lớp mặt mũi hớn hở. Vài đứa còn quanh quẩn ở lại. Chúng muốn chúc Tết tôi, chắc vậy.
Tôi bảo, thôi khỏi chúc Tết cô làm gì. Các em cứ về đi. Cô ở lại một chút sẽ về sau.
Tôi muốn ngồi lại một mình trong lớp để nghỉ. Tôi mệt và nghĩ về nhà trọ lúc này cũng buồn. Cái buồn này chỉ thấy rõ vào những chiều cuối năm.
Tôi nhớ lại khuôn mặt lũ trẻ và thằng Oánh. Ba má nó đã cho tôi ở trọ từ ngày tôi được đổi về trường này. Tôi đuợc dành cho một buồng nhỏ trên gác có cửa sổ trông xuống khu vườn.
Vườn trồng cây ăn trái và những cây kiểng kê ở gần chân tường. Đó là một căn nhà hai tầng nhỏ, có giậu cây bao bọc chung quanh, như hầu hết các căn nhà trung lưu miệt lục tỉnh. Nhà có một mặt rào ăn thẳng xuống sông. Đó là chỗ tôi có thể bơi lội những buổi chiều mùa hè, mặc dầu tôi biết, việc tôi mặc đồ tắm bơi lội như thế đã làm ông bà chủ nhà e ngại, nhưng vì nể tôi họ không dám nói ra. Vả chăng, bao giờ tôi cũng mặc áo choàng ra đến bờ sông và chỉ bỏ ra khi nhào xuống nước. Điều tôi áy náy không phải là hai người này mà chính là cậu con duy nhất của họ, thằng Oánh.
Tôi đã thấy nó nhìn nhìn lén tôi một lần tên gác, từ phía cửa sổ căn buồng bỏ không đối diện với phòng tôi. Hắn được dành một căn buồng riêng ở dưới nhà ngang. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy hắn lảng vảng lên căn buồng đó, không biết để làm gì. Hắn lén lên đó và hình như sợ tôi biết. Hắn đi lại rón rén và lục lọi nhẹ nhàng các đồ vật. Cử động của hắn làm tôi liên tưởng tới những con mèo đêm đêm mò mẫm trên nóc nhà và nhiều khi hắn làm tôi ghê gai hết cả người.
Môt buổi chiều Chủ nhật, ngủ trưa dậy, tôi định xuống vườn chơi, nhưng còn ngại nắng, nên bước ra bao lơn nhìn xuống, tôi thấy hắn ngồi tựa mình trên chiếc cột đá trong vườn, chỗ bờ sông, dáng điệu hệt như tôi vẫn thường làm. Tôi có cảm tưởng đã có lúc hắn nhìn thấy tôi trong những cử chỉ thầm kín khác nữa. Hai con mắt soi mói bí mật của hắn làm tôi bắt đầu sợ. Không hiểu hôm nay hắn nghĩ thế nào mà lại dám đề nghị xin hát bài đó?
Đêm đã xuống. Bóng tối bôi bẩn những khoảng ánh sáng còn lại bên ngoài. Người gác trường đã dọn dẹp xong những lớp bên cạnh và đang dọc theo hành lang tiến lại phía lớp tôi đang ngồi.
Dầu sao cũng phải về, tôi nghĩ.
Nghe tiếng chân tôi bước ra, bác gác ngửng lên nhìn, nói, tôi tưởng cô về rồi.
Tôi bảo, lũ trẻ đùa quá phải la hét chúng nên mệt, tôi ngồi lại một lát.
Tôi cũng hỏi, bác sắm Tết đầy đủ chứ ?
Bác cười nhe hàm răng cáu xỉn quết trầu, chống cán chổi nói, thì cũng lo cúng bái tổ tiên ngày mùng Một thôi cô. Rồi bác chép miệng tiếp, phận mình cúng thì cứ cúng, chứ lang bạt tới tận đây biết các cụ có biết mà về không?
Giọng bác âm vang trong cái hành lang đã chạng vạng, gió từ cánh đồng và mặt sông thổi vào có mùi tanh của đất ẩm, mùi ngai ngái của sương và khói đốt rác.
Tôi chào người gác trường, chúc bác ăn một cái Tết vui vẻ như nói những lời đã thuộc.
Bác mời tôi, nếu mùng Một, mùng Hai, cô có thì giờ rảnh xin ghé nhà bác “uống hớp rượu mừng Xuân.”
Tôi nói cám ơn bác rồi ra về.
Lúc ấy đêm đã đen kín trong các bụi cây, lối đi bên ngoài chỉ còn nhìn thấy lờ mờ những mảnh gạch ngói lổn nhổn.
Trên những sợi dây thép gai căng làm ranh giới khu trường, sương xanh biếc, sự hiu quạnh, buồn bã, tưởng có thể sờ thấy trên các mắt gai nhọn.
Trên trời những ngôi sao nhỏ nhấp nhánh trông như đang bị gió làm cho trôi đi.
Gió hất ngược tóc khi tôi bước lên chiếc cầu nhỏ bằng xi-măng bắc qua một con rạch ngang đường, hơi lạnh lùa vào cổ áo lọt xuống sống lưng. Tôi mở một chiếc khuy áo cổ, hứng thêm gió trước khi cài lại. Mồ hôi ẩm trên lưng bây giò se lạnh.
Trần ở phía đằng trước đi lại.
Thấy tôi, anh ngạc nhiên hỏi, bây giờ cô mới về sao?
Tôi nói, tôi muốn lang thang một lát.
Tôi nhìn thấy mặt anh mờ mờ trong tối.
Anh rủ tôi, có xuống phố quận chơi không?
Tôi nghĩ, về nhà cũng chẳng làm gì, nên quay lại đi với anh, ra ngoài lộ đón xe lôi xuống quận. Khu phố nhỏ thắp đèn sáng, người ta bán nhưng mòn hàng Tết, Phòng Thông tin với những chiếc loa phóng thanh lớn đang phát một chương trình nhạc.
Trần mời tôi vào một quán ăn.
Trong bữa, anh hỏi, hình như cô ở đây đã ba cái Tết. Cô không thích về nhà à?
Tôi nói, tôi cũng còn vài người họ hàng. Nhưng tôi không thấy thân đến độ tôi muốn về với họ.
Trần hỏi, thế cô làm gì mấy ngày Tết?
Tôi ngủ.
Không được. Đàn bà không sống một mình được.
Thế anh bảo tôi phải làm sao bây giờ?
Sao không lấy chồng?
Ô hay, lấy thì cũng phải có người lấy mới lấy chứ. Tôi chưa gặp ai đề nghị với tôi cái việc kỳ cục ấy.
Tôi cũng hỏi anh, hình như anh cũng chưa có gia đình? Vậy mấy ngày Tết anh thường làm gì?
Anh nói, tôi đánh bạc. Ông bà già tôi còn cả. Nhà tôi mọi người đều đầy đủ không có gì phải lo ngại. Nên tôi không cần về. Nhưng đàn ông mới sống thế được.
Tôi cũng tự cho đàn bà có thể sống như thế được.
Anh hỏi tôi, cô uống cà phê có mất ngủ không?
Tôi nói, tôi ít uống cà phê, nhưng hôm nay sẽ uống một tách.
Ở tiệm ăn ra chúng tôi đi quanh một vòng phố trước khi trở về. Gặp vài đứa học trò trên đuờng, chúng chào chúng tôi, rồi khi đi qua mặt, chúng quay lại nhìn. Rồi ra Tết chúng sẽ không thiếu chuyện nói về chúng tôi.
Làm đàn bà sống kể cũng khó khăn thật.
Chúng tôi bao cả chuyến xe lôi trở về trường.
Đường đi có những quãng hai bên dày đặc các rặng trâm bầu, dừa nước. Có những cây sâu đất, đom đóm, bâu kín từ gốc tới ngọn trông như bằng lân tinh. Tôi có cảm tưởng phiêu bồng như đang trôi trên một mặt nước êm đềm, ly cà phê kích thích, thần trí mù mù, không một ao ước nào rõ rệt. Trần cũng chẳng nói gì nữa, hút thuốc lá luôn miệng.
Khi xe về đến đầu đường, lối rẽ vào trường thì dừng lại. Chúng tôi đi bộ với nhau môt quãng. Về qua lại chiếc cầu xi-măng, Trần bỗng dừng lại bảo, rồi cô cứ sống thế này mãi sao?
Tôi cười chỉ xuống dòng nuớc đen chảy dưới chân cầu bảo, khi nãy, lúc chưa gặp anh, đứng nhìn dòng nước này, tôi đã thấy sợ.
Tôi nói và chợt cảm thấy bàn tay phải của tôi đã bị cầm lấy. Tôi bàng hoàng cả người, và trong một giây, tôi nhớ lại rõ rệt cái cảm giác lắc lư lúc ngồi trên xe lôi. Tôi biết là mọi khả năng tự vệ của tôi rất dễ thoát khỏi tôi. Bởi vì tôi thực sự cảm thấy yếu đuối trước bóng tối vây quanh. Tôi có ngã vào tay anh cũng không buồn hơn là trở về ngả mình xuống chiếc giường nhà trọ đêm cuối năm này.
Tôi thấy trí óc tôi giống như ngọn đèn trong căn nhà bên kia mũi đất nhìn thấy thấp thoáng sau đám lá, cháy sáng nhưng chẳng soi rõ gì hết. Tất cả mọi hình thù đều tối đen.
Trần kéo tôi về phía anh.
Tôi không kháng cự, cũng không muốn tham dự trò chơi anh bày ra.
Tôi nhắm mắt nói với anh rất nhẹ nhàng, anh không tìm cách hôn tôi chứ?
Anh dừng lại thật và sau đó anh bóp mạnh bàn tay tôi trước khi buông ra.
Anh đã bỏ ván bài anh không chí đánh.
Rồi chúng tôi chia tay.
Trần nhìn sát vào hai mắt tôi bảo, mai anh sẽ về Sài Gòn, nếu muốn tôi có thể sang cùng đi với anh, về ăn thử một cái Tết Sài Gòn.
Tôi nói cám ơn anh, cám ơn anh. Một câu cho đề nghị của anh và một câu cho việc khác.
Trần đi về phía nhà trọ của anh, tôi đi về phía nhà trọ của mình.
Về tới nhà tôi lên thẳng lầu.
Mở cửa buồng, tôi vừa bật đèn tính quay lại đóng cửa, thì thằng Oánh, mặt tái mét chạy xộc vào ôm chặt lấy tôi, úp mặt vào ngực tôi, run lật bật.
Tôi hoảng hốt toan la lên, nhưng giữ lại được. Sức nặng của nó xô tôi lùi mấy bước và ngã ngồi xuống thành giường. Nó ngã khuỵu xuống theo và vẫn ôm chặt cứng ngang bụng tôi, chân quỳ dưới sàn. Tôi dùng hết sức mạnh đẩy nó ra nhưng không được.
Tôi cũng nghĩ, có lẽ tôi nên nói với nó dịu dàng, phải gỡ được nó ra như cử chỉ của nó vừa rồi không có gì nghiêm trọng. Nhưng sự suy nghĩ của tôi không kịp với hành động của nó. Hai tay nó siết chặt ngang lưng và mặt nó úp trên bụng tôi. Tôi run bắn tất cả chân tay. Tôi sợ, vì không biết phải hành động thế nào.
Cuối cùng tôi làm như không để ý đến việc thằng Oánh ôm mình. Tôi nói nhỏ với nó, nào em bỏ cô ra. Vừa nói tôi vừa lần theo hai cánh tay nó gỡ từng ngón tay cho nó rời ra. Một điều nguy hiểm cho tôi là nó khoẻ hơn tôi nhiều. Cuống quá tôi đã phải dùng móng tay bấm trên cổ tay nó. Bị đau, nó càng nó càng phản ứng mạnh, ôm siết tôi. Đã đến lúc tôi phải la lên, và lại càng sợ, vì mọi người sẽ nghe tiếng, tôi phải giải thích sao về vụ này, nên không dám la. Không dám la, không gỡ nổi nó, tôi có cảm tưởng khắp thân hình mình bị áp trên lửa bỏng. Tôi không còn tự chủ được nữa, tôi cào, cấu, đánh, đập, co chân đạp thẳng vào ngực nó. Sau cùng tôi nhìn thấy trên mặt thằng Oánh những dòng máu chảy rướm theo các vết cào thì tôi chỉ còn biết ôm mặt khóc.
Vào lúc đó, vào lúc tôi cùng đường đó, tôi thấy hắn buông tôi ra, buông môt cách hết sức dịu dàng. Phản ứng tự nhiên khiến tôi cũng buông vội hai tay, nhìn hắn, để chuẩn bị đối phó với những hành động hắn có thể làm nữa với tôi. Nhưng hắn không làm gì hết. Tôi chỉ nhìn thấy khuôn mặt trẻ thơ của hắn ràn rụa nuớc mắt, lẫn với những vết xước, một khuôn mặt vừa khốn khổ vừa sáng chói hân hoan.
Chính cái vẻ mặt ấy của hắn đã ám ảnh tôi suốt đêm hôm đó nhiều hơn những cử chỉ hắn làm với tôi. Sau khi hắn bỏ chạy xuống nhà, tôi vội vàng khoá trái cửa, tập trung trí óc, lấy lại bình tĩnh, để thử xem nên làm gì. Tôi xếp tất cả quần áo, vật dụng vào trong hai cái va-li của mình một cách máy móc. Xong đâu đấy tôi tắt đèn, ngồi thu mình trên giường. Đó là lúc tôi quyết định ngày mai sẽ trở về Sài Gòn.
Tôi ngồi ngủ chập chờn cho đến khi nhìn thấy những tia sáng lờ mờ đầu tiên ngoài cửa sổ là đứng dậy xách va li, mở cửa xuống nhà đi liền.
Tôi không gặp bà chủ, cũng không thấy thằng Oánh. Tôi tâm niệm lời xin lỗi với gia chủ vì đã không thể giáp mặt họ để chào và xin phép để đi và chắc sẽ không trở lại.
Ngoài đường sương xuống mù mịt, lối đi ẩm và hai bên hàng rào đều ướt. Gió sớm thổi lướt, hơi lạnh từ ngoài sông và các cánh đồng thổi vào phả trên mặt, hai bàn tay và hai bàn chân.
Tôi dẫm trên những viên gạch gồ ghề đi về phía nhà Trần. Có lẽ vì đêm không ngủ được, tôi bị nhức đầu và hơi chóng mặt, nên nhìn quanh vẫn còn thấy tối lắm. Từng bước, từng bước có lúc tôi giật mình tưởng như va mặt vào bóng tối.
Tôi gọi cửa, Trần dậy mở. Vừa nhìn thấy mặt tôi anh dụi mắt lo ngại hỏi, bộ đêm qua cô không ngủ hả?
Tôi giục anh sửa soạn để ra về.
Chiếc xe đò cũ chở thêm hai chúng tôi. Xe ra khỏi khu xóm. Ở đó tôi nhìn ngược lại và thấy dòng sông chỗ nhà thằng Oánh, nơi tôi vẫn bơi lội những buổi chiều. Sương còn dầy từng đám trên mặt nước.
Tôi thầm nghĩ, hôm nay là ba mươi Tết.
Và tôi hỏi Trần, anh có chỗ nào cho tôi ở nhờ mấy ngày Tết không?
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN