văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, March 6, 2020

TRẦN HOÀI THƯ ¤¤ Đôi Mắt

Trần Hoài Thư

Thêm một mùa thu trở lại. Thêm một bầu trời trắng xám như mang theo một nỗi buồn, cúi đầu đưa ti­n những ngọn lá trở vàng. Và với tôi, thêm một khóa học nữa lại trở về.

Tôi bắt đầu mang lại chiếc áo len mỏng, bỏ lại tập vở, cuốn sách vào school bag để tiếp tục cuộc hành trình. Kiến thức hay là cơm áo. Có lẽ là cơm áo cũng nên. Cái giấc mơ hôm qua của một tên đàn ông da vàng, đến từ một đất nước nghèo khó, lạc hậu, tai ương, trước một thế giới văn minh kỹ thuật, bao bọc bởi computer, điện thoại, fax, bây giờ đã trở nên buồn nản. Hay tại số tuổi của tôi, chẳng khác những chiếc lá vàng đầu tiên rụng xuống trên thềm cỏ. Mùa thì lúc nào cũng về đúng hẹn. Nhưng trong tâm hồn tôi, mùa đang thay đổi theo từng bánh nhịp của thời gian. 

Hôm qua, bao nhiêu phấn kích khiến tôi đêm ngày tìm tòi học hỏi, như một tên vô sản được chia một gia tài giàu có. Hôm qua, tôi đến trường, tai căng, mắt miệt mài, hồn đắm chìm trên trang sách vở. Hôm qua, tôi cứ nao nao đợi chờ ngọn gió chuyển mùa. Nhưng bây giờ, mệt và cô đơn. Mười hai năm làm việc với chừng ấy thứ. Cobol thì cũng như Fortran, thì cũng như C++. Unix thì cũng như IBM. Perform thì cũng như Do. Object thì cũng như không Object. Tất cả thì cũng là những bit 1 bit 0 trùng trùng điệp điệp luân lưu bằng tốc độ sấm sét. Nhưng chao ơi, trong tôi, trên da thịt tôi, những sợi tóc của tôi, não bộ của tôi, còn trăm ngàn bit đời sống tiếp tục bỏ đi theo từng sát na. Để lại nỗi u hoài, hụt hơi, đuối sức.

Nhưng dù muốn dù không, tôi vẫn lái chiếc xe gần hai tiếng đồng hồ từ nơi tôi làm việc đến trường. Khóa học này là khóa cuối. Có nghĩa là sau đó, tôi sẽ được cái bằng để treo, được viết thêm trên tờ Resumé thêm một bằng cấp và được tăng lương. Cứu cánh cuối cùng cũng vẫn là chừng nấy.

Như vậy, tôi đã trở lại cùng những dãy lầu gạch màu hỏa hoàng, vươn lên bên dòng sông Hudson. Như vậy, gã trung niên đang trở về, để bước lại trên hành lang xôn xao tuổi trẻ. Tôi lại bắt đầu hòa nhập vào cõi rộn ràng của sân trường. Những hàng sồi cổ thụ. Đám sinh viên trai gái đang ngồi tụm năm tụm ba trên bãi cỏ. Những con chim bồ câu đang đậu trên bức tượng đồng đen to lớn giữa sân. Tự nhiên tôi nhớ đến Như Hạ. Nhớ nàng đến thê thiết. Hình như con người chỉ có một thời tươi đẹp để ấp ủ nâng niu. Tôi cũng có một thời tươi đẹp như thế. Thời mà những gót chân người con gái nào để hoài, in hoài bãi vườn lòng tôi. Tôi đang chứng tỏ một tay phản động đĩ điếm sắp lấy một cái bằng xứ Mỹ, nhưng tôi vẫn cảm thấy bị thua lỗ một lần. Một lần quá đau, quá nặng. Đau bởi vì nàng thì xa vòng tay của tôi một cách tàn nhẫn. Nặng như nỗi buồn tôi mang theo suốt cuộc hành trình luân lạc này.

Em yêu dấu. Tôi lại thấy em. Như đêm nào quanh lửa trại, trên bờ biển Thuận An. Như đôi mắt em sâu thẳm âm u, và mái tóc mun đen chảy dài cả bờ lưng em mềm mại. Ngày xưa, mà như hôm qua. Tiếng sóng đêm nào, rì rào bất tận. Ngọn lửa bạt bởi gió làm gương mặt em khi ẩn khi hiện. Tôi giấu đôi mắt cuồng đắm, nhưng lòng tôi reo lên tiếng reo từ những khúc củi bốc cháy giữa vòng người. Em được tiếng là người con gái có giọng hát hay nhất trường. Vì thế lũ bạn không chịu buông tha em. Tôi vốc một nắm cát thả xuống, để giấu con tim. Tôi muốn ghen tức. Tôi muốn tiếng hát kia là riêng. Tôi muốn tôi là một người độc nhất để chiêm ngưỡng em, và em chỉ biết có mỗi mình tôi mà cống hiến. Đêm ấy, trăng và sao lung linh kh¡p bầu trời Thuận An. Đêm ấy, những vì sao Đại Hùng Tiểu Hùng ở đâu để tôi còn ước ao trở thành người chăn cừu trên thảo ngàn, để cô bé ngủ quên trên vai. Đêm ấy em ngồi yên trên bãi cát, vầng trăng sáng vằng vặc, chảy lai láng trên mái tóc dài đen mượt như một dòng suối trăng. Tôi đến bên em. Như Hạ chưa ngủ hay sao? Không, em chưa buồn ngủ. Đêm ni trăng sáng quá anh Minh hỉ. Tôi nói Như Hạ hát hay quá đi. Em làm khối chàng trai si em. Em mà ai si. Anh nói thật tình. Trong số đó có cả anh... Thật vậy sao, em mừng quá đi. Nàng nói thật lòng hay chỉ là lời đầu môi chót lưỡi. Dù vậy tôi cũng cảm thấy thật vui. Đêm càng về khuya, gió càng lạnh. Bầu trời dường như càng thấp hơn. Và ánh trăng th¡m vàng một bãi biển chảy dài. Những đôi nam nữ đã dẫn nhau tìm chỗ trò chuyện. Lúc này, bếp lửa trại đã tàn, chỉ còn những miếng than hồng sót lại, cháy dang dở. Tôi muốn ngồi sát vào nàng hơn nhưng tôi không dám. 

Nhưng tôi nghe lòng đâm ấm áp lạ kỳ. Được ngồi bên một người con gái xinh đẹp, được trò chuyện vu vơ, được nghe những lời thỏ thẻ, được nhìn cả một suối tóc lai láng ánh trăng, như vậy cũng đủ cho một tên thanh niên cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Một đôi bạn gái của Như Hạ đã đến bên chúng tôi lúc nào. " Thì ra con Như Hạ ở nơi ni. Mi bắt bọn tau phải chạy đi tìm trối chết. Cứ tưởng là mi đã nằm biệt tích dưới đáy biển mò trai..." Như Hạ chống chế tội tình: " Giữa tau và anh Minh chỉ là bạn..." " Ô hay, tau đâu có nói gì cái chuyện giữa mi và anh Minh. Thôi bọn tau xin lỗi phá mi..." Sau đó hai cô bạn cười khúc khích và chạy đi chỗ khác. Còn lại Như Hạ lầm bầm: " Mấy con nhỏ ni suốt ngày chỉ biết chọc phá người khác." Đó là một đêm xứ Huế lúc chiến tranh chỉ còn ở một nơi nào rất xa, hình như chẳng bao giờ làm bận tâm những đứa con trai con gái. Trường đại học chỉ bao gồm hai ngôi lầu dọc theo bờ sông Hương, và một thư viện, nguyên là kho bạc cũ. Người sinh viên quá d­ễ dàng quen biết nhau, tìm đến nhau, và sau có dễ­ dàng trở thành liên hệ với nhau. Tôi và Như Hạ cũng vậy. Chúng tôi cùng học chung Khoa Học. Chúng tôi cùng chung hàng xóm. Chúng tôi cùng chung kỷ niệm thơ ấu. Chúng tôi cùng chung những ngày đạp xe đạp trên Ngự Bình ăn bánh bèo hay về Cồn Hến ăn chè. Chúng tôi an ổn trong sương muối buổi sáng tháng Giêng và dưới hàng phượng vĩ đỏ ối cả con đường Lê Lợi trong mùa hạ rộn ràng tiếng ve sầu. Chúng tôi bình yên nhìn về phía trước. Không thao thức. Không bâng khuâng.

Nhưng nỗi bình yên kia đã bị bức tử. Một Huế của êm đềm đã không còn êm đềm như xưa nữa. Đêm lửa trại ở Thuận An, với những đôi nam nữ tìm đến với nhau, dưới muôn ngàn tinh tú sáng lung linh đã trở thành một hoài niệm. Tôi thì về biển. Bạn tôi thì lên rừng. Và đau đớn hơn nữa, Như Hạ cũng theo tiếng gọi từ xa. Tất cả trở thành đổ vỡ, phân ly. Không biết tôi oán trách ai đây. Chủ nghĩa hay bạn bè tôi và cả một người tôi si dại mê đắm một thời. Tôi đã đặt câu hỏi và nghe câu trả lời buồn thảm. Bao nhiêu lần tôi trở về cùng biển. Bao nhiêu lần tôi vốc nắm cát và thả xuống từ từ để nhớ về một người nào. Rồi cay đắng. Rồi muốn rưng rưng nước mắt. Ngày còn thơ ấu mỗi lần Như Hạ thấy trái ổi trái xoài chín trên cây thì nàng vẫn nhờ tôi trèo lên để hái dùm. Nàng quá bé bỏng để tôi phải sững sờ khi nghe người dân thành phố kể lại một người con gái lạnh lùng tàn bạo, ngồi sau chiếc bàn dài, với khối quyền uy ghê gớm, kết quả bao nhiêu người đã bị chôn sống tập thể. Có cái gì khiến con người đã trở thành một loài ác thú. Tôi run sợ để nghĩ đến điều đó. Đảng lúc nào cũng khoan hồng. Nhưng vì nhân dân quá nổi giận. Ai đã phát biểu một câu nói để bào chữa cho một tội ác man rợ. Tôi đã đọc bài phỏng vấn về những chiếc huyệt chôn người tập thể từ người của một thời sách vở, và giảng đường trên một tờ báo ngoại quốc. Mười mấy năm sau chiến tranh, ai ai cũng hiểu nhân dân là ai rồi. Thế mà bây giờ người sát nhân chưa một lần thấy lương tâm bị cắn rứt, lại đòi làm người thầy tu. Còn Như hạ của một đêm trên bờ biển Thuận An, chắc bây giờ cũng trở thành một nữ Bồ Tát.

Một nơi nào để tôi còn ngồi lại. Vẫn phòng học ở cạnh dòng Hudson, để mắt tôi phải choáng ngợp bởi một thành phố Nữu Ước vào đêm. Thêm vào gương mặt mới. Một người nữ sinh viên từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hai người sinh viên nam nữ Trung Hoa. Và thêm một người con gái Việt Nam. Tôi biết rõ quốc tịch của nàng qua tên họ nàng viết trên tờ giấy điểm danh. Ngo Nhu Hien. Tôi thầm lén nhìn nàng, như thể nói lên lời chào hỏi bằng ánh mắt. Sau đó, vị giáo sư quen thuộc của khóa học trước, một tiến sĩ Toán học, tốt nghiệp cách đây đến ba mươi năm, b¡t đầu ngay vào bài giảng. Ông nói và nói. Đầu tiên, ông nói ông không bằng lòng khi người ta coi môn Math Statistic này được coi là toán học. Toán học là một cái gì rõ ràng phân minh và dứt khoát. Nó như một cộng một là hai. Còn Thống kê học chỉ là một ngành khảo sát về cái không dứt khoát. Nó chẳng khác Hóa học, Vật lý. Nó dùng những kết quả để tìm những lời giải. Ông cười, nếu là toán thì chắc ai cũng trúng số độc đắc hết...

Ông ngồi trên ghế, trước chiếc bàn vuông, nhìn đám sinh viên, nói liên tu bất tận. Chỉ tội nghiệp người con gái Việt Nam ngồi bên cạnh tôi. Đôi mắt của em sao lại làm tôi chết điếng. Như đôi mắt người xưa. Và cả dáng dấp của em, như dáng dấp của một người bên trời Cửa Thuận. Tội tình cho em trong những giờ đầu bỡ ngỡ. Lời giảng của vị giáo sư quá mau, tiếng Anh, tiếng Mỹ chắc làm em phải khó khăn đuổi theo ghi chép. Tôi thấy em chới với cùng trang giấy. Ông thầy thì vô tâm. Không viết gì trên bảng. Chỉ nói, chỉ giảng, chỉ lật trang sách này qua trang khác. Rồi những bài \f3homework.\f2 Ông đọc thật nhanh. Bài 1, 2, 4, 15, 17, 18, 20. Em vô vọng nhìn qua tập vở của tôi, không dám hỏi. Tôi đưa note cho em. Em vừa nhìn vừa viết lại đến tội tình. Sau đó em gật đầu, nói thật ngượng ngùng: - Thank you.

Mười phút nghỉ. Bây giờ tôi mới có dịp làm quen. Tôi hỏi bằng tiếng Việt:
" Xin lỗi cháu là người Việt Nam." 
" Thưa Bác, dạ." 
" Cháu mới đến trường này lần đầu tiên?" 
" Dạ." 
" Cháu chắc mới qua Mỹ?" 
" Dạ. Cháu mới qua vài tháng..." 

Tôi biết rồi. Thì ra người thiếu nữ này là sinh viên Việt Nam du học. Tôi biết được điều đó qua nội san của trường về chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Tôi hỏi thêm:
" Quê cháu ở đâu?" 
" Thưa Bác, cháu ở Huế." 

Tôi bắt đầu đổi giọng Huế của tôi:
" Bác cũng ở Huế đây. Cháu ở Huế nhưng ở mô?" 
" Thưa Bác, cháu ở Đập Đá." 
" Đập Đá, nhưng mà ở khúc mô?" 
" Khúc giữa, chỗ có nhà thật xưa..." 

Tôi bàng hoàng run rẩy. Như Hạ ơi, hay là giọt máu của em, kết tinh từ da thịt em, dáng dấp của em, đôi mắt của em. Một thời xa xưa mà như thể một giấc mơ. Mấy mươi năm, khu vườn xưa ngỡ đã tàn lụi, giờ đây, một đóa hoa lại nở, hương xưa lại trở về. Cay đắng hay là nỗi vui mừng tràn đầy nước mắt. Những gì hôm qua ngỡ đã mất biệt bởi hận thù, chủ nghĩa, đêm nay, đột nhiên sống lại như bão cuồng. Tôi cố nhìn cô bạn học nhỏ. Tôi cố gắng tìm hiểu, đánh giá về một người con gái, con của một cán bộ bên kia hàng ngũ, người đã từng ngồi ở cái bàn oan nghiệt một thời vào năm Mậu Thân. Nhưng tôi chỉ thấy một cõi cô độc đến tội nghiệp. Gương mặt kia, hay là gương mặt ngời sáng dưới ánh lửa trại, để từ bên này, lòng tôi đã nẩy nở bao nhiêu niềm rung động. Và cả đôi mắt kia, như đôi mắt lung linh dưới ánh trăng trên bãi biển, và cả bờ vai kia nữa, mềm mại, dựa vào người tôi. Gió từ sông thổi vào lạnh c¡t, khiến ngời con gái phải run. Tôi bảo:

" Cháu ơi vào lớp đi, kẻo lạnh. Về sau, có gì cần ở bác, bác sẵn sàng giúp. Dù sao bác cũng ở Mỹ mười năm." 

Cô gái nói:
" Cháu cám ơn bác. Cháu mới qua không giỏi sinh ngữ nên không ghi chép kịp. Bác có thể cho cháu mượn bài ghi của bác được không?" 

" Dĩ nhiên, và hai bác cháu mình sẽ cùng làm homework chung nghen cháu? Cháu hẳn biết ông giáo sư này chú trọng homework hơn cả thi final nữa.

" Cám ơn bác. Cháu sợ không theo kịp. Cháu lo quá." 

" Cháu đừng lo. Riết rồi cái gì cũng quen. Cháu có học thêm sinh ngữ không?" 

" Dạ họ yêu cầu." 

" Này, nếu cháu muốn, bác sẽ mang con gái bác về làm bạn với cháu. Nó sẽ hướng dẫn cháu về Anh văn, nhất là cách phát âm. Nó rất thích bạn." 

" Cháu rất cám ơn bác." 

Từ buổi học đó, tôi có thêm một cô bạn nhỏ, Như Hiền. Tôi biết rõ về nỗi cô đơn lạc loài của người con gái xa nhà này. Con tôi làm sao hiểu những gì ở tận bề sâu thẳm của con tim cha nó. Nó vui được giúp đỡ một người bạn gái đồng hương. Những ngày cuối tuần hai đứa chở nhau đi shopping, hay tham dự các party bạn hữu. Nó luôn luôn khen Hiền đẹp, hiền và ít nói. Hiền thì khẩn cầu con tôi đừng nói nàng là du học sinh. Hiền vẫn còn sợ cái mặc cảm con cán bộ. Riêng tôi, tôi không bao giờ nhắc đến những ngày hôm qua. Những ngày mà hàng ngũ tôi bị hàng ngũ Như Hạ trả thù hèn hạ. Những ngày mà những kẻ chiến th¡ng kiêu ngạo có thể chiến thắng cả Ông Trời. Hãy để Như Hiền chứng kiến và phán đoán lịch sử.

Một ngày sau buổi học, Như Hiền đột nhiên hỏi tôi:
" Thưa bác, có phải bác viết văn lấy tên là Hạ Trường?" 

Tôi biết có chuyện gì sắp xảy đến rồi.
" Phải." 

" Cháu nhớ lần đầu, bác đã hỏi cháu về căn nhà cổ xưa ở Đập Đá. Hôm qua, Nga có đưa cháu xem một bài văn của bác. Bác nhắc lại khu vườn xưa, ngay cả cái lầu mà bác từng một thời trọ học. Cháu đọc, cháu khóc. Cháu biết bác là người yêu của mẹ cháu." 

Tôi cúi đầu xuống. Lòng tôi chau lạnh. Cả khu vườn tôi muốn quên nay lại sống dậy rồi. Cả cõi quan tài kỷ niệm giờ đã mở bung rồi. Bên tôi, người con gái vẫn tiếp tục kể về khu vườn cũ.


" Ba mẹ cháu và những người mà bác nhắc bây giờ họ vẫn tìm đến ngôi nhà cổ xưa của mẹ cháu, nhưng không phải để họp hành sôi nổi như ngày xưa... Hầu hết các bác và các chú mà bác nhắc đều trả lại thẻ đảng, sau khi tờ báo bị đóng cửa. Thỉnh thoảng họ có nhắc đến tên bác. Họ có nói đọc văn bác ở trên một vài tờ báo hải ngoại được lén lút phổ biến. Bác có đọc những bài thơ của chú Trần Vàng Sao?" 

" Có. Bác có đọc. Nhưng cháu hãy nói về ba mẹ cháu đi. Bác muốn nghe." 

" Ba cháu vẫn còn trong tổ chức. Lúc này, ai cũng cố bám vào đấy để hưởng ít nhiều ân huệ. Và cũng chính nhờ vậy, cháu mới được cơ hội đi du học như hôm nay." 

" Còn mẹ cháu?" 

" Mẹ cháu bây giờ sống bằng thuốc ngủ và những lá bùa." 

Mắt nàng mờ lệ. Tôi nhìn lên gương mặt. Tôi khóc cho một dĩ vãng. Dòng Hudson hay là dòng sông Hương, để tôi phải đau như một lời thơ của cụ Trần Tế xương Chợt nghe tiếng ếch bên tai. Giật mình cứ ngỡ tiếng ai gọi đò. Ở đây làm gì có tiếng ếch, nhưng là tiếng đắng cay sông núi. Như Hạ ơi, anh đang thấy lại em, đôi mắt vòi vĩnh anh hái dùm trái ổi, trái khế. Anh thấy lại em, giữa khu vườn rậm đầy bưởi, thanh trà, và em mang áo ấm đỏ khi Huế vào đông, khi con nước sông Đập Đá chảy cuồn cuộn mang theo những thân củi, khúc cây từ rừng xuống sông Hương... Cay đắng này chỉ có một mình anh chôn cất. Còn nữa, còn một đêm đầy sao trên bãi biển Thuận An, để sau này anh phải mang hoài hai vì sao nhỏ từ đôi mắt của em. Để anh mỗi lần cầm viết, cứ nghĩ đến một đôi mắt...

Đến đây, Như Hiền nói như nghẹn ngào:

" Đọc văn bác, cháu biết bác vẫn còn căm hận mẹ cháu. Tự nhiên cháu lại tủi thân bởi vì cháu là con của một người trong cuộc. Bác không biết, đến lúc này, cháu chưa hề biết chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa gì. Cháu đâu là Cộng Sản. Cháu cũng như Nga, như những người bạn mà cháu đã gặp, đều nói tiếng Việt, đều thích vui đùa. Bác không biết trước khi qua Mỹ, ba mẹ cháu đã dặn cháu hãy câm và điếc đừng tiết lộ cho ai biết cháu là con của cán bộ. Bác ơi, làm con của cán bộ đâu phải có tội..." 

" Vâng, cháu nói đúng. Nhưng ít ra mẹ ba cháu là những người từng trực tiếp hay gián tiếp chôn sống hàng vạn người vô tội ở Bãi Dâu phải tỏ ra một chút gì liêm sỉ, đừng nên nhân danh này nọ để biện hộ cho tội ác." 

" Cháu không dám bào chữa cho mẹ, nhưng thưa bác, trong một tổ chức, tiếng nói là tiếng nói của bí thư. Và mọi người chỉ biết cúi đầu lập lại tiếng nói ấy. Ai cũng biết cái vụ thảm sát tàn bạo nhất trong cuộc chiến tranh, nhưng ai cũng không dám nói lên lương tâm của mình.

Riêng mẹ cháu thì từ bệnh mất ngủ đã biến thành bệnh tâm thần. Mẹ nhìn đâu cũng chỉ thấy những oan hồn về đòi mạng. Mẹ đã kêu thầy bùa để yếm từ cổng nhà đến phòng ngủ, nhưng cũng đành chịu thua. Đôi mắt mẹ, mà bác đã từng viết trên bài văn, là đẹp như hai vì sao nhỏ, bây giờ chỉ là hai võng mô đục, không một chút gì sinh khí." 

Trần Hoài Thư