văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, February 26, 2020

PHƯƠNG TRIỀU ¤¤ Kỷ niệm với Tô Thùy Yên


Tô Thùy Yên
Bài thơ trong quán nhậu 
Chỉ là một bước, bước trờ,
Mà rồi từ đó tới giờ biệt tăm.
Bao lần chạy vạy hỏi thăm,
Hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ.
(Biệt Tăm - TÔ THÙY YÊN)

Khoảng thời gian cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, phong trào văn nghệ tại Miền Nam Việt Nam lên cao.
Tạp chí Sáng Tạo với hai cây bút chủ lực là nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã thổi một luồng gió mới vào không khí văn nghệ của Miền Nam Việt Nam. Tạp chí Sáng Tạo còn quy tụ được những cây bút tên tuổi như: nhà văn kiêm kịch tác gia Vũ Khắc Khoan (nhà văn Vũ Khắc Khoan định cư và qua đời tại Tiểu bang Minnesota), nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, nhà văn Mặc Ðỗ, nhà thơ Tô Thùy Yên, nhà văn Trần Thanh Hiệp, nhà thơ Cung Trầm Tưởng, nhà thơ Vương Tân, nhà văn Lý Hoàng Phong, nhà thơ Thạch Chương, nhà văn Thanh Nam, các họa sĩ Duy Thanh, Thái Tuấn...

Nhà thơ Tô Thùy Yên có thơ đăng thường xuyên trên Tạp chí Sáng Tạo. Lúc đó ông mới 17 tuổi. Ông có bài thơ nổi tiếng trên Tạp chí Sáng Tạo là “Cánh đồng, Con ngựa, Chuyến tàu”. Hồi mới đọc thơ ông, tôi tưởng ông là một người luống tuổi. Mãi cho đến khi tôi được gặp ông ở Cục Tâm Lý Chiến. Lúc đó ông là Thiếu tá Trưởng phòng Văn nghệ kiêm Trưởng phòng Ấn họa.

Bà Tô Thùy Yên là giáo sư trường nữ trung học Lê Văn Duyệt. Người phụ nữ này có đầy đủ đức tính của một bà Tú Xương. Bà yêu ông không chỉ vì ông là một thi sĩ tài hoa mà còn yêu cả cuộc đời lận đận của ông trước năm 1975, và những tháng năm nối tiếp tù đày của ông sau 1975.

Bà Tô Thùy Yên hết sức dịu dàng, mềm mỏng với chồng, với con; bặt thiệp, niềm nở với bạn bè. Nhưng bà cũng là một phụ nữ quả cảm, cương quyết. Lần ra tù sau cùng, ông lâm vào tình trạng sa sút sức khỏe trầm trọng. Ông mệt mỏi qua những đợt tù đày, nhưng ông vẫn giữ trọn tiết tháo và khí phách của một kẻ sĩ. Ðược thả ra khỏi tù, ông về nhà sống tỉnh bơ, không trình diện công an theo quy định. Công an phản ứng quyết liệt thì bà thay ông đi... trình diện!

Nhắc lại chặng đường văn học nghệ thuật 1954 - 1975 và 20 mươi năm người Việt lưu vong, không thể nào bỏ qua được những đóng góp vô giá của nhà thơ Tô Thùy Yên.

Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật Ðinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Ðịnh. Học tại Gia Ðịnh và Sài Gòn. Viết từ cuối thập niên 1950. Ông xuất thân khóa 17 Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Ông đã trải qua một thời gian dài giày saut, áo trận, đã đặt chân lên hầu hết các lãnh thổ bốn vùng chiến thuật, trước khi về phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến. Cuộc đời một sinh viên văn chương Pháp của ông không suôn sẻ; cuộc đời binh nghiệp của ông cũng không suôn sẻ. Và sau năm 1975, lại càng không suôn sẻ. Tù cộng sản 13 năm. Tị nạn tại Hoa Kỳ từ 1993.

Chúng tôi nói, ông có... nghề ở tù! Vào cái đợt văn nghệ sĩ bị bắt lại, ở Saigon, chúng tôi hỏi thăm nhau: “Lần này có ông thi sĩ Tô Thùy Yên không?” Anh em đáp ngay: “Có chứ!...”

Tác phẩm của Tô Thùy Yên, những bài thơ của ông, từ năm 1955, như một con suối chảy vào dòng văn học, mang hơi thở của thời đại. Ông đã diễn đạt tài tình những nỗi niềm suy tư của một lớp thanh niên thế hệ. Thế hệ của những thanh niên rời giảng đường để vào quân trường trong không khí dầu sôi lửa bỏng, trong bối cảnh đất nước chia đôi, và trong tình huống có sự đối đầu quyết liệt của hai dòng ý thức hệ. Những thanh niên đó, sau 1975, trở thành những người mất quyền công dân, sau khi đã mất những tháng năm dài của tuổi thanh xuân vào cuộc lửa binh!

Anh chị em Sinh viên Ðại học Minnesota yêu quí nhà thơ Tô Thùy Yên, đã chép đăng bài thơ “Hạ Tàn” của ông trên tạp chí sinh viên:

Biển ve lặng. Cây sững sờ một lúc - Mắt người sâu vời vợi ẩm hơi chiều - Thời tiết chuyển, chuồn chuồn bay xuống thấp - Lửa hiu hiu. Gió cố sự tràn buồn - Ô, có tiếng cành khô nào gẫy đổ - Quyển sách gấp dù rằng chưa đọc trọn - Người ra đi đã tắt ngọn đèn bàn - Giao quên lãng một chiếc chìa khóa cũ - Ðể sau này ai đó đến đây thăm - Giở quyển sách đủ thời gian đọc trọn -

Không muốn vậy nhưng việc đời phải vậy - Vòng ngừng quay. Kẻng khựng một mùa chơi - Ta xé rứt cái hôn còn nắm nuối - Rồi rời tay như thể gửi mình theo - Hồn ráo hoảnh muôn nghìn con mắt tượng - Trả em về sau cánh cửa bình yên - Thiên thu ngủ giấc vùi không muốn dậy - Tự tay anh khép kín cõi mơ nào - Còn lọt giọng đòi cơn tiếng tức tưởi - Như chùm hơi bục vỡ mặt đầm xanh - Anh hối tiếc nghìn đời như nước rỏ - Từng giọt đau, mỗi giọt một đau hơn...

Lòng kiêu hãnh mòn đi như đá tảng - Con chim nào đậu khóc suốt ba sinh - Như thọ phạt lỗi vong tình khổ đọa - Ðã hết đâu. Còn đứa bé hoang đường - Mong trở lại một trưa nào tĩnh lặng - Ðứng nơi sân ném lên cửa phòng em - Hòn sỏi nhỏ của một lần định ước - Khoát gọi em bỏ ngủ lẻn nhà đi - Rong cuối bãi đầu nguồn một kiếp mộng. (1988)

“Rong cuối bãi đầu nguồn một kiếp mộng”. Một kiếp mộng của ông. Một kiếp mộng của tôi. Một kiếp mộng của anh em, bạn bè và xa hơn nữa, của cả dân tộc.
Cái hào sảng, phóng khoáng của nhà thơ! Cái thung dung tự tại của nhà thơ! Coi những khổ ải, đọa đày mà mình đã trải qua như một kiếp mộng. Nhưng đau xót quá!... Một kiếp mộng chớ không phải là một giấc mộng, một cơn mộng! Một kiếp mộng tràn lấn gần hết cả đời người.

Bấy giờ ông ở St. Paul, Minnesota. Minnesota với thành phố cổ kính, tĩnh lặng. Hậu quả của những năm tháng tù đày lại khiến sức khỏe ông suy kém. Ông lại bị mất ngủ kinh niên. Nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh trong việc làm thơ. Cháu Hiệt nói: “Bố cháu có khi đi tới, đi lui một mình trong phòng tới ba, bốn giờ sáng chỉ để chọn một chữ cho một bài thơ!”

Thỉnh thoảng ông ngồi lại với bạn bè. Bên sự trầm mặc của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Bên nét tiên phong đạo cốt của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. (Và thường có sự hiện diện của người nghĩa đệ chí tình của nhà thơ Tô Thùy Yên: cựu phi công Lê Thành Nhơn. Ông này thường chở nhà thơ Tô Tùy Yên và tôi lang thang trên những đường phố Song Thành St. Paul/ Minneapolis, uống cà phê Pháp, cà phê Ý ở các quán sinh viên, uống bia Ðức, loại pitcher...

Gặp lại nhà thơ Tô Thùy Yên tại Minnesota, tôi nhớ lại một kỷ niệm ở Sài Gòn. (Tôi tới Hoa Kỳ sau nhà thơ Tô Thùy Yên 5 tháng. Tôi và ông cùng ở tại thành phố St. Paul, Minnesota. Tôi bên này, ông bên kia con sông Mississippi) Lúc đó nhà thơ Tô Thùy Yên mới bị bắt lại. Một buổi sáng, có mấy người bạn văn nghệ (bạn từ trước năm 1975) tới thăm tôi. Một người bạn hỏi:

- Ê, Phương Triều, có tiền uống bia hơi không?
Tôi cười:
- Tiền thì có, nhưng không đủ uống bia hơi, chỉ đủ... chơi vài xị thôi.
Bà xã tôi chen vào:
- Anh ghi sổ đi. Mai em ghé trả được mà!

Ðược lời như cởi tấc lòng, tôi dẫn mấy ông bạn mất quyền công dân, thất nghiệp kinh niên, tới quán bia hơi. Làm được mấy bình bia, một người bạn nói:
- Nghe thơ Tô Thùy Yên không? Bài thơ mới nhứt, trước khi vào tù...
Tôi băn khoăn:
- Làm sao nghe? Về nhà, hả?
- Về nhà thì mất hứng. Nghe tại đây. Ðược không?
Tôi e dè:
- Ừ... thì làm đại. Nhưng phải hết sức cẩn thận.

Quán này vẫn thường xuyên có công an ngồi uống bia. Kể ra cũng đáng ngại, nhưng có chút rượu vào thì anh em cũng có phần cao hứng. Chơi thì chơi, sợ gì!
Tuy nhiên nhớ câu “cẩn tắc vô... áy náy”, chúng tôi khéo léo sắp xếp ngồi thế nào để có thể quan sát được bốn phía. Một người bạn bắt đầu đọc bài thơ mới của Tô Thùy Yên: “Ánh tàn dư”.

Bài thơ thật hay, nhưng cũng thật dài:

Có một lời từ biệt dị thường - Mờ cổ tự - Khắc trên thân đá địa đầu mù...- Người ra đi ý chừng không trở lại - Bao lâu rồi, Bao lâu rồi đá ngủ phiêu bồng - Ôm giấc chiêm bao người gửi lại - Trời đất ngùi ngùi, - Nắng mưa đắp đổi. - Thiên thu mòn mỏi tiếng ru hời

Rồi có một lần, Rồi có một lần - Không chỉ bởi tình cờ - Ta đến đó - Ðọc thấy lời từ biệt - Và ra đi. - Ðá ở lại. - Ðá ở lại, - Triền miên lẩn giấc phiêu bồng, - Mòn mỏi chiêm bao nhòa nhạt. - Trời đất kia còn bao thiên thu? - Xin uống nốt - Xin uống nốt - Phần rượu còn sót lại đêm qua. - Một lần nữa, nắm tay từ biệt - Cố giữ lòng tịnh lặng thinh không…
        
Ôi, có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc? - Một ngày nữa xuống với đời ta, - Vui biết mấy - Và cũng buồn biết mấy. - Ta ra đi, - Ðường mở tự lòng ta... - Ði cho tới, tới rồi đi, miết miết... - Lòng không cùng, chốn tới biết là đâu. - Ới những con đường như nét cắt, - Hãy xẻ giùm ta thế giới thơm. - Ta đi tới, lòng chỉ buồn một nỗi - Ôi, làm sao đi hết những con đường!

Ta nhớ lắm - Mái nhà xưa khắng khít ngói âm dương - Cỏ bay bám tàn đi rồi mọc lại, - Che những đời lạt nhạt sống cho qua. - Ta nhớ lắm - Khu vườn xưa cây khế tím mùa hoa - Tuổi nhỏ nấp một lần chơi cút bắt, - Chiều cuối hè gọi mãi chẳng còn ra. - Ta nhớ lắm - Căn phòng xưa sách dựng cả trên nền, - Những khuya khoắt chàng trai đầu bão mộng - Gọi hiển linh hằng thế kỷ ma hoang. - Nào hãy như cơn gió thả mình đi - Trong hoan lạc mênh mang trời đất lạ... - Vinh quang cho người đang ở trên đường...

Ðường thám hiểm, đường chiến tranh, đường sứ cống, - Ðường thỉnh kinh, đường hành hương, đường hôn phối, đường thương buôn... - Ô, những con đường như dải nhạc - Vận hành ngời ký ức không gian - Mỗi sớm hôm nhân loại đi về... - Và cả những con đường thiên tai phế bỏ, - Cả những con đường vừa có dạng đường...
           
Nghe chừng ta đã già vô thủy. - Nghe chừng ta vẫn trẻ vô chung. - Và cát bụi nặng tình liên đới cũ, - Thay phiên nhau mà tiễn chân ta... - Ta đến đây, - Bờ bãi hỗn mang -

Những di thể lên nấm lên rêu - Của những gì một thuở huy hoàng, - Làm khách tạm, - Những chiều hôm nhìn lửa nhớ tiền thân. - Nào phải chỉ đêm nay - Mà hằng đêm - Mà mãi mãi, - Ta ngồi, đầu đẫm trắng sao sa... - Nào phải chỉ đêm nay - Mà hằng đêm - Mà mãi mãi, - Lòng cời thao thức sáng âm u...

Hành giả ơi, - Gà lay tỉnh một mé rừng hư định. - Ôi điều ước cùng thiên thu họa hoằn người sực nhớ ra chưa? - Hãy hạnh phúc nhất thời - Như dấu lặng. - Hãy hạnh phúc nhất thời - Như tiếng mưa rào, như lời cỏ hát, - Như ánh chớp đùa, như hạt sương gieo, - Như gợn nước lan reo mà tự hủy, - Như cái ôm choàng, như cái vẫy tay, - Như ánh mắt tình cờ đắm giạt dòng đời, - Như những gì hiện biến hiện...

Hãy hạnh phúc nhất thời, - Hạnh phúc mãi. - Ôi cuộc trăm năm, - Tấm chăn nghèo - Chằm chằm muôn mảnh vụn. - Ðời ta sáng mượn ánh tàn dư - Ðến từ một hành tinh đã tắt nghỉ - Cánh cửa lớn lao nào - Mở ra và đóng lại - Nhanh thật nhanh, - Tưởng chừng không đóng mở. - Cánh cửa lớn lao nào - Mở ra và đóng lại - Kín như bưng, - Tưởng chừng không có cửa. - Cánh cửa này, ta cũng sẽ đi qua.

Ôi những thân đá tiên tri già hôn mê vạn đại - Ðứng rải - Ðường ta đi - Như những thân bằng chờ đưa tang lễ lớn, - Ruỗng tâm can, - Khóc thầm đời bể dâu... - Ta cũng khóc một chiều nào, - Ôm chầm lấy đá, - Thương cho ai, - Thương cho ai... - Ôi điều ước cùng thiên thu họa hoằn người sực nhớ ra chưa? - Ta đi tới, - Mong còn đi tới nữa, - Nhìn thế giới mà ta thấy diệu kỳ - Trong khoảnh sáng buồn rầu - Chừng của một que diêm. - Rồi đến một hôm nào, - Ta mắc lại - Trên cành cây bất chợt gặp bên đường

Tấm áo sinh thời nặng trĩu bụi - Như một lời từ biệt nghe rồi quên. - Ta ra đi. - Ðá ở lại, - Thiên thu mòn mỏi giấc phiêu bồng, - Chiêm bao nhòa nhạt... - Mãi mãi, - Kể từ nay, - Mây, gió, chim bay... - Không có ta cùng theo. - Mãi mãi, - Kể từ nay, - Trời đất ngùi ngùi - Mưa nắng mới...

Ôi điều ước cùng thiên thu họa hoằn người sực nhớ ra chưa?

Sau này một trong những người bạn có mặt hôm đó là nhà thơ Văn Kiếp Thiên, vượt biên, mang theo bài thơ, bị công an rượt chạy làm văng mất.

Khi mới tới Hoa Kỳ, gặp lại nhà thơ Tô Thùy Yên, tôi có hỏi ông về bài thơ đó thì ông cho biết, ông chỉ viết một bản nên chính ông cũng không có. Tôi đề nghị ông cố gắng nhớ lại. Ông đồng ý. Nhưng đến nay đã hơn một năm rồi, ông vẫn không thế nào nhớ lại được trọn vẹn bài thơ. Theo tôi, đó là một trong những bài thơ hay nhứt của ông. Vậy mà nó thất lạc!

Xin trở lại câu chuyện ngâm bài thơ của Tô Thùy Yên tại quán bia hơi. Ông bạn cao hứng mỗi lúc một cao giọng mà chúng tôi không ai để ý. Tới chừng dứt bài thơ thì có ba người đàn ông ngồi bàn gần đó, lù lù tiến tới bàn chúng tôi.
  
- Các ông vừa ngâm thơ Tô Thùy Yên?
Cả bốn người chúng tôi đều... toát mồ hôi. Thôi thế là xong! Chúng tôi đều sắp gặp lại nhà thơ Tô Thùy Yên... tại chỗ mà ông đang ở!
- Cho phép chúng tôi ngồi với các ông.
Chúng tôi nhìn nhau, chưa biết trả lời sao thì ba người đàn ông kéo ghế ngồi xuống. Một ông lên tiếng:
- Các ông gan thật! Thơ của một tử tội mà các ông đọc om sòm trong quán.
Tử tội? Nhà thơ Tô Thùy Yên là... tử tội? Nghe thật rùng mình.

Người thứ hai nói:
- Thôi, xin các ông yên tâm! Chúng tôi là lính cũ của sư đoàn 21 Bộ Binh. Chúng tôi biết ông Tô Thùy Yên hồi ông còn là PIO (Press Information Officer) của tướng Ðặng Văn Quang ở Vùng 4. Chúng tôi quí ông Tô Thùy Yên lắm. Bây giờ muốn đãi rượu ông ấy thì chắc là không có dịp. Thôi thì đãi mấy ông vậy. Xin uống bia chai nghe. Chúng tôi là dân chợ trời, các ông đừng lo.

Cả bọn chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Ba người kia đã đãi chúng tôi một bữa bí tỉ. Bây giờ bình tĩnh nhớ lại cũng còn hơi giựt mình. Kể ra hôm đó chúng tôi cũng dễ tin người. Nếu ba người hôm đó là công an giả dạng thì lại có thêm bằng cớ để bắt chúng tôi.    

Phương Triều