văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, February 27, 2020

HỒ TRƯỜNG AN ¤¤ Bãi Gió Cồn Trăng



Hôm nay ông Nam Tảo đi lên Tân Ngãi đặt làm ba cái bài vị cho ông bà nội mình và cho bà đích mẫu của cha mình để thờ tại trung đường. Ông không ngại tốn kém, đặt làm bài vị sơn son thế vàng rực rỡ.
Nhà ông mái ngói móc, vách ván, gồm ba gian hai chái. Gian giữa, ông thờ bức tranh A Di Đà Tam Tôn. Gian bên trái ông thờ cha mẹ mình. Gian bên mặt ông thờ ông bà nội và bà tổ đích mẫu. Còn chái bên trái ông đặt các hộc tủ chứa dược thảo cùng kệ sách. Chái bên mặt ông kê hai chiếc tủ kiếng bày đồ cổ ngoạn. Trước bàn thờ cha mẹ, ông bà, là bô ngựa bằng gỗ giáng hương. Nơi gian giữa ngoài bàn thờ Phật là chiếc bàn dài bằng gỗ nu nổi vân, hai bên có hai chiếc trường kỷ chạm chim, sóc, trái nho.

Bà Năm Tảo đang soạn một mâm cơm nho nhỏ để cúng cô em nhà chú dù hôm nay không phải là ngày giỗ của cô. Cô này từ trần cách đây mười năm. Số là cô chị bị gã sở khanh dụ dỗ đến mang bầu. Hắn hứa cưới cô và khuyên cô dưỡng thai. Ai dè chén thuốc hắn ân cần đứa cô uống, nói là thuốc dưỡng thai đó, thật sự là Càn Nguơn sắc đặc, chuyên dùng phá thai. Cô uống vào, thai ra cùng lúc với cơn băng huyết. Mất máu nhiều nên cô vong mạng. Đêm qua trong cơn chiêm bao, bà Năm thấy cô hiện hồn về mách bảo:
- Tuổi em hạp với con Ba Tây Nguyệt. Từ nay em sẽ là vong cô phù hộ cháu gặp duyên ưa phận đẹp. Còn bà đích mẫu của anh Năm là vong cô của con Hai Túy Ngọc đó.
Mười năm qua rồi, tên sở khanh kia đã trải hai đời vợ nhưng người em gái yểu mạng bạc phước của bà vẫn chưa đi đầu thai. Tía má bà người gốc Quảng Nam, còn cha mẹ ông Năm gốc Quảng Ngãi. Mâm cơm cúng phải có một món ăn ở hai tỉnh đó.

Hôm nay cô Hai Túy Ngọc mua được một mớ cá đối. Cá này kho lạt, rắc hành và chan mỡ xát hột lựu ngon phải biết! Ông Năm thích ăn bánh bèo Quảng Nam chan nước cá nục kho với ớt gừng sừng trâu. Không có cá nục, dùng cá đối thay thế cũng được. Món bánh béo quê hương của bà làm bằng bột gạo, lớn cỡ miệng chén đựng trôi nước, trắng mềm, thoa mỡ hành coi thiệt ngon. Ngoài món bánh béo ăn cặp với cá đối kho, bà còn làm thêm món bánh bèo lục tỉnh lớn cở đồng xu, trét nhưn đậu xanh và rắc tôm bằm nhuyễn. Mâm cơm cúng có thêm một canh sườn heo nấu với củ cải muối rắc ngò gai xắt nhuyễn, dĩa dưa kiệu xé tơi xào tôm thịt và tộ cá bống cát kho nước đặc sánh..

Ông Năm Tảo là một thầy lang giỏi, nhờ nghề xem mách hốt thuốc mà dư ăn đư để. Nhưng đối với người xung quanh, ông là kẻ trái đời. Vào những thập niên đầu thế kỷ, vợ không sanh con trai mà ông không nạp thiếp, nạp hầu. Chẳng những vậy, ông còn dùng những chữ huê mỹ đặt tên cho các con, và cho con học thêm chữ nho, chữ nôm, làm thơ làm phú ngoài việc học bếp núc, vá may.
Cô Hai Túy Ngọc trắng da dài tóc, nhan sắc bóng bẫy, phẩm cách cao sang. Cô Ba Túy Nguyệt nước da tuy mởn nhưng không trắng bằng chị, dung nhan mặn mòi, ăn nói có duyên.

Bà Năm Tảo nhìn bóng nắng nơi ngạch cửa, gọi hai cô con gái cưng đang xới liếp huệ bên hông nhà:
- Trời sắp đúng ngọ rồi, bay liệu mà vô nhà đi!
Cô Hai vừa bước tới ảng nước điểm loáng thoáng bông cau rụng bởi trận gió đêm qua, vừa giục em gái:
- Thôi chớ. Tạm nghỉ để ăn cơm cái đã. Chiều mát, chị em mình làm tiếp.
Bà Năm bưng mâm cơm từ bếp lên chái bên trái, đặt trên bàn hột xoài bằng gỗ thao lao quang dầu bóng lộn. Bà ngó qua tấm phên mắt cáo, thấy con gái còn lảng vảng ngoài nắng, liền hét:
- Mau vô nhà nghe chưa! Bây còn làm giống gì ở ngoài vậy? Giờ đúng ngọ là giờ cực dương. Hễ cực dương thì hóa âm. Tao nói ít bây phải hiểu nhiều.

Cô Ba Túy Nguyệt lật đật xách chiếc cuốc vào nhà. Cô Hai Túy Ngọc cũng đã rửa tay chưn xong, nối ót em.
Khắp xóm lặng ngắt. Cây cỏ thiêm thiếp say nắng rực rỡ màu vàng ròng. Thỉnh thoảng có tiếng gà gáy lẻ tẻ vọng lên từ trong xóm. Đây là xóm Chuồng Gà nằm bên mặt con lộ Trần Minh Tại, ngoại ô tỉnh Vĩnh Long. Con lộ này từ dốc cầu Thiềng Đức đưa tới làng Long Thành, băng qua xóm Thiềng Đức, xóm Bánh Phồng, xóm Chuồng Gà, xóm Cầu Kè. Bắt đầu từ cuối xóm Thiềng Đức, con lộ đã xuyên vào vùng miệt vườn rợp bóng mát.

Nhà bà Năm Tảo ở đối diện với khu vườn làng nằm kế vùng tha ma mộ địa. Tuy mồ mả nơi bãi tha ma này làm bằng vôi trộn nhựa cây ô đước rất xưa, tròm trèm cả trăm năm chớ không ít, và người chết chắc đã đi đầu thai cả rồi, nhưng lúc chạng vạng tối cũng chẳn mấy ai dám băng qua con lộ trải đá xanh để qua bên kia vườn làng. Vườn làng đây là khu vườn công cộng của làng, do ban hương chức hội tề cai quản. Mấy ông đó chẳng nghĩ gì tới việc khẩn hoang, đốt lau sậy, bứt dây mây dây choại để trồng cây ăn trái. Khắp vườn mọc đầy cây đủng đỉnh, cây dầu, cây sao, cây thị, cây giá tị, bụi tre gai, cụm tầm vông, khóm nứa. Lác đác có vài cây dâu miền dưới, cây phù quân, cây cốc, cây ô môi, vài bụi chuối hột mà tụi chăn trâu thường ghé vô hái trái, cạp ăn nghe rào rạo.

Ven đường là những cây còng lớn cỡ vòng ôm, các loại chùm gởi bám đầy, thân phủ rêu xanh. Tàn cây còng tỏa bóng mát thâm u cả một khúc lộ. Trong bóng mát như chập chờn ẩn hiện bón u linh.
Sau nhà bà Năm là bên sông Long Hồ, cạnh cây da xà sống trên tám chục năm rồi. Thân cây cao vút, tàn lá tỏa rộng, rễ phụ buông xuống như những con rắn lớn cỡ cườm tay. Dưới gốc cây, cà ràng cũ, ông táo, hỏa lò, nồi, ơ, trách, trả, vịm, chậu lủng, bể... bày la liệt.
Bà Năm lấy chén gạo lưng thay thế bát nhang đặt lên bàn, cắm cây nhang huyền đàn vừa mới thắp. Bà vái van:
- Ưng ai, vong hồn dì nó sống khôn thác thiêng, nghĩ tình máu mủ mà phù hộ cho hai con cháu gái của dì.

Đúng ngọ, thời khắc ma quỉ xuất hiện cho tới đầu giờ mùi tức khoảng một giờ trưa. Ai sao không biết chớ cô Hai và cô Ba đã có lần gặp ma vào lúc đúng ngọ. Cách đây ba năm, khi ông bà Năm Tào mới dọn về khu này, hai chị em sau khi dùng cơm trưa xong, vô vườn làng câu cá. Ở đây có một bàu nước trong vắt lớn cỡ hai sào đất. Giữa bàu là những khóm ông súng, lá lớn cỡ cái dĩa bàn trải trên mặt nước. Ven bàu, chỗ nước sâm sấp là những cọm bèo cánh tròn xinh xinh. Cả hai ngồi dưới bóng cây dâu miền dưới, buông cần câu, chăm chú nhìn vào mặt ao. Ngồi mãi, không hiểu vì sao hôm ấy cá không chịu cắn câu. Thời tiết nóng nực, chung quanh hoang vắng, cô Ba Túy Nguyệt cởi áo, kéo chiếc quần lá nem rộng đáy lên tới ngực, với chiếc rổ nhảy xuống bàu để xúc cá tép. Trời đang nắng chang chang bỗng đâu một cơn gió thổ tới, xua áng mây đen che khuất mặt trời. Cơn trốt nổi lên làm kẻ trên bờ, người dưới nước cảm thấy rát mí mắt. Đến khi con trốt thoảng xa và dịu lại, thì cả hai thấy trong bàu nước có một bà già tuổi ngoài sáu mươi cũng đang xúc tép. Sự xuất hiện đột ngột của bà làm hai chị em sửng vững. Cô Hai Túy Nguyệt lễ phép hỏi:
- Thưa bác, bác từ đâu tới?

Bà già nét mặt xanh xao, da dùn, tóc bạc dã dượi, cái nhìn lộ vẻ lãnh đạm, thờ ơ và đặc biệt có một nút ruồi đen, lớn bên mép. Bà nhìn kẻ trên bờ, người dưới nước, ấp úng:
- Tui hả? Tui ở đây, cạnh cái bàu này.
Câu trả lời có vè kỳ cục, bí mật. Cô Ba Túy Nguyệt hỏi bà:
- Bác tới hồi nào mà cháu không thấy? Bác xuống nước cách nào mà cháu không hay?
Bà già lãnh đạm:
- Làm sao cô thấy được! Nhưng thôi, tui không thể ở đây lâu. Mình xúc cá thôi kẻo trễ.
Bà cầm chiếc rổ xúc một cái, được ngay một con cá bông lớn, vảy ửng xanh lè, một mớ tôm càng và hai con cua sặt bướm. Lúc nãy nước trong bàu âm ấm vì nhốt hơi nóng suốt ba ngày nắng liên tiếp, giờ đây bỗng giá lạnh. Ham bắt cá nên cô Ba cứ sẩn bẩn bên bà. Cô cũng xúc được ba con cá lóc bằng cườm tay, bốn con cá rô mề và một mớ tép bạc cùng tôm trứng. Đôi lúc bà già xáp lại gần cô, hơi thở của bà lạnh như gió tháng chạp.
Bỗng một con chim thằng chài lông xanh bay lướt qua bên kia đám điên diển trổ bông vàng sát mé nước. Bà già bảo hai chị em:

- Tui phải đi, đã tới giờ có người kêu tui đó! Vậy tui cho mấy cô mớ cá tôm này.
Bà trút cá tôm vô giỏ cá của hai chị em. Và trong nháy mắt, bóng dáng bà đâu mất biệt. Hai chị em sững sốt nhìn nhau, da thịt mọc ốc. Cô Hai hỏi em:
- Hồi bà bước lên bờ, sao tao không nghe thấy tiếng khuấy nước, tiếng lau sậy khua động?
Cô Ba rùng mình:
- Bả biến đi thiệt lẹ. Hay là...
Cô không dám nói tiếp, hối hả bước lên bờ mặc áo vào. Bỗng cô nhìn vô giỏ cá, ré lên:
- Chị Hai! Chị coi đây nè! Trời ơi, sao lạ như vầy!
Cô Hai Túy Ngọc dán mắt vào đáy giỏ. Cá tôm đâu không thấy, chỉ có rác rến và vài cánh bèo mà thôi.

Hai chị em vội vã về nhà, thuật lại cho mẹ mình nghe. Lúc đó bà Năm Tảo đang ngồi nói chuyện với bà Chín Thẹo ở bộ ngựa giáng hương. Bà Chín Thẹo vụt hỏi:
- Có phải hai đứa bay gặp bà già có mụt ruồi bên mép không?
Hai chị em gật đầu xác nhận. Bà Chín Thẹo vỗ đùi một cái bép:
- Vậy là hai con nầy gặp ma rồi! Hồn ma bà Bảy Cúc đó! Số là hồi năm Nhâm Tuất gì đó, quan Tây Bô-na đem quân đánh chiếm thành Vĩnh Long, giội hỏa pháp vô thành. Quan tổng đốc cho đốt trại lính rồi rút lui. Tây đuổi theo. Một số quân mình vừa chống cự vừa chạy tháo thân tới rạch Nước Lạnh, bỏ mình hàng chục người. Con rạch đó ở sau vườn làng, cách bàu một đám sậy rộng cỡ hai mẫu. Trong số nghĩa quân liệt sĩ đó có ông Hai Phụng. Ổng chưa lấy vợ, nhà chỉ có một mẹ một con. Bà mẹ sau cái chết của con, đau đớn quá nên tới rạch Nước Lạnh khóc lóc than thở. Bà phải mượn rượu giải sầu. Một đêm nọ bà uống say rồi toan tới rạch khóc than với vong hồn con. Ai dè mới tới bàu nước, bà té quị, nhiễm sương mà chết. Dân trong xóm bèn chôn cất bả vẫn chưa siêu sanh, còn lẩn quẩn bên bàu.

Vụ quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, sau đó hai cô Túy được cha thuật lại như sau: Tháng hai năm Nhâm Tuất (1862), thiếu tướng Bonard đem 11 chiếc pháo hạm lẫn tuần dương đĩnh gồm một ngàn quân đậu phía trên đồn Vĩnh Long, đổ bộ sát lũy. Thế giặc rất mạnh, trúc chẻ ngói tan. Đồn Vĩnh Tùng thất thủ. Nghĩa quân ta tử thương rất nhiều. Lãnh binh Tôn Thất Thoan, Quyền Lãnh binh Nguyễn Thái, Chánh Quản cơ Lê Đình Cửu phải dồn tất cả vào đồn Thanh Mỹ. Quân Pháp giội hỏa hổ (trái nổ để phá và đốt) vào thành. Tổng đốc Trương Văn Uyển túng thế phải đốt doanh trại, đốt kho lương rồi rút về huyện Duy Ninh, không kịp thủ tiêu kho võ khí. Lãnh binh Hồ Lực tiếp ứng mặt trận chạy sau. Một cánh quân của ông do Phó Lãnh binh Ngô Thành Riêng điều động bị tản lạc vào ven rạch Nước Lạnh và bị bắn gục tại đây.

Vừa vào nhà, bà Năm Tảo bắt hai cô xức dầu cù là ngay. Tiết trời viêm nhiệt, bịnh thời khí xảy đến biết đâu mà lường, cho nên bà phải đề phòng, không cho cả nhà uống nước mưa chứa trong lu bầu, trong mái đầm để ngoài hàng ba, phải uống nước trà Huế pha gừng, quế.

Bà nhắc nhở:
- Con Hai ăn cơm xong nhớ khuấy bột trứng sam cho tía bây đùng. Con Ba thì nấu cho má nồi chè đậu xanh khổ tai bột bán.
Vừa từ bếp đi lên, tay bưng dĩa bàn đựng rau sam luộc và chén mắm nêm giã tỏi ớt, thì bà nghe cô Ba Túy Nguyệt kêu nhỏ, giọng run rẩy, nặt tái xanh:
- Má, chị Hai coi kìa!
Bà Năm Tảo đật dĩa rau và chén mắm cạnh mâm cúng rồi cùng cô Hai bước ra hàng ba ngó về phía cây da xà. Quỉ thần thiên địa ơi! Cô em con nhà chú của bà hiện về đó chăng? Cô ta nằm vắt vẻo trên hai nhánh cây da, tóc buông xõa phất phơ trong gió, mặt xanh chành như lúc lâm chung. Cô ta ôm một đứa con trai cỡ ba tuổi mập mạp xinh xắn. Đứa bé bú tay, áp đầu vào ngực mẹ.

Bỗng cô Út Thoại Huê, tên cô em nhà chú của bà Năm Tảo, ngóc đầu ngồi dậy, ngoắc bà Năm:
- Chị và hai cháu lại gần đây cho em bày tỏ câu chuyện. Tới giờ mùi hai mẹ con em phải trở về cõi âm.
Bà năm Tảo ngó hai con rồi cả ba bước lại gần gốc cây da. Nắng bên ngoài chang chang như đổ lửa, nhưng vũng bóng mát cây da sao mà rờn rợn, gây gây lạnh! Bà Năm ấp úng:
- Dì về ở luôn hay ghé chơi một chút rồi đi?
- Thân em đây vốn vô định sở, nhưng vẫn ở trong cuốc đất Vãng nầy. Chỗ nào trong đất nầy cũng là nhà của em, vì bởi nghiệp lực oan trái em không ở một chỗ lâu dài. Thằng Hai Luyện khốn nạn dụ dỗ em cho tới mang bầu. Má con nhà nó còn bày mưu lập kế phá thai khiến em phải băng huyết mà vong mạng. Trót nười năm nay cái ác quả của gia đình nó chưa chín muồi nên ác báo chưa hiện hành. Ai gieo mạ tháng ba thì tháng chạp sẽ gặt lúa. Riêng dòng họ mình tu nhơn tích đức nhiều, anh chị ăn ở hiền lương sẽ gặp nhiều sung sướng về sau. Em về thăm chị và cầu xin chị một điều: Cây da nầy hạp với vong hồn các sản phụ chết trong lúc lâm bồn và các thai nhi lỗi giờ sanh. Xin chị lập dưới gốc da một miếu nhỏ cao hai thước, ngang một thước rưỡi, dài hai thước, có hương án bên trong, liễn đối bên ngoài. Mỗi kỳ rằm Vu Lan nhớ cúng kiếng cho các vong hồn được hưởng. Có vậy em mới theo con Ba để phù hộ cho nó.

Bà Băm Tảo suýt soa khấn vái:
- Dì nó đã dạy thì mẹ con tui xin vưng. Chỉ mong rồi đây không lâu, vong linh mẹ con dì mau được tiêu diêu siêu thoát.
Cô Út Thoại Huê bảo:
- Chị nên giữ kín chuyện này, đừng để lối xóm hay biết. Thôi, chị và các cháu vô nhà đi. Em và các bạn ở đây vui chôi chốc lát rồi sẽ về cõi u linh.
Mẹ con bà Năm ngậm ngùi quay vô nhà. Cả ba nhìn qua tấm vách, về hướng cây da. Trên ngọn cây, khắp các cành, vài chị đàn bà xỏa tóc chuyền qua chuyền lại. Còn lũ con nít thì bay lượn như chim, cười nói líu lo nhưng âm vang chỉ văng vẳng mơ hồ, lẫn trong tiếng gió xôn xao từ cánh đồng bên kia con lộ đá thổi tới.
Cô Út Thoại Huê cất tiếng hát:
- Nắng lên cho lá héo hon / Cho đáng kiếp chàng phụ rẫy nghĩa xưa

Một chị đàn bà ru theo:
- Thuở xưa quả báo thời chầy / Thời nay quả báo một giây nhãn tiền...
Những lúc hát những câu trách móc đó, cơn giận làm mặt họ xanh như chàm đổ, răng nanh dài ra, mắt sáng quắc như hai cục than ngún lửa. Rồi đám trẻ nít dần dần biến mất, sau đó mới đến lượt các chị đờn bà. Sự yên tĩnh rờn rợn phủ xuống.
Ông Năm Tảo tác người roi roi. Nhờ ông dượt võ Bình Định đều đặn, cũng như chịu khó làm vườn cuốc đất mỗi khi rỗi rảnh nên thân thể cường tráng, bụng săn chắc chia làm sáu múi. Mặt ông bặm trợn nhưng hòa huỡn, cằm vuông, mày sắc. Ông lớn hơn vợ một tuổi nhưng không giữ nét trẻ trung bền dai bằng vợ. Gần tới tuổi năm mươi mà tóc bà Năm vẫn đen láng như huyền, mặt không một vết nhăn, vóc mình hơi mập, tươi mát. Thương yêu vợ nên dù vợ không có con trai, ông vẫn không chịu nạp hầu, nạp thiếp. Nhớ ơn đó, bà chiều chuộng, săn sóc ông từng chút.

Trong khi cô Ba xuống bếp lấy đường cát mỡ gà và bột huỳnh tinh khuấy trứng cá cho cha thì bà Năm Tảo thuật lại giấc chiếm bao đêm trước và vận sự các oan hồn hiển diện cho chồng nghe. Ông cứ gật đầu chấm câu, không hề ngắt lời vợ. Nghe xong câu chuyện, ông nói:
- Má nó thấy tui có lý hay không? Hồi tui tính dọn về đây ở, má nó cứ cằn nhằn tui sao chọn nhà gần chốn tha ma mộ địa. Nay má nó rõ rồi đó: đức trọng quỉ thần kinh. Tui noi gương ông bà, giữ vững khí tiết. Má nó thì giữ dạ hiền lương, lại dạy con cái hiếu thảo, tiết trinh. Vậy thì ma quỉ nào nỡ lòng khuấy phá, hãm hại mình.
Bà Năm Tảo hạ thấp giọng:
- Để rồi ông coi, gia đình ông Bang biện Huỡn sẽ trả quả!

Ông Bang biện Trần Văn Huỡn là cha của cậu Hai Luyện, nhà ở xóm Cầu Đào, gần chùa Bảy Phủ. Ông nội của ông Bang biện vốn là bạn đồng hương với ông nội ông Năm Tảo, quê làng Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Cả hai ông cùng vào Nam lập nghiệp. Nhưng trong khi ông nội ông Năm Tảo sống bằng nghề xem mạch hốt thuốc thì ông nội ông Bang biện theo tên Việt gian Trần Bá lộc chuyên đánh dẹp, bắt bớ các nghĩa quân chống Pháp ở vùng Tiền Giang.
Vào năm 1862, trong trận đánh chiếm Vĩnh Long, nhờ ông nội ông Bang biện Huỡn điềm chỉ mà quân Pháp đã tiêu diệt đám nghĩa quân của Lãnh binh Hồ Lực. Để trả ơn, ông ta được Pháp cho làm tri huyện tại huyện Duy Ninh. Cha ông Bang biện Huỡn là con trai duy nhứt, thừa hưởng một gia tài khổng lồ, ruộng đất cò bay thẳng cánh, trong tủ có trên ba trăm lượng vàng. Ông Bang biện Huỡn là thứ nam, không được coi sóc nhà thừa tự và hưởng ruộng đất hương hỏa. Nhưng ông thọ hưởng được tánh gian ác của ông nội cũng như quyền biến và biển lận của tía ông nên ông lập cơ nghiệp to tát chẳng mấy chốc.

Nhà ông bang biện Hưỡn ở sâu trong rạch Cầu Đào, giữa khu vườn trồng cây ăn trái. Nhà lợp ngoái lưu ly màu ngọc thạch, nền đá da qui cao tới ngực, tường đúc, nền nhà lót gạch bông, sân trước, sân sau, sân bên đều lót gạch tàu. Trong nhà bàn ghế bằng ỗ nu, gỗ cẩm lai. Bàn thờ bằng gỗ trắc khảm ốc xà cừ lóng lánh. Các gian bầy đầy đồ ngoạn khí: chậu, chóe, đôn đều bằng sứ quí giá. Đó là chưa kể hai chiếc tủ kiếng, đĩa, độc bình cổ thời Gia Tĩnh, Khương Hy, Càn Long... Đáng kể nhứt là cái lẫm lúa ba gian dài 12 thước đập vào mắt lối xóm, chứng tỏ ông là bực đại điện chủ có tới 300 mẫu ruộng tốt.
Ông bà Bang biện Hưỡn tuy giàu có nhưng cư xử rất khắc bạc với tôi tớ, tá điền, tá thổ. Bà cho vay ăn lời cắt cổ. Hễ con nợ túng hụt, không kịp trả tiền lời đúng hạn là bà mắng nhiếc chửi bới. Có lần bà dám nhảy lên bàn thờ ông bà của một con nợ tá điền. Còn ông thì khoái ngủ với những đờn bà có chửa mà dân sành việc gối chăn gọi là “núp gò mối đâm heo.”

Cậu Hai Luyện trải qua hai đời vợ. Người vợ trước của cậu chết trong buồn rầu, thất vọng vì lấy phải người chồng bạc bẽo, ưa đào đĩ. Người vợ sau vốn là con ông tri huyện, tánh bướng bỉnh. Khi về làm dâu, mợ ta gây gổ với cha mẹ và hai cô em chồng. Hễ cậu vắng nhà lâu là mợ ó ré chửi mắng. Nếu cậu cự lại là mợ xách dao rượt cậu chạy vắt giò lên cổ. Cô Ba Cẩm Tú, em kế của cậu, cô trỗi giọng chảnh lỏn là mợ lập tức ghịt đầu, vả lịa lịa vô miệng. Sau đó, mợ mượn cớ về thăm nhà rồi ở luôn. Cậu qua rước, mợ chẳng những không về còn đon ren chửi xéo cha mẹ chồng.
Cô Ba Cẩm Tú chơi thân với một cô bạn học cùng lớp trường Áo Tím. Thấy cô nọ có ông thầy thuốc tốt nghiệp trường Y khoa Hà Nội đi hỏi, cô tìm cách rù quyến vị lang tây kia khiến cô bạn thất vọng uống á phiện trộn dấm tự tử.

Cô Tư Cẩm Lệ, con gái út của ông Bang biện, nhảy vô làm bé một ông thầy kiện ở Sài gòn rồi lấn quyền vợ lớn khiến bà kia buồn rầu mà chết. Khi nắm quyền chủ phụ trong nhà, cô đối xử với con ghẻ tàn tệ còn hơn đối với kẻ thù.
Ông Bang biện Hưỡn và ông Năm Tảo vốn là đôi bạn thơ ấu. Dù tánh khí khác nhau, nhưng cả hai vẫn giữ tình giao hảo. Lý do thứ nhứt là bởi ông Năm coi mạch hốt thuốc mát tay. Lý do thứ hai cũng là lý do chánh, ông Bang biện cần có người để khoe khoang. Riêng bà Năm và hai cô Túy chưa hề đặt chưn tới nhà ông Bang biện bao giờ! Hễ vô tình đụng đầu nhau ngoài đường, hai cô Túy chỉ chào hỏi lễ phép, nói vài câu rồi đường ai nấy bước.

Cơm nước xong, ông Năm Tảo sao khử thổ hột muồng thơm, lá hắc phàn diệp, thân, cành và rễ cây mật nhãn. Bà Năm cũng không quên nấu món thang trị ho gồm bách bộ, gừng khô, bông sứ cùi phơi khô, rau tần dầy lá cho mình.
Cô Hai Túy Ngọc mở nắp thố sứ, múc bột huỳnh tinh khuấy trứng sam vào cài chén sứ nhỏ bày lên mâm rồi mời ông Năm Tảo dùng. Bên ngoài, trời vừa tắt nằng. Ông Năm vừa ăn bột, vừa lắng nghe tiếng bìm bịp vẳng ngoài bến sông. Ông bảo cô trưởng nữ:
- Tía phải qua bên xóm Lò Rèn để trị bệnh cho cô Bảy Thược, con ông Hương bộ Hành, cuối canh hai tía mới về.
Cô Hai Túy Ngọc không nói gì. Ba tiếng “Xóm Lò Rèn” như vọng một ấn tượng có một thoáng bàng hoàng. Nói là xóm Lò Rèn, nhưng ở đó chẳng có một cái lò rèn nào. Muốn rèn dao, mác, xuổng, cuốc... dân xóm Cầu Kè nầy phải bơi xuồng vào tận làng Long Thanh.

Bà Chín Thẹo kể rằng, cách đây bảy năm, có gia đình người thợ rèn gồm hai vợ chồng tuổi cỡ 30 và thằng con trai tuổi chừng 13. Hằng ngày, vợ thụt ống bể, chồng rèn dao mác. Đứa con trai xẩn bẩn bên cha để học nghề. Ai dè một hôm trời mưa, sét đánh chết cả ba. Chòm xóm và họ hàng những người bất hạnh đó chôn họ trong miếng đất, cạnh lò rèn. Trải qua hai mùa mưa nắng, nền lò rèn mọc đầy cỏ ống, cỏ đuôi chồn, cây ké, cây vòi voi, dây choại, dây nhãn lồng. Nhưng đêm đêm, những người neo xuồng bên kia bến Lò Rèn để câu tôm thường thấy cảnh lò rèn hiện ra, đèn thắp leo lét, lửa đỏ rực. Người vợ vẫn thụt ống bể, người chồng vẫn đập búa lên thỏi sắt nung đỏ đặt trên đe, còn đứa con trai vẫn ngồi chồm hổm bên cha. Tiếng búa nện không chan chát như tiếng búa thường, nó chỉ văng vẳng mơ hồ, vọng vào cõi âm u từng loạt mong manh rời rạc. Cảnh lò rèn ma và ba chiếc bóng u linh cứ sinh hoạt như thế tới lúc gà gáy hiệp hai mới tan.

Mỗi khi nhớ tới vận sự gia đình người thợ rèn, cô Hai Túy Ngọc nao nao tấc dạ. Cái chết giáng xuống thình lình biến hai vợ chồng và đứa con kia thành ba oan hồn uổng tử, tâm thần hoang mang mờ mịt. Bởi họ không biết rằng họ đã bước vào cõi chết, họ không hay xương thịt họ đã vùi trong lòng đất và đã vữa nát, hư hoại. Cho nên, nhiều đêm họ tái diễn cảnh sinh hoạt mà họ vẫn làm thuở còn sanh tiền. Có ai tụng cho họ bài chú vãng sanh và kinh cầu siêu để vong linh họ nhận biết được tình trạng của mình hầu sớm đầu thai kiếp khác!

HỒ TRƯỜNG AN