văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, February 19, 2020

NGUYỄN HIỀN ĐỨC ¤¤ Thử Sơ Phác Chân Dung ĐỖ HỒNG NGỌC


¤  Lời giới thiệu:  Nguyễn Hiền Đức, tên thật là Nguyễn Hiền (thường gọi 5 Hiền), còn Đức là tên vợ, chị Phùng Ngọc Đức, nên lấy bút danh Nguyễn Hiền-Đức, quê gốc Hội An, trước 1975 từng có thời là Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tư Tưởng, Đại học Vạn Hạnh, thư ký riêng của HT Thích Minh Châu… Anh tốt nghiệp Báo chí và Xã hội học, rồi cao học Sử ở Đại học Vạn Hạnh. Đó là một người gầy gò, trông khắc khổ, nghiêm túc, nhưng rất nhiệt tâm và nói chung… dễ thương…”

Tôi đọc lại các tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc và gom góp những bài ông trả lời phỏng vấn, trò chuyện đăng trên các báo, tạp chí, kể cả trang mạng www.dohongngoc.com/web/, rồi những bài viết, những cảm nhận của nhiều tác giả, nhiều bạn đọc trong và ngoài nước… để mong sơ phác được phần nào chân dung ông. Tôi lúng túng, loay hoay mãi. Bài viết lần đầu là Sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc qua những trang văn, trang đời. Rồi bỏ. Đến Sơ phác tiểu truyện Đỗ Hồng Ngọc. Lại thấy không ổn. Và đây là bài viết lần thứ ba.
Tôi cũng đọc lại những bài của học giả Nguyễn Hiến Lê viết về những người bạn văn thân thiết như Đông Hồ, Quách Tấn, Giản Chi, Nguiễn Ngu Í…  trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Lại đọc thêm Nhớ bạn của Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc, tiếp đến là Bạn bè một thuở của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, và cả Buồn buồn Vui vui của người anh chí cốt của tôi vừa đột ngột rời cõi tạm  (13.02.2014): Anh Năm Nguyễn Quang Sáng.

Riêng Đỗ Hồng Ngọc tôi gom lại những bài tạm gọi là “ký sự nhân vật” hoặc “Phác thảo chân dung”… ông viết về Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Viện, Nguiễn Ngu Í, Dương Cẩm Chương, Ngô Gia Hy, Trương Thìn, Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn, Cao Huy Thuần… đến những người bạn thân thiết của ông đang hoạt động trên nhiều lãnh vực…
Tôi lại tiếp tục đọc, tiếp tục “vịn” vào người khác. Tôi đọc Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – một số chân dung. Trong Đôi điều tâm niệm, nhà báo kỳ cựu Hàm Châu viết: “… Khi viết về cuộc đời và sự nghiệp một nhân vật cùng thời, tác giả may mắn hơn ở chỗ có thể “diện kiến, phiếm đàm” với chính nhân vật ấy. Nghề làm báo tạo thuận lợi cho việc giao tiếp. Bởi thế có nhà lý luận báo chí cho rằng, một phóng viên giỏi, với cuốn sổ tay, chiếc máy ghi âm – ghi hình và tài năng phân tích, đánh giá, rất có thể trở thành một “nhà chép sử đương đại” qua các tác phẩm ký chân xác, đáng tin về những sự kiện, con người của thời đại anh ta đang sống”.
Rồi tôi lại đọc Nguiễn Ngu Í – Cuộc đời và Văn nghiệp của Châu Hải Kỳ viết về “kỳ công” của Nguiễn Ngu Í khi đi phỏng vấn: “… Với chiếc mô-bi-lết già nua, hay chiếc xe đạp cọc cạch, anh đi sớm, về khuya, bất kỳ mưa nắng, và đôi khi bất kể cả giờ giới nghiêm nữa. Muốn gợi đúng được không khí “Sống và Viết” của người mình tìm hiểu, anh lại phải tới ăn và ngủ với người đó có khi hai ba lượt, có lần tới hai ba ngày. Rồi muốn người được phỏng vấn xác nhận điều mình đã phát biểu và thực sự yên tâm đối với bài báo nói về mình, mỗi khi viết xong, anh lại chịu khó đưa bản thảo tới cho xem lại để tùy tiện sửa chữa…” (Sđd., NXB Văn hóa Thông tin, 1993, tr. 54).

Tôi cứ nghĩ mình phải đọc nhiều như vậy để mong “cảm” được một điều gì đó, “nhập” được một điều gì đó, “ngẫm” được một điều gì đó, “ngấm” được một điều gì đó để mà sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc không đến nỗi tệ quá! Vậy mà không phải vậy!
Thưa trình dài dòng như vậy cũng chỉ để nói lên một điều rằng tôi có rất nhiều hạn chế khi sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc. Tôi “theo dõi” khá kỹ về Đỗ Hồng Ngọc ít nhất từ năm 1967, khi người bạn thân cùng lớp với tôi ở Đại học Vạn Hạnh là nhạc sĩ Miên Đức Thắng phổ nhạc thơ Đỗ Hồng Ngọc và trình diễn những nhạc phẩm “phản chiến”, nhưng mãi đến nay tôi chưa một lần gặp gỡ Đỗ Hồng Ngọc. Người anh, người bạn đồng hương khá thân với tôi là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có lần phone cho tôi: “Ê, Năm Hiền, 9 giờ sáng mai cà phê nghe, tại…. ngồi với Đỗ Hồng Ngọc, Trương Thìn, có cả nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương nữa, và nhiều bạn bè khác. Nói chuyện vui vẻ và thú vị lắm. Nhớ đó”. Tôi dạ vâng nhưng cuối cùng rồi không dám đến vì nghĩ mình hoàn toàn “ngoại đạo”; ngại sự có mặt ngu ngơ và lêu bêu của mình có thể làm hỏng cuộc gặp gỡ vui vẻ của những nghệ sĩ, bác sĩ nổi tiếng đó. Mãi đến nay tôi vẫn chưa một lần “diện kiến, phiếm đàm” với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – vốn là người mà tôi yêu thích và kính trọng về nhiều mặt. Không có cơ hội “diện kiến, phiếm đàm” với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, không có một cơ hội nào học hỏi trực tiếp từ ông, điều ấy có nghĩa là tôi thực sự không có bất cứ một điều kiện nào, một kỷ niệm gì, một “chất liệu” gì để mà bạo gan sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc!
Tôi chỉ còn cách là đọc một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn của Đỗ Hồng Ngọc, một số bài viết của các tác giả viết về Đỗ Hồng Ngọc, nhặt nhạnh đây đó một số ý kiến, nhớ nhớ, ghi ghi rồi tổng hợp và chắp vá để “làm” bài này. Tất cả những gì trích dẫn sau đây đều là của Đỗ Hồng Ngọc, thỉnh thoảng tôi có nêu lên một số ý kiến cá nhân, một số nhận xét của các tác giả cùng thời Đỗ Hồng Ngọc với mong muốn làm rõ hơn chân dung đa dạng, phong phú, nhiều vẻ rất đáng yêu và đáng trọng của Đỗ Hồng Ngọc.
Vì vậy, tôi mong bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “từ bi hỷ xả” mà tha thứ và thông cảm cho. Mong người bạn, người em thân thiết của tôi là bác sĩ Huỳnh Kim Hơn (Hội An) mạnh tay sửa chữa, bổ sung. Và, mong các bạn tôi nếu vô tình đọc bài này và bộ Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc thì rộng lòng góp ý, bổ sung và sửa chữa cho. Tôi cung kính biết ơn.
Và, bây giờ là những “ghi chép lang thang” của tôi về Đỗ Hồng Ngọc.

  1. TUỔI THƠ Ở QUÊ NHÀ
1.1. Một tuổi thơ côi cút và cơ cực

Đỗ Hồng Ngọc, là tên thật. Khi làm thơ ký Đỗ Nghê (ghép họ cha và họ mẹ). Sinh năm Canh Thìn 1940, (không ghi ngày, tháng) tại Lagi, Hàm Tân, Bình Thuận. Ngoài ra ông còn một bút hiệu nữa là Giang Hồng Vân khi viết bài Dẫn nhập cho tập “Qê hương” của người cậu (Nguiễn Ngu Í).
Họ và tên cha: chúng tôi chỉ tìm thấy các chi tiết sau đây:
– “Cha tôi mất khi tản cư ở rừng Bàu Lời vì thiếu thầy, thiếu thuốc khi tôi mới 12 tuổi”;
– Còn nhớ năm 1960, cậu mợ [tức cậu mợ Nguiễn Ngu Í] về Hàm Tân làm mộ cho ông bà, tôi cùng cậu mợ và vài người bà con đi bộ từ Lagi lên Tam Tân (Tân Hải) dọc theo biển, con đường hồi nhỏ tôi vẫn thường đi lại, dài trên mười lăm cây số. Biển mênh mông, rừng dương vi vút. Đến Nước Nhỉ, cậu dừng chân nghỉ và nằm lim dim trên đống cát gạch vụn, dưới bóng mát của những bụi dứa gai um tùm nhìn lên trời mây… Một lúc cậu gọi tôi đến và đọc cho tôi nghe bài thơ cậu vừa làm. Tôi còn nhớ mấy câu:

Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…

Thì ra cậu nhớ mấy người bạn cũ, đã cùng nhau xây cái giếng Nguồn Chung này cho khách bộ hành qua đường nghỉ ngơi, uống nước ngọt nhỉ ra từ động cát, giữa trưa nắng gắt trên đường dọc biển mênh mông đầy nắng và gió. Bài thơ còn dài, tôi không nhớ hết, trong đó có câu “Ới Trì, Di, Thảo xe trâu…”. Trì là ba tôi, đã mất từ lâu (tên đầy đủ của ông là Đỗ Đơn Trì, mất năm 1952). Họ và tên mẹ: Nghê Thị Như, nhưng khi đi làm thẻ căn cước, người làm hộ tịch  ghi bừa là họ Lê. Theo Đỗ Hồng Ngọc, cụ Như “sống thọ (94 tuổi), vẫn còn sáng suốt tuy hai chân đã yếu liệt. Ngày tôi còn nhỏ, vẫn thường được nghe bà đọc Kiều và ca dao, hát ru… dù bà chỉ biết đọc biết viết”. Cụ bà Nghê Thị Như mất năm 2011.

Quê ngoại của cậu ngay dưới chân núi Tà Cú, nơi có tượng Phật nằm, dài 49 m, xưa thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy, nay là huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cách Phan Thiết 30 km, một nơi chưa kịp đô thị hóa, nên còn mang dáng dấp “nhà quê”, rất dễ thương.
“Khi Mẹ mất, đưa bà về bên ngoại ở Hiệp Nghĩa cho gần gũi với dòng họ, ông bà, dì cậu, bà con cô bác… Còn Ba thì mất đã hơn 60 năm trước, thời 9 năm kháng chiến cũng được chôn cất nơi đây, chắc chờ đợi cũng đã lâu. Còn quê nội thì ở Lagi, nay đã là một thị xã, cách Hiệp Nghĩa chừng 15 km, đi ngang qua Tam Tân (Tân Hải) là nơi sinh quán của cậu Ngu Í – cho nên ông còn có các bút danh Tân Fong Hiệb (theo lối viết của ông), ghép từ Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa”.
– Lúc 5 tuổi, cậu bé Đỗ Hồng Ngọc cùng gia đình tản cư lên rừng ở vùng Láng Găng, Bưng Riềng, Xuyên Mộc… Bị sốt rét triền miên, kiết lỵ, suy dinh dưỡng… đủ thứ.
– Khi cha mất, mẹ cậu rời xóm tản cư trong rừng Bàu Lời, dẫn bốn anh em cậu về thị xã Phan Thiết tá túc ở nhà cô Hai, ngụ trong chùa Hải Nam. Cô Hai bị tật nguyền, không đi đứng được, tu ở chùa. Cô có ba người con chết trong lũ lụt năm Thìn (1952). Vào thời điểm này, Đỗ Hồng Ngọc rất ốm o, da xanh mét, lá lách sưng to. Mỗi ngày cậu vẫn thường qua lại bằng đò ngang để đến nhà thương thí chích thuốc! Riết rồi cậu ghiền cái mùi nhà thương. Cô Hai của cậu Ngọc nghèo lắm. Bà sống bằng nghề chằm lá buông, cậu Ngọc phụ phơi lá trong sân chùa và cậu phải ào ào cuốn lá… chạy khi trời mưa! Nhà nghèo nên sáng nào mọi người cũng ăn một chén cháo trắng với muối. Nhưng cô Hai và các chị của Ngọc rất mê truyện Tàu, mê tiểu thuyết đủ loại. Cậu được sai đi mướn truyện nhưng cấm đọc (vì con nít đọc truyện không tốt). Nhưng cậu bé Ngọc thường lén đọc trên đường đi, dưới gốc cây, nơi bệ đá cổng chùa, trên đò, trước khi mang về, kể cả trùm chăn đọc… lén. Cậu đọc tuốt hết, không chừa thứ gì trong tiệm cho thuê sách đó. Cậu mê sách đến nỗi: “Tôi khóc với Chiêu Quân cống Hồ, sảng khoái với Anh hùng náo, buồn bã với Tố Tâm, Anh phải sống… Rồi Tam quốc, Hán Sở tranh hùng, Đông Châu liệt quốc, Thủy Hử… Tôi được dạy phải tôn trọng chữ thánh hiền, không được lấy giấy báo đi vệ sinh! Tóm lại, bao trùm một không khí huyền hoặc trong một cái chùa Tàu với sách vở và chữ nghĩa”.

Cậu bé Đỗ Hồng Ngọc, biết yêu và yêu sớm. Rung động đầu đời lúc lên 8 và yêu, và… “mê” cô bạn cùng lớp lúc 12 tuổi!
Lúc nhỏ Đỗ Hồng Ngọc ít nói, bị cận thị gần 3 độ nên bị hiểu lầm là một kẻ… khinh người! Cậu còn bị bệnh đau bao tử, xuất huyết tiêu hóa phải đi cấp cứu rồi hơn 20 năm sau cậu đã từng được mổ cườm – cườm chấn thương sinh biến chứng. Gần đây thì mổ cườm già ở mắt còn lại… Không chỉ bị cườm già mà còn thoái hóa hoàng điểm nên mắt mổ xong cũng sẽ nhìn kém so với những trường hợp khác. Năm 1997, Đỗ Hồng Ngọc bị một cơn tai biến mạch máu não phải mổ sọ não…
Cậu lại vốn ít cười. Ngay từ nhỏ, người ta đã gọi cậu là “một ông cụ non”, vì lúc nào cũng có vẻ đạo mạo, nghiêm túc quá. Đỗ Hồng Ngọc tự họa mình như sau: “…Cái hình tôi chụp ở tiệm hình Liên Hoa lúc 12 tuổi. Xanh lè, suy dinh dưỡng, cân được 25 kg ở nhà thuốc tây Phạm Tư Tề, mắt lồi (mắt ốc bươu), mũi bự, tai vểnh, mặt quạu đeo…!”.

Đỗ Hồng Ngọc phụ mẹ bán hàng xén tại chợ Lagi (Phan Thiết). Cậu tỏ ra nhanh nhẹn tháo vát trong việc “mua bán, theo xe cá nước đá vào Sài Gòn bổ hàng và lo cơm nước cho mẹ. Khi tản cư về, cậu bị trễ học đến 3 năm và cậu bị mặc cảm vì lớn hơn bạn đồng học cùng lớp đến mấy tuổi! Cậu quyết chí lấy lại “thời gian đã mất”!
Đỗ Hồng Ngọc ngay từ nhỏ đã ham học, ham đọc nên cậu đã viết hai câu Ca dao này treo trước mặt, rồi vừa học vừa tủm tỉm cười:

Những anh mít đặc thôi thời
Ai còn mua chuộc đón mời làm chi!

“Thế rồi, một hôm cậu Ngu Í điên của tôi đến thăm. Người ta nói ông điên vì ngộ chữ, vì học nhiều quá hóa điên… Thấy tôi đã 12 tuổi rồi mà học hành ấm ớ trong rừng, ông dẫn tôi tới trường Tiểu học của một người bạn, gởi cho học. Ông còn tặng tôi một đống sách báo từ Sài Gòn mang về. Tôi mê tít”. Đỗ Hồng Ngọc nhớ lại: “Mười hai tuổi, biết đọc, biết viết, làm toán khá, còn chưa biết chữ “le, la” trong tiếng Pháp, mà hồi đó, học trò tiểu học đã học tiếng Pháp rồi. Tôi hoảng lắm”.
“Cậu Ngu Í gởi tôi vào học ở một trường tư trong chùa [Trường Bạch Vân trong Chùa Bà]. Mới đầu học thử lớp Ba, rồi chỉ bốn tháng sau, vào thẳng lớp Nhất (lớp 5), và học rất giỏi nên được miễn học phí. Năm 1954, Đỗ Hồng Ngọc thi đậu cao [hạng 7, được học bổng] vào Đệ thất (lớp 6) trường Phan Bội Châu [Phan Thiết]… Hằng ngày cậu vừa đi học vừa lo cơm nước cho mẹ và giúp mẹ bán chiếu nón ngoài chợ. Thế rồi, gia đình cậu đột ngột theo cô Hai dời về thị xã Lagi, tỉnh Bình Tuy, quê cũ của họ hàng phía nội cậu. Lúc này cậu đang học Đệ thất trường Phan Bội Châu, sắp lên lớp Đệ lục, vậy mà phải bỏ trường bỏ lớp nên cậu tiếc nuối đến nản lòng.

Tỉnh Bình Tuy mới thành lập, chưa có trường trung học. Hai năm liền không có trường học, cậu giúp mẹ bán hàng xén tại chợ Lagi. Ba năm sau mới có lớp Đệ thất đầu tiên, cậu xin học lại. Lần này trường học trong một nhà thờ xứ đạo. Hết chùa tới nhà thờ! Nhớ lại hồi Tiểu học cậu đã từng học nhảy (bỏ lớp) tưng bừng, cậu tính chuyện học nhảy tiếp để theo kịp bạn bè. Năm học lớp Đệ lục, nhân một chuyến theo xe chở cá nước đá về Sài Gòn bổ hàng cho mẹ, cậu lang thang lề đường nơi bán sách cũ, vớ được cuốn Kim chỉ nam của học sinh của Nguyễn Hiến Lê. Cậu đọc thấy trúng ý mình quá bèn đánh bạo viết thư hỏi ý kiến ông, nói muốn học nhảy, có nên không. Học giả Nguyễn Hiến Lê trả lời ngay: “Cháu có thể học nhảy được, vì đọc thư, thấy cháu có thể học lớp Đệ tứ (lớp 9) rồi đó”. Cùng với Kim chỉ nam của học sinh, chắc Đỗ Hồng Ngọc cũng đã nghiền ngẫm cuốn Bí quyết thi đậu… của Nguyễn Hiến Lê!

Thế là cậu bèn lập chương trình học nhảy (bỏ lớp đệ Tứ -lớp 9). Cậu thi thí sinh tự do Trung học đệ nhất cấp, đậu ngay. Từ “thắng lợi” đó, cậu lại “nhảy” tiếp, bỏ Đệ tam, đậu Tú tài I, được vào học lớp Đệ nhất trường Võ Trường Toản Sài Gòn. Cuối năm cậu được phần thưởng danh dự toàn trường và thi đậu Tú tài II hạng khá, [tôi nhớ thời đó các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài bán phần, Tú tài toàn phần, tùy theo số điểm sẽ được xếp các thứ hạng như sau: Tối Ưu, Ưu, Bình, Bình thứ và Thứ – NHĐ] rồi thi đậu vào Y khoa. Xin được nói thêm rằng: cụ Nguyễn Hiến Lê trong Kim chỉ nam của học sinh cực kỳ “đả phá” việc ‘học nhảy”, “học tủ”. Thế mà Cụ lại “khuyến khích” Đỗ Hồng Ngọc học nhảy và nhảy đến mấy cấp, mấy lớp. Học nhảy như thế mà Đỗ Hồng Ngọc lại học rất giỏi. Rõ là cụ Lê tinh thật!
– Từ những ngày còn học phổ thông ở quê nhà, cậu bé Đỗ Hồng Ngọc đã có những bài thơ đăng trên báo. Bài thơ đầu tiên của Đỗ Hồng Ngọc đăng trên tạp chí Bách Khoa với một cái tên tắt. Khi biết những bài thơ đó là của cháu mình, ông Ngu Í ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó cậu lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều bài thơ trên Bách Khoa, Tình Thương… rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức.
Nhiều bài thơ được bạn bè “đánh giá cao” như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Thư cho bé sơ sinh, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ v.v… Sau này ông tập hợp in trong tập thơ đầu tay: Tình người, Ý Thức xuất bản, 1967.
Ngay từ hồi học Đệ thất, Đệ lục (lớp 6, lớp 7 bây giờ), Đỗ Hồng Ngọc đã mê văn chương, mê làm báo, làm thơ, vẽ tranh. Lúc đầu làm báo tường, sau làm báo tập, in ronéo, mỗi năm ra… hai số. Hồi 12 tuổi, cậu đã viết nhật ký, viết nhận xét phê bình này nọ mỗi khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn nào đó… Cậu muốn trở thành “nhà văn”, “nhà báo” như cậu mình – ông Nguiễn Ngu Í!
Nhớ lại tuổi thơ cơ cực của mình, Đỗ Hồng Ngọc viết một câu thơ rất lạ, đau buốt vô cùng: “Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ…”.

1.2. Hai người có ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi trẻ và… trong suốt cuộc đời Đỗ Hồng Ngọc

Đỗ Hồng Ngọc rất dè dặt, kín đáo và kiệm lời khi đề cập đến những người thân. Không thấy ông viết về ngày tháng năm sinh của Ba Mẹ ông. Ông cũng không nói gì về những kỷ niệm và ảnh hưởng của ba mẹ đối với ông và những người ruột rà của ông. Không một chi tiết nào ông viết về anh chị em ruột thịt. Thế nhưng, ông nghĩ, ông viết một cách trân trọng, tràn đầy niềm thương yêu ngưỡng mộ và kính phục đối với hai người gây ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi trẻ của mình là người cậu Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Hữu Ngư) và học giả Nguyễn Hiến Lê.
Nói là ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi thơ của Đỗ Hồng Ngọc, nhưng cả Nguiễn Ngu Í và Nguyễn Hiến Lê đều là hai người để lại những dấu ấn, những tình cảm, những bài học sâu đậm và quý giá không thể nào quên trong suốt cuộc đời Đỗ Hồng Ngọc!

Nguiễn Ngu Í – Đỗ Hồng Ngọc

Nguyễn Hữu Ngư (1921-1979), nhà văn, nhà giáo, nhà báo có nhiều bút danh trong đó có bút danh Nguiễn Ngu Í (với I cụt). Mẹ ông họ Nghê, tên Mỹ, ở Tam Tân, Phong Điền và Hiệp Nghĩa, nay thuộc huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là nhà giáo Nguyễn Hữu Hoàn gốc Hà Tĩnh, có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Đỗ Hồng Ngọc cho biết: cậu ông – Ngu Í – “là một nhà báo, một nhà văn, nhà thơ, nhà giáo… và là một người… điên thứ thiệt. Từ năm 1939, lúc 18 tuổi, đang học Pétrus Ký, ông đã vào nhà thương điên Chợ Quán mấy lần và đã có những bài thơ rất điên từ thưở đó. Nhưng mãi đến năm 1973 ông mới chịu cho in một tập thơ lấy tên là Có những bài thơ do Trí Đăng xuất bản”. Dù nhà Trí Đăng không in bìa cho ông nhưng ông vẫn tỉnh queo đem phát hành… cho bè bạn.
Nguiễn Ngu Í “dấn thân” vào nhiều lãnh vực và lãnh vực nào ông cũng khá “nổi tiếng”. Những người trong gia đình, họ hàng và bạn thân của ông đều mến cái tình, cái tài của ông, nhưng họ cũng rất … ái ngại về cái cá tính quá mạnh mẽ, quá quyết liệt của ông, nhất là cái “điên” và cái “ngông” bất chợt của ông. Đọc mục IV. – “Chân dung dưới mắt người gần, kẻ xa” trong cuốn Nguiễn Ngu Í – Cuộc đời và Văn nghiệp của Châu Hải Kỳ chúng ta sẽ thấy những điều đó qua ý kiến ngắn của những người trong gia đình, bà con và cả những người đã nổi tiếng thời đó như Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Văn Tiểng, Vũ Khương Ninh, Đỗ Hồng Lan (từ năm 1947), cho đến Lê Văn Trương, Lê Ngọc Trụ, Võ Hồng, Nguyễn Hiến Lê (trong những năm 1960…).

Nghiên cứu Quan niệm sáng tác về Văn, Họa, Nhạc của Nguiễn Ngu Í, Châu Hải Kỳ viết: “Sống và Viết… là một kỳ công có một giá trị đặc sắc mà ở nước ta từ thời kỳ thành lập đến nay chưa ai thực hiện nên một công trình dài lâu về loại này như thế. Có thể nói là cuốn sách phỏng vấn đàm thoại xuất hiện đầu tiên trong Văn học sử Việt Nam đã đem lại cho người đọc sự mê say hào hứng cao độ. Tác phẩm gồm 12 bài phỏng vấn, đàm thoại với các nhà văn, thơ, kịch, biên khảo v.v… đã đăng trên tạp chí Bách Khoa được góp thành sách nhan đề “Sống và Viết với…”, xuất bản năm 1966. Lần lượt anh đưa người đọc đi chuyện trò, tâm sự cùng Nhất Linh, Lê Văn Trương, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Văn Siêu, Doãn Quốc Sỹ, Đông Hồ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường. Đi thật nhọc nhằn, vất vả, có khi mệt thở không ra hơi, bất kể trưa chiều khuya sớm… thế mà còn phải chờ phải đợi, hẹn trước, khất sau… Nhưng người đọc không chán, vẫn hăm hở, thích thú, một mực theo bám gót người dẫn đắt. Bởi mỗi nơi khung cảnh mỗi lạ, mỗi gia chủ đón tiếp chuyện trò đối đáp mỗi khác. Mà người đưa đường thì khéo quá, tài tình quá, vừa niềm nở thân mật, vừa vui vẻ dí dỏm, vừa duyên dáng dịu dàng, vừa mê mải hăng say…; người đi theo học hỏi được thật nhiều”. (Châu Hải Kỳ, Sđd., tr. 112-113).

Một số tác phẩm đã xuất bản của Nguiễn Ngu Í: Lịch sử Việt Nam Đệ thất, Hồ Thơm-Nguyễn Huệ-Quang Trung – Giấc mộng chưa thành, Suối bùn reo, Khi người chết có mặt (tiểu thuyết), Sống và Viết với…, Qê hương, Có những bài thơ…Thơ điên… thứ thiệt (chung với Bùi Giáng và nhiều người “điên thiệt” ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, 1970). Riêng 2 tập Sống và Vẽ, Sống và Đàn (chưa xuất bản)…
Theo Đỗ Hồng Ngọc: “Năm 1997, gia đình có làm một cuốn Ngu Í qua ký ức người thân với nhiều bài viết của Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiểng, Bà Tùng Long, Lê Ngộ Châu, Lê Phương Chi, Đỗ Đơn Chiếu, Hoàng Hương Trang, Hồ Trường An, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Chính… vẫn chưa được in.
Đỗ Hồng Ngọc nghĩ và nhớ về cậu Nguiễn Ngu Í như sau:
– “Nhiều người biết đến ông như một nhà báo… với loạt bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất tài hoa trên tạp chí Bách Khoa, trên 40 năm về trước; nhiều người biết đến ông như một nhà giáo dạy văn, dạy sử ở nhiều trường tư thục Sài Gòn… Nhưng ông, trước hết là một người làm thơ, một người làm thơ đặc biệt hơn bất cứ một người làm thơ nào khác: Thơ điên. Thơ ông là cuộc đời riêng ông. Có khi là tiếng thét uất hận, có khi là một tiếng lòng thổn thức, có khi là nỗi hờn căm, khi khác là những tiếng hát dịu dàng âu yếm thiết tha, tùy lúc bài thơ được viết giữa các cơn điên hay ngay trong cơn điên, giữa những ngày tháng nằm vùi trong Bệnh viện Tâm thần Chợ Quán hay Dưỡng trí viện Biên Hòa”.
– “Thơ ông có thể người ta thích, có thể người ta không thích, nhưng đọc thơ ông bao giờ cũng có cảm giác rờn rợn. Ông làm thơ rất nhanh. Thơ như túa ra, ứa ra, chạy ra từ trong não chất. Không cầu kỳ, không đẽo gọt, nhiều bài sần sùi, đọc cứ nghe ấm ách, cũng có những bài mượt như nhung. Đọc thơ mà hiểu ông thì thấy thương, thương một con người có chí, có lòng mà không sao đạt được ước nguyện. Rồi thôi, rồi thành tro bụi như hai câu thơ ông viết sẵn cho mình:

Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi!

Nhiều bài thơ ông chép vội trên mảnh giấy gói đồ, phong bì, bao thuốc lá… Nhiều đêm ông lên cơn, đến gọi cửa nhà tôi lúc 2 giờ sáng, đọc thơ cho tôi nghe rồi “chửi cả và thiên hạ”, cả tôi và ông. Sau đó ông tắm rửa, ăn uống chút gì đó rồi khệ nệ ôm một chồng sách ra đi. Trời cản cũng không nổi! Hỏi đi đâu, ông nói không biết. Có hôm nghe ông nằm giữa xa lộ Biên Hòa cho xe Mỹ cán, họ bắt ông chở thẳng vào Dưỡng trí viện. Đến thăm thấy ông ngủ say như chết sau khi được uống thuốc an thần liều mạnh, đưa mấy ngón chân Giao chỉ to bè ra ngoài ngoáy xoắn vào nhau, tôi vẽ ngay một bức ký họa, ông thích lắm nhưng đã làm mất tiêu. Có lần tôi đưa ông vào Bệnh viện Chợ Quán, người ta chạy điện cho ông, ông giựt đùng đùng như con cá nằm trên thớt. Sau đó bất tỉnh, xụi lơ, tay chân quặt quẹo xùi bọt mép. Rồi khi tỉnh dậy ông làm những bài thơ rất quái dị, nhiều bài rất hay.
Đọc thơ ông mà thương cho một kiếp người tài hoa, bất đắc chí…”

Đỗ Hồng Ngọc đã “đúc kết” một cách chân thành và cảm động về người cậu có ảnh hưởng lớn trong quãng đời tuổi trẻ của ông như sau:
– “Bây giờ mỗi lần nhớ tới cậu thì tôi thường tự hỏi hồi bằng tuổi cậu, tôi có làm được điều gì đó cho ai như cậu đã làm cho tôi không và tự nhiên tôi thấy lòng mình rộng mở, thanh thản, muốn giúp đỡ, chia sẻ…”.
– “Ông và tôi có tình ruột rà. Mẹ tôi và ông là hai chị em cô cậu ruột. Có lần ông nói, hồi tôi mới sanh, ông đã đưa võng và đọc thơ cho tôi nghe rồi! Có lẽ vì vậy mà khi lớn lên, sống gần gũi với ông, ông luôn luôn chia sẻ cùng tôi những bài thơ ông mới viết…”.
“… Thế nhưng cậu đã làm được nhiều việc hơn cậu tưởng, và những người thân, những bạn bè, con cháu, người quen biết… không ai là không quý mến cậu, không ai là không thấy được cái tình của cậu đằm thắm, mênh mông, thành thục, sâu lắng. Những ai đã gần gũi cậu chắc sẽ cảm nhận được cái tình đó, cái tình vượt trên những cái tình bình thường. Riêng tôi, tôi luôn nhớ cậu và nhớ những ngày còn thơ, cậu đã thay mẹ tôi, dẫn tôi đến trường học, một ngôi trường tiểu học nhỏ bên bờ sông Cà Ty, Phan Thiết. Mới đó mà đã hơn bốn mươi năm”…(1996).
Trong lời Tựa cuốn Nguiễn Ngu Í – Cuộc đời và Văn nghiệp của Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê viết: “Chúng ta ai cũng biết những bài Thơ điên và tài phỏng vấn của Nguyễn Hữu Ngư, nhưng ít ai chú ý tới những tác phẩm lịch sử có tính cách giáo khoa hoặc phổ thông của anh, như cuốn Lịch sử Việt Nam Đệ thất, Hồ Thơm – Nguyễn Huệ – Quang Trung… mà chính trong tác phẩm này anh mới phơi bày hết lòng yêu nước của anh, giọng luôn luôn thiết tha đôi khi “bay bướm”, rõ ràng là của một người vừa có “máu cách mạng”, vừa có “hồn nghệ sĩ” (Sđd., tr. 6).

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê có đoạn viết về Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư: “Nguyễn Hữu Ngư quả là một kỳ nhân ở nước ta mà tập “Qê hương” của ông cũng là một kỳ thư: nội dung thật loạn, đủ các thể, đủ thứ tài liệu, không thể đặt nó vào loại nào được cả”. Và: “… nhưng riêng tôi cho nó là một kỳ thư, chưa hề thấy trong văn học Việt Nam, và tất cả những bạn của anh Nguyễn Hữu Ngư tất đều nhận như tôi rằng cuốn này biểu lộ rõ nhất – tuy chưa hết – tâm hồn khả ái và cái tình dào dạt của anh. Người sau có muốn chép lại đời anh – một đời đau khổ nhất mà cũng đặc biệt nhất trong giới văn sĩ hiện đại – tất phải dùng nó làm tài liệu chính…”.
Giới thiệu Nguyễn Hữu Ngư và tập Qê hương, Nguyễn Hiến Lê viết: “Con người của anh hoàn toàn là tình cảm: tình nước, tình nhà, tình bè bạn, tình vợ con, tình thầy trò, tình người, mà văn thơ anh cũng chứa chan những tình cảm đó”.
Nguiễn Ngu Í mất năm 1979, sau khi ở Dưỡng trí viện Biên Hòa về nhà được độ một tháng. Bạn bè ai cũng thương tiếc.

1.2.2. Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc

Những năm tháng học Trung học ở quê nhà, Đỗ Hồng Ngọc đã nghiền ngẫm những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê như: Kim chỉ nam của học sinh, Bí quyết thi đậu…, Rèn nghị lực để lập thân, Tự học để thành công v.v… Trong đó Đỗ Hồng Ngọc xem Kim chỉ nam của học sinh là một “cuốn sách làm thay đổi cuộc đời” ông. Mặc dù không được học với Nguyễn Hiến Lê ngày nào trên ghế nhà trường nhưng Đỗ Hồng Ngọc luôn luôn xem cụ Lê là một vị thầy lớn, đã dạy ông cách sống, cách học và cách viết. Với Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hiến Lê xứng đáng được gọi là “Nhà giáo dục”.
Trong bài Ngọn lửa in trong Như thị, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Ai cũng có những người thầy trong đời mình, đã nhen cho mình ngọn lửa ấm nồng, cách này hay cách khác. Người thầy đó không nhứt thiết dạy mình trên ghế nhà trường, trên bục giảng đường. Miễn là có một tần số để nhận ra ngọn lửa truyền trao, và nhen nhóm. Đến một lúc nào đó ta bỗng nhận ra “bán tự vi sư” – nửa chữ cũng thầy! Người “đã nhen cho mình ngọn lửa ấm nồng, cách này hay cách khác”, ở đây, theo tôi (NHĐ) đó là ông thầy thuốc bắc, Bác hai Cương, đã chữa bệnh cho cậu bé Ngọc khi ở quê nhà và nhiều vị thầy khả kính khác, nhưng tôi vẫn nghĩ trước hết đó phải là Thầy Nguyễn Hiến Lê vậy!

Đỗ Hồng Ngọc cho biết: “Tôi may mắn được quen biết với ông Nguyễn Hiến Lê từ năm 1957. Tôi gặp gỡ và thư từ qua lại với ông từ năm 1960 cho đến khi ông mất, năm 1984. Đến nay tôi vẫn còn giữ nhiều thư viết tay của ông như một kỷ niệm. Tôi học được ở ông lối sống và lối viết. Ông là tấm gương nghị lực, gương tự học, chọn con đường làm văn hóa suốt đời mình. Câu “châm ngôn” của ông là “Viết để học và học để viết”. Tôi chịu lắm. Chỉ có cách đó mình mới học được nhiều hơn, học được sâu. Tôi bây giờ còn đi dạy và vẫn nghĩ: “Dạy để học và học để dạy”. Ấy là bắt chước ông đó.
Chính ông đã khuyến khích tôi học y khoa và khi trở thành bác sĩ thì tôi là người thường xuyên thăm bệnh cho ông, tư vấn cho ông những vấn đề về sức khỏe, dù ông có người bạn thân là bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, như là một bác sĩ “riêng” từ trước. Ông mắc nhiều thứ bệnh từ lao đến bao tử, trĩ… Cứ mỗi lần tập trung viết một cuốn sách nào đó ông lại lên cơn đau bao tử…”.

Từ khởi điểm giàu ấn tượng và nhiều ý nghĩa sâu đậm mà Đỗ Hồng Ngọc đã nhận được từ Nguyễn Hiến Lê như đã nói trên, càng về sau, mối quan hệ Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc thực sự đã là mối quan hệ thầy – trò – bạn -bè – thân – thiết – tâm – giao thực sự chân tình, cảm động. Đó chính là một quan hệ hỗ tương tác động lên nhau. Nguyễn Hiến Lê xem Đỗ Hồng Ngọc là người bạn trẻ thân thiết, một người học trò “chân truyền” của ông, và Nguyễn Hiến Lê coi bài viết “Nguyễn Hiến Lê và tôi” (của Đỗ Hồng Ngọc) nhân tạp chí Bách Khoa ra số đặc biệt kỷ niệm 100 đầu sách là một món quà quý giá nhất của ông. Thầy – trò đối xử với nhau bình đẳng, tự trọng và kính trọng nhau, bổ sung nhau như những người thầy – bạn với ý nghĩa đẹp đẽ và cao quý nhất của từ này. Nhiều chi tiết, nhiều sự kiện trong mới quan hệ thầy – trò này làm chúng ta xúc động, càng quý trọng và kính quý hai ông qua lời kể sau đây của Đỗ Hồng Ngọc:
– “ Thỉnh thoảng khi có chuyện thắc mắc, chuyện vui buồn gì mà không tiện đến thăm, tôi viết thư cho ông. Lần nào ông cũng sốt sắng trả lời, ân cần chỉ dẫn, khuyến khích tôi”.
– “… Lần này tôi cũng mang đến ông Nguyễn Hiến Lê nhờ đọc giùm [tức cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng – NHĐ]. Đọc xong, ông bảo: “Cháu đúng là một thầy thuốc nhi khoa tốt, yêu trẻ con, nhưng cuốn sách này hình như chỉ nhằm cho các bà mẹ có học ở đô thị, còn ở nông thôn, các bà mẹ ít học thì sao?”. Ông đọc kỹ, cặm cụi sửa cho tôi chỗ dùng từ sai, có thể gây hiểu lầm, nêu các thắc mắc… để tôi làm rõ thêm. Sau này tôi đã viết thêm các cuốn: Nuôi con, Chăm sóc con em ở nơi xa thầy thuốc… cũng chính từ góp ý của ông lúc đó”.
– “Với tôi, ông là một tấm gương sáng. Tấm gương của Nghị lực, của Tự học và của Phụng sự. Ông tận tụy cả đời viết sách, đem kinh nghiệm bản thân ra hướng dẫn thanh thiếu niên, mong giúp được cho người khác chút gì, lúc bỏ cây viết ra thì vớ ngay cuốn sách để đọc, để học không ngừng. Tôi đoán sở dĩ ông đã không nhận một chức vụ gì trong guồng máy công quyền là để giữ cho ngòi bút mình độc lập, để có thể đóng trọn vai trò giám sát của người trí thức mà Alain đã nói. Nhờ đó ông không có mặc cảm, thấy điều gì đáng khen thì khen, điều gì không ưa thì nói. Và ông đã nói bất cứ điều gì từ việc dịch sách, chuyển ngữ đến việc nhân mãn, ô nhiễm… Có thể đôi lúc ông cũng sai lầm, nhưng điều quan trọng là ông đã thành thực với chính ông”.
– “Tôi biết có những tác giả “sản xuất” còn mạnh hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt. Ở ông Nguyễn Hiến Lê thì không. Ở ông là con người. Tác phẩm của ông là con người ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực; ông viết về tổ chức thì chính nếp sống của ông là một sự tổ chức; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công. Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc thấy gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều ứng dụng được”.
– “Và với riêng tôi, Nguyễn Hiến Lê còn để lại biết bao niềm trân trọng và trìu mến để tôi được “Nhớ đến một người” giữa “mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió” của Hà Nội hôm nay”. (Đỗ Hồng Ngọc. Nhớ đến một người, NXB Hội Nhà văn, 2010, tr. 7-11).
Đỗ Hồng Ngọc rất được Nguyễn Hiến Lê tin yêu và kỳ vọng. Điều đó thể hiện rõ ở việc Nguyễn Hiến Lê trong Hồi ký đã viết về Đỗ Hồng Ngọc ít nhất là bốn lần (Hồi ký… tr. 298, 402, 421, 438). Đây là điều quý và hiếm đối với một tác giả “trẻ” như Đỗ Hồng Ngọc.
– “Thanh niên đó [tức Đỗ Hồng Ngọc] từ mươi năm nay đã thành một người bạn thân của tôi”. (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học, 1993, tr. 298).
– “Một độc giả, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nhận thấy điểm đó, viết trong bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi (Bách Khoa số 426 ngày 20.4.1975): Và cũng nhờ vậy mà loại “Học làm người” của tôi được độc giả tin cậy nhất” (Hồi ký… Sđd., tr. 402).

Đầu năm 1974, Đỗ Hồng Ngọc gởi tặng Nguyễn Hiến Lê bài thơ mới viết: Đi cho đỡ nhớ, ghi lại cảm xúc của mình trong ngày đầu tiên trên chuyến xe lửa nối liền Sài Gòn – Biên Hòa mà mơ một chuyến tàu thống nhất… Cụ Lê liền trả lời: Bài “Đi cho đỡ nhớ” cảm hứng mới mẻ đấy, mà thú. Đọc hoài thơ yêu nhau và nhớ nhau, với thơ chiến tranh, ngán quá rồi. Nhưng cháu làm cho tôi thèm đi quá…
Bài đầu trong cuốn Nhớ đến một người, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Nhớ đến một người” đó, với tôi, là nhớ Nguyễn Hiến Lê, một người Hà Nội, một học giả, một nhà trí thức chân chính ngày nay được cả nước biết đến”.
Năm 1978, Nguyễn Hiến Lê nhận được một bưu thiếp Đỗ Hồng Ngọc gởi từ Hà Nội và cụ Lê trả lời: Cảm động nhất là câu: “Cháu đến thăm Văn Miếu, nghĩ đến bác nhiều”. Tôi hiểu rồi, chắc cháu nhớ một đoạn cuối tập Bí quyết thi đậu của tôi. Cảm ơn cháu nhiều lắm. Cháu hiểu tôi. Cháu làm tôi nhớ hồi trẻ tôi học ở trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ) ngoài đó quá…
Đỗ Hồng Ngọc đã viết nhiều bài về người Thầy / người bạn thân thiết của mình là Nguyễn Hiến Lê: Nhớ đến một người, Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi, Nguyễn Hiến Lê – một tấm gương kiên nhẫn, Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời, Con đường văn hóa đã nối dài…

Và Đỗ Hồng Ngọc đã khái quát về ảnh hưởng lớn của Nguyễn Hiến Lê đối với quãng đời tuổi trẻ của ông như sau:
– “Cuộc đời ông quả thực là một tác phẩm lớn. Tôi ước mong trong tuổi già ông sẽ viết hồi ký, kể lại đời mình cho bọn trẻ chúng tôi đọc như André Maurois viết Un ami qui s’appelait moi vậy. Tôi là độc giả của ông từ ngày còn là một học trò Đệ thất, lại được quen biết ông hơn mười lăm năm nay, nghĩ lại, nếu trong thời thơ ấu không được đọc những sách đó của ông, không được gặp ông, có lẽ tôi đã khác; nên tuy không được may mắn học với ông ngày nào, từ lâu tôi vẫn xem ông là một vị thầy của mình, hơn thế, một người thân. Tôi đâu có cần phải nói lời cám ơn ông!”
– “Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Cuốn sách đầu tay của tôi Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, chỉ là phần bổ túc cho cuốn Kim chỉ nam của học sinh. Sau đó tôi viết thêm một cuốn khác, cũng loại y học phổ thông, cũng nằm trong chiều hướng nâng cao trình độ đại chúng mà ông đã vạch…”.

Tôi cảm nhận rằng thầy trò – bạn bè Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc có những điểm giống nhau và khác nhau như sau:
Rất giống nhau:
– Cha mất sớm (Nguyễn Hiến Lê mất cha khi mới 8 tuổi, Đỗ Hồng Ngọc mất cha lúc 12 tuổi). Cả hai đều nhờ sự buôn bán tảo tần, đức cần kiệm, hy sinh và một tình yêu thương vô hạn của người mẹ mà được học hành và thành nhân. Nguyễn Hiến Lê dù sao cũng còn may mắn hơn Đỗ Hồng Ngọc vì còn có một bà ngoại “tuyệt vời”! Cả hai đều mắc nhiều bệnh từ nhỏ.
– Cả hai đều là tấm gương sáng của nghị lực vượt khó, tự học, tinh thần làm việc nghiêm túc. Nguyễn Hiến Lê và Đỗ Hồng Ngọc đều thể hiện nhân cách của một người trí thức chân chính.
– Tận tụy cả đời viết sách, đem kinh nghiệm bản thân ra mà cống hiến cho đời, tâm huyết với việc nâng cao trình độ đại chúng. Mê đọc sách. Cả đời thực hiện phương châm: Học để viết và Viết để học.
– Luôn luôn thành thực với chính mình trong lối sống và trong tác phẩm.
– Thực hành một triết lý sống tri túc, không ham làm giàu, không cầu chức vị, không ham danh lợi. Cuộc sống luôn đơn giản, trong sạch, khiêm cung, biết đủ. Không rượu chè, bài bạc; không thích nơi ồn ào, náo động. Cả hai thầy – trò đều yêu thích Nguyễn Công Trứ và Tô Đông Pha. “Tôi yêu Nguyễn Công Trứ, một người hào hùng mà khoáng đạt – Nguyễn Hiến Lê). Đỗ Hồng Ngọc yêu thích Nguyễn Công Trứ vì cụ Trứ “lúc làm quan to, lúc làm lính thú đều… vui cả. Cụ là một nhà nho khoáng đạt, một thi sĩ đích thực”.
– Tâm huyết, chân tình, và quan tâm một cách đầy trách nhiệm đối với việc chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng sống cho những người cùng thời và nhất là cho thế hệ trẻ – thế hệ ngày mai.
– Tư tưởng, tâm hướng và tấm lòng hai ông rất trong sáng, rất chính trực thể hiện rất rõ qua những tác phẩm của mình. Hai ông viết đều từ kinh nghiệm bản thân, đều từ sự trải nghiệm bản thân nên lời văn giản dị, dễ hiểu, dễ gần gũi và có tính thuyết phục cao và nhất là trung thực trước hết với chính mình nên được độc giả quý trọng. Những điều hai ông viết, nói và sống đều được độc giả tin cậy, vận dụng và áp dụng được vào đời sống của mình.

Nhà xuất bản Văn Học trong Lời giới thiệu cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê đã viết: “… Chúng ta cũng nhận ra rằng Nguyễn Hiến Lê “… Mỗi tác phẩm của ông là một công trình khoa học thể hiện một sự lao động cần mẫn, một trái tim say mê nồng nàn cuộc sống, một tâm hồn nhạy cảm và một trí tuệ uyên thâm tuyệt vời. Tất cả những việc đó cho ông một chỗ đứng đầy trân trọng trong người đọc trong và ngoài nước”. Đây là một nhận xét đúng đắn và sâu sắc dành cho cụ Nguyễn, và tôi nghĩ cũng rất xứng đáng dành cho cả Đỗ Hồng Ngọc.
Có một số điều hai thầy trò Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc không giống nhau: Khi Đỗ Hồng Ngọc tặng Nguyễn Hiến Lê một bộ kiếm hiệp Cô gái đồ long 6 cuốn của Kim Dung với mong muốn ông xả bớt stress nhưng cụ Lê cố gắng lắm chỉ đọc được một ít rồi trả lại, không sao đọc nổi, bảo phí thì giờ vô ích! Ngược lại, Đỗ Hồng Ngọc thì lại… rất thích đọc Kim Dung, đến nỗi ông bảo: “Từ ngày nghiền ngẫm kinh sách Phật, thấy cũng mê như đọc kiếm hiệp”. Nguyễn Hiến Lê hút thuốc nhiều quá, còn Đỗ Hồng Ngọc chẳng ưa thuốc lá chút nào!

Điều không giống nhau rõ nhất là cụ Nguyễn Hiến Lê không “ưa” đạo Phật, nên cụ chỉ thích nghiên cứu Khổng Tử thôi! Nguyễn Hiến Lê không viết một tác phẩm nào về Phật giáo, không trả lời những ai hỏi ông về Phật giáo, cũng không chỉ cho người khác những kinh, sách Phật học cần đọc. Ông chỉ viết có mỗi một bài Huyền Trang và công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại, in trong Ý chí sắt đá, nhưng đó lại là một bài hay nhất viết về Huyền Trang mà các vị cao tăng và nhiều độc giả trong và ngoài đạo Phật đều phải công tâm thừa nhận. Trong khi đó Đỗ Hồng Ngọc, vào năm 1997, bị tai biến mạch máu não. Sau cơn bệnh thập tử nhứt sinh này, Đỗ Hồng Ngọc đã “ngộ” ra nhiều điều:
– “Hơn 15 năm nay, tôi nghiền ngẫm và thực hành những lời Phật dạy, mong tìm trong đó phương cách chữa cái đau, cái khổ cho mình và cho người với cái nhìn khoa học, y học, hoàn toàn không mê tín dị đoan”.
– “Tôi đến với thiền, với phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nghiền ngẫm “hành thâm” Bát Nhã Tâm Kinh. Rồi 5 năm sau là Kim Cang, 5 năm tiếp theo là Diệu Pháp Liên Hoa…  Phải qua trải nghiệm ranh giới giữa sống và chết như thế, tôi mới nhận ra được nhiều thứ hơn… Là một người thầy thuốc, tôi mong tìm một phương cách chữa bệnh tinh thần cho chính mình và giúp đỡ mọi người, nên sau Tâm Kinh, tôi tiếp tục học hỏi thực tập thêm nhiều kinh Phật khác”.

Viết đến đây, tôi sực nhớ đến cuốn sách vào loại độc nhất vô nhị trong Văn học sử Việt Nam. Đó là cuốn Quách Tấn – Nguyễn Hiến Lê – Những bức thư đầm ấm, sách khổ 14,5 x 20,5 cm, dày 560 trang, chọn in 170 trong 200 bức thư mà hai học giả uyên thâm đáng kính này viết cho nhau. Rồi bỗng dưng nhớ đến một đoạn rưng rưng của nhà văn Võ Hồng, lúc đã gần 80, khi nghe tin bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bị tai biến mạch máu não, ông chân thành nguyện cầu: “Mười hai giờ khuya, moa ra sân thượng, quỳ hướng về sao Bắc Đẩu hết lòng cầu nguyện cho toa tai qua nạn khỏi”. Tình bạn sao mà thắm thiết, thiêng liêng thế. Làm sao không yêu quý cuộc đời, không yêu quý con người cho được!.
Nguiễn Ngu Í và Nguyễn Hiến Lê đã có những ảnh hưởng lớn lao và sâu sắc trong cuộc đời của Đỗ Hồng Ngọc ngay từ quãng đời tuổi trẻ của Đỗ Hồng Ngọc, làm cho tôi thèm viết bài tạm đặt nhan đề là: “Nguiễn Ngu Í – Nguyễn Hiến Lê – Đỗ Hồng Ngọc: tỏa sáng trong tôi”.

Năm nay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã 75 tuổi ta rồi (2014). Cái tuổi đã chín muồi, đã lịch lãm, đã trải nghiệm và chiêm nghiệm được nhiều điều về bản thân, gia đình, bè bạn, nghề nghiệp. Ông cũng đã trải qua những biến thiên dữ dội của thời cuộc. Ông lại có những mối quan hệ xã hội khá rộng rãi và hiểu biết tường tận về nhiều việc, nhiều người dưới cái nhìn, cái cảm của một người giàu Phật tính, thấm nhuần triết học Phật giáo. Vì vậy, tôi kính cẩn thưa trình với ông rằng tôi mong sớm được Hồi ký của ông. Nhớ lại, ông đã nhiều lần “thúc hối” thầy mình là Nguyễn Hiến Lê viết hồi ký như André Maurois đã từng làm với Un ami qui s’appelait moi vậy! Cụ Nguyễn Hiến Lê lúc đầu băn khoăn không biết mình sẽ viết gì trong hồi ký này và chỉ mong viết được vài trăm trang thôi. Thế mà tháng 9. 1980, cụ Lê đã hoàn thành cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học in lần đầu 1993, mặc dù nhà xuất bản “xin để lại sau một thời gian nữa” các chương XXI, XXII, XXIV… nhưng sách cũng đến 800 trang. Trước nay tôi vốn thích đọc Hồi ký, và các cuốn hồi ký mà tôi thích nhất vẫn là cuốn của Nguyễn Hiến Lê, Đào Duy Anh, Quách Tấn, Trần Văn Khê…, và, chắc chắn sẽ rất thích Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc. Tôi không dám nói sai lời và cũng như nhiều độc giả “chiến hữu” chí cốt của Đỗ Hồng Ngọc nóng lòng chờ đợi Hồi ký Đỗ Hồng Ngọc.

Tôi nghĩ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có nhiều điều kiện thuận lợi, có nhiều cơ duyên tốt lành để khởi sự sớm hoàn thành tập hồi ký được nhiều, rất nhiều người chờ đọc, đón đọc. Xin đề nghị bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết, cho in báo, trên mạng từng bài, từng phần hồi ký như cụ Nguyễn Hiến Lê đã từng làm. Và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng đã làm “lai rai” một số bài: Một chút tôi, Ghi chép lang thang, Vài đoạn hồi ký… Mong lắm thay, thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc!

 Nguyễn Hiền-Đức