văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, February 22, 2020

HỒ TRƯỜNG AN ¤¤ Một Thuở Xuân Như Ý


Thầy giáo Ba Biền vốn có cái mặt đỏ bừng mỗi khi xúc động. Hễ ngượng, giận, háo hức...thầy đỏ mặt đã đành, mỗi khi cười, mặt thầy cũng đỏ hừng hực mới là kỳ cho chớ. Bởi đó thầy được chòm xóm âu yếm tặng cho cái hỗn danh là thầy Ba Gà Lôi. Ông bà mình cho rằng người mà có khuôn mặt như vậy là người bộc trực, lòng dạ thẳng bon và suông đuột như ống nứa ống tre, thấy sao nói vậy.

Vào thượng tuần tháng chạp, chợt nghe gió chướng thổi lao xao trên hàng cây vông lá mướt hình trái tim, bông đơm đỏ thắm, thầy Ba Gà Lôi ngoắc chú Thường Xuyên Bạch đang neo xuồng câu tôm bên mé rạch, bảo:

- Lật bật mà Tết sắp tới rồi. Thấy vông đồng trổ bông, nghe cu kêu trên cây là mình lo phải sắm Tết.

Chú Thường Xuyên Bạch cười:

- Năm nay vùng mình trúng mùa, tui tin rằng nhà nào cũng sẽ ăn Tết lớn.

Thầy Ba Gà Lôi bảo:

- Ở xứ Nam kỳ mình, nhà nào dù nghèo mạt rệp thì trong bữa ăn vẫn có món canh, món mặn, món xào. Sông rạch miền Hậu giang mình tôm cá ê hề, đất ruộng màu mỡ nên dư lúa gạo để ăn, để sắm vàng. Dân Hậu giang mình chỉ ăn cá bự cỡ bắp tay sắp lên chớ đương thèm rớ tới thứ cá lụn vụn như cá chốt, cá rói, cá linh... Ðất tân bồi do phù sa đắp một khi xả hết chất phèn là trở nên phì nhiêu. Dân mình nếu chí thú làm ăn sẽ giàu có mấy hồi.

Ðó là vào thập niên ba mươi thời tiền chiến. Gia đình thầy Ba Gà Lôi ở trong căn nhà lợp ngói vùng Cầu Ðúc Cái Xình, gần chợ Hoả Lựu tỉnh Rạch Giá, cạnh con kinh Vàm Xáng, hễ vào mùa xuân nước trong văn vắt.

Thầy Ba Gà Lôi sau cuộc nói chuyện tào lao với chú Thường Xuyên Bạch bèn trở vào sân săm soi mấy chậu mồng gà, ớt kiểng, vạn thọ, kim quất...sắp lển nghển trong vuông sân gạch tàu. Bây giờ kim quất mới trổ bông trắng, ớt kiểng cũng trổ bông trắng. Còn vạn thọ và mồng gà mới cao chừng một tấc. Ðược cái đám cây vạn thọ và mồng gà đều bén phân nên mập tốt sởn sơ. Thầy Ba Gà Lôi bằng lòng lắm, liền xuống bếp nướng một con khô cá gộc, một khúc khô cá đường để làm món nhậu với rượu thuốc mà thầy đã bổ ở tiệm thuốc bắc ông bang Xạch Ỵục (Thạch Ngọc) cách đây nửa tháng.

Giữa lúc đó thím Ba Gà Lôi đi đánh bài về. Thím lén chồng đi vòng ngã sau để vô nhà. Thầy Ba tinh ý, thính tai nên nghe được bước chân rón rén thận trọng của vợ mình. Thầy liền xuống bếp để chận đầu vợ. Mặt thầy đỏ kè như ruột dưa hấu, hàng ria mép rung rung, mắt thầy nẩy ánh sao. Thầy hét om sòm:

- Ði đánh tứ sắc hay đánh xá ỏ về vậy? Trời đất ơi, có ai bạc phước hơn tui không? Vợ con người ta khôn ngoan, biết đạo lý, lo mần ăn, lo săn sóc cửa nhà. Còn con đờn bà của tui là thứ hại chồng, đẻ lũ con ngu si học hành đội sổ trong lớp. Bởi vướng nhằm thứ vợ con như vậy hèn chi mà tui cất đầu không nổi chổi đầu không lên. Tết nầy tui bỏ nhà đi chơi mình ên, không thèm ăn Tết với lũ ngu si heo ăn cám sú nầy.

Thím Ba chưa tới ba mươi tuổi, vóc dáng thon mảnh, da trắng trẻo,mặt trứng ngỗng, nụ cười hơi lẵng, miệng chưa cười mà cặp mắt lá răm xinh xắn kia đã híp lại rồi. Thấy chồng nổi tam bành, thím cười mơn:

- Ðừng có gầm, đừng có nạt em làm em sợ, tội nghiệp em lắm! Ai chơi bài hồi nào? Con nào thèo lẻo học bậy với mình, mình hãy chỉ cho em biết để em vả nó trẹo quai hàm cho mình coi. Em đi lại bà Bảy Khá hốt hụi để sắm sửa bánh trái, trà rượu kẻo thiên hạ chê cười mình ăn Tết lôi thôi.

Thím vỗ vỗ vào cái túi bà ba căng phồng giấy bạc. Thiệt ra thím có hốt hụi nhưng thím cũng vừa ăn bạc. Thím tự nghĩ rằng từ đây thím sẽ xa lánh sòng tứ sắc, chiếu đánh xệp. Qua Tết, thím sẽ ngồi chợ Vàm Xáng bán mắm, bán ba khía, khô sặt, khô cá sưởu, khô cá mặn...

Vẻ thịnh nộ của thầy Ba Gà Lôi bay biến đâu mất, nhưng màu đỏ phừng phừng vẫn còn. Thầy bước vào nhà tiếp tục uống rượu và nhai khô cá gộc.
Thím Ba nguýt yêu chồng rồi dặn:

- Nè, đừng có cho cô Tư, cô Năm biết là nhà mình ăn Tết lớn nghe cha nội, nghe tía non!

Cô Tư, cô Năm đây là em ruột của thầy Ba Gà Lôi. Cô Tư Cúc lấy chồng có trại đóng xuồng lẫn trại đóng hòm ở đầu ngọn rạch Hóc Hoả. Cô Năm Lan thì mở tiệm bán guốc, bán nón lá ngoài chợ Vàm Xáng, gần trường tiểu học. Năm rồi, cô Tư Cúc bán lúa, bán dừa đều lỗ lã nên hôm qua khi bơi xuồng đến thăm chị dâu, mặt mày cô bí xị. Cô than não nuột:

- Có ai xui xẻo hơn em không? Ðã bị giựt nợ, bị úp hụi còn buôn bán lỗ lã. Cái tiệm hàng xén của em ế quá chị ơi! Năm Thìn mới có người ghé mua dầu lửa, năm Tị mới có kẻ tới mua nước mắm... Năm cùng tháng tận rồi, em không thèm sắm sửa gì hết. Ăn Tết làm chi cho mất công! Mai mốt em dẹp bàn thờ Thần Tài cho nó gọn. Ông thần nầy chỉ ưa giúp đỡ mấy kẻ thù kẻ nghịch của em cùng mấy con đĩ ưa dòm hành chuyện nhà em rồi nói hành nói tỏi em. Thờ ổng làm chi cho tốn nhang, tốn dầu đốt đèn, tốn bông tốn trái, tốn bánh tốn chè!

Thiệt ra, tuy trong năm cô Tư Cúc có nhiều điều bực mình về tiền bạc, song chồng cô vừa trúng mối vụ mua đi bán lại cây xẻ ván, tiệm hàng xén của cô đông khách. Cô còn có vựa mắm và nhờ mua dưa gang nhiều để gài mắm nên bạn hàng tới mua tấp nập. Chẳng những cô trang trải hết nợ nần mà còn dư dả chút ít để mua sắm vải lụa may đồ Tết cho mẹ con cô. Chồng cô bỏ ra năm chục đồng mua sắm trà rượu, bánh mứt và hai chục dưa hấu Cầu Ðúc Cái Xình nổi tiếng là ngon nhứt vùng. Từ lâu cô Tư Cúc sợ thím Ba Gà Lôi mượn tiền của mình nên giả bộ than thở ỉ ôi rằng mình eo nghèo ót ngọt, năm nào cũng thiếu trước hụt sau. Thứ đờn bà mà mê bài bạc như chị dâu cô, hễ cô cho chị ta mượn tiền thì đời nào chị ta mới trả hết cho!

Thím Ba Gà Lôi cũng bởi miệng bòng chanh bóc chanh của mấy mụ ngồi lê đôi mách mà mang tiếng là thứ đàn bà bạch tuột, ngày nào không xoè bài tứ sắc là phiền muộn thiếu điều ngặt mình ngặt mẩy. Có kẻ ác khẩu còn đồn rằng thím là tay cờ gian bạc lận, lâu lâu giở thói ăn vùa thua giựt. Thứ đờn bà như vậy, cô Tư Cúc chẳng những không nên dây dưa thăm viếng mà cũng đừng nên cho vay cho mượn. Hễ cẩn tắc thì vô ưu, ông bà mình đã nói như vậy thì cô nên lấy đó làm câu kinh nhựt tụng để đề phòng mụ chị dâu kia.

Còn cô Năm Lan, em kế cô Tư Cúc thì lấy chồng giàu. Chồng cô có nhiều ruộng đất ở vịnh Chèo. Nhà cô ở chợ Vàm Xáng thiệt khang trang, ba căn hai chái thiệt rộng, mái lợp ngói móc âm dương, vách bổ kho, sân lót gạch tàu. Cô lại có tiệm bán guốc, bán nón lá bên hông chợ nên bề ăn xài của cô ngoả nguê lắm. Nhưng thầy Hương thân Lộc, chồng cô Năm, từ ba năm nay nếu không mê sa nịch ái con mèo nầy thì cũng bợ đít con mèo nọ, đeo dính miêu kia làm cô ốm o so bại vì ghen tương.

Vừa khi nghe tiếng chim tu hút hót trên cây vông mọc bên dòng kinh nước biếc, cô xỉa ngón tay vô trán chồng:

- Thứ đồ dâm tặc! Thứ đồ dê xồm! Tết nầy tao hốt lũ con về nhà má tao, để mầy ăn Tết ở đây với con chó vện. Tao đi luôn, nói cho mầy liệu mà tự xoay sở... Mầy làm tao xất bất xang bang quá rồi! Tao đâu có dại gì nuôi mầy cho mập thây đặng mầy đi đéo bậy, biết đâu mầy sẽ đến tiêm la, đau lậu, cù đinh, thiên pháo về đây báo đời tao.

Cô Năm Lan có cùng khuôn mặt với cô Tư Cúc. Nhưng cô Tư Cúc trắng trẻo, mảnh mai, điềm đạm hơn. Cô Tư tuy ưa cà khịa, ưa cằn nhằn cửi nhửi nhưng cô nói năng rỉ rả chứ không quát tháo ầm ĩ như em. Khi giận dũ, cô Năm Lan giống mấy cô đào hát bội đóng vai nữ tướng như Cao Long Ngà, Sáu Bê, Năm Sa Ðéc, mày ngài cô dựng ngược, khoé hạnh tròn xỏ, mặt cô phừng phừng đổ lửa. Cô có tướng hơi cứng cỏi, vai ngang nên mấy bà già trầu đều cho đó là tướng khổ sở vì chồng con.
Bà Hương sư Bách, mẹ của thầy Ba Gà Lôi thường than:

- Lũ con gái nhà tui, miệng đứa nào cũng có đinh, có gai. Còn lũ dâu tui đều có nanh có vuốt cả. Con Hai thì có miệng củ ấu ưa nói hành thiên hạ, con Ba thì cái miệng cá chim, cà khịa với bất cứ ai.

Con Hai đây tức là nàng dâu trưởng của bà, vợ thầy Hương quản Bưng.
Từ lâu, thím Ba Gà Lôi ác cảm với cô Năm Lan vì cô nầy ưa chê bai chỉ trích cái tánh mê bài bạc và cái tật cả nhổng của thím. Cô Năm Lan đã rỉ tai với thím Hương quản Bưng:

- Con mẹ đó tới cuối năm mà quần áo vẫn xập xệ thì mong gì mẻ có tiền sắm Tết với người ta.

Ðược rồi, cô Năm Lan khinh thím, sẽ phải chống mắt coi thím ăn Tết. Thím cứ giả đò thiếu trước hụt sau, để rồi tới mồng một, mồng hai, cô ta sẽ được thím mời tới chứng kiến sự sung túc của thím. Thiệt ra, lâu lâu thím mới ngồi vô sòng bài chiếu bạc. Thím chơi tứ sắc mỗi lệnh một xu chứ đâu có đánh lớn! Năm qua, thím đã mua bao giàn mấy gánh hát, kiếm lời khá bộn. Nhưng thím cứ than lỗ lã để đánh lừa anh chị em bên chồng, để chồng thím dễ bề bòn rút, xin xỏ tiền bà mẹ chồng thím.

●●

Cằn nhằn, hăm he, chửi rủa, rên rỉ điếc tai ớn óc như vậy, nhưng ai cũng như ai, nghĩ rằng năm nay mình xui xẻo, vận số hắc ám như cái quần vải ú đen, như đít chảo đít nồi, nhưng biết đâu năm tới vận hạn mình sẽ hanh thông hơn. Nếu năm nay mình hên một, biết đâu năm tới mình sẽ hên hai ba hoặc hên mười!

Cô Năm Lan tuy chửi chồng giòn rụm, hăm he chồng ớn óc như vậy nhưng sau một đêm được chồng yêu đương mặn nồng, liền thỏ thẻ:

- Em nuôi cặp gà mái tơ và mấy con vịt cà cuống để dành ăn Tết tới mồng mười. Mình rành trà rượu, nhớ mua hai thứ đó cho thiệt bảnh, trước kính má, sau để thưởng xuân. Mai em sẽ làm bánh mứt và đón ghe thương hồ mua dưa hấu, mua hồng khô, chà là...

Cô Tư Cúc trong bữa cơm chiều có món canh đọt bợ nấu tôm, ỏn ẻn bảo chồng:

- Tết nầy em sẽ nấu canh bát tiên cho thiên hạ lé con mắt chơi. Ðể em mua bóng da heo, kim châm, nấm mèo, tóc tiên, nấm đông cô, bào ngư...Ngoài món canh bát tiên, em sẽ nấu vài món Tàu, đó là không kể món thịt cá kho chung, món khổ qua dồn thịt, món tôm kho tàu nước gạch đỏ ối để ăn lai rai cho đến hạ nêu.

Ai cũng có dự định thưởng xuân qua món ngon, qua tiệc tùng. Ai cũng hy vọng năm mới biến đổi hoàn cảnh đang hồi hắc ám của mình. Cô Năm Lan không cần chuyện làm ăn xuôi chèo mát mái, chỉ cầu cho gia đình mình hoà thuận, chồng cô chán chuyện én oanh, ong bướm, hồi tâm nghĩ tới vợ nhà. Cô đã dùng thuốc Huyết Trung Bửu, Cửu Long Hoàn, Nữ Kim Ðơn nên kinh nguyệt cô điều hoà, bớt ốm bớt ròm, lại có vèo đỏ da thắm thịt ai cũng khen nên cô hy vọng chồng cô sẽ yêu thương say đắm cô hơn.

Cô Tư Cúc đẻ hai lượt đầu hai con tiểu tì nên cô hy vọng năm tới cô sẽ đẻ cho chồng một thằng cốt đột kháu khỉnh. Riêng thím Ba Gà Lôi cũng hy vọng mình đã đi chùa cúng dường rất hậu, mình đã thành tâm chiêm bái đức Phật Bà Quan Âm thì hai đứa con mình sẽ học hành sáng dạ. Thím cũng mong bọn chòm xóm láng giềng đã từng xung khắc với thím sẽ sáng mắt vì sự thành công trong chuyện làm ăn của thím, sẽ cụp tai nhục nhã để lân la làm quen và tùng phục thím, chừng đó thím sẽ tỏ ra khoan hồng đại lượng với họ.

Vợ chồng Hương quản Bưng vì là phận con trưởng nên phải ở chung với bà Hương sư Bách. Thím Hương quản phục tùng mẹ chồng trước mặt nhưng ưa nói xấu bà sau lưng. Thím không dám cầu cho bà chết sớm, nhưng mỗi khi thấy bà cầm chùm chìa khoá mở tủ sắt ngắm giấy bạc buộc từng cuộn, vàng lá xếp từng bó, nữ trang bày lổn ngổn thì thím ao ước một ngày nào đó bằng cách nầy hay cách khác, thím sẽ cầm được chùm chìa khoá kia. Vì ngoài chìa khoá mở tủ sắt còn có chìa mở lẫm lúa, chìa mở tủ đựng đồ cổ ngoạn, chìa mở tủ chè đựng toàn rượu quý, trà ngon, thức ăn mắc tiền....

Bà Hương sư Bách mừng thầm đại gia đình lẫn đám con cái ra riêng, đứa nào cũng có miếng ăn miếng để. Trong khi đó có vài gia đình tá điền bà túng hụt, phải bán bớt số lúa để dành ăn trong năm để sắm Tết. Lại còn vài gia đình ngoài chợ Vàm Xáng phải cầm đồ hoặc hốt hụi hay phải tiền vay bạc hỏi để tạo được cái Tết tương đối tươm tất. Nhưng đó là những trường hợp rủi ro, bà hơi đâu nghĩ tới cho mệt óc, mệt tim. Vào thời buổi sông trong biển lặng nầy, các gia đình trung lưu ở xứ Nam kỳ nầy đều ăn Tết mười ngày, từ mồng một cho tới mồng mười, không kể ngày dựng nêu và cúng rước ông bà tức ngày ba mươi tháng chạp.

Còn việc chuẩn bị Tết thì chị ruột bà Hương sư Bách là bà Cai tổng Hài đã chuẩn bị từ đầu tháng chạp. Xời ơi, người ta giàu có danh giá nên người ta sợ tổ chức đón Tết xập xệ thì trong trào ngoài quận, từ tổng tới làng sẽ xầm xì chê bai, nói tỏi nói hành, trổ giọng chanh giọng khế. Mấy ông thương gia Ba Tàu ngoài chợ Vàm Xáng cũng không dám ăn Tết nhỏ vì sợ nếu tổ chức đón Tết sơ sài thì bề buôn bàn sẽ gặp trở ngại vì mấy ai chịu hùn hạp với kẻ coi bộ không được giàu có? Việc ăn Tết lớn nhỏ đánh giá sự thạnh suy của mỗi gia cảnh con buôn. Bà Hương sư Bách tuy chỉ là một địa chủ, bà chẳng cần ai đoán già đoán non sự thạnh suy của mình, song bà muốn bày biện hực hỡ, nghi vệ rườm rà để con cháu vui chơi hầu quên cảnh mưu sinh vất vả đè nặng suốt năm qua.

Từ đầu tháng chạp, lũ cu đất, cu cườm, tu hú kêu văng vẳng từ vườn sau ngõ trước. Lũ ong bướm cũng dập dìu trên những luống cải sáng rực hoa vàng.

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè

Ở nhà sau, trên bộ ngựa gõ ngó ra sàn nước, bà Hương sư Bách cùng hai cô con gái và hai nàng dâu ngồi ăn cơm nguội mắm sống. Mắm lóc thịt đỏ au au xé từng miếng cỡ ngón tay út, thịt ba chỉ xắt mỏng, tép muỗi xào mỡ xắt hột lựu, ớt trái, dưa leo bổ dọc, cải thơm cay tươi non, rau thơm...Năm mẹ con hả hê ăn món mắm đồng rau rẫy, mắt sáng quắc vì cay. Bà Hương sư Bách dặn dò:

- Tao muốn mồng hai Tết, tất cả con trai con gái, dâu rể, cháu nội cháu ngoại phải tề tựu đông đủ dưới mái nhà nầy.

Thím Ba Gà Lôi nhỏ nhẹ:

- Thưa má, chồng con có cho trồng hai vồng cải tùa xại để làm dưa. Vậy má để con bao thầu nồi thịt cá đệm trứng luộc kho chung cùng hai hai món dưa cải dưa giá.

Cô Tư Cúc nói:

- Con lo khoản đầu heo luộc, lòng heo cho. Con có nuôi hai con heo thiến mỗi con nặng cỡ một tạ. Lối 29 tháng chạp nầy lò heo Chánh Hiệp sẽ tới bắt, họ kiếng lại cho con hai cái thủ vĩ và hai bộ đồ lòng.

Cô Năm Lan hớn hở:

- Còn con có nuôi bầy gà, con sẽ lựa hai con gà mái tơ thiệt mập để má cúng hạ nêu. Ngoài ra con cũng xí phần khoản bánh luộc như bánh tét, bánh ích, bánh dừa và khoản bánh hấp như bánh bò, bánh da lợn, bánh qui, bánh thuẩn...

Ngoài vườn sau, trong khuôn viên bà Hương sư Bách, thầy Hương quản Bưng cùng em là thầy Ba Gà Lôi đang săn sóc mấy luống cà, cà dái dê tím đậm và dài sọc, cà dĩa trắng ngà, cà tô-mách tròn xinh thắm đỏ. Trời trong nắng tốt, hàng vông đồng bên bờ rạch, bờ mương trổ hoa thắm màu huyết bồ câu. Ðó là thứ màu đỏ thuần một sắc, không ửng vàng như hoa điệp tây, không ửng tim tím như màu ngọc lựu. Miền Nam có mai vàng và vông đỏ để đón Tết. Nhưng mai có thể cắt nhánh rồi chưng trong độc bình da rạn, còn hoa vông thì chỉ đẹp ngoài đất trời, nếu đem cắt nhánh cắm vô bình thì hoa lẫn nhánh đề trơ trẽn vô duyên và mau héo rũ.

Thầy Ba Gà Lôi trồng mồng gà, vạn thọ, ớt kiểng, kim quất trong giỏ tre. Nhưng thầy sang kim quất vô chậu sứ tráng men lam. Và khi qua Tết, mồng gà, vạn thọ phải bứt bỏ đi, ớt kiểng thì trồng trên vuông đất trồng rau để lấy trái. Thầy ghét loại vạn thọ màu hoả hoàng nên trồng toàn vạn thọ cúc màu huỳnh yến. Thầy cũng không ưa mồng gà đuôi chồn màu vàng lẫn màu đỏ, bông hình tháp bút. Thầy chỉ trồng mồng gà lưỡi búa như một cuộn nhung đỏ bẻ vặn. Còn ớt kiểng thì thầy trồng theo một loạt màu: vàng, đỏ, tím....

Cô Tư Cúc mua mấy chậu cúc lẫn vạn thọ cúc đặng tôn vinh cái tên mỹ miều của cô. Mua được hai chậu cúc đại đóa màu tím lợt và hai chậu màu huỳnh yến, cô mừng húm. Còn cô Năm Lan mua mồng gà, vạn thọ, kim quất, ớt kiểng, cúc nhưng cô còn mua thêm hai chậu cẩm nhung. Ðây là loại cẩm chướng màu trắng sọc tím, mỗi đóa lớn cỡ trái chanh gồm nhiều cánh có răng cưa khép lại. Cũng như lá cẩm chướng, lá cẩm nhung thuộc loại lá cỏ màu túy lục phủ một lớp tuyết nhưng thiệt mỏng thiệt mịn.

Năm nay thầy Hương quản Bưng trồng hoa quỳ và hoa thược dược để ăn Tết. Hai anh em thầy săm soi mấy chậu bông quỳ màu vàng ấm, mấy chậu thược dược hường cánh sen rực rỡ dưới ánh nắng vàng tươi như hổ phách. Thầy Hương quản bảo em:

- Có người gọi bông quỳ là hoa hướng dương, hoa thục quỳ, hoa nhật quỳ. Dân Nam kỳ mình là bông quỳ trơn lu cho gọn.

Thầy Ba Gà Lôi nói:

- Năm nay anh trồng bông quỳ tốt quá. Rồi đây mỗi bông sẽ nở bự cỡ cái dĩa đựng nước mắm chớ không chơi. Còn thược dược màu hường thì thường quá, thược dược màu huỳnh yến hoặc cánh trắng nhị vàng mới hiếm quý.

Thầy Hương quản Bưng nói bọc xuôi:

- Sân mình rộng, trồng bông huê cần ê hề chớ không cần quí.

●●

Yên lòng về khoảng bông huê, thím Hương quản Bưng liền nghĩ tới việc may áo Tết cho chồng con và cho mình. Thím biết vóc mình thím hơi mập nhưng gọn, ngặt là nước da thím hơi đen nên dù thích màu hường cánh sen và màu xanh đọt chuối, thìm vẫn không dám may mặc hai màu đó. Thôi thì thím may cái áo dài lụa màu xám vảy cá thác lác và một cái bằng hàng màu cam lợt điểm bông trắng là nhu nhã nhứt rồi. Con gái bà Cai tổng Hài cũng đen cỡ thím, bận áo màu xám, màu cam coi được đến! Thím phải bắt chước cô ta trong việc may mặc vì khắp Vịnh Chèo, dân nhà giàu đều khen cô ta ăn mặc đẹp.

Dân miệt vườn từ 20 tuổi đến 30 tuổi chỉ cần hai bộ quần áo bằng vải ú hay vải xiêm để thay đổi hàng ngày là đủ. Hễ vào ngày Tết hay lễ lạc thì họ mới diện bộ quần áo đặc biệt tùy theo túi tiền. Thầy Hương quản Bưng năm nay gần 40 tuổi, lại là kẻ có chức phận trong hàng ngũ mười hai vị hương chức hội tề của làng nầy thì phải mặc áo dài bằng tố đen, đầu bịt khăn đóng hoặc khăn be, chơn đi giày hàm ếch. Nhưng thím muốn chồng mình năm nay diện áo gấm lam bông bạc để đi chúc Tết mấy ông hương chức, đứng đầu là ông Hương cả Bỉnh, ông Hương chủ Thử, ông Hương sư Hạt, ông Hương trưởng Bôn. Sau nữa, chồng thím sẽ chúc Tết thầy Cai tổng Ban, ông Bang biện Tịnh, toàn là dân danh giá trong tổng, trong làng.

Nhưng mỗi khi nhìn bàn chơn to phè của chồng, thím phát tức cười. Thầy Hương quản Bưng cũng như bao dân miệt vườn khác, thích đi chơn đất. Hễ có việc họp hành tại nhà làng thì thầy mới chịu xỏ chơn vô đôi guốc vông. Vậy còn đỡ hơn chú Tám Huỳnh Lân, chồng cô Tư Cúc. Tuy có tiền nhưng chú không thích se sua, cứ đi chơn đất. Tới tối, chú trèo lên giường phủi chơn sơ sịa rồi lăn đùng ra ngáy khò khò. Vào mấy ngày Tết hoặc vào những dịp đi ăn giỗ, chú Tám Huỳnh Lân ôm kè kè đôi guốc theo. Tới nhà gia chủ, chú liền bương bả ra sàn nước rửa chơn rồi mới xỏ guốc vào. Còn thầy Hương thân Lộc, chồng cô Năm Lan, khi ở nhà thì đi chơn đất để bồi líp, móc mương, nhưng hễ bước ra ngoài là thầy xỏ chơn vô guốc. Còn đôi giày đánh xi-ra đen thì thầy chỉ mang một lần, đó là dịp thầy đi Vịnh Chèo ăn cưới cô Hai Thiên Kim, con gái bà Cai tổng Hài. Sau đó thầy đem chưng giày trong tủ kiếng, coi như thờ sống của báu vậy.

Cô Năm Lan bảo thím Hương quản Bưng và cô Tư Cúc:

- Năm nay em không thèm sắm guốc cho thằng dê ôn dịch đó đâu. Ðôi guốc em sắm cho nó hồi tháng rồi vẫn còn mới, gót chưa mòn, quai còn tốt. Còn đôi giày tây của nó hoạ may ba mươi năm sau mới chịu mòn một ly ở gót.

Cô Tư Cúc cười:

- Dượng Năm trắng trẻo bảnh trai, dẫu có ăn mặc xịch xạc mà vẫn đắt mèo nên dì tức sôi bọt quáp rồi chửi chồng rùm beng. Chồng tui coi vậy chớ chỉ biết nghĩ tới vợ nhà, không dây dưa chuyện mèo mỡ chim chuột. Năm nay tui nhứt định đưa ảnh đi chợ Cần Thơ, sắm cho ảnh một đôi giày tây đánh xi-ra cho thiệt bóng.

Cô Năm Lan nguýt chị, xí một tiếng dài. Chồng chị tuy bảnh trai nhưng cù lần thì đắt mèo sao được? Chồng tui đã khôi ngô, trắng trẻo, lại có duyên ngầm nên lũ dâm phụ chạy theo rầm rầm nên gái lẳng lơ rũ nhau theo bám đít nó thì có gì lạ đâu nà!
Cô Năm Lan không thuộc vào loại đờn bà nhà quê mà thuộc vào hạng phụ nữ trung lưu miệt vườn. Cô không đi nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa. Cô chỉ làm công việc trong nhà. Giờ con cô đã lớn và cô không còn chửa đẻ gì thêm nên cô xoay qua buôn bán để có đồng ra đồng vô. Bởi đó, Tết năm nay cô sẽ diện đôi dỏn nhung thêu cườm mà cô vừa mới sắm vì đi guốc hoài, dẫu là guốc sơn đen quai vẽ bông xanh đỏ đi nữa, cũng làm thiên hạ nhàm mắt.

Bà Hương sư Bách, thím Hương quản Bưng, thím Ba Gà Lôi và cô Tư Cúc thì nghĩ rằng loại guốc vông mà thường mang trong nhà nếu còn mang trong dịp Tết sẽ có vẻ dị dị nừng nừng, cho nên họ sắm guốc sơn đen. Bà Hương sư đã sắm cái áo dài the La cải, bộ quần áo xuyến trắng để mặc cặp lúc đi ra ngoài. Hai chị em dâu mua lãnh tàu về để may quần. Chèn ơi, thứ lãnh trơn mà cặp lưng bằng nhiễu màu đọt chuối, thứ lãnh đen dệt bông mà cặp lưng bằng nhiễu màu hường cánh sen thì đẹp quá cỡ! Hễ bận quần lĩnh đen thì họ mặc áo nhiễu tím, áo xuyến trắng, áo lụa màu hường cho cái Tết của mình thêm thắm thêm tươi. Còn thứ áo bà ba bằng vải in bông xanh đỏ, dù còn mới đi nữa, cũng nên cất vô rương đợi ra giêng mặc lại.

Cô Tư Cúc vốn cưng chồng, nhưng cô không nghĩ đến việc sắm quần áo Tết cho anh ta. Chú Tám Huỳnh Luông có một cái áo sơ-mi lụa trắng, một cái bằng vải ba-tít màu trứng sáo, một quần dài bằng nỉ xám, một quần bằng vải ka-ki màu xanh dương, một đôi giày xăng-đan. Nhưng chú ít có dịp diện đồ tây. Cô nói sẽ sắm giày tây cho chồng là để hù hai mụ chị dâu và cô em gái mình chớ cô ngại ra tỉnh Cần Thơ bằng đò máy lắm. Chồng cô không bảnh bao hào hoa như em rể cô, nhưng chú ta lực lưỡng, khoẻ mạnh, mặt mũi hiền hậu, dễ thương.

Nhớ thuở nào, mỗi khi cô đi ngang qua xưởng mộc của ông Sáu Thiệt, có nghe anh chàng thợ tập sự tên Tám Huỳnh Luông vừa bào khúc gỗ căm xe vừa hát:

Má ôi, con muốn lấy anh thợ bào
Khòm lưng ảnh đẩy cái nào cũng sâu

Bà Hương sư Bách sở dĩ chọn Tám Huỳnh Luông làm rể vì thấy anh ta chí thú làm ăn. Từ chỗ làm mướn, nhờ chút ít của cải của vợ, anh ta đi học đóng xuồng, đóng hòm và hiện nay làm chủ trại xuồng lẫn trại hòm, công cuộc làm ăn có vèo mở mang thêm. Còn cái việc anh ta khòm lưng đẩy sâu đẩy cạn thì thiên hạ chỉ biết từ khi cô Tư Cúc làm vợ anh ta rồi, cô ngoả nguê bơi lội trong hạnh phúc. Cô phốp pháp và non nheo nhẻo. Cô ưa nhỏng nhẻo với chồng nhưng cũng săn sóc chồng từ miếng ăn thức uống tới tấm áo manh quần.

Khoảng giữa tháng chạp, cô Tư Cúc rủ cô Năm Lan may áo bà ba, áo dài cho thiệt xuê xoang. Ngoài chợ Cần Thơ có nhiều hàng lụa phổ thông. Nào là sa-teng trơn, sa-teng dệt bông nổi lấp lánh. Thứ trơn để may quần, thứ dệt bông nổi may áo thì đúng điệu quá rồi. Nào là sa-teng tây trơn láng mịn mát mà có người gọi là sa-teng mình phấn vì nó phủ một lớp tuyết nhung thiệt mỏng thiệt nhẹ. Nào là xá-xị hơi giống sa-teng có màu đen dùng để may quần. Lại có cẩm tự là thứ lụa màu đen in bông chữ thọ dùng để may quần. Cẩm tự có sắc gỗ mun chớ không có sắc huyền ngọc như sa-teng. Cô Tư Cúc khi đặt chơn tới tiệm tơ lụa là cô kêu bà chủ xé cho cô ba khúc sa-teng, cẩm tự, xá xị để cô may quần. Còn cô Năm Lan thì mua cẩm nhung đen để may áo bà ba và quần dài. Ðể may áo dài, cô Tư Cúc chọn cẩm châu trắng, cô Năm Lan chọn cẩm vân màu hoàng yến.

Vào thời Pháp thuộc, về tơ lụa, phụ nữ miền Nam dùng nhiều thứ cẩm. Trước hết, ở miệt Tân Châu có sản xuất lụa cẩm châu (châu là Tân Châu) mềm và xốp. Còn cẩm nhung mỏng hơn, mỗi khi căng trong ánh sáng xuyên qua, ta thấy có những vạch sáng lấp lánh. Cẩm nhung màu trắng hay màu đen dùng để may quần, màu hoàng yến, hồng phấn hay tím sen dùng để may áo dài. Cẩm vân là lụa dệt nổi bông tiền điếu hay nét mây cuốn, chắc nhứt, vóc lụa còn thơm mùi tơ tằm. Cẩm trước là lụa dệt nổi bông lá trúc. Cẩm sen là lụa dệt nổi hình bông sen. Cẩm quít là lụa dệt nổi hình trái quít. Cẩm kim là lụa dệt nổi hình mũi kim.

Thầy Ba Gà Lôi vốn có học cọt quẹt vài ba chữ nho, nghe vợ và hai mụ em gái cứ chót chét những tiếng "cẩm sen, cẩm quít, cẩm kim..." ngứa họng nạt nhàu:

- Sao mấy người ưa dùng ba chữ nửa nạc nửa mỡ vậy? Lụa nổi hình bông sen tức là cẩm liên, nổi hình trái quít là cẩm quất, nổi hình mũi kim thì gọi là cẩm châm. Ai đời chữ đầu thì mấy người gọi bằng chữ Hán, chữ cuối thì gọi bằng chữ nôm nghe sao thuốc chuột quá!

Thím Ba Gà Lôi không thèm cãi cọ với ông chồng nói chữ của mình. Thím nhứt định gọi là cẩm sen, cẩm quít, cẩm kim, ai có kiện thì thím sẽ vác chiếu đi hầu. Thím mà gọi cẩm liên, cẩm quất, cẩm châm thì ma nó hiểu!
Cô Tư Cúc chọn cẩm cúc màu vàng tươi, cẩm phù dung hường để may áo bà ba. Còn cô Năm Lan chọn cẩm lan may thêm chiếc áo dài, còn dư một khúc lụa, cô may áo túi. Ngoài ra, cô chọn cẩm phụng trắng để may quần. Cô ỏn ẻn bảo chồng:

- Mình thấy em bận chiếc quần cẩm phụng, chiếc áo cẩm lan trẻ hơn mấy tuổi? Mình có nhớ hồi mình chưa cưới em, sáng sáng em mặc áo cẩm lan ra sân tưới mấy líp bông huệ, mình đi ngang nhà, hát: Lan huệ sầu ai lan huệ héo. Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi.

Thầy Hương thân Lộc nói bọc xuôi:

- Ờ, anh nhớ hoài đó chớ. Hồi đó, có vài lần anh đi qua nhà mình, có nghe mình hát câu: Trách ai đánh trống bỏ dùi. Dê tui cho được xô tui xuống bùn.

Cô Năm Lan sừng sộ:

- Ma bắt thằng cha nầy cho rồi! Tui đời nào thèm hát những câu xui xẻo đó? Ðó là con ở của chị tui hát ru thằng con anh Hai tui ngủ. Thiệt rõ ràng hồi xưa thằng cha ôn binh cốt đột nầy lượn qua nhà tía má tui cốt để ve vãn con Tí chớ có thèm ngó ngàng gì tới tui đâu nà. Phải mà, con Tí trắng da dài tóc, còn tui đen thủi đen thui, đen thùi lùi cứt chuột mà...

Thầy Hương thân Lộc lật đật dọt lẹ, không dám ngồi nghe con vợ hoạn thơ tụng một chầu kinh điếc con ráy.

Nhà thầy Ba Gà Lôi vốn sát bờ kinh Vàm Xáng, lại gần Cầu Ðúc Cái Xình là nơi ghe thương hồ ưa tụ họp. Chợ Vàm Xáng hay các chợ quê khác thường bán vải nhiều hơn bán hàng lụa. Vải trắng và vải đen hiệu Xe Lửa, hiệu Trái Ðào thạnh hành nhứt. Ngoài ra còn có vải xiêm tẩm hồ bóng mượt, vải ta dệt to sợi, vải hộ giền dệt thô tháp, có gút mắt nhỏ cỡ hột giền. Ở chốn quê mùa hẻo lánh, vào mùa nắng và nhứt là vào lúc lúa đã gặt xong, thường có ghe trà vải len lỏi theo những dòng nước để vào đến tận nơi. Thím Ba Gà Lôi đón mua vải in bông để may áo bà ba cho hai cô con gái xí xọn của mình.

Ôi ghe trà vải! Có một anh thương hồ tên là Chín Tân Ngãi có giọng hò thiệt dễ thương. Cứ sau ngày rằm tháng chạp, Chín ta chèo ghe qua lại kinh Vàm Xáng và rạch Hóc Hoả để bán hàng. Chẳng những chàng bán trà vải mà còn bán kim hát máy, dĩa hát máy và các tuồng cải lương được in thành những tập sách mỏng khổ nhỏ. Các cô gái ở dọc theo sông thường bồi hồi xúc động khi nghe giọng hò ấm áp của chàng:

Hò.. ơ.. ớ... ơ
Cây da tróc gốc
Thợ mộc đem cưa
Gặp em đứng bóng ban trưa
Trách trời mau tối, phân chưa hết lời
Lụy nhỏ lúc biệt ly
Anh đi em ở
Rạng mặt đá vàng, xin chớ bỏ nhau...

Cô Út Ngọc Nhung, em ruột thím Ba Gà Lôi vốn nhạy cảm với bất cứ câu hò nào được diễn tả bằng giọng đẹp và mùi. Từ bốn năm nay, kể từ khi má cô là bà Chín Lũ chết đi thì cô ở chung với vợ chồng thầy Ba Gà Lôi. Hai chị em có cùng một khuôn mặt, nhưng thím Ba thì vóc dáng thanh cảnh, tươi mát, còn cô thì thân mình phốp pháp nồng nàn hơn. Mắt thím Ba ranh mãnh, linh hoa, còn mắt cô Út là thứ mắt mời, ướt rượt và lẵng ngầm. Cô thường nói với mấy cô bạn chòm xóm rằng Chín Tân Ngãi bảnh trai như kép Bảy Nhiêu của gánh Phước Cương, sáng láng như kép Từ Anh của gánh Trần Ðắc. Mỗi khi nghe Chín Tân Ngãi hò ở mút đầu doi đất là cô liền bước ra bến nước, đứng dưới gốc cây khế đơm đầy hoa tím, lòng man mác bâng khuâng.

Có lần cô hỏi thầy Ba Gà Lôi:

- Thưa anh Hai, em không hiểu tại sao mấy chủ ghe thương hồ, hễ bán trà thì họ ưa bán cặp với vải.

Thầy Ba Gà Lôi vốn là tay uyên bác. Chuyện gì cũng được thầy cắt nghĩa có lớp có lang, có gốc có ngọn ráo trọi:

- Một lẽ dể hiểu là họ tin rằng hương trà thấm vào vải làm cho mọt, gián không léo hánh tới. Ðã vậy vải sồ, hàng lụa còn thơm mùi trà. Có người cho rằng hương trà còn trừ được mùi ẩm mốc nữa.

Thầy Ba Gà Lôi cắt nghĩa vo vo, nhưng thầy không để ý cái hương vị ái tình trong câu hát của anh chàng bán trà vải đã thấm sâu vào tâm hồn, đã ướp mềm trái tim cô em vợ đa tình đa cảm của mình.

●●

Yên khoản may mặc, từ rằm tháng chạp, người nội trợ còn lo khoản bánh mứt.
Vì nhà bà Hương sư Bách là một đại gia nên bắt đầu từ mồng mười tháng chạp, thím Hương quản Bưng đã lo làm các món bánh phơi khô: bánh phồng, bánh tráng, bánh tổ. Bánh phồng nếp, bánh tráng ngọt và bánh tổ mà làm bằng đường om thì thơm phải biết! Ðây là thứ đường mật mía, đựng trong cái om đất, sột sệt màu nâu đỏ. Ðường này thắng lỏng bỏ thêm gừng giã nát, chan lên tàu hũ bánh lọt hoặc sương sa hột lựu thì ngon hơn đường cát thập bội.
Thím Ba Gà Lôi nhứt định chọn đường om để làm bánh tổ. Thứ bánh nầy không cần ăn vào dịp Tết cho nên thím không cần làm gấp, đợi đón ghe thương hồ để mua cho được đường om. Thím dặn cô Út Ngọc Nhung:

- Mầy nhớ đón ghe thương hồ nào có bán đường om cho tao.

Cô Út dạ dạ, mắt đã ướt giờ thêm sáng long lanh. Cô nhìn ra bến sau nhà đang lúc nước dồn lai láng và trong văn vắt như mắt mèo. Ngày ngày cô bồn chồn, đêm đêm cô khắc khoải mơ một bóng dáng, một giọng hò.
Nhưng một buổi sáng mát rười rượi, giữa lúc con chim chìa vôi hót lảnh lót trên mái nhà, thì một giọng thân yêu, quen thuộc vang lồng lộng ngoài bến:

Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa ló
Qưới nương em ơi, qua xin tỏ với nàng
Con gái ông Bang, con gái ông Phủ qua cũng không màng
Chỉ chuộng con bạn ngọc biết đá vàng thỉ chung.

Cô Út Ngọc Nhung kêu ghe thương hồ lại. Quả thiệt đây là ghe của Chín Tân Ngãi. Cách mặt một năm, cô thấy Chính ta thêm lực lưỡng, mặt lúc nào cũng vui tươi, nụ cười mắt liếc lúc nào cũng tình tứ. Cô hỏi mua một xấp vải in bông hường. Sau đó cô bảo:

- Em muốn mua đường om để làm bánh tổ, bánh ích, bánh bò nhưng tìm hoài mà không thấy. Anh Chín có biết ghe nào bán thứ đường đó xin nhắn họ ghé qua đây giùm em.

Chín Tân Ngãi cười:

- Hôm qua tui có mua được hai om đường. Thôi thì tui xin kỉnh cô một om làm duyên. Khi cô làm bánh xong, xin nhớ đến tui một chút cho ấm lòng kẻ sống đời gạo chợ nước sông nầy.

Khi trao om đường cho cô gái, Chín Tân Ngãi miệng cười mắt liếc có vẻ gian tà dịch vật lắm. Anh ta hò:

Nếm muỗng đường om, mùi thơm vị ngọt
Thức trót canh gà, tuôn giọt cảm hoài
Thân bậu như nhánh bông mai
Phận qua chim cú lạc loài đứng trông

Cô Út cười ngỏn ngoẻn

- Thằng cha mắc dịch nầy hò cái điệu gì tầm xàm tầm bậy vậy?

●●

Thím Hương quản Bưng vừa khi làm xong bánh phồng nếp và bánh phồng khoai liền cho thím Ba Gà Lôi, cô Tư Cúc, cô Năm Lan một chục bánh mỗi thứ. Thím khoe:

- Tui làm bánh phồng nếp bằng đường the, còn bánh phồng khoai bằng đường cá trắng trộn sữa hộp đó đa.

Thím Ba Gà Lôi nhìn mặt bánh phồng khoai, miệng thì dạ dạ nhưng mắt liếc về hai cô em chồng. Cô Tư Cúc lẫn cô Năm Lan trề môi sau lưng thím Hương quản, kẻ nguýt người háy coi thiệt tức cười.
Hôm sau, cô Năm Lan đội khăn màu hột gà, che dù tía tới nhà cô Tư Cúc xầm xì to nhỏ gì đó một hồi. Cô Tư liền quơ cái khăn màu hường quàng lên cổ, chụp cái nón gò găng thêu chỉ ngũ sắc ở mặt trong lên đầu rồi rủ cô Năm đến nhà thím Ba Gà Lôi, vẻ mặt cô nào cũng lộ vẻ tức tối.

Thím Ba Gà Lôi cười mơn:

- Cô Tư, cô Năm nghĩ sao? Bánh phồng nếp do chị Hai làm với đường thẻ hay đường hũ vậy?

Cô Năm Lan cười lạt:

- Bánh phồng nếp đó mà làm bằng đường thẻ sao không thơm mùi mật mía? Chị ăn một chút khi bánh chưa nướng chín thử coi. Ðây là chỉ làm bằng đường hũ, em mà nói sai thì Thiên Lôi quánh em cháy thành than đi! Bánh làm đường thẻ thì làm sao tới tay tụi mình?
Ðường hũ là thứ đường thốt nốt được đựng trong hũ bằng sành thô nặng, có mùi chua mà không thơm bằng các loại đường mía như đường thẻ, đường cát vàng, đường cát trắng, đường phổi...

Cô Tư Cúc cằn nhằn:

- Thiệt tình em chưa thấy ai xạo như chị Hai mình. Chỉ đổ hô bánh phồng khoai của chỉ làm bằng đường cát trắng. Xời ơi, mặt bánh thì tối tăm như trời sắp chuyển mưa. Ðiệu đó con mẻ làm bánh bằng đường cát vàng hay đường cát mỡ gà, mà hổng chừng con mẻ còn trộn lộn thêm đường thẻ. Bánh làm bằng đường cát trắng thì mặt bánh vàng tươi và sáng rỡ như trăng rằm. Mà cũng lạ, sao tui nếm bánh không cảm thấy có mùi sữa hộp. Bánh nầy béo thì có béo, nhưng vị béo của nước cốt dừa tươi.

Thím Ba Gà Lôi châm dầu vô lửa:

- Bánh phồng nếp làm bằng đường thẻ, bánh phồng khoai làm bằng đường cát trắng trộn sữa hộp thì làm sao bọn nhà nghèo như tụi mình có phước phận được hưởng? Bánh ngon bánh khéo, bánh thượng hảo hạng thì chị Hai dùng để biếu xén dì Cai tổng hoặc bà Bang Biện, bà Hương cả, bà Hương chủ, bà Ðốc học...

Hôm đó, cô Năm Lan lẫn cô Tư Cúc được gia chủ mời ăn cháo gà. Bấy giờ họ mới để ý cách chưng dọn nhà cửa để chuẩn bị ăn Tết của thím Ba Gà Lôi. Thím Ba mới mua cặp liễn son, chữ mạ vàng để treo trên hai thân cột chỗ bàn thờ đức Quan Thánh Ðế Quân, mua thêm một cái dĩa quả tử bằng sứ tráng men lam nét vẽ màu chàm, lớn gần bằng cái sàng gạo, đặt trên cổ bồng. Ngoài sân bông kiểng đón xuân đang bắt đầu đơm nụ. Trên thân cột ngoài hàng ba chưa chi đã dán liễn đỏ bằng giấy kim tương, giấy hồng đơn rồi.

Khi rủ nhau ra về, cô Tư Cúc hỏi em:

- Chị Ba than túng trước hụt sau, vậy mà chưa chi chị ta trang hoàng nhà cửa lộng lạc dường ấy.

Cô Năm Lan cũng thắc mắc:

- Mới nãy em có xuống nhà sau, thấy có con Út Ngọc Nhung đang ủi quần áo Tết. Chèng ơi, chị Ba mới sắm cái áo the nhung màu hường. Còn con Út được chỉ sắm cho chiếc áo lụa Bombay màu xanh da trời. Cả hai còn may quần sa-teng mình phấn trắng, quần cẩm tự đen.

Cô Tư có vẻ bứt rứt:

- Ờ, tao cũng thấy dưa hấu chất đầy bộ ngựa nơi gần buồng ảnh chỉ. Thiệt tình tao không dè chị Ba chuẩn bị ăn Tết lớn. Vậy mà ngoài miệng con mẻ cứ than nghèo than túng, làm như tàn mạt tới nơi.. Thiệt khó mà lường được bụng dạ của mụ chị dâu đó!

Tuy nhiên với bản tánh phù thạnh, cô Tư Cúc lẫn cô Năm Lan nghĩ tới việc biếu xén quà cáp cho thím Ba Gà Lôi. Ðó cũng là cách chuộc lỗi vì từ lâu họ có vẻ coi thường thím. Trưa hôm sau hai cô lựa dịp nhà thầy Ba tới giờ cơm đến tặng quà. Cô Tư tặng một chai nước mắm nhỉ, một gói bánh phồng tôm và gói bánh phồng cá. Cô Năm tặng nửa kí hạt dưa, một cân chà là, một chai rượu cỏ-nhác. Cả hai được mời dùng cơm. Mâm cơm có món cá chẽm chưng tương, món cá bống tượng chưng kim châm nấm mèo, món canh xà bần gồm củ cải muối nấu với sườn heo rắc ngò gai, món tôm kho tàu nước gạch đỏ ối...Mâm cơm thiệt sang làm hai cô trầm trồ không ngớt. Trước khi hai cô em chồng ra về, thím Ba Gà Lôi tặng mỗi cô một con khô cá lăng sình, một gói tôm khô cỡ nửa kí. Thím khen cô Tư:

- Thiệt tui chưa thấy ai làm bánh phồng cá khéo như cô. Ý là cô dùng cá thác lác mà bánh khi chiên không tanh, ăn vô tui có cảm tưởng như ăn bánh phồng tôm vậy.

Và thím không quên nịnh cô Năm Lan:

- Chèng ơi, nhè chồng tui là dân quê mùa, cô tặng rượu quý, ảnh không dám uống đâu. Chắc ảnh phải chưng trên bàn thờ để....thờ luôn.

Cô Út Ngọc Nhung lãnh phần tráng bánh tráng giúp thím Ba Gà Lôi. Từ lúc canh năm, cô thức dậy pha bột, pha đường và nhúm bếp. Bánh tráng ăn vào dịp Tết thường có thứ bánh tráng rắc mè đen và bánh ngọt trộn đường om màu nâu đỏ rắc mè trắng. Bánh béo lẫn bánh ngọt đều có trộn nước cốt dừa. Ngoài ra cô Út còn làm bánh tráng trộn tôm khô cà nhuyễn và trộn nước cốt dừa, món ruột bên tía cô truyền lại.
Trong khi cô Út Ngọc Nhung tráng bánh tráng thì dưới sông, Chín Tân Ngãi vừa chèo ghe vừa hát vọng cổ, khởi đầu bằng câu: "Một khi đã lậm với tình...". Cô vừa tráng bánh không ngừng tay, vừa chớp mắt lia lịa nhìn ánh lửa đỏ hừng hực trong lò. Cô cất giọng thiệt trong thiệt êm lên hò:

Tết nhứt tới nơi, em có đôi lời muốn nhắn
Ðược bột khoai rồi, quên bột sắn sao anh?

Tức thì ở dưới sông, Chín Tân Ngãi liền hò đáp lễ:

Ai ưa chè táo sọn?
Ai chuộng chè thưng?
Ai ưng chè mè đen chú Chệt?
Ai mê ai mệt chè bạch quả hột sen?
Qua xin thề trước ngọn đèn
Qua thích chè đậu trắng, thương con bạn hiền thỉ chung.

Cô Út Ngọc Nhung nhìn bóng tối còn dầy đặc ngoài trời, nụ cười cô thêm rạng rỡ, đôi mắt cô càng ướt rượt. Thằng cha nầy hôm qua hát: "Chỉ chuộng con bạn ngọc biết đá vàng thỉ chung", hôm nay nó lại hát "Qua thích chè đậu trắng, thương con bạn hiền thỉ chung".

Bánh tráng phơi hai ba cữ nắng là khô mặt, nhưng tâm hồn cô Út Ngọc Nhung vẫn thấm ướt âm vang dư vị giọng hò. Trong lúc phơi bánh tráng trên sân nắng, lâu lâu cô đảo mắt ngóng chừng xuống kinh Vàm Xáng. Thỉnh thoảng Chín Tân Ngãi chèo ghe lướt qua, khi thì giọng hò diệu vợi cất cao, lúc thì câu vọng cổ buồn như một lời thề rải vào cơn gió chướng lao xao từng đợt âm ba ngát lịm. Cô Út chớp mắt theo nhịp đập của trái tim, cứ cười chúm chím, má cô đỏ hồng hồng....

Thím Ba Gà Lôi vô tình nào biết chuyện gì xảy ra trong hai đêm 18, 19 tháng chạp. Hễ gần đầu canh ba khi chuổi sao Bắc Ðẩu mọc ngang trời, đôi mắt cô Út cũng rạng ngời như sao vì một câu hò:

Ngước nhìn nguyệt lặn sao mờ
Muốn qua thăm bậu, phải chờ canh ba

Cô Út Ngọc Nhung mở nhẹ cửa buồng rồi đi xuống mé sông. Cho đến sáng 22, thím Ba Gà Lôi bước vô buồng em để kêu em đi chợ Vàm Xáng với thím thì giường cô Út trống trơn, một bức thơ của cô đặt trên chiếc gối hình bán nguyệt nhún tai bèo.

Giữa lúc thím Ba Gà Lôi chết điếng thì cô Tư Cúc và cô Năm Lan làm bánh nướng như bánh men, bánh phục linh, bánh gai, bánh con đuông để sắp vào quả sơn son. Hồi còn son giá, hai cô được mẹ cho ra ở nhà bà Cai Tổng Hài để học môn bánh mứt. Bắt đầu từ rằm tháng chạp, cả hai làm mứt bí, mứt đu đủ, mứt củ cải, mứt khổ qua tỉa lộng bông hoặc cắt thành hình tròn, hình quả chám, tất cả đều viền răng cưa. Mứt dừa có thể nhuộm phẩm đỏ, xanh, vàng, màu nào cũng lợt nhưng tươi. Mứt gừng có ba loại: xắt mỏng rồi xên với đường, để nguyên củ xâm lỗ cho bớt cay rồi rim cách nào mà mặt ngoài khô ráo nhưng khi cắn thì chất đường đặc sánh tươm ra, và gừng xắt chỉ xên với đường làm mứt dẻo.

Món mứt khế và khổ qua của cô Tư Cúc có phần khéo hơn của cô Năm Lan nhờ ở chỗ chơi trội màu sắc. Cô Tư nhuộm mứt với nước cỏ rồng chầu nên màu mứt xanh thắm thiết như màu ngọc thạch. Riêng cô Năm có bí quyết làm mứt cà chua. Trái cà khi chưa làm mứt chỉ đỏ có một, nhưng khi nằm trong chiếc chảo xên đường của cô rồi thì nó đỏ tới hai ba, đỏ rực rỡ và tươi lộng lạc.

Vào ngày 23 tháng chạp đưa ông Táo về chầu trời, cô Tư Cúc và cô Năm Lan kẻ cắp quả bánh, người mang quả mứt đến nhà vợ chồng thầy Ba Gà Lôi. Cả hai ngứa ngáy về cái tin cô Út Ngọc Nhung mất tích từ khi Chín Tân Ngãi chèo ghe đi khỏi khúc kinh Vàm Xáng chảy qua vùng nầy.

Thím Ba Gà Lôi mặt tỉnh rụi, giọng ráo rẻ bảo hai cô em chồng:

- Con em tui vưng lịnh vợ chồng tui về Cai Lậy tặng quà Tết cho bà con.

Cô Tư Cúc chưng hửng:

- Lâu nay chị thường than thở rằng từ khi hai bác thất lộc rồi thì ở Cai Lậy chị không còn ai là bà con thân thích để thăm viếng.

Thím Ba Gà Lôi cười xí xoá:

- Ối, ở đó thiếu gì bạn bè của ba má tui. Lại có dì Tám Chiếu em con nhà chú của má tui nữa chi! Dỉ đau bụng máu nên nhắn con Út về coi chừng coi đổi lũ con dùm dỉ. Tui thấy suốt năm nay con Út làm lụng cực khổ cho nên tui khuyên nó đi.... đổi gió vậy mà.

Cô Nam Lan làm bộ nhớ ra:

- Mèn ơi, vậy mà con Tám cháu chị Hai Hương quản nhà mình nói nó có gặp con Út ngồi xe thổ mộ đi chợ Vãng sắm Tết.

Thím Ba Gà Lôi vẫn giữ giọng phới phới và sắc mặt tươi rói, trả lời:

- Ối, người giống người là chuyện thường. Chị em tui đâu có ai quen biết ai ở Tân Ngãi, Vĩnh Long thì mắc mớ chi con Út đặt chơn tới chỗ lạ hoắc lạ huơ đó!

Cô Tư Cúc và cô Năm Lan bợ ngợ nhìn nhau, không biết nói gì thêm. Mụ chị dâu của họ vốn tráo trở, đã sắp đặt sẵn những câu trả lời để che đậy hành vi của em mình và để đối phó một cách liệt liệt oanh oanh với những câu hỏi trặc trẹo của kẻ tò mò tọc mạch.
Khi hai cô em chồng kiếu từ ra về, thím Ba Gà Lôi vừa đấm ngực vừa khóc với chồng:

- Con Út đem máu hoè trét lên mặt tui! Chị Hai Hương quản và con Tám cùn hai mụ cô sắp nhỏ vốn độc miệng đi đồn tùm lum rằng con Út có chửa nên cuốn gói theo trai luôn. Tui có nghe chị Bảy Hớn ở cuối xóm là chị bà con xa với thằng Chín Tân Ngãi, đâu mình thử dọ hỏi tông tích thẳng coi, rồi cho hai đứa nó xáp cục cho rồi.

●●

Chị Bảy Hớn sai khi nghe vợ chồng thầy Ba Gà Lôi tỏ tường trong đục ý định của họ, liền bảo:

- Tụi nó đâu có về Tân Ngãi làm chi! Hiện giờ tụi nó đi vịnh Trà Bay ở đậu nhà thằng em tui. Nếu thầy thím cho tụi nó xáp cục với nhau thì chồng tui sẵn sàng đi với thầy để kiếm tụi nó.

Thế là vào hăm tám tháng chạp, thầy Ba Gà Lôi đi vịnh Trà Bay. Thím Hương quản Bưng cũng nóng lòng muốn biết chuyện cô Út Ngọc Nhung nên xách đít đến nhà thím Ba Gà Lôi, giả bộ đem cho nem và bì gói. Thím Hương quản Bưng hỏi:

- Chú Ba đi đâu vậy thím?

- Ai mà biết! Có lẽ ảnh đi theo con đĩ nào ở miệt Hóc Hoả hoặc ảnh đi mướn thầy pháp dùng bùa để ếm mấy con đĩ nhiều chuyện nỡ phao vu cho con em tui bỏ nhà xách gói theo trai.

Mặt thím Hương quản Bưng từ màu tương tàu biến thành màu tro xám. Còn mặt thím Ba Gà Lôi phừng phừng lửa giận. Thím Hương quản đau nhức tâm can vì Hóc Hoả là nơi mà con Tám, cháu kêu thím bằng cô, đã lập nghiệp bốn năm nay.

Thím Ba Gà Lôi lo quét dọn nhà cửa, chưng bày bàn thờ và lo sắp đặt mâm cơm cúng rước ông bà. Chiều ba mươi Tết, thầy Ba Gà Lôi trở về nhà với Chín Tân Ngãi và cô Út. Chín ta cùng cô Út rẽ qua nhà chị Bảy Hớn. Tại đây, chị Bảy sắp sẵn mâm trầu rượu để lát nữa, cặp Chín Tân Ngãi và Út Ngọc Nhung sẽ bưng qua tạ lỗi vợ chồng thầy Ba và làm lễ ra mắt ông bà luôn.
Vừa về tới nhà, thầy Ba Gà Lôi bảo vợ:

- Thằng Chín không còn ai là họ hàng ruột thịt ở Tân Ngãi hết. Nó nói nó sẽ về lập nghiệp ở vùng nầy. Nó vừa mua một miếng vườn hai mẫu ở Hóc Hoả để cất nhà. Nó cũng có chút ít vốn để sắm ruộng. Vậy mình gả con Út cho nó cũng là việc tốt, việc nên làm.

Thím Ba không biết nói sao, chỉ biết khóc ngon khóc ngọt. Con em tui đó, con Thị Mầu, con Trác Văn Quân đầu thai, thấy trai là động lòng chồn dạ thỏ, theo thói liễu ngõ huê tường, mê phường trôi sông lạc chợ. Xời ơi, mấy hôm rày tui phải mặt dạn mày dày với mấy con lủng, con lành có cái miệng thọp thẹp ưa bươi móc chuyện thiên hạ. Tui phải gom hết sức lực để gượng mặt làm mặt tỉnh tuồng, chớ tui khóc mấy tĩn mấy vịm nước mắt vì nhục nhã để đâu cho hết.

Chín Tân Ngãi mặc áo dài bịt khăn be bưng khay trầu rượu đi trước, vợ chồng chị Bảy Hớn và cô Út đi sau. Chị Bảy mặc áo dài xuyến trắng, chơn đi guốc vông, còn cô Út mặc áo dài màu đọt chuối chơn đi guốc sơn đen, quai vẽ bông xanh đỏ. Hai thằng con trai của chị cũng lẽo đẽo theo sau làm lũ trẻ lối xóm và con chó phèn của chị cũng bắt chước vầy đoàn. Thầy Ba Gà Lôi đứng chờ sẵn ở cổng. Thấy bên "đàng trai" tới, thầy chỉ cho anh Bảy Hớn, Chín Tân Ngãi và cô Út Ngọc Nhung vào sân rồi đóng cổng lại. Con chó cúp đuôi chui lỗ chó để vô sân làm thầy hét toánh lên.

Khi đàng trai bước vô nhà thì đã thấy thím Ba Gà Lôi mặc áo dài tử tế ngồi vắt vẻo trên chiếc divan chơn quì bằng cẩm lai. Chị Bảy Hớn cười ngỏn ngoẻn bảo thím Ba bằng giọng văn vẻ:

- Thằng Chín và con Út không đợi lịnh thím giáo, nỡ đành tò tí lén lút rồi cuốn gói đi tìm chỗ khác hú hí với nhau cho nên tụi nó ăn năn lung lắm. Nay thầy giáo thím giáo tính chuyện xáp cục cho sen ấu chung bàu, mận đào kề cận, thiệt may cho tụi nó lắm. Nay tui dắt tụi nó về xin lỗi thím giáo, xin thím ăn miếng trầu héo, uống chung rượu lạt để chứng nhận cuộc lương duyên của tụi nó. Tuy là tiền dâm hậu thú nhưng đôi xứng đôi, lứa xứng lứa, đào kia kép nọ hiệp thành một cắp xinh tốt rồng phụng. Sau nữa, xin thím cho tụi nó lạy bàn thờ ông bà gọi là ra mắt với kẻ ruột rà khuất mày khuất mặt.

Thím Ba nguýt con em trời đánh và thằng tặc tử dâm bôn rồi khóc thêm một chặp nữa. Song thím cũng nhận lời chị Bảy Hớn uống ngụm rượu và ăn miếng trầu. Trong lúc nhai trầu rau ráu, thím ngó cái bụng của cô Út coi nó có bự lùm lùm như cái mả lạn chưa. Thiệt tình thím không biết con em thím đã vụng trộm với tên Chín Tân Ngãi từ hồi nào.

Mâm cơm cúng rước ông bà ngoài món cháo vịt còn có mì xạ xào lòng gà và tôm đất lột vỏ, món chả cá thác lác để thầy Ba Gà Lôi và Chín Tân Ngãi cụng ly với nhau. Chén rượu thắt chặt tình anh em bạn cột chèo thắm thiết. Thầy Ba gọi Chín ta bằng "dượng Út" và xưng "anh" ngọt xớt. Còn Chín ta gọi thầy Ba bằng "anh Hai" và xưng "em" thiệt thân ái nhu mì. Thịt vịt chấm nước mắm gừng, rượu nếp than hương nồng vị ngọt làm cho mặt thầy Ba đỏ thôi phừng phừng, làm thím Ba nhớ tới cái thuở thầy mới trổ giọng dê thím cũng với cái mặt đỏ cỡ mặt nầy. Vậy mà sao thuở đó thím vẫn thấy thầy có duyên. Nghĩ tới đây, thím dịu bớt cơn thịnh nộ với con em út thuồng luồng hổ mang kia. Thím cứ gắp thịt vịt bỏ vào chén Chín Tân Ngãi và chén của chồng liền tay.

Sáng ngày mồng một, Kim Liên, Kim Huệ, con gái thầy Ba Gà Lôi, được dượng Út tụi nó tặng cho mỗi đứa một cái lược đồi mồi và lì xì năm đồng bạc mới tinh (thuở đó một tô cháo lòng giá 5 xu). Cô Út Ngọc Nhung đem mớ nữ trang mà Chín Tân Ngãi định làm sính lễ đưa cho thím Ba Gà Lôi coi. Tất cả gồm có một cặp bông hột xoàn bốn ly, một cây kiềng vàng, một cặp vòng vàng chạm phụng giao đầu, một chiếc vòng mã não xanh, một chiếc cà rá nhận mặt cẩm thạch vuông, một sợi giây chuyền có miếng mề đai nhận hột ngọc điệp hình bầu dục. Thím Ba Gà Lôi trầm trồ:

- Thằng Chín chắc có quen với tụi chệt xẩm nên mới mua được thứ mã não xanh lặt lìa như vầy. Còn ngọc điệp thì vừa trong vừa sáng ngời, lộng chấm đỏ, chấm xanh, chấm vàng lóng lánh. Chị Bảy Hớn có nói mồng mười tới, mình làm lễ thú phạt tiện lắm. Tao mà gả mầy càng sớm tao càng đỡ phập phồng, chừng đó tao mới được nhẹ mình nhẹ mẩy...

Cô Út Ngọc Nhung năn nỉ:

- Thôi mà chị Hai. Tết nhứt xin chị nhẹ lời cho em út nhờ mà....

Mồng một, vợ chồng thầy Ba Gà Lôi ở nhà tiếp khách. Hễ gặp ai thầy cũng giới thiệu Chín Tân Ngãi:

- Em bạn cột chèo của tui đó. Nó ở đây chơi, ra Tết nó mới sắm đồ đạc để chuẩn bị cưới con em vợ tui.

Thím Ba Gà Lôi trọn đêm mồng một Tết cứ mài nanh vuốt để khi qua chúc Tết bà Hương sư Bách sẽ cắn xé chị dâu và hai mụ em chồng của mình bằng những lời nói xeo nói nạy độc địa.

Nhà bà Hương sư Bách chưng dọn hực hỡ. Ðồ đồng chưng trên bàn thờ đánh bóng sáng choang. Ðèn năm ngọn treo trên trần nhả ánh sáng trắng xoá khắp trung đường. Trên các bàn thờ, đèn nến như sao sa. Nhang trầm tuôn khói thơm ngát. Dĩa quả tử trên mỗi bàn thờ chưng xoài, dừa xiêm, đu đủ, trái sung, bánh tét, bánh dừa, bánh ích, bánh in, bánh đậu xanh, trà hộp. Còn rượu tây, rượu thuốc thì sắp hàng dài dưới bàn thờ.

Ðây là dịp bà Hương sư Bách đem chưng bức màn thêu kim tuyến cùng tiền bàn, liễn chấn thêu cườm, chỉ ngũ sắc để nhà cửa thêm choáng lộn.
Trai, gái, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại tề tựu đông đủ. Bà Hương sư Bách mặc áo gấm màu hồng điều nổi bông tròn mặt nguyệt, ngồi trên chiếc đi-văng chơn quì để con cháu mừng tuổi và lì xì cho tụi nó.
Lũ trẻ ra sân đốt pháo lạch tạch đùng. Thím Ba Gà Lôi xuống bếp, mặt xám bệt bạc nhưng nụ cười mở rộng toàng hoạc. Thím cất giọng the thé:

- Chèn ơi, con Út tui đi Cai Lậy được dì Tám tui đùn nó cho thằng Chín Tân Ngãi. Thẳng mồ côi cha mẹ nên anh chị Bảy Hớn sẽ đứng làm chủ hôn, còn vợ chồng em của chỉ là anh chị Tám Thiệt sẽ làm ông mai bà mai cho gọn. Hôm ba mươi, con Út dắt thằng Chín về đây lạy vợ chồng tui để xin phép cho tụi nó làm một cái lễ đơn sơ. Tuy vậy đồ sính lễ thì ê hề, vòng vàng, chuỗi hột, bông tai, cà rá tốt lộng lạc. Hôm nào rảnh, xin mời chị Hai cùng cô Tư, cô Năm qua coi.

Thím Hương quản Bưng cùng cô Tư Cúc, cô Năm Lan nhìn nhau bợ ngợ. Cả ba cảm thấy quai hàm mình cứng lại, không biết nói sao cho phải. Thím Ba Gà Lôi vẫn cười tít toát nhưng giọng nói lúc rít, khi gầm, lúc nghiến, khi chói lói:

- Con em tui đoan trang, thùy mị, hạnh kiểm nó không có chỗ nào đáng chê trách được hết. Bởi đó thằng Chín vừa thương yêu, vừa kính nể nó nên mới đi sính lễ hậu hĩ như vậy. Vậy mà có kẻ thúi miệng tanh mồm vu oan phao phản nó lấy ai không biết cho tới mang bầu, phải cuốn gói theo trai. Xời ơi, nói vậy mà không sợ mắc khẩu nghiệp!

Thím quét cặp mắt ngùn ngụt nộ khí khắp ba người đờn bà lẽo lự kia. Cả ba cảm thấy lúng túng như con cá mắc cạn. Ai cũng biết con sư tử cái có bờm nầy vừa hổn dữ vừa liều lĩnh. Vào ngày Tết mà chọc nó thì nó sẽ làm rùm lên, suốt năm mình sẽ xui xẻo chớ chẳng ích lợi gì. Cô Tư Cúc vốn mau mắn, liền nói xuôi:

- Vậy thì em mừng cho chị, cho con Út. Cuộc hôn nhơn của nó coi vậy mà xuôi chèo mát mái. Chẳng bằng thuở trước, em phải làm trành làm tréo tía má em dữ lắm, ổng bả sau rốt mới chịu gả em cho thằng cha Tám Huỳnh Luông đó.

Cô Năm Lan phụ hoạ:

- Ừ, con Út dễ tánh, hào hiệp nên cuộc đời nó không trục trặc gút mắc. Em xin có lời mừng cho nó.

Thím Hương quản Bưng tránh cặp mắt chau quảu của mụ em dâu, cười cười dã lã:

- Ðể tui nói với chồng tui, ngày cúng tất hạ nêu nên mời thằng em rể thím tới đây dùng cơm cho bà con mình biết nhau.

Hồ Trường An