Trong những nhà văn Việt Nam, có lẽ tôi và nhà văn nữ Nhã Ca thì phải, là những người đầu tiên dùng máy chữ để viết văn. Ở Tây phương, việc sử dụng máy chữ để viết, là việc quá thường. Ở nơi tôi, việc sử dụng máy chữ phát xuất từ luật lệ Sở kiểm duyệt (mang nhiều tên khác nhau, tên chót rất hoa mỹ: Sở Phối hợp Nghệ thuật) thường đòi hỏi nhà xuất bản nhà văn phải đánh máy bản thảo làm ba bản, một bản sẽ được trả lại để in. Lợi tức như tôi hồi trẻ, máy chữ kể như ngoài tầm tay, do đó máy chữ đầu tiên sỡ hữu do một kỹ sư Pháp về, tin chắc tôi sẽ trở thành một nhà văn khá, mua tặng để khuyến khích. Máy này không trụ lâu: mẹ tôi đem bán lấy tiền đi chợ cho các em, trong một thời gian tôi vắng nhà khá lâu. Máy chữ thứ hai do một dược sĩ thích tiểu luận “Nghĩ trong một xã hội tan rã” của tôi, mua tặng. Kể từ máy chữ thứ ba trở đi, lợi tức tôi đã cao đủ để mua lấy máy chữ mỗi khi cần, và lúc đó tuổi đã lớn, không ai thấy cần phải giúp đỡ như hồi trẻ nữa.
Tôi thường đánh máy lấy những bản thảo của mình (ở Việt Nam cũng như ở Mỹ sau này, tiền thuê đánh máy là một khoản khá tốn), và cũng nhân dịp này sửa bản thảo lần chót. Một ngày kia tôi chợt khám phá ra bản đánh máy giống y chang bản thảo, không cần sửa, vậy tại sao không viết văn thẳng bằng máy chữ? Tôi thí nghiệm vài lần và thành công, từ đó viết thẳng bằng máy chữ, trừ thư từ cho bạn bè họ hàng. Thư viết tay thân mật hơn và cũng là dịp cho mười ngón tay nghĩ ngơi đỡ nhức vì đánh máy quá nhiều. Viết tay, như mọi thứ trò truyện với người ở xa... Và dĩ nhiên có những loại thư không thể đánh máy được, như thư tán gái hay tỏ tình với nữ nhân.
Chính vì quen sử dụng máy chữ như thế, sau này làm tạp san Thái Độ không đưa Bộ Thông tin kiểm duyệt, gọi là “báo chui,” tôi mới có khả năng đánh stencil để quay ronéo tất cả, mỗi số trung bình 120 trang (trước sau ấn hành được sáu số Thái Độ và hai tập thơ), trước khi chuyển sang công khai. Nghĩa là nạp sở kiểm duyệt Bộ Thông tin như mọi đặc san khác, in typo, nhưng đang in Thái Độ công khai số 2, bộ Thông tin đã ra lệnh tịch thu tất cả. Do đó trong 21 năm tuổi thọ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, sự nghiệp tự mình làm báo của tôi chỉ có vậy. Chưa một chính phủ nào chịu cấp cho tôi và bằng hữu một giấp phép ra báo bình thường.
Sang thập niên đầu thế kỷ 21, nhà văn nữ Thơ Thơ ở Cali đã viết một truyện tình, trong đó chàng tán nàng và tỏ tình toàn bằng email, vậy mà nàng cũng cảm động, yêu chàng, thành một truyện tình hay hẳn hoi. Hiện nay không cứ ở Mỹ, khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, những mối tình cyberspace là “truyện thường ngày ở huyện”, không có gì đáng nói.
Sau 30 tháng 4, 1975, máy chữ bị chính quyền Cộng sản, một thứ chính quyền thô sơ, chậm tiến vào hạng nhất nhì thế giới, coi mọi máy móc thông dụng ở miền Nam, như máy ảnh, xe hơi, radio, máy quay ronéo... như dụng cụ tối tân, chỉ bè lũ tay sai của CIA mới có dùng, nên tìm mọi cách không cho tư nhân được tư hữu nữa. Cái máy chữ Olivetti xách tay của tôi đuợc vợ cất kỹ, cho đến khi chồng được tha khỏi trại cải tại, mới lấy ra để trên bàn. Tôi không có dịp dùng quá một tuần công an khu vực đã nhòm ngó, nhưng tôi được một bạn quen trong Thành Ủy cho biết máy chữ không nằm trong danh mục chính thức cấm, nên cứ dùng tiếp, thoải mái và công khai. Nhưng, cũng như một câu nói đùa nổi tiếng thời còn Chiến tranh Lạnh: Ở Pháp người dân được phép làm mọi sự, kể cả cái bị cấm. Ở Liên Xô, cái gì cũng bị cấm, kể cả những cái cho phép...
Công an khu vực: có vai trò tương tự như cha xứ xóm đạo, cũng có phần xưng tội (thành khẩn khai báo được khoan hồng) nhưng phần giải tội thường quá mạnh: cho đi cải tạo), nghĩa là kiểm soát dân cả về phần xác cũng như phần hồn. Yêu nhau, lấy vợ lấy chồng, ngoại tình, học hành thi cử, có người đến ở tạm hay chính mình đi xa, đi lính, cải tạo hay được phục viên, tha về... cái gì cũng phải trình với công an khu vực, hay có chữ ký duyệt của chức sắc này. Cúng giỗ lớn, tiệc cưới, đám tang... đều phải mời công an khu vực ngồi vào bàn danh dự. Chức sắc này được Đảng cho toàn quyền vào nhà dân bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm. Kể từ khi có Đổi Mới, Công an được lệnh nới lỏng bớt sự kiểm soát, khống chế, nhưng không hề bỏ chế độ Công an Khu vực. Việt kiều về du lịch và thăm thân nhân ít thấy rõ mạng lưới Công an này vì thân nhân trong nước đã chạy lo trình báo, và lo lót, cúng sổ vàng thay cho ông bà Việt kiều lớ ngớ...
Cái máy chữ của tôi cũng vậy, khi tôi thông báo cho Công an Khu vực, một anh “quê Bác,” là tôi có quyền có máy chữ: ra khỏi trại cải tạo một thời gian, được trả quyền công dân, đi học sư phạm bồi dưỡng, được bổ nhiệm làm giáo viên cấp 2 ở Sài Gòn, dạy cả con cán bộ, Công an cũng như “con ngụy”, tính bướng bỉnh của tôi từ từ trở lại, sau những năm phải nén nó bẹp dí trong trại cải tạo. Bắt nạt không xong, anh công an đề nghị mượn tạm máy cho Phường Công an. Tôi giao hẹn cho mượn ba ngày thôi. Anh tìm cách khác, đợi lúc tôi đi vắng, đến mượn máy đánh giấy tờ gấp. Bà vợ tôi láu lỉnh bê máy chữ để ra bàn ngoài hiên, mời anh Công an cứ việc mang giấy tờ đến đánh, bao giờ xong cũng được. Công an thời đó có mấy ai biết đánh máy, anh lầm lì bỏ đi. Rồi gây áp lực bằng cách lượn qua lượn lại cả ngày lẫn đêm, thấy tôi gõ lách cách, là vào ngay hỏi: Anh đánh cái gì vậy? Mệt quá, tôi chịu thua, đưa máy chữ cho vợ mang ra chợ trời bán lấy tiền đong gạo cho các con (mua chợ đen). Y như số phận chiếc xe gắn máy Yamaha, chiếc tủ lạnh cùng các vật dụng điện khác của gia đình... Để rồi sau cùng trong nhà không còn cái gì gọi là máy móc, kể cả bút máy... Bếp nấu bằng củi, bằng mạt cưa, đèn điện khi có khi không, tôi viết bài chấm bài dưới ánh sáng ngọn đèn dầu nhỏ.
“Dân quê Bác”: những cán bộ quê miền “Tam phủ”, nghĩa là Thanh Nghệ Tĩnh, được gọi chung là dân quê Bác (bác Hồ). Những cán bộ loại này dân nể sợ nhất vì thường bảo thủ và khắc khe nhất. Về sau, vì không phân biệt được các giọng nói miền Trung, người viết bài này cũng như nhiều dân miền Nam cũ thấy ai “trọ trẹ” là tấn phong là dân quê Bác hết. Ai không phải, phải lên tiếng đính chính.
“Truyện thường ngày ở huyện”: tên một sách dịch từ Nga ngữ, tả đời sống thường nhật ở một huyện nào đó Liên xô, với tất cả mọi thứ trì trệ quan liêu chòng chéo phi lý và lãng phí, và dĩ nhiên cả nghèo khó và tham nhũng nữa, trong xã hội các nước xhcn. Sách được hoan nghênh và đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp Đổi Mới của Gorbachev sau này. (Rất tiếc người viết không nhớ được tên tác giả và dịch giả).
Miền Nam nói chung bị đẩy lùi lại mức văn minh Đông dương thuộc Pháp thập niên 30, thời Hồ Chí Minh về nước thành lập đảng CS, và giơ tay bắt quyết một cái, giống như một bà tiên ác gõ cái đũa thần một cái, là mọi sự bị freezed, đóng băng, không biến đổi nữa, nên khi được đến Mỹ năm 1987, khi được trở lại Đại học, tôi vội vàng ghi danh học đánh máy chữ điện rồi chuyển sang computer nhập môn. Chẳng vội cũng không được vì khoảng một năm sau, dù chỉ là một trường đại học cộng đồng, các giáo sư bắt đầu thôi không nhận bài viết tay nữa. Ai chưa có máy chữ, vi tính, xin mời vào trường làm bài. Và tôi cũng vội, một cách thích thú, coi phim, sách báo... để cập nhật hóa kiến thức phổ thông vì sống sau bức màn tre, giống như sống trong một cái hũ bị đút nút kín, không còn biết thế giới bên ngoài ra sao. Thậm chí sau một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tôi hỏi hoài không ai biết người trúng cử là ai. Mãi về sau nghe đài phát thanh chửi “thằng Ri-gân” ầm lên, mới hay...
Nhờ đi học như thế, vài năm trước khi bị stroke, khi viết xong bài văn, tôi biết save thêm vào floppy disk, cùng với một bản in sẵn, gửi cho chủ biên các báo chí. Đúng lúc và kịp thời vì tòa soạn các báo cũng tiến bộ cùng nhịp với hiện tượng hiện đại hóa của ngành computer và in ấn. Không chơi trò thủ công, manual nữa. Ai không chịu học vi tính, hay quá tuổi để học, đều phải nhờ người khác đánh hộ bài vào máy vi tính.
Khi đang học một đại học 4 năm, một ông thầy thấy cô sinh viên châu Á vợ tôi mặt mũi hiền lành dễ thương, liền nhờ dạy và kèm computer cho ông. Vợ tôi nể thầy đang dậy mình, bèn nhận lời dạy... thày! Sau hối hận vì ông thày này nhờ Học vụ, biết rõ thời khóa biểu của vợ tôi. Bất cứ khi nào tắc, và mới học ách tắc xẩy ra thường xuyên, lại thấy ông thày tóc tiêu muối thò đầu vào lớp mình đang học, ra dấu cầu cứu. Đành phải đeo túi sách lên vai ra đi cứu nguy cho thầy. Nàng thề với tôi là không bao giờ nhận dạy hay kèm thầy nữa.
Nghe nói tổng thống Bush (cha) khi còn tại chức, phải nhờ người dạy vi tính nhập môn. Chắc vì ông đã già và người dậy không phải là một cô sinh viên tập sự xinh và sexy như cô Monica, nên không có ồn ào sex scandal như thời tổng thống Clinton trẻ tuổi và đẹp trai, để những truyện riêng tư giữa nam nữ như nàng... cho tổng tư lệnh quân đội Mỹ... được mang ra lưỡng viện thảo luận, cân nhắc công khai từng giọt tinh khí, để cả thế giới cùng nghe và coi ké. Thế mới gọi là công khai dâm ô, chứ làm tình ngoài công lộ công viên, như dân thường làm ở khắp thế giới, thấm vào đâu...
Rồi chẳng mấy lúc đã đến thời internet và email. Thắc mắc bất cứ điều gì, người ta vào Net trước đi một một đường search, trước khi mở bất cứ tự điển bách khoa nào. Người ta ít viết thư tay đi, thay bằng gửi email, vừa nhanh lại vừa tránh được mục tem, bưu điện. Và còn hơn thế nữa.
Vào thời kỳ mới tới Mỹ định cư, tôi được đọc một giai thoại như sau: Chàng đi công tác xa bên kia lục địa Mỹ, nhớ nàng ở nhà, điện thoại bảo anh nhớ cái đó của em lắm, giá được coi lại một phút xem “cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao” (Bùi Giáng)... Nàng ngưng làm việc, đóng cửa phòng lại, cởi quần lót ngồi gác hai chân lên bàn làm việc, lấy máy ảnh polaroid chụp vài tấm, bỏ vào máy fax gửi cho chàng dễ dàng, nhanh chóng. Bây giờ, thời đại của vi tính và kỹ thuật số, nàng không phải lỉnh kỉnh vất vả như thế nữa, chỉ việc căn bộ phận thâu hình hướng về hạ bộ rồi vén váy lên, thế là xong. Chàng được coi live hẳn hoi và muốn có chút âm thanh phụ đề, cũng có ngay (dùng cell phone cũng được nhưng hình ảnh không được rõ vì nhỏ quá).
Không phải chỉ ở Mỹ mới thế: ở Bắc Kinh, Hà Nội, Sài Gòn, Tokyo, Seoul... bây giờ cũng vậy. Người ở Việt Nam có thể gửi cả bản văn đấu tranh, văn chương “chui” ra nước ngoài (chiều ngoài vào hay gặp “bức tường lửa” của Công an). Tất cả thế giới xôn xao xì xào đủ truyện và nói chuyện liên lục địa xuyên đại dương, trừ tôi. Vâng, đúng thế, trừ tôi.
Tôi khựng lại, đứng lại tại chỗ vì nhiều lý do. Trước hết đời sống ở xã hội Mỹ chuyển vận với tốc độ cao trong một guồng máy tân tiến, sự kiện ấy không xa lạ gì với nhiều người. Hậu quả đầu tiên là hầu như ai cũng bận rộn, thiếu thì giờ cho mọi sự. Thậm chí hẹn với bồ buổi trưa, cũng phải timing từng năm phút một. Đến được thềm bắn, là lo khai hỏa ngay, mặc vội lại quần áo, rồi nam hay nữ đi như chạy tiếp vào guồng máy... Đến Mỹ được mười mấy năm, tôi đã lạng lách để tìm một sự quân bình giữa tất cả và cho tất cả. Trong thời gian làm giáo dục và dư học ở Việt Nam, tôi chỉ đọc sách và báo VN, coi TV Việt... Nhất định không coi sách báo Mỹ hay nghe đài CNN hay BBC. Khi ở Mỹ, tôi làm ngược hẳn lại. Đỡ phân tâm phân trí mệt mỏi. Tôi có thời gian để làm điều phải làm (tất nhiên), thời gian thư giãn để coi TV, coi movie (thuê ở tiệm hay cable), đọc báo Mỹ hàng ngày buổi sáng, đọc Playboy, Penthouse, đọc các tạp chí văn nghệ văn học Việt hải ngoại, nhất là đọc sách truyện cả Anh Pháp lẫn Việt (tôi vẫn thích đọc sách Việt nhất, của hải ngoại cũng như nội địa). Rồi còn thì giờ nghe nhạc Việt và quốc tế, nói chuyện với vợ con, nựng các cháu và nhìn chúng chơi đùa, đứa nào cũng xinh và dễ thương (xin phép được chủ quan một chút vì nói tới các cháu mình, khó ông bà nào khách quan...) Còn làm vườn trồng hoa, đi chơi đi ăn du lịch xa gần, kể cả Reno, Las Vegas, Paris, Việt Nam... chưa kể những chỗ lặt vặt như thăm hội hoa, sòng bạc Da Đỏ (bao giờ cũng bỏ cái cell phone ở nhà... vì may quá, tôi không phải là tổng thống Mỹ...)
Đời sống quân bình và nhiều tiếng cười, những lúc vui nhiều hơn là buồn phiền (chứ không phải là không có buồn phiền, vì buồn phiền là mặt bên kia của vui). Trong cả cuộc đời đã dài, chưa bao giờ tôi có thời gian nào nhiều sung sướng như kể từ khi đến Mỹ định cư. Bây giờ có anh Net cô email ở đâu đòi nhảy vào, đòi hỏi một số thời giờ hơi nhiều mỗi ngày. Tôi bớt đi những mục nào đây để dọn giờ cho hai vị mới tới này? Tôi đang thấy đời mình đầy đủ, đâu cần thêm cái chi mới đâu? Bớt thì giờ chơi với vợ? không có tôi. Bớt thì giờ chơi với các cháu, coi các cháu chơi thì đúng hơn, cũng không có tôi. Bớt thì giờ nói truyện tầm phào với các con khi gặp, không có tôi nốt. Bớt thì giờ tụ họp vài bạn thân uống bia, cà phê, bàn truyện thời xưa (như Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm có phải là người bất lực như ông Liễu Hạ Huệ bên Tầu không), truyện thời nay như quân Mỹ rượt theo Bin Laden bao giờ mới bắt được, cô Madonna hôn môi cô Britney Spear trước công chúng để bàn giao sứ mệnh văn học nào đây... Hay bớt thì giờ ngồi viết văn đi, càng không ổn nữa vì viết văn là một thứ hobby khó bỏ, ai đã dính vào, dám là xuốt đời luôn. Viết văn, là nghề tự mình chọn nhưng cũng là nghiệp, là karma...
Đang ngần ngừ cân nhắc về email thì một bà bạn tới than phiền. Bà này không phải nữ nhân tầm thường, bà là kỹ sư điện tử, chuyên viên điều chỉnh những thứ tối tân hiện đại của quân lực Mỹ. Có đêm đang ngủ với chồng, bà bị MP đến gõ cửa mời đi gấp, bay thẳng đến một mẫu hạm vùng biển San Diego để sửa, điều chỉnh nhiều thứ. Mẫu hạm này đang tiến về Seattle, nhưng đợi đến nơi mới sửa, không kịp giờ xuất quân sang vùng Vịnh. Bà đã ở luôn trên mẫu hạm đang chạy mà làm việc. Và buổi tối ở nhà, nếu trời trong mây tạnh, bà không ngồi uống trà với chồng, mà ra một phòng riêng trống trải, dùng viễn vọng kính quan sát các vì sao chổi, đổi ngôi... Một nữ nhân như vậy mà phải than khổ vì email, mỗi sáng phải lúi húi vứt vào thùng rác biết bao junk mail điện tử, dĩ nhiên không thiếu porn mail. Rồi những cãi vã, tranh luận đủ loại đủ kiểu (người Việt không phải chỉ dân Quảng Nam mới hay cãi). Tôi có ông bạn làm chủ biên chuyên môn về stroke, nghĩa là bị hết cơn lớn đến cơn nhỏ, vẫn còn vẽ được và đi trên hai chân đàng hoàng, cũng phải lên tiếng năn nỉ các ông hội đoàn đấu tranh đủ loại, làm ơn làm phúc bỏ địa chỉ email tờ báo ra ngoài danh sách những nơi nhận...
Cứ nghe thế là đủ ớn rồi. Còn internet, các lời than phiền được nghe còn ghê hơn: Net như một thứ ma túy, mắc vào là mê, khó mà rời được computer. Đi làm về, là chúi đầu vào computer, ngồi thiền trước máy, không phải một tiếng mà bốn năm tiếng một ngày là thường. Tôi được đọc trên một tạp chí một truyện như Liễu Trai: một ông khoe có lần thức tới 2 giờ sáng với tri kỷ, quên cả bà vợ nằm trên giường. Và không thiếu những bà vợ ăn nem, cũng có partner trên cyberspace. Lành mạnh như cô tài tử Meg Ryan, vậy mà cũng có lần yêu say sưa qua computer, trong phim You got mail. Tự xét mình đã hai thứ tóc mà vẫn còn giữ óc tò mò của một đứa trẻ, tôi đã vào Net, cái gì cũng muốn coi một chút, biết ngày nào ra... Và nhất lại là không phải là cái thứ Liễu Hạ Huệ, tôi không ngại nghé mắt nhòm những cô con gái nhà nghèo (mặc ít vải vì ít tiền mua), và nếu có gái vô sản (nghèo quá không tiền mua vải), càng tốt, (chắc tôi không tắt máy đi ngủ như những ông bà đạo đức thật/giả mong muốn, để “giữ cho mình đậm đà bản sắc dân tộc,” như trong nước hô hào.)
Liễu Hạ Huệ: điển tích Trung Hoa: Một buổi tối ông Liễu Hạ Huệ đang ngồi đọc sách một mình, có một nàng quần áo toàn màu đỏ xin vào ngủ nhờ. Nhưng nàng không chịu nằm trên giường, cứ ngồi lên lòng LH Huệ. Ông này tỉnh bơ đọc sách tiếp. Đêm đó khu phố bị cháy, Huệ nằm mơ thấy nàng áo đỏ hiện ra, bảo: Ta là bà Hỏa đây, đêm nay có nhiệm vụ đốt khu người. Nhưng thấy ngươi đứng đắn, ta tha cho. Sáng ra thấy toàn khu bị cháy tiêu, trừ nhà Liễu Hạ Huệ.
Những nhà nho thiển cận thường dùng điển tích này để đề cao những kẻ sĩ đứng đắn, không để ý tới ý nghĩa thứ hai là: bà Hỏa thấy còn trẻ như LHH mà đã bị liệt dương, tội nghiệp quá (mất bao nhiêu lúc vui và còn vô hậu vi đại), nên thương hại không đốt nhà. Kể ra “đứng đắn” được như Liễu Hạ Huệ, Việt Nam chắc chỉ có được hai người là Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm...! Nhưng hai ông này không có nhà riêng, khỏi lo cháy...
Tôi còn đang phân vân như thế, lên Net hay không, email hay không email, cho hiện đại hóa cập nhật hóa “kịp tầm thời đại,” một cơn tai biến máu não đã ập tới, nhận chìm tất cả trong một biển rong rêu quấn chân quấn tay, mê muội và sáng suốt lẫn lộn, vùng vẫy để sống còn trước đã. Đến khi tỉnh ra được một chút, vèo một cái thời gian đã đi qua vài ba năm.
● Bức tường
Thời gian vài ba năm đã qua ấy, tôi điểm bước đi của thời gian ít bằng những tấm lịch, mà bằng các mùa hoa nở khác nhau. Khi thấy hoa crocus lủn xủn hai màu tím vàng tươi trên mặt đất thẫm màu trong vườn, là biết mùa đông sắp qua. Khi hoa đào nở hồng tinh khôi, là mùa xuân đến. Miền tôi ở các thành phố trồng hơi nhiều đào, dân trồng trong vườn một vài cây, thành phố trồng hàng dãy dài ven lộ. Ngồi trong xe hơi vẫn còn phải để máy sưởi, tôi nhìn thấy hoa đào nở tại những chỗ bất ngờ: ngày thường bị thông tùng đủ loại che khuất, đến mùa xuân mới có áo hồng nổi bật trên nền lá xanh đen. Sau màu hồng hoa đào, đến màu vàng tươi của daffodil, một thứ hoa được lòng cả nhà nên nhà ở đâu cũng trồng ít nhiều cùng tulip. Hồi trẻ, trước 1975, xem phim Bác sĩ Zhivago quay theo truyện cùng tên của nhà văn Liên Xô, tôi cùng mấy đứa em gái say sưa cảnh nàng Sonia bụng bầu đi giữa cả ngàn hoa vàng đu đưa trong mùa xuân. Sau này sang được Mỹ coi lại phim này mới hiểu nhiều điều xưa không hiểu: trước hết thảm hoa vàng ấy là hoa daffodil và thời đó gia đình Zhivago phải xin hồi hương quê vợ lập nghiệp nông tang, ở lại thành phố Moscow, Zhivago bị đưa đi trại tập trung cải tạo là chắc chắn, theo diện vừa là trí thức vừa là thi sĩ, chưa kể cái gốc địa chủ rõ ràng.
Hoa hồng nở vườn trước vườn sau là mùa xuân đã đến thật sự, nghênh ngang với mầm lá chồi mới nõn nà. Còn hoa hồng đẹp, biết rồi, nhưng có vài thứ hoa hồng khi chưa mãn khai, nhìn chăm chú vào lòng hoa, như mường tượng được nhìn vào đường vô thiên thai một người nữ trẻ. Công ty quần áo lót phụ nữ Victoria Secret có lần trưng cuối gian hàng một bức hình chụp thật lớn phía bên trong một bông hồng, trông gợi tình gợi dục một cách tài hoa. Còn khi nào thứ hoa biểu tượng của tiểu bang WA xuất hiện, là hoa có tên dài lắm, thường được gọi tắt rhodo nhiều màu xuất hiện một cách tưng bừng, phô trương không biết ngượng, là thời tiết đã ấm lên của tháng Tư rồi tháng Năm.
Chính vào khoảng thời gian đó, lần đầu tiên từ khi gục xuống vì tai biến máu não, tôi ngồi trở lại trước computer quen thuộc, định viết một đoản văn. Tôi ngồi trước computer. Im lặng. Không nhúc nhích. Một phút năm phút muời phút... trôi qua, tôi vẫn không nhúc nhích một ngón tay. Tôi còn năm ngón của bàn tay trái cử động bình thường, nhưng chúng vẫn lặng lẽ trên bàn phím. Lý do thật giản dị: chủ chúng, tôi, không biết cách bật computer chỗ nào, chứ đừng nói sử dụng. Toàn bộ hệ thống trơ ra im lìm. Tôi cố ráng nhớ, nhưng não bộ lặng thinh, để tôi ngồi trơ ra đó trước một bức tường bí mật không nói năng.
Tôi cầu cứu đứa con, nó đến gần đọc từng bước cho tôi làm. Nhưng còn đóng, tắt máy... là làm sao? Nó bảo bố cứ làm ngược thứ tự lại là xong. Ngược lại hả, ngược lại là thế nào, óc tôi ì ra ngẩn ngơ không hiểu. Con lại kèm từng bước. Nhưng khi nó đi, tôi thử mở máy một mình: không được. Bức tường lại hiện ra, câm nín trở lại. Sau cùng các con phải viết cho bố già một handout chữ lớn, để thường trực bên cạnh bàn phím. Nhưng mọi sự không ổn, là không ổn đâu đây. Thí dụ năm ngón của bàn tay trái bây giờ phải bao sân cả bàn phím, như thế nào đây? Vấn đề phải giải quyết cách khác thôi, nếu không thì cuộc đời viết văn chấm dứt từ đây. Tôi có thể viết tay trái nhưng là những thư ngăn ngắn cho bạn bè, viết quá một trang chữ, là mệt rồi.
Tôi nhớ lại trong thời gian nằm bệnh viện, có lần được đưa tới một computer đặc biệt có bàn phím dài phía tay trái để tôi tập lại, trong chương trình phục hồi chức năng. Tôi từ chối không tập, viện lẽ bây giờ nhập tâm thêm một keyboard mới, dễ làm cho óc rối loạn vì vướng bàn phím cũ quen thuộc bao năm -- lúc ấy tôi còn tin tưởng chỉ một hai năm tập luyện, là khôi phục được tay phải. Thấy tôi không chịu học, bà huấn luyện viên chua chát và dịu dàng nói: Có thể phục hồi tay phải như ông ước mong, nhưng cũng có thể liệt luôn xuốt đời...
Bây giờ thì tôi biết bà huấn luyện viên nói đúng, nói thật. Tôi quyết định trở lại bệnh viện để học thứ keyboard một tay năm xưa, nhưng sau khi khảo sát sơ bộ, bà chuyên viên của Rehab phán ngay: Theo trị liệu mới nhất, kể từ nay chỉ dạy keyboard một tay cho những người trẻ tuổi cụt tay vì tai nạn. Còn những người trên 60 bị tai biến mạch máu não, chỉ ôn tập cho họ thứ keyboard cũ, cho tới khi nào họ nhớ lại. Tránh làm cho não confused rối loạn thêm. Sau đó bà chỉ cho... vợ tôi cách setting ra sao để cho tôi đỡ vất vả một chút. Bà bảo: chị nhấn năm lần chỗ này, bốn lần chỗ kia rồi cạch cạch hai cái... là xong. Vợ tôi gật đầu, ghi ra giấy để về nhà thực hiện, còn tôi trước sau như một, trước không hiểu gì, sau thì ù ù cạc cạc.
Cá nhân tôi thiếu gì khuyết điểm lớn cũng như nhỏ, nhưng bù lại có được chút lòng kiên nhẫn, biết học chịu đựng điều không thể chịu đựng được (hình như câu này của Nhật hoàng thời chiến tranh thứ II). Trong khá nhiều ngày, tôi vừa tập đánh máy một tay vừa tập động não trở lại, mỗi ngày được nửa trang rồi một trang. Dần dần não bộ ra khỏi tình trạng bảo tử, cocoon, năm ngón trái tập dần bao sân cho mười ngón năm xưa. Thấy năm ngón, lại của bàn tay trái, bao sân kiểu một làm việc bằng hai, quá vất vả nên tôi không nỡ ép chúng viết tiếng Việt có dấu. Tôi dần dần sản xuất được những bài văn vụng về hời hợt, như không phải của anh chàng T.U. năm xưa. Đã thế lại còn bỏ dấu tay nữa, làm các chủ biên phải kiếm người đánh máy lại mới có thể in ra. Tuy thế mấy vị này thường tỏ ra thông cảm, chịu khó đăng đều đều để khuyến khích... mầm già văn nghệ. Và cũng để hi vọng sự phục hồi sẽ khá hơn nữa, với thời gian qua thêm.
● Con cọp và con báo
Dần dần mọi sự khá dần lên thật, nhưng khá tới đâu tôi không tìm hiểu, so sánh trước/sau before/after làm chi. Còn viết ra văn, bài còn được đăng trên những báo văn học đứng đắn, thế là đủ vui rồi và đáng viết tiếp. Còn tương lai, như một lời ca phổ thông của châu Mỹ: Que sera sera... Whatever will be will be... Biết ra sao ngày sau... Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện anh huynh trưởng kể hồi còn là sói con: Có con cọp về già, nó đâu có biết thế, cho đến khi vồ hụt con mồi đầu tiên. Nó buồn, buồn hơn năm phút nhiều, rồi lại đi săn mồi tiếp vì có ai kiếm đồ ăn cho cọp đâu, trừ phi vào sống trong một Sở Thú của loài người. Nhưng kể từ nay cọp tránh vồ chụp những con thú chạy nhanh và kiên nhẫn rình mò những con nhỏ, chậm chạp.
Khi nào cọp già quá thì tà tà đi vào nghĩa địa cọp, nằm chờ cái chết. Đừng ai hỏi nghĩa địa cọp ở đâu vì người viết chỉ được biết nó không cách xa nghĩa địa voi là mấy. Còn nghĩa địa voi ở đâu, xin hỏi nơi mấy huyền thoại Phi châu da đen.
Nhà văn Mỹ Ernest Hemmingway kể rằng có lần leo núi Kilimanjaro cao nhất Phi châu, thấy một chú báo đen nằm chết ở độ cao 3000m, ông tự hỏi chết đâu chẳng được, tại sao báo đen lại cầu kỳ dùng hết sức tàn leo lên tới tận độ cao như thế, để chết. Đây là một thứ công án thiền kiểu Mỹ, ai muốn giải ra sao, tùy ý. Phần tôi, tôi biết hiện nay có hơi nhiều Việt kiều già và có tiền đang đi rà rà khắp nước Việt Nam, để kiếm một nghĩa địa voi cho chính mình. Chẳng biết có vị nào lên sườn Ba Vì, Lang Biang hay Hoàng Liên Sơn cho mát mẻ hay không đây... Phần tôi, người đang đứng lại, nghỉ ngơi nhìn ngắm giòng chảy ào ào của mọi tối tân hóa hiện đại, chắc tôi sẽ chọn như mẹ tôi, nghĩa là chết đâu chôn đó, gần gũi nơi con cháu định cư nơi miền đất mới. Chọn chỗ nào cảnh đẹp cây cao bóng mát để cho con cháu sau này có thể tổ chức đi thăm mộ ông nội như một chuyến picnic. Tôi khoái mấy đứa cháu, chút và chít nữa, chạy nhảy trên mộ tôi vui vẻ, như bây giờ vẫn leo lên cổ lên vai ông...