văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, February 25, 2020

DOÃN QUỐC SỸ ¤¤ NHỮNG VÌ SAO CUỐI NĂM


Doãn Quốc Sỹ (@Đinh Cường)
Chiều nay, một buổi chiều cuối năm, tôi bắc ghế ra ngồi ngoài hiên, và tuy đây là một ngõ hẻm khi ngẩng lên tôi vẫn thấy được một vài vì sao lấp lánh.
- “Những vì sao cuối năm!” – tôi nghĩ vậy. Đồng thời tôi nhận thấy có sự hiện diện của chòm sao thất tinh quen thuộc.
Tâm trí con người miên tục có chịu trống rỗng bao giờ, cho nên vào lúc nhàn rỗi nhất thì những gì thường ám ảnh mình lại có dịp hiện lên dễ dãi.

Điều đã ám ảnh tôi suốt một năm nay là câu chuyện rất đơn sơ do anh bạn thân của tôi du học ở Úc về kể lại. Anh đã kể cho chúng tôi biết cách tổ chức xã hội thật hoàn bị ở Úc. Người dân Úc có một tinh thần thực tế sắc bén, thái độ truyền thống của người Anh. Sắc thái cá nhân chủ nghĩa còn sâu đậm. Hiện nay đất Úc rất rộng nhưng chính phủ Úc chỉ nhận những người da trắng đến định cư: Đức, Ý, Áo, Hy Lạp v.v… – vì sợ các giống người khác đến, nhân công rẻ hơn sẽ làm mất thế quân bình về kinh tế xã hội. Cũng như ở Anh, tại Úc người ta không ưa gia đình đông đúc con cái làm gì. Cha mẹ nuôi dạy chúng thật chu đáo cho đến 20 tuổi. Tới tuổi này bắt đầu đời sống hoàn toàn tự lập của người con. Cả đôi bên – cha mẹ và con cái – “thoát ly” nhau từ đấy.
Có một ngày kia – vẫn lời anh bạn kể – sau khi đi rạc cẳng để tỷ mỉ xem từng dãy phố ở Sydney tôi vẫy một taxi. Lúc mở cửa xe, tôi bỗng giật mình vì tài xế là một bà cụ già, chừng 60 tuổi da nhăn, đầu bạc. Tôi ngồi khép nép ở dưới và có cảm tưởng như mình đương phạm tội bất kính.

Tuy tôi biết bà cụ đây chỉ là kiếm thêm thôi, tổ chức xã hội của Úc đã cung phụng đầy đủ cho những người già rồi; tuy tôi biết rằng làm việc chỉ là cách phát triển nhân cách một cách hiệu nghiệm nhất theo quan niệm Tây phương, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy lòng ray rức ngậm ngùi trước cảnh cô quạnh đó. Tôi cố nêu câu chuyện này thành một vấn đề thảo luận cùng mấy vị lão thành Úc. Tôi có kể lại cho các vị ấy nghe về phong tục Việt Nam, con cái thường quây quần phụng dưỡng cha mẹ khi các người tuổi hạc đã cao. Mọi người đều đồng thanh tán thưởng cái đẹp đoàn tụ đó nhưng vẫn kết luận: “Tuy nhiên lối sống của chúng tôi đã thành nếp như vậy rồi. Lúc vừa đến tuổi trưởng thành, chúng tôi cũng mải sống cuộc sống của chúng tôi. Vậy khi về già nhường lại sân khấu hoạt động cho tuổi trẻ, chúng tôi thấy mình không có quyền đòi hỏi con cháu phải có thái độ ngược lại”.

Câu chuyện của bạn kể giản dị có vậy mà sao tôi cứ bị ám ảnh hoài?
“Khi mở cửa xe chợt thấy bà cụ đầu tóc bạc phơ ngồi trước tay lái”.
Lần nào nghĩ đến đấy tôi cũng thấy ngậm ngùi cảm động tưởng như chính tôi vừa là kẻ được chứng kiến cảnh đó, vừa là kẻ đã từng sống trong cảnh cô độc như vậy.

Rồi đến một ngày kia, trong một chuyến đi ngắn, khi vừa đặt chân tới Colombo, tôi thấy một ông già Tích Lan tóc bạc, hạ càng xe mời 2 mẹ con bà khách. Ông cụ mỉm cười âu yếm nhấc đứa trẻ chừng lên ba đặt lên lòng mẹ, rồi nhấc càng xe bắt đầu chạy, dáng thật tưng bừng khiến tôi trông mà vui lây. Tôi đồ rằng ở nhà, ông cụ hẳn có một đứa cháu tương tự và biết đâu ông cụ chẳng đi làm vất vả thế này để lần hồi nuôi đàn cháu nhỏ?
Ngay lúc ấy tôi liên tưởng đến bác phu xích lô hàng xóm với tôi tại một hẻm Saigon. Thường thường sau một ngày đưa đón khách, chiều về bác vội tắm rửa cho bốn đứa con rồi đặt chúng lên xe, hai đứa lớn ngồi trong, hai đứa nhỏ ngồi ngoài. Bác đạp một vòng quanh xóm và cất tiếng hò làm vui cho lũ con. Tình cha con như bông hoa cỏ thơ mộng và chân thành nở hồn nhiên ở bất cứ một góc bờ bụi khuất nẻo nào không hề bị mùa xuân bỏ quên.
Nụ cười, tiếng hò, lời nô rỡn đó có một mãnh lực gì khó tả khiến nhiều khi tôi cảm tưởng khu hẻm này chợt biến thành một tiểu thiên đường.
Thực vậy, những bạo chúa dâm ô, ích kỷ đời xưa, những tên độc tài khát máu đời này làm sao mà được hưởng phút vui dung dị trong sạch nhường ấy.
Ông cụ già kéo xe Tích Lan, bác phu xích lô Việt Nam ở trong hẻm Saigon không sống một mình! Họ làm việc vất vả không phải chỉ để nuôi cái xác sống của riêng họ. Bản ngã họ luôn luôn mở rộng để được sống hài hòa với biết bao người thân.
Đêm nay, một đêm cuối năm, ngồi trong ngõ hẻm ngẩng nhìn sao thất tinh trên trời rồi miên man nghĩ lại chuyện cũ. Tôi hơi nghiêng đầu để lách tia nhìn giữa hai dãy đầu hồi, và tôi tìm thấy cả ngôi sao Bắc Đẩu trong chòm Tiểu Hùng Tinh.
Tình cờ điện toàn phố vụt tắt, sao Thất Tinh, sao Bắc Đẩu long lanh, biêng biếc. Cùng với bóng tối tràn đầy ngõ xóm hình ảnh bà cụ lái taxi ở Sydney, hình ảnh ông già kéo xe ở Colombo, hình ảnh bác phu xích lô ở ngõ hẻm Saigon bỗng hiện ra cùng một lúc. Sự cảm động trong bóng tối của một chiều hiu hắt cuối năm đã giúp tôi tự giải thích vì sao tôi đã không hề cảm thương cho cuộc đời lam lũ gấp trăm lần hơn của ông già kéo xe, của bác phu xích lô so với bà cụ ở Sydney.
Tôi châm một điếu thuốc lá thơm để nghiền ngẫm thêm điều mới khám phá và tiếp tục ôn thêm chuyện cũ.
Phải còn một chuyện nữa!
Khi ở Colombo về tới Saigon tôi được chứng kiến một cảnh đã làm tôi bồi hồi. Vừa từ trên ôtô của hãng máy bay xuống. Tôi thấy trên hè phố một em bé Pháp mặc quần “sóoc” xanh và áo sơ-mi đan sợi vàng. Em đang thân ái vẫy tay một em bé Việt bán những quả bóng xanh đỏ. Em bé bán bóng có cái đẹp lam lũ và hiếu hạnh đặc biệt của trẻ nghèo Việt Nam, còn em bé Pháp, đôi mắt xanh, bầu bĩnh đẹp như em bé mà Vitor Hugo nói trong bài thơ “L’enfant grec”. Nhà hàng tí hon trao cho khách hàng tí hon quả bóng. Khách hàng tí hon trao cho nhà hàng tí hon đồng bạc. Đôi bên không nói với nhau một lời – vì ngôn ngữ bất đồng – nhưng cùng trao nhau một nụ cười. Nụ cười trong trắng và khả ái làm sao, khiến tôi nhớ lại trước đây hồi Pháp thuộc, đã từng chứng kiến bao cảnh em bé Pháp xinh như vậy chạc tuổi đó “sà lù” những em bé bán báo đánh giầy Việt Nam. Chủ nghĩa thực dân không những làm ô danh chính quốc còn làm bẩn cả những gì trong trắng nhất của nhân loại là các trẻ em!
Tôi bâng khuâng tự hỏi:
- Chúng ta đã tự giải phóng cho chúng ta và phải chăng đã đồng thời giải phóng cho nước Pháp, nước Pháp của Cách mạng 1789, nước Pháp với nụ cười khả ái của một dân tộc dân chủ nhất Châu Âu, nước Pháp rộng mà vẫn nồng nàn như Paris, nước Pháp quý dĩ vãng, yêu hiện tại và mở ngỏ cửa chào đón tương lai như viện bảo tàng Le Louvre. Cùng một ý đó mở rộng xa, chúng ta sẽ thấy một khi Đông phương đồng hóa xong một nền văn minh Tây phương để tự giải phóng cho mình thì cũng đồng thời giải phóng cho Tây phương khỏi vũng bùn tội lỗi áp bức, mánh khóe tranh cướp thị trường. Tội lỗi là tội lỗi chung, tất cả chúng ta đã tích cực hoặc tiêu cực mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây bao tội lỗi ở thế gian này. Ý thức được trách nhiệm liên đới như vậy thì con người tự nhiên biết xấu hổ trước bất cứ cảnh lầm than nào mặc dầu những cảnh đó không hề do mình gây nên...
Ánh đèn vừa bừng sáng. Cầu chì của nhà biến điện khu phố đã được sửa lại. Chiều bớt hiu hắt, ánh sáng lần này hình như đem hơi ấm lại. Tôi ngẩng nhìn trời, những vì sao... những vì sao cuối năm không hề mờ nhạt, trái lại càng lấp lánh một vẻ đẹp kỳ thú như âu yếm muốn trao cho tôi một nụ cười thân ái.
Doãn Quốc Sỹ
(trích trong tập truyện ngắn Gánh Xiếc)