văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, February 16, 2020

HAI TRẦU ¤¤ Học Được Gì Từ “Biết Ơn Mình” Của BS Đỗ Hồng Ngọc


Thưa bạn

Để trả lời câu bạn vừa hỏi:“Học được gì từ “Biết Ơn Mình” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc?”, tôi phải thành thật trả lời cùng bạn là tôi thấy mình học được nhiều điều bổ ích khi đọc “Biết Ơn Mình” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Chẳng hạn, như sau khi đọc ngay chương đầu “Biết Ơn Mình”, mới thấy các bộ máy trong mỗi con người nó làm việc rất miệt mài, bền bỉ mà không hề có một tiếng than thở trách móc nào!Vợ tôi thì nói: “Đọc phần này thích lắm và nói Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết hay lắm: Các bộ máy của con người hổng cần thay dầu thay nhớt gì mà cứ chạy rào rào”.Mà quả đúng y chang vậy. Tác giả viết:

 “Cơ thể ta có hai trăm cái xương lớn nhỏ được ráp nối với nhau để thành một khung xương, hoạt động được là nhờ các khớp, cũng đã xài được mấy chục năm trời mà chẳng phải bơm dầu trét mỡ gì cả. Vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru, êm rơ, chỉ khi ta tích tuổi, lớn tuổi rồi nó mới bị đau nhức chút đỉnh thì cũng phải thôi!”.

Nhóm chữ “mấy chục năm trời” hay thiệt! Nó vừa bao quát được cả thời gian chỉ sự lâu bền mà vừa nói lên được sự chịu đựng cực nhọc dẻo dai của nó nữa!
Rồi tác giả phân tích tiếp các chức năng của các bộ máy tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết…, mỗi mỗi đều có công giữ gìn mạng sống của mỗi con người nhưng chúng ta vô tình hổng biết công sức của nó cứ nghĩ rằng nó tự nhiên như vậy và mình đôi khi cứ xài một cách bừa bãi, vô trách nhiệm mà mình hổng biết… Ở đây tôi lấy một thí dụ về thở thôi. Tác giả viết:
“Rồi thử xem buồng phổi của ta.Đó là nơi ta trao đổi không khí để sống.Người ta có thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mươi ngày nhưng không thể nhịn thở quá năm phút.”

 
Vâng, điều này thì quá đúng. Tôi nói sự thật chứ không phải nói theo tác giả. Bạn sẽ hỏi tôi sự thật là như thế nào? Lấy gì chứng minh?

Thì đây, hồi mấy chục năm trước, lúc tôi vô Chương Thiện, miệt Hỏa Lựu (Long Mỹ) làm nghề chất chà và dỡ chà bắt cá có tới hơn bốn năm, mà bây giờ tôi còn nhớ là một trong những công việc nặng nhọc nhứt mà cũng quan trọng nhứt của cái nghề hạ bạc này là gạn lưới bắt cá trong chà. Rồi bạn sẽ hỏi tôi gạn lưới bắt cá có gì liên quan tới sự thở chứ gì?

Thưa có và rất quan trọng là thế này: Khi cả toán người dỡ chà (khoảng 10 người); mỗi người phải đeo bám vào một cây sào bằng tràm tuốt vỏ cho trơn láng, dài chừng ba bốn thước, gọi là cây sai. Sở dĩ người ta phải bám vào cây sai ấy vì con người thường không bị chìm xuống đáy sông do sức đẩy của nước làm cho cứ bị nổi lên hoài. Do vậy muốn lặn sâu xuống đáy sông để gạn lưới bắt cá thì phải có cây sai để bám vào; bằng không sẽ không làm gì được dù bạn cố lặn thật lâu. Nhưng dù có ngoéo hai chân vào cây sai nhưng mỗi đợt lặn xuồng đáy sông cũng chỉ có thể kéo được tay lưới vô chừng ba hoặc bốn tấc là cùng; Và bạn biết tại sao hông? Vì khi lặn như vậy bạn phải “nín thở”; nhưng không ai có thể “nín thở” được tới năm phút. Do vậy mà, qua kinh nghiệm về nghề chất chà và dỡ chà hồi ba bốn chục năm về trước tôi thấy tác giả nói về việc“không thể nhịn thở quá năm phút” là rất xác thực.

Rồi có một điểm này nữa là lòng thương người của dân quê ở các miệt quê như tôi là hễ thấy ai bịnh mình hay lấy thuốc có trong nhà cho người ta uống làm phước; nhưng tác giả dặn: “Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng.” Vâng, ở đây tôi học thêm được một điều là tuyệt đối không nên cho người khác uống thuốc cùng hiệu thuốc mà mình đang uống dù cùng một bệnh trạng như nhau.

Tôi rất mê câu này: “Không gì tệ hại hơn người thầy thuốc mà hù dọa cho người ta sợ hãi về thân bệnh để trục lợi, hay người tu sĩ mà hù dọa cho người ta sợ hãi về tâm bệnh để trục lợi!” Và tác giả lại viết tiếp:“Một lời nói của bác sĩ có thể gây bệnh trầm trọng thêm hoặc làm giảm bệnh đi một nửa!”

Còn thầy thuốc mà định bệnh một cách máy móc cũng nguy hiểm không kém. Tác giả viết: “Lời nói của bác sĩ không chỉ mang thông tin y học mà còn mang cảm xúc. Những lời nói “mơ hồ” nhiều khi rất nguy hiểm!”

Điều này quá đúng.Tôi có anh bạn năm nay cũng gần 80 tuổi. Cách nay khoảng hơn 10 năm, vị bác sĩ coi hình phổi của anh vừa chụp và bác sĩ nói anh bị bướu ở phổi và có thể bị ung thư phổi. Nghe như vậy anh quá lo lắng và mất tinh thần; rồi cơm không ăn, mà ăn gì vô; nước không buồn uống, mà uống gì nổi; và rồi chưa đầy một tháng, anh đã bị sụt cỡ cả chục kilô. Sau tái khám, rõ lại thì bác sĩ nói không phải ung thư mà phổi ảnh chỉ là một vết sẹo cũ hồi lúc tuổi còn nhỏ mấy chục năm về trước.
Trong “Một chút lan man”, tác giả viết một câu ngắn mà chí lý vô cùng: “Năm 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ.Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả!”

Hai vế đầu thì tôi hổng bị ảnh hưởng mấy nhưng về thứ ba thì rất phê đối với riêng tôi, tôi học được ở đây bài học của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là:“Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Có lẽ như vậy hay hơn!”

Rồi tới cái mục “Người già thiếu bạn”. Cái này tôi đồng ý với tác giả 100% về cái buồn khi mình già mà hổng có bạn, buồn chết! Chẳng những tôi mà anh bạn Ngu Yên mới đây trong lời chúc Giáng Sinh, ảnh cũng viết:
“Các bạn,
Khi về già, bằng hữu sót lại là báu vật, là những gì chúng ta không thể tìm thấy lần thứ hai.”

 
Rồi tôi còn học thêm được của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở cách dùng chữ, câu viết ngắn gọn mà dễ hiểu, và nhất là còn điểm xuyết vài chỗ dí dỏm rất tự nhiên mà vui, hấp dẫn.
Thí dụ như, tác giả kể hai bà: một bà bị nhức răng và một bà có răng giả:
“Một bà lão phàn nàn với bạn: Đêm qua tôi không ngủ được chút nào vì đau răng quá! Bà có khi nào bị như vậy không? – Tôi hả? Chưa bao giờ, vì răng và tôi không ngủ chung với nhau!”
Rồi có khi lại dặn:
“Chửi chó mắng mèo”, “Giận cá chém thớt” cũng được. Đập bể mấy cái ly cái dĩa … cũng hay! Có điều nên chọn trước một ít ly tách, chén dĩa mẻ, để dành sẵn, khi nào cần thì đập nghe vừa rôm rả vừa đở tốn kém!”

Thiệt là vui quá!
Hoặc một chỗ khác, trong “Bác sĩ nhà quê’, tác giả kể:
“Ông nhờ tôi có cách nào khuyên bà bỏ cái tật ghiền xông! Tôi thăm khám, xem kỹ hồ sơ rồi kết luận: Bà nên tiếp tục … xông! Ông trợn mắt kinh ngạc. Đã “toa rập” với nhau rồi kia mà! Còn bà thì mắt cũng sáng lên: cứu một bàn thua trông thấy!”
Nghe giống như ký giả Huyền Vũ ngày nào tường thuật một trận cầu vậy!

Và còn nhiều mẩu chuyện rất vui như vậy nữa, bạn không học được cái nét dí dỏm ấy sao?

Sau cùng là hổng biết sao, sau khi đọc “Biết Ơn Mình” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tôi thấy tôi còn thiếu sót nhiều thứ giống như mình bị ông thầy bắt mạch trúng tim đen vậy. Cái gì cũng lo, cái gì cũng hồi hộp, cái gì cũng sợ, cái gì cũng hổng biết gìn giữ săn sóc nó mà cứ bỏ phú cho Trời! Nói như thầy Nguyễn Cao Đàn của tôi mấy chục năm về trước trong một lá thơ thầy gởi cho tôi, thầy đã viết: “Già-đầu rồi mới thấy phân-biệt phải-quấy, nên-chăng đâu có dễ… “
Còn bạn, theo bạn, bạn nghĩ sao?

Hai Trầu LƯƠNG THƯ TRUNG