Tô Thùy Yên dưới mắt Đinh Cường |
Một mai nàng lên núi chan chứa - Hỏi tìm cho gặp đá tiên tri -
Về sau, đời có ra sao nữa - Cũng đã đành tâm sẵn một bề
Đá, chẳng đá nào lên tiếng với…- Nàng đi thôi đã nát chân hồng
Một mai nàng vô rừng u ẩn - Nhặt trái nưa về nhuộm dạ sầu
Thấy trăm họ cỏ cây chen quấn - Nương náu nhau mà tội nợ nhau
Con loan, con phượng bay đâu lạc - Đến nỗi nào, sao chẳng gọi bầy?
Nếu như hoa biết chiều nay rụng - Âu cũng vui mà nở sáng nay.
Một mai nàng qua cầu cam mặc - Mưa nắng gì thổi cũng một thì...
Rau hạnh, rau vi từ lúc có - Chưa từng nguôi biếc bãi Kinh Thi
Cửa đẩy lầm, vô lường cuộc diện... - Ba ngàn thế giới đã nhà chưa?
Lâu ngày, thân thể rách như gió - Thấy lại mình như kẻ đáng ngờ..
Một mai nàng đến thành hoa gấm - Hát một chiều, tiền thưởng ngập chân
Vui nốn náo trời, thốc tháo biển... - Một lần, thử đổi bỏ chân thân
Gà nửa khuya gáy xô trăng muộn - Ai hồ nghi lộn kiếp bên này?
Con chó khóc tru ngoài địa giới - Ngờ ngợ người góc biển chân mây.
Một mai nàng ra bãi vô định - Nhìn sông đổi lòng, nhìn núi chuyển chân
Mây bay bay như những vẫy biệt... - Nàng đứng cho tàn một nén nhang
Thắp tạ càn khôn một vô ích - Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Biển Đông đã một ngày xe cát - Khuất giạt, mơ lai kiếp dã tràng.
TTY * 7-1998
[Trích thi phẩm “Thắp Tạ” An Tiêm 2004]
TTY * 7-1998
[Trích thi phẩm “Thắp Tạ” An Tiêm 2004]
Không còn giả thiết, ước đoán, nàng đã bắt đầu một chuyến đi. Ngoái nhìn mái nhà thân yêu phố thị không khí sum họp đầm ấm, chỉ còn lãng vãng chập chờn. Nàng phải ra đi, động lực mãnh liệt từ tình yêu, từ bổn phận. Nàng đi... dặm đường trước mắt gập ghềnh, hiểm trở, những lối mòn không tên gọi, những hẽm núi, lưng đồi lạ lẫm cỏ cây. Cuộc tìm kiếm theo nguyện ước của nàng, có dễ dàng chăng để được gặp! (Hỏi tìm cho gặp đá tiên tri).
Dọc lối đi, nàng gặp bao nhiêu sỏi đá, hình thể lớn nhỏ, màu sắc lạnh lùng câm lặng. Hỏi ai? Hỏi như thế nào để rõ đá tiên tri? Dù quẩn quanh, bức xúc, dặm đường tìm kiếm như vô cùng vô tận... Đang bước lên độ cao của núi, đang che khuât giữa trùng điệp rừng xanh... nàng câm lặng nguyện cầu... mai sau, quên hiện hữu thời gian phủ xuống nặng nề hai vai thân phận, bởi vì:
Về sau trời có ra sao nữa
Cũng đã đành tâm sẵn một bề...
Đi, đi... là giải thoát, giải thoát ẩn ức chính mình... giải thoát để chịu đựng bằng ý thức, tri ngộ... tìm an ổn ngay giữa truân chuyên, là vươn dậy bằng tâm sức dưới sức đè- hình khối thô bạo khôn đọa.
Đá tiên tri, có đá nào đón tiếp, mở lời đâu! Chân hồng khuê các đã đến hồi ứa máu (Nàng đi thôi đã nát chân hồng). Thử thách ám ảnh mỗi bước nàng đi giữa bao la thầm lặng. Tiếng con vượn ẩn thân – con vượn cũng vừa mất quê hương như nàng. Con vượn khóc cùng chung giọt lệ chính nàng. Con vượn khóc vì hối hận, đồng cảm, đồng cảnh với nàng, đã một lần lở dở:
Nghe con vượn ẩn thân khóc hối
Một lần bỏ lỡ chuyện lìa non
Qua khỏi bao rặng núi, nàng đã tới rừng sâu. Rừng sâu u ẩn lá! Cô quạnh hiu hắt khí lạnh rừng xa... Những trái nưa rừng rơi bơ phờ. Nàng nhặt lấy, và hy vọng, sắc nước nưa may ra nhuộm thắm phần nào lòng dạ kẻ bất hạnh, khổ đau đang chất ngất...
Một sát na, bất ngờ tỉnh thức, xung quanh nàng, cỏ cây chen lấn, quấn quýt nhau, gắn bó họ hàng, đồng lối... Ý tưởng tồn tại nhân sinh khác nào quy luật sinh hóa vạn vật. Một không thể tự tồn giữa xã hội, mà ắt đủ phải hai, ba, bốn... hoặc số lượng cao hơn. Sống, tồn sinh thân mật, hòa đồng và không lọai bỏ tương quan nợ nần cuộc sống:
Thấy trăm họ cỏ cây chen quấn
Nương náu nhau mà tội nợ nhau
Thế mà cũng đã có lúc lỗi hẹn, phụ bạc nhau, trách chi trước nhiễu loạn hoàn cảnh riêng lẻ... Trung hòa xã hội, cộng đồng là sự phối hợp hai mặt, tốt, xấu lăn trái phải... Chấp nhận để hoàn thiện tương quan ổn định giữa người và người, là mối di biên từ gạn lọc đãi trong. Sự nhận biết bắt nguồn từ mỗi phần vụ giác quan mà trí tuệ chung quyết...
Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay
Nàng, người phụ nữ Việt Nam, người vợ có chồng cách biệt. Nàng, một số phận trong hàng triệu số phận đã vững bước đi qua giai nhịp cầu đời – can đảm và cam chịu, tự tin và hy sinh (Mưa nắng gì thôi cũng một thì...). Biện chứng chuyển hóa của cuộc đời là đạo lý, thứ thẩm mỹ thâm sâu, cốt cách không thể lãng quên, nguội lạnh, dù phải kinh qua những đe dọa, những thách đố, áp bức... Những kỳ diệu đó có từ người vợ:
Rau hạnh, rau vi từ lúc có
Chưa từng nguôi biếc bãi Kinh Thi
Chân hồng đã nát, dặm trường ngun ngút, nàng vẫn bước đi... mà chưa đến. Cũng giữa thế giới núi rừng giấu mặt, mang những con số thay tên gọi, người ta đang dẫn con người thành thị văn minh, lột xác, mang lông lá để thành con vượn. Con người bại trận trong vòng vây thù hận: xua đuổi, đe dọa, hận thù thắp sáng ý nghĩa trong sáng cao thượng, không oán hờn, dằn vặt. Chưa bao giờ trỗi dậy mầm thù oán mà chỉ nguyên vẹn nỗi tiếc nuối lỡ lầm đã trở thành cuộc diện khó phục hồi.
Lâu ngày, thân thể rách như gió
Thấy lại mình như kẻ đáng ngờ...
Cuộc đổi đời triệt để, tàn nhẫn giữa thời đại loài người khắp hành tinh đã và đang tiến bước theo đà văn minh cấp tiến. Cuộc đổi đời của một miền Nam bái trận, tưởng chừng đã bị lịch sử lãng quên, chôn vùi..., đã đường cùng, nghẽn lối, ắt phải bùng phá, khai thông (cùng tắc biến, biến tắc thông). Nàng đã qua bao nhịp cầu cam mặc, thiệt mất mây độ xuân thì (mưa nắng gì thôi cũng một thì), thế nên có ngày, có lúc nàng được đền bù, đáp tạ... Chẳng lăn lộn, mơ hồ giữa thực và mộng nữa. Nàng tiếp tục cuộc đi và đã đến nơi ước vọng:
Một mai nàng đến thành hoa gâm
Hát một chiều, tiền thưởng ngập chân
Thành hoa gấm – đất tự do – trung tâm điểm mơ ước của rất nhiều người từ những lục địa bất an, bất hạnh. Nàng được đón tiếp, ca ngợi. Một buổi chiều cất cao tiếng hát chân phương, điệp khúc sống của loài người, nàng đã nhận bao nhiêu tiền thưởng từ những bàn tay đôn hậu, những tấm lòng nhân ái. Hòa đồng nỗi vui mừng, chẳng những chỉ có đồng lọai, mà cả trời cùng biển, biểu dương, tôn vinh nàng một cuộc tái đổi đời – vinh hạnh, vững bền.
Vui nôn náo trời, thốc tháo biển...
Một lần, thử đổi bỏ chân thân
Cuộc biến đổi kỳ diệu, thần thánh – từ địa ngục trần gian, nơi kẻ ác dựng lên do thù hận – những nạn nhân khốn khổ sau một cuộc chiến tranh, bỗng đáp xuống cửa ngõ thiên đường hạ giới. Dung mạo con người hồi sắc, tươi thắm, chân thân khỏe mạnh, thoáng đạt an lành trong môi trường tinh khiết bao la... Ngọai giới đảm bảo sinh mệnh con người, dâng tặng, cấp dưỡng trong điều kiện có và đủ. Quay theo vòng quay biến đổi mới mẻ ấy, con người vẫn vướng bận, khắc khoải từ nơi tâm mình. Tự hỏi: Địa giới nào đây? Quê hương ai? Một tiếng gà, một ánh trăng tựa hồ xa xôi, bàng bạc... Mộng hay thực mà sao nỗi hoài nghi lộn kiếp, hoang mang, rời rã tư duy... mà ngờ ngợ từ nơi chôn xa xăm hầu như huyên tưởng:
Gà nửa khuya gáy xổ trăng muộn
Ai hồ nghi lộn kiếp bên này?
Con chó khóc tru ngoài địa giới
Ngờ ngợ người góc biển chân mây.
Bài thơ dẫn dắt người thưởng thức suôt một hành trình của nhân vật “Nàng”. Cuộc hành trình – một bi kịch thời nay, chứa đựng những hồi, lớp thử thách, bất ngờ, đồng, dị... diễn đạt chiều sâu tâm trạng người trong cuộc về triết lý nhân sinh tải đạo. Nàng được “thắp tạ” bởi nàng là hình tượng của đạo lý và con người sắc thái, truyền thông dân tộc.
Nhà thơ Tô Thùy Yên luôn biểu hiện tính cách sử dụng thi từ. Luôn có những từ mới. Những sáo mòn, cũ kỹ đã được lối bỏ, lơ quên. Những cụm từ “nát chân hồng”, “vượn ẩn thân khóc hối”, “rách như gió”, “gà gáy xộ” v.v... khoác vào câu thơ nhiều thi ảnh hiện thực mà tinh tế. Lối đảo ngữ trong một vài câu thơ, mà cuối câu là một liên từ, hay động từ vẫn giữ được trọn vẹn ý nghĩa: - Đá, chẳng đá nào lên tiếng với... ; hoặc: - Rau hạnh, rau vi từ dạo có...
Có khi, tác giả cấu trúc câu thơ bằng âm tiết “trắc” nhằm diễn tả thời điểm đọng, ngưng đọng dài hơn, chờ đợi một hiện tượng ứng chuyển. Ví dụ: nửa khuya, gà gáy xộ, trăng muộn. Con gà chỉ gáy xộ, trong lúc chờ có ánh trăng lên muộn, trăng chưa lên sẽ chưa động tiếng gà. (trạng thái hòa nhập thời gian). Cảm nhận hoặc thưởng ngọan bài thơ bằng trực giác, cũng đã thấy được những ẩn dụ rãi rác phô bày ấn tượng thẩm mỹ của thơ:
Mây bay bay như những vẫy biệt
Nàng đứng cho tàn một nén nhang.
Thành tâm “thắp tạ” của Tô Thùy Yên đối với ân nhân (thắp tạ nhân quần, một luyến thương) còn lan tỏa vầng sáng của một giấc mơ về quá khứ thời đại ở quê nhà, nơi người thơ được cưu mang. Giấc mơ về (mơ lại) của Tô Thùy Yên là cõi mộng tái hiện trùng trùng thương tiếc.
Một tín hữu của Đức Phật mỗi khi ngước mặt trông vào hư vô, thường thầm niệm: “Một trăm năm trước ta biết được gì đã xẩy ra; một trăm năm sau ta biết gì sẽ đến”. Vạn vật tất yếu tuân thủ quy trình vận động tồn sinh. Núi, sông có nơi, có lúc “sông đổi dòng, núi chuyển chân”. Tuy nhiên, cuộc biến đổi thần bí nào đó có thể bất ngờ, hoặc một luân hồi ngọai lệ nào tái hiện, trong đó có tác giả, có đủ thời đại, xã hội, môi trường cũ, đã từng tan biến giữa dòng lịch sử... thì thân phận như dã tràng xe cát uổng công vẫn được ghi ơn, thắp tạ. Sống và suy nghĩ như đã có.
Tinh thần kẻ sĩ, nhất quán, khuôn định trước sau, tôn trọng sự thật, can đảm nhận lãnh trách nhiệm. Tình yêu quê hương, đồng loại đích thực, nền tảng của sức mạnh đấu tranh quá khứ, dù dã tràng chỉ cống hiến, đóng góp hoài công, cũng không thể không là giấc mơ manh nha, trường tái.
Biển Đông đã một ngày xe cát
Khuất giạt, mơ lai kiếp dã tràng.
Thân dã tràng bé bỏng mà sức mạnh vô chừng, vì dã tràng có tư tưởng.