văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, February 24, 2020

NGUYỄN HIỀN ĐỨC ¤¤ Thử Sơ Phác Chân Dung ĐỖ HỒNG NGỌC .

¤ Ghi chú: 
BS Đỗ Hồng Ngọc @ Lagi
Một người bạn không quen biết, Phương Bối, đã comment bài viết của Nguyễn Hiền Đức: “Không biết nói sao cho đủ để cám ơn anh Nguyễn Hiền Đức và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Rất trân trọng”. 
Sau đó, tôi còn nhận được những câu hỏi “khó” của vài bạn khác như hồi lên 8 đã biết “rung động đầu đời” thì giờ 80 thế nào? Rồi còn có đề nghị post tiếp những bài viết của Nguyễn Hiền-Đức về Đỗ Hồng Ngọc. Để đáp ứng những yêu cầu đó, dưới đây là phần còn lại.
Thân mến,
ĐHN
    NGUYỄN HIỀN ĐỨC  ¤¤  Thử Sơ Phác Chân Dung ĐỖ HỒNG NGỌC  [tiếp theo]
  1. Nhân sinh quan của Đỗ Hồng Ngọc
Tôi “lượm lặt” từ các cuốn sách, từ các bài viết, trả lời phỏng vấn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để tìm hiểu về nhân sinh quan của ông:
  1. Trong cuộc sống điều quan trọng nhất có lẽ là thấy mình sống có ích, sống hạnh phúc và sống thảnh thơi. Tôi từ chối nhiều lời mời, nhiều “địa vị” khác vì chỉ muốn làm điều mình thích, trong khả năng mình, nhờ vậy mà làm việc gì cũng thấy vui, thấy hăng say. Một người làm việc trong tinh thần bất mãn, không hài lòng với chính mình, căm ghét những người xung quanh hoặc làm việc chỉ vì sợ hãi, vì đồng lương thì rất dễ so đo tính toán, thiếu nhiệt tâm, thiếu sảng khoái… và công việc được giao trở nên một gánh nặng…
  2. Tôi sống theo một triết lý… thảnh thơi, hồn nhiên, có người cho là  ngây thơ nữa. Tôi có điều kiện để làm giàu nhưng tôi chỉ làm… vừa đủ. Tôi theo gương và thích phong cách, lối sống của: Nguyễn Công Trứ: “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc! Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn!” (Biết đủ thì đủ, đợi đủ bao giờ cho đủ? Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?). “Biết đủ dầu không chi cũng đủ / Nên lui đã có dịp thì lui” là hai câu thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị mà tôi rất thích. Tôi luôn nhớ và thực hành lời khuyên của Nguyễn Hiến Lê: “Đừng để nghèo túng, nhưng khi đủ ăn rồi thì đừng ham làm giàu, dành thì giờ làm chuyện khác có ích hơn”. Và với Trịnh Công Sơn: “Nhạc Trịnh với tôi không chỉ để nghe mà để ngẫm, để ngấm. Nhiều ca từ tôi nghĩ phải ở trong thiền định mới thấy được”.
  3. Gia đình là cái nôi đầu tiên của một em bé và sẽ còn tiếp nối trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Nếu gia đình bền vững, hạnh phúc, thì con cái sẽ có chỗ dựa. Cuộc sống bây giờ nhiều gia đình bị lệch hướng, bị xáo trộn, sẽ có ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ thơ và từ đó gây bất ổn cho xã hội. Vì thế, cần thiết phải xây dựng gia đình thành tổ ấm để làm chỗ dựa cho tất cả thành viên…
Bởi chỉ có gia đình mới có thứ tình yêu thương đích thực, mới là bóng mát chở che cho mỗi thành viên. Bởi chỉ có gia đình mới có thể đem lại sự sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, để từ đó mà có được niềm vui và hạnh phúc. Một bữa cơm sum họp, lành mạnh, đạm bạc trong thời buổi ngộ nghĩnh này… đủ đem lại sức khỏe, niềm vui không phải tự trên trời rơi xuống, không phải bỗng dưng mà có vậy!
  1. Đừng bao giờ coi mình là kẻ thù của mình. Hãy biết yêu thương mình, cho nó ăn, cho nó ngủ, và dạy dỗ nó. Nó có hư thì đánh nó vài roi, rồi thương nó nhiều hơn. Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được?
  2. Tiền rất cần cho cuộc sống. Nhưng biết đến đâu là đủ thì phải có ý thức, biết tự hạn chế, không chạy theo đồng tiền, nhất là đồng tiền phi nghĩa. Sự giàu có do đồng tiền phi nghĩa không bền vững, gia đình có thể đổ vỡ, con cái hư hỏng nữa. Phải chọn lựa. Kiếm tiền chính đáng, tiêu dùng chính đáng thì sẽ có được hạnh phúc. Người giàu có là người ít nhu cầu chứ không phải nhiều tiền, vung tiền qua cửa sổ. Bây giờ nhiều bạn trẻ ỷ lại cha mẹ, chạy theo hàng hiệu, rượu, thuốc… tốn kém thật đáng tiếc. Danh vọng cũng vậy. Cũng cần thiết, nhưng phải chính đáng, và phải biết dừng lại đúng lúc, lui về đúng lúc. Nếu danh vọng xây trên năng lực thực sự của mình là điều đáng mừng. Còn “danh vọng” mà xây trên một cái nền giả tạo rất dễ sụp đổ.
  3. Sự thành công nào cũng là kết quả của 95% cố gắng và 5% may mắn, còn vấp ngã thì cũng là một cơ hội. Trong cái rủi có cái may, trong cái vấp ngã có cái mầm của sự… thành công. Vấp ngã, mình càng rèn chí, quyết tâm tự học, đức tính này rất cần cho bất cứ ai.
  4. Phải nhìn thẳng vào cuộc sống vốn “quá đỗi bấp bênh” đó đi đã! Nói khác đi, phải thấy “vô thường”. Thấy và hiểu nó, thương nó. Hiểu nó, thương nó thì không cần phải làm cho nó khổ đau thêm. Trịnh Công Sơn từng viết “Đời tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi đây… Nửa đêm thức dậy / Ngồi ôm tóc dài / Giật mình lau trắng trong tay…”.
Con người sở dĩ khổ đau chính vì lòng “tham” không đáy của mình. Con người hiện đại lại càng tham lam hơn bao giờ hết. Có người đã bán đất trên mặt trăng, có người định làm bất động sản ở hành tinh khác. Khi lòng tham không đạt được thì nổi giận, hung hăng, đấm đá, thì đó chính là “sân”. Sân thì lọt ngay vào địa ngục! Vì sân thì đỏ mặt tía tai, lửa giận bừng bừng, đốt cháy tâm can đó thôi. Mà nguồn gốc sâu xa cũng chỉ vì “si”, vì tưởng rằng… trời đất này là của ta, biển hồ này là của ta, nhân loại này là của ta, tưởng tượng ta trường sinh bất tử, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị…
  1. Không hạnh phúc cũng chính là “chất liệu” của hạnh phúc. Phải trải nghiệm “không hạnh phúc” rồi mới nhận ra hạnh phúc. Hạnh phúc rất đơn sơ. Vấn đề là nhận ra. Nó quanh ta mà nhiều khi ta không thấy biết. Đến khi “mất hạnh phúc” rồi ta mới nhận ra. Cũng như tình yêu vậy. Tình yêu là gì không biết, nhưng khi mất tình yêu thì sẽ nhận ra. Biết sống ở đây và bây giờ, nghĩa là biết sống trong hiện tại, biết nhận ra vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh chính là “thường lạc ngã tịnh”, biết sống với tâm từ bi hỷ xả thì sẽ thấy được hạnh phúc. Ở mặt khác, chân thành, tôn trọng và thấu cảm là những nguyên tắc sống cho người bạn trẻ để tìm thấy hạnh phúc. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minhnhư một câu hát của Trịnh Công Sơn. Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) định nghĩa Chất lượng cuộc sống là một cảm nhận rất chủ quan của mỗi người từ trong nền văn hóa của họ…
  2. Cái quan trọng nhất là thái độ sống của mình, dẫn đến cách sống. Đó là một sự chọn lựa. Đừng chờ đợi hạnh phúc, nó chẳng bao giờ đến, mà phải biết nhận ra hạnh phúc ở đây và bây giờ. Hạnh phúc mới là điều cần thiết nhất cho cuộc sống chứ không phải “thu nhập bình quân đầu người” mang tính vật chất. Nó nằm trong nền tảng văn hóa, liên quan đến thể chất, tâm thần của cá nhân và môi trường chung quanh.
Hạnh phúc có khi sờ sờ ra đó mà ta không hay, cứ lo chạy đi kiếm tìm nơi khác. Hạnh phúc đi rồi hạnh phúc đến rồi hạnh phúc đi, cứ như hơi thở vậy. Cứ để nó đến nó đi. Sinh trụ dị diệt. Vấn đề là làm sao để thấy nó, nhìn ra nó. Hạnh phúc có thể định nghĩa như vậy, sự an lạc thân tâm. Nhưng nên nhớ câu hỏi “Làm thế nào để an trụ tâm, làm thế nào để hàng phục tâm” từ ngàn xưa vẫn còn y đó. Loài người vẫn mãi đi tìm hạnh phúc. Nhiều khi dừng lại thì thấy, nhưng đâu có dễ phải không?
  1. Tôi thường tự hỏi: Tôi khác gì tôi xưa?Xưa là hôm qua, là mười năm trước… Tôi thấy hình như tôi biết thở hơn (chánh niệm), biết ăn và biết… ngủ hơn (kham nhẫn, tri túc). Tóm lại, nhờ tự hỏi như vậy, tôi dần biết “tự tại” hơn. Và từ đó, “từ bi” với mình và với người hơn!
  2. Stress không phải từ bên ngoài. Người ta hay nói đến hoàn cảnh sống căng thẳng, nhưng thật ra, stress từ tâm tị nạnh ganh đua không thiện mà ra. Theo đạo Phật, nghèo hay giàu đều có cách giữ cho tâm lạc. Không được đổ thừa hoàn cảnh. Gọi Phật là “y vương” vì chú ý cả hai: chữa cả bệnh và hoạn. Tôi đã học được điều đó qua lần bản thân bị tai biến mạch máu não phải mổ cấp cứu ở sọ. Khi nằm viện, bác sĩ cho uống rất nhiều thứ thuốc. Tôi biết trong số đó chỉ có vài thứ cần thôi, còn cần chữa thiết yếu là từ nguyên nhân cách sống căng thẳng. Trong kho tàng Phật học, cách điều trị tâm chuyển đổi tâm có kết quả hơn, làm mình thanh thản, sảng khoái hơn.
  3. Bừa bộn là một sự sảng khoái khó có được trong thời buổi này, ở lứa tuổi này.
  4. Văn chương chẳng đã làm cho người ta rướm lệ, cho người ta hả hê vui sướng đó sao? Nói khác đi văn chương có thể “gây bệnh” hoặc “chữa bệnh”, làm cho người ta thêm đau khổ hay làm cho người ta thêm hạnh phúc được lắm chứ. Nhiều thầy thuốc đã trở thành nhà văn vì có dịp tiếp xúc với “con người” một cách tròn vẹn: thể chất và tâm hồn. Những Tchekov, Lỗ Tấn, Somerset Maugham, Cronin… và ở ta cũng không thiếu.
  5. Kahlil Gibran có hai câu thơ thiệt dễ thương: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy / Ta được thêm ngày nữa để yêu thương. Ngày nữa để yêu thương thấy chưa, chớ không phải ngày nữa để oán thù, căm giận. Dù ở thế kỷ nào đi nữa, mỗi sớm mai thức dậy cũng nên “cảm ơn đời” đã cho ta một ngày mới, một ngày mới để yêu thương. Dĩ nhiên thanh niên phải rèn luyện thể lực. “Bắp thịt trước đã”, có một cuốn sách như vậy. Thanh niên mà đi đứng co ro, lụm cụm, bụng to, thịt nhão, sáng sáng ngồi đốt thì giờ trong quán cà phê nhả khói mù trời thì thật đáng tiếc. Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, nhớ không? Sau đó phải thực hiện cho được những dự định đã vạch ra từ… ngày hôm trước. Dĩ nhiên phải chọn ưu tiên, linh hoạt. Cái nào phải làm, cái nào nên làm. Vui mà làm, thích mà làm. Hòa mình với bạn bè chung quanh. Buổi chiều, buổi tối, là cơ hội học tập thêm. Nhiều thứ cần phải học lắm. Ngoại ngữ, vi tính, kỹ thuật chuyên môn. Rồi học một thứ để nuôi dưỡng tâm hồn: văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa… ngay cả làm bánh, nấu ăn, cắm hoa… Một giấc ngủ êm đềm sẽ đến thay vì nhậu nhẹt ở quán bia ôm để rồi sáng mai dậy trễ, uể oải và nhìn mọi người với ánh mắt… mang hình viên đạn!
  6. Kiểu “sống thử” của một số bạn trẻ bây giờ dễ được nam giới ủng hộ, nhưng sẽ là một nguy cơ cho nữ giới. “Thử” thì thử bao lâu, với những ai? Lúc nào thì “thiệt”? Có thể tin nhau được không?… Đời sống có vẻ bấp bênh hơn. Chưa đám cưới đã tính ngày ly dị! Rồi về sinh học. Nhiều em bây giờ lạ. Hồi xưa, nam “râu hùm hàm én” thì cần một người yểu điệu thục nữ, còn nữ thì cần một nam nhi đúng nghĩa. Bây giờ hình như khó tìm hơn… Nhưng khuynh hướng tính dục không phải do mình muốn. Vậy phải tôn trọng nhau. Không ai hoàn hảo. Cuộc sống cần chút liều lĩnh, “mắt nhắm mắt mở” nữa… Vả lại, con người luôn thay đổi, khi sống với nhau, người ta có thể dần dần ảnh hưởng đến nhau.
  7. Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi trí óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng “điên cái đầu”. Hãy tự tại hơn để từ bi hơn!
  8. Phải luôn luôn rèn luyện ý chí và nghị lực. Phải coi trọng việc tự học,  và tự học phải có phương pháp, đọc nhiều các loại sách đã được chọn lọc kỹ. Nhưng không chỉ đọc, chỉ học mà phải hành. Có khi phải khắt khe với mình một chút. Nghị lực sẽ tăng tiến dần. Và từ đó mình mới tự tin hơn. Viết văn, dạy học cũng là một cách học.
  9. Tôi chỉ viết những gì mình thực sự trải nghiệm. Viết là cách chia sẻ kinh nghiệm chứ không phải từ sách vở mà ra. Khi viết, tôi luôn tưởng tượng như có độc giả đang ở trước mắt mình và đang trò chuyện với mình. Có lẽ kiểu viết như thế làm cho người đọc cảm nhận được người viết và độc giả có sự gần gũi, chia sẻ, trao đổi một cách chân thành với nhau, không kiểu cách, xa lạ.
  10. Cái gì biết nói biết, cái gì không nói không. Trong sự giao tiếp, cần nhất là sự chân thành, sau đó sự tôn trọng, và thấu cảm. Khi thấu cảm, tức là đặt mình vào vị trí của người, ta sẽ rất dễ gần gũi, chia sẻ và được chấp nhận.
  11. Ai cũng có những lúc đau buồn, tức giận, chông chênh… trong cuộc sống riêng, nhưng cũng phải vượt qua thôi. Những năm có tuổi, nhất là sau đợt bị tai biến, tôi nghiên cứu sâu và thực hành Thiền, thấy có nhiều hiệu quả, góp phần giải stress và giữ đời sống cân bằng hơn.
Có những đau khổ phải biết cách chấp nhận. Nói là thời gian sẽ giải tỏa, thật ra cũng chả nguôi ngoai. Sự an ủi tốt hơn là hiểu nguyên lý cuộc sống, hiểu sinh – tử.
  1. Nhỏ thì thích dấn thân, khi có tuổi thì thích an nhàn và về… già thì say mê nghiên cứu Phật học, để ứng dụng vào đời sống, vào nghề nghiệp! Học nhiều mới đã, mới sướng. Bây giờ có tuổi cũng không biết mình già, vẫn còn ham học lắm. Chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đàn em là ước mơ lớn nhất… vì đó cũng là cơ hội để học hỏi.
* * *
Đến đây, đọc lại nhiều lần bài viết này, thấy rằng mình đã cố gắng làm được mỗi một việc là ghi ghi, chép chép, tổng hợp và lắp ghép nhiều mảnh, nhiều chi tiết để hình dung đôi điều về chân dung Đỗ Hồng Ngọc. Tôi biết rất rõ những hạn chế lớn của mình khi phải làm một việc quá sức này. Vì vậy, tôi lại phải “vịn” vào người khác, mượn lời của người khác mà thưa xa thưa gần với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Rằng, nhà văn Hồ Anh Thái trong bài Chân dung người chưa gặp in sau phần Lời nói đầu cuốn Nắng và Hoa của Giáo sư Cao Huy Thuần, có đoạn viết: “Đọc Nắng và Hoa, tôi hình dung ra đôi nét chân dung tác giả Cao Huy Thuần như vậy. Cứ bằng kiến thức triết học Phật giáo mà ông rất thấm nhuần, có lẽ ông sẽ thấy chân dung đó là mình mà chẳng phải mình. Ông đã từng bảo: “Tôi vốn không bao giờ cãi khi người khác nói tôi thế này thế nọ. Không cãi, vì cãi là mắc vào cái bẫy. Cái bẫy của chữ là. Tôi không trắng không đen, cũng không vừa không đen không trắng. Nhưng tôi cũng có trắng có đen… Là cái gì, tùy bạn. Tôi chỉ biết rằng tôi như thế thì tôi nhẹ nhàng trong cuộc đời. Như mây”. (Nắng và Hoa, NXB Văn hóa – Văn nghệ, tái bản lần thứ hai, quý IV. 2013, tr. 13).
Tôi cảm thấy an tâm hơn, trước khi khép lại cái tạm gọi là sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc. Vì Cao Huy Thuần và Đỗ Hồng Ngọc là hai người bạn thân thiết, tri âm tri kỷ, đồng bệnh tương lân.
Vâng, tôi nghe như vầy, thưa bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Kính trình,
Nguyễn Hiền-Đức